Catégories
Prose

LYCÉE XƯA

Hoàng Thi Trang (BP70)

.

. Kính tặng các Thầy Cô

Mến tặng các Anh, Chị và các Bạn

.

Những người đã từng được đi học, dầu trong thời gian dài hay ngắn, mấy ai không có trong tâm tưởng hai chữ “trường cũ” hay “trường xưa”. Hình ảnh của “trường xưa” trong hồi ức của hầu hết mọi người có lẽ là những khoảng sân chơi, những hàng cây, những dãy lớp nhỏ lụp xụp trong mưa gió, hay những dãy hành lang rộn tiếng nói cười bao quanh những phòng học rộng và thoáng mát. Dầu nhỏ bé nghèo nàn, hay rộng lớn nguy nga, ngôi trường nào cũng gắn liền với một quãng đời nào đó và có một vị trí riêng trong trí nhớ của từng người : Trường tiểu học A, trường trung học B, trường tư thục C…Riêng đối với tôi và hầu hết các bạn cùng trường, tuổi thơ, tuổi nhỏ và tuổi mới lớn của chúng tôi đều trôi qua trong một ngôi trường DUY NHẤT có cái tên bằng tiếng Pháp thật lạc loài trong danh sách của các trường trong tỉnh nhà, như chính chúng tôi cũng đã từng lạc loài trong giới học sinh lúc bấy giờ, vì chúng tôi là “dân trường tây”.

Hai chữ “trường tây” có lẽ bắt nguồn từ cái tên đầu tiên của trường, ”College Francais de Tourane”. Trường do người Pháp thành lập nên có tên “trường Pháp” hay “trường Tây” là chuyện đương nhiên. Về sau, khi tôi bắt đầu lên trung học, trường đã được đổi tên, tên của một triết gia và khoa học gia người Pháp, người nổi tiếng với tư tưởng “con người là cây sậy biết tư duy”. Tuy trường đã thay tên, chúng tôi vẫn bi xem là “dân trường Tây mất gốc”( ?), vì thầy cô của chúng tôi đa số vẫn là người Pháp. Ừ, thì cũng được. Có sao đâu ? Đã là những cây sậy thì sợ gì khi phải mang tên này hay tiếng kia ? Miễn sao những cây sậy vẫn biết tận hưởng khí trời, ánh sáng và mây sương để vươn lên trên mảnh đất quê hương chúng đã bám chặt rễ. Thành phố Đànẵng là mảnh đất đó, chúng tôi đã lớn lên ở đó, bên bờ sông Hàn, và trong ngôi trường mang tên Lycée Blaise Pascal.

Lycée Blaise Pascal de Da Nang - 93.4 koLycée Blaise Pascal de Da Nang

Không biết những người khác, khi nhớ về trường, thường nhớ về cái gì. Riêng tôi, khi ngồi xuống bắt đầu viết những giòng này, tôi nhìn thấy ngay chiếc cổng trường uy nghi màu trắng, và cái bảng tên trường đã đi vào ký ức của chúng tôi. Chiếc cổng bề thế, to lớn đã khiến tôi cảm thấy thật nhỏ bé mỗi khi bước ngang qua. Chiếc cổng đó, giống như bao chiếc cổng trường khác, sáng sáng đã mở ra để đón chúng tôi nhịp nhàng chân sáo, trưa trưa lại mở ra để lũ chim sáo lao xao bay về tổ. Mấy ai trong chúng tôi không nhớ những cảnh đưa đón, hay chờ bạn, chờ người nhà trước cổng trường ? Mấy ai không nhớ những khoảnh khắc bịn rịn mỗi khi hè đến ? Mấy ai không nhớ những ngày hè, sân trường hắt hiu, cổng trường đóng kín ? Mấy ai không nhớ cảnh trường hồi sinh, xe cộ tấp nập, những lúc vào thu ? Chiếc cổng trường ngày ngày đã mở ra và khép lại từng trang buồn, vui, hy vọng, mộng mơ hay lo lắng của đời học sinh. Chiếc cổng trường đó, tưởng rằng sẽ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, sẽ đứng vững với thời gian, nay đã không còn nữa, và dần dần nhạt nhòa trong những tấm hình màu giấy đã ngã vàng theo năm tháng. Cũng may, với những kỹ thuật vi tính tối tân và sự tận tình của một số cựu học sinh, những hình ảnh đó đã được lưu giữ lại cẩn thận trong các trang mạng của trường, để thỉnh thoảng chúng tôi còn có dịp nhìn ngắm và tìm kiếm.

bureau du proviseur - 46.3 kobureau du proviseur

Chiếc cổng đó mở ra một khuôn viên màu xanh, với những tường rào trắng vây quanh, những hàng lan đất mọc dày đặc ven rào, và những cây cổ thụ đã một thời tỏa bóng mát lên tâm hồn thơ trẻ của chúng tôi.

Chiếc cổng đó mở ra một lối mòn thân quen dẫn lên con dốc nhỏ, và đó đây ẩn hiện những ngôi nhà, cái kiểu mới, cái kiểu xưa. Dầu đã qua bao nhiêu năm, nhắm mắt lại tôi vẫn có thể hình dung rõ ràng vị trí của từng nơi, từng chỗ : nhà gác gian, phòng giáo sư, phòng hiệu trưởng, những dãy lớp tiểu học, những dãy lớp trung học, nhà để xe, những lối mòn, những gốc cây, những chiếc ghế đá. Tưởng như vẫn còn đâu đó những dãy hành lang, những góc sân, những góc vườn đã in dấu bước chân của bao lứa học sinh, những bước chân tung tăng, nghịch ngợm, đến một lúc nào đó bỗng trở nên tề chỉnh, dè dặt, và đôi khi bỗng vô cớ ( ? ! ) líu ríu , ngập ngừng .

Trường tôi đó, không tòa ngang dãy dọc, không lộng lẫy, nguy nga. Thế nhưng, mấy ai xa trường mà không lưu luyến cái không gian màu xanh đã nuôi dưỡng tâm hồn mình ? Mấy ai không nhớ con dốc nhỏ và chiếc cầu ? Có những buổi sáng rất hiếm hoi, Đà Nẵng đột nhiên có sương mù, nhìn từ cổng trường, con dốc và chiếc cầu đẹp như những chấm phá tây phương trong một bức tranh thủy mạc. Bên trái con dốc là dãy lớp dành cho đệ nhất cấp, lối kiến trúc trông mới mẻ, so với vẻ cổ xưa của ngôi giáo đường nhỏ và phòng thí nghiệm ở phía bên phải. Tôi rất thích khoảng sân nhỏ với hai cây sứ trước phòng thí nghiệm. Đến mùa hoa, hoa sứ nở trắng cây, rơi rụng đầy lối đi và những bậc thang dẫn lên phòng thí nghiệm.

le laboratoire - 63.5 kole laboratoire

Ước gì còn được trở về một lần, bước chầm chậm qua đó, để đón một thoáng hương sứ nồng nàn trong nắng sớm.

Chiếc cầu nhỏ trên đầu dốc là nơi chia cách cái thế giới nhốn nháo của “bọn nhóc” và cái thế giới… kỳ bí của “mấy anh chị lớn”. Chiếc cầu bắc ngang qua một cái hào rộng, chen chúc cỏ cây. Mấy ai trong chúng tôi không mong chóng đến lúc được bước qua cầu mỗi ngày, để được ngoái nhìn lại “bọn nhóc” dưới kia ? Có lẽ sự hiện diện của chiếc cầu là nét đặc thù của trường tôi, nên nó được chăm sóc một cách đặc biệt. Giờ chơi nào cũng có… những “kiện tướng” đứng gác. Đi ngang qua cầu, tức là phải đi ngang qua hàng chục “luồng nhãn lực”, có thể làm quấn quít bước chân ; vì vậy, các nữ sinh ít dám… vượt cầu trong những giờ chơi. Cứ thế, năm này đến năm khác, nhiều “kiện tướng” đã … chiếm hữu chiếc cầu, và khi xa trường, có lẽ đã để lại bên cầu không ít những nhớ thương, hay những mảnh tình không ngỏ !

Tôi xa trường từ năm 1970 và ít khi trở về thăm trường, vi trường lúc bấy giờ cũng đã thay tên. Sau tháng tư năm 75, có lẽ vì giòng xoáy của cuộc sống mới, tôi cũng không nghĩ đến chuyện về thăm trường. Cho đến khoảng gần cuối thập niên 70, trong một dịp nào đó, do công việc thì phải, tôi tình cờ trở về trường

Cảnh vật quả thật đã khác xưa rất nhiều. Chiếc cổng và tường rào chắn quanh trường vẫn còn đó, nhưng màu vôi nhớp nháp ; và bảng tên trường – sau này là “Trung Tâm Giáo Dục Nguyễn Hiền” đã bị gỡ bỏ, có lẽ đã từ sau tháng tư 1975.

Tôi đứng lặng trên đầu con dốc thân quen cũ, ngó quanh quất và nghe thấm thía những mất mát.Hai chiếc ghế đá vẫn còn đó, nhưng xiêu lệch, mặt ghế bị sứt mẻ nhiều chỗ. Dãy phòng đệ nhất cấp vẫn còn đó, vẫn được xử dụng nhưng cũng không kém vẻ cũ kỹ. Tôi lần bước về hướng phòng thí nghiệm. Bực cấp và hai cây sứ vẫn còn đó, hoa sứ vẫn đang nở, đây đó vẫn thoang thoảng mùi hương hoa, nhưng sao lòng tôi vẫn nghe hiu hắt. Nhìn xuống những dãy lớp tiểu học, hình như đang có người ở, vì quần áo được phơi đó đây chung quanh những dãy nhà tiền chế. Ôi, những lớp học thời tuổi nhỏ của chúng tôi ! Tôi ân hận vì trước kia đã không trở về trường thường xuyên hơn. Khoảng sân cỏ dùng cho những giờ thể dục, những cuộc thi đấu, những trận đá bóng vẫn còn đó, nhưng nay chỉ là khoảng sân trơ nhẵn, hầu như không còn cỏ, và có lẽ không mấy người lai vãng. Bên trái sân cỏ, ngôi giáo đường nhỏ vẫn còn đó, màu vôi loang lổ trong nắng chiều, khiến cảnh vật càng thêm tiêu điều. Tất cả đã thật sự khác xưa, khác rất xa !

Sau lần tình cờ về thăm trường cũ đó, tôi đã viết :

“Nếu có về, xin em giùm bước khẽ
Giùm nâng niu những dư ảnh một thời,
Đừng thảng thốt nếu bước chân lạc lối
Giữa hoang vu của bao cảnh đổi dời !”…

Bài thơ khá dài, nhưng vì một sơ xuất kỹ thuật tôi đã làm mất nó. Hỏi thăm bạn bè, những người tôi đã cùng chia sẻ bài thơ, cũng không ai còn giữ. Có muốn chép lại, cũng không nhớ, có muốn viết lại, cũng không thể. Khi bị mất bài thơ, tôi rất buồn, vì nó đã ghi lại tâm trạng của tôi lần trở về đó. Có điều, tôi không bao giờ ngờ rằng mất bài thơ đó chỉ là dấu hiệu của những mất mát lớn hơn sau này. Có nhiều cảnh đổi dời còn làm đau lòng hơn !

Vài tháng sau khi đến Mỹ, tôi gặp lại HTN, một cô bạn cũ cùng lớp từ thời tiểu học. Cô bạn đem tặng tôi một tập hình ảnh ngày xưa và bây giờ của các thầy cô và học sinh cùng một số địa chỉ liên lạc. Tôi lần dở từng trang tập “Annuaire des Anciens”, nhìn ngắm những hình ảnh ngộ nghĩnh của bạn bè và của chính mình ngày xưa, bồi hồi nhớ lại từng khuôn mặt, từng ánh mắt, từng nụ cười, và xúc động, muốn rơi nước mắt. Tập ảnh này là tâm huyết của một vị thầy đáng kính, thầy Jean-Claude Bressieux.

M. Ferrand, M. Bressieux - 29.7 koM. Ferrand, M. Bressieux

Tuy xa trường, xa Việt Nam đã nhiều năm, thầy vẫn giữ lại những hình ảnh mà có lẽ chính chúng tôi cũng không còn giữ, để bây giờ có thể trao đến tay chúng tôi những tập ảnh quý giá như thế. Những nỗ lực muốn kết nối quá khứ và hiện tại, kết nối tình thầy trò và tình bạn giữa chúng tôi đã nói lên những gắn bó của thầy với một ngôi trường nhỏ nay đã mất tên, và tấm lòng của thầy đối với lũ học trò của một thời. Trong giáo giới nói chung, có được bao nhiêu thầy giáo hay cô giáo hàng năm vẫn nhớ gửi lời chúc sinh nhật đến từng đứa học trò cũ ? Tôi cũng đã có một thời đứng trên bục giảng, đã từng tự hào là một người yêu nghề, yêu học trò, nhưng ngay cả khi còn gần gũi các em, tôi chẳng bao giờ để ý đến, chứ đừng nói gì là nhớ được ngày sinh của em nào, kể cả những em học sinh xuất sắc. Thầy Bressieux thì khác, năm nào mỗi học sinh của thầy cũng nhận được lời chúc sinh nhật từ thầy qua điện thư, những lời chúc ngắn gọn, làm ấm lòng và thường khơi dậy trong chúng tôi hình ảnh một thời Lycée xưa. Ai dám bảo người Tây phương không giàu tình cảm ?

Càng biết được tin tức hay có dịp liên lạc, gặp gỡ một số bạn bè, một vài thầy cô, tôi càng thấy nhớ trường. Những lần về Việt Nam, có lúc tôi đã muốn ghé qua trường, nhưng rồi dùng dằng, lại không muốn đi, nhất là khi nghe nói trường đang bị đập phá để xây dựng một cái gì đó. Đã quá đủ rồi, những hụt hẫng, những ngậm ngùi của năm nào. Và tôi đã không đi, không muốn đi tí nào.

Cho đến lần về thăm nhà vừa rồi, một hôm, khi cô em dâu chở tôi đi dọc con đường ngày xưa có tên là đường Độc Lập, nhìn về bên trái, phía đối diện với một cao ốc lạ, tôi bỗng thấy cảnh vật quen quen. Khi tôi hỏi đây là chỗ nào, sao thấy quen quen, cô em bật cười : “Chị không nhận ra à ? Chỗ này là phía trước trường của chị đó, trường của chị ngày xưa đó ! Tôi bảo cô em dừng xe, rồi bước xuống, đi lùi lại. Trường tôi đây ư ? Tôi đi mãi đến góc đường Gia Long và Độc Lập. Thật đúng rồi. Đây là khuôn viên của trường tôi ngày xưa. Nhưng bây giờ ở đó là một cao ốc, có lẽ là cao ốc lớn nhất, và tân kỳ nhất thành phố, một tòa cao ốc kiểu mới, trông thật lạ lẫm, lạc loài trên một góc trời Đà Nẵng, và khung cảnh xưa chẳng còn gì ngoài con đường dốc thoai thoải bên hông tòa nhà. Có lẽ người ta chưa kịp san bằng, nên tôi còn nhận ra được một chút gì của ngày xưa.

Bây giờ, nếu muốn làm thơ, tôi sẽ không khuyên bạn bè bước chầm chậm để tìm những dư ảnh. Tôi sẽ viết :

Nếu tình cờ có về ngang trường cũ,
Bước loanh quanh trong quạnh vắng bốn bề…
Đừng ngoảnh lại, đừng kiếm tìm quá khứ,
Vàng son một thời, rồi cũng qua đi !

Đúng thế, đã qua rồi, đã mất dấu thật rồi thời vàng son của một Lycée xưa. Sự hụt hẫng của tôi trong lần về thăm trường năm xưa đâu có sá gì, so với những bàng hoàng, những ngậm ngùi của tôi hôm nay. Thật hạnh phúc cho những ai khi nhớ về trường cũ, còn có thể rủ nhau về chốn xưa để tìm cảnh, tìm người. Chúng tôi bây giờ, khi nhắc đến trường, đến thầy cô, đến bạn bè, chỉ có thể nương vào hồi ức của nhau, và những mảnh hồi ức này cũng đang vơi dần theo năm tháng chồng chất của tuổi đời. Đáng buồn thay !

Năm 2004, khi trường tổ chức họp mặt ở San Jose, tôi được giao công việc trang trí một số hình ảnh. Dưới những hình ảnh ghép lại thành toàn cảnh trường nhìn từ bên ngoài, tôi đã dán câu : “Niềm thương dù cho xa cách muôn trùng không phai mờ…” (Tìm Đâu của nhạc sĩ Nguyễn Hiền) Chẳng phải thế sao ? Đã qua bao năm tháng, Lycée vẫn là niềm thương mến, là nỗi tự hào của chúng tôi. Những hồi ức có phôi pha theo thời gian, nhưng niềm thương mến đối với Lycée không thể phai mờ. Sân trường Lycée ngày xưa có khá nhiều cây cổ thụ. Thế nhưng, đối với tôi, Lycée tự nó là cây cổ thụ lớn nhất, tỏa thật nhiều bóng mát xuống đường đời của mỗi chúng tôi. Bóng mát đó tưởng như mỗi năm mỗi thu hẹp lại. Mỗi lần được tin một vị thầy hay cô giáo cũ qua đời, cây cổ thụ Lycée của chúng tôi như vừa mất thêm một cành lớn. Mỗi lần có tin một học sinh cũ nằm xuống, cây cổ thụ Lycée của chúng tôi như vừa rụng thêm một chiếc lá. Còn có những chiếc lá đã bay tứ tán khắp bốn phương. Thế nhưng, mỗi khi nhìn lại các hình ảnh, đọc lại những đoạn văn, những bài thơ, những đoạn ghi chép về các thầy cô, những lời chia buồn hay cầu nguyện của những người bạn đã từng quen biết hay không quen biết một người nào đó vừa ra đi, bóng mát dường như lại lan rộng.

Khi anh tôi qua đời, tôi nhận được những lời chia buồn từ một vài người tôi cũng không biết là ai. Một bậc đàn anh đã khiến tôi thật xúc động khi đọc những gì anh ấy viết. Xin được tạm dịch : “Vì xa trường trước đó đã lâu, tôi không quen biết người này… nhưng có gì quan trọng đâu ? Chỉ cần có duyên may, một khoảng thời gian nào đó của tuổi trẻ, đã từng được ngồi trên cùng những chiếc ghế trong cùng một ngôi trường thì một thoáng tình bạn nào đó đã nối kết những người này với những người kia…” (Hoàng Văn Nam BP60)
Đúng thế ! Có gì quan trọng đâu. Chúng tôi như những chiếc lá lưu lạc tứ phương, nhưng là những chiếc lá đến từ một cây cổ thụ lớn.

Ngôi trường lycée đã thật sự mất dấu, nhưng CÂY CỔ THỤ LYCÉE vẫn còn đó, và hai chữ “LYCÉE XƯA”, đọc lên, thốt lên, nghe vẫn rất DỄ THƯƠNG và vô cùng THÂN QUEN. Chẳng phải thế sao ?

.

San Jose 8/31/2015
Hoàng Thi Trang (BP70)

.

.

Catégories
Prose

Con Dê Chín Mùi

Dang Tien (BP60)

.

Miền thôn dã quê tôi thường nghe câu hát ru em âu yếm và lạ lùng :

Ru em buồn ngủ buồn nghê
Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi (muồi)
Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi,
Con dê chín mùi làm thịt em ăn.

Lời ru thân thuộc, ngọt ngào lẫn chút huyền bí lảng đảng giữa những giấc trưa quạnh vắng. Ý nghĩa của nó chờn vờn trong ánh nắng, gắn bó với bóng tre, đụn rơm, đọt xoài, lá mít. Câu hát dỗ dành giấc ngủ trẻ thơ, phất phơ một ít mộng mị người lớn, là thành phần một thực thể thôn trang. Nó hồi âm cuộc sống, thực tế và tâm linh. Tách rời khỏi môi trường “một buổi trưa không biết tự thời nào“ “1 thì câu hát vô nghĩa, vô lý – trừ phi ta cố công phân tích từng hình ảnh thành biểu tượng, tách lìa ra khỏi trí tưởng đơn giản của nông thôn.

Giáo sư Bửu Cầm, tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, năm 1962, có đưa ra giả thuyết : đây là câu hát vọng lên từ thuyền đò :

Ru con buồn ngủ buồn nghê
Con này mới théc (ngủ) con tê dậy rồi

Lời ru chập chờn lênh đênh trên sông nước, và ngọn gió vô tình đã thổi lệch đường viền của những âm hao, tạo ra những con dê chín mùi.

***

Năm Mùi, còn gọi là năm Vị : Mùi, Vị (năm, viết với bộ mộc) là hai từ đồng nghĩa, nhưng có thể xem như một từ với hai cách phát âm khác nhau : vị là cách đọc hán việt, mùi là cách đọc việt xưa (hay cổ Hán Việt có từ thời Đường). Còn mùi, vị hiểu theo nghĩa cảm xúc bằng mũi và lưỡi là hai từ khác, và khác nghĩa, tuy cùng một gốc từ nguyên. Ngày nay, trong tiếng Hán Việt,(không phải thuần Việt) chữ mùi chỉ có nghĩa niên lịch, ngày giờ, còn chữ vị thì thông dụng và kết hợp rộng rãi hơn.

Tiếng Việt nói : Ất Mùi hay Ất Vị, nhưng không nói tuổi Vị, giờ Vị.

***

.
Dê là một biểu tượng phong phú, xuất hiện lâu đời từ thời tiền sử loài người, trong đời sống vật chất và tâm linh. Sách Lĩnh Nam Chích Quái ở chương đầu tiên, về họ Hồng Bàng, đã kể lại rằng từ thời xa xưa ấy, người Việt trong hôn nhân, đã biết « giết trâu dê làm đồ lễ ». Nghĩa là con dê đã được nuôi làm gia súc và sử dụng vào việc tế lễ, nhưng không lấy gì làm bằng. Sử sách ghi lại rằng, thời Hán, 200 năm trước công nguyên, Lữ Hậu đã cấm xuất khẩu ngựa cái và dê cái sang Nam Việt để giới hạn việc chăn nuôi ở phần đất do Triệu Đà chiếm cứ.

Vào giữa thế kỷ 16, trong bài Đào Nguyên Hành, Phùng Khắc Khoan (1528-1613) tục gọi Trạng Bùng đã tả cảnh nông thôn Việt Nam :

Trâu bò, gà lợn, dê ngan,
Đầy lũ đầy đàn, rong thả khắp nơi.

***

Từ Đông sang Tây, biểu tượng dê phong phú và phức tạp. Từ dê đực sang dê cái hình tượng đã đổi giá. Dê cái là hình ảnh đáng kính yêu trong các huyền thoại phương Tây, là nghĩa mẫu của thần Zeus, là bóng dáng con người gian nan vượt núi trèo non đeo đuổi cuộc sống và lý tưởng ; sừng dê cái biểu tượng sức sản sinh phồn thịnh.

Ngược lại, dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tính dục. Một chàng dê có thể đơn thân độc cước phục vụ cho cả đàn dê cái mà không mấy cực nhọc. Trong các xã hội xưa, đạo đức và tôn giáo tìm cách kìm hãm bản năng tính dục, thì sinh lực của chàng dê bị bêu riếu, phê phán, bị sử dụng như một thứ « dê tế thần, dê sứ giả » (bouc émissaire, scapegoat) để ổn định xã hội. Trong khi đó, thịt dê vẫn được trân trọng « rượu nồng dê béo » vì được xem như có chất bổ dương. Chê cười dê, nhưng mong khỏe như dê.

Người đàn ông hiếu dục, Tây phương gọi là Satyre, Việt Nam gọi là dê, dê xồm, dê cụ, dê được dùng làm động từ « dê gái ». Trong trò chơi đánh đề, mỗi con số đề có vẽ hình một súc vật : số 35 kèm hình con dê : do đó « băm lăm » có nghĩa là hiếu sắc. Và hình tượng dê, trong nghĩa tiêu cực, chỉ áp dụng cho đàn ông. Đàn bà thì gọi là ngựa. Nghiệm cho cùng hai con vật đều bị hàm oan. Con người cũng là hàm oan của quyền lực : các đấng thần linh, mẫu hậu, đế vương thì không ai dám nói rằng dê rằng ngựa.

Trong huyền thoại Hy Lạp con dê đực còn là hình tượng của thần Pan, thủy tổ của mục đồng, ngày xưa là kẻ chăn dê ; Pan sống trên non cao, thổi sáo làm bằng ống sậy để tưởng nhớ giọng nói của người yêu đã lẫn hồn vào lau lách. Dê còn làm hình tượng cho Dionyos, thần chủ của rượu nho, mặt nạ và sân khấu, do đó bi kịch, một thể loại văn học lớn lao của nhân loại, tiếng Hy Lạp là tragôidia bắt nguồn từ tragos, nghĩa là con dê đực. Vậy bi kịch là khúc dương ca, nói cho văn chương. Gọi là tiếng be he thì là vô lễ, nhưng không phải là vô lẽ.

Trong tín ngưỡng dân gian, con dê có mặt trong bảng tử vi phương Đông lẫn phương Tây. Trong lịch Trung Quốc, dê tượng trưng cho năm Mùi ; trong lịch phương Tây, Dê tên là Ngư Dương sừng dê đuôi cá : capricorne là một trong 12 chòm sao trên hoàng đạo, ứng vào ngày đông chí ở Bắc bán Cầu : ngày bắt đầu dài. Trong niềm tin dân gian, đây là điềm lành.

***

Trong điển cố phổ biến, có chuyện vua Tấn Vũ Đế đi xe dê vào hậu cung và các cung nữ rắc lá dâu trộn muối để cho dê dừng lại. Nên Nguyễn gia Thiều (1741-1791) trong Cung Oán Ngâm Khúc đã có câu :

Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào

và nhiều lần dùng chữ hán dương xa.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) không cần dùng đến điển cổ ngoại nhập, mà chỉ xử dụng thành ngữ treo đầu dê bán thịt chó : Lận thế treo dê mang bán chó
Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền

(Lận nghĩa là lừa dối, trong từ gian lận, biển lận) câu thơ đồng thời chứng tỏ thành ngữ nói trên phải có từ lâu, và con dê là món hàng phổ cập.

***

Lê Thánh Tông (1442-1497) đã có hai bài Vịnh Tô Vũ , trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập :

Biển bắc xuân chầy dê chẳng nghén
Trời nam thu thẳm nhạn không thông

Phải chăng đây là lần đầu, con dê, và tên dê, xuất hiện trong văn học quốc âm, nếu quả thật là thơ Hồng Đức. Vì bài này lại thấy trong truyện nôm Tô Công phụng sứ, khuyết danh, gồm có 24 bài đường luật, tương truyền có từ thời Mạc, thế kỷ 16, nhân chuyện Lê quang Bí đi sứ Trung Quốc, bị nhà Minh giữ lại 18 năm ở Nam Ninh, giống Tô Vũ ; truyện có những câu hay :

Hơi dê hãy ngấu manh tơi lá
Tuyết nhạn còn in cái tóc lông

Ý nhắc hoàn cảnh người chăn dê sống chung với dê, quần áo đượm mùi dê, lông tóc trắng màu lông nhạn nơi Bắc Hải.

Trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập, còn có hình ảnh con dê độc lập, đi thẳng từ thiên nhiên vào thi ca, mà không qua điển cố văn học, trong bài Tương Phùng :

Ong già buông nọc châm hoa rữa
Dê yếu văng sừng húc dậu thưa

Nếu quả thực là tác phẩm Lê Thánh Tông, hay một người nào khác trong nhóm Tao Đàn, thì câu thơ Việt Nam, từ thế kỷ 15 đã sắc cạnh, súc tích và hiện đại. Nó sẽ tái sinh trong hai câu cuối một bài thơ được gán cho Hồ xuân Hương, đầu thế kỷ 19, Mắng học trò dốt :

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa

Hai câu trước chỉ được phần đanh đá. Hai câu sau giàu hình tượng sắc sảo, nhưng không do Hồ xuân Hương sáng tạo ; bà có công điều chỉnh một số chữ nôm tinh vi và tinh quái. Đặc biệt câu cuối hàm súc, đa hiệu. Tách rời khỏi văn cảnh và câu chuyện mắng mỏ người khác, dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa có thể mang ý nghĩa khác, đa mang chút âm hao u hoài, xa vắng.

***

Truyện Nôm Lục Súc Tranh Công của ta cũng dựa theo sử sách Tàu, chứ thật ra việc nuôi dê không mấy phổ biến. Trong truyện ngụ ngôn nói trên ra đời tại Huế, vào thời nhà Nguyễn, con dê chỉ được sử dụng trong việc tế lễ :

Dê vốn thật thuộc loài tế lễ
… Để hòng khi tế thánh tế thần,
… Hễ có việc lấy dê làm trước,
Dê dâng vào người mới lạy sau.

Nhưng lịch sử, tình cờ, đã tạo hai hình ảnh dê thật đẹp trong thơ Bùi Giáng và Lê Đạt.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã đưa Bùi Giáng đi “chăn dê một đoạn đời 15 năm ở núi đồi Nam Ngãi Bình Phú“, như ông kể lại trong bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ (Mưa Nguồn – 1962). Một bài thơ hay, thi vị và đằm thắm. Đàn dê trong thơ Bùi Giáng tự do nhảy múa, tha hồ be he, bé hé, bế hế, bê hê, tung tăng những bộ lông rực rỡ, trong chiếc vòng nhiều màu sắc do nhà thơ thoăn thoắt bện :

Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này đây em Hoa Cà hỡi ! chiếc nâu.

Và nhà thơ bỏ công ghi chú : Dê Hoa Cà có sắc lông lổ đổ tía hồng xem như hoa cà vậy. Đẹp vô cùng. Nhất là buổi chiều, sắc lông óng ả dưới nắng vàng – xa xa hình bóng dê rực rỡ bổi bật trên sườn núi xanh lơ. Dê Hoa Cà còn gọi là Dê Sao, vì lông lổ đổ sáng như sao… … Cái lần đầu, thuở 20 tuổi trao cái vòng ngọc cho vị hôn thê mà không cảm động bằng lần đeo vòng cho dê vậy (tr.151).

Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi.
Vòng em xong, vòng anh dành riêng chiếc
Dành riêng mình – dê hỡi hiểu vì sao ?
Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với dê Sao. Nhìn anh đây các em Vàng Đen Trắng
Tía Hoa Cà lổ đổ thấu lòng chưa ?
Từ từ đưa chiếc vòng lên thủng thẳng
Anh từ từ đưa xuống cổ đong đưa

Và giờ đây một lời thề đã thốt
Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
Cao lời ca bê hê em cùng thốt
Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha.

Về vẻ đẹp của một loài súc vật, và tình người với nó, tưởng trong văn học không mấy khi có những trang đằm thắm và tráng lệ như trong thơ Bùi Giáng.

Mươi năm trước, Bùi Giáng đã tự nguyện đi chăn bò, chăn dê trên rừng núi Trung Trung Bộ. Mươi năm sau, nhà thơ Lê Đạt bị khổ sai làm một việc tương tợ, trong chương trình lao động cải tạo sau vụ án Nhân văn Giai Phẩm, tại vùng đồi núi Chí Linh, Bắc Bộ, từ tháng 8-1958 đến tháng 2-1959. Phải chăng trong thời kỳ này ông đã sáng tác, hay thai nghén bài Ông cụ chăn Dê trong tập thơ Bóng Chữ (1994) mở đầu bằng chân trời mông lung :

Ông cụ mịt mù dê phía núi
Ríu rít làng và khói xóm lưng

Thơ Lê Đạt tân kỳ, đôi khi cầu kỳ, nhưng có nhiều đoạn trong sáng :

Đàn dê bỏm bẻm trăng
Mấy lũn cũn dê con
Chân tân tất trắng
Vểnh râu thang gọi
Be he ông

Bỏm bẻm trăng là một hình ảnh sáng tạo độc đáo, vừa cụ thể vừa thơ mộng, gợi hình : một khuôn mặt già hom hem, nhá bánh tráng nướng, đối lập với đám dê lũn cũn – mà Hồ xuân Hương gọi là “dê cỏn“ – chân tân tất trắng. Từ ngữ “tân tất“ mới mẻ, táo bạo, sang trọng. Có lúc Lê Đạt đồng hóa đàn dê với sao trời, hay “Bóng Chữ“ lay động trên trang giấy

Đếm đi đếm lại
Một con dê trắng… hai con trắng dê
Ba con dê trắng
Dê hằng hà nghìn lẻ vỗ bạch đêm
Ơ những con A, con Bê, con Xê
Con Dê
bản trang trang trắng thảo thơm

Cũng như trong thơ Bùi Giáng, không mấy khi trong ngôn ngữ, bình thường hay văn học, con dê được trọng vọng như vậy.
Và đây là niềm tin cuộc sống, ở vũ trụ và con người, qua tiếng be he đón xuân :

Rừng động xanh
Ai đừng được xuân
Mấy dê non buồn sừng húc gió
Cẫng lên cỡn lên
Be he xuân

(tr. 58-61)

Phải đặt bài thơ vào những năm 1958-1959 gian lao của tác giả, đồng cảnh với nhiều bạn văn bạn thơ đồng hội đồng thuyền khác, mới thấy được sức sống mãnh liệt của con người qua văn học và biết trân trọng tiếng nói của văn học.

Từ con dê non ngây thơ khao khát tự do, chết vì tự do, trong truyện ngắn của Alphonse Daudet, đến hình ảnh con dê chon von trên đỉnh núi, tận cùng của dấu thỏ đường dê, chim kêu vượn hú tứ bề núi non, trong truyện Lục vân Tiên, chúng ta tìm thấy một hình ảnh dê hiền lành, kham khổ, nạn nhân của phong tục, lễ nghi và bia miệng.

***

Nhân chuyện dê năm Mùi, chúng ta ôn lại một số chuyện văn học và văn hóa.

Thành ngữ và thành kiến « dê băm lăm » có lẽ chỉ xuất hiện trong dân gian về sau, do ảnh hưởng phương Tây. Trong văn chương truyền khẩu hay văn bản xưa chúng ta không gặp những câu xúc phạm đến dê. Ngược lại những thành ngữ như « treo đầu dê bán thịt chó », hay « kêu như dê tế đền » tạo hình ảnh đáng thương một con vật hiền lành, vô tội, oan khuất, bị lợi dụng hay hy sinh — và từ thuở Hồng Bàng hồng hoang thời nảo thời nao.

Ngược lại, ngày nay chúng ta đang có những bài thơ hiện đại xuất sắc, khôi phục danh tiết cho con dê, mà chúng ta nhớ lại nhân ngày Tết Ất Mùi.

Đồng thời, lần theo « đường dê » – mà Nguyễn Trãi trong thơ Nôm ngày xưa có lần gọi là « dương trường đường hiểm khúc co que » – chúng ta ghi dấu vài bước chân trong quá trình Thơ Quốc Âm từ buổi sơ nguyên, đến những bài thơ Việt Nam hiện đại nhất.

Đặng Tiến
Xuân Ất Mùi, 2015

.

Catégories
Prose

Tiếng Việt Của Tôi

Hoàng thị Trang (BP70) .

.

Kính Dâng Các Thầy Cô

Mến gởi các bạn

.

Chao ôi ! Nghe như lời của một người gốc Việt được sinh ra hay lớn lên ở một đất nước ngoài Việt Nam, đang muốn tâm sự về cái vốn Việt ngữ rất nghèo nàn của mình. Hay nghe như một đề tài lớn vẫn thường xuất hiện ở đâu đó trên báo chí hoặc văn đàn hải ngoại. Nghe ghê gớm quá phải không ? Xin thưa, không phải thế ! Xin đừng tưởng rằng tôi đang muốn viết về một đề tài gì đó vô cùng lớn lao, chẳng hạn như tiếng Việt là ngôn ngữ của một dân tộc hiền hòa và hiếu học, tiếng Việt là nền tảng của văn hóa Việt Nam, tiếng Việt là một ngôn ngữ phong phú về cả từ ngữ lẫn ý nghia” vv và vv… Xin thưa, hoàn toàn không phải thế. Tôi đã từng nói, tôi không phải là một nhà phê bình văn học, một nhà ngôn ngữ học hay một học giả. Tôi hoàn toàn không có được kiến thức và hiểu biết để khai thác hay phân tích cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, tôi chỉ đơn giản muốn kể lại vì sao bây giờ tôi có thể ngồi đây, viết những giòng này.

Ba tôi xuất thân từ một gia đình theo nho học. Không biết có phải vì ông nội của tôi là một nhà nho biết thức thời, hay vì không còn chọn lựa nào khác, nên sau khi bắt các bác và ba tôi học chút ít chữ nôm để “giữ cái gốc”, thì tất cả đều được gởi đi học ở các trường do “nhà nước bảo hô” lập ra, loại trường với cái tên “ê côn đờ mẹ dòng lô” (ecole de maison l’eau) đã từng được nhà văn Nguyễn Vỹ nhắc đến trong “Tuấn, Chàng Trai Nước Việt” (thật không có cách dịch nào sát nghĩa hơn !).

Học tiếng Pháp, đọc sách Pháp, nói và viết tiếng Pháp, thì không thể nào không chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Phải chăng vì thế, ba tôi cũng muốn các anh em tôi được hấp thụ cái hay, cái đẹp của nền văn hóa này ? Phải chăng vì thế, các anh em tôi đều được đi học trường Pháp, loại trường tư do người Pháp quản lý và giảng dạy ?

Các trường Pháp thường được xem là trường của con cái nhà giàu vì học phí rất cao. Gia đình tôi tuy chỉ thuộc thành phần trung lưu, đủ ăn đủ mặc, ba tôi vẫn cố gắng cho chúng tôi được vào học ở đó. Mẹ tôi vốn ít học, tôi nghĩ, đối với bà, trường Pháp hay trường Việt nào có khác gì nhau, trường nào ít tốn tiền hay không tốn tiền vẫn tốt hơn. Cho nên quyết định này chắc chắn là từ ba tôi. Thế nhưng cũng như ông nội tôi, ba tôi muốn chúng tôi phải trồng và giữ cái gốc chữ quốc ngữ. “Sách quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học” mà ! Vì cái gốc đó, hoặc cũng có thể vì để khỏi phải trả học phí quá đắt của một năm mẫu giáo, các anh em tôi đều phải đi học mẫu giáo và học lớp năm (tức lớp một bây giờ) ở một trường Việt trước khi vào trường Pháp.

Nơi tôi bắt đầu đi học vỡ lòng, rồi học đọc và viết tiếng Việt là trường Sào Nam, một ngôi trường tư nhỏ ở gần nhà do toàn bộ một gia đình quản lý. Tôi còn nhớ, phòng học mẫu giáo chỉ là một phòng nhỏ, học sinh không nhiều, và học hát nhiều hơn học chữ. Nơi đây, tôi bắt đầu làm quen với “o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì có râu”. Cô giáo Loan, con của ông chủ trường, còn rất trẻ, nước da trắng, tóc dài, hơi tròn trĩnh, nhưng chúng tôi ai cũng thấy cô xinh đẹp vô cùng, và hát rất hay. Những khi cô tập chúng tôi hát, tôi cứ mơ màng nhìn theo bàn tay đánh nhịp của cô, ước gì lớn lên mình cũng sẽ hát hay và biết đánh nhịp như thế.

Lên lớp một, tôi được học với thầy Bách, anh của cô Loan. Tôi dùng chữ “được” vì tuy mới “nứt mắt” tôi cũng nhận biết rằng thầy Bách không những trẻ tuổi, lại rất đẹp trai, và có tài đánh đàn. Thỉnh thoảng, khi gần kết thúc những buổi học, thầy mang đến một chiếc phong cầm, rồi vừa đàn vừa hát cho chúng tôi nghe những bài hát rất lạ (ít ra là đối với tôi) và rất hay. Tôi còn nhớ, mình đã từng ngẩn ngơ như thế nào khi lắng nghe và ngắm thầy đàn, hát. Giọng thầy ấm, và mặt thầy vốn đã hiền trông càng hiền hơn, đã đẹp trai trông càng đẹp trai hơn. Chính trong lớp học khi nào cũng nhốn nháo, lao chao nầy, tôi đã được học nằm lòng một số câu ca dao, tục ngữ, và đã được làm quen với những khúc nhạc đồng quê, cùng những hình ảnh đẹp của quê hương, của thiên nhiên từ tiếng hát hòa với tiếng đàn của người thầy lúc nào cũng nghiêm, nhưng “đẹp trai nhất và hát hay nhất trên đời” của chúng tôi. “trời hồng hồng, nắng trong trong…” hay “trời xanh xanh bao la, mây trắng, trắng, trắng xóa …” Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi khi tình cờ được nghe lại những bài hát này, tôi lại nhớ đến hình ảnh của thầy Bách ôm cây đàn đứng giữa cái lớp học nhỏ, giữa bao nhiêu ánh mắt đang say mê và ngưỡng mộ dõi theo bàn tay đưa lên đưa xuống trên phím đàn của thầy. Xin được một lần nói cảm ơn thầy, mặc dầu có thể thầy chẳng bao giờ ngờ rằng thầy là người đã gieo những hạt giống tình yêu âm nhạc và tình yêu quê hương đầu tiên trong tâm tưởng của chúng tôi, ít ra là của riêng tôi !

Lycée Blaise Pascal de Da Nang - 93.4 koLycée Blaise Pascal de Da Nang

Vào trường Pháp, lên đến lớp tư (Lớp 2 bây giờ), chúng tôi mới được học tiếng Việt. Các bạn cùng lớp có đứa hình như chưa được học qua tiếng Việt nên cũng gặp khó khăn. Thầy giáo dạy tiếng Việt của chúng tôi, liên tiếp trong những lớp tiểu học, là thầy Dương (tôi không nhớ họ của thầy), tuy đã lớn tuổi, nhưng giảng dạy rất tận tình. Thầy thường dạy chúng tôi rất kỹ về cách đặt câu, về những dấu hỏi và ngã, về những âm vận “n” va “ng” ở cuối một chữ (tần khác với tầng, trăn khác với trăng, văn khác với văng vv…). Thầy là người Huế nhưng khi đọc chính tả, gặp chữ có dấu ngã, thầy lên giọng, gặp chữ có dấu hỏi thầy xuống giọng theo lối đọc của người Bắc, nên nhiều đứa trong chúng tôi đoán và viết trúng rất dễ dàng. Thầy đâu có biết rằng cho đến bây giờ hai dấu hỏi và ngã vẫn còn hành hạ tôi, và đôi khi tôi phải đánh vật với cuốn tự điển tiếng Việt vì hai cái dấu quái ác này !

Thầy Dương rất hiền, nhưng thời gian đầu chúng tôi vẫn thấy sợ. Riêng tôi, tuy được học thêm những bài hát bằng tiếng Pháp với thầy người Pháp, tôi vẫn tiếc ngơ, tiếc ngẩn những giờ vừa học, vừa chơi, vừa hát ở trường Sào Nam với những thầy cô trẻ tuổi, và rất buồn khi phải học với một ông thầy… già ! Thầy Dương không bao giờ hát, nhưng thầy lại hay kể chuyện, dầu thầy hay ho húng hắng, luôn luôn có hộp kẹo ho bên cạnh. Những câu chuyện liên quan đến những bài tập đọc, những câu ca dao, tục ngữ, làm tôi thấy thích thú chẳng thua gì nhưng giờ tập hát ở trường cũ. Trẻ con đứa nào không thích nghe kể chuyện, nên dần dần chúng tôi đều mến, hay “phải” mến thầy. Những giờ học của thầy đã không còn buồn tẻ, nặng nề và chúng tôi đã biết lo lắng, mong chờ những khi thầy phải nghỉ dạy vì bệnh. Mong đợi thầy thì ít, mong đợi giờ kể chuyện thì nhiều. Những câu chuyện thầy kể, đã góp phần không ít thì nhiều cho nhân cách của chúng tôi sau này – tôi tin thế. Lúc bấy giờ, chúng tôi còn quá nhỏ để nhận ra rằng có những kết luận của những câu chuyện đã ăn sâu vào tâm khảm của chúng tôi. Và chúng tôi cũng còn quá khờ khạo để có thể nói tiếng cảm ơn về những gì mình đã nhận được. Khi tôi lên trung học, Thầy Dương đã về hưu. Nghe đâu thầy đã trở về Huế sống, và qua đời ở đó ( ?)

Sau thầy Dương, chúng tôi lần lượt được học tiếng Việt và Việt văn với, thầy Bạch Thái Hà, cô Lý, thầy Cư và thấy Bùi Đăng Hà.

Thầy Bạch Thái Hà hình như chỉ dạy chúng tôi có một năm lớp đệ thất, sau đó thầy đổi vào ĐàLạt. Thầy Hà cũng rất hiền. Hình như thầy chưa bao giờ mắng chúng tôi. Tôi còn nhớ nụ cười và đôi mắt mở to của thầy mỗi khi muốn khiển trách chúng tôi một điều gì đó. Có lẽ thầy thấy chúng tôi rất đáng bị mắng, nhưng rồi không nỡ, nên thầy lại cười. Một năm thôi, nhưng thật khó quên cái giọng bắc nhẹ nhàng, truyền cảm của thầy khi đọc những trích đoạn văn ngắn như “Ngày Tựu Trường”, “Nhặt Lá Bàng” hay “Anh Phải Sống”. Thỉnh thoảng, thầy cũng cho cả lớp một trận cười thỏa thích với những đoản văn dí dỏm, như đoản văn về chiếc “bánh Bật Cười”. Những cuốn sách Hồng do thầy bắt đọc và tóm tắt như Chiếc Ấm Đất, Ông Đồ Bể, Chó Vàng ( ?) đã khiến tôi bắt đầu thích đọc sách tiếng Việt.

Thầy Bạch Thái Hà, Cô Bùi thị Lý và BP70-BP71 (Paris 1999)

Lên đệ nhị cấp, mỗi khi phải đọc hay tìm đọc thêm những truyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, những nhân vật nam trí thức được tả trong truyện tôi thấy sao cứ hao hao giống thầy, cũng nước da trắng trẻo, cũng giọng bắc ngọt ngào, cũng phong thái nho nhã, lịch sự. Hay nói cho đúng hơn, trong trí tưởng tượng non nớt của tôi, tôi đã tô vẽ hình ảnh những chàng trai trẻ trí thức đất Bắc Kỳ theo hình mẫu của thầy. Những năm trước khi thầy qua đời, chúng tôi có may mắn được gặp lại thầy vài lần. Tôi vẫn tìm thấy ở thầy cũng giọng nói nhẹ nhàng đó, cũng nụ cười hiền hòa đó, cũng phong thái ung dung đó. Thầy và cô có vẻ cảm động khi thấy chúng tôi, có người tóc đã muối tiêu, có người đã có cháu nội, ngoại, vẫn một tiếng “thưa thầy”, hai tiếng “thưa cô” và xưng “con” như ngày xưa. Có lẽ thầy không ngờ rằng, tuy không sống cùng một lục địa, tuy ít liên lạc, nhưng đối với chúng tôi, những người đã may mắn được lớn lên trong một nền giáo dục đầy nhân bản của ngày nào, các thầy và các cô, suốt đời vẫn là các thầy và các cô đáng kính của chúng tôi.

Lên đệ lục, chúng tôi học với cô Bùi Thị Lý. Tuy là “cô”, một cô giáo trẻ, nhưng thời gian đầu, chúng tôi sợ cô hơn sợ các thầy. Với cô, chúng tôi không xưng “con” mà xưng “em”. Cô Lý người gầy ốm, luôn luôn mặc những chiếc áo dài lam, hay trắng, và gương mặt lúc nào cũng nghiêm, có nét lạnh lùng. Cô rất ít cười. Suốt năm học, hình như cô mỉm cười chưa quá năm lần. Thế nhưng cô cũng rất hiền, cũng rất nhẹ nhàng khi la mắng chúng tôi. Nói đúng ra, cô không “la” mà chỉ “thuyết một trận” khi cần. Học với cô, chúng tôi phải tập viết nhiều hơn khi học với thầy Bạch Thái Hà. Cô Lý rất siêng chấm bài, và những bài luận của chúng tôi thường được cô trả lại ngay trong tuần nên ai cũng thích.

Cô Lý định cư ở Pháp, và tôi chưa có dịp đi Pháp để thăm cô, hay những thầy cô khác. Bây giờ, chắc cô cũng đã lớn tuổi lắm rồi. Cô là người duy nhất trong các thầy cô dậy Việt văn ở trường Pháp chưa rời xa chúng tôi. Tôi hy vọng cô vẫn khỏe, vẫn đủ minh mẫn để đọc những giòng viết ngắn ngủi này về cô, và sẽ mỉm cười bao dung như ngày xưa, khi một đứa học trò từ thời nào dám lếu láo nhắc lại cái vẻ nghiêm nghị của cô. Tôi muốn cô hiểu rằng, nếu bây giờ đứa học trò ấy có thể viết được tiếng Việt như thế này, thì phần nào cũng nhờ những giờ luận văn của cô ngày xưa… Tôi chỉ là người đại diện nói lên lòng biết ơn đối với các thầy cô, còn rất nhiều, rất nhiều các học trò khác của cô có lẽ cũng đang nghe lòng tràn ngập sự biết ơn khi đọc những giòng này – tôi tin thế . Thưa cô, chúng em đều mong cô mỉm cười mãi, như trong bức hình cô tặng tất cả học trò của cô trong cuốn danh sách lưu niệm của trường.

Cô Bùi thị Lý và BP74 (Paris 2000)

Sau cô Lý, chúng tôi học hai năm liên tiếp với thầy Nguyễn Cư. Thầy Cư nói giọng Quảng Nam, cũng rất nghiêm, rất ít cười như cô Lý. Những lúc trong lớp có chuyện vui, chúng tôi cười ầm lên, cũng chỉ thấy thầy cười mỉm rất nhẹ, rồi mặt lại nghiêm như cũ. Ở thầy, cái gì cũng chầm chậm, từ từ, khi giảng bài cũng vậy. Giọng nói đều đều, chậm rãi của thầy có thể đã khiến những người không thích môn Việt văn thấy “chán chết đi”. Riêng tôi, tôi rất thích những giờ cổ văn của thầy. Tôi say sưa theo dõi cuộc sống buồn tủi và thân phận hẩm hiu của những người cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc, số kiếp đầy gian truân của Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh, và nỗi lòng những người vợ ngày đêm thương nhớ chồng trong Chinh Phụ Ngâm. Vì rất thích, nên tôi thường học rất kỹ những trích đoạn thầy dạy. Tôi nhớ đã bị mẹ tôi mắng nhiều lần khi cứ vào, ra ngâm ư ử :

“Trống trường thành lung lay bóng nguyệt

Khói cam tuyền mờ mịt thức mây…”

Hay

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa..”

Những áng cổ văn khiến tôi bắt đầu biết buồn, biết ngậm ngùi cho thân phận những người đàn bà không may. Tôi bắt đầu yêu văn chương hơn từ đó. Những bài thơ của Bà huyện Thanh Quan, của Nguyễn Khuyến, cũng đã khiến cho tôi thấy quê hương thật đẹp, và tôi bắt đầu yêu thơ, bắt đầu tập làm thơ… tuổi hoa.

Thầy Nguyễn Cư và BP71 (Đà Nẵng)

Nhờ đã được “luyện” kỹ trong những giờ tập làm luận của cô Lý, tôi không thấy khó khăn mấy khi phải chuyển sang lối văn nghị luận. Có những đề văn nghị luận thầy Cư ra, sau giờ học, tưởng sẽ bị xóa sạch trong trí nhớ như đã bị xóa sạch trên bảng đen, không ngờ vẫn còn đọng lại rất lâu, ít ra đối với riêng tôi. Những đề bài nghị luận luân lý đại loại như “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, ngày xưa, khi vặn trán, nặn óc suy nghĩ để viết, tưởng chỉ viết ra để lấy điểm, không ngờ sau này đã khiến tôi phải dùng lại, suy nghĩ và đắn đo những lúc phải đối mặt với cái TA và NGƯỜI. “Điều mình không muốn, đừng làm cho người”. Những lúc như thế, tôi chợt hiểu ra mình đã học ở thầy quá nhiều điều, chứ không chỉ là cách viết một bài văn nghị luận, và cảm thấy biết ơn thầy vô vàn.

Thầy Nguyễn Cư và BP74 (Đà Nẵng)

Lên đệ nhị cấp, thầy Bùi Đăng Hà Bànà, người dạy chúng tôi liên tiếp trong ba năm, đã xuất hiện như … một luồng gió mới ! Chỉ cái tên của thầy mà thôi, cũng đã khá đặc biệt. Thời gian đầu chúng tôi nghịch ngợm kháo nhau, có lẽ thầy được sinh ra ở núi Bànà, nên mới có thêm chữ này sau chữ Hà. Khi chúng tôi bắt đầu học với thầy, hình như thầy ra trường chưa bao lâu, vi trông thầy rất trẻ. Mà thầy trẻ thật ! Trẻ tuổi, nhanh nhẹn, cử chỉ phóng khoáng, và trông rất trí thức với cặp kính cận dày hết cỡ ! Đó là ấn tượng đầu tiên thầy để lại trong tôi khi mới gặp. Tôi thấy thầy trông giống một văn sĩ hay một nhà thơ hơn là một nhà giáo. Khi thầy giảng bài, tôi có cảm tưởng thầy không bước đi, mà thầy … lướt đi trên bục giảng. Thầy ít khi nhìn xuống chúng tôi, mà thường chỉ nhìn mông lung vào khoảng không trước mặt. Không biết có phải vì thấy còn quá trẻ để có thể nhìn thẳng vào những ánh mắt chăm chú hay tinh nghịch đang… chiếu tướng vào thầy, hay thầy cũng đang đắm chìm trong thế giới của chữ nghĩa, và vần điệu mà thầy đang muốn giới thiệu với chúng tôi. Ở thầy toát ra một cái gì đó vừa rất nghệ sĩ, vừa rất thông tuệ, và có chút cao ngạo !

Thầy Bùi Đăng Hà (Đà Nẵng)

Mà nếu thầy có tự hào về mình cũng đúng thôi, bởi vì thầy quá giỏi. Thơ mới, thơ cũ, triết đông, triết tây, giờ dạy nào thầy cũng làm chúng tôi say mê, thích thú. Tôi… mê nhất là những giờ thầy giảng về phong trào lãng mạn của Pháp và thơ mới của Việt Nam. Thầy đã đưa chúng tôi vào một thế giới đầy thơ và mộng, từ tây sang đông, từ Âu sang Á. Ở thầy toát ra một cái gì đó rất bay bướm, từ lời nói đến phong thái, nên khi hí họa về thầy, một anh họa sĩ của trường tôi đã vẽ hình thầy lúc đang nói chuyện, từ miệng thầy bay ra toàn những hoa và bướm.

Một hôm, khi thầy trích đọc hai câu thơ mới của một thi sĩ nào đó – tôi đã quên tên – “tôi nhớ Rimbaud và Verlaine, hai chàng thi sĩ choáng hơi men”, tôi vốn nghich ngầm, nên bỗng rất muốn hỏi thầy : “ Còn “monsieur” Hà Bànà thì say cái gì mà cũng đi chệnh choạng, bềnh bồng trên bục giảng ?”. Nghĩ vậy thôi, đâu có bao giờ dám hỏi, mà dẫu có hỏi, chắc thầy cũng chỉ cười. “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò“ mà ! Tôi nhớ, vào một ngày cá tháng tư năm nào đó, không biết tên học trò tinh quái nào đã dán sau lưng của thầy ba chữ ”tôi cần vợ”. Thầy vô tình mang nó đi trong sân trường, trước mặt của bao nhiêu học sinh. Khi biết được, mình bị chơi khăm, thầy chỉ cười, đưa hai tay lên cao, ngỏ ý chịu thua những tên học trò quỷ quái.

Nếu thầy dạy sử địa, tôi nghĩ thầy cũng sẽ rất thành công. Tôi nhớ một hôm, vì phải liên hệ một bài giảng nào đó với cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, thầy đã dùng tay, đo và đánh dấu những điểm trên bảng, rồi nối kết lại thành một bản đồ của nước Pháp, và cứ thế thầy đưa chúng tôi vào những tuyến đường chuyển quân, những trận đánh, và những diễn biến của cuộc chiến. Có thể đây là một việc rất bình thường của một người dạy sử địa, nhưng đối với chúng tôi lúc bấy giờ, phương pháp này thật mới mẻ và hấp dẫn, chưa có một ông thấy sử địa người Pháp nào dạy được như vậy. Một cô bạn của tôi, sau này trở thành cô giáo, kể rằng, có một năm cô bị buộc phải dạy một tuần mấy giờ sử địa, vì trường thiếu người dạy. Cô hoảng quá, vì không phải là chuyên môn, nhưng sực nhớ lại những giờ học thời để nhị cấp, cô sao chép nguyên bản phương pháp của thầy. Có khác chăng là cô phải mò mẫm vẽ trước những bản đồ cần thiết trên giấy, và phải… học bài kỹ trước khi lên lớp, ấy thế mà cô cũng đã làm cho đám học sinh say sưa với những cuộc chiến đánh Tống, bình Chiêm… Điều này có lẽ thầy không bao giờ ngờ đến, rằng ảnh hưởng của thầy đối với học trò lại sâu đậm đến thế !

Tôi có nói ở thầy toát ra một cái gì đó rất nghệ sĩ. Thật ra, không phải là “tóat ra” hay “có vẻ”, mà thầy quả thực là một nghệ sĩ. Thầy đàn dương cầm rất hay, dáng ngồi đàn rất điệu, và đã bỏ công rất nhiều cho những buổi văn nghệ của trường từ đơn ca, tốp ca, đến những hoạt cảnh, và kịch nói. Tôi không may mắn được gần gũi với thầy, nhưng lúc bấy giờ nhìn từ xa, và bây giờ ngồi nhớ lại, tôi thấy ở lãnh vực này, thầy không còn là thầy, học trò không là học trò, mà thầy như một người anh đầu đàn, rất thân thiết, và phải vất vả, hướng dẫn từng đứa em. Hình ảnh này thật đáng trân quý ! Nhất là đối với những người đã là học trò cưng của thầy, hay những người đã may mắn được thân cận thầy trong thế giới của âm thanh và màu sắc. Chẳng phải thế sao ?

Thầy Cô Bùi Đăng Hà và BP68-BP69 (Paris 2000)

Nghe nói, sau khi định cư ở Pháp, thầy không còn đi dạy, nhưng cũng đã thành công ở một lĩnh vực khác. Tôi cũng rất mong được gặp lại thầy một lần, nhưng lại thiếu duyên may. Tôi bàng hoàng khi nghe tin chúng tôi đã mất thêm một người thầy đáng kính. Tôi không thể đến gặp hay đưa tiễn thấy lần cuối, để có thể… khoe với thầy rằng đứa học trò ngày xưa rất thích những giờ giảng văn của thầy, qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, qua bao nhiêu tuổi đời chồng chất, vẫn rất yêu thơ, vẫn mê đọc sách, và thỉnh thoảng còn có thể trải lòng qua những vần điệu như thuở mới tập làm thơ trong lớp của thầy. Và đã có những mùa thu, dầu chẳng được ngắm mây bay, chẳng được nhìn lá rụng, chẳng được đón chút nắng chiều, lòng tôi vẫn mênh mang nhớ về các thầy cô, nhớ về bạn cũ, mỗi khi chợt nghe đâu đó, từ trong những hồi ức lắng sâu, văng vẳng bài hát “ Nhìn Những Mùa Thu Đi” mà thầy đã tập cho một số bạn trong lớp của tôi.

Bây giờ Cali đang là giữa tháng mười một. Một mùa thu nữa đang đi qua. Khí trời bắt đầu se lạnh, nhưng lòng tôi vẫn thấy rất ấm, rất vui, những khi ngồi ghi lại từng đoạn, từng đoạn những gì tôi có thể nhớ về các thấy cô đã từng giúp các bạn tôi và tôi giữ lại cái HỒN VIỆT qua ngôn ngữ và cái HỒN THƠ trong tiếng Việt. Tôi vốn không biết gì về âm nhạc, cho nên không thể “so tơ phím” với ai, chỉ biết vụng về nhặt nhạnh những mảnh vụn ký ức rời rạc đó đây, để “đốt lò hương cũ” kính dâng đến các thầy cô. Tôi chỉ tiếc một điều, tại sao tôi không viết sớm hơn !

Các bạn của tôi ơi, khi đọc những giòng này, nếu có nghe chút “sầu lên trong nắng”, xin hãy lắng lòng để cùng hướng về những ngày “mộng” chưa “ nhạt phai” ! Một khung trời cũ đang hé mở… Mời các bạn cùng trở về những mùa thu của Lycée xưa…

Mùa Lễ Tạ Ơn

San Jose 11/15/2014

Hoàng Trang

.

Catégories
Prose

Bệnh Nhân Trên Tầng 10

Tống văn Thụy (BP71)

.

Lần đầu tiên, chúng tôi đến Bệnh Viện Ung Thư Đà Nẵng. Từ trung tâm thành phố, theo con đường chạy dọc Vịnh Đà Nẵng hướng về Hòa Minh, từ xa, Bệnh Viện Ung Thư Đà Nẵng (BVUTĐN) có nét phảng phất Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt với tòa nhà trung tâm hình tròn, cạnh những hình khối vươn cao, mặt tiền kiến trúc gắn kính trên vùng ngoại ô đang đô thị hóa.

Không gian thoáng đãng. Bệnh viện sạch tinh tươm. Bãi giữ xe miễn phí ở tầng hầm. Nhân viên thân thiện và nhiệt tình hướng dẫn bấm thang máy lên tầng 10 tìm ” Khoa Tạo Máu “. Mắt tôi kèm nhèm đọc nhầm ” Khoa tạo mẫu ” ! Trong phòng bệnh rộng thênh thang, bốn giường liền kề với nhà vệ sinh khép kín, người bệnh duy nhất lặng lẽ ngồi gõ vi tính. Buổi sáng thật tĩnh lặng.

Bệnh nhân tiếp chúng tôi nơi cuối phòng. Qua bao đợt hóa trị, ông vẫn còn phong độ, nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh và nụ cười trên môi. Vẫn tinh thần trào lộng như ngày nào, ông mở đầu câu chuyện :
Tôi được nằm ở tầng 10, tầng cao nhất bệnh viện, gần với Nước Trời. ” Ông là linh mục An Tôn Nguyễn Trường Thăng.

Cuối phòng bệnh có hành lang nhìn về phía Tây Đà Nẵng. Xa xa, đồi núi trập trùng, có đoạn dãy Trường Sơn ăn ra tận biển : Hải Vân. Vùng bán sơn địa nối tiếp, núi đồi đan xen đồng bằng. Quê nhà người bệnh ở đó : Bàu Nghè, An Ngãi, Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng. Như tên gọi, cách đây khoảng 40 năm, Bàu Nghè là vùng đất trũng sâu ngập nước, nguồn cá tôm cho dân làng, nguồn nước cho ruộng đồng. Mùa hạ, sen nở trắng hồ. Trên cao xanh mướt đồi chè. chè Phú Thượng, An Ngãi nổi tiếng một thời. Thế rồi, cơn lốc đô thị hóa mươi năm gần đây cuốn phăng nương rẫy, ruộng vườn, bàu-hồ… ném những người nông dân mất đất ra mặt tiền phố chợ, bơ vơ trong cái nắng chói chang tháng sáu. Nắng dát vàng bờ vai tượng Phật màu trắng tinh tuyền chùa Quang Minh gần đó. Ngài lặng lẽ ngồi nhìn núi đồi lở lói màu đỏ quạch, nham nhở dấu vết đào bới san lấp công trình, chiêm nghiệm lẽ có và không.

Ngày xưa, dải đất nầy thuộc châu Lý, vùng Chiêm động, nguồn Thăng Hoa, phía Nam Hải Vân có sông Cu Đê xuôi từ núi ra biển. ” Mây đen nổi ở Sơn Trà là điềm có mưa, cầu vồng hiện ở Cu Đê là sắp có lụt “. Bán đảo Sơn Trà phía Đông và sông Cu Đê phía Tây là hai điểm dự báo thời tiết của người xưa. Thời Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn, phía Tây Đà Nẵng với thế núi hiểm trở lại án ngữ biển, nối đường thượng đạo với duyên hải là vị trí chiến lược quan trọng. Tháng 3/1965, Mỹ đổ quân bãi biển Nam Ô. Red Beach Two theo cách gọi của lính Mỹ, Bãi biển Đỏ số Hai, nay là Xuân Thiều, chỉ cách quê nhà ông chừng dăm cây số đường chim bay. Trước đó, những năm 50 của thế kỷ trước, chú nhóc nghịch phá quê An Ngãi, ” thiên đường của những giáo sĩ ” được gửi vào Chủng viện Làng Sông (Quy Nhơn), Bình Linh (Huế), Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt và Giáo Hoàng Học Viện Pio X. Trong quảng đời hơn 42 năm linh mục mà ông ví von : ” còn dài hơn cả cuộc đời vua Khải Định “, ông kinh qua các giáo xứ Trà Kiệu, Chính Tòa Đà Nẵng, Thanh Bình, Hội An, chưa kể 3 năm sang Paris học Giáo Sử. Là Homo Dei (Người của Chúa), ông còn là người ham xê dịch, mê sử sách, thích sưu tầm, khảo chứng, viết lách.

Trà Kiệu, kinh đô Simhapura của Vương quốc Chăm thế kỷ thứ X, XI là giáo xứ đầu tiên mà ông đảm nhiệm. Trong những năm tháng khó khăn sau 1975, ông khuyến khích giáo dân trong khi canh tác, đào bới, nếu tìm được những hiện vật của văn hóa Chăm : một bức tượng bằng đất nung hay sa thạch, một bình gốm, một viên ngói, một khuyên tai hai đầu thú… thay vì đập bỏ hoặc phân kim, nhượng lại cho cha với giá rất thỏa đáng. Nhờ đó, biết bao cổ vật trên vùng đất linh thiêng Chăm-Việt được lưu giữ và bảo tồn. Về Thanh Bình, Đà Nẵng, ông lại đa mang với đá. Những viên đá như những ” vết lăn trầm ” đánh dấu một chuyến đi hay ông muốn tìm hình tượng Chúa qua sỏi đá ? Đến xứ đạo phố cổ Hội An, ông đánh xe lên Thanh Chiêm, Điện Bàn, ghi chép, đo đạc, tìm về ngọn nguồn vùng đất Dinh Trấn, nơi từ đó các chúa Nguyễn tiến về phương nam.

Dặm đường lữ thứ cuối cùng rồi cũng đưa ông trở lại quê hương, bản quán. Nhìn An Ngãi, tuy bây giờ gần Đà Nẵng hơn nhờ mấy con đường vi vu nhưng rách bươm như ” miếng da lừa “. An Ngãi đang bất an khi đất đai được… thành kính phân lô, lòng nhân ái bé hơn bìa sổ đỏ. Từ An Ngãi đến Cồn Dầu, trong tình cảnh nhiễu nhương rồi nhiễu sự, từ quá trình ” đô thị hóa “, với tất cả tâm huyết, ông viết bài ” Cồn Dầu không muốn Giầu “. Cuối cùng, vẫn ” chỉ là tiếng kêu trong hoang mạc “. Tháng 6 năm nay, miền Trung trời đổ lửa. Trước hiểm họa Trung Quốc, ông lo sợ… vẩn vơ : ” Nếu chẳng may đất nước can qua, thành phố Đà Nẵng hơn 1.000.000 dân, nằm giáp núi và biển, sẽ đi về đâu, lấy gì mà ăn ? ” Nỗi băn khoăn đó quá tầm đối với một bệnh nhân đã trải qua chín đợt hóa trị, ” thành viên ” Lymphoma Hodgkin ” BVUTĐN. Bệnh thì hiểm nghèo mà đọc lên sao nghe âm vang như tên… dàn đồng ca nhà thờ.

Khi cánh cửa thang máy khép lại, vẫy tay chào ông, hình ảnh bệnh nhân tầng 10 sôi nổi, nhiệt huyết, yêu Chúa, yêu người, yêu quê hương, yêu cả cuộc đời nầy làm tôi nhớ đến một câu nói của Oscar Wilde. Tạm dịch : ” Tất cả chúng ta đều ở cõi tạm, vậy mà có người nhìn lên những vì sao “.

.

Tống văn Thụy
DNG 2014 .

Tống văn Thụy và linh mục An Tôn Nguyễn Trường Thăng

.

Catégories
Prose

Carnet de voyage : Japon, Taiwan, Corée du Sud

Nghiêm Quang Thái (JJR65)

.

Le Japon, du jour au lendemain, s’est fait connaître du grand public occidental stupéfait par sa victoire en 1905 sur la flotte russe dans le détroit de Tsushima qui le sépare de la Corée, moins de quarante ans après sa décision d’entrer dans le monde moderne en 1868.

Mais plus admirable encore, le Japon est le seul pays d’Asie qui a su se développer en maîtrisant les sciences et techniques de l’Occident en un temps record, tout en préservant ses traditions millénaires, sans passer par des révolutions qui ruinent le pays et divisent profondément le peuple.

Une visite au Japon me paraît donc incontournable et le jour venu, c’est avec enthousiasme que je m’envole vers les trois pays appelés les dragons de l’Asie : le Japon, Taiwan et la Corée du Sud.

Nous sommes des voyageurs vietnamiens venant de France, mais la grande majorité d’entre nous vient des Etats-Unis.

Je connaissais déjà un peu le Japon à travers les films de samouraïs, les arts martiaux, les appareils de photos, les voitures hybrides, les sushi et les sashimi, les yakitori et le wasabi, les livres comme La Pierre et Le Sabre, La Parfaite Lumière de YOSHIKAWA Eiji, Shogun de James Clavell, The Sea of Fertility , une célèbre tétralogie de MISHIMA Yukio, prix Nobel de littérature, .. mais ce sont surtout mes amis japonais qui me font aimer le Japon avant de le visiter.

J’explique ci-après pourquoi des caractères chinois seront à dessein associés aux mots japonais, même si leur prononciation en japonais est très différente de celle des Hán.

Le Japonais utilise 4 types de graphies :

Le kanji (漢字 = Hán từ = caractère chinois) est l’ensemble des caractères empruntés au chinois. Il est l’un des trois ensembles de l’écriture japonaise avec le hiragana (平仮名 = kana lisse) et le katakana (片仮名 = kana fragmentaire)qui sont du kana (仮名), c.à.d. un ensemble de caractères qui notent chacun un son élémentaire appelé more.

L’explication linguistique de la more (à ne pas confondre avec la syllabe) japonaise dépasse le cadre de ce modeste compte-rendu.

Le kanji facilite grandement une interprétation spontanée et fidèle d’un mot japonais pour qui connaît le chinois, aussi lui sera-t-il fréquemment associé, mais parfois sans sa traduction en viêtnamien, ni en français.

Ex. : Nippon = 日本 = Nhật Bản = Japon, Tokyo = 東京 = Đông Kinh = Capitale de l’Est, Bushi = 武士 = Võ Sĩ = Celui qui possède l’art du combat, Shogun = 将軍 = Tướng Quân = Généralissime …

Le hira gana et le katakana s’utilisent comme compléments au kanji.

Pour simplifier, le hiragana sert à transcrire des mots japonais ne pouvant s’écrire avec un caractère kanji (comme le mot « Trời » (le Ciel) de la langue viêtnamienne ne peut s’écrire avec un caractère chinois classique) et le katakana sert à transcrire des termes étrangers.

Ils permettent de noter phonétiquement la langue, ce qui n’est pas possible avec le kanji.

A ces trois ensembles, on doit rajouter le romaji qui est le système d’écriture en alphabet latin utilisé dans le cadre de l’écriture japonaise.

Il est à noter que notre quốc ngữ introduit par Alexandre de Rhodes au XVIIè siècle a su résoudre élégamment tous les problèmes liés aux mots viêtnamiens, qu’ils soient d’origine chinoise ou non, mais c’est surtout l’alphabétisation des mots (et la phonétisation qui en découle) qui constitue un progrès décisif en les rendant analytiques, faciles à lire, à écrire et à mémoriser.

Ainsi on n’a aucune difficulté à écrire le mot Thiên (天), d’origine chinoise ou le mot Trời, d’origine viêtnamienne, l’alphabet romanisé facilitant grandement l’écriture d’un mot tel qu’on le prononce, sans avoir à connaître sa véritable signification, ni son origine. On l‘écrit si naturellement qu’on ne peut imaginer les difficultés de nos anciens à utiliser les caractères « Nôm » dérivés des caractères chinois pour écrire un texte qui contient indifféremment des mots d’origine chinoise et vietnamienne, sans compter ceux ayant d’autres origines ou à les retenir.

Chou En Lai, premier ministre de Mao Zedong, reconnaît lui-même que les Viêtnamiens ont de la chance d’avoir leur système d’écriture actuel.
.

27/03/2014 Tokyo Quartier de Daiba (台場).

Après un vol de 11H00 sans histoire à bord d’un Airbus A380 d’Air France en partance de Paris, les voyageurs « français » débarquent à Narita 成田, l’aéroport international de Tokyo.

Tokyo (東京=Đông Kinh =Capitale de l’Est) anciennement Edo (江戸 = Giang Hộ = Porte de la Rivière) est la capitale administrative du Japon depuis l’ère Meiji (明治 = Minh Trị) en 1868.

Deuxième capitale financière après New York, Tokyo qui compte de nombreux gratte-ciel, mais aussi d’innombrables temples shintoïstes et bouddhistes, est une ville où cohabitent harmonieusement tradition et modernité.

L’agglomération de Tokyo ou le Grand Tokyo, est la plus peuplée au monde avec une population de près de 40 millions d’habitants.

Au cours du siècle dernier, Tokyo a subi deux grandes catastrophes : détruite en 1923 par des tremblements de terre (143 000 morts) et durant la seconde guerre mondiale par les bombardements alliés (plus de 100 000 morts), la ville a été reconstruite selon une architecture des plus modernes destinée à résister aux secousses sismiques les plus violentes.

Les « Français » seront bientôt rejoints par les « Américains » venant de Los Angeles.

Sans perdre une seconde, car il faut respecter un programme prévu très dense, le groupe s’installe à bord d’un car qui emmène ses passagers visiter un temple bouddhiste dans la région d’Ushiku (牛久), à 50 kms au Nord-Est de Tokyo.

Là se trouve la statue en bronze du bouddha Amida (Phật A Di Đà en vietnamien) en position debout.

La statue mesure 120 m de haut et est considérée comme la plus grande statue de bouddha au monde.

Le bouddha Amida règne sur un monde merveilleux, sans mal et sans souffrances, appelé « Terre pure occidentale de la Béatitude » qui est l’équivalent du Nirvana selon certaines croyances.

Tous les autres bouddhas en parlent.

Le bouddha Amida est encore appelé le bouddha des bouddhas.

Le soir nous dînons au quartier Daiba de Tokyo où l’on nous sert des crevettes frites et des poissons accompagnés de légumes divers.

DaiBa (台場 = Đài Trường = Forteresse) est une grande île artificielle située dans la baie de Tokyo.

Son nom signifie « forteresse » car à l’origine des canons y étaient positionnés pour défendre Tokyo contre d’éventuelles attaques maritimes.

Notre dîner me rappelle plus la cuisine chinoise que la cuisine japonaise mais j’étais si fatigué que la question que je me posais ne me semblait pas très pertinente.

Aussitôt après nous nous dirigeons vers notre hôtel le « Tokyo Dome Hotel » pour préparer notre excursion du lendemain.
.

28/03/2014 Tokyo Skytree, Sanctuaire Meiji, jardin japonais et quartier Ginza

Le rituel des jours d’excursion est immuable ou presque :

Lever à 6H00 du matin, petit-déjeuner à 7H00, check-out à 7H45, départ vers 8H00, déjeuner vers 12H00, dîner vers 19H00, transfert vers 20H00-21H00 vers un hôtel (presque jamais celui qu’on vient de quitter le matin), check-in vers 22h00, préparatifs pour l’excursion du lendemain, un rythme soutenu auquel beaucoup d’entre nous ne sont plus habitués depuis longtemps.

Le matin nous nous rendons à la tour Skytree de Tokyo (東京スカイツリー) qui, avec ses 634 m, est l’une des plus hautes au monde.

Un ascenseur ultra-rapide (60m/sec) nous amène en un rien de temps à un étage situé à 450 m du sol où en dehors de l’éternel shopping nous pouvons nous distraire en admirant Tokyo et le fleuve Sumida 隅田 qui le traverse ou en marchant sur un plancher de verre à travers lequel nous voyons les immeubles situés en bas qui nous apparaissent tout minuscules. Impressionnant et … vertigineux.

L’après-midi est consacrée à la visite du sanctuaire shintoïste dédié aux mânes divins de l’empereur Meiji mort en 1912 et à ceux de sa femme, l’impératrice Shoken morte en 1914.

Le shintoïsme ((神道= thần đạo = voie du divin) est la religion officielle au Japon avec plus de 100 millions d’adeptes. Il est assez difficile à comprendre pour un non-Japonais.

C’est une religion polythéiste et animiste qui voit dans tout être vivant, tout objet et même tout concept abstrait un esprit (kami=神=thần=divinité) qui l’habite et qu’il faut respecter.

D’où peut-être l’extrême courtoisie des Japonais et le soin méticuleux qu’ils mettent à faire toute chose. Ce qui, ailleurs, serait de la superstition devient ici au Japon un art exquis de vivre.

Au Japon, l’empereur est le chef de l’Etat.

Selon la constitution actuelle il n’a plus qu’un rôle symbolique.

Jusqu’en 1947, il est appelé Tenno = 天皇 = Thiên Hoàng = Empereur Céleste.

A titre de comparaison l’Empereur de Chine ne s’appelle que Huáng Dì= 皇帝 = Hoàng Đế = Empereur.

A partir de 1947, après la défaite, sous la pression des Alliés, il a renoncé à sa nature de « divinité incarnée » mais reste toujours de descendance divine, d’une lignée d’empereurs qui remonte à 660 ans avant JC, avec le premier empereur nommé Jinmu ((Jinmu Tennō = 神武天皇 = Thần Võ Thiên Hoàng) descendant de la déesse du Soleil Amaterasu (天照 = Thiên Chiếu = Qui éclaire le Ciel).

La particularité des empereurs japonais est qu’ils descendent tous de la même dynastie qui règne sur le Japon depuis sa création en 660 avant JC.

Sa longévité en fait la dynastie la plus ancienne au monde.

En 1945, après la victoire, les Américains n’ont pas touché à l’institution impériale estimant qu’elle est le garant de la stabilité du pays.

On a beaucoup parlé de la sagesse américaine qui a su ménager l’avenir des relations entre les deux pays, en pensant à la situation de l’Allemagne après la 1ère guerre mondiale qui a vu l’arrivée des nazis au pouvoir à la suite de l’abdication de l’empereur Guillaume II.

Mais il ne faut pas oublier que l’abdication de l’Empereur du Japon n’était pas exigée par l’accord de Postdam signé en Juillet 1945 entre les Etats-Unis, l’URRS et le Royaume-Uni, pour mettre fin à la guerre contre le Japon et que la reddition japonaise fut reçue avec soulagement par le président Truman qui craignait une médiation trop empressée des Russes.

Le mérite revient in fine aux Américains et aux Japonais d’avoir réussi à effacer la haine entre leurs deux peuples et à faire du Japon un grand pays allié et ami des Etats-Unis.

Nous continuons l’après-midi par la visite d’un jardin traditionnel japonais dans le quartier Shinjuku 新宿de Tokyo.

On peut y admirer des cerisiers en fleurs, des pins parasols et des fleurs dont je ne saurais donner tous les noms.

La fleur de cerisier (sakura 桜 / 櫻, qui désigne en japonais aussi bien la fleur que l’arbre) est l’emblème des samouraïs qui constituent une classe guerrière de 1185 (période Kamakura 鎌倉時代) à 1868 (ère Meiji 明治時代).

Le samouraï ou bushi (武士 = Võ Sĩ) possède une éthique très stricte qui le fait mépriser la souffrance physique et la mort.

Il se suicide par seppuku (切腹 = suicide rituel par éventration), plus connu sous le nom de hara-kiri en Occident, s’il ne peut obéir à un ordre de son chef qu’il considère comme immoral ou s’il a lui-même commis un acte qu’il juge déshonorant.

Pour lui la vie est aussi légère que la fleur de cerisier, belle et éphémère.

Sa chute est comparée à la fin de la vie d’un homme, une fin qu’il affronte avec sérénité et courage, comme inscrite dans le cours inéluctable des choses.

Dans le film « Le Dernier Samouraï » avec Tom Cruise et Ken WATANABE, on peut voir le dernier samouraï se donner la mort par seppuku au moment où il comprend que la bataille est perdue, avec en arrière-plan une fleur de cerisier qui se détache de sa branche et s’envole dans l’air calme et limpide du jour.

Symbole fort pour qui connaît l’esprit du samouraï dont le savoir-mourir fait partie du savoir-vivre.

Le film « Le Dernier Samouraï » est inspiré d’un fait historique réel : la rébellion menée par TAKAMORI Saigo (隆盛西郷, 1827-1877) contre les forces impériales pour défendre la caste des samouraïs dont les privilèges étaient menacés par les réformes de l’empereur Meiji.

Elle s’est terminée le 24 Septembre 1877 par la bataille de Shiroyama (城山の戦, Shiroyama no tatakai) où 500 samouraïs survivants de TAKAMORI Saigo se lancèrent dans une charge à cheval à l’assaut des 30 000 soldats impériaux, armés de fusils et de mitrailleuses, qui les encerclaient et furent tués jusqu’aux derniers.

TAKAMORI Saigo lui-même grièvement blessé s’est fait seppuku selon la tradition des samouraïs.

Si aujourd’hui, les samouraïs n’existent plus au Japon en tant que classe guerrière, beaucoup de Japonais continuent de s’en inspirer dans leur façon de vivre en respectant les codes du Bushido (la Voie du Samouraï) qui exigent du pratiquant courage et fidélité sans faille à son idéal jusqu’à la mort.

Le soir nous nous promenons dans le quartier chic de Tokyo : Ginza (銀座 = ngân tọa = siège blanc ou en argent).

A Ginza, on trouve des magasins de luxe (Louis Vuitton, Prada, Shiseido, Dior, Cartier, ….) qui pratiquent des prix exorbitants, mais cela ne refroidit pas pour autant l’ardeur de la gent féminine qui nous accompagne, bien au contraire.
.

29/03/2014 Tokyo – Yokohama – Kamakura – Mont Fuji – Onsen…

Vers 9H00, nous visitons le Senso-ji (浅草寺), dans le quartier d’Asakusa de Tokyo, dédié au bouddha Kannon = 觀音 = Quan Âm encore appelé 觀世音 Quán Thế Âm (qui entend toutes les voix du monde), qui est le bouddha de la compassion et de la sagesse qu’invoquent les malheureux en détresse. Le Senso-ji, terminé en 645, est le plus vieux temple de Tokyo.

A midi, nous débarquons dans le quartier chinois de Yokohama (横浜), deuxième ville du Japon , située dans la baie de Tokyo, au sud de Tokyo, l’un des grands ports du pays avec Kobe, Osaka, Nagoya … où nous profitons du temps libre pour nous restaurer et faire un peu de shopping.

L’après-midi nous partons visiter la statue dédiée au bouddha Amida (Phật A Di Đà) assis, construite en 1252 sous le shogunat de Kamakura 鎌倉 (1185-1333).

.

Shogun (将軍= Tướng Quân) signifie généralissime.

Le shogun devient définitivement un titre héréditaire à partir de la période Tokugawa (1603-1867).

Il est le dirigeant de facto du pays (dictateur militaire) alors que l’empereur en est le dirigeant de jure (gardien des traditions) inamovible depuis près de 2700 ans.

Cependant, quand une crise devient insoluble, le shogun peut volontairement s’effacer pour redonner le pouvoir réel à l’empereur (seul cas officiel : Meiji en 1868 avec l’ouverture forcée du pays aux étrangers).

En 1498, un raz-de-marée balaya le grand temple du bouddha Amida jusqu’aux pièces de sa fondation mais laissa intact son corps.

En septembre 1923, un grand tremblement de terre détruisit sa base mais ne causa aucun dégât au corps du bouddha.

Ces deux événements font penser aux pouvoirs surnaturels de la statue.

C’est pendant la période Kamakura qu’on voit émerger la classe guerrière des samouraïs ainsi que le système féodal qui subsistera jusqu’en 1868.

C’est aussi pendant cette période que deux tentatives d’invasions mongoles ont échoué grâce au kamikaze, 神風 = thần phong = vent divin, qui coula les flottes mongoles parties de Corée.

La nuit venue, nous revenons à l’hôtel situé en face du mont Fuji (Fuji = 富士 = Phú Sĩ) avec ses 3776 m d’altitude, en espérant pouvoir l’admirer au lever du soleil vers 5H00 du matin.

On nous fournit un yukata (浴衣 = dục y = vêtement de bain), kimono d’été léger et des pantoufles confortables pour nous détendre.

En attendant le lever du soleil, nous profitons des onsen (温泉 = ôn tuyền), sources d’eaux chaudes de l’hôtel, en tenue d’Adam pour les hommes et d’Eve pour les femmes, comme c’est la coutume ici au Japon, à Taiwan et en Corée.

Mais contrairement aux camps de nudistes en France, hommes et femmes se baignent séparément.

L’expérience est si agréable que le lendemain, certains d’entre nous décident de la renouveler.

Quant au capricieux Fujiyama, grande déception, car à notre lever à 5h00 du matin, le ciel ne s’éclaircit pas et seul le brouillard est au rendez-vous.

On se dit tristement que ce sera pour la prochaine fois.
.

30/03/2014 Mont Fuji – Nagoya

La contemplation du Mont Fuji étant compromise par le mauvais temps qui y règne, notre car fonce vers Nagoya (名古屋), la troisième ville du Japon en superficie et la quatrième en population, derrière Tokyo, Yokohama et Osaka. Après la visite du parc Heiwa-Koen dédié à la Paix, à l’est de Nagoya, nous visitons le temple shintoïste de Linga Tagada à Komaki qui vénère le sexe masculin.

4 photos

Chaque année, une fête appelée Honen Matsuri est organisée le 15 mars à Komaki à 45 minutes de Nagoya en voiture. (Honen=abondance , Matsuri=fête). On y vient pour demander à l’esprit du sexe de donner la fertilité aux femmes ou des récoltes abondantes aux paysans. L’après-midi, nous sommes allés au musée de l’automobile Toyota où sont exposés des modèles de la marque mais aussi des voitures européennes et américaines depuis 1880 à nos jours.

On y voit des Rolls-Royce, des Packard, des Ford, … et bien sûr des Toyota.

Une collection de voitures de rêve pour millionnaires.
.

31/03/2014 Nagoya – Nara – Kyoto

Une agréable surprise nous attend avec la présentation par notre guide d’une jeune (et jolie) Japonaise qui va nous accompagner jusqu’à Kyoto où habite sa grand-mère.

C’est une étudiante qui fait à Hà Nội une thèse sur Khái Hưng, l’un des principaux rédacteurs du Tự Lực Văn Đoàn (littéralement : groupe littéraire pour l’auto-renforcement) créé par Nhất Linh.

Khái Hưng, est l’anagramme de Khánh Giư, de son vrai nom Trần Khánh Giư, né en 1896 dans le village de Cổ Am, district de Vĩnh Bảo, province de Hải Dương, près de Hà Nội.

Il est un romancier de talent, un chantre de la modernité et de la liberté individuelle, un fervent défenseur de l’indépendance nationale, que les communistes ont exécuté le 17 Novembre 1947.

Il est aussi connu pour avoir traduit le sonnet de Félix Arvers dont le premier quatrain était très en vogue chez les JJR dans les années 60 :

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment conçu :
Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.

A mon avis, cette traduction sublime en thơ lục bát (poèmes alternativement en vers de six et huit pieds, selon la métrique viêtnamienne classique) transcende la version originale en vers alexandrins.

C’est avec une vive émotion que je redécouvre Khái Hưng, grâce à … une Japonaise.

A Nara (奈良) qui est la première capitale du Japon (710 – 784) dont les monuments historiques ont été inscrits au patrimoine mondial de l’humanité en 1998, nous avons visité, entre autres, le Tōdai-ji (東大寺 = Đông đại tự = Grand temple de l’Est), le temple en bois le plus grand au monde.
.

01/04/2014 Kyoto

Kyoto (京都 = Kinh đô = capitale) est de 794 à 1868 la Capitale impériale du Japon sous le nom de Heian-kyō (平安京 = Bình an Kinh = Capitale tranquille et paisible) .

Avec ses 2000 temples, ses palais, ses jardins, son architecture, Kyoto est considéré comme le centre culturel du Japon. Ses monuments historiques ont été inscrits au patrimoine de l’Unesco en 1998.

En 1945, la ville a été retenue comme cible d’un bombardement atomique puis écartée in extremis.

A Kyoto nous avons visité le temple bouddhiste Kinkaku-ji (金閣寺 = Kim các tự = temple du pavillon d’or) qui est le temple impérial situé dans le jardin des cerfs.

A l’origine il a été construit par le Shogun Ashikaga足利, qui y habite après avoir rendu son titre de Shogun, vers la fin du XIVème siècle, et le lieu fut transformé en temple.

Il doit son nom à ses deux étages recouverts d’or et est célèbre dans le monde entier.
.

02/04/2014 Kyoto – Kobe

Kobe (神戸 = thần hộ = porte des esprits )

Kobe possède l’un des plus grands ports du Japon. En 1995 un séisme de grande magnitude a détruit une grande partie de la ville et fait plus de 6000 morts.

Kobe est connu pour sa viande de bœuf (voir photo ci-dessus) et pour son quartier occidental.
.

03/04/2014 Himeji
.

Le château d’Himeji (姫路) est le plus visité au Japon et le mieux préservé.

Il a été construit au XIVème siècle.

Malheureusement, nous n’avons pas pu visiter l’intérieur du château d’Himeji qui est en cours de rénovation, mais seulement les jardins alentour.
.

03/04/2014 Osaka – Kansai

La fin de notre visite au Japon se termine à Osaka (大阪) qui est la 3ème ville du Japon.

Pour notre dernière étape au Japon, nous avons décidé de nous rendre au château d’Osaka construit au XVIème siècle par le shogun TOYOTOMI Hideyoshi (豊臣秀吉), qui est considéré comme le deuxième unificateur du Japon.

A sa mort en 1598, le château d’Osaka passe à son fils TOYOTOMI Hideyori (豊臣 秀頼) âgé de 5 ans.

TOKUGAWA Ieyasu (徳川家康), qui était l’allié de TOYOTOMI Hideyoshi de son vivant et désigné par lui comme l’un des cinq régents pour gouverner le pays et protéger son fils pendant sa jeunesse, défait les troupes loyales à celui-ci à la fameuse bataille de Sekigahara en 1600, devient Shogun en 1603 et s’établit à Edo (qui deviendra Tokyo en 1868).

En 1615, il attaque TOYOTOMI Hideyori dans le château d’Osaka pour la deuxième fois, qu’il prendra rapidement.

C’est la fin du clan TOYOTOMI avec le suicide par seppuku de Hideyori à l’âge de 22 ans, le suicide par jigai (自害 ou suicide réservé aux femmes) de sa mère, et la mise à mort de son fils de 8 ans.

TOKUGAWA Ieyasu est considéré comme le troisième et dernier unificateur du Japon.

Le château d’Osaka est un ouvrage imposant avec 5 étages à l’extérieur et 8 à l’intérieur.

Il possède un parc magnifique avec des cerisiers en fleurs, les plus beaux que nous ayons vus depuis le début de notre voyage au Japon.
.

04/04/2014 Osaka – Taiwan (台灣) – Séoul (서울) – Paris (巴黎)

Après le Japon, nous partons pour Taiwan où une nouvelle aventure nous attend, puis nous nous rendons en Corée du Sud avant de retrouver, pour ceux et celles d’entre nous qui l’avons un moment quittée, notre belle et douce France.

Taiwan est une ile de 36 000 km2 avec 23 millions d’habitants, connue en français sous le nom de Formose, du portugais Formosa (belle île).

Elle est depuis 1949 administrée par la République de Chine qui occupe le siège de la Chine à l’ONU jusqu’en 1971, date à laquelle elle est remplacée par la République Populaire de Chine.

Après quelques décennies de régime autoritaire, Taiwan est devenue un pays démocratique et connaît un essor économique qui la place au rang des pays industriels développés avec un niveau de vie équivalent à celui de l’Union Européenne.

Taiwan est connue pour ses produits électroniques (ACER, ASUS, HTC, TSMC …) , dont seulement une petite partie est fabriquée sur place, pendant que le reste de la fabrication est délocalisé en Chine et dans les pays de l’Asie du Sud-Est où la main d’œuvre est meilleur marché.

La Corée du Sud (대한민국 = 大韓民國 = République de Corée) qui compte 49 millions d’habitants est la douzième puissance économique mondiale.

La Corée possède un alphabet officiel appelé hangeul 한글 = 諺文 = ngạn văn = langue des proverbes (글 = geul = langue, 한 = han = proverbe) inventé par le roi et savant Sejong le Grand (세종대왕) pour remplacer les caractères chinois (hanja) jugés trop complexes, dès le milieu du XVème siècle.

Le hangeul est considéré comme l’un des systèmes d’écriture les plus scientifiques au monde.

Les industries coréennes se placent aux premiers rangs mondiaux pour l’électronique grand public, la construction navale, la construction automobile et la sidérurgie.

Le point le plus spectaculaire de notre visite en Corée du Sud est la DMZ (zone démilitarisée) servant de démarcation entre les deux frères ennemis que tout sépare, la Corée du Nord, communiste, pauvre et totalitaire et la Corée du Sud, moderne, riche et démocratique.

Nous avons visité en guise d’attraction touristique l’un des quatre tunnels creusés par les Nord-Coréens depuis la DMZ pour attaquer la Corée du Sud par surprise, mais toutes ces folles tentatives belliqueuses de la Corée du Nord de 1975 à 1990 se sont soldées par des échecs grâce à la vigilance des Sud-Coréens surentraînés et équipés de matériels les plus modernes. Au moins l’une d’entre elles a échoué à la suite de la désertion de l’architecte en chef du tunnel qui a révélé tout le plan d’invasion aux Sud-Coréens.

L’impression générale que je retire de ce périple à travers les trois pays de l’Asie, Japon, Taiwan et Corée du Sud, est un sentiment de grande sécurité partout où je vais, que je me promène dans la rue ou que je loge à l’hôtel, dû non pas à une présence policière quasi-inexistante, mais au sens civique élevé de leurs habitants.

Une anecdote personnelle vient renforcer ce sentiment de confiance : j’ai oublié mon appareil de photos dernier cri à l’hôtel et on me l’a fait suivre à l’étape d’après, soigneusement emballé pour éviter tout choc éventuel au cours du transport.

En conclusion, le Japon, Taiwan et la Corée du Sud méritent à juste titre leur surnom de dragons de l’Asie.

.

Catégories
Prose

Năm Ngọ nói chuyện Ngựa

Dang Tien (BP60)

.

Horse in a landscape – Franz Marc

Năm Ngọ nói chuyện Ngựa, câu hỏi đầu tiên là : chữ Ngọ tên một trong mười hai địa chi của âm lịch, có nguồn gốc từ lâu đời tại Trung Quốc, mang âm vang hao hao với chữ Ngựa, tên của động vật tượng trưng cho địa chi ấy. Vậy Ngọ, chữ Hán, và Ngựa, tiếng thuần Việt có họ hàng gì với nhau không ?

I. Ngọ và Ngựa

Hai danh từ cận âm cận nghĩa, từ lâu ta vẫn cho là tình cờ. Như tên người phát thơ và chữ facteur, tên món phở và chữ pot au feu trong tiếng Pháp, cải bắpcabbage trong tiếng Anh.

Nhưng sao nhiều trùng hợp quá : năm Mão, hay Mẹo gần với chữ Mèo, trong khi người Tàu gọi là năm Thỏ ?

Trước đây, nhân một bài viết về Năm Thìn và con Rồng, giáo sư ngữ học Nguyễn Tài Cẩn có đề xuất : chữ Thìn có thể là tên gọi một loài rồng rắn trong ngôn ngữ Proto Việt Chứt, mà tiếng Việt Mường là một tiểu chi. “Giới ngữ học quốc tế đang cố gắng tìm nguồn gốc tên gọi 12 năm ở những ngữ hệ, Austro Thái, họ Nam Á … cố gắng tìm xem Hợi có gần với Cúi , Sửu có gần Trâu , Ngọ có gần với Ngựa hay không” (1). Nên ghi nhận thêm : người ta nói : năm Ngựa, tuổi Ngựa, mà không nói “giờ Ngựa” thay cho giờ Ngọ. Chữ Ngọ Môn không ai dịch thành “Cửa Ngựa”. Vậy giữa Ngọ và Ngựa, tương quan không phải chỉ là ngữ âm.

Dù sao, trước mắt, chúng ta vẫn có viễn tượng giải quyết một vấn đề văn hoá mà chúng ta … không đặt ra.

II. Ngựa Hồ, gió bấc

Xưa nay, Việt Nam không có truyền thống sử dụng ngựa rộng rãi như Trung Quốc.
Ngay ở Trung Quốc thời xưa, cư dân lưu vực sông Hoàng Hà cũng không có ngựa hay, như các sắc tộc phía Tây hay phía Bắc, mà họ gọi là rợ Nhung, rợ Hồ.

Thời nhà Thương, 2000 năm trước tây lịch, người Hoa (tạm gọi như thế) đã biết sử dụng chiến xa do ngựa kéo. Nhưng chưa có kỵ binh và dường như cũng chưa biết chăn nuôi ngựa nòi. Họ phải mua, hay cướp ngựa các dân tộc phía Tây Bắc. Đến đời Tần-Hán, họ đã dùng chiến mã thuần thục, nên mới có câu nói của Hán Cao Tổ “Ta ngồi trên lưng ngựa mà chiếm được thiên hạ, cần gì Thi Thư“, và Lục Giả đã trả lời : “ngồi trên lưng ngựa chiếm được thiên hạ, nhưng không trị được thiên hạ” và Hạng Võ, vào bước đường cùng ở bến Ô Giang mới làm thơ biệt Ngu Cơ “thời bất lợi hề, ngựa không đi“.

Nhưng theo sử sách, ngựa nhà Hán vẫn không hay bằng ngựa của người Nhung, người Địch. Do đó mới có chuyện vua Hung Nô tiến cống cho Hán Vũ Đế con Thiên lý Mã, rất được tôn quý và nuôi ở vườn Tượng Lâm. Nhưng đến mùa gió Bấc thì ngựa Hồ lại hý, như là nhớ quê phương Bắc, nhớ rầu rĩ đến chết. Và Mã Viện đã có câu da ngựa bọc thây để tỏ chí làm trai. Thời đó, nhà Hán cấm xuất khẩu đồ sắt và ngựa nòi sang phương Nam, hoặc chỉ xuất khẩu ngựa đực.

Trong di chỉ An Dương, mười thế kỷ trước Tây lịch, người ta đã thấy vết tích ngựa kéo xe. Trong phần mộ đời Tần, có nhiều tượng ngựa bằng đất nung và xương ngựa. Thời Đông Hán còn để lại những phù điêu tô màu, vẽ rõ nét cảnh đi săn, người cưỡi ngựa và đoàn xe ngựa kéo. Người Tàu ưa vẽ ngựa, càng ngày càng đẹp, như Hàn Cán đời Đường, tạo ra cả một trường phái qua bức tranh lụa Một Trăm con Ngựa (27 cm x 300 cm) mô tả mọi sinh hoạt : ngựa phi, ngựa đùa, ngựa tắm… Có khi họ diễn đạt tình cảnh, tâm trạng ngựa, như Con Ngựa bị cột của Hàn Cán (720-780) hay Người và Ngựa trong Cơn Bão của Triệu Mộng Phu (1254-1322). Gần đây Từ Bi Hồng (Xu Bei Hong) vẫn còn vẽ rất nhiều tư thế, tâm trạng Ngựa.

Horses – Xu Bei Hong

Tranh ngựa của Trung Quốc là cả một thế giới riêng, có quy luật, có giá trị mỹ thuật, tâm lý và nhân văn riêng. Còn con ngựa trong văn thơ của họ, là một đề tài vô cùng tận.

III. Ngựa Việt, Phương Nam

Người Việt đồng bằng ít dụng ngựa. Ngàn xưa đã vậy. Những khai quật các di chỉ Đông Sơn, cho thấy nhiều xương trâu, bò, heo, gà, mà không thấy xương ngựa. Chư vị sử gia đều nhất trí cho rằng thời Hùng Vương, tổ tiên ta chưa sử dụng ngựa.

Dù rằng truyền thuyết vẫn nhắc đến ngựa : Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc, thần Tản Viên cưỡi ngựa bạch, đi trên mây, An Dương Vương đèo công chúa Mỵ Châu trên lưng ngựa … nhưng đây là chuyện truyền khẩu, không lấy gì làm bằng cớ, do đời sau ghi lại trong Lĩnh Nam Chích Quái.

Về sau, ngựa cũng không mấy khi được ghi công vào những cuộc chiến đấu của dân tộc như voi : Hưng Đạo Vương cưỡi voi qua sông Hoá, Bình Định Vương cưỡi voi đánh Đông Đô, Quang Trung cưỡi voi tấn công vào Hà Hồi. Ngựa có chiến tích là con NGỰA ĐÁ thời Trần, qua câu thơ Nhân Tông : “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã” (xã tắc hai lần bon ngựa đá). Điều đó không có nghĩa là thời xưa, người Việt không biết đến ngựa. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư kể lại rằng : Năm 1134, có người dâng lên vua Lý Thần Tông con ngựa màu hoa đào, đầu xanh, có sáu cựa, chân trước một, chân sau hai cựa.

Cheval en pierre – Bửu Chỉ

Văn học dân gian cũng ít có ngựa. Trong tục ngữ, thành ngữ, ngựa là một biểu tượng mâu thuẫn : một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ, ngựa là hình ảnh đoàn kết, tương thân tương ái ; nhưng nó lại tượng trưng cho lòng tham không đáy ở câu cạn tàu ráo máng. Khi nói : lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu là ca ngợi lòng trung thành của loài vật ; nhưng nói ngựa quen đường cũ là chê thói hư tật xấu. Thân trâu ngựa, trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa, ngựa non háu đá, là những ẩn dụ miệt thị.

Thậm chí, những tính từ ngựa, đĩ ngựa, thường chỉ áp đặt cho phụ nữ, chê bai lối sống tự do, phóng túng, là những từ kỳ thị nữ giới, bất công và lạc hậu. Người Huế khi nói “con ngựa Thượng Tứ” là phỉ báng nặng lời.

Trong ca dao, hình ảnh ngựa không nhiều và không rõ nét. Nguyễn văn Ngọc, trong Tục Ngữ Phong Dao (1928) có sưu tập :

Rập rềnh nước chảy qua đèo,
Bà già tấp tểnh mua heo cưới chồng

Ý muốn nói sự việc khó khăn, trái với tự nhiên. Trong bộ sưu tập ca dao của Nguyễn Xuân Kính (1995) có câu rập khuôn :

Rung rinh nước chảy qua đèo
Ngựa đua xuống biển, thuyền chèo lên non

Có người giải thích là phản ánh thuyết vô thường của nhà Phật.

Ngựa thường là biểu tượng cho quyền thế, giàu sang : Năm con ngựa bạch sang sông
Năm gian nhà ngói đèn trong đèn ngoài…
Đèn thương nhớ ai …

Hoặc là :

Ngựa ô yên khấu bằng vàng
Chân nạm bằng bạc
Ba vuông nhiễu thắm
Một bộ áo gấm
Thiếp sắm cho chàng
Kinh lại hồi kinh

Vợ chồng Mèo đi chợ – Văn Cao

Những hình ảnh đó đã đi vào dân ca, qua điệu Lý Ngựa Ô :

Ngựa Ô anh thắng kiệu vàng
Anh tra khớp bạc
Lục lạc đồng đen …

Văn học thành văn trước kia chịu ảnh hưởng hán học, sau này chịu ảnh hưởng phương Tây, cho nên đều có nhiều hình ảnh ngựa, hàm súc và thi vị. Nhưng đây là đề tài quá rộng, cần một bài viết khác.

Chúng tôi muốn dừng lại ở bóng dáng con ngựa trong câu ca dao Phú Yên, gọi là hò Phú Ơn. Có lần, khoảng 1955, Nguyễn Tuân tiễn bạn, một đêm mưa gió. Nửa khuya, quán nghèo. Nguyễn Tuân cầm ống thổi lửa, cảm khái gõ ngón tay đánh nhịp và hò :

Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn kiệu chú lính đưa cô tôi về
Ngựa ô đi đến quán Lau
Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau gò Điền

Chuyện do Tô Hoài kể, không phải trong Chiều Chiều , mà trong Cát Bụi Chân Ai…

Đặng Tiến
Tết Giáp Ngọ, 2014

.

(1). Nguyễn Tài Cẩn, Về tên con Rồng của Người Việt, báo Diễn Đàn, số 94, Paris. In lại trong Một số Chứng Tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá, tr. 27-28, nxb Đại Học Quốc Gia, Hà Nội, 2001

.

Catégories
Prose

A Silhouette in The Fog (1)

by NHAT LINH (2)
Translated from the Vietnamese by TRUC HUY

Adapted from a friend’s account.

.

It was pitch-black outside. In the compartment of second class, I was alone face to face with Trach, an old friend, that a sheer chance had made me meet him in the same train. Ten years ago, he was still conducting the train and lived in a precarious financial situation like me. We were both amazed and happy to meet each other again in this coach.

While speaking to him, I noticed, lain by his side, a very beautiful box inlaid with mother-of-pearl. I took it up to admire it more closely, and I opened it fortuitously. My friend appeared to be dissatisfied but, out of consideration for me, he did not say anything. Then I found out something quite unusual : locked up well in the box was an enormous butterfly with its wings already damaged. I told him :

– Butterflies, like this one, are commonly seen in my region ; they aren’t of rare species. Why do you want to preserve it with so much care and affection ?

– It’s true. It is a very common butterfly. As a matter of fact, it’s just a bombyx, but for me…

The roar of the train passing on a metallic bridge interrupted his sentence. He listened attentively to that sound, and then declared :

– We are just crossing bridge N. G.. It’s precisely on this bridge, in its middle, that I caught this butterfly, ten years ago…

His face seemed to change expression. I presumed that there was something the matter with him, so I hastened to ask :

– This butterfly is undoubtedly related to some kind of story, isn’t it ?

– Yes, a sad story … It happened to me more than ten years ago, about the time when you made a move to Saigon ; and myself, I was still conducting a train and worked on this line. No need for me to tell you in what situation I was then ; you know that well.

– In the same situation as mine…

– However, I did not tell you one thing : by that time, I was just married, but I kept it secretly from my family, from everyone, from you. My wife and I, we lived in poverty, yet we were really very happy. My wife, however, was too fragile to support all these privations, and her health’s condition declined day after day. Then, with time, she became seriously sick. Unfortunately, I had to continue to go to work, although there was nobody to look after her at home.

One evening, my wife lost consciousness several times ; and that precise evening, my superior ordered me to lead the official convoy of the Governor General. It was a true chance for me, but I could not accept. I immediately went and saw my superior to explain to him that my wife was very sick. He flew into a white rage and shouted to me :

– I don’t want to know ! Either you will show up at the station at ten o’clock tonight, or you can quit your job right now and it’s not necessary for you to come back again. Get out of here now !

His words proved to be inflexible ; and me, I could not know which decision to take. However, when returning home and sitting beside my wife lying in bed, I realized, in seeing her, that I could not leave her alone at home like that, that I needed to remain by her bedside, whatever would happen, even should I lose my job.

My wife, seeing me so anxious, questioned me. I told her the whole story. After I finished my account, her face became very radiant, she said :

– You will go there ! There is nothing to worry about. I’m all right. Moreover, I feel myself much better now. When you return home tomorrow evening, don’t forget to bring me a small gift.

I saw her laughing and speaking merrily ; that reassured me. I got dressed and left for the station. When I arrived there, it was exactly ten o’clock. However, right after the departure of the train, I started to feel myself very anxious : I realized that I had behaved inconsiderately ! I got a very strange feeling, something like a presentiment : it seemed to me as though, when I left my wife alone at home like that, I was not going to see her again, alive, at my return.

I tried to concentrate myself in operating the machine, but that hardly lasted very long. Suddenly, the train seemed to oscillate and lean on one side, as if it were going to overturn. My heating aid released his shovel and grasped me :

– Hey ! What have you tonight ? This turning is dreadfully dangerous, and you did not slow down. Did you fall asleep ?

I did not fall asleep but if I was there well upright, my spirit, on the other hand, was somehow with my dying wife, at home, lonely in our small house. I had dazzles in my eyes and I was covered with sweat.

We entered a mountain ravine. It was a rough pass for the train, because of upward and downward slopes. I leaned my head outside through the door to look in front of me ; but that night, there was a thick fog. One could not distinguish anything except a white gleam formed in the beam of the two headlights.

Suddenly, I saw … very distinctly, I saw, in the fog, the silhouette of a woman wearing a very loose white dress, standing over there, at some distance ahead of the train, her arms fully stretched out. I rubbed my eyes, believing in a hallucination, but the silhouette was always there. I called my aid and sent him to look by the door, then asked him :

– Don’t you see something ?

Hardly had I finished these words that the silhouette disappeared. My aid leaned his head outward then replied :

– I only see the fog ! You must have a dream.

– No way, I saw very well a silhouette of a woman in the fog, but she has just disappeared.

My aid laughed, incredulous. He took his shovel and added coal into the boiler ; and me, on the other hand, I could not move from there, my eyes still looking the route in front of me. A few moments later, the woman’s silhouette reappeared again, this time much clearer, and stretched her arms wide open, as if she wanted to bar the train from moving on.

Again I called my aid, but this time he pretended not hearing me, feigning absorbed in throwing coal into the boiler. I knew that I did not dream, I knew that the silhouette was real, and that everyone would see it. I caught my aid’s hand, took him to the door and said with determination :

– Now, look again !

His mouth and eyes wide opened with great fear, he uttered :

– It’s very … very strange … It is a ghost !

As the train advanced, the woman’s silhouette moved back, floating between sky and ground, and being specified and growing blurred in turn. Then, the silhouette waved both arms in full gesture, as though she wanted to convey to us to stop, that there was imminent danger.

I said to my aid :

– I think it will occur something abnormal.

– Yes, the silhouette seems to gesture to us to stop.

The woman’s silhouette persisted in making great gestures of arms, which became increasingly faster and faster, as if she were desperate not to be able to make herself understood.

– I think we’d better stop the train and find out what it is. It’s certainly a ghost !

– You should not do that. There is no reason…

Then I heard a sort of buzzing and steady noise that continually amplified in my ears. I felt myself as if I were going to lose conscience at any moment : a voice reached me from very far, a woman’s voice that said to me :

– Stop ! Stop !

As I listened attentively to that voice, my hand held firmly the brake, ready to apply it, however not daring to do so. Again, I heard the woman’s voice, more distinct and more urging than ever :

– Slow down ! Apply the brake immediately !

Not realizing what I did, with my eyes shut, I jammed on the brakes brutally. The sudden movement shook all the coaches ; the iron wheels howled in the silence of the night. The train still ran a little distance more, then immobilized. As I hardly climbed down the steps, the train guard came running, holding a lantern in his hand, and asked :

– What happened ?

I was confused, not knowing what to answer. Who would believe me even though I would tell the truth ? I mumbled :

– There is something very strange. Let me go and find out with the lantern.

Coming to the news, the officers of the Governor’s delegation joined us and, before this unexpected event, accompanied us. At some distance from there, we heard the roar of a waterfall. By gathering my spirits, I realized that we were at bridge N. G..

On the previous days, it had been raining abundantly ; and it was probably the torrential flow that caused such a tremendous sound. Arrived at the edge of the river, what we saw with the gleam of the lantern struck us with stupor : the torrent had divided the bridge in two.

A little more, if I had not slowed down in time, the convoy transporting the Governor would have been precipitated in the ravine, and none of us would have survived. One could not imagine such a more appalling catastrophe, and it was I who had avoided it by a hairbreadth. I was standing there, stupefied, unable to understand what had happened.

The train guard, glowing with great relief, asked me :

– How did you know that it was necessary to slow down and apply the brake in time like that ?

– I really don’t know.

With joy painted on every face, the officials made circle around me, assailing me with questions to which I could not answer. Then they drew aside to give way to the Governor General himself. Although I was only a simple railway worker, the Governor did not hesitate, in his joy, to shake my hand soiled with coal and to express to me his congratulations.

It was undoubtedly that I was going to receive a deserving award or honor but, at that precise moment, it was to me of little significance, since I was totally absorbed in thinking to my wife, ill and lonely at home.

When I got back to the train, I suddenly caught sight of something stuck on one of the headlights. As I looked at it more closely, I saw that it was a very large butterfly, taken in the headlight and still being struggled to free itself from there. It was precisely the same butterfly you see here in this box.

I understood the whole thing immediately by looking at it. The truth was this : the woman’s silhouette of a few moments ago was in reality the shadow of that butterfly projected on the fog. The head of the animal was the head of the woman’s silhouette, and its beating wings her waving arms.

I caught the insect and was about to release it, but thinking that it had saved my life, I decided to keep it as a souvenir. At that very moment, the clock in the train indicated two o’clock in the morning…

The following day, as soon as I arrived at the steps of my house gate, a kid got out precipitately, announcing to me that my wife had died ; she died in the night, around one o’clock in the morning.

I’m not superstitious and want to convince myself that it was merely something fortuitous, that it was just a coincidence. However, I could not prevent myself from thinking that my wife’s soul had been reincarnated in this butterfly to preserve me from that accident, that night.

What is the meaning of my life now ? I have survived and have saved my body, but for what ? Wealth and glory are vain things for me now. I am now very much alike this butterfly, even though my body is here, but my heart is elsewhere…

When he finished his account, my friend closed the mother-of-pearl inlaid box and said absent-mindedly :

– Now, there is left here only the remains of that butterfly, without its soul !

.

(1) Translated from “Bóng Người Trên Sương Mù”, a story from the collection “Anh Phải Sống” (You must live) by Khái Hưng and Nhất Linh, published in 1937.
(2) Nhất Linh (real name : Nguyễn Tường Tam, 1905-1963), was the most important pre-war Vietnamese novelist. In 1931, he met Khái Hưng (real name : Trần Khánh Giư, 1896-1947), one of the most famous Vietnamese authors of the first half of the 20th century, and the two founded, in 1933, the “Tự Lực Văn Đoàn” (Self Strength Literary Group). He contributed largely to ensure the literary revival in Vietnam during the pre-war period. Nhất Linh’s main works are :
– “Nắng Thu” (Autumn’s sunlight) – 1934 (novel)
– “Đoạn Tuyệt” (Breaking the ties) – 1935 (novel)
– “Lạnh Lùng” (A lonely life) – 1936 (novel)
– “Anh Phải Sống” (You must live) – 1937 (short stories) (in collaboration with Khái Hưng)
– “Hai Buổi Chiều Vàng” (Two golden afternoons) – 1937 (novel)
– “Đôi Bạn” (Two friends) – 1938 (novel)
– “Bướm Trắng” (White butterfly) – 1939 (novel)
– “Xóm Cầu Mới” (Cau Moi hamlet) – 1958 (novel)
– “Dòng Sông Thanh Thuỷ” (Thanh Thuy river) – 1960-1961 (novel)

.

Catégories
Prose

Con Rắn trong huyền thoại và văn học

Đặng Tiến (BP60)

.

Về mặt biểu tượng, rắn là một hình ảnh phức tạp. Hiện nay, trong dân gian nhiều nước, rắn biểu trưng cho sự độc hại, gian hiểm. Tiếng Việt có những thành ngữ : nọc độc, khẩu phật tâm xà. Nhưng trước các hiệu thuốc tây, bảng hiệu y khoa, ta lại thấy hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy, nó có tác dụng cứu chữa bệnh tật, nhắc đến một câu đồng dao trong trò chơi dân gian Việt Nam : rồng rắn đi đâu / xin thuốc cho con …

Và một số tín ngưỡng, như Ấn độ giáo, ngày nay còn thờ rắn, thần linh Naga.

Serpent par Hokusai

Rắn không những là một biểu tượng phức tạp, mà còn tượng trưng cho các động lực tương phản : tử sinh, âm dương, thiện ác …

Chúng ta khó bề sưu khảo tường tận về biểu tượng rắn qua các nền văn minh khác nhau, chỉ lưu ý rằng đề tài không đơn giản.

*

Ca dao ta có câu :

Trứng rồng lại nở ra rồng Liu điu lại nở ra dòng liu điu

Đây là một câu ca dao lạc hậu, quy thân phận con người vào một định luật thiên nhiên ; kỳ thật, nó chỉ là một câu vớ vẩn, mang tính cách tự hào và miệt thị giai cấp mù quáng, có ý đối lập rồng, biểu tượng cao quý cho tầng lớp giàu sang, với liu điu là loài rắn tầm thường, những phận người nghèo khó, tối tăm. Thật ra rồng và rắn cùng một nguồn gốc, thậm chí rồng là hậu thân của rắn. Ngay trong Thánh kinh Ki tô giáo, con rắn hiện thân cho cám dỗ, tội lỗi cũng là hậu duệ của rồng bị Chúa Trời trừng phạt, phải lê tấm thân bò sát và xấu xí.

Trong công trình biên khảo kinh điển : Cội Rễ lịch sử của Truyện Truyền Kỳ, Vladimir Propp đã dành một chương dài cho vai trò Rồng. Dịch giả từ tiếng Nga sang tiếng Pháp ghi chú : ” Rồng (dragon) dịch từ chữ zmei là giống đực của từ zméia có nghĩa là Rắn (serpent). Từ giống đực chỉ dùng để cho nhân vật kỳ ảo trong cổ tích và huyền thoại. Có thể dịch từ này thành Rồng hay Rắn ” 1.

Trong tiếng Việt Nam, nhà ngữ học Nguyễn Tài Cẩn, trên mặt báo Diễn Đàn, tết Canh thìn 2000, đã có bài vô cùng uyên bác, chứng minh rằng thời tiền sử, từ Rồng và Rắn có thể có chung nguồn gốc là từ / mahing / ở vùng Thà Vựng ngày nay. Anh còn nhắc lại rằng : ” tác phẩm nghệ thuật ở các đền chùa Lý Trần lại cho phép nghĩ rằng ta cũng vốn có cả một tên gọi Rồng Rắn theo kiểu rồng / mahing / ở vùng Thà Vựng ” 2.

Điều này hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung, chuyên gia về mỹ thuật, trong một tham luận năm 1970 đã nhắc lại : con Rồng thời Lý khác con Rồng Trung quốc, nó có hình dạng Rắn, ” có nhiều đường lượn. Hình loại rồng này phải có lịch sử của nó, có thể xuất hiện trước đời Lý nhiều… Nay ta gọi là Rồng, nhưng xưa chưa hẳn đã gọi là Rồng, mà có thể là một loại “ rồng rắn ”, trẻ con ta thường có trò chơi “ rồng rắn ” 3

Ngày nay, những khám phá về dân tộc học, huyền thoại học đã đẩy kiến thức và suy luận chúng ta đi xa hơn : hình ảnh Rồng Tiên là một sản phẩm văn học xuất hiện khá muộn màng trong tư duy dân tộc, ít nhiều do ảnh hưởng Trung Quốc và Đạo giáo. Ngay chữ ‘tiên’ cũng mới xuất hiện từ đời Hán, trước đó là những ‘chân nhân’. Vật tổ của các dân tộc Việt : Kinh hay Thượng, là Chim và Rắn. Hình tượng Chim thường gặp ở huyền thoại các dân tộc anh em miền núi, hình tượng Rắn thường gặp ở truyện cổ các vùng đồng bằng gần sông gần nước. Địa danh Ngã Ba Xà, hợp lưu giữa sông Cầu và sông Đuống, nhắc đến tín ngưỡng thờ Rắn (Xà), thờ Thánh Tam Giang là thần Rắn, có nơi được nhân cách hoá thành anh em Trương Hống, Trương Hát, cai quản khúc sông từ Ngã Ba Xà đến Ngã Ba Phượng Nhãn. Học giả Phan Ngọc viết rất rõ về vấn đề này và cho biết dọc sông Cầu có đến 300 xã thờ Thánh Tam Giang. 4

Các học giả Trần Từ (Từ Chi) và Bạch Đình cho biết thêm, trong truyện cổ Mường thường có nhân vật Khú ưa xuất hiện dưới dạng rắn nước, với đặc điểm : bao giờ cũng có mào đỏ trên đầu giống như gà trống. Điều này xác nhận một tư liệu của Lê văn Lan và Trần Minh Hiên trước đây :

” Trong ngôn ngữ và khái niệm người Khmu, có một con vật gọi là prư dồng. Đó là một con vật hình rắn, có mào như mào gà, có vảy và có chân. Trong ngôn ngữ và ý niệm Thái, “ prư dồng ” tương đương với “ tu luông ” là một con vật có vảy và có bờm như ngựa. Những con vật quái đản này không có quan hệ gì về dòng họ với những người đang sống, nhưng lại có vai trò như một thứ thần chịu trách nhiệm về nắng mưa như một thứ “ ma nước ” và những con vật quái đản này cũng thường được hiểu như khái niệm thuồng luồng của người Việt … Từ Quỳnh Nhai đến Mường la, trên sông Đà có khoảng 20 cái thác thì có 20 nơi thờ thuồng luồng như thế ; thường cúng bằng gà, lợn ” 5.

Thuồng luồng là rắn nước, sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi là Giao Long, và kể rằng vua Hùng đã dạy dân chúng ” lấy mực xăm vào mình hình (Lạc) Long Quân, theo dạng thuỷ quái ” để tránh nạn thuồng luồng bách hại. Nhưng đây có thể là lối giải thích thực dụng của Nho giáo. Có thể người Văn Lang thời đó xăm mình theo dạng rắn vì là thuỷ tổ của mình. Dĩ nhiên là điều này không loại trừ điều kia.

*

Trong văn học, câu chuyện Giao Long kể trên có lẽ là xưa nhất, bên cạnh chuyện Lạc Long Quân diệt Ngư Xà. ” Ngư Xà dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hoá vạn trạng, linh dị khôn lường… (có khi) hoá thành gà trắng gáy trên đỉnh núi ” (Truyện Ngư Tinh). Ngư Xà ăn thịt người, gây bão tố làm hại thuyền nhân, cuối cùng bị Long Quân giết.

Dân gian thường kể chuyện Thần thuồng luồng bắt cóc phụ nữ, hay đòi phải hy sinh nhân mạng. Nguyễn Dữ, thời Mạc, trong Truyền kỳ mạn lục kể chuyện thần Thuồng Luồng ở một đền thờ tại quận Hồng Châu, Hải Dương, bị kiện vì tội bắt cóc Trịnh Thị, bị Long Vương trị tội, phạt lưu xứ : ” giữa ban ngày, không mây mà mưa, nước sông đầy, rồi có một con rắn dài mười trượng, vẩy biếc mào đỏ nổi trên mặt nước mà đi lên mạn Bắc, đàng sau có hằng trăm con rắn nhỏ đi theo, đền từ đấy không linh thiêng nữa “. Đền thờ Rắn ấy, sách gọi là ‘’dâm từ’’. Chúng ta lưu ý đến mào đỏ như trong cổ tích.

Người ta thường kể chuyện Rắn báo oán, nhân vụ án Nguyễn Trãi. Thật ra đây là truyện Tàu, chuyện Ngô Trân đời Tống và chuyện Phương Chính Học đời Nguyên, do một số nho sĩ thời Lê mô phỏng để giải thích, mờ xoá tấn thảm kịch chính trị thời đó. Một mặt nó xuyên tạc lịch sử, mặt khác hạ thấp tư cách Nguyễn Thị Lộ, và trầm trọng hơn nữa, phản ánh thành kiến với phụ nữ, đồng hoá phụ nữ với tai hoạ. Dĩ nhiên là sai trái.

Thạch Sanh- tranh Nguyễn Tư Nghiêm

Một con rắn lừng danh là Chằn Tinh trong truyện Thạch Sanh, truyện nôm bằng thơ. Chằn Tinh là một con rắn tu luyện nhiều năm, dữ tợn và biến hoá vô cùng ; vua bắt dân phải lập miếu thờ, hằng năm phải hy sinh một người con trai cho nó ăn thịt. Năm ấy Lý Thông bị chỉ định hy sinh, bèn gạt người anh em kết nghĩa là Thạch Sanh đi thế mạng. Thạch Sanh đương đầu với Chằn :

Giở ra cơm nắm toan ăn,
Hay đâu gió thổi ầm ầm rung cây.
Lại thêm gầm rú ghê thay,
Trông ra thấy một vật nay dị kỳ.
Thạch Sanh chẳng biết vật chi,
Trắng đen, xanh đỏ, hoe hoe cả mình,
Hung hăng giơ vuốt, nhăn nanh,
Phòng toan làm giữ như hình mọi khi.
Thạch Sanh hoá phép tức thì,
Búa rìu liền phóng một khi yêu xà.
Mắng rằng “ mày giống tà ma,
Hại người ta chẳng dung tha mày nào ! ”
Xà tinh liền nhảy xốc vào,
Thạch Sanh liền lấy thần đao chém liền.
Ai rằng rắn có phép tiên,
Hoá ra lửa cháy bốn bên đỏ ngòm.
Thạch Sanh hoá nước mưa tuôn,
Tự nhiên lửa tắt kinh hồn xà tinh.
Lại e yêu nghiệt tàng hình
Trốn đi nơi khác, ắt mình uổng công.
Bủa vây lưới sắt bịt bùng,
Nguyên hình rắn phải đùng đùng hoá ngay.
Chàng dùng dao báu chém rày
Rõ ràng con rắn vừa tày một gian.

(một gian : một gian nhà).

Truyện cổ dân gian, với những tình tiết na ná như Thạch Sanh, được lưu truyền nhiều nơi khắp thế giới. Riêng ở Việt Nam, các địa phương có những thoại khác nhau. Đặc biệt đồng bào Cao Bằng xem địa phương mình là gốc gác của truyện, căn cứ vào câu mở đầu “ ngày xưa ở quận Cao Bình ”, và ở Hoà An, Cao Bằng có hang, tương truyền là nơi Thạch Sanh chém Chằn Tinh và nhiều đền thờ Thạch Sanh ở các làng xã. Giả thuyết khác cho rằng truyện Thạch Sanh chém Chằn gốc Khờ-me.

Chuyện Thạch Sanh được đưa lên sân khấu : năm 1962, Dũng Hiệp phóng tác thành Tuồng cổ Dũng Sĩ Gốc Đa, đồng thời truyện cũng chuyển thành kịch bản cải lương, có năm được trình diễn ở rạp Maubert tại Paris, vào cuối thập kỷ 1960.

White Snake by Tanuki

Trên sân khấu dân gian, còn có tuồng hát bội Thanh xà Bạch xà được quần chúng miền Nam ham thích. Một chuyện tình cảm động : hai con rắn tu hành đắc đạo, thành đôi gái đẹp, yêu thương và lấy chung một người chồng. Sau đó, tình duyên trắc trở, người chồng lâm trọng bệnh, Bạch xà phải hiện nguyên hình làm rắn, trèo non lặn biển tìm thuốc trường sinh cứu chồng. Một chuyện tình huyền ảo, lãng mạn, xoá bỏ thành kiến về loài rắn.

Trong ca dao hình ảnh rắn thân thuộc với tuổi thơ là bài đồng dao trong trò chơi Rồng Rắn, được giới khảo cứu xem là xưa, có thể ra đời từ thời Lý Trần. Tùy địa phương, có nhiều thoại khác nhau, như ở quê tôi, miền Trung :

-Rồng rắn đi đâu ?
Xin thuốc cho con
Con lên mấy ?
Con lên một
Chưa ngon (…)

(…)

Cho xin chút lửa
Lửa tắt
Cho xin nước mắt
Nước mắt chua
Con xin càng cua
Càng cua kẹp
Cho xin chiếc nẹp
Nẹp gãy…

Suốt đời tôi bị ám ảnh bởi mấy câu đồng dao : sao lời hát cho trẻ con lại có những câu thảm thiết đến thế : cho xin chút lửa, lửa tắt. Cho xin nước mắt : nước mắt chua … Những câu thơ u uất của cả một kiếp người, trước cuộc đời phi lý và vô vọng. Và những câu thơ thật hay.

Cuối cùng, vùng Bình Trị Thiên có câu ca dao, như lời chồng mắng vợ :

Con rắn không chưng (chân) nó lượn năm rừng bảy rú

Con gà không vú nó nuôi đặng chín mười con

Anh tưởng em má phấn môi son

Ai ngờ má mỏng môi mòn thế ni… !

Mắng vợ là chuyện dũng cảm, trần gian hiếm có. Mắng vợ bằng những lời lẽ chì chiết ‘thế ni’ quả là cổ kim hãn hữu !.

Con Rắn không chưng…

Đặng Tiến

Orléans,Tết Quý Tỵ, 07.2.2013

.


1 V. Propp, Les Racines historiques du Conte Merveilleux, Gallimard, 1983, tr. 283

2 Nguyễn tài Cẩn, Về tên gọi con Rồng của người Việt, báo Diễn Đàn, Paris, số 94, tháng 3/2000, tr. 19

3 Nguyễn đỗ Cung, Bàn về Mỹ Thuật Việt Nam, Viện Mỹ Thuật, Hà Nội, 1993, tr. 117

4 Phan Ngọc, Thử xét Văn Hoá Văn Học bằng Ngôn Ngữ Học, bxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000, chương II, tr. 61-128

5 Hùng Vương Dựng Nước, nhiều tác giả, Cuốn III, Hà Nội, 1973, tr. 241-242

Catégories
Prose

You Must Live

by KHAI HUNG
Translated from the Vietnamese by TRUC HUY

.

The dam of Yen-Phu, one summer afternoon.

It was the beginning of the rising, and the waters of the Red River were so tumultuous that they seemed to be on the point of swirling away the small island in the middle of the riverbed. Tree trunks and dead branches, torn away from the forest, floated adrift in the middle of a current of reddish water and formed like a continuous chain of small boats slipping at full speed toward an unknown destination.

Standing on the dam, Thuc, the mason, followed the wooden fragments with a glance of covetousness. Then, turning over, he looked fixedly at his wife in an interrogative air. Scrutinizing the river then the sky, the woman shook her head and said with a sigh :

– The wind is too strong, and there are increasingly big clouds in the horizon. It is going to rain, my dear !

Thuc also heaved a sigh. He made some hesitating steps. Suddenly, he stopped and asked :

– You cooked the rice ?

– Yes, but there is just enough for the dinner of both girls, she answered sadly.

They looked at each other in silence. Then, as though bewitched by an unspecified object or an obsession, they turned of the same movement toward the river : the tree trunks always floated and slipped at top speed in the middle of dark reddish waters.

The man had a vague smile and said to his wife :

– How about taking a risk ?

His wife shook her head without answering.

– Did you go to Mrs. Ky ? He pursued.

– Yes.

– And then ?

– Nothing. She says that she will pay only if we bring at first the wood. She doesn’t want to lend us beforehand money.

– Oh yeah ?

These two words had fallen as firm and precise as the last knocks of a mason’s trowel on a brick when he is building up a new wall.

Thuc decided to carry out an extravagant act, so he turned to his wife :

– Listen ! Why don’t you go home and take care of Bo ?

– Nhon and Be are already with him.

– I know, but it would be better if you were there also. Nhon is only five years old ; she cannot indeed watch her younger brother and sister.

– OK then. I’m going home now … You come along with me also. What’s the use for you to stay here ?

– All right ! Go ahead first. I will join you a little later.

Obedient, the young woman returned to the village of Yen-Phu.

ooOoo

The wife of artisan Thuc stopped at the doorstep of her house. The miserable aspect of the small, humid and gloomy house wrung her heart.

On a plank-bed, devoid of mat, the three children were very agitated, calling their mother with loud cries. Bo howled to claim his sucking ; he had nothing in the stomach since noon. Nhon, not having succeeded in calming him, was at the edge of tears.

– Go and fetch Mom so that she returns home to feed him, she had asked several times Be.

But Be did not want to go. She rolled about on the bed, pushing cries of rage.

The young woman hurried in. She took the infant in her arms and fondled him :

– Oh, my poor baby ! Mom left you for a very long time. You are very hungry and you cried a lot !

Then she sat down on the bed and breast-fed him. At the end of a few moments, as the child did not feel any milk coming, he rejected the nipple and began to cry louder than ever.

The young woman heaved a sigh. Her encircled eyes were clouded with tears. She got up and, by pacing up and down, rocked her infant with gesture and voice :

– Oh, my poor baby ! I don’t have anything to eat and don’t even have any milk for you !

The little boy, drunk of tiredness, fell asleep shortly after. As for the two older sisters, the mother had sent them to play outside so that their brother had a little calm to sleep.

Then, sitting in silence, Thuc’s wife reminisced about her life. Girl of the countryside, in the simple and ingenuous spirit, she had no imagination and was quite unable to put any order in her memory. The recollections, which she had been able to preserve, streamed higgledy-piggledy in her head, unclear and confused as the faces of a crowd on a photograph. One thing, however, emerged with clearness from this jumble : she remembered with certainty that never still, so far, she had been able to enjoy the slightest bit of the well-being and the rest that well-to-do people know.

At twelve, thirteen years old, the little kid Lac – it was her nickname – had begun as a help person in construction. Her life, in brief, was spent without surprises, day after day, month after month, year after year…

At the age of seventeen, she had met Thuc, who was employed as mason there where she worked. One had launched a joke ; the other had retorted on a tone of jest. Then they loved each other, and then they got married.

During the five years that followed, in their small, humid and gloomy house, at the inner lower part of dam Yen-Phu, nothing attractive had come to fill the insignificance in the life of this miserable couple. Their existence became even more miserable, when they had given birth, in three successive years, to three children. At a time when work was rare and wages were thin, although they toiled all day long, they did not manage to join the two ends to nourish the whole family.

Then, the previous year, at the time of the rising, Thuc had found a new idea to earn his living : he borrowed some money and bought a small boat, with which, every day, the couple had gone on the river to catch up the floating wood. Two months later, Thuc and his wife had paid off their debts and they even had excesses to spend.

That is why this year, they watched with impatience for the rise of the water level. Since the day before, their livelihood had returned with the swelling of the river.

At this point of her meditation, Lac smiled to herself. She gently laid down her child back on his diaper and went out of the house, on tiptoe. She headed toward the dam, as if she had made a decision to do something.

ooOoo

Arrived on the dam, she looked around for her husband but did not see him. The wind continued to blow and to roar. Streams mooed, powerful and fast like a torrent. She raised her head : the sky had become black.

She stood there, thoughtful. The pieces of her dress floated in the wind, making echo to the lapping of streams against the bank.

A sudden presentiment was born in her spirit. She anxiously tumbled down the dam toward the place where she knew the small boat was attached.

Arrived on the spot, she saw her husband busying to untie with much effort the embedded ropes that still retained the boat. Without a word, she watched at him working. When he had finished, she got in the boat, asking :

– Where do you intend to go, my dear ?

He stared at his wife and said with surliness :

– Why didn’t you stay home with the kids ?

Frightened, Lac stammered :

– The kids … they sleep.

– Why do you come back here again ?

– But … where do you want to go with the boat ?

– You don’t need to know. Go back home !

Covering her face, Lac started to cry softly.

– Why do you cry ? He gently asked her, very touched in his heart.

– Because you want to go and seek wood without me.

Thuc reflected. Scrutinizing the sky and the river, he said :

– You cannot come … It is very dangerous !

Lac laughed :

– It is also dangerous for you as for me ! Don’t worry. I know how to row.

– All right then ! He replied in an ice-cold tone that made Lac shiver.

The wind and the water were always so threatening. The sky darkened at every moment.

Thuc asked his wife :

– Are you afraid ?

– No.

ooOoo

They began by trying to bring the boat to the middle of the river, the man guiding the maneuver and the woman rowing. They tried to put themselves in front of the upstream, but the current countered them unceasingly, pushing them backward. Tossed by the waves, the boat now disappeared now reappeared at the crest of the muddy waves, such as a dry leaf of bamboo floating in the middle of a pool of blood, such as a mosquito flooded in a pot of red ink.

After half an hour, they reached nevertheless in the middle of the river. While the man firmly immobilized the boat using his perch, the woman caught up the floating wood.

The boat was soon almost full of wooden fragments. They got ready to return toward the bank, when the rain began to fall. Flashes of lightning tore the black clouds and the thunder shook sky and earth.

The small boat was filled with water, and the frail skiff threatened to sink at every moment. Although they tried to row with all their might, the strong current deported them ceaselessly…

All of a sudden, the man and the woman shouted at the same time :

– Oh, my God !

The frail boat had turned over. The freed logs had joined now the procession of their colleagues, and they all together slipped inexorably forward and pulled the capsized boat into their suite…

Thuc, while swimming, asked his wife :

– Do you think you can swim to the bank ?

– Yes, she answered with assurance.

– Let yourself carried by the current and benefit from the waves !

– Yes. Don’t worry for me !

Dreadful flashes of lightning always streaked the sky and rain continued to pour down. Thuc and Lac had the impression to be thrown in a bottomless abyss. A few minutes later, as Thuc saw that his partner showed sign of weakness, he got closer to her and asked with anxiety :

– Is it all right ?

– Yes. Don’t worry !

Hardly had Lac finished her sentence that her head plunged into the water. In a desperate effort, she returned to the surface. Thuc rushed in for her help. Then, supporting her with an arm, he swam with the other one. She gave him a smile full of tenderness. He also smiled back to her.

A few moments later, he admitted :

– I’m tired. Hold my shoulder and let me swim ! I cannot support you any longer.

A few more minutes passed. Thuc felt more and more exhausted. His both arms were broken with tiredness. Lac gently asked him :

– Can you continue to swim ?

– I don’t know … Alone, maybe.

– In that case, I’ll let go so that you’ll be able to regain the bank…

He made a smile :

– No ! We’ll die together !

One moment later, one moment that, for Lac, had been as long as one day, her husband asked again :

– Lac ! Do you think you can swim now ?

– No ! … Why ?

– Nothing. Alas ! Since we’ll have no choice, let’s die together !

Suddenly, the voice of Lac rose, trembling and weak :

– Bo, Nhon, and Be ! … No ! … You must live !

Thuc felt suddenly lighter, free of the weight that retained him. Upon thinking of her children, Lac had quietly taken the decision to release her hold on her husband. She let herself sink into the deep waters, to allow her man to regain the bank.

ooOoo

The light of street lamps reached up to the riverbank. The wind had dropped completely and waters became peaceful. There was there a man who lamented, holding a small boy in his arms. Two little girls were standing beside him. That was the family of mason Thuc coming there to make a last farewell to the soul of the woman who, for maternal love, had sacrificed herself.

In the immensity of the space, the Red River, indifferent, let its stream pursue its course, as forever…

.

– Translated from “Anh Phải Sống”, a title story from the collection “Anh Phải Sống” (You Must Live) by Khái Hưng and Nhất Linh, published in 1934.
– Khái Hưng (real name : Trần Khánh Giư, 1896-1947), was one of the most famous Vietnamese authors of the first half of the 20th century. In 1931, he met Nhất Linh (real name : Nguyễn Tường Tam, 1905-1963), the most important pre-war Vietnamese novelist, and the two founded, in 1933, the “Tự Lực Văn Đoàn” (Self Strength Literary Group). He contributed largely to ensure the literary revival in Vietnam during the pre-war period. Khái Hưng’s main works are :
– “Hồn Bướm Mơ Tiên” (Heart of a Butterfly in a Dream of Immortality) – 1933 (novel)
– “Đời Mưa Gió” (A Stormy Life) – 1933 (novel) (in collaboration with Nhất Linh)
– “Nữa Chừng Xuân” (Mid-Spring) – 1933 (novel)
– “Anh Phải Sống” (You Must Live) – 1934 (short stories) (in collaboration with Nhất Linh)
– “Tiếng Suối Reo” (The Whispering of a Brook) – 1935 (short stories)
– “Gia Đình” (Family) – 1936 (novel)
– “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” (The Knight of Tieu-Son) – 1937 (novel)
– “Thoát Ly” (Separation) – 1938 (novel)
– “Hạnh” (Hanh) – 1938 (novel)
– “Thừa Tự” (Inheritance) – 1938 (novel)
– “Đợi Chờ” (Wait) – 1940 (short stories)
– “Đẹp” (Beauty) – 1940 (novel)

.

Catégories
Prose

Duyên Con Gái (1)

Áo Vàng (BP70)

.

.

Từ những năm tiểu học, cô học chung với một thằng bạn tên Tứ. Bấy giờ cô còn nhớ Ba Mẹ cô nói hắn là con cưng, con cầu tự nên mới đặt tên có nghĩa là trời ban cho… Ông bà Thăng là những người có danh phận trong thành phố. Bà Thăng hiếm hoi không sanh được con nên ông cưới thêm một người vợ, mọi người gọi là cô Thăng. Cô sanh được cho ông bà hai người con, nhưng con cái vẫn gọi mẹ ruột mình bằng cô….
Ông bà Thăng quen khá thân với Ba Mẹ cô. O Ấm vẫn thường hay qua chơi với cô Thăng. Những ngày nghỉ học, có khi cô theo O qua nhà hắn, lúc O và cô Thăng ngồi bên hàng hiên chuyện vản thì cô hay đi thơ thẩn trong vườn, nhìn hết gốc cây này đến chậu cảnh kia.

Tứ tánh tình hiền lành, nhưng tướng tá bự con nên cũng thuộc hạng ngầu trong lớp, ít ra cũng lịch sự với con gái, không theo phá phách đám nữ sinh như bọn thằng Tiến đầu bự hay thằng Nhân cà chớn.
Cô có chơi thân với hắn hơn những đứa con trai khác trong lớp đâu, vậy mà các đấng cha mẹ thì nghĩ rằng cô có cảm tình đặc biệt với hắn !
Khổ thân cô, chỉ vì một lần cũng theo O Ấm qua chơi, cô bày đặt khen cái nhà lớn quá, còn thòng thêm một câu, ước gì con được ở trong nhà này…
Mà căn nhà đẹp thiệt, cô vẫn nhớ từ ngoài đường vào nhà, cô đi qua sân đá lát gạch đỏ dài như vô tận, hai bên tường trồng đầy cây cối, nào hoa hồng hoa sứ đủ màu sắc, và những cây cảnh được cắt tỉa thật đẹp mắt….
Vô đến trong nhà, cô phải cởi dép để đi trên những tấm gạch bông mát rượi…
Thời đó nhà cô có cửa hàng buôn bán nên lúc nào cũng đông đảo ồn ào như vỡ chợ. Bởi vậy, mỗi khi đến nhà Tứ, cô mê cái vẻ yên tĩnh của vườn cây và ngôi nhà sang trọng, rộng mênh mông với nhiều phòng ngóc ngách mà một mình, cô dám bị đi lạc như chơi .

Những năm trung học cô vẫn chung lớp với ngần ấy bạn bè….
Trong lớp cô có nhiều người đẹp lắm, hắn mà lỡ dại có tình ý với cô thì kể cũng lạ…
Như nhỏ Nga, mới 16 tuổi mà đẹp lồ lộ, dáng dấp sang trọng như một mệnh phụ, bởi vậy đường học vấn bị rối loạn vì cây si trồng tưới xượi, không hàng lối… Cô cứ nhớ mỗi lần Nga rủ cô đi phố thì cứ y như là ra đầu đường, đã có một anh đứng chờ. Rồi thì anh tà tà đi theo hai đứa, chuyện trò đá qua đánh về với Nga, cô tự động biến thành chiếc bóng tàng hình … Cô ghét ghê và giận bạn nữa. Chẳng thà Nga nói trước với cô để cô lặn mất khi ra tới đầu đường thì tốt hơn, và hồn ai nầy giữ, đằng này con bạn lừa cô, làm bình phong khi ra đường … cô hết thèm đi phố với nó. Thế rồi Nga cũng bỏ bạn bè lên xe hoa về nhà chồng rất sớm.
Xây qua chơi với bọn Diễm và Thu, thì ôi thôi, chúng nó cuối tuần nào cũng đi nhảy đầm ở nhà mấy ông thầy. Muốn rủ rê cô đi chơi cùng, cô chần chờ chưa quyết định. Một buổi chiều thứ sáu, lúc bài tập được trả về, cô thấy một tấm thiệp kèm theo trong vở, thầy dạy Toán Mathieu mời cô đi party tối thứ bảy.
Ngạc nhiên mà chẳng mảy may vui mừng.
Cô hơi lo lắng không biết phải trả lời làm sao, nhưng rồi cũng lấy hết can đảm, cầm tấm thiệp lên cám ơn và trả lại cho thầy cuối giờ mà phập phồng thầy sẽ trù ếm mình suốt năm học còn lại. Nhưng rồi sự cố cũng qua đi nhẹ nhàng. Ai vui chơi thì cứ vui chơi tiếp, phần cô, kính sư … viễn chi.

Cô học trường Tây, cô thấy có vài đứa bạn còn tây hơn cả dân Tây trong trường. Nhưng phần đông bạn bè cô chơi thì làng nhàng giống cô, nghĩa là ăn mặc theo kiểu đợt sóng mới nhưng chưa đứa nào có bạn trai, học hành cũng siêng năng, thường ngoan hiền, còn biết vâng lời bố mẹ.

Đến năm cuối cùng, ngày có kết quả kỳ thi tú tài toàn phần, thấy tên mình trên bảng, cô mừng hết lớn, kéo bạn bè đi ăn khao đến tối mịt mới về nhà.
Mới ló mặt vào, Ba mẹ còn ngồi ở salon, gọi cô lại…
-Con Ti, cô Thăng mới ghé thăm ba mẹ, nói con với thằng Tứ lâu nay thích nhau, ông bà muốn xin đi hỏi con, rồi cho hai đứa đi du học, con nghĩ sao ?
-Hả ??? con thích hắn hồi nào ???
-Ba có biết đâu, nghe cô Thăng nói vậy !

Cô tức giận muốn xì khói ra lỗ tai, chực chạy sang kiếm thằng bạn để … mắng. May thời ba mẹ bắt ngồi xuống, hỏi rõ ngọn ngành … cô cũng bớt giận vì nghĩ ra chưa chắc anh bạn trong lớp cô biết ý định của ba mẹ anh. Nói phải tội, học chung mà nhiều ngày không nói với nhau một tiếng nữa, vậy mà cũng bị gán cho ’’tội’’ thích nhau … Thiệt tội cho hắn, mà cũng tội nghiệp cho cô nữa, mất duyên con người ta !!!

Những năm sau đó, mỗi lần nhớ chuyện cũ, cô vẫn còn giận hắn chút chút … cô chẳng nhớ chính xác Ba mẹ cô trả lời với nhà người ta ra làm sao, chắc đại khái con gái tui còn nhỏ ….

Và rồi cô không gặp hắn cho đến khi cô vào Saigon ….
Lúc cô học Nha 1, thì hắn vừa xong Y 2, dạo đó cô có tới mấy cây si bên Y … nhưng cô sắp có kép bên KH nên cô chẳng để mắt đến anh nào ….
Thằng bạn của cô vẫn hiền khô như ngày nào, và lần này gặp lại, cô quên mất chuyện cũ, bạn bè tay bắt mặt mừng … hắn đen đủi hơn vì mới vừa đi mấy tháng hè ở quân trường nên trông bớt công tử bột.
Hắn sốt sắng đem sách vở năm thứ nhất cho cô mượn, thuở đó năm thứ nhất Y Nha có nhiều môn học chung.
À, mà hắn có buông lời tán tỉnh cô bao giờ đâu ?

oOo

Dạo này, cô thường thấy tên hắn o­nline trên Yahoo sáng chiều … nhưng cô chẳng liên lạc với ai cả …

Nghĩ đến chuyện xưa, cha mẹ sắp đặt bậy bạ, chẳng hỏi ý con cái, may sao cô không đi mắng bạn lần đó … nếu không thì đã mất một người bạn rồi …

Còn cho cô thêm một bài học ’’mở miệng mắc quai’’, nhớ nhé …

Chắc hắn cũng sắp về hưu như cô nên rảnh rổi, ngồi gác máy hơi nhiều …

Áo Vàng

(trong tuyển tập Chuyện Cổ Tích Xanh)

.

.

. Hình : Internet