Hoàng Thi Trang (BP70)
.
. Kính tặng các Thầy Cô
Mến tặng các Anh, Chị và các Bạn
.
Những người đã từng được đi học, dầu trong thời gian dài hay ngắn, mấy ai không có trong tâm tưởng hai chữ “trường cũ” hay “trường xưa”. Hình ảnh của “trường xưa” trong hồi ức của hầu hết mọi người có lẽ là những khoảng sân chơi, những hàng cây, những dãy lớp nhỏ lụp xụp trong mưa gió, hay những dãy hành lang rộn tiếng nói cười bao quanh những phòng học rộng và thoáng mát. Dầu nhỏ bé nghèo nàn, hay rộng lớn nguy nga, ngôi trường nào cũng gắn liền với một quãng đời nào đó và có một vị trí riêng trong trí nhớ của từng người : Trường tiểu học A, trường trung học B, trường tư thục C…Riêng đối với tôi và hầu hết các bạn cùng trường, tuổi thơ, tuổi nhỏ và tuổi mới lớn của chúng tôi đều trôi qua trong một ngôi trường DUY NHẤT có cái tên bằng tiếng Pháp thật lạc loài trong danh sách của các trường trong tỉnh nhà, như chính chúng tôi cũng đã từng lạc loài trong giới học sinh lúc bấy giờ, vì chúng tôi là “dân trường tây”.
Hai chữ “trường tây” có lẽ bắt nguồn từ cái tên đầu tiên của trường, ”College Francais de Tourane”. Trường do người Pháp thành lập nên có tên “trường Pháp” hay “trường Tây” là chuyện đương nhiên. Về sau, khi tôi bắt đầu lên trung học, trường đã được đổi tên, tên của một triết gia và khoa học gia người Pháp, người nổi tiếng với tư tưởng “con người là cây sậy biết tư duy”. Tuy trường đã thay tên, chúng tôi vẫn bi xem là “dân trường Tây mất gốc”( ?), vì thầy cô của chúng tôi đa số vẫn là người Pháp. Ừ, thì cũng được. Có sao đâu ? Đã là những cây sậy thì sợ gì khi phải mang tên này hay tiếng kia ? Miễn sao những cây sậy vẫn biết tận hưởng khí trời, ánh sáng và mây sương để vươn lên trên mảnh đất quê hương chúng đã bám chặt rễ. Thành phố Đànẵng là mảnh đất đó, chúng tôi đã lớn lên ở đó, bên bờ sông Hàn, và trong ngôi trường mang tên Lycée Blaise Pascal.
Không biết những người khác, khi nhớ về trường, thường nhớ về cái gì. Riêng tôi, khi ngồi xuống bắt đầu viết những giòng này, tôi nhìn thấy ngay chiếc cổng trường uy nghi màu trắng, và cái bảng tên trường đã đi vào ký ức của chúng tôi. Chiếc cổng bề thế, to lớn đã khiến tôi cảm thấy thật nhỏ bé mỗi khi bước ngang qua. Chiếc cổng đó, giống như bao chiếc cổng trường khác, sáng sáng đã mở ra để đón chúng tôi nhịp nhàng chân sáo, trưa trưa lại mở ra để lũ chim sáo lao xao bay về tổ. Mấy ai trong chúng tôi không nhớ những cảnh đưa đón, hay chờ bạn, chờ người nhà trước cổng trường ? Mấy ai không nhớ những khoảnh khắc bịn rịn mỗi khi hè đến ? Mấy ai không nhớ những ngày hè, sân trường hắt hiu, cổng trường đóng kín ? Mấy ai không nhớ cảnh trường hồi sinh, xe cộ tấp nập, những lúc vào thu ? Chiếc cổng trường ngày ngày đã mở ra và khép lại từng trang buồn, vui, hy vọng, mộng mơ hay lo lắng của đời học sinh. Chiếc cổng trường đó, tưởng rằng sẽ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, sẽ đứng vững với thời gian, nay đã không còn nữa, và dần dần nhạt nhòa trong những tấm hình màu giấy đã ngã vàng theo năm tháng. Cũng may, với những kỹ thuật vi tính tối tân và sự tận tình của một số cựu học sinh, những hình ảnh đó đã được lưu giữ lại cẩn thận trong các trang mạng của trường, để thỉnh thoảng chúng tôi còn có dịp nhìn ngắm và tìm kiếm.
Chiếc cổng đó mở ra một khuôn viên màu xanh, với những tường rào trắng vây quanh, những hàng lan đất mọc dày đặc ven rào, và những cây cổ thụ đã một thời tỏa bóng mát lên tâm hồn thơ trẻ của chúng tôi.
Chiếc cổng đó mở ra một lối mòn thân quen dẫn lên con dốc nhỏ, và đó đây ẩn hiện những ngôi nhà, cái kiểu mới, cái kiểu xưa. Dầu đã qua bao nhiêu năm, nhắm mắt lại tôi vẫn có thể hình dung rõ ràng vị trí của từng nơi, từng chỗ : nhà gác gian, phòng giáo sư, phòng hiệu trưởng, những dãy lớp tiểu học, những dãy lớp trung học, nhà để xe, những lối mòn, những gốc cây, những chiếc ghế đá. Tưởng như vẫn còn đâu đó những dãy hành lang, những góc sân, những góc vườn đã in dấu bước chân của bao lứa học sinh, những bước chân tung tăng, nghịch ngợm, đến một lúc nào đó bỗng trở nên tề chỉnh, dè dặt, và đôi khi bỗng vô cớ ( ? ! ) líu ríu , ngập ngừng .
Trường tôi đó, không tòa ngang dãy dọc, không lộng lẫy, nguy nga. Thế nhưng, mấy ai xa trường mà không lưu luyến cái không gian màu xanh đã nuôi dưỡng tâm hồn mình ? Mấy ai không nhớ con dốc nhỏ và chiếc cầu ? Có những buổi sáng rất hiếm hoi, Đà Nẵng đột nhiên có sương mù, nhìn từ cổng trường, con dốc và chiếc cầu đẹp như những chấm phá tây phương trong một bức tranh thủy mạc. Bên trái con dốc là dãy lớp dành cho đệ nhất cấp, lối kiến trúc trông mới mẻ, so với vẻ cổ xưa của ngôi giáo đường nhỏ và phòng thí nghiệm ở phía bên phải. Tôi rất thích khoảng sân nhỏ với hai cây sứ trước phòng thí nghiệm. Đến mùa hoa, hoa sứ nở trắng cây, rơi rụng đầy lối đi và những bậc thang dẫn lên phòng thí nghiệm.
Ước gì còn được trở về một lần, bước chầm chậm qua đó, để đón một thoáng hương sứ nồng nàn trong nắng sớm.
Chiếc cầu nhỏ trên đầu dốc là nơi chia cách cái thế giới nhốn nháo của “bọn nhóc” và cái thế giới… kỳ bí của “mấy anh chị lớn”. Chiếc cầu bắc ngang qua một cái hào rộng, chen chúc cỏ cây. Mấy ai trong chúng tôi không mong chóng đến lúc được bước qua cầu mỗi ngày, để được ngoái nhìn lại “bọn nhóc” dưới kia ? Có lẽ sự hiện diện của chiếc cầu là nét đặc thù của trường tôi, nên nó được chăm sóc một cách đặc biệt. Giờ chơi nào cũng có… những “kiện tướng” đứng gác. Đi ngang qua cầu, tức là phải đi ngang qua hàng chục “luồng nhãn lực”, có thể làm quấn quít bước chân ; vì vậy, các nữ sinh ít dám… vượt cầu trong những giờ chơi. Cứ thế, năm này đến năm khác, nhiều “kiện tướng” đã … chiếm hữu chiếc cầu, và khi xa trường, có lẽ đã để lại bên cầu không ít những nhớ thương, hay những mảnh tình không ngỏ !
Tôi xa trường từ năm 1970 và ít khi trở về thăm trường, vi trường lúc bấy giờ cũng đã thay tên. Sau tháng tư năm 75, có lẽ vì giòng xoáy của cuộc sống mới, tôi cũng không nghĩ đến chuyện về thăm trường. Cho đến khoảng gần cuối thập niên 70, trong một dịp nào đó, do công việc thì phải, tôi tình cờ trở về trường
Cảnh vật quả thật đã khác xưa rất nhiều. Chiếc cổng và tường rào chắn quanh trường vẫn còn đó, nhưng màu vôi nhớp nháp ; và bảng tên trường – sau này là “Trung Tâm Giáo Dục Nguyễn Hiền” đã bị gỡ bỏ, có lẽ đã từ sau tháng tư 1975.
Tôi đứng lặng trên đầu con dốc thân quen cũ, ngó quanh quất và nghe thấm thía những mất mát.Hai chiếc ghế đá vẫn còn đó, nhưng xiêu lệch, mặt ghế bị sứt mẻ nhiều chỗ. Dãy phòng đệ nhất cấp vẫn còn đó, vẫn được xử dụng nhưng cũng không kém vẻ cũ kỹ. Tôi lần bước về hướng phòng thí nghiệm. Bực cấp và hai cây sứ vẫn còn đó, hoa sứ vẫn đang nở, đây đó vẫn thoang thoảng mùi hương hoa, nhưng sao lòng tôi vẫn nghe hiu hắt. Nhìn xuống những dãy lớp tiểu học, hình như đang có người ở, vì quần áo được phơi đó đây chung quanh những dãy nhà tiền chế. Ôi, những lớp học thời tuổi nhỏ của chúng tôi ! Tôi ân hận vì trước kia đã không trở về trường thường xuyên hơn. Khoảng sân cỏ dùng cho những giờ thể dục, những cuộc thi đấu, những trận đá bóng vẫn còn đó, nhưng nay chỉ là khoảng sân trơ nhẵn, hầu như không còn cỏ, và có lẽ không mấy người lai vãng. Bên trái sân cỏ, ngôi giáo đường nhỏ vẫn còn đó, màu vôi loang lổ trong nắng chiều, khiến cảnh vật càng thêm tiêu điều. Tất cả đã thật sự khác xưa, khác rất xa !
Sau lần tình cờ về thăm trường cũ đó, tôi đã viết :
“Nếu có về, xin em giùm bước khẽ
Giùm nâng niu những dư ảnh một thời,
Đừng thảng thốt nếu bước chân lạc lối
Giữa hoang vu của bao cảnh đổi dời !”…
Bài thơ khá dài, nhưng vì một sơ xuất kỹ thuật tôi đã làm mất nó. Hỏi thăm bạn bè, những người tôi đã cùng chia sẻ bài thơ, cũng không ai còn giữ. Có muốn chép lại, cũng không nhớ, có muốn viết lại, cũng không thể. Khi bị mất bài thơ, tôi rất buồn, vì nó đã ghi lại tâm trạng của tôi lần trở về đó. Có điều, tôi không bao giờ ngờ rằng mất bài thơ đó chỉ là dấu hiệu của những mất mát lớn hơn sau này. Có nhiều cảnh đổi dời còn làm đau lòng hơn !
Vài tháng sau khi đến Mỹ, tôi gặp lại HTN, một cô bạn cũ cùng lớp từ thời tiểu học. Cô bạn đem tặng tôi một tập hình ảnh ngày xưa và bây giờ của các thầy cô và học sinh cùng một số địa chỉ liên lạc. Tôi lần dở từng trang tập “Annuaire des Anciens”, nhìn ngắm những hình ảnh ngộ nghĩnh của bạn bè và của chính mình ngày xưa, bồi hồi nhớ lại từng khuôn mặt, từng ánh mắt, từng nụ cười, và xúc động, muốn rơi nước mắt. Tập ảnh này là tâm huyết của một vị thầy đáng kính, thầy Jean-Claude Bressieux.
Tuy xa trường, xa Việt Nam đã nhiều năm, thầy vẫn giữ lại những hình ảnh mà có lẽ chính chúng tôi cũng không còn giữ, để bây giờ có thể trao đến tay chúng tôi những tập ảnh quý giá như thế. Những nỗ lực muốn kết nối quá khứ và hiện tại, kết nối tình thầy trò và tình bạn giữa chúng tôi đã nói lên những gắn bó của thầy với một ngôi trường nhỏ nay đã mất tên, và tấm lòng của thầy đối với lũ học trò của một thời. Trong giáo giới nói chung, có được bao nhiêu thầy giáo hay cô giáo hàng năm vẫn nhớ gửi lời chúc sinh nhật đến từng đứa học trò cũ ? Tôi cũng đã có một thời đứng trên bục giảng, đã từng tự hào là một người yêu nghề, yêu học trò, nhưng ngay cả khi còn gần gũi các em, tôi chẳng bao giờ để ý đến, chứ đừng nói gì là nhớ được ngày sinh của em nào, kể cả những em học sinh xuất sắc. Thầy Bressieux thì khác, năm nào mỗi học sinh của thầy cũng nhận được lời chúc sinh nhật từ thầy qua điện thư, những lời chúc ngắn gọn, làm ấm lòng và thường khơi dậy trong chúng tôi hình ảnh một thời Lycée xưa. Ai dám bảo người Tây phương không giàu tình cảm ?
Càng biết được tin tức hay có dịp liên lạc, gặp gỡ một số bạn bè, một vài thầy cô, tôi càng thấy nhớ trường. Những lần về Việt Nam, có lúc tôi đã muốn ghé qua trường, nhưng rồi dùng dằng, lại không muốn đi, nhất là khi nghe nói trường đang bị đập phá để xây dựng một cái gì đó. Đã quá đủ rồi, những hụt hẫng, những ngậm ngùi của năm nào. Và tôi đã không đi, không muốn đi tí nào.
Cho đến lần về thăm nhà vừa rồi, một hôm, khi cô em dâu chở tôi đi dọc con đường ngày xưa có tên là đường Độc Lập, nhìn về bên trái, phía đối diện với một cao ốc lạ, tôi bỗng thấy cảnh vật quen quen. Khi tôi hỏi đây là chỗ nào, sao thấy quen quen, cô em bật cười : “Chị không nhận ra à ? Chỗ này là phía trước trường của chị đó, trường của chị ngày xưa đó ! Tôi bảo cô em dừng xe, rồi bước xuống, đi lùi lại. Trường tôi đây ư ? Tôi đi mãi đến góc đường Gia Long và Độc Lập. Thật đúng rồi. Đây là khuôn viên của trường tôi ngày xưa. Nhưng bây giờ ở đó là một cao ốc, có lẽ là cao ốc lớn nhất, và tân kỳ nhất thành phố, một tòa cao ốc kiểu mới, trông thật lạ lẫm, lạc loài trên một góc trời Đà Nẵng, và khung cảnh xưa chẳng còn gì ngoài con đường dốc thoai thoải bên hông tòa nhà. Có lẽ người ta chưa kịp san bằng, nên tôi còn nhận ra được một chút gì của ngày xưa.
Bây giờ, nếu muốn làm thơ, tôi sẽ không khuyên bạn bè bước chầm chậm để tìm những dư ảnh. Tôi sẽ viết :
Nếu tình cờ có về ngang trường cũ,
Bước loanh quanh trong quạnh vắng bốn bề…
Đừng ngoảnh lại, đừng kiếm tìm quá khứ,
Vàng son một thời, rồi cũng qua đi !
Đúng thế, đã qua rồi, đã mất dấu thật rồi thời vàng son của một Lycée xưa. Sự hụt hẫng của tôi trong lần về thăm trường năm xưa đâu có sá gì, so với những bàng hoàng, những ngậm ngùi của tôi hôm nay. Thật hạnh phúc cho những ai khi nhớ về trường cũ, còn có thể rủ nhau về chốn xưa để tìm cảnh, tìm người. Chúng tôi bây giờ, khi nhắc đến trường, đến thầy cô, đến bạn bè, chỉ có thể nương vào hồi ức của nhau, và những mảnh hồi ức này cũng đang vơi dần theo năm tháng chồng chất của tuổi đời. Đáng buồn thay !
Năm 2004, khi trường tổ chức họp mặt ở San Jose, tôi được giao công việc trang trí một số hình ảnh. Dưới những hình ảnh ghép lại thành toàn cảnh trường nhìn từ bên ngoài, tôi đã dán câu : “Niềm thương dù cho xa cách muôn trùng không phai mờ…” (Tìm Đâu của nhạc sĩ Nguyễn Hiền) Chẳng phải thế sao ? Đã qua bao năm tháng, Lycée vẫn là niềm thương mến, là nỗi tự hào của chúng tôi. Những hồi ức có phôi pha theo thời gian, nhưng niềm thương mến đối với Lycée không thể phai mờ. Sân trường Lycée ngày xưa có khá nhiều cây cổ thụ. Thế nhưng, đối với tôi, Lycée tự nó là cây cổ thụ lớn nhất, tỏa thật nhiều bóng mát xuống đường đời của mỗi chúng tôi. Bóng mát đó tưởng như mỗi năm mỗi thu hẹp lại. Mỗi lần được tin một vị thầy hay cô giáo cũ qua đời, cây cổ thụ Lycée của chúng tôi như vừa mất thêm một cành lớn. Mỗi lần có tin một học sinh cũ nằm xuống, cây cổ thụ Lycée của chúng tôi như vừa rụng thêm một chiếc lá. Còn có những chiếc lá đã bay tứ tán khắp bốn phương. Thế nhưng, mỗi khi nhìn lại các hình ảnh, đọc lại những đoạn văn, những bài thơ, những đoạn ghi chép về các thầy cô, những lời chia buồn hay cầu nguyện của những người bạn đã từng quen biết hay không quen biết một người nào đó vừa ra đi, bóng mát dường như lại lan rộng.
Khi anh tôi qua đời, tôi nhận được những lời chia buồn từ một vài người tôi cũng không biết là ai. Một bậc đàn anh đã khiến tôi thật xúc động khi đọc những gì anh ấy viết. Xin được tạm dịch : “Vì xa trường trước đó đã lâu, tôi không quen biết người này… nhưng có gì quan trọng đâu ? Chỉ cần có duyên may, một khoảng thời gian nào đó của tuổi trẻ, đã từng được ngồi trên cùng những chiếc ghế trong cùng một ngôi trường thì một thoáng tình bạn nào đó đã nối kết những người này với những người kia…” (Hoàng Văn Nam BP60)
Đúng thế ! Có gì quan trọng đâu. Chúng tôi như những chiếc lá lưu lạc tứ phương, nhưng là những chiếc lá đến từ một cây cổ thụ lớn.
Ngôi trường lycée đã thật sự mất dấu, nhưng CÂY CỔ THỤ LYCÉE vẫn còn đó, và hai chữ “LYCÉE XƯA”, đọc lên, thốt lên, nghe vẫn rất DỄ THƯƠNG và vô cùng THÂN QUEN. Chẳng phải thế sao ?
.
San Jose 8/31/2015
Hoàng Thi Trang (BP70)
.
.