Tống văn Thụy (BP71)
.
Lần đầu tiên, chúng tôi đến Bệnh Viện Ung Thư Đà Nẵng. Từ trung tâm thành phố, theo con đường chạy dọc Vịnh Đà Nẵng hướng về Hòa Minh, từ xa, Bệnh Viện Ung Thư Đà Nẵng (BVUTĐN) có nét phảng phất Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt với tòa nhà trung tâm hình tròn, cạnh những hình khối vươn cao, mặt tiền kiến trúc gắn kính trên vùng ngoại ô đang đô thị hóa.
Không gian thoáng đãng. Bệnh viện sạch tinh tươm. Bãi giữ xe miễn phí ở tầng hầm. Nhân viên thân thiện và nhiệt tình hướng dẫn bấm thang máy lên tầng 10 tìm ” Khoa Tạo Máu “. Mắt tôi kèm nhèm đọc nhầm ” Khoa tạo mẫu ” ! Trong phòng bệnh rộng thênh thang, bốn giường liền kề với nhà vệ sinh khép kín, người bệnh duy nhất lặng lẽ ngồi gõ vi tính. Buổi sáng thật tĩnh lặng.
Bệnh nhân tiếp chúng tôi nơi cuối phòng. Qua bao đợt hóa trị, ông vẫn còn phong độ, nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh và nụ cười trên môi. Vẫn tinh thần trào lộng như ngày nào, ông mở đầu câu chuyện :
” Tôi được nằm ở tầng 10, tầng cao nhất bệnh viện, gần với Nước Trời. ” Ông là linh mục An Tôn Nguyễn Trường Thăng.
Cuối phòng bệnh có hành lang nhìn về phía Tây Đà Nẵng. Xa xa, đồi núi trập trùng, có đoạn dãy Trường Sơn ăn ra tận biển : Hải Vân. Vùng bán sơn địa nối tiếp, núi đồi đan xen đồng bằng. Quê nhà người bệnh ở đó : Bàu Nghè, An Ngãi, Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng. Như tên gọi, cách đây khoảng 40 năm, Bàu Nghè là vùng đất trũng sâu ngập nước, nguồn cá tôm cho dân làng, nguồn nước cho ruộng đồng. Mùa hạ, sen nở trắng hồ. Trên cao xanh mướt đồi chè. chè Phú Thượng, An Ngãi nổi tiếng một thời. Thế rồi, cơn lốc đô thị hóa mươi năm gần đây cuốn phăng nương rẫy, ruộng vườn, bàu-hồ… ném những người nông dân mất đất ra mặt tiền phố chợ, bơ vơ trong cái nắng chói chang tháng sáu. Nắng dát vàng bờ vai tượng Phật màu trắng tinh tuyền chùa Quang Minh gần đó. Ngài lặng lẽ ngồi nhìn núi đồi lở lói màu đỏ quạch, nham nhở dấu vết đào bới san lấp công trình, chiêm nghiệm lẽ có và không.
Ngày xưa, dải đất nầy thuộc châu Lý, vùng Chiêm động, nguồn Thăng Hoa, phía Nam Hải Vân có sông Cu Đê xuôi từ núi ra biển. ” Mây đen nổi ở Sơn Trà là điềm có mưa, cầu vồng hiện ở Cu Đê là sắp có lụt “. Bán đảo Sơn Trà phía Đông và sông Cu Đê phía Tây là hai điểm dự báo thời tiết của người xưa. Thời Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn, phía Tây Đà Nẵng với thế núi hiểm trở lại án ngữ biển, nối đường thượng đạo với duyên hải là vị trí chiến lược quan trọng. Tháng 3/1965, Mỹ đổ quân bãi biển Nam Ô. Red Beach Two theo cách gọi của lính Mỹ, Bãi biển Đỏ số Hai, nay là Xuân Thiều, chỉ cách quê nhà ông chừng dăm cây số đường chim bay. Trước đó, những năm 50 của thế kỷ trước, chú nhóc nghịch phá quê An Ngãi, ” thiên đường của những giáo sĩ ” được gửi vào Chủng viện Làng Sông (Quy Nhơn), Bình Linh (Huế), Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt và Giáo Hoàng Học Viện Pio X. Trong quảng đời hơn 42 năm linh mục mà ông ví von : ” còn dài hơn cả cuộc đời vua Khải Định “, ông kinh qua các giáo xứ Trà Kiệu, Chính Tòa Đà Nẵng, Thanh Bình, Hội An, chưa kể 3 năm sang Paris học Giáo Sử. Là Homo Dei (Người của Chúa), ông còn là người ham xê dịch, mê sử sách, thích sưu tầm, khảo chứng, viết lách.
Trà Kiệu, kinh đô Simhapura của Vương quốc Chăm thế kỷ thứ X, XI là giáo xứ đầu tiên mà ông đảm nhiệm. Trong những năm tháng khó khăn sau 1975, ông khuyến khích giáo dân trong khi canh tác, đào bới, nếu tìm được những hiện vật của văn hóa Chăm : một bức tượng bằng đất nung hay sa thạch, một bình gốm, một viên ngói, một khuyên tai hai đầu thú… thay vì đập bỏ hoặc phân kim, nhượng lại cho cha với giá rất thỏa đáng. Nhờ đó, biết bao cổ vật trên vùng đất linh thiêng Chăm-Việt được lưu giữ và bảo tồn. Về Thanh Bình, Đà Nẵng, ông lại đa mang với đá. Những viên đá như những ” vết lăn trầm ” đánh dấu một chuyến đi hay ông muốn tìm hình tượng Chúa qua sỏi đá ? Đến xứ đạo phố cổ Hội An, ông đánh xe lên Thanh Chiêm, Điện Bàn, ghi chép, đo đạc, tìm về ngọn nguồn vùng đất Dinh Trấn, nơi từ đó các chúa Nguyễn tiến về phương nam.
Dặm đường lữ thứ cuối cùng rồi cũng đưa ông trở lại quê hương, bản quán. Nhìn An Ngãi, tuy bây giờ gần Đà Nẵng hơn nhờ mấy con đường vi vu nhưng rách bươm như ” miếng da lừa “. An Ngãi đang bất an khi đất đai được… thành kính phân lô, lòng nhân ái bé hơn bìa sổ đỏ. Từ An Ngãi đến Cồn Dầu, trong tình cảnh nhiễu nhương rồi nhiễu sự, từ quá trình ” đô thị hóa “, với tất cả tâm huyết, ông viết bài ” Cồn Dầu không muốn Giầu “. Cuối cùng, vẫn ” chỉ là tiếng kêu trong hoang mạc “. Tháng 6 năm nay, miền Trung trời đổ lửa. Trước hiểm họa Trung Quốc, ông lo sợ… vẩn vơ : ” Nếu chẳng may đất nước can qua, thành phố Đà Nẵng hơn 1.000.000 dân, nằm giáp núi và biển, sẽ đi về đâu, lấy gì mà ăn ? ” Nỗi băn khoăn đó quá tầm đối với một bệnh nhân đã trải qua chín đợt hóa trị, ” thành viên ” Lymphoma Hodgkin ” BVUTĐN. Bệnh thì hiểm nghèo mà đọc lên sao nghe âm vang như tên… dàn đồng ca nhà thờ.
Khi cánh cửa thang máy khép lại, vẫy tay chào ông, hình ảnh bệnh nhân tầng 10 sôi nổi, nhiệt huyết, yêu Chúa, yêu người, yêu quê hương, yêu cả cuộc đời nầy làm tôi nhớ đến một câu nói của Oscar Wilde. Tạm dịch : ” Tất cả chúng ta đều ở cõi tạm, vậy mà có người nhìn lên những vì sao “.
.
Tống văn Thụy
DNG 2014 .
Tống văn Thụy và linh mục An Tôn Nguyễn Trường Thăng |
.