Hoàng thị Trang (BP70) .
.
Kính Dâng Các Thầy Cô
Mến gởi các bạn
.
Chao ôi ! Nghe như lời của một người gốc Việt được sinh ra hay lớn lên ở một đất nước ngoài Việt Nam, đang muốn tâm sự về cái vốn Việt ngữ rất nghèo nàn của mình. Hay nghe như một đề tài lớn vẫn thường xuất hiện ở đâu đó trên báo chí hoặc văn đàn hải ngoại. Nghe ghê gớm quá phải không ? Xin thưa, không phải thế ! Xin đừng tưởng rằng tôi đang muốn viết về một đề tài gì đó vô cùng lớn lao, chẳng hạn như tiếng Việt là ngôn ngữ của một dân tộc hiền hòa và hiếu học, tiếng Việt là nền tảng của văn hóa Việt Nam, tiếng Việt là một ngôn ngữ phong phú về cả từ ngữ lẫn ý nghia” vv và vv… Xin thưa, hoàn toàn không phải thế. Tôi đã từng nói, tôi không phải là một nhà phê bình văn học, một nhà ngôn ngữ học hay một học giả. Tôi hoàn toàn không có được kiến thức và hiểu biết để khai thác hay phân tích cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, tôi chỉ đơn giản muốn kể lại vì sao bây giờ tôi có thể ngồi đây, viết những giòng này.
Ba tôi xuất thân từ một gia đình theo nho học. Không biết có phải vì ông nội của tôi là một nhà nho biết thức thời, hay vì không còn chọn lựa nào khác, nên sau khi bắt các bác và ba tôi học chút ít chữ nôm để “giữ cái gốc”, thì tất cả đều được gởi đi học ở các trường do “nhà nước bảo hô” lập ra, loại trường với cái tên “ê côn đờ mẹ dòng lô” (ecole de maison l’eau) đã từng được nhà văn Nguyễn Vỹ nhắc đến trong “Tuấn, Chàng Trai Nước Việt” (thật không có cách dịch nào sát nghĩa hơn !).
Học tiếng Pháp, đọc sách Pháp, nói và viết tiếng Pháp, thì không thể nào không chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Phải chăng vì thế, ba tôi cũng muốn các anh em tôi được hấp thụ cái hay, cái đẹp của nền văn hóa này ? Phải chăng vì thế, các anh em tôi đều được đi học trường Pháp, loại trường tư do người Pháp quản lý và giảng dạy ?
Các trường Pháp thường được xem là trường của con cái nhà giàu vì học phí rất cao. Gia đình tôi tuy chỉ thuộc thành phần trung lưu, đủ ăn đủ mặc, ba tôi vẫn cố gắng cho chúng tôi được vào học ở đó. Mẹ tôi vốn ít học, tôi nghĩ, đối với bà, trường Pháp hay trường Việt nào có khác gì nhau, trường nào ít tốn tiền hay không tốn tiền vẫn tốt hơn. Cho nên quyết định này chắc chắn là từ ba tôi. Thế nhưng cũng như ông nội tôi, ba tôi muốn chúng tôi phải trồng và giữ cái gốc chữ quốc ngữ. “Sách quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học” mà ! Vì cái gốc đó, hoặc cũng có thể vì để khỏi phải trả học phí quá đắt của một năm mẫu giáo, các anh em tôi đều phải đi học mẫu giáo và học lớp năm (tức lớp một bây giờ) ở một trường Việt trước khi vào trường Pháp.
Nơi tôi bắt đầu đi học vỡ lòng, rồi học đọc và viết tiếng Việt là trường Sào Nam, một ngôi trường tư nhỏ ở gần nhà do toàn bộ một gia đình quản lý. Tôi còn nhớ, phòng học mẫu giáo chỉ là một phòng nhỏ, học sinh không nhiều, và học hát nhiều hơn học chữ. Nơi đây, tôi bắt đầu làm quen với “o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì có râu”. Cô giáo Loan, con của ông chủ trường, còn rất trẻ, nước da trắng, tóc dài, hơi tròn trĩnh, nhưng chúng tôi ai cũng thấy cô xinh đẹp vô cùng, và hát rất hay. Những khi cô tập chúng tôi hát, tôi cứ mơ màng nhìn theo bàn tay đánh nhịp của cô, ước gì lớn lên mình cũng sẽ hát hay và biết đánh nhịp như thế.
Lên lớp một, tôi được học với thầy Bách, anh của cô Loan. Tôi dùng chữ “được” vì tuy mới “nứt mắt” tôi cũng nhận biết rằng thầy Bách không những trẻ tuổi, lại rất đẹp trai, và có tài đánh đàn. Thỉnh thoảng, khi gần kết thúc những buổi học, thầy mang đến một chiếc phong cầm, rồi vừa đàn vừa hát cho chúng tôi nghe những bài hát rất lạ (ít ra là đối với tôi) và rất hay. Tôi còn nhớ, mình đã từng ngẩn ngơ như thế nào khi lắng nghe và ngắm thầy đàn, hát. Giọng thầy ấm, và mặt thầy vốn đã hiền trông càng hiền hơn, đã đẹp trai trông càng đẹp trai hơn. Chính trong lớp học khi nào cũng nhốn nháo, lao chao nầy, tôi đã được học nằm lòng một số câu ca dao, tục ngữ, và đã được làm quen với những khúc nhạc đồng quê, cùng những hình ảnh đẹp của quê hương, của thiên nhiên từ tiếng hát hòa với tiếng đàn của người thầy lúc nào cũng nghiêm, nhưng “đẹp trai nhất và hát hay nhất trên đời” của chúng tôi. “trời hồng hồng, nắng trong trong…” hay “trời xanh xanh bao la, mây trắng, trắng, trắng xóa …” Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi khi tình cờ được nghe lại những bài hát này, tôi lại nhớ đến hình ảnh của thầy Bách ôm cây đàn đứng giữa cái lớp học nhỏ, giữa bao nhiêu ánh mắt đang say mê và ngưỡng mộ dõi theo bàn tay đưa lên đưa xuống trên phím đàn của thầy. Xin được một lần nói cảm ơn thầy, mặc dầu có thể thầy chẳng bao giờ ngờ rằng thầy là người đã gieo những hạt giống tình yêu âm nhạc và tình yêu quê hương đầu tiên trong tâm tưởng của chúng tôi, ít ra là của riêng tôi !
Vào trường Pháp, lên đến lớp tư (Lớp 2 bây giờ), chúng tôi mới được học tiếng Việt. Các bạn cùng lớp có đứa hình như chưa được học qua tiếng Việt nên cũng gặp khó khăn. Thầy giáo dạy tiếng Việt của chúng tôi, liên tiếp trong những lớp tiểu học, là thầy Dương (tôi không nhớ họ của thầy), tuy đã lớn tuổi, nhưng giảng dạy rất tận tình. Thầy thường dạy chúng tôi rất kỹ về cách đặt câu, về những dấu hỏi và ngã, về những âm vận “n” va “ng” ở cuối một chữ (tần khác với tầng, trăn khác với trăng, văn khác với văng vv…). Thầy là người Huế nhưng khi đọc chính tả, gặp chữ có dấu ngã, thầy lên giọng, gặp chữ có dấu hỏi thầy xuống giọng theo lối đọc của người Bắc, nên nhiều đứa trong chúng tôi đoán và viết trúng rất dễ dàng. Thầy đâu có biết rằng cho đến bây giờ hai dấu hỏi và ngã vẫn còn hành hạ tôi, và đôi khi tôi phải đánh vật với cuốn tự điển tiếng Việt vì hai cái dấu quái ác này !
Thầy Dương rất hiền, nhưng thời gian đầu chúng tôi vẫn thấy sợ. Riêng tôi, tuy được học thêm những bài hát bằng tiếng Pháp với thầy người Pháp, tôi vẫn tiếc ngơ, tiếc ngẩn những giờ vừa học, vừa chơi, vừa hát ở trường Sào Nam với những thầy cô trẻ tuổi, và rất buồn khi phải học với một ông thầy… già ! Thầy Dương không bao giờ hát, nhưng thầy lại hay kể chuyện, dầu thầy hay ho húng hắng, luôn luôn có hộp kẹo ho bên cạnh. Những câu chuyện liên quan đến những bài tập đọc, những câu ca dao, tục ngữ, làm tôi thấy thích thú chẳng thua gì nhưng giờ tập hát ở trường cũ. Trẻ con đứa nào không thích nghe kể chuyện, nên dần dần chúng tôi đều mến, hay “phải” mến thầy. Những giờ học của thầy đã không còn buồn tẻ, nặng nề và chúng tôi đã biết lo lắng, mong chờ những khi thầy phải nghỉ dạy vì bệnh. Mong đợi thầy thì ít, mong đợi giờ kể chuyện thì nhiều. Những câu chuyện thầy kể, đã góp phần không ít thì nhiều cho nhân cách của chúng tôi sau này – tôi tin thế. Lúc bấy giờ, chúng tôi còn quá nhỏ để nhận ra rằng có những kết luận của những câu chuyện đã ăn sâu vào tâm khảm của chúng tôi. Và chúng tôi cũng còn quá khờ khạo để có thể nói tiếng cảm ơn về những gì mình đã nhận được. Khi tôi lên trung học, Thầy Dương đã về hưu. Nghe đâu thầy đã trở về Huế sống, và qua đời ở đó ( ?)
Sau thầy Dương, chúng tôi lần lượt được học tiếng Việt và Việt văn với, thầy Bạch Thái Hà, cô Lý, thầy Cư và thấy Bùi Đăng Hà.
Thầy Bạch Thái Hà hình như chỉ dạy chúng tôi có một năm lớp đệ thất, sau đó thầy đổi vào ĐàLạt. Thầy Hà cũng rất hiền. Hình như thầy chưa bao giờ mắng chúng tôi. Tôi còn nhớ nụ cười và đôi mắt mở to của thầy mỗi khi muốn khiển trách chúng tôi một điều gì đó. Có lẽ thầy thấy chúng tôi rất đáng bị mắng, nhưng rồi không nỡ, nên thầy lại cười. Một năm thôi, nhưng thật khó quên cái giọng bắc nhẹ nhàng, truyền cảm của thầy khi đọc những trích đoạn văn ngắn như “Ngày Tựu Trường”, “Nhặt Lá Bàng” hay “Anh Phải Sống”. Thỉnh thoảng, thầy cũng cho cả lớp một trận cười thỏa thích với những đoản văn dí dỏm, như đoản văn về chiếc “bánh Bật Cười”. Những cuốn sách Hồng do thầy bắt đọc và tóm tắt như Chiếc Ấm Đất, Ông Đồ Bể, Chó Vàng ( ?) đã khiến tôi bắt đầu thích đọc sách tiếng Việt.
Thầy Bạch Thái Hà, Cô Bùi thị Lý và BP70-BP71 (Paris 1999) |
Lên đệ nhị cấp, mỗi khi phải đọc hay tìm đọc thêm những truyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, những nhân vật nam trí thức được tả trong truyện tôi thấy sao cứ hao hao giống thầy, cũng nước da trắng trẻo, cũng giọng bắc ngọt ngào, cũng phong thái nho nhã, lịch sự. Hay nói cho đúng hơn, trong trí tưởng tượng non nớt của tôi, tôi đã tô vẽ hình ảnh những chàng trai trẻ trí thức đất Bắc Kỳ theo hình mẫu của thầy. Những năm trước khi thầy qua đời, chúng tôi có may mắn được gặp lại thầy vài lần. Tôi vẫn tìm thấy ở thầy cũng giọng nói nhẹ nhàng đó, cũng nụ cười hiền hòa đó, cũng phong thái ung dung đó. Thầy và cô có vẻ cảm động khi thấy chúng tôi, có người tóc đã muối tiêu, có người đã có cháu nội, ngoại, vẫn một tiếng “thưa thầy”, hai tiếng “thưa cô” và xưng “con” như ngày xưa. Có lẽ thầy không ngờ rằng, tuy không sống cùng một lục địa, tuy ít liên lạc, nhưng đối với chúng tôi, những người đã may mắn được lớn lên trong một nền giáo dục đầy nhân bản của ngày nào, các thầy và các cô, suốt đời vẫn là các thầy và các cô đáng kính của chúng tôi.
Lên đệ lục, chúng tôi học với cô Bùi Thị Lý. Tuy là “cô”, một cô giáo trẻ, nhưng thời gian đầu, chúng tôi sợ cô hơn sợ các thầy. Với cô, chúng tôi không xưng “con” mà xưng “em”. Cô Lý người gầy ốm, luôn luôn mặc những chiếc áo dài lam, hay trắng, và gương mặt lúc nào cũng nghiêm, có nét lạnh lùng. Cô rất ít cười. Suốt năm học, hình như cô mỉm cười chưa quá năm lần. Thế nhưng cô cũng rất hiền, cũng rất nhẹ nhàng khi la mắng chúng tôi. Nói đúng ra, cô không “la” mà chỉ “thuyết một trận” khi cần. Học với cô, chúng tôi phải tập viết nhiều hơn khi học với thầy Bạch Thái Hà. Cô Lý rất siêng chấm bài, và những bài luận của chúng tôi thường được cô trả lại ngay trong tuần nên ai cũng thích.
Cô Lý định cư ở Pháp, và tôi chưa có dịp đi Pháp để thăm cô, hay những thầy cô khác. Bây giờ, chắc cô cũng đã lớn tuổi lắm rồi. Cô là người duy nhất trong các thầy cô dậy Việt văn ở trường Pháp chưa rời xa chúng tôi. Tôi hy vọng cô vẫn khỏe, vẫn đủ minh mẫn để đọc những giòng viết ngắn ngủi này về cô, và sẽ mỉm cười bao dung như ngày xưa, khi một đứa học trò từ thời nào dám lếu láo nhắc lại cái vẻ nghiêm nghị của cô. Tôi muốn cô hiểu rằng, nếu bây giờ đứa học trò ấy có thể viết được tiếng Việt như thế này, thì phần nào cũng nhờ những giờ luận văn của cô ngày xưa… Tôi chỉ là người đại diện nói lên lòng biết ơn đối với các thầy cô, còn rất nhiều, rất nhiều các học trò khác của cô có lẽ cũng đang nghe lòng tràn ngập sự biết ơn khi đọc những giòng này – tôi tin thế . Thưa cô, chúng em đều mong cô mỉm cười mãi, như trong bức hình cô tặng tất cả học trò của cô trong cuốn danh sách lưu niệm của trường.
Cô Bùi thị Lý và BP74 (Paris 2000) |
Sau cô Lý, chúng tôi học hai năm liên tiếp với thầy Nguyễn Cư. Thầy Cư nói giọng Quảng Nam, cũng rất nghiêm, rất ít cười như cô Lý. Những lúc trong lớp có chuyện vui, chúng tôi cười ầm lên, cũng chỉ thấy thầy cười mỉm rất nhẹ, rồi mặt lại nghiêm như cũ. Ở thầy, cái gì cũng chầm chậm, từ từ, khi giảng bài cũng vậy. Giọng nói đều đều, chậm rãi của thầy có thể đã khiến những người không thích môn Việt văn thấy “chán chết đi”. Riêng tôi, tôi rất thích những giờ cổ văn của thầy. Tôi say sưa theo dõi cuộc sống buồn tủi và thân phận hẩm hiu của những người cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc, số kiếp đầy gian truân của Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh, và nỗi lòng những người vợ ngày đêm thương nhớ chồng trong Chinh Phụ Ngâm. Vì rất thích, nên tôi thường học rất kỹ những trích đoạn thầy dạy. Tôi nhớ đã bị mẹ tôi mắng nhiều lần khi cứ vào, ra ngâm ư ử :
“Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói cam tuyền mờ mịt thức mây…”
Hay
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa..”
Những áng cổ văn khiến tôi bắt đầu biết buồn, biết ngậm ngùi cho thân phận những người đàn bà không may. Tôi bắt đầu yêu văn chương hơn từ đó. Những bài thơ của Bà huyện Thanh Quan, của Nguyễn Khuyến, cũng đã khiến cho tôi thấy quê hương thật đẹp, và tôi bắt đầu yêu thơ, bắt đầu tập làm thơ… tuổi hoa.
Thầy Nguyễn Cư và BP71 (Đà Nẵng) |
Nhờ đã được “luyện” kỹ trong những giờ tập làm luận của cô Lý, tôi không thấy khó khăn mấy khi phải chuyển sang lối văn nghị luận. Có những đề văn nghị luận thầy Cư ra, sau giờ học, tưởng sẽ bị xóa sạch trong trí nhớ như đã bị xóa sạch trên bảng đen, không ngờ vẫn còn đọng lại rất lâu, ít ra đối với riêng tôi. Những đề bài nghị luận luân lý đại loại như “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, ngày xưa, khi vặn trán, nặn óc suy nghĩ để viết, tưởng chỉ viết ra để lấy điểm, không ngờ sau này đã khiến tôi phải dùng lại, suy nghĩ và đắn đo những lúc phải đối mặt với cái TA và NGƯỜI. “Điều mình không muốn, đừng làm cho người”. Những lúc như thế, tôi chợt hiểu ra mình đã học ở thầy quá nhiều điều, chứ không chỉ là cách viết một bài văn nghị luận, và cảm thấy biết ơn thầy vô vàn.
Thầy Nguyễn Cư và BP74 (Đà Nẵng) |
Lên đệ nhị cấp, thầy Bùi Đăng Hà Bànà, người dạy chúng tôi liên tiếp trong ba năm, đã xuất hiện như … một luồng gió mới ! Chỉ cái tên của thầy mà thôi, cũng đã khá đặc biệt. Thời gian đầu chúng tôi nghịch ngợm kháo nhau, có lẽ thầy được sinh ra ở núi Bànà, nên mới có thêm chữ này sau chữ Hà. Khi chúng tôi bắt đầu học với thầy, hình như thầy ra trường chưa bao lâu, vi trông thầy rất trẻ. Mà thầy trẻ thật ! Trẻ tuổi, nhanh nhẹn, cử chỉ phóng khoáng, và trông rất trí thức với cặp kính cận dày hết cỡ ! Đó là ấn tượng đầu tiên thầy để lại trong tôi khi mới gặp. Tôi thấy thầy trông giống một văn sĩ hay một nhà thơ hơn là một nhà giáo. Khi thầy giảng bài, tôi có cảm tưởng thầy không bước đi, mà thầy … lướt đi trên bục giảng. Thầy ít khi nhìn xuống chúng tôi, mà thường chỉ nhìn mông lung vào khoảng không trước mặt. Không biết có phải vì thấy còn quá trẻ để có thể nhìn thẳng vào những ánh mắt chăm chú hay tinh nghịch đang… chiếu tướng vào thầy, hay thầy cũng đang đắm chìm trong thế giới của chữ nghĩa, và vần điệu mà thầy đang muốn giới thiệu với chúng tôi. Ở thầy toát ra một cái gì đó vừa rất nghệ sĩ, vừa rất thông tuệ, và có chút cao ngạo !
Thầy Bùi Đăng Hà (Đà Nẵng) |
Mà nếu thầy có tự hào về mình cũng đúng thôi, bởi vì thầy quá giỏi. Thơ mới, thơ cũ, triết đông, triết tây, giờ dạy nào thầy cũng làm chúng tôi say mê, thích thú. Tôi… mê nhất là những giờ thầy giảng về phong trào lãng mạn của Pháp và thơ mới của Việt Nam. Thầy đã đưa chúng tôi vào một thế giới đầy thơ và mộng, từ tây sang đông, từ Âu sang Á. Ở thầy toát ra một cái gì đó rất bay bướm, từ lời nói đến phong thái, nên khi hí họa về thầy, một anh họa sĩ của trường tôi đã vẽ hình thầy lúc đang nói chuyện, từ miệng thầy bay ra toàn những hoa và bướm.
Một hôm, khi thầy trích đọc hai câu thơ mới của một thi sĩ nào đó – tôi đã quên tên – “tôi nhớ Rimbaud và Verlaine, hai chàng thi sĩ choáng hơi men”, tôi vốn nghich ngầm, nên bỗng rất muốn hỏi thầy : “ Còn “monsieur” Hà Bànà thì say cái gì mà cũng đi chệnh choạng, bềnh bồng trên bục giảng ?”. Nghĩ vậy thôi, đâu có bao giờ dám hỏi, mà dẫu có hỏi, chắc thầy cũng chỉ cười. “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò“ mà ! Tôi nhớ, vào một ngày cá tháng tư năm nào đó, không biết tên học trò tinh quái nào đã dán sau lưng của thầy ba chữ ”tôi cần vợ”. Thầy vô tình mang nó đi trong sân trường, trước mặt của bao nhiêu học sinh. Khi biết được, mình bị chơi khăm, thầy chỉ cười, đưa hai tay lên cao, ngỏ ý chịu thua những tên học trò quỷ quái.
Nếu thầy dạy sử địa, tôi nghĩ thầy cũng sẽ rất thành công. Tôi nhớ một hôm, vì phải liên hệ một bài giảng nào đó với cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, thầy đã dùng tay, đo và đánh dấu những điểm trên bảng, rồi nối kết lại thành một bản đồ của nước Pháp, và cứ thế thầy đưa chúng tôi vào những tuyến đường chuyển quân, những trận đánh, và những diễn biến của cuộc chiến. Có thể đây là một việc rất bình thường của một người dạy sử địa, nhưng đối với chúng tôi lúc bấy giờ, phương pháp này thật mới mẻ và hấp dẫn, chưa có một ông thấy sử địa người Pháp nào dạy được như vậy. Một cô bạn của tôi, sau này trở thành cô giáo, kể rằng, có một năm cô bị buộc phải dạy một tuần mấy giờ sử địa, vì trường thiếu người dạy. Cô hoảng quá, vì không phải là chuyên môn, nhưng sực nhớ lại những giờ học thời để nhị cấp, cô sao chép nguyên bản phương pháp của thầy. Có khác chăng là cô phải mò mẫm vẽ trước những bản đồ cần thiết trên giấy, và phải… học bài kỹ trước khi lên lớp, ấy thế mà cô cũng đã làm cho đám học sinh say sưa với những cuộc chiến đánh Tống, bình Chiêm… Điều này có lẽ thầy không bao giờ ngờ đến, rằng ảnh hưởng của thầy đối với học trò lại sâu đậm đến thế !
Tôi có nói ở thầy toát ra một cái gì đó rất nghệ sĩ. Thật ra, không phải là “tóat ra” hay “có vẻ”, mà thầy quả thực là một nghệ sĩ. Thầy đàn dương cầm rất hay, dáng ngồi đàn rất điệu, và đã bỏ công rất nhiều cho những buổi văn nghệ của trường từ đơn ca, tốp ca, đến những hoạt cảnh, và kịch nói. Tôi không may mắn được gần gũi với thầy, nhưng lúc bấy giờ nhìn từ xa, và bây giờ ngồi nhớ lại, tôi thấy ở lãnh vực này, thầy không còn là thầy, học trò không là học trò, mà thầy như một người anh đầu đàn, rất thân thiết, và phải vất vả, hướng dẫn từng đứa em. Hình ảnh này thật đáng trân quý ! Nhất là đối với những người đã là học trò cưng của thầy, hay những người đã may mắn được thân cận thầy trong thế giới của âm thanh và màu sắc. Chẳng phải thế sao ?
Thầy Cô Bùi Đăng Hà và BP68-BP69 (Paris 2000) |
Nghe nói, sau khi định cư ở Pháp, thầy không còn đi dạy, nhưng cũng đã thành công ở một lĩnh vực khác. Tôi cũng rất mong được gặp lại thầy một lần, nhưng lại thiếu duyên may. Tôi bàng hoàng khi nghe tin chúng tôi đã mất thêm một người thầy đáng kính. Tôi không thể đến gặp hay đưa tiễn thấy lần cuối, để có thể… khoe với thầy rằng đứa học trò ngày xưa rất thích những giờ giảng văn của thầy, qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, qua bao nhiêu tuổi đời chồng chất, vẫn rất yêu thơ, vẫn mê đọc sách, và thỉnh thoảng còn có thể trải lòng qua những vần điệu như thuở mới tập làm thơ trong lớp của thầy. Và đã có những mùa thu, dầu chẳng được ngắm mây bay, chẳng được nhìn lá rụng, chẳng được đón chút nắng chiều, lòng tôi vẫn mênh mang nhớ về các thầy cô, nhớ về bạn cũ, mỗi khi chợt nghe đâu đó, từ trong những hồi ức lắng sâu, văng vẳng bài hát “ Nhìn Những Mùa Thu Đi” mà thầy đã tập cho một số bạn trong lớp của tôi.
Bây giờ Cali đang là giữa tháng mười một. Một mùa thu nữa đang đi qua. Khí trời bắt đầu se lạnh, nhưng lòng tôi vẫn thấy rất ấm, rất vui, những khi ngồi ghi lại từng đoạn, từng đoạn những gì tôi có thể nhớ về các thấy cô đã từng giúp các bạn tôi và tôi giữ lại cái HỒN VIỆT qua ngôn ngữ và cái HỒN THƠ trong tiếng Việt. Tôi vốn không biết gì về âm nhạc, cho nên không thể “so tơ phím” với ai, chỉ biết vụng về nhặt nhạnh những mảnh vụn ký ức rời rạc đó đây, để “đốt lò hương cũ” kính dâng đến các thầy cô. Tôi chỉ tiếc một điều, tại sao tôi không viết sớm hơn !
Các bạn của tôi ơi, khi đọc những giòng này, nếu có nghe chút “sầu lên trong nắng”, xin hãy lắng lòng để cùng hướng về những ngày “mộng” chưa “ nhạt phai” ! Một khung trời cũ đang hé mở… Mời các bạn cùng trở về những mùa thu của Lycée xưa…
Mùa Lễ Tạ Ơn
San Jose 11/15/2014
Hoàng Trang
.