BS Đỗ Hồng Ngọc, Việt Nam
(bài viết cho tập thơ Mắt Màu Nâu của Hồng Khắc Kim Mai)
.
“Có người hỏi rằng : Thơ tại sao mà làm ra ? Ta giả nhời rằng : Người ta đẻ ra mà tỉnh, là tính Giời cho nguyên như thế ; cảm ở vật ngoài mà mới động, thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn thời phải có nghĩ ; đã có nghĩ phải có nói ; đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than, tự nhiên tất phải có những giọng điệu cung bực, như không thôi đi được. Ấy tại thế mà sinh ra có thơ”. (Chu Hy, Bài tựa tập truyện Kinh Thi, Tản Đà dịch).
Một hôm, đọc lại những bài thơ Hồng Khắc Kim Mai của bốn mươi năm trước tôi chợt nhớ đến những câu viết đó của Chu Hy. Thơ tại sao mà làm ra ? Tôi không tin người ta có thể làm ra thơ. Tôi không tin có một động từ “làm” ở đây. Thơ tại sao mà ra, thì được. Và câu trả lời là nó tự nhiên ra, nó ứa ra, nó tuôn ra, nó trào ra, nó chảy ra, như nước trong nguồn chảy ra chẳng hạn. Nhiều người thời tôi còn nhớ những bài thơ của HKKM xuất hiện khi mới mười lăm, mười sáu. Những bài thơ tuôn ra ứa ra trào ra đó có thể làm sửng sờ đôi chút người đọc vì cái giọng điệu cung bực ngậm ngùi ngợi than kia có vẻ như đã mượn nàng để hình hiện ra bên ngòai. Khi chưa là một người con gái biết thế nào là tình yêu thì thơ nàng đã đẫm những oan oan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu ; khi chưa là một người đàn bà biết thế nào là cho con bú mớm, nàng đã có những bài thơ nói về… sữa mẹ, cứ y như là một sinh viên trường thuốc chính hiệu. Và rồi cái tính Giời cho nguyên như thế đã cảm ở vật ngòai mà động, động hơi nhiều nữa là khác, nên thơ cứ thế mà ra, không cần phải hỏi tại sao. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm tần tảo ngược xuôi, vác con bương chãi đầu ghềnh cuối bãi, ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng (TCS), một hôm sửng sốt lại thấy thơ sờ sờ ra đó, hình hiện không chỉ trong tâm tưởng… Những giọng điệu cung bực của thứ tiếng lòng đó nó tuôn ra, ứa ra, tràn ra như không thôi đi được, không ngưng lại được. Có thể nó xưa, nó cũ nữa, nhưng nó không có thời gian. Bởi cái thứ tiếng lòng hình hiện trong lúc ngậm ngùi ngợi than thì nó hẳn chân thật, không màu mè, hình thức, không thời gian.
Tôi muốn ghi lại đôi dòng cảm nghĩ khi đọc lại HKKM :
Người đàn bà làm ra thơ
Hay thơ làm ra người đàn bà
Không biết
Bốn mươi năm biền biệt
Nàng cõng con rãi khắp các ngã đường
Cấy con như cấy lúa
Rồi đến mùa gặt hái
Nàng sững sờ như mỵ nương
Soi mình bên giếng ngọc
Thơ lại về cửa động đầu non
Mắt mờ sương khói
Bụi đường không vương
Người đàn bà làm ra thơ
Hay thơ làm ra người đàn bà
Không biết
Những cung bực ngợi than
Hình hiện
Lỡ ngậm ngùi từ trứng nước Âu Cơ
Bước chân hành hương một buổi mai về
Ôi Phong Châu
Ngày cũ
Người đàn bà nhúng mình dòng nước mát
Quê hương
Và những giọt nước đã lăn tròn trên má
Người đàn bà làm ra thơ
Hay thơ làm ra người đàn bà
Không biết
Những hạt mần không bao giờ lịm tắt
Thơ hình hiện muôn đời
Không thôi đi được.
Phải,
Như không thôi đi được.
Đỗ Nghê
(Đỗ Hồng Ngọc)