Catégories
Thơ

Như không thôi đi được

BS Đỗ Hồng Ngọc, Việt Nam

(bài viết cho tập thơ Mắt Màu Nâu của Hồng Khắc Kim Mai)

.

“Có người hỏi rằng : Thơ tại sao mà làm ra ? Ta giả nhời rằng : Người ta đẻ ra mà tỉnh, là tính Giời cho nguyên như thế ; cảm ở vật ngoài mà mới động, thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn thời phải có nghĩ ; đã có nghĩ phải có nói ; đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ”. (Chu Hy, Bài tựa tập truyện Kinh Thi, Tản Đà dịch).

Một hôm, đọc lại những bài thơ Hồng Khắc Kim Mai của bốn mươi năm trước tôi chợt nhớ đến những câu viết đó của Chu Hy. Thơ tại sao mà làm ra ? Tôi không tin người ta có thể làm ra thơ. Tôi không tin có một động từ “làm” ở đây. Thơ tại sao mà ra, thì được. Và câu trả lời là nó tự nhiên ra, nó ứa ra, nó tuôn ra, nó trào ra, nó chảy ra, như nước trong nguồn chảy ra chẳng hạn. Nhiều người thời tôi còn nhớ những bài thơ của HKKM xuất hiện khi mới mười lăm, mười sáu. Những bài thơ tuôn ra ứa ra trào ra đó có thể làm sửng sờ đôi chút người đọc vì cái giọng điệu cung bực ngậm ngùi ngợi than kia có vẻ như đã mượn nàng để hình hiện ra bên ngòai. Khi chưa là một người con gái biết thế nào là tình yêu thì thơ nàng đã đẫm những oan oan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu ; khi chưa là một người đàn bà biết thế nào là cho con bú mớm, nàng đã có những bài thơ nói về… sữa mẹ, cứ y như là một sinh viên trường thuốc chính hiệu. Và rồi cái tính Giời cho nguyên như thế đã cảm ở vật ngòai mà động, động hơi nhiều nữa là khác, nên thơ cứ thế mà ra, không cần phải hỏi tại sao. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm tần tảo ngược xuôi, vác con bương chãi đầu ghềnh cuối bãi, ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng (TCS), một hôm sửng sốt lại thấy thơ sờ sờ ra đó, hình hiện không chỉ trong tâm tưởng… Những giọng điệu cung bực của thứ tiếng lòng đó nó tuôn ra, ứa ra, tràn ra như không thôi đi được, không ngưng lại được. Có thể nó xưa, nó cũ nữa, nhưng nó không có thời gian. Bởi cái thứ tiếng lòng hình hiện trong lúc ngậm ngùi ngợi than thì nó hẳn chân thật, không màu mè, hình thức, không thời gian.

Tôi muốn ghi lại đôi dòng cảm nghĩ khi đọc lại HKKM :

Người đàn bà làm ra thơ
Hay thơ làm ra người đàn bà
Không biết
Bốn mươi năm biền biệt
Nàng cõng con rãi khắp các ngã đường
Cấy con như cấy lúa
Rồi đến mùa gặt hái
Nàng sững sờ như mỵ nương
Soi mình bên giếng ngọc
Thơ lại về cửa động đầu non
Mắt mờ sương khói
Bụi đường không vương
Người đàn bà làm ra thơ
Hay thơ làm ra người đàn bà
Không biết
Những cung bực ngợi than
Hình hiện
Lỡ ngậm ngùi từ trứng nước Âu Cơ
Bước chân hành hương một buổi mai về
Ôi Phong Châu
Ngày cũ
Người đàn bà nhúng mình dòng nước mát
Quê hương
Và những giọt nước đã lăn tròn trên má Người đàn bà làm ra thơ
Hay thơ làm ra người đàn bà
Không biết
Những hạt mần không bao giờ lịm tắt
Thơ hình hiện muôn đời Không thôi đi được.
Phải,
Như không thôi đi được.

Đỗ Nghê
(Đỗ Hồng Ngọc)

Catégories
Thơ

Một Thời Thưở Nhỏ

Hong Khac Kim Mai (BP63)

. Khi ta theo giòng sông
Trở về nơi bến hẹn
Của Tourane – Collège Francais Đà Nẵng –
Bên bến Bạch Đằng
Hay Nguyễn Hiền
Ta lấy mắt xanh tuổi đời
Làm mực với giấy
Nắn nót tình xưa
Gửi cho em – mái trường môt thuở
Ta để nhớ, mãi nhớ
Ta để thương, dễ thương Có cả một rừng cây xanh biếc
Sau ngôi nhà ông concierge
Có cả con đường sỏi dẫn xe đạp
Đi ngang qua văn phòng ông surveillant général
Ông Menguy
Hay Ông Béchir
Những ông già phát giờ phạt hiền như Bụt
Đứng trong sân trường
Chăn đám tây-con mũi tẹt
Chí chóe
Học bài sử ký đoàn người dân Gaulois
Nhưng trong tâm khảm
Vẫn luôn nhớ ta giống nòi đất Việt Nếu đã nhớ
Thì nhớ tít mù khơi
Rặng dâm bụt
Đỏ chói bên giốc cầu
Những giờ đổi lớp
Có mi
Có ta
Từ classe maternelle lên tới première
Học chia verbes chết bỏ grammaire
Nè, vét-bờ có mấy tăng (temps)
Mà quên trăng sáng dọi vườn sao
Phòng thể dục những khuya tập hát tập hò
Húp chén chè đậu đỏ
Gân cổ Be-Bop-A-Lu-La của Nguyễn Duy Khoa Khôi
Có đứa mùi mẫn Anh-đưa-em-sang-sông
Nỗi lòng Trịnh Bão Cầm với Đỗ Nguyên Ngọc
Có đứa múa bút đường văn-châm-chích Đặng Tiến
Có đứa khề khà sân tòa Đào Ngọc Thụy
Có đứa khùng khùng điên điên tàng tàng
Hồng Khắc Lê Minh Nguyễn Gia Uyển Trần Minh Hoàng
Có đứa lên mây kiếm tiên
Võ Thị Diệu Ân Tôn Nữ Hồng Liên
Và ta
Núp trong bóng tối
Trốn bài dissertation làm thơ nhật nguyệt
Hể hả tự ca Hồng Khắc Kim Mai
Tiếng thơ một thuở nhủn lòng Hartmann, xanh mặt Vigouroux, điên đầu Descroix
Cô học trò một đổi cô giáo một thời
Nguyễn Hiền ! Nguyễn Hiền ! Cũng chớ quên đôi môi nhếch mép cười duyên
Hòang Thiếu Quân
Cắm đầu nghe giảng bài công dân giáo dục
Sử sách Việt Nam, văn thơ truyện Kiều
Qua Ông Thầy Huyến, Bạch Thái Hà
Hay lớp đàn anh đàn chị trở lại lo đàn em
Này những Bích Trân, Trần Đình Thanh Lam
Thao thao bất tuyệt Hòang Đình Tuyên
Từ câu đường thi nhón gót Đặng Lệ Hồng
Đến cái phớt tỉnh Ăng-lê Võ Đình Ngọc Từ Tôn Sa
Ông Thầy Trung múa võ thần
Tên gàn tổ Hà Xuân Ba
Ai ơi
Có đi đâu hãy trở về
Gốc Tourane đã nhớ hay quên ?

Hồng Khắc Kim Mai – 1996
(Đăng trên Phunuviet.org)

.

.

Catégories
Thơ

Về Hiện Tượng Thơ Bút Tre

Thân Trọng Sơn

.

Có người gọi là trường phái thơ Bút Tre, có người lại nói dòng thơ Bút Tre, tuy không hề có lý thuyết, tuyên ngôn, không hề có chủ soái, thủ xướng phong trào, đơn giản chỉ vì cứ nghe những câu như thế này thì ai cũng biết đó là thơ Bút Tre :

* Thi đua ta quyết tiến lên
Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu không biết đi đâu
Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi

** Phụ nữ thường rất hay lươi
Riêng em anh thấy là người cần cu.

Thơ Bút Tre tất nhiên là thơ của tác giả Bút Tre nhưng đồng thời cũng là thơ của … ai đó không biết, làm theo kiểu Bút Tre ( những câu trên thuộc cả hai trường hợp này).

Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đang ( 1911-1987 ), người xã Đồng Lương, Sông Thao, Vĩnh Phú. Từng đỗ Tú tài Pháp, từng viết báo, in sách, dạy học, từng công tác trong ngành văn hóa, có khi lên đến chức trưởng ty. Và công việc này hẳn là nhiều lúc yêu cầu Ông phát biểu ý kiến, mà Ông lại thích phát biểu bằng … thơ. Đại loại như thế này, nói về nhiệm vụ của ngành văn hóa hoặc hô hào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp :

Bây giờ đang đứng trưởng ty
Bút Tre thơ phú tôi thì có sau
Cuối cùng xin nhắc một câu
Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta.
Ông Khiêm kể cũng đã tài
Trong chuồng sáu lợn có vài con to

Những câu “thơ” như thế chắc là không sống được lâu, nhưng Ông vẫn tiếp tục làm và nhiều lúc là ứng tác, kịp thời phản ánh một sự kiện, ca ngợi một nhân vật nào đó :

Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.

Nhiều người thấy là lạ, ngồ ngộ cái kiểu thơ đó : hình ảnh, chữ nghĩa bất ngờ, ngắt câu hạ chữ độc đáo, và nhất là cái lối đổi thanh, đổi dấu cho hợp luật trắc bằng. Mà thú vị nhất là những câu như thế chỉ được “xuất bản miệng” cho nên thiên hạ mặc sức “tái bản” và tự dành quyền chỉnh sứa, thêm thắt.
Chẳng thấy ai đòi bản quyền, mà thật ra làm sao biết được ai là tác giả đầu tiên, cứ thấy thích thì mô phỏng và sáng tác thêm, và cứ thế dần dà lúc này lúc khác, chỗ nọ chỗ kia lan truyền những bài thơ, câu thơ kiểu như vậy để hình thành một hiện tượng gọi là thơ Bút Tre dân gian. Qua bao nhiêu bài được phổ biến ta có thể rút ra mấy đặc điểm sau đây :

1. Đầu tiên là việc sử dụng những hình ảnh sáng tạo, bắt nguồn từ những liên tưởng bất ngờ, có khi tưởng như ngây ngô nhưng ngầm dụng ý gây cười :

Tiễn anh lên bến ô tô
Đêm về em khóc … tồ tồ cả đêm

Nhớ quê ra đứng đỉnh đèo
Bỗng đâu thấy một chú mèo gâu gâu
Dừng chân đứng lại trên cầu
Bỗng đâu thấy một con trâu vàng vàng

Anh đi giường chiếu lặng câm
Anh về giường chiếu reo ầm cả lên
Anh đi em bấm đốt tay
Anh về em bấm chỗ này chỗ kia.

2. Thứ hai là những câu thơ viết sai vần. Nên biết rằng luật thơ lục bát thường yêu cầu phải có vần : chữ thứ sáu của câu “lục” phải cùng vần với chữ thứ sáu của câu “bát”, rồi chữ cuối của câu “bát” lại vần với chữ cuối của câu “lục” tiếp theo.

Cô em má đỏ hồng hồng
Buôn xuôi bán ngược có chồng hay chưa ?
Xe đò ai đón ai đưa ?
Mà em đi sớm về trưa một mình. ( Bàng Bá Lân ).

“Hồng” và “chồng”, “chưa”, “đưa” và “trưa” : tất cả đều cùng một âm, như thế là vần chính.

Đèo nhau ta dạo phố vui
Thong dong xe đạp ngược xuôi dòng đời
Chở theo khúc khích tiếng cười
Chuyện trò như thể không người chung quanh. ( Diệp Minh Tuyền )

“Vui” và “xuôi”, không cùng âm mà chỉ tương tự, “đời” và “cười” cũng vậy, như thế gọi là vần thông.

Còn không cùng âm mà cũng không có âm tương tự thì đích thị là thơ lạc vận, thơ sai vần.

Phải đâu muốn được ai yêu
Là tôi cứ nói dông dài trước sau . ( LMQ)

( Muốn cho có vần thì viết : Là tôi cứ việc nói nhiều nói dai, chẳng hạn.)

Lạc vận có thể vì bí, có thể vì trọng ý tứ nên hy sinh vần điệu. Nhưng thơ Bút Tre thì lạc vận một cách cố ý, để cho người đọc tự sửa lại cho có vần :

Khen thay giám đốc sở mình
Làm việc thì ít xuất … ngoại thì nhiều.

Đồ Sơn sóng biển dập dồn
Mấy cô thiếu nữ ngứa chân chạy quanh.

( hoặc : … ngửa lưng ra phơi ).

( Thì cũng giống như : Vân Tiên ngồi cạnh bụi môn / Chờ cho trăng khuất bóp … chân Nguyệt Nga
(chọn chữ nào cho hợp vần ở đây thật là gay, chả thế mà người ta dặn nhau : “Làm thơ nên tránh vần “ôn” / Uống rượu nên tránh làm ồn nói to” ! )

Trên cành con khỉ đánh đu,
Có anh cán bộ vạch cây bên đường.

( Hai câu này khiến ta liên tưởng đến khổ thơ đầu của bài “Con cá nhỏ và người đánh cá ”, Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine :

Miễn là cá sống dưới hồ
Cỏn con cũng có ngày to kếch xù
Nhưng mà cá đã cắn cu
Thả ra tôi nghĩ còn ngu nào tày.

“cắn cu” nghĩa là “cắn câu ” ! )

3. Đổi dấu các chữ cho hợp luật thơ ( Tam Đao hiểu là Tam Đảo, cần cu thay cho cần cù …) bởi lẽ thơ lục bát yêu cầu viết đúng luật bằng (B) trắc (T) .

Câu lục : Các chữ thứ 2, 4, và 6 : – B – T – B
Câu bát : Các chữ thứ 2, 4, 6, và 8 : – B – T – B – B

Mặt khác, hai chữ thứ 6 và 8 của câu bát tuy cùng là Bằng nhưng phải khác thanh, nếu chữ thứ 6 không dấu ( phù bình thanh ) thì chữ thứ 8 phải dấu huyền ( trầm bình thanh ) và ngược lại.

Bốn câu thơ sau đáp ứng tất cả yêu cầu về bằng trắc và về thanh nói trên :

Nắng chia (B) nửa bãi (T) chiều rồi (B)
Vườn hoang (B) trinh nữ (T) khép đôi (B) lá rầu (B)
Sợi buồn (B)con nhện (T)giăng mau (B)
Em ơi (B)hãy ngủ (T) , anh hầu (B) quạt đây (B). ( Huy Cận )

Cái việc sửa dấu thế này trong thơ Bút Tre có lúc làm cho chữ mang một nghĩa khác :

Một lần đến nghỉ Tam Đao,
Loanh quanh không biết chỗ nào để ngu.
Một giường bố trí hai cù
Mỗi cù kiếm một cái mu gối đầu.

hoặc : Sướng khô đành chịu đến chu nhật về ).

Ngày nay khắc phục gian kho
Ngày mai mới có ấm no tương lài.

Đoàn vừa ghé xuống Mũi Ne
Ngó ra thấy những chiếc ghe thật bừ.

4. Ngắt câu, xuống dòng bất ngờ. Dòng trên chưa hết ý, phải đọc tiếp dòng sau mới hiểu, kiểu như ”Lúa ở đồng tôi và lúa ở / Đồng nàng và lúa ở đồng quanh” – Nguyễn Bính.

Nhớ nhung về thị xã Phan
Thiết tha tơ tưởng cô hàng nước măm.

Mời anh vào quán kara
OK em đã mở ra sẵn sàng.

Mấy em mặc váy đánh cầu
Lông bay phất phới trên đầu các anh.

Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ chăn vịt thấy cha chăn ngồng
Thấy em hát nhạc Trịnh Công
Sơn xanh sơn đỏ anh không dám vào.

Lần đầu đến nước Xin-Ga
Po vào rồi lại po ra hại đồ
Tuần sau lại đến nước Bồ
Đào Nha rồi lại đào nhô mệt quà
Thế rồi lại đến nước Hoa
Kỳ đi kỳ lại Cu Ba đây rồi.

Cũng có khi dòng trên đã có nghĩa, nhưng nối với dòng sau lại là nghĩa khác :

Chị em nô nức đặt vòng
Hoa mộ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn.

5. Từ một bài, một câu thơ Bút Tre không rõ tác giả, mọi người có thể thêm bớt, mô phỏng và đưa ra câu khác, không ngại ai nói đạo văn, đạo thơ gì.

Hai câu sau đây, phổ biến từ lâu, hầu như ai cũng biết :

Anh đi công tác Pơ Lây
Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra.

được ai đó sửa một chữ rồi viết tiếp :

… Ku dài dằng dặc biết ngày nào vê
Anh đi công tác Buôn Mê
Thuột xong một cái anh về với em.

Cũng mấy câu quen thuộc khác :

Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà
Đồ nhà tuy có hơi già ( hoặc : tuy rất tương cà )
Nhưng là đồ thật chẳng là đồ sơn.

Và nhiều người tiếp tục cải biên :

Chưa đi chưa biết Vũng Tàu
Đi rồi mới biết ta giàu hơn tây
Đúng là họ thiếu vải may
Hai mảnh bé xíu làm vày làm ao.
Chưa đi chưa biết Cà Mau
Đi rồi mới biết không đâu bằng nhà
Cà nhà tuy có hơi già
Nhưng là cà chậm không là cà mau.

Từ hai câu “ Nhớ nhung về thị xã Phan / Thiết tha tơ tưởng cô hàng nước măm ”, có người đã nối theo :

Vội vàng về thị xã Phan
Rang ngay đậu phụng đón bàn tới thăm.

Và :

Gặp nhau ở thị trấn Phan
Rí ra rí rủm chuyện vàn suốt đêm.

Có thể nói đặc điểm thứ năm này đã làm nên sức sống cho thơ Bút Tre, làm cho nó tồn tại, phát triển, lan truyền rộng khắp. Ai cũng đã từng nghe, từng thuộc, từng làm, từng phổ biến loại thơ này, trong Nam ngoài Bắc, người già người trẻ, trí thức bình dân, có cơ hội là viết cho nhau đọc, đọc cho nhau nghe để cùng cười với nhau. Có khi chỉ là tiếng cười dễ dãi, vô thưởng vô phạt.( Chồng người du kích sông Lô / Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần ). Mà đâu chỉ có vậy, đọc đi rồi đọc lại, nghe qua và nghe nữa thì mới thấy tiếng cười của thơ Bút Tre là tiếng cười của truyện tiếu lâm dân gian, của hò vè, ca dao. Nó phản ánh muôn mặt đời sống xã hội một cách trào lộng, châm biếm và nhiều khi ngụ ý phê phán nữa. Người ta thích câu “ Mừng ngày bầu cử tự do / Những người xứng đáng thì cho vào hòm ” đâu phải chỉ vì tác giả chơi chữ ( hòm = hòm phiếu, thùng phiếu, và hòm = quan tài ) ! Nhiều câu nghe có vẻ ngây ngô, ngớ ngẩn ( Từ trong hang đá đi ra / Vươn vai một cái rồi ta đi vào ) nhưng phải chăng chỉ là sự ngớ ngẩn giả vờ để diễu cợt (“… Hàng đầu không biết đi đâu / Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi ” hoặc “ Mấy ông lãnh đạo của mình / Trước rất ghét Mỹ nay hình như thương !”).

Trên hết thảy vẫn là cái thông minh, dí dỏm thường thấy trong văn học dân gian, không hề thô sơ, thô thiển mà đầy tính nghệ thuật, với nhiều biện pháp tu từ, chơi chữ, nào điệp âm điệp ngữ, ngoa ngữ, nói lái, nào từ đống âm, từ nhiều nghĩa, chuyển đổi từ loại …

Bốn ông chung một dĩa lòng
Lợn ngồi chễm chệ bên thùng bia hơi.
Con ruồi là giống hiểm nguy
Bốn chân của nó rất vi trùng nhiều. I-meo anh viết thật bay
Bướm em mong đợi cả ngày lẫn đêm.

Nhà máy sản xuất nhiều mu
Để đem đi bán các chu đội đầu
An toàn ta nhắc nhở nhau
Hễ đi xe máy hàng đầu là mu .

Tất nhiên bên cạnh những người thích thơ Bút Tre vẫn có người không thích, thậm chí chê, nhưng ai cũng phải thừa nhận : hiện tượng thơ Bút Tre, với những đặc điểm về hình thức và nội dung như trên, là có thật, một hiện tượng khá độc đáo chưa từng thấy trong văn học nước nhà. Thơ Bút Tre đã và vẫn đang đi vào quần chúng.

Khen chê thì cũng chẳng sao
Thơ Bút Tre vẫn đi vào quần chung
Chê khen có sái có đùng
Thơ Bút Tre vẫn quần chùng mà ra !

.

THÂN TRỌNG SƠN

.

Tài liệu tham khảo :

-  Wikipedia tiếng Việt.
-  Thơ Bút Tre đời mới – Nguyễn Vũ Tiềm – nxb THANH NIÊN 2001.

Catégories
Hương Quê Thơ

Tế Hanh

Quê hương

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Ngày hôm nay, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá !

Tế Hanh

_ ° _ ° _

Nhớ con sông quê hương

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi ?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi !
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông

*

Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết…
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi ! Lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghành thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương…

Tế Hanh
(1956)

_ ° _ ° _

Những ngày nghỉ học

(Tặng Nguyễn Văn Bổng)

Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tầu đi đến những ga…
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

Tôi thấy lòng thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề !
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê ;
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ ;
Lòng của người đi réo kẻ về.

Kẻ về không nói bước vương vương
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường.
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.

Tế Hanh
(1938)

_ ° _ ° _

Trường xưa

Hơn bốn năm trời trở lại đây
Trường ơi ! Sao giống tấm thân này ?
Mái hư, vách lở buồn xơ xác
Tim héo, hồn đau, tủi đọa đầy.
Mưa gió phũ phàng hình vững chãi
Tình duyên mờ nhạt tuổi thơ ngây
Ngậm ngùi đối cảnh rưng rưng lệ…
Hàng liễu bơ phờ cảm động lây.

Tế Hanh
(1941)

Catégories
Thơ

Thơ là gì ?

Đặng Tiến (BP60)

THƠ
THI PHÁP & CHÂN DUNG

.

Thơ là gì ?

Dưới tiêu đề tổng quát này, chúng tôi mở đầu một loạt bài biên khảo về thơ, trên bình diện lý thuyết.

Đề tài không phải là mới mẻ ; từ thời Khổng Tử san định Kinh Thi, từ thời Aristote luận về Thi pháp đến nay, hơn hai mươi thế kỷ đã nghiêng mình xuống ngôn ngữ thi ca. Tuy nhiên, cho đến nay, những bình luận về thơ chỉ dừng lại ở mức cảm thụ, nghĩa là cái phần trực giác bén nhạy giúp ta linh cảm chất thơ ; thậm chí có người đưa ra những quan niệm thần bí về thơ, như nhóm Xuân Thu Nhã Tập trước đây, và một số tác giả khác hiện nay tại miền Nam.

Giới văn học Tây phương cũng đã lúng túng rất lâu trong việc định nghĩa thi ca. Năm 1925 trước năm Viện Hàn Lâm họp đại hội đồng tại Paris, Henri Bremond, trong bài diễn thuyết về « thơ thuần túy »(1) đã đưa ra một quan niệm huyền nhiệm về thơ, làm lung lạc cả thế giới khảo cứu của Pháp. Nhưng từ ấy đến nay, nếu các lý thuyết về tiểu thuyết, kịch, … không tiến bộ bao nhiêu thì kiến thức về thơ của Tây phương đã phát triển rất nhanh ; nhất là từ hai mươi năm nay, bộ môn « thi pháp » (poétique) trở nên thời thượng, nhờ những lý thuyết thẩm mỹ nói chung, nhờ sự đóng góp của các triết gia như Heidegger, Bachelard, Sartre, … và nhất là nhờ những tiến bộ vượt bực của ngành ngôn ngữ học, từ de Saussure đến Jakobson và bộ môn nhân chủng học từ Sapir đến Lévi-Strauss. Năm 1962, Jakobson và Lévi-Strauss, mỗi người đã mang những kiến thức nghiêm túc của mình để cùng giải thích bài thơ Mèo (Les Chats) của Baudelaire, có sự đóng góp của nhà ngữ học Benveniste. Bài giải thích này là bước tiến quyết định trong việc phá vỡ huyền thoại về thơ(2).

Tại Việt Nam 1973, có lẽ vì hoàn cảnh, nên chưa có những biên khảo thật nhất quán và khoa học về thơ, tại miền Nam cũng như miền Bắc. Đây là việc cần phải làm vì ai cũng biết người Việt Nam yêu thơ và ngôn ngữ Việt Nam giàu thi tính. Vì vậy mà chúng tôi không ngại kiến thức hẹp hòi, đưa ra một số suy nghĩ trong loạt bài sắp tới : thơ và văn xuôi khác nhau ra sao, tương quan giữa ý thơ và lời thơ, đặc tính của lời thơ, khả năng của khoa học áp dụng cho việc hiểu thơ… Để thoát ly khỏi quỹ đạo kiến thức tây phương, chúng tôi sẽ trình bày quan niệm của tổ tiên ta về thơ, thi tính của ca dao, và sẽ phân tích một vài thi phẩm cổ kim của ta ; một lý thuyết về thơ chỉ có giá trị nếu ta có thể áp dụng để phân tích rất nhiều tác phẩm cụ thể, thuộc nhiều hình thức và thể loại khác nhau, trong nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, như Jakobson đã đề xuất và thực hành.

Việc này, chúng tôi không viết thành sách, mặc dù có lời yêu cầu của một vài nhà xuất bản ; tôi chỉ muốn trình bày trên báo để góp ý với nhiều giới độc giả, dù biết rằng khó trình bày được toàn bộ lý luận qua dăm mười bài viết rời rạc.

Viết loạt bài này, chúng tôi đứng trước bốn khó khăn : thứ nhất, sự khảo cứu chỉ mới ở bước đầu ; thứ nhì, thiếu tài liệu về thơ Việt Nam, nhất là về lý luận Việt Nam xưa về thơ ; thứ ba, muốn trình bày một đề tài chuyên môn bằng ngôn ngữ bình dị ; thứ tư, viết về thơ mà không văn vẻ thì đọc chán, mà văn vẻ thì giảm bớt tính khoa học.
Bạn đọc sẽ nhận thấy những khuyết điểm do các khó khăn nói trên tạo ra

* *

Trong bài đầu tiên này, chúng tôi nêu lên nguyên lý cơ bản : Thơ khác với ngôn ngữ thường ra sao ? Vấn đề này nhà văn, giáo sư Nguyễn văn Trung, cách đây khá lâu, đã trình bày mạch lạc(3) nay tôi chỉ nói lại vắn tắt và cụ thể. Ngôn ngữ nói chung, là một trong nhiều hệ thống ký hiệu, được loài ngừơi dùng làm phương tiện để truyền đạt tin tức, mệnh lệnh, tư tưởng, tình cảm. Mỗi từ ngữ không có giá trị tự tại, mà chỉ là công cụ để chỉ một đối tượng : con mèo, con chó chẳng hạn. Khi từ ngữ vượt khỏi công dụng thông tin ấy, để biểu hiện giá trị thẩm mỹ tự tại thì, theo Jakobson, nó có chức năng thi pháp (fonction poétique). Đó là thơ.

Nói khác đi, thơ là ngôn ngữ, vậy nó cũng truyền đạt một tình, một ý. Nhưng đặc tính không nằm trong thông điệp truyền đi, mà nằm trong vỏ âm thanh của từ ngữ được sử dụng. Ngôn ngữ thơ không chỉ là dụng cụ, mà còn là thể chất. Nó vừa là nội dung vừa là hình thức : nội dung đôi khi chính là hình thức của nó. Cho nên khi so sánh thơ với ngôn ngữ thường, ta có thể nói quá đi một chút như lời Jakobson : thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh, trong khi văn xuôi, hay lời nói thường, chỉ là những ký hiệu bày tỏ sự vật bên ngoài. Trình bày cách khác : nói, là nói cái gì, còn làm thơ, là nói để được cái thú nghe lời mình nói, như chàng Trúc ở dòng đầu truyện Đôi bạn của Nhất Linh « nói xong và nghe tiếng mình nói, Trúc nhớ lại rằng câu ấy chàng đã thốt ra nhiều lần, năm nào cũng vậy.. ».
Yêu thơ là yêu lời nói đẹp. Đẹp ở đây không nhất thiết là phải vần vè, văn vẻ.

Từ cuối thế kỷ 19, Mallarmé đã bảo : « làm thơ với từ ngữ, chứ không phải với ý tưởng ». Nguyễn văn Trung có trình bày thêm quan niệm của Valéry, Breton, Sartre(4). Nhưng mãi đến vài mươi năm gần đây, các nhà khảo cứu mới chú tâm đặc biệt đến thơ như là một ngôn ngữ tự tại, như hội họa, như âm nhạc, chứ không phải chỉ là một công cụ. Thật ra, từ 1921, Jakobson đã chủ trương : « thơ chỉ là một ngôn đề nhắm vào biểu thức (un énoncé visant l’expession), có thể nói, vận hành trong quy luật nội tại ; chức năng truyền đạt, đặc biệt của ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ truyền cảm, bị giới hạn đến mức tối đa. Thơ dửng dưng với đối tượng của lời nói »(5). Ông còn so sánh « nếu hội họa là cách tạo hình bằng những chất liệu của thị quan có giá trị tự tại, nếu âm nhạc là cách tạo âm bằng chất liệu thuộc thính quan có giá trị tự tại, nếu vũ điệu tạo hình bằng chất liệu cử động của thân thể có giá trị tự tại, thì thơ là cách tạo hình với từ ngữ có giá trị tự tại. Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó » (la poésie est la mise en forme du mot à valeur autonome … c’est le langage dans sa fonction esthétique)(6). Hơn mười năm sau, cũng tại Prague, ông lại định nghĩa « thơ là gì » và nói rõ « thi tính thể hiện ra sao ? – Thể hiện bằng cách : từ ngữ được cảm thụ như là từ ngữ chứ không phải chỉ là một ký hiệu tầm thường của sự vật được gọi tên, cũng không phải như một òa vỡ của tình cảm ; nó thể hiện bằng cách : những con chữ, và cú pháp, và ý nghĩa, và hình thể ngoại tại và nội tại, không phải chỉ là những ký hiệu vô vị của thực tế, trái lại những con chữ đó có trọng lượng riêng, có giá trị riêng »(7) .

Mãi về sau này, khi Jakobson được xem như bậc thầy của khoa ngôn ngữ học thế giới, các nhà biên khảo mới khai thác triệt để tư tưởng của ông, một phần cũng nhờ sự đóng góp của phong trào cấu trúc (structuralisme) với Lévi-Strauss.

Trong một ngành khoa học khác, môn nhân chủng học, Lévi-Strauss cũng đi đến một kết luận như Jakobson : « chúng ta đều thừa nhận rằng từ ngữ là những ký hiệu, nhưng giữa chúng ta, thi sĩ là những kẻ cuối cùng còn sót lại còn biết rằng từ ngữ, xưa kia, cũng là những giá trị » (8).

Từ quan niệm : thơ là một ngôn ngữ trong ngôn ngữ theo lời Valéry, các nhà khảo cứu xây dựng một nền khoa học mới, môn « thi pháp » (la poétique) với những quy luật chuyên môn, thậm chí ngày nay, có ngừời không còn xem thơ như một lãnh vực của văn chương như ta vẫn quan niệm, mà là một hệ thống ký hiệu riêng, không mấy quan hệ với văn chương : « Ngày nay, chúng ta không còn có thể đề cập đến sự kiện thi ca bằng cách sát nhập thơ vào lý thuyết tổng quát của văn chương, ví dụ xét thi phẩm như một phần của văn học nói chung ,(…) vì cấu trúc của thơ không thể nới rộng đến ý niệm về văn chương »(9) . Ngược lại, có người xem thi ca như một bộ môn của ngành ngôn ngữ học, họ khảo sát lời thơ như khảo sát tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Mường… Chúng tôi chưa có điều kiện để phê phán hay áp dụng những kiến giải chuyên môn đó, mà chỉ dừng lại ở những nguyên lý tổng quát, để người đọc tham khảo.

****

Chúng ta thử so sánh một cách nôm na ngôn ngữ thường ngày (ngôn ngữ dụng cụ) với thơ. Ví dụ muốn châm điếu thuốc, tôi hỏi : « anh có diêm không ? » thì đó là một câu nói thông thường, nó không có giá trị gì ngoài việc làm dụng cụ để tôi đốt được điếu thuốc. Tôi có thể nói một cách khác : anh có lửa ? anh có hộp quẹt ? anh có bật lửa ? anh cho tôi mồi điếu thuốc… Nói sao cũng được, miễn là đạt tới kết quả. Vậy ngôn ngữ nói chung chỉ là một phương tiện ; chỉ có thi ca mới là một ngôn ngữ riêng, tự lấy mình làm mục đích. Ví dụ, cùng một câu xin lửa, mà tôi nói : « Cho tôi xin chút lửa
Lửa tắt.
Cho tôi xin nước mắt
Nước mắt chua
 »

thì tôi không còn xin lửa để đốt điếu thuốc, nhen bếp cơm, mà nói để có cái thế được nói một câu đồng dao đẹp. Câu đồng dao đó tự nó là đối tượng của nó, nó không nhắm mục đích gì hết : Đứa bé lên năm chơi rồng rắn, thì xin nước mắt làm gì ?

Cũng chú bé đó, khi bập bẹ tập nói, học những tiếng con mèo, con chó… để có dụng cụ chỉ hai loại gia súc nọ ; lớn lên chút nữa nó dùng từ chính xác hơn : con vện, con tam thể, để chỉ cùng đối tượng : dụng cụ ngôn ngữ của nó dồi dào hơn. Trước kia nó chỉ có một con dao, bây giờ nó có con dao bổ dừa để bổ dừa, con dao cau để bổ cau, nhưng ngôn ngữ vẫn là dụng cụ. Mai kia nó lớn lên sẽ gọi tình nhân là mèo, tình địch là chó, thì dụng cụ thay đổi so với sự vật, như là nó dùng dao cau để rọc thư tình nhân và dao bổ dừa để chém đầu tình địch. Hai ví dụ kể trên chứng minh hai điều : Mèo, chó là ngôn ngữ dụng cụ, trong ngôn ngữ đời thường, từ ngữ (cái biểu hiện) và đối tượng (cái được biểu hiện) là hai cái khác nhau, tạm gọi cái trước là hình thức, cái sau là nội dung. Ta có thể dùng hai từ cùng nghĩa (mèo, con tam thể) hay một từ hai nghĩa (mèo gia súc hay mèo tình nhân).

Trong Thơ thì khác. Chú bé bắt chước mẹ, hát nghêu ngao :
Con mèo con chó có lông
Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai

(Ca dao)
Hai chữ con mèo, con chó, và cả câu ca dao không có đối tượng. Ai chả biết cây tre có mắt, và nồi đồng (miền Trung) có quai ? Vậy nói ở đây, không phải là để nói lên cái gì, mà để được cái thú nghe lời mình nói, với một câu mà mình cho là hay. Thế nào là hay, thì lại tùy người, tùy lúc, là chuyện khác.

Các nhà biên khảo đã đi đến chỗ đồng thuận : Về lý thuyết, ngôn ngữ nói chung và văn xuôi nói riêng nhằm phục vụ một đối tượng trong đời sống hàng ngày. Thơ trái lại là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng. Về thực tế, khi đưa quan niệm này vào việc phân tích thi ca chúng ta lại phải dè dặt, vì bài thơ là một mô hình phức tạp. Cái nhìn khoa học không những cần phân tích hợp lý, mà còn cần tổng hợp nhất quán ; lối nhìn đó là cần, nhưng chưa đủ để nắm bắt câu thơ. Nói thơ là một ngôn ngữ tự tại không có nghĩa rằng : thơ không cần có ý nghĩa. Vì một từ ngữ, một câu bao giờ cũng có nghĩa nếu nó muốn là ngôn ngữ. Không làm gì có câu nói thật sự vô nghĩa.
Cũng không hàm ý rằng thơ không tương quan gì đến thực tế nhất là thực tại xã hội. Không thể cô lập một câu thơ, và con người với xã hội, tách nó ra khỏi đời sống. Đây là hai điểm chính yếu, ta không nên ngộ nhận.

Những câu thơ ta cho là hay, dễ nhớ vẫn là những câu có nghĩa, có ý, có tình. Ở tây phương, đã có nhiều trường phái chủ trương thơ vô nghĩa, đều bị bế tắc. Câu thơ phải có nghĩa mới là câu nói, mới làm ta chú ý. Ta có chú ý rồi mới thấy hay, càng đọc càng thấy hay, lâu ngày nhớ lại vẫn thấy hay. Nhưng câu thơ hay đó tuy có ý nghĩa, nhưng không hay vì ý nghĩa, mà hay vì hơi nói, giọng nói. Khi câu thơ hay vì ý nghĩa thì nó có cái hay của văn xuôi (beauté prosaique), như một lời văn hoa mỹ, một lời nói khéo, ví dụ câu này của Hàn Mạc Tử :
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.

Câu thơ này dịch ra tiếng nước ngoài không khó, vì nhiều tu từ pháp, tiếng nước nào cũng có sẵn.
Nói khác đi, tương quan lời/ý, cái biểu hiện/cái được biểu hiện, (signifiant/signififié) bị đảo lộn : trong lời nói thường và văn xuôi, lời là phương tiện của ý, “được ý phải quên lời, như được cá quên nơm” (Trang Tử). Trong thơ, ý là phương tiện của lời trên hai phương diện : trong cấu trúc, ý nâng lời, tạo tương quan cho từ ngữ ; ngoài cấu trúc ý làm môi giới giữa lời thơ và người đọc, người nghe. Câu thơ không có ý thì không có xương sống và không có độc giả, thơ không ý “như thuyền không lái, như ngựa không cương”, nhưng lái không phải là thuyền, cương chỉ là thành phần không chính yếu của ngựa. Thơ hay không phải tại ý, như ngựa thiên lý không phải nhờ vào giây cương, cho dù giây cương là cần thiết. Vì vậy mà thơ xưa từ Đông sang Tây, quay chung quanh các đề tài tuyết nguyệt phong hoa. Điều chính yếu trong thơ không phải là nói cái gì, mà là nói ra sao.
Vì trong thơ, ý là phương tiện của lời, nên người bình giảng thơ cần đặt lại chính xác quan hệ nội dung và hình thức. Nhất là khi bình giảng thơ trong nhà trường. Các thầy giáo, cô giáo từ bậc tiểu học phải biết dạy thơ. Con em lớn lên mới biết yêu thơ, xã hội mới có thơ hay. Và đời sống con người tinh tế hơn.

Theo lối giảng thông thường của sách giáo khoa, thì nội dung của bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến là việc đi câu cá mùa thu. Đúng không ? dụng tâm của Nguyễn Khuyến khi làm bài thơ ấy có phải là để kể chuyện đi câu ? hay ông chỉ mượn việc đi câu, mượn luôn cả cảnh ao thu, để làm một bài thơ đẹp ? Phái duy lý có thể bẻ lại : Nguyễn Khuyến làm bài thơ đó để nói lên tâm hồn kẻ sĩ ; vì tâm hồn cao đẹp nên bài thơ hay. Nghe không ổn, vì có phải thánh nhân đều là thi sĩ cả đâu . Và bao nhiêu thi sĩ Tư Mã Tương Như, Baudelaire chẳng hạn, là kẻ tầm thường, có khi còn tội lỗi. Vả lại, anh thích bài thơ đó, vì anh thích đi câu, anh thích mùa thu, hay vì bài thơ đó hay ? Tóm lại, nội dung của bài thơ Thu điếu là bản thể của lời thơ, hình thức của nó là ao thu, phương tiện của nó là đi câu.
Nói như thế có vẻ nghịch với lẽ thường. Nhưng chính thơ là ngôn ngữ nghịch với lẽ thường. Vầng trăng làm sao mà “sẻ làm đôi” được ? Làm sao có thể “gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao” được ? Thi sĩ là kẻ phá vỡ tương quan của ý tưởng và thay thế vào đó tương quan của từ ngữ. Sự hoán chuyển phương tiện – mục đích, vẫn thường xảy ra trong thực tế ; trở lại với thí dụ đi câu : con rô con diếc là đối tượng của bác thợ câu, nhưng là phương tiện của ông Lã Vọng, đi câu là để đi câu. Cô hái chè lúc vươn tay thì cành chè là đối tượng ; cô đứng chụp hình, tay vươn cành chè, thì cành chè là phương tiện để cô có bức hình đẹp. Cô đứng tự nhiên thì bức hình không tự nhiên, phải giả vờ vin vào cái gì đó thì bức hình mới tự nhiên. Ngôn ngữ thơ cũng vậy : nói tự nhiên, thì không ra thơ, phải nói một cách nào đó thì mới là thơ. Những câu thơ “tự nhiên thiên thành”, cũng tự nhiên một cách nào đó, trong một bối cảnh nào đó.

Bảo rằng thơ là cách nói, thi sĩ làm thơ để làm thơ, như kẻ đi câu để đi câu, không cần cá, phải chăng là từ chối mọi quan hệ giữa thơ và thực tế xã hội ? Không phải vậy, những thi sĩ lớn cũng như những lý thuyết gia ngày nay, không còn mấy ai chủ trương hình thức vị hình thức. Thơ có đặc tính riêng, nhưng vẫn bắt nguồn từ xã hội và phục vụ xã hội. Bắt nguồn và phục vụ bằng cách nào thì tùy hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh xã hội, và tùy chế độ chính trị, xưa cũng như nay.
Thơ bắt nguồn từ thực tế vì phải sử dụng ngôn ngữ hàng ngày dù để chế biến, xáo trộn, vì ngôn ngữ vốn là phản ánh của đời sống. Thơ lại sử dụng những tình ý của con người, thì dù muốn dù không cũng phản ánh xã hội. Những thi phẩm lớn của ta, như Kiều, Cung Oán, Chinh Phụ Ngâm, đều mang ít nhiều đặc tính của xã hội. Gần chúng ta hơn, những nhà thơ tiền chiến “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” gặp lúc kháng chiến cũng đã “đốt cháy trong lòng mình những phong cảnh cũ” như lời Nguyễn Tuân, để chiến đấu và sáng tác. Gần hơn nữa, nhà thơ say Vũ Hoàng Chương đã từng sống giữa lòng đời như “cắm thuyền sông lạ”, năm 1963, đã đốt lên ngọn Lửa Từ Bi hùng tráng để soi sáng cho cuộc đổi thay xã hội. Và nhìn chung thơ Hy Lạp, thơ Tàu, thơ Tây đều mang đặc tính xã hội.

Thơ không những chỉ phản chiếu tiêu cực mà còn ảnh hưởng tích cực đến tâm hồn con người. Bỏ qua quan niệm “thi dĩ ngôn chí” và “văn dĩ tải đạo”của nhà Nho, bỏ qua luôn quan niệm thơ phải phục vụ trực tiếp quần chúng, chúng ta vẫn gặp những nhà thơ lớn ca ngợi giá trị đạo lý của nhân loại từ Khuất Nguyên qua Đỗ Phủ, cho đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến. Những tác phẩm được truyền tụng là những bài Quy Khứ Lai Từ của Đào Tiềm, thơ lánh đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn thơ xu phụ quyền thế của 28 vì sao trong Tao Đàn thì không mấy ai biết tới. Trong khuôn khổ của xã hội phong kiến và tư tưởng nho giáo khe khắt, thơ vẫn không chịu gò bó trong tam cương ngũ thường, mà vươn tới cái đạo lớn của nhân loại, ca ngợi cái hùng, cái vĩ, bênh vực kẻ yếu, tố cáo bất công. Khi nói đến tình yêu trai gái, thơ gạn lọc tình cảm, cho nên những đoạn Kinh Thi ướt át nhất vẫn ngay thẳng như lời Khổng Tử. Bản chất thơ phải “tư vô tà”, đó cũng là một đặc tính chung cho các bộ môn văn nghệ khi vươn lên làm văn hóa, văn minh.

Vì thế ngày nay tại các nước công nghiệp tiên tiến, thơ vẫn là một bộ môn quan trọng trong chương trình giáo dục, nhất là cấp tiểu học. Trẻ em học thơ để yêu tiếng nói, rồi từ đó yêu quê hương, loài người và cuộc sống. Dân tộc Việt Nam vốn yêu thơ, thưởng thức thơ từ lúc nằm nôi, nếu thi ca đóng đúng vai trò của nó dĩ nhiên là sẽ có tác dụng rộng lớn.

Để kết luận, xin mượn lời Jakobson : “ Thi ca, so với những giá trị xã hội khác, tuy không vượt bực, không lấn lướt, vẫn là thành tố cơ bản của ý thức hệ, luôn luôn quy về một đối tượng. Thơ giúp ta khỏi trở thành máy móc, bảo vệ chúng ta chống lại sự han rỉ đang hăm dọa những công thức về tình yêu và thù hận, về phản kháng và hòa giải, về đức tin và phủ nhận ” (10).

Về những đóng góp của Jakobson xin đọc bài tiếp theo.

Đặng Tiến
Dieppe, 7-1973,
đọc lại, Orléans 12- 2008
(Trích từ “ Thơ, Thi Pháp & Chân Dung “, nxb Phụ Nữ 2009)

(1) Bremond, La Poésie Pure, nxb Grasset, Paris 1926
(2) Tạp chí L’Homme, số II, 1,1962, in lại trong Questions de Poétique, Roman Jakobson, nxb Le Seuil, Paris, 1973, tr. 401-419.
(3) Nguyễn văn Trung, Lược Khảo Văn Học, cuốn 2, Nam Sơn xuất bản, 1965, tr. 72-82. Sàì gòn
(4) Sđd, tr. 16-34.
(5) In lần đầu tại Prague, 1921, in lại trong Questions de Poétique, Sđd, tr. 14, và trong tạp chí Poétique, số đặc biệt về Jakobson, Paris, 7-1971, tr.290.
(6) Jakobson, Questions …, sđ d, tr. 16 ; tạp chí Poétique ,s đ d tr.290. Tôi chỉ chú nguyên văn những đoạn chính.
(7) Jakobson, Co-je poésie, Prague 1933-1934, in lại trong Poétique, sđd, tr. 308, và trong Questions de Poétique, sđd, tr. 124.
(8) Levi-Strauss, Anthropologie Structurale, tr 70, Plon, Paris 1958, Claude Lévi-Strauss nói « cuối cùng sót lại… xưa kia » vì muốn truy nguyên nguồn gốc và cơ cấu của ngôn ngữ, qua cơ cấu tổ chức thị tộc và hôn nhân các xã hội cổ sơ của Phi Châu, Nam Mỹ, vì theo ông liên hệ thị tộc và hôn nhân cũng là ngôn ngữ.Chữ « giá trị » ông dùng theo nghĩa đơn vị để trao đổi.
(9) A.J.Greimas, Essais de Sémiotique Poétique, nxb Larousse, Paris 1962, trang đầu.

(10) Questions de Poétique, Sđ d, tr. 125.
.

Phụ chú 12-2008
Sách chuyên đề tiếng Việt sau 1973 , đã xem lại :

-   Hà Minh Đức : Thơ và mấy vấn đề…. 1974 Một thời đại trong thơ ca 1996, và nhiều sách khác
-   Phan Cự Đệ : Phong trào thơ mới 1982, Văn học Việt Nam 2004
-   Phan Ngọc : Phong cách Nguyễn Du 1985,
-   và nhiều sách khác.
-   Nguyễn Phan Cảnh : Ngôn ngữ thơ 1987
-   Nguyễn Hưng Quốc : Tìm hiểu nghệ thuật thơ 1988 Nghĩ về thơ 1990
-   Mai Ngọc Chừ : Vần thơ Việt Nam 1991
-   Nguyễn Xuân Kính : Thi pháp ca dao 1992
-   Lê Đình Kỵ : Thơ mới… 1993
-   Thụy Khuê : Cấu trúc thơ 1995
-   Nguyễn Bá Thành : Tư duy thơ 1996.
-   Hữu Đạt : Ngôn ngữ thơ Việt nam 2000
-   Trần Đình Sử : Văn học và Thời gian, 2001.
-   Trần Đức Các1995 ; Nguyễn thái Hòa 1997 ; Phan Diễm Phương 1998, về thi pháp trong văn học dân gian

Catégories
Thơ

Bên thềm Kỷ Sửu (2009)

Hồng Khắc Kim Mai (BP65)

.

Bích đào đã nở
Hỏi han chào Xuân
Xuân Kỷ Sửu
Trâu có cày khổ
Như những tháng năm xưa ?
Người nông dân năm hai ngàn không không chín
Bấm nút computer
Trâu phóng giò chạy phom phom trên đồng lúa ngút ngàn
Trâu gặt trâu hái quanh co
Xúc thóc sàn gạo tải bao trong nháy mắt
Hôm qua cánh đồng bắp còn phấp phới lá đùa với gió
Hôm sau bắp thành sóng Ethenol trào sôi
Nuôi trâu cong đuôi
Chạy trăm năm khắp địa cầu
Đắt đỏ Hỡi chú mục đồng chỉ còn trong ký ức trong sách vở hòai niệm
Hỡi tiếng sáo diều trong quá khứ trong thơ văn nung niềm nhung nhớ
Hỡi xóm vắng chiều thưa
Lim dim đôi mắt
Nhìn tóc phất phơ đuôi gà
Thong dong tôi nếm lại
Mật đường quê hương xưa
Ngon ngọt dặm lòng Không thể ngồi ôm khóc năm qua để quên hiện tại
Kỷ Sửu đang đến
Giữa những tháng đông trên vùng đất mới
Obama du hành từ Philadelphia đến Washington
Xe lửa triều quang cân đai huy hoàng

Muôn triệu trâu trên khắp năm châu
Ngời thắp tin yêu
Hy vọng Hành ngôn bên thềm Kỷ Sửu
Bạch lạp phà hơi thở lên phím Laptop
Gửi chị em lửa ấm cúng lửa hùng bi
Nhen vô lòng nhen tận thâm cung những làn rung đương đại Kỷ Sửu, Kỷ Sửu
Chớ giả hình khi bầu trời quan ngại
Thời trang như hồi ý
Nhã nhặn chữ Tết
Trong căn nhà có bánh chưng xanh ly rượu đỏ
Chúc nhau tiếng thiệt thà nở vạn tình yêu
Bên tô phở
Tháng giêng tây
Bốc khói Mâm ngũ quả
Giấy mả bạc vàng
Xì xụp đưa lão Táo đi chầu
Rước Kỷ Sửu mầu da Barack
Chống mắt
Chờ xem hai kình địch
O s ama Bi n La den tận Trung Đông
O b amaBiden cường quốc Mỹ
Mưu thần chước quỷ
Đẩy nhân loại đi về đâu ? Tất bật dọn hành trang giã từ vàng son
Quay quắt tìm nơi trú ẩn
Cô Tí Chuột buồn hiu như người câm điên
Ú ớ miếng cười ruồi tiếp dẫn
Hello anh Kỷ Sửu
Nhi nhô mời anh
Hớp rượu
Phù đồ

HKKM
Jan 19, 2009
Cuối năm Mậu Tý

Catégories
Thơ

Félix Arvers và “Tình Tuyệt Vọng”

Thân Trọng Sơn

.

Félix Arvers (1806 – 1850)

.

Không có nhiều tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Félix Arvers (1806 – 1850). Sách văn học sử Pháp ( Collection littéraire LAGARDE & MICHARD, XIXe siècle ) không hề nhắc đến Ông. Từ điển Hachette giới thiệu rất nhiều nhà văn, nhà thơ thuộc nhiều thời đại cũng không ghi tên Ông. Larousse thì chỉ nói vắn tắt : “Thi sĩ Pháp, nổi tiếng với bài Sonnet bắt đầu bằng câu : Mon âme a son secret, ma vie a son mystère”. Một tư liệu khác có vẻ cụ thể hơn cũng chỉ ghi vẻn vẹn đôi dòng ngắn ngủi :

“Félix Arvers là tác giả nhiều vở kịch khá thành công. Tác phẩm của Ông đã bị lãng quên, ngoại trừ tập thơ Mes heures perdues (Những giờ khắc hoài phí).”

(Félix Arvers fut l’auteur d’un grand nombre de pièces de théâtre qui connurent un grand succès. Son œuvre fut oubliée à l’exception de son recueil de poèmes “ Mes heures perdues.”)

Tập thơ Mes heures perdues xuất bản năm 1833, thời điểm mà tên tuổi các nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn Pháp đã rực sáng, từ Lamartine với Méditations poétiques (1820), Victor Hugo với Les Odes (1822), Les Orientales (1829), Les feuilles d’automne (1831), Alfred de Vigny với Poèmes antiques et modernes (1826 – 1835), cho đến Alfred de Musset với Premières poésies (1835) …

Không rõ tập thơ dày mỏng thế nào, chỉ thấy còn lưu truyền một vài bài, trong đó một số bài viết tặng bằng hữu, hoặc có ghi tên (À Alfred Tattet, À Alfred de Musset), hoặc viết tắt hay giấu tên (À mon ami *** , Sonnet à mon ami R.), để bày tỏ quan điểm về nghệ thuật, về thi ca…

Và tất nhiên hơi thở của dòng thơ trữ tình, bi thương của thời đại phả đầy trong thơ Arvers. Ông không ngần ngại nói rõ khát vọng kiếm tìm hạnh phúc của mình, dù đấy chỉ là thứ hạnh phúc bình dị của “chút tình tri kỷ” :

J’abandonnais l’amour à la jeunesse ardente
Je voulais une amie, une âme confidente,
Où cacher mes chagrins, qu’elle seule aurait lus ;

Le ciel m’a donné plus que je n’osais prétendre ;
L’amitié, par le temps, a pris un nom plus tendre,
Et l’amour arriva qu’on ne l’attendait plus.

( Sonnet à mon ami R. )

Thuở thanh xuân tôi từ bỏ tình yêu
Chỉ mong tìm mối tri âm đồng cảm
Người thấu hiểu nỗi lòng tôi sầu muộn

Trời đã cho tôi nhiều hơn tôi muốn
Với thời gian tình bạn ngọt ngào hơn
Và tình yêu đến khi không còn chờ đợi.

hoặc là thứ hạnh phúc gia đình với vợ đẹp, con ngoan, với bạn bè, láng giềng thân thuộc để sớm hôm hàn huyên tâm sự :

J’avais toujours rêvé le bonheur en ménage,
Comme un port où le cœur, trop longtemps agité,
Vient trouver, à la fin d’un long pèlerinage,
Un dernier jour de calme et de sérénité.
( Sonnet à mon ami R. )

Tôi hằng mơ hạnh phúc một mái ấm
Cho con tim xao động cõi đi về
Sau bao tháng ngày lãng đãng u mê
Tìm bến đỗ giữa thanh bình, an lạc.

Thế nhưng hạnh phúc đâu dễ tìm vì tình yêu đâu dễ gặp. Trước sau vẫn chỉ là “ người tình trong mơ ” bởi người chợt đến, chợt đi, không ước hẹn, ta trở về, thui thủi một mình ta.

… Rien n’a signalé sa venue,
Elle est passée, humble, inconnue,
Sans laisser trace de ses pas.
Depuis lors, triste et monotone,
Chaque jour commence et finit :
Rien ne m’émeut, rien ne m’étonne,
Comme un dernier rayon d’automne
J’aperçois mon front qui jaunit.

Et loin de tous, quand le mystère
De l’avenir s’est refermé,
Je fuis, exilé volontaire !
Il n’est qu’un bonheur sur la terre,
Celui d’aimer et d’être aimé.

( À mon ami *** ).

Nàng đến, không gì báo hiệu
Nàng đi, lặng lẽ, khiêm nhường,
Chẳng dấu vết gì để lại
Bước chân hờ hững trên đường.
Từ đấy, u sầu, lặng lẽ,
Tháng ngày chợt đến, chợt đi,
Không còn ngạc nhiên, cảm xúc,
Thấy vầng trán mình âm u
Tựa như tia nắng vàng thu.

Và khi không còn mong đợi
Cánh cửa tương lai khép rồi
Như kẻ lưu đày tự nguyện
Tôi xa lánh hết mọi người
Hạnh phúc duy nhất ở đời
Yêu và được yêu – thế thôi.

Những bài thơ như thế này chưa đủ để làm nên tên tuổi của tác giả và đều đã bị lãng quên. Trong toàn bộ tập thơ, duy nhất một bài được biết đến và chỉ cần bài này là đủ làm cho tác giả nổi tiếng, như cách nói của từ điển Larousse nêu trên. Độc giả Việt Nam biết đến Arvers cũng chỉ qua bài Sonnet này , trước tiên thông qua bản dịch của một nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Bản dịch, với nhan đề Tình tuyệt vọng, thành công đến nỗi nhiều người cho rằng nó còn hay hơn cả nguyên tác có tên đơn giản là SONNET, hoặc là SONNET D’ARVERS như người ta thường gọi.

Nguyên tác bài thơ như sau :
.

SONNET D’ARVERS

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment conçu :
Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.
Hélas ! j’aurais passé près d’elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,
Et j’aurais jusqu’au bout fait mon temps sur la terre,
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu. Pour elle, quoique Dieu l’ait faite douce et tendre
Elle ira son chemin, distraite, et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas ;

À l’austère devoir, pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle :
“ Quelle est donc cette femme ?” et ne comprendra pas.

Sống và sáng tác vào nửa đầu thế kỷ XIX, thời kỳ rực rỡ nhất của trường phái lãng mạn trong nền thi ca Pháp, vốn chuộng sự tự do thoải mái đến độ buông thả trong nội dung và hình thức, Arvers lại chọn Sonnet, một thể thơ đòi hỏi nhiều ràng buộc về hình thức. Mỗi bài Sonnet chỉ có 14 câu, bao gồm 2 khổ thơ bốn câu (quatrain) và 2 khổ thơ ba câu (tercet). Mỗi câu gồm 12 âm tiết (syllabe). Cách gieo vần cũng phải theo quy định chặt chẽ : Nếu ở các khổ bốn câu có thể dùng các loại vần thông dụng (vần chéo : ABAB, hoặc vần ôm : ABBA) thì các khổ ba câu phải gieo vần liền 2 khổ theo kiểu CCD / EED hoặc CCD / EDE.

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère.

Lòng tôi giấu một nỗi niềm tâm sự
Đời tôi đầy chuyện thầm kín riêng tây.

Đây rồi cái “tôi”( le “moi” ) quen thuộc của trường phái lãng mạn, cái tôi mạnh dạn và thẳng thắn, không ngại ngần úp mở, không rào đón quanh co, được nhấn mạnh bởi cách dùng một loạt các tính từ sở hữu và đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất. Và ở đây cái tôi gắn liền với khái niệm khổ đau : “Le mal est sans espoir…”, “ Hélas !”, “ solitaire…”.

Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.

(Nỗi đau chừng vô vọng
Đành câm nín mà thôi
Sao người làm tôi khổ
Vô tình quá người ơi !)

Nỗi đau không nói được, xin mượn ngòi bút để thổ lộ can trường, bởi, nói như Alfred de Musset, một người bạn thơ của Arvers :

Les plus désespérés sont les chants les plus beaux
Et j’en sais d’immortels qui sont de purs sanglots.

Nuit de Mai ( Đêm tháng năm )

(Lời tuyệt vọng là lời ca đẹp nhất
Vang vọng mãi tiếng nức nở thảm sầu ).

Điều bi thảm hơn là nỗi đau đó chừng như đeo đẳng suốt cả cuộc đời chàng trai si tình.

Un amour éternel en un moment conçu.

(Tình chớm nở vội vàng trong thoáng chốc
Mà tưởng chừng như đã kết ngàn năm.)

Hẳn là chàng gặp gỡ đã từ lâu. Hẳn là chàng đau khổ đã từ lâu .Bởi nàng nào đâu hay biết gì (elle n’en a jamais rien su). Và hơn thế nữa, suốt quãng đời còn lại cũng hoàn toàn vô vọng, “dù gặp nhau cúi mặt bước mà thôi“ :

Et j’aurai jusqu’au bout fait mon temps sur la terre
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu

(Tôi vẫn đi tiếp con đường phía trước
Không dám cầu xin, chẳng nhận được gì.)
. Không dám. Dù chỉ một lần. Phải chăng vì chàng quá nhút nhát, e thẹn ? Không, chỉ vì Trời đã sinh ra nàng đoan trang quá, hiền hậu quá, hãy để nàng thủy chung, hãy để nàng chu toàn bổn phận. Cho hình ảnh nàng mãi thánh thiện. Cho Tình Yêu thăng hoa. Và trở thành bất tử. Ít nhất là với bài thơ này.

Vâng, chỉ vì Trời đã sinh ra nàng đoan trang quá, hiền thục quá …

Pour elle, QUOIQUE Dieu l’ait faite douce et tendre
Elle ira son chemin, distraite, et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas ;

Thật đáng ngạc nhiên khi nhà thơ dùng QUOIQUE (mặc dù) ở đây : mặc dù nàng đoan trang và hiền thục quá, nàng sẽ không nghe thấy tiếng thì thầm của tình yêu ? Lẽ ra phải là PUISQUE Dieu l’a faite douce et tendre (bởi vì).

Vì nàng rất mực đoan trang
Tôi đành câm nín để nàng thủy chung !

Nhưng Nàng là ai ?

Đọc văn thơ, nghe âm nhạc, nhiều người vẫn có thói quen tò mò muốn biết ai là nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng khiến người nghệ sĩ viết nên bài thơ, bản nhạc ấy. Trường hợp này cũng thế. Từ sau khi bài thơ được phổ biến, bao nhiêu giấy mực đã dành cho cuộc truy tìm lai lịch người đẹp khiến thi sĩ ôm mãi mối tình tuyệt vọng mà viết nên những dòng thơ trác tuyệt này.

Có ý kiến cho rằng dây chỉ là một hình ảnh phúng dụ (allégorie), người đẹp chẳng hề hiện hữu, hơn nữa trong các ấn bản đầu ” ( traduit de l’italien ) nhưng vì không ai đưa ra văn bản gốc nên giả thuyết này không đứng vững được.

Một ý kiến khác, dựa vào quan hệ thân tình giữa Félix Arvers và Victor Hugo, cho rằng người đẹp bí mật này chính là … phu nhân của Victor Hugo mà Arvers đã kín đáo nhắc đến tên Adèle bằng cách dùng các vần “fidèle”“d’elle” trong khổ thơ cuối !

Ý kiến khác nữa – có vẻ được nhiều người đồng tình – nhắc đến tên Marie Nodier, ái nữ của nhà văn viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp Charles Nodier ( 1780-1844 ), người thường tổ chức những buổi bình thơ văn tại thư viện Arsenal quy tụ nhiều thi sĩ lừng danh như Victor Hugo, Lamartine, Alfred de Vigny, Alfred de Musset… Những lần gặp gỡ thường xuyên nơi đây đã khiến Arvers thầm yêu trộm nhớ Marie Nodier mà không hề ngỏ ý cho đến khi nàng sang ngang vào năm 1833 và trở thành bà Marie Mennessier – Nodier.

Nhưng nói cho cùng, có nhất thiết phải biết rõ về người phụ nữ đó thì người đọc mới cảm mới thích bài thơ này không ?

.

CÁC BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT

Trước khi đọc lại một số bản dịch, tưởng cũng nên thử DỊCH NGHĨA bài thơ để từ đó có thể thấy sự sáng tạo của các dịch giả :

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment conçu,
Le mal est sans espoir, aussi j’ai dû le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.

Tâm hồn tôi có điều thầm kín, đời tôi có sự bí mật
Một mối tình vĩnh cửu đã nảy sinh trong thoáng chốc,
Nỗi đau này không hy vọng, nên tôi đành không nói ra
Và người đã gây ra nó không hề hay biết gì

Hélas ! J’aurais passé près d’elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire.
Et j’aurais jusqu’au bout fait mon temps sur la terre,
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu.

Than ôi ! Tôi đi qua gần nàng mà không được nàng để ý,
Lúc nào cũng ở bên cạnh nàng mà vẫn cứ lẻ loi.
Và tôi vẫn sẽ đi hết đời mình trên cõi thế ,
mà không dám cầu xin gì cũng như không nhận được gì

Pour elle, quoique Dieu l’ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas.

Về phần nàng, dù Thượng đế đã ban cho tính hiền thục và dịu dàng,
Nàng sẽ đi con đường của mình, lơ đãng và không nghe thấy
Lời thì thầm của tình yêu vọng lên trên bước chân đi.

A l’austère devoir, pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle :
« Quelle est donc cette femme ? » et ne comprendra pas.

Vẫn thành tâm chung thủy với nghĩa vụ khắc khổ
Khi đọc những dòng thơ toàn nói về nàng như thế này, nàng sẽ hỏi :
“Người phụ nữ nào đó vậy ?” và sẽ không thể hiểu ra.
.

Bản dịch của Khái Hưng :

Tình tuyệt vọng

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Hỡi ôi ! người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân ?
Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi
Người dù ngọc nói, hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Nào ngờ chân đạp lên trên khối tình
Một niềm tiết liệt đoan trinh
Xem thơ nào biết có mình ở trong
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng,
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây ?!

Khái Hưng hẳn không phải là nhà thơ, lại càng không phải là người dịch thơ nhưng bỗng dưng với bản dịch tài tình bài thơ của Arvers, Ông lại được biết đến ở một lĩnh vực khác với sự nghiệp tiểu thuyết của mình.

Thật ra bài thơ dịch này ban đầu không xuất hiện riêng lẻ mà nằm trong truyện ngắn TÌNH TUYỆT VỌNG của Khái Hưng. Trong truyện này người đau khổ vì yêu là thi sĩ Văn Châu, một lần đi làm phù rể cho bạn, chàng bỗng đem lòng yêu … vợ bạn ! “Chàng không hiểu vì cớ gì, nhưng mới thoạt trông thấy cô dâu là chàng đã đem lòng yêu ngay, cái yêu vô nghĩa lý, nhưng nó mạnh mẽ vô chừng, tưởng như hai người vốn sẵn duyên kiếp từ đời nào, đã hẹn hò cùng nhau ở kiếp nào mà đến bây giờ mới gặp gỡ.” Sau ngày cưới đó, ngày ngày Văn Châu vẫn đến chơi nhà bạn, “trong lòng chôn một mối tình vô lý”. Năm năm sau, nhân một buổi tiệc đêm Noel cùng với vợ chồng người bạn và hai người khác nữa, thi sĩ mới có cơ hội thú nhận “tôi phạm một tội nặng lắm“ mà bạn chàng hiểu ngay là tội khả ái, là ái tình tuyệt vọng ! Được bạn thông cảm an ủi “vậy thì anh cứ yêu, cứ yêu như anh đương yêu. Yêu như thế không có tội gì hết, mà người chồng dẫu có biết cũng chỉ thương anh chớ không ngờ vực anh đâu”, thi sĩ Văn Châu mới đọc cho các anh các chị nghe bài đoản thi tôi dịch của Arvers ra quốc văn.

(Nguồn : dactrung.com)

Tên của truyện ngắn trở thành tên bài thơ. Tình tuyệt vọng – Cái nhan đề này do Khái Hưng tự đặt, một sáng tạo đầu tiên của người dịch, thứ sáng tạo được phép của người làm công việc chuyển ngữ một tác phẩm văn học, lại là một sáng tạo cần thiết trong trường hợp này bởi nguyên tác thường chỉ ghi là Sonnet d’Arvers. Có thể đây là một bài thơ thuộc loại “Không đề“ và nhan đề do người sau gán cho tác phẩm chứ không phải của tác giả.(Sonnet là một thể loại thơ luật của Pháp, Arvers là tên tác giả). Bài thơ được trích từ tuyển tập “Mes heures perdues” (Những giờ khắc hoài phí), trong đó nhiều bài cũng được viết theo thể loại Sonnet và tất cả đều có tên. Sonnet à mon ami R… ( Đoản thi gửi bạn R… ) chẳng hạn.

Tình tuyệt vọng _ Khái Hưng đã hiểu, đã cảm, đã chia sẻ hết cả tình cả ý cả tâm trạng cả nỗi niềm của tác giả nên mới đặt thêm cái nhan đề này. Và những người dịch khác, sau Ông, (Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Trần Mai Châu…), hẳn muốn làm khác đi nhưng cũng phải viết lại như thế thôi.

Dịch thơ Sonnet Pháp, Khái Hưng đã chọn thể thơ lục bát thuần Việt, bám sát nguyên tác từng khổ thơ một, chỉ phát triển hai khổ ba câu cuối thành tám câu, cho trọn bốn cặp sáu tám. Bám sát nguyên tác nhưng không hề gò ép, khiên cưỡng, vụng về theo kiểu dịch “mot à mot”, ngược lại rất nhiều câu dịch đúng và đủ ý mà không có vết tích của sự chuyển ngữ :

Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi.

(Et j’aurai jusqu’au bout fait mon temps sur la terre
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu. )

Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.
(Elle ira son chemin, distraite, et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas.)

Trong toàn bài, cái không khí u uẩn, ngậm ngùi, sầu thảm được tô đậm bởi cách dùng từ rất “đắt”

Lòng ta chôn một khối tình

Mà người gieo thảm như hầu không hay

Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân

Một niềm tiết liệt đoan trinh
……

Nhịp điệu đều đặn của thể thơ (2- 2- 2 …) đột ngột bị phá vỡ ở câu thứ ba ( 3- 3 ) như một nốt nhạc trầm chùng xuống trong cảm xúc của người đọc, rồi trở lại cho đến cuối bài.

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Biện pháp vừa điệp âm vừa điệp ngữ ở hai câu thơ cuối khép lại bài thơ đưa người đọc vào một nỗi bâng khuâng thương xót :

Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây ?!

Có thể nói nếu không ghi chú “nguyên tác tiếng Pháp….“, nhiều người không nghĩ đây là thơ dịch, nhất là khi đọc những câu :

Người dù ngọc nói hoa cười

Hay

Một niềm tiết liệt đoan trinh

“Tình tuyệt vọng” của Khái Hưng vẫn xứng đáng được nhiều yêu thích và thuộc nằm lòng từ lúc được công bố đến nay.

Sau Khái Hưng, một số tác giả khác cũng đã dịch cùng bài này.
.

Bản dịch của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc :

Tình tuyệt vọng

Nỗi lòng kín chẳng ai hay
Mối duyên ấp ủ từ ngày gặp nhau
Gặp nhau một khắc tưởng đâu
Khối tình như đã kết sâu ngàn đời !
Nghiệp nầy khôn thoát được rồi :
Một mình mình biết, ngỏ lời cùng ai ?
Mà ai cũng chẳng đoái hoài,
Vì ai, ai thấu nỗi ai đau lòng !
Tưởng rằng gần gụi chốc mòng
Vẫn trong gang tấc, mà lòng cô liêu …
Không xin cũng chẳng được chiều
Chiếc thân lặng lẽ rõi theo đường đời…
Nàng thì hiền dịu tính trời
Thờ ơ đâu nghĩ đến lời yêu đương !
Đi về, giữ mực đoan trang
Vô tình gieo lụy trên đường ái ân.
Thơ nầy riêng tặng giai nhân,
Mà giai nhân lại mười phân hững hờ.
Hỏi rằng :”Người đẹp trong thơ
Là ai thế nhỉ ?” đâu ngờ là ai…

Đây cũng là một bản dịch hay. Và vẫn là thể thơ lục bát.

“ Vẽ chi vần điệu cao sang
Một câu lục bát đủ nàng ngẩn ngơ “

(Trần Thương Bá – Vô ngôn kinh)

Để dịch đủ ý, Lãng Nhân phải kéo dài đến 20 câu. Khổ bốn câu đầu tiên phải chuyển thành tám câu thơ dịch. Người đọc có thể thấy thú vị khi thấy dịch giả tận dụng phép chơi chữ với đại từ phiếm chỉ “ai”, rất phong phú và sâu sắc trong tiếng Việt :

… Một mình mình biết, ngỏ lời cùng ai ?
Mà ai cũng chẳng đoái hoài
Vì ai, ai thấu nỗi ai đau lòng !

… Hỏi rằng : “Người đẹp trong thơ
Là ai thế nhỉ ?” đâu ngờ là ai…

.

Bản dịch của Trần Mai Châu :
(Thơ Pháp thế kỷ XIX, nxb Trẻ, 1996)

Tình tuyệt vọng

Võ vàng là lá thư hoa,
Vô duyên là mối tình ta gửi người.

M.C

Lòng trĩu nặng một mối sầu sâu kín,
Lỡ yêu rồi đến thác vẫn vương tơ
Ta vô vọng nên trọn đời câm nín,
Em vô tâm nên cứ mãi ơ hờ.
Gần gang tấc tưởng như xa ngàn dặm,
Núi sông nào đã dựng cảnh chia ly,
Sống cô quạnh cho hết ngày hết tháng,
Cầu xin chi mà mong ước được gì ? Cũng đành thôi ! dầu đôn hậu tính trời,
Em một dạ kinh trinh tròn bổn phận ;
Thanh thản bước trên đường, không cảm nhận

Dưới chân mình nức nở tấm lòng ai.
Đọc thơ ta nào biết ta tưởng vọng,
Hỡi người đâu gây chuyện khổ đau nầy.

Về bản dịch này, dịch giả Trần Mai Châu cho biết :

“ Khi quyết định dịch bài Xon-nê này, trong óc tôi đã hiện ngay ra mấy câu : “Lỡ yêu rồi đến thác vẫn vương tơ …” và : “Ta vô vọng nên trọn đời câm nín,
Em vô tâm nên mãi cứ ơ hờ …”

Tôi dịch tiếp và chỉ sau mấy giờ đã dịch xong cả bài Xon-nê. Nhưng đến nay, nghĩa là sau tám năm, tôi vẫn có cảm tưởng mình chưa hoàn tất bản dịch vì câu : “ Et j’aurais passé près d’elle inaperçu “ – một câu rất đơn giản, tôi vẫn chưa dịch được vì dịch thế nào nó cũng tương tự (về ý nghĩa) với những câu khác trong bài. “
(Kiến Thức Ngày Nay – số 503 – trang 75)
.

Bản dịch của Mộng Tuyết Thất tiểu muội :

U tình Trong một phút ôm lòng thắc mắc,
Mối yêu đương dằng dặc khôn khuây.
Đau thương tình khó giải bày,
Người làm đau khổ có hay đâu nào. Than ôi vẫn đìu hiu lặng lẽ,
Bên cạnh ai, ai kẻ biết cho ?
Đường trần biết đến bao giờ
Cũng chưa dám ngỏ ước mơ với tình. Kiều diễm ấy khuôn xanh biệt đãi,
Vẻ xuân tươi ngọc nói hoa cười.
Thế mà trên bước đường đời
Hững hờ, chẳng chút đoái hoài ái ân !

Chất phong phỉ ân cần trau chuốt,
Dễ mà khi nàng đọc thơ ta
Vì nàng thi tứ đậm đà,
Ngẩn ngơ nàng hỏi : “Nàng là ai đây ?”

(Dẫn theo Huyền Viêm , Kiến thức ngày nay số 577 20/8/2006)

Một không khí trầm mặc bi thương với nhiều từ cổ và thể thơ song thất lục bát !
.

Bản dịch của HOÀI AN :

(“Tuyển tập 7 thế kỷ thơ tình Pháp “,nxb Tổng Hợp Đồng Nai, 2003)

Lòng ta ôm mối tình câm,
Tình trong muôn thuở gieo mầm phút giây
Hẩm hiu riêng chịu phận nầy,
Mà con người ấy nào hay đâu nào.
Gần nàng vẫn thấy xa sao
Tuy trong gang tấc, cách nhau nghìn trùng
Ta trên cõi thế lạnh lùng
Không xin, cũng chẳng hòng mong nhận gì
Tính trời hiền dịu ai bì
Đoan trang, nàng vẫn cứ đi trên đường
Bước chân bình thản nhịp thường
Không nghe thấy tiếng yêu thương thì thầm
Với nghĩa vụ luôn thành tâm,
Đọc thư ta gửi tình thâm, hững hờ
Bảo : Người phụ nữ trong thơ
Là ai nhỉ ? Có bao giờ hiểu đâu.

Có một chút gì chưa thanh thoát lắm trong câu “Đoan trang, nàng vẫn cứ đi trên đường”, so với “đường trần”, “đường đời“ của Khái Hưng thì thấy ngay. Và “đọc thư ta gửi … ”, nếu chàng gửi thư thì chuyện có thể đã khác rồi !
.

Bản dịch của Yã Hạc và Trịnh Nguyên

HẬN TÌNH MUÔN THUỞ

Hồn tôi có một chỗ riêng,
Đời tôi, tôi giữ một phiền, đời tôi…
Tôi yêu, tôi lỡ yêu rồi…
Nhưng yêu chỉ để… thì thôi, một mình.
Gần ai, ai thấu chăng tình,
Gần ai, ai thấy bóng mình chăng ai ?
Đời tôi lặng lẽ cứ trôi,
Có đâu môi hé, mong gì rồi ai…
Dầu ai, âu yếm, nhu mì
Đường ai, ai cứ bước đi hững hờ.
Ai đi, và vẫn thờ ơ,
Thở dài nhè nhẹ, bơ thờ, nghe chăng ?
Giờ đây, nội trợ hoàn toàn,
Xem thơ nào biết là Nàng cho đâu.
Xem xong, nàng khẽ lắc đầu ;
“Người này ai há ? Ai đâu vậy cà ?”

Đời tôi, tôi giữ một phiền, đời tôi … và ba câu khác bên dưới với những dấu chấm lửng … Rồi câu cuối cùng. “Người này ai há ? Ai đâu vậy cà ?”

Chừng đó đủ thấy trong dịch thuật, nhất là dịch thơ, việc trung thành tuyệt đối với văn bản gốc là điều cực khó – mà thực ra, có cần như thế ? Bản dịch dù có biến dạng ít nhiều vẫn là một tác phẩm nghệ thuật với tất cả cảm xúc và sáng tạo của người dịch.
.

Bản dịch của Bình Nguyên Lộc

CHUYỆN KÍN CỦA CHÀNG ARVERS Hồn tôi ủ kín niềm riêng,
Đời tôi bí mật ưu phiền bên trong.
Tình muôn thuở, cảm xong giây lát,
Mối đau thương muốn thoát, không mong.
Nên tôi nín lặng như không,
Ai kia gây thảm dễ hòng có hay. Nàng chẳng thấy, gần nàng tôi bước.
Bên cạnh ai tôi lướt cô đơn,
Đến già cũng vẫn ngậm hờn
Không gan xin xỏ, được ân huệ gì ? Dẫu tánh tình nhu mì mềm mỏng,
Nàng thờ ơ bước, khổng có nghe
Tiếng lòng tôi, dậy rụt rè,
Thì thầm dưới gót nàng đè bước lên.

Đạo vợ hiền, trung trinh một mực,
Nàng xem thơ bàng bạc đời nàng.
Xem xong, ngơ ngẩn tự bàn :
“Người đâu hờ hững cho chàng khổ đau.”

Có vẻ như trong số các người dịch chỉ có BNL diễn rõ ý của câu “À l’austère devoir, pieusement fidèle” (đảo ngữ để hiệp vần với câu sau, hiểu là pieusement fidèle à l’austère devoir) :

Đạo vợ hiền, trung trinh một mực
.

Bản dịch của Vita

SECRET D’ARVERS : CHÔN KHỐI U TÌNH Lòng tôi khép chặt khối tình,
Tình giây phút cảm biến thành muôn năm.
Nhưng mang tuyệt vọng thương tâm,
Có yêu thôi… cũng âm thầm mà thôi.
Ai gây lệ thảm đầy vơi,
Vôtình đâu rõ có người sầu tây.
Cách xa nhau mấy gang tay,
Nhưng nàng hờ hững biết ai si tình.
Than ôi ! trọn kiếp phù sinh,
Gần nàng, mà mãi thấy mình quạnh hiu.
Đã không gan tỏ đôi điều,
Nàng đâu tường, rưới ít nhiều yêu đương.
Tuy nàng đa cảm, giàu thương,
Đường trần nhẹ bước, không vương tơ tình.

Ái ân đạo cả trung trinh,
Lòng son chẳng dễ tiếng tình gió trăng.
Lời thơ chan chứa là nàng,
Nàng xem thờ thẫn, hỏi : “Nàng nào đây ?”

Bản dịch tình cờ tìm thấy trên mạng, không có thông tin về người dịch lẫn xuất xứ, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến giá trị của bài thơ dịch.
.

Bản nhiều người dịch.
(Dịch giả là một nhóm gồm : Nhất Linh, Bảo Sơn, Lê Đình Gioãn, Kỳ Quan, Nhất Anh, mỗi người dịch một câu rồi ghép lại thành bài)

(Giai phẩm Văn hoá ngày nay số Trung Thu-tập 5)

Đời u uẩn, lòng ta u uẩn, Tình một giây vương hận ngàn năm Hận khôn rửa âm thầm cam chịu, Người gieo sầu đâu hiểu lòng ta
. Hỡi ơi ! Ta hằng qua bên cạnh Ai có hay ta cô quạnh bên ai Đường trần dù trọn đời ta bước Chẳng dám xin mà có được gì đâu.
. Trời sinh ai mặc dầu hiền hậu Đi đường ai không thấu tình ta, Dưới gót ngọc, xót xa tan vỡ, Một mảnh tình dang dở vì ai ?
. Lòng trinh chuyên đường đời lặng tiến, Ngâm vần thơ xao xuyến nỗi lòng Bâng khâng hỏi :”Ai trong thơ ấy ?”

Nào biết đâu rằng đấy là mình…

KỲ NHẤT SƠN

Mỗi người dịch một câu rồi ghép lại thành bài.

Đừng mong gì về chất lượng nghệ thuật của những “công trình tập thể” kiểu này vì mỗi người chỉ cố gắng “hoàn thành nhiệm vụ” của mình, không ai biên tập lại. Bởi thế, ở đây thấy như thiếu nhạc điệu, thiếu cả vần điệu. Bởi thế tác giả mới bị gán một cách tức tưởi cái tâm trạng “hận khôn rửa“ mà không ai can thiệp. Ông chỉ có một mối tình tuyệt vọng, tình câm nín, yêu mà không dám ngỏ, không dám nói… chứ có dám thù hận gì ai, lại càng không dám tìm cách rửa hận bao giờ !

Việc nhiều người cùng dịch một bài thơ nước ngoài, kể cả khi đã có một bản dịch thành công rồi, chắc là chẳng có hại gì mà ngược lại có thể giúp người đọc tiếp cận với giá trị của bài thơ gốc với nhiều cách cảm thụ khác nhau.
.

Và bản dịch tiếng Anh :

MY SECRET

My soul its secret has, my life too has its mystery,
A love eternal in a moment’s space conceived ;
Hopeless the evil is, I have not told its history,
And she who was the cause nor knew it nor believed.
Alas ! I shall have passed close by her unperceived,
Forever at her side, and yet forever lonely,
I shall unto the end have made life’s journey, only
Daring to ask for naught, and having naught received.
For her, though God has made her gentle and endearing,
She will go on her way distraught and without hearing
These murmurings of love that round her steps ascend,
Piously faithful still unto her austere duty,
Will say, when she shall read these lines full of her beauty,
“Who can this woman be ?” and will not comprehend.

Translated by Henry Wadsworth Longfellow
( Everypoet.com )

Một bản dịch hay, vừa sát vừa thoát, phải chăng do thuận lợi là nét tương đồng giữa hai ngôn ngữ ?
.

CÁC BÀI THƠ MÔ PHỎNG

Trong khi người đọc khắp nơi tìm cách chuyển ngữ bài thơ để giới thiệu rộng rãi hơn với công chúng thì ngay trên đất Pháp lại có một hiện tượng thú vị : hàng chục, hàng trăm bài thơ mô phỏng (pastiche) ra đời.

Có thể chỉ là những bài đùa nghịch, không theo chủ đề của bài thơ gốc, viết cho vui theo kiểu :

Mon cadre a son secret, ma toile a son mystère :
Paysage éternel en un moment conçu,
Suis-je un pré, suis-je un bois ? Hélas ! je dois me taire,
Car celui qui m’a fait n’en a jamais rien su.

( … )

hoặc là :

Ma Ford a son secret, mes pneus ont leur mystère.
Par un brusque freinage, en un moment conçu,
J’ai failli déraper, aussi j’ai dû me taire :
Celle que j’épargnai n’en a jamais rien su.

( … )

Nhưng cũng có những bài viết nghiêm túc hơn, cũng lấy lại đề tài tình yêu vô vọng. Thú vị hơn cả là bài dưới đây của LOUIS AIGOIN, thay lời người phụ nữ để đáp lại Arvers. Tác giả đã dùng lại 14 từ cuối cùng của 14 câu của bài Sonnet d’Arvers, lối pastiche này như thế gần giống với lối họa thơ của thơ Đường hay thơ Việt :

Ami, pourquoi me dire avec tant de mystère
Que l’amour éternel en votre âme conçu
Est un mal sans espoir, un secret qu’il faut taire
Et comment supposer qu’elle n’en ait rien su ?
Non, vous ne pouviez point passer inaperçu,
Et vous n’auriez pas dû vous croire solitaire.
Parfois les plus aimés font leur temps sur la terre
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu. Pourtant Dieu mit en nous un cœur sensible et tendre.
Toutes, dans le chemin, nous trouvons doux d’entendre
Le murmure d’amour élevé sur nos pas.

Celle qui veut rester à son devoir fidèle
S’est émue en lisant ces vers tout remplis d’elle :
Elle avait bien compris, mais ne le disait pas.
Tạm dịch nghĩa :

Bạn hỡi, sao nói với tôi một cách bí mật thế
Rằng mối tình vĩnh cửu đã nảy sinh trong tâm hồn bạn
Là một nỗi đau vô vọng, một điều thầm kín không nên nói ra
Và sao lại cho rằng người phụ nữ đó không hề hay biết gì ?

Không, bạn không thể đi qua mà nàng không thấy
Và bạn không nên tưởng mình lẻ loi
Đôi khi những người được thương yêu nhất đi trọn đường trần
Không dám xin gì và không nhận được gì.

Tuy nhiên Trời đã ban cho chúng tôi một trái tim đa cảm và hiền dịu
Tất cả chúng tôi khi bước trên đường đều thích nghe
Tiếng ái tình thì thầm nổi lên trên những bước đi.

Người phụ nữ kia muốn luôn chung thủy với nghĩa vụ của mình
Đã xúc động khi đọc những vần thơ toàn nói về nàng
Đã hiểu rõ, nhưng nàng không nói ra đấy thôi.
.

Bản dịch của Mộng Tuyết Thất tiểu muội :

RIÊNG ĐÃ HAY RỒI

Nói chi những âm thầm thắc mắc
Bạn ta ơi ! Sao chác sầu chi ?
Nỗi lòng sao phải nín đi ?
Lại ngờ “ai” chẳng biết gì cả đâu. Thôi thôi hãy chớ sầu vắng vẻ
Tấm tình kia còn kẻ biết cho
Xưa nay những kẻ yêu nhiều
Chỉ là trộm nhớ thầm yêu với tình. Lòng đa cảm khuôn xanh phú thác
Phải rằng ai mộc mạc vô tri
Đường đời từ bước chân đi
Lòng ân ái cũng lắm khi bàn hoàn.

Thói băng tuyết ân cần giữ mực
Đọc thơ ai cảm xúc vì ai
Nỗi niềm riêng đã hay rồi
Nói ra còn ngại những lời thị phi.

(Dẫn theo Huyền Viêm – Kiến thức ngày nay số 577 – 20/8/2006)

Có những tác giả nổi tiếng nhờ khối lượng tác phẩm đồ sộ, hàng trăm tập, hàng ngàn bài. Cũng có tác giả, ngược lại, chỉ cần một bài là tên tuổi lưu mãi đời sau. Félix Arvers thuộc trường hợp này. Mà Khái Hưng, nói riêng về việc dịch thơ, cũng thuộc trường hợp này.
.

THÂN TRỌNG SƠN
( Dalat – 2003 – Viết lại 6/2008 )

Trích art2all.net

Catégories
Thơ

HKKM – 3

Ta Say Vì Em

Cắm ngọn sào lên trên đỉnh núi
Khêu vầng trăng đang tỏa thế gian
Mầu xanh tím áo
Khuya khoắt một mình nàng


Dẫu trăng không lõa thể
Vẫn khoe cái vô ngần
Sao ta nở vô tình
Quay mặt không yêu em?


Thì yêu là cuồng loạn
Xé những khoảng không thành trăm con bướm
Vỗ cánh dát hoa
Ta viết lên phiến lưng trần lời thệ ước

Dấu chấm chưa xong
Em tháo giải dây buộc
Điên đảo những trầm hương


Thì yêu là đưa em vào trong mê mải
Lậm đường lá gió

Nhởn nhơ cười trên đôi sắc tố rực hào quang
Cả trời cả ta cả em đều nghe yêu thương chảy hòai khe nước
Sữa tươi vun đầy một biển khơi


Thưa em
Ta yêu em bằng thuần kinh bát ngát
Thấm đẫm suối reo
Lai láng ngọt ngào
Thăm thẳm mầu sơ cung tuế nguyệt
Dậy men tình hoang cổ
Ta yêu em không vơi giọt xuân tình
Mềm trĩu hương trinh
Mảnh băng sương quyện hồn muôn kiếp


Đêm nay ta gác huyền mộng trên đài gương
Đưa em vào lầu tía
Nõn nà vầng trăng đã vì ta thề nguyền khôn lung

Đã vì ta nhựa cháy môi trần
Ngất ngây bao nẻo


Vì em
Ta say tận chín tầng mây

./.

HKKM
11/16/07


– ° – ° –


Sau Ngày Nine-Eleven

Chụm đầu bên ánh đèn và khoan nói lời trách cứ
Bởi đằng nào anh cũng đã quyết bay tốc hành
Bất cứ giá nào để được gần em
Ngay sau Nine-Eleven


Anh hãy hôn lên da thơm kẻo thời gian sẽ qua mau
Không kịp để mình bắt đầu trở lại chuyện đời xưa cũ
Đêm đã khuya và dế mèn đã ngủ
Rượu đã ngà và men cũng đã say


Anh hãy trầm mình trong hương cay mầu môi em đang chín
Ngây dại một đời là những hơi run trên ốc xanh rêu
Ngực em thắp lửa dậy mùi hoa lý
Ngọt ứa tình yêu
Mãi mãi
Chẳng bao giờ phai


Anh hãy ôm em
Đôi mắt mê mẩn
Người-đàn-bà-không-tuổi
Khúc khích bốn mùa nở những đài hoa
Nóng
Ấm
Ngon
Thơm Anh hãy ăn em
Rất bão tố trên đỉnh trời cao vút điên đảo thần linh
Anh hãy yêu em
Rất cuồng bạo hung tàn thành quách
Không còn gì cho bất cứ ai
Ngòai em

Chụm đầu bên ánh đèn và khoan nói lời trách cứ
Bề gì chúng ta cũng lốc xóay
Bình an
Sau Nine-Eleven


Nine-One-One
Dậy trời bốc cháy thảm họa New York
Đời sống con người bỗng rất bấp bênh bèo bọt
Anh không dấu nổi bất an
Tìm về em ẩn núp trái tim cô đơn
Như cuộc đời đang trên miệng vực


Mình ôm nhau lăn quay theo nhịp sống
Hơi thở anh đôi lúc mỏi mòn
Trên cây em vẫn đâm chồi lá non
Dù bên lề cuộc chơi ai đã gieo tàn bạo bột anthrax


Phải hoan ca ngay cả khi biết mình sắp chết
Phải là con thú hoang gầm gừ hù bầy quỷ dữ
Ta lột phăng đưa hai bờ vai trắng ngần Chức Nữ
Anh thèm em khát khao
Yêu đắm say yêu lao đao
Nhất định không phải là cuồng dâm không phải hoang độ
Mà là thách đố


Nếu ngày mai anh phải xách ba lô đi ra khỏi cuộc đời em
Đi tức tưởi
Cũng chẳng sao

./.

HKKM


– ° – °


Ở Cùng Em

Thu đã đi
Và hoa tuyết về bay trên mây
Tóc rất thơ dòng tứ tuyệt
Anh bỏ em đi biệt rồi sao?


Thì đời ru em bằng sóng võng
Cong mùa trăng ngõ vẫn thanh tân
Anh đừng nhìn vào hư không
Tưởng rằng
Phong lan đã úa


No way !
Sáng nở tối khép
Lâu nay hoa vẫn đó
Reo ca nghìn dâu rịm mầu búp đỏ
Bảng lảng hai núi thương
Trên bầu ngực vỡ
Những sầu nhớ miên man sầu nhớ
Miên man tươi

Rất sầu nhớ

Mật lúa tháng mười hai thơm là thơm
Anh ở cùng em nhé giấc cuối năm
Mình đếm nắng đông
Xếp những vuông thời gian không cho nhăn nếp
Đặt nhân duyên lên tờ thếp
Thủ thỉ tiếng gì
Rất
Yêu mê


Ở cùng em
Ở cùng em đi
Ôm vùng eo biển bụng thóp san hô
Trăm năm thủy triều vẫn dư sức dâng dâng
Lạc khóai
Có khi trầm luân
Có khi siêu thóat
Một trời thơ


Ở cùng em
Đi cùng em nheo con mắt thuyền
Tình tứ trên dòng sông vĩnh cữu
Để ta không lạc lòai
Giữa hủng
Sâu
./.


HKKM
12/24/07


– ° – ° –


Mộng Cuồng

Da bần quân đòi nhuộm thành trắng
Phấn son kia đắp đổi má hồng
Thương chi sơ
Ráng gói tình nồng
Xanh lơ thấm vắng
Đòng (đòng) mua vui


Gạch đang nung gắt
Đỏ mầu nóng hổi
Gió chưa thổi
Đời chưa mỏi
Sờ không phỏng không động lòng sao
Rượu hổ phách
Tuyết thanh cao
Nâng ly
Uống ngụm sóng đào


Chả là vừa tầm tay với
Bến thắp nguồn sông
Mộng cuồng
Ngông
Nỏ hay ngọt sớt cung đàn
Thiên cơ đôi chữ đa Tình

Trong tim

Hỡi người giá tuyết trung trinh
Xưa kia rơi lệ
Lệ rơi hàng hàng
Hỡi người đốt ngọn phù sinh
Trao cho hơi ấm
Miên trường biển dâu


Một bình minh một giang đầu
Một giây thức tỉnh
Bạt ngàn thương đau
./.


HKKM
12/27/07


– ° – ° –


Đèn đường và cây và nước và đời và ai


Lái xe xuống phố
Xuống phố xuống phố
Xuống phố lúc nửa đêm
Đưa tay vẫy
Muôn vàn đèn thức dậy


Loay hoay định hướng
Cột đèn nhìn không nói
Lũ đường khoe tên rắc rối
Ai dấu nỗi phiền phiền
Ai dấu nỗi ươn ươn
Cất vào cơm áo
Những xót thương Nửa đêm qua xa lộ tạt bộ ven rừng
Hỏi rặng lá
Nước có buồn không ?
Lá kêu mỏi cổ đứng ngồi không yên
Ai mủi lòng phà cho lá chút sương
Nghe cây thở
Mệt nhòai
Năm tháng đợi…


Nửa đêm
Thành cầu lồng lộng gió
Đèn câu soi rộ bóng người
Giòng sông sâu
Giòng sông sâu
Giòng sông sâu đen ngầu lớp sóng vỗ
Đàn dơi bay khờ chân mây
Đoàn dân oan bì bõm lội nước non này


Nửa đêm giao thừa
Đèn cầu nức nở tiếng cười
Ai bắt chước cười theo
Sóng trên mặt nhăn nheo
Rụng mảng phấn sân khấu cuộc đời
Từng tên
Từng người

Giao từ
Catégories
Thơ

Tranh Thái Tuấn 1, 2 & 3

Khăn choàng – Thái Tuấn 1992

Anh gom hết mùa thu vào khung vải
Lạnh se buồn khoanh mãi chiếc khăn xanh
Lá vàng thu lây lất níu cành thanh
Mây ngái ngủ quanh mặt trời vừa thức

Đường đất ẩm có sương mù vương vất
Sáng hôm nay còn đọng đợi chân ngà
Em đi qua có nghe nhẹ lời thơ
Sương viết sẳn trên đôi bờ cỏ dại

Aó em mỏng gió có lùa không đấy
Dáng em xuân còn ngát dậy hương trinh
Tay anh đưa từng nét cọ mong manh
Mắt huyền hoặc trên môi hồng mọng nhỏ

Sẽ một mai anh nằm yên dưới mộ
Tay rã rời một thuở họa hình ai
Trên tường hoa em chắc sẽ bùi ngùi
Sẽ tự hỏi xuân hay thu ngoài ngõ

Dưới lòng đất thời gian vùn vụt xóa
Chứng tích buồn năm ngón vẩn bụi hồng
Trên đường sương em vẫn bước thong dong
Thu biêng biếc ngăn mùa đông đứng lại

Đặng Lệ Khánh
.

Tranh Thái Tuấn (2)

Thư trắng

Thư anh trắng như lòng em con gái
Không một lời mà ấm áp vô cùng
Rất trong sáng xin em đừng ngần ngại
Giữ hộ anh ngọn lửa lúc vào đông

Em không tuổi nên dáng hồng tha thướt
Lá trên cành dõi từng bước em đi
Gió lặng im ngắm làn tóc nhu mì
Em cười mỉm cả xuân thì dậy sóng

Em là mộng rất xưa còn lắng đọng
Trong hồn anh sau những cuộc bể dâu
Xóa giùm anh những vùng sắc thảm sầu
Chỉ giữ lại nền xanh như ngọc biếc

Thư anh mãi nằm trong tay diễm tuyệt
Thoảng đôi tà lời ý ngát hương theo
Đọc hay không tình vẫn tựa cánh diều
Bay lơ lững giữa đôi bờ thực mộng
.

Đặng Lệ Khánh
17-11-2007

.

Thái Tuấn 1972

.

Em từ huyễn mộng bước ra,
Nét thiên thu mỏng nâng tà áo sương.
Em về tự xứ trầm hương,
Cỏ xanh màu áo hoang đường mộng du..

DangTien, 23-11 -2007

Tranh Thái Tuấn (3)

Áo Trắng

Vườn tranh từ độ em về
Cây đa mất dấu
Trăng quê ngủ vùi
Đồng xanh ngơ ngác lạc loài
Lúa thôi đón gió
Sóng thôi hữu tình Em ngồi thơm dáng thị thành
Tóc đùa với nắng lung linh gọi mời
Áo dài tha thướt lên ngôi
Trắng màu khuê các sáng ngời tiểu thư .

Đặng Lệ Khánh
21-11-2007

.

Áo trắng – Thái Tuấn 2003

.

http://art2all.net/

Catégories
Thơ

Hồng Khắc Kim Mai (BP65)

Hoa Giấy

Dẫu tên Hoa là Giấy
Hoa vẫn hồng song cửa
Một năm ba bận
Đỏ những chồi son

Em ngước mắt lên bắt con nắng lạ
Nhốt vào tim như hạ đến hôm nào
Khung cửa vẫn
Là nơi cho hơi ấm
Nụ hôn xưa đến với
Môi rất nồng

Ôm em đi dẫu xuân không còn nữa
Trước sau gì
Tên hoa vẫn là Giấy
Bút mực rưng rưng lời khóc ấy
Đời đi qua
Những bước
Rất
Hoang mang

Anh có vì em gửi những thương quen
Xô vô tận sóng
Vào trong khung kín
Hâm buồn vui
Ngọt. Đắng.
Giây đàn
Để mai kia không còn anh
Em về đâu
Một bóng
Bích Câu ?

Dẫu không mơ
Tên hoa này là Giấy
Bút em ghi hạt lệ dính đôi hàng
Thôi anh
Đừng chôn mình rất kín nhé
Bởi mai kia không còn anh
Duyên mình vẫn
Kỳ ngộ
Trái tim em
Vẫn
Bàng hoàng
./.

HKKM
09/25/2007

– ° – ° –

Giấy Hoa

Thuyền trôi lờ lững trên giòng sông khuya
Người đã theo ta từ muôn năm trước
Đem theo vết thăng trầm
Buộc tờ giấy hoa

Ta nghĩ mãi không ra lời thơm chân khiết
Ghi lên trang hồ điệp
Mùa hoa ngát chưa qua mà lá đã vàng cây
Bâng khuâng nhịp rụng
Không đành buông tay

Ta sẽ cài lên vai ai hạt sương mai
Đếm tuổi hoa niên mờ phai sắc biếc
Nửa giọt lưu ly đọng khóe mắt tình
Lung linh phong nhụy
Thề ước có bay xa ?

Nụ cười ta vẫn nở những hôn mê
Mực không hề phai mầu diệp lục
Giấy hoa như lụa hồng như xiêm y
Sao người mãi đắm đuối
Bên góc trời thơ ?
./.

HKKM
10/26/07

– ° – ° –

Mộng mị

Mắt người xưa vẫn rất đa tình
Như thanh kiếm bén nằm bên bờ đá
Chờ gọt những tháng năm
Mỏi mòn

Âm điệu thương yêu vàng thơm trên vùng trời băng giá
Cỏ mốc cũng biết nở hoa
Tím những bầu trời năm châu

Hôm qua hay hôm kia hay hôm nao
Khe nước và sao sương cùng nhau rửa những vết thương
Của tình yêu nghìn năm chôn dấu
Dễ gì phai giấc chiêm bao
Huyền hoặc tiếng đàn guitare rung rung lời tương tư
Dậy từ tâm thức
Dậy từ hai vũng xóay đắm say

Ai đã mở vòng tay đan võng
Buộc làn dây tình sữ
Trói người ?
Ai đã lấy mặt gương trong veo mầu hồ thủy
Rưới lên sắc hương trúc đào
Để lòng nghe
Giọt nước lao xao
Ướt những đồi sim
Và vỡ
Những bóng trăng

Nghìn năm vẫn thế thôi
./.

HKKM
09/05/2007

– ° – ° –

Mẹ tượng đá trông con

Chúng đã bay đi mất
Tổ không còn chim con lao nhao đòi mồi
Như hôm nao mẹ còn tha cọng rơm bắt sâu non nuôi từng đứa

Chúng đã đi hết rồi ư
Căn nhà bỗng trống như đồng hoang hết lúa
Lửa tắt ngúm câu ru mẹ hò
Nhạt nhẽo nồi cơm

Bây giờ mùa nào cũng là mùa đông
Mẹ ngồi im làm pho tượng đá
Rêu phong đã phủ kín
Tận tim

Nỗi nhớ mong có lúc thành rễ
Chôn mẹ qua đêm mộng thường
Con không còn thấy
Bước chân xưa mẹ dẫm muôn trùng
Đưa con vượt núi

Có những hên xui trời đất nào hiểu thấu
Những khuya lơ đâm nhói cơn buồn
Mẹ làm tên tù binh
Đeo gông cùm tình thương buộc gói
Khi mẹ con mình đã đứt giây
Ờ, đứt giây rốn
Rồi
./.

HKKM
09/30/2007

– ° – ° –

Thiên Sủng

Mặt trời chìm thấp xuống bờ Aegean Sea
Bầy quạ vung cánh trước khi trời tối
Tôi đó
Đói khổ trên con đường về nhà
Thèm vùi đầu trong nệm gối
Một giấc ngủ khôi nguyên
Thật bình yên

Lạy Thiên Chúa xin cho tôi trải lòng tin
Trên bánh xe lăn không ngừng của thời gian
Ức vạn niên kỷ
Không có khởi đầu cũng chẳng nơi kết
Tôi đi tìm chìa khóa để mở
Trái tim thiện mỹ

Trên ngai nhiếp thượng lai
Đôi mắt như muôn triệu tia lửa
Lời phán buông giữa những hồng phúc
Ở nơi vô cùng tận
Mùa gặt hái thiên sủng
Sáng láng bầu trời vạn tuế

Thiên thần vẫn giăng đôi cánh
Rạng ngời tin yêu
Cởi bỏ giùm tôi những khổ não triền miên
Chông gai hằng quì

Lạy Thiên Chúa
Xin cho tôi nung trái tim thật chín không hề rã
Cho tôi đi suốt con đường trầm lai không tỏa
Mặc khải kinh luân
Cho tôi quì bên bệ Ngài
Muôn thuở tri ân

Lạy bề trên
Tôi đã trở về nguyên thủy
Số không
0
./.

HKKM
11/20/07