Catégories
Hương Quê Thơ

Nhớ Về Trường Xưa

.

Thân gởi các Bạn BP và Amicale Blaise Pascal Da Nang

Năm 2008 tôi vế VN và có ghé thăm Đà Nẵng. Tôi nhờ người bạn học cùng lớp năm xưa chở đi thăm lại trường Collège Francais de Tourane.
Đến nơi chỉ thấy một khung cảnh hoàn toàn khác lạ. Trường năm xưa đã biến mất không còn một dấu vết gì. Tôi bồi hồi đứng nhìn một lúc rồi ra về nhưng trong lòng luôn cảm xúc, bâng khuâng nhớ đến các thầy cô, các bạn bè học hành, vui đùa dưới mái trường cũ. Về lại Montréal tôi vẫn không quên được ngôi trường xưa với những khuôn mặt bạn học cùng lớp, với những lúc đùa giỡn chọc phá nhau như trẻ thơ.
Những kỷ niệm của trường Collège ( Blaise Pascal ) thỉnh thoảng lại về trong ký ức ; những ngày mùa đông giá lạnh ở xứ người lại nhớ đến cái nắng hanh vàng ở Đà Nẵng nên tôi viết bài hát NHỚ VỀ TRƯỜNG XƯA để gởi gắm tâm tình vào trong đó.
Ca khúc này tôi đã trình bày một vài lần trong các cuộc họp mặt BP tại Montreal.
Xin gửi tặng các Bạn.

.

NHỚ VỀ TRƯỜNG XƯA

Thương nhớ về trường Blaise Pascal
Trường năm xưa cạnh bến sông Hàn
Trường nay đã mất tìm đâu thấy
Chỉ thấy trong lòng tiếc nhớ thôi

Năm tháng dài đời vẫn bơ vơ
Tìm nơi đâu bóng dáng trong mơ
Tôi thương mến lắm từng khuôn mặt
Và lúc vui đùa như trẻ thơ

Ôi trường xưa giờ đã xa mờ
Hình bóng cũ nỗi buồn vô cớ
Cho tôi gởi buồn này theo gió
Kỷ niệm nào dạ chẳng ngẩn ngơ?

Có những ngày lạnh giá tuyết sương
Nhớ trưa hanh nắng giữa sân trường
Nhớ khung trời mộng nên tôi viết
Một chút tâm tình gởi nhớ thương .

Nguyễn văn Chánh (BP59)

https://www.blaisepascaldanang.fr/wp-content/uploads/IMG/jpg/Nho_ve_truong_xua.jpg

https://www.blaisepascaldanang.fr/wp-content/uploads/IMG/mp3/Nho_Ve_Truong_Xua_full_arr_-_Am_1_.mp3

MP3, 5 Mo
Catégories
Hương Quê Thơ

Quê Hương Yêu và Nhớ

Ta yêu em từ chưa gặp gỡ
Yêu mẹ cha từ thuở nằm nôi
Yêu quê hương ngày mới chào đời
Yêu Tổ Quốc bốn ngàn năm trước.

Thuở cất bước rời xa đất nước
Đêm từng đêm mộng ước mông lung
Yêu nhau chưa sao đã nhớ mong ?
Mỗi chiều xuống ráng hồng xao xuyến.

Nghĩa mẹ cha dày cao trời biển
Ngày trở về chưa kịp báo ân
Mượn trầm hương tưởng vọng từ thân
Hồn phảng phất mà xa mấy núi.

Thăm quê hương hành trang nặng túi
Gói ân tình đầy ắp yêu thương
Xót xa cây xơ xác bên đường
Biển thổn thức tang thương tuyệt vọng.

Còn đâu thuở đất trời lồng lộng
Nay ta về hồn cá kêu oan
Đêm thê lương vạn tiếng than van
Ngày khắc khoải lầm than kiếp sống.

Tổ quốc bất an biển Đông dậy sóng
Trăm triệu tim hồng rộn trống Mê Linh
Thèm biết bao môi mắt ân tình
Nhớ khôn xiết yên bình ngày tháng cũ.

Sông Hàn
07/2016

.

Tranh “Bắt cá đêm trăng” (Họa sĩ Nguyễn Khang 1943)

.

Catégories
Hương Quê Thơ

Mùi của Mẹ

.

Thời son trẻ

Mẹ thơm mùi con gái

Mùi tằm dâu rơm rạ quê nhà

Mùi bồ kết hương cau thơm lắm

Mùi thanh xuân đồng nội Mẹ trao cho cha

Ngày vỡ ối con ra

Mẹ còn thơm mùi chăn gối

Mùi tro than hột muối củ gừng

Con bú mớm

Mẹ thơm mùi vú mọng

Con đi lẫm chẫm

Mẹ thơm mùi cơm nhão cháo hoa

Con đến trường làng

Mẹ thơm mùi lúa rơm gạo mới

Con lên trường huyện

Mẹ thơm mùi cơm bới mo cau

Khi con ốm đau

Mẹ thơm mùi của Phật

À ơi…

Ôm con mùi Mẹ tỏa ra

Bệnh hoạn tiêu tán, tà ma phải lùi

Ngày nắng hạn

Mẹ thơm mùi me đất

Tháng mưa dầm

Mẹ thơm mùi con cá chột nưa

Con xa nhà mang theo mùi của Mẹ

Đi đông đoài nam bắc

Là con đi đất bằng biển lặng

Là con đi chân cứng đá mềm

.

Ơi những kẻ đi xa

Có nghe thơm mùi của Mẹ

Mẹ thơm mùi bếp lửa quê nhà

Mùi của Mẹ là mùi rất thật

Ngày con thành gia thất

Mẹ thơm mùi cheo cưới

Mùi áo khăn đèn rượu trầu cau

Ngày tháng qua mau

Thoảng chút hương đời con hể hả

Mẹ còn giữ một mùi dân dã như rơm

Đời con lận đận áo cơm

Mẹ là áo gấm, tám thơm, nồi đồng

Đời con mỏi gối chồn chân

Lạ thay Mẹ vẫn thơm mầm lộc non

Con mấy mặt con

Vẫn ngỡ mình bé dại

Vì nhà ta còn mùi Mẹ, mùi Bà

Mùi Bà – mùi cái vú da

Mùi cau trầu với mùi hoa mẹ trồng

.

Mẹ ơi

Mẹ mới đó

Bốn mùa mặc áo the thâm

Sao nỡ vội già không trẻ mãi

Để vãn buổi chợ chiều tất bật đi mau

Vì biết con chờ gói kẹo cau đùm trong lá chuối

Ôi cục kẹo cau có hương bưởi hương ngâu

Có con cu kêu đầu hồi để thời gian qua chi vội

Bây giờ tội nghiệp Mẹ tôi

Tám mươi ba tuổi xếp đôi cánh cò

Mùi của Mẹ quanh co giường chiếu

Mùi trần ai khô kiệt xác thân

Mùi da xương bên ướt Mẹ nằm

Để cả đời bên ráo con lăn

Khuya nay quỳ xuống ôm chân

Mẹ ơi đã lạnh toàn thân

Mất rồi !

Cây cau già ngoài sân chết đứng

Ngọn trầu không héo úng rụng rời

Gió khóc ngoài giậu mồng tơi

Tre trúc quờ quạng tìm hơi Mẹ già

Mẹ hiền đi chuyến chợ xa

Mùi Mẹ cánh Hạc bay ra cõi Trời

Con thành đứa trẻ mồ côi

Mạ ơi !

Con thành đứa trẻ mồ côi

Lặng chiều nhang khói tìm hơi

Mẹ hiền !

.
Nguyễn Văn Anh

Trích hoadamnews.com

.

https://www.youtube.com/watch ?v=b0t1K5oPVVE

https://www.youtube.com/watch ?v=T_a3tW6zU24

.

Tác giả Nguyễn văn Anh

.

Catégories
Hương Quê

Tâm sự một giòng sông

.

Xưa yêu em từ chưa gặp gỡ
Yêu mẹ cha thuở mới nằm nôi
Yêu quê hương ngày được chào đời
Yêu tổ quốc bốn ngàn năm trước.


Ta phiêu du bốn miền đất nước (*1)
Chở mặt trời thắp nắng muôn phương
Mỗi khúc sông dòng sử quê hương
Cùng dân tộc sống từng khoảnh khắc.


Đã lắm lúc tanh mùi máu giặc (*2)
Cũng có lần khóc xác anh thư (*3)
Lúc trăng đêm tình tự tương tư
Ta mang bán cho Hàn Mặc Tử.


Những chiều gió có vài thiếu nữ
Mắt xa vời soi bóng mộng mơ
Khi đêm buông ta đợi ta chờ
Thương lữ khách nhân tình chưa đến.


Cuối dòng đời ta chưa về bến
Vì non sông cần một giòng sông
Mang yêu thương ra tận biển đông
Trao tình Mẹ đến người xa xứ.


Miền gió cát nghe lời tâm sự
Từ phương nao vượt sóng quay về
Đám con xa nhắn Mẹ câu thề
Ngày mong ngóng đêm về thao thức.


“Những đứa con đã rời xa Tổ Quốc,
Mẹ biết chăng chỉ sống nửa tâm hồn
Một nửa khác gửi vời theo sóng nước
Về quê Cha cho vẹn tấm lòng son.” (*4)


Sông Hàn

.

*1. Bắc, Trung, Nam và hải đảo
*2. sông Bạch Đằng
*3. sông Hát
*4. Xin lỗi đã quên tên tác giả 4 câu thơ tuyệt vời này mà đọc lên không khỏi xúc động

Catégories
Hương Quê Thơ

Tế Hanh

Quê hương

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Ngày hôm nay, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá !

Tế Hanh

_ ° _ ° _

Nhớ con sông quê hương

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi ?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi !
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông

*

Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết…
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi ! Lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghành thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương…

Tế Hanh
(1956)

_ ° _ ° _

Những ngày nghỉ học

(Tặng Nguyễn Văn Bổng)

Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tầu đi đến những ga…
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

Tôi thấy lòng thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề !
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê ;
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ ;
Lòng của người đi réo kẻ về.

Kẻ về không nói bước vương vương
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường.
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.

Tế Hanh
(1938)

_ ° _ ° _

Trường xưa

Hơn bốn năm trời trở lại đây
Trường ơi ! Sao giống tấm thân này ?
Mái hư, vách lở buồn xơ xác
Tim héo, hồn đau, tủi đọa đầy.
Mưa gió phũ phàng hình vững chãi
Tình duyên mờ nhạt tuổi thơ ngây
Ngậm ngùi đối cảnh rưng rưng lệ…
Hàng liễu bơ phờ cảm động lây.

Tế Hanh
(1941)

Catégories
Hương Quê

Ra đi có Em mang theo Quê Hương

Ngày bước lên tàu đi vượt biên
Tay dắt con, túi rỗng không tiền,
Rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún,
Chẳng biết bao giờ đời mới yên.

Rời bỏ quê hương ta ra đi,
Chẳng biết đời ta còn lại gì,
Dĩ vãng xin quên đừng tiếc nữa,
Đất nước ngoảnh nhìn đừng khóc chi.

Ta tưởng rằng ta hóa kiếp rồi,
Miếng ăn, tiếng nói cũng đổi thôi,
Giờ đây lột xác thân bèo dạt,
Sống làm người mới đất xa xôi..

Nào ngờ đã hăm mấy năm qua,
Vượt qua biết bao nỗi phong ba,
Vật đổi sao dời đâu chẳng biết,
Duy ta nhìn lại vẫn là ta.

Quê người, nếp cũ tưởng đã quên,
Nào ngờ cuộc sống vẫn thân quen,
Quê hương ngày đó chừng đã mất
Tạo lại nơi đây, tay vợ hiền.

Ngày 14 tháng 9 năm 2004
J.B. Ho

Catégories
Hương Quê

Về Đà Nẵng

Đặng Tiến

. Trả lời Luân Hoán


Đọc thơ bạn gửi tôi trên tờ báo nọ,

nhằm lúc đau vùi, sưng phổi sốt liên miên.

Thơ bạn gửi như một làn gió mát,

nghiêng cánh hoa hồng chao nắng ngoài hiên.

Về Đà Nẵng, tôi là người khách lạ,

những con đường lạc lõng bước chân xưa,

những đêm sao thoảng hương mùa hạ cũ,

những cánh buồm chờ gió mộng vu vơ.

Bè bạn cũ giờ phần đông xiêu lạc,

đứa đọa đầy, đứa chết, đứa tha hương,

Gặp lại nhau thằng cười, thằng mếu máo,

thằng tủi thân tránh ngõ quanh đường.

Thằng X tự hào vua cốt sắt,

xây móng cảng Phòng, lé mắt Liên Xô,

A với B xoay sang nghề xây cất,

kiếm đủ ăn vùng nghĩa địa Gò Cà

Bạn nhờ tôi xin ít hình căn cước,

bạn bè xưa, nhân ảnh khói sương xa.

Chúng cười ngất : mày Việt kiều ngớ ngẩn,

hình tụi này lỡ lọt mắt CA ?

(về Đà Nẵng, tôi người sang nhất tỉnh,

vườn hoang sơ bướm vẫn lượn ngày đêm,

lúc bay bướm đi phất phơ chút đỉnh,

thì phất phơ bươm bướm cũng bay kèm!)

Đà Nẵng hợp doanh sanh nhiều tiệm nhậu,

một món ăn : lương tháng công nhân viên.

Bạn bè mình làm gì vô tới đó,

trái ổi, trái me tàm tạm đẩy hơi men.

Nơi hẹn nhau vẫn lề đường quán cóc,

bùn bò Mụ Đãi, hẻm Lê Đình Dương,

chúng khoát tay : mày lâu ngày về nước,

tụi này bao, cái đó sự thường,

tụi này đều xơ rơ xác rác,

mà gặp nhau ba sợi cứ lai rai,

mày uống đi, chai này còn chai khác,

tình nghĩa thời này không chắc có ngày mai.




Thôi Đà Nẵng, thôi lần này vĩnh biệt,

chào mẹ già, bạn cũ, tuổi xa khơi,

chào khóm phượng cuối mùa ri rỉ máu,

trên vết thương tươi rói đã muôn đời...


Đặng Tiến Tháng 6-1987





Chú thích : X : Nguyễn Hạnh(BP58), kỹ sư Phú Thọ
A và B : Vĩnh Kha(BP58) đã qua đời và Nguyễn Thành Ngân(BP59).
Gò Cà : Vùng nghĩa địa, mới xây cất để quy hoạch mồ mã.

Catégories
Hương Quê

Ký ức về những bài học thuộc lòng thời tiểu học

Dân miền Nam, những ai bây giờ chừng 55 tuổi trở lên, chắc đều nhớ rõ cách tổ chức độc đáo ở các lớp bậc tiểu học cách đây hơn bốn thập niên. Hồi đó, cách gọi tên các lớp học ngược lại với bây giờ, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Lớp Năm là lớp Một ngày nay, rồi đến lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, trên cùng là lớp Nhứt. Lớp Năm, tức là lớp thấp nhất, thường do các thầy cô giỏi nhất hoặc cao niên, dồi dào kinh nghiệm nhất phụ trách. Sở dĩ như vậy là vì bậc học này được xem là vô cùng quan trọng, dạy học trò từ chỗ chưa biết gì đến chỗ biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản đầu tiên, nghĩa là biến từ chỗ không có gì đến chỗ bắt đầu có.

Học trò, không phân biệt giàu nghèo, khi đến lớp chỉ được dùng một thứ bút duy nhất, là bút ngòi lá tre. Gọi là lá tre bởi vì bút có cái ngòi có thể tháo rời ra được, giống hình lá tre nho nhỏ, khi viết thì chấm vào bình mực. Bình mực, thường là mực tím, có một cái khoen nơi nắp để móc vào ngón tay cho tiện. Thân bình bên trong gắn liền với một ống nhựa hình phểu dưới nhỏ trên to để mực khỏi sánh ra theo nhịp bước của học trò. Khi vào lớp thì học trò đặt bình mực vào một cái lổ tròn vừa vặn khoét sãn trên bàn học cho khỏi ngã đổ. Bút bi thời đó đã có, gọi là bút nguyên tử, là thứ đầy ma lực hấp dẩn đối với học trò ngày ấy, nhưng bị triệt để cấm dùng.

Các thầy cô quan niệm rằng rèn chữ là rèn người, nên nếu cho phép học trò lớp nhỏ sử dụng bút bi sớm, thì sợ khi lớn lên, chúng sẽ dễ sinh ra lười biếng và cẩu thả trong tính cách chăng. Mỗi lớp học chỉ có một thầy hoặc một cô duy nhất phụ trách tất cả các môn. Thầy gọi trò bằng con, và trò cũng xưng con chứ không xưng em với thầy. Về việc dạy dỗ, không thầy nào dạy giống thầy nào, nhưng mục tiêu kiến thức sau khi học xong các cấp lớp phải bảo đảm như nhau. Thí dụ như học xong lớp Năm thì phải đọc thông viết thạo, nắm vững hai phép toán cộng, trừ, lớp Tư thì bắt đầu tập làm văn, thuộc bảng cửu chương để làm các bài toán nhân, chia… Sách giáo khoa cũng không nhất thiết phải thống nhất, nên không có lớp học giống lớp nào về nội dung cụ thể từng bài giảng.

Cứ mỗi năm lại có các ban tu thư, có thể là do tư nhân tổ chức, soạn ra những sách giáo khoa mới giấy trắng tinh, rồi đem phân phối khắp các nhà sách lớn nhỏ từ thành thị cho chí nông thôn. Các thầy cô được trọn quyền lựa chọn các sách giáo khoa ấy để làm tài liệu giảng dạy, miễn sao hợp với nội dung chung của Bộ Giáo dục là được.

Tuyệt nhiên không thấy có chuyện dạy thêm, học thêm ở bậc học này nên khi mùa hè đến, học trò cứ vui chơi thoải mái suốt cả mấy tháng dài. Các môn học ngày trước đại khái cũng giống như bây giờ, chỉ có các bài học thuộc lòng trong sách Việt Văn, theo tôi, là ấn tượng hơn nhiều.

Đó là những bài thơ, những bài văn vần dễ nhớ nhưng rất sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu thương loài vật, tình cảm bạn bè, tình nhân loại, đặc biệt là lòng tự tôn dân tộc Việt. Tôi còn nhớ rõ trong sách Tân Việt Văn lớp Năm có bài học thuộc lòng thật hay về bóng đá mà hồi đó gọi bằng một từ rất hoa mỹ, là túc cầu :
.

TRẬN CẦU QUỐC TẾ

Chiều chưa ngã, nắng còn gay gắt lắm
Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân
Tiếng hoan hô thêm dũng mãnh bội phần
Để cổ võ cho trận cầu quốc tế.
Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé
Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa
Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra
Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi.
Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới
Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn
Khiến đối phương thành rối loạn, hoang mang
Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ
Thiếu bình tỉnh, một vài người chơi dữ
Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân
Quả bóng da lăn lộn biết bao lần
Hết hai hiệp và…đội nhà đã thắng
Ta tuy bé nhưng đồng lòng cố gắng
Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh
Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành
Nên đoạt giải dù địch to gấp bội…

Bài học thuộc lòng này, về sau tôi được biết, lấy cảm hứng từ chiếc cúp vô địch đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ của Việt Nam tại Đông Á Vận Hội trên sân Merdeka của Malaysia vào cuối thập niên 50, với những tên tuổi vang bóng một thời như Tam Lang, Ngôn, Cù Sinh, Vinh “đầu sói”, Cù Hè, Rạng “tay nhựa”… Tuy không biết chơi bóng đá, nhưng thằng bé là tôi lúc đó rất thích bài học thuộc lòng này nên tự nhiên…thuộc lòng luôn.

Càng đọc càng ngẫm nghĩ, đây đâu phải là bài thơ chỉ nói về bóng đá mà thôi. Nó là bài học đoàn kết của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng gan lỳ, bất khuất khiến cho cả thế giới phải ngước nhìn bằng đôi mắt khâm phục. Bạn thấy lạ lùng chưa, chỉ một bài thơ ngắn nói về một thứ trò chơi thôi, mà lại chứa đựng biết bao nhiêu điều vĩ đại mà những lời đao to búa lớn ồn ào chắc chi đã làm được. Nói về môn Lịch sử, hồi đó gọi là Quốc sử, đã có sẵn một bài học thuộc lòng khác :
.

GIỜ QUỐC SỬ

Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng khắp trong giờ Quốc sử.
Thầy tôi bảo :
“Các con nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thưở trước của giang san,
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.
Các con nên đêm ngày chăm chỉ học,
Để sau này mong nối chí tiền nhân.
Ta tin rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân tộc Việt vẫn là dân hùng liệt.
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam.
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,
Đầy chiến thắng, vinh quang và hạnh phúc”

Hình ảnh ông thầy dạy Sử trong bài học thuộc lòng hiện lên, nghiêm nghị nhưng lại thân thương quá chừng, và bài Sử của thầy, tuy không nói về một trận đánh, một chiến công hay một sự kiện quá khứ hào hùng nào, nhưng lại có sức lay động mãnh liệt với đám học trò chúng tôi ngày ấy, đến nỗi mấy chục năm sau chúng tôi vẫn nhớ như in. Lại có bài song thất lục bát về ông thầy dạy Địa lý, không nhớ tác giả là ai, nhưng chắc chắn tựa đề là “Tập vẽ bản đồ”, phía lề trái còn in cả hình vẽ minh họa của Quần đảo Trường Sa và Hoàng sa :
.

TẬP VẼ BẢN ĐỒ

Hôm qua tập vẽ bản đồ,
Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng.
Ranh giới vẽ phấn vàng dễ kiếm,
Từ Nam Quan cho đến Cà Mau.
Từng nơi, thầy thuộc làu làu,
Đây sen Đồng Tháp,
đây cầu Hiền Lương. Biển Đông Hải,
trùng dương xanh thẳm,
Núi cheo leo thầy chấm màu nâu.
Tay đưa mềm mại đến đâu,
Sông xanh uốn khúc, rừng sâu chập chùng…
Rồi với giọng trầm hùng, thầy giảng :
“Giống Rồng Tiên chói rạng núi rừng,
Trải bao thăng giáng, phế hưng,
Đem giòng máu thắm, bón từng gốc cây.
Làn không khí giờ đây ta thở,
Đường ta đi, nhà ở nơi này,
Tổ tiên từng chịu đắng cay,
Mới lưu truyền lại đêm ngày cho ta.
Là con cháu muôn nhà gìn giữ,
Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau.
Tóc thầy hai thứ từ lâu,
Mà tài chưa đủ làm giàu núi sông !
Nay chỉ biết ra công dạy dỗ,
Đàn trẻ thơ mong ở ngày mai.
Bao nhiêu hy vọng lâu dài,
Dồn vào tất cả trí tài các con …”

Giờ đây, mấy chục năm đã trôi qua, tóc trên đầu tôi cũng bắt đầu hai thứ như ông thầy già dạy Địa trong bài học thuộc lòng ngày ấy, nhưng có một điều mà tôi nghĩ mãi vẫn chưa ra. Ông thầy đang dạy Địa, hay ông thầy đang âm thầm truyền thụ lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho đàn trẻ thơ qua mấy nét vẽ bản đồ ?

Lời của thầy thật là nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng cũng thật là tha thiết, chạm vào được chỗ thiêng liêng nhất trong tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ vào những ngày đầu tiên cắp sách đến trường, nơi chúng được dạy rằng ngoài ngôi nhà nhỏ bé của mình với ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt, chúng còn có một ngôi nhà nữa, rộng lớn hơn nhiều, nguy nga tráng lệ, thiêng liêng vĩ đại hơn nhiều, một ngôi nhà mà chúng phải thương yêu và có bổn phận phải vun đắp : Tổ quốc Việt Nam.(st)

.

Nguồn SG-GĐ : Đất và Người

.

.

Catégories
Hương Quê

Anh tôi

Nguyen Xuan Quang (BP63)

.

Có nhiều lúc trong đời,

Tôi muốn viết để nói vài lời về anh tôi.

Buồn thay,

Hôm nay,

Mới viết được những dòng này.

.

Khi chiến tranh bùng nổ,

Cha tôi nhờ người mua hộ,

Một căn nhà ở đất tổ Hưng Yên,

Để vợ và bốn con nhỏ,

Về quê lánh nạn trước tiên.

.

Chúng tôi về ở,

Chẳng được bao ngày,

Căn nhà bị giải tỏa để nới rộng sân bay.

Mẹ tôi phải rốc hết số tiền còn lại,

Thuê người phá bỏ.

Bị mắc lừa, năm mẹ con khốn khổ,

Không nhà, không cửa, trắng tay.

.

Rồi vì chiến chinh,

Gia đình phân đôi,

Khi ấy, anh tôi,

Mới bẩy, tám tuổi đời,

Đã thay cha,

Làm người đàn ông cột trụ gia đình.

.

Suốt những năm tháng dài chiến chinh bom rơi, đạn nổ,

Anh tôi,

Lưng địu em nhỏ,

Trước cổ đeo nắm cơm, lọ muối, hũ cà,

Hai tay dắt hai em còn lại,

Lúc đó tôi mới lên ba,

Cố vượt qua những bãi chiến trường lửa đạn,

Đi tìm gặp mẹ, đang bán hàng ở phiên chợ làng xa.

.

Anh làm mẹ,

Những khi mẹ yếu, mẹ đau,

Anh đi bán nước, buôn rau,

Đi mò cua, bắt ốc,

Tảo tần dưới nắng lửa, mưa dầu.

.

Tuổi trẻ của anh tôi tận cùng khổ đau,

Nói không hết bằng lời,

Nhưng anh vẫn yêu đời,

Anh thường đóng vai hề trên sân khấu,

Làm cả làng nghiêng ngả những trận cười.

.

Rồi khi lớn lên, lúc lập gia đình,

Anh lấy vợ, lãng mạn như một chuyện tình.

Anh thương con,

Đứa còn,

Đứa mất lúc đi tìm tự do vượt biển.

Thương con, yêu vợ hơn cả yêu mình.

.

Là con trai trưởng trong nhà,

Anh hiếu thảo, chăm sóc, phụng dưỡng mẹ cha.

Vì tự do, anh lo cho cha, cho con vượt biển,

Để rồi trái tim mình là cả một đại dương bão táp phong ba.

.

Anh ham học nhưng tới trường không được,

Dồn tất cả bao nhiêu mơ ước,

Dồn tất cả bao nhiêu kỳ vọng tương lai,

Anh hy sinh quyết tâm nuôi em ăn học thành tài.

.

Anh yêu người với tất cả lòng nhân,

Anh yêu thương người hơn cả thương thân,

Dù là người tốt hay là người xấu,

Anh luôn luôn giúp đỡ họ khi cần.

.

Anh yêu thú vật như yêu con trẻ,

Con chó anh nuôi, khi đau bụng đẻ,

Đêm đến bên giường sủa đánh thức anh,

Nó muốn anh làm ông mụ hộ sanh.

.

Anh yêu chim trời, cá nước.

Có con chim đồng điệu, đồng thanh,

Thay anh, cất tiếng hót, làm ngơ ngẩn cả trời xanh.

Tiếng hót ngất ngây,

Đã được bầu là Tiếng Hót Hay Nhất Nước (1).

.

Anh yêu cỏ cây, vườn tược,

Trồng một vườn đủ thứ hoa đào,

Ngay bên hàng rào ngoài ngõ,

Để kết hoa cho mùa xuân rực rỡ,

Để người qua đường hạnh phúc

Ngắm hoa nở tân niên.

Để những người không có,

Bẻ trộm về ăn Tết, cúng giỗ tổ tiên, ông bà.

.

Về cuối đời, khi bóng xế tuổi già,

Anh thành một điều dưỡng viên, y tá,

Đút cơm, bồng ẵm, thay quần, thay tã,

Hết lòng nuôi vợ bị bệnh trầm kha.

.

Bao nhiêu bi thảm của đời,

Bao nhiêu gian trá của con người,

Anh đã trải qua mà chẳng thù, chẳng hận.

Anh sống khoan dung chỉ mỉm cười.

.

Rồi đến năm nay, đêm Giáng Sinh,

Giữa muôn mầu hoa đăng rực rỡ, lung linh,

Giữa muôn lời ca, tiếng hát.

Thản nhiên như lúc bình sinh,

Anh ra đi trong giấc ngủ an bình.

.

Hôm nay thân xác anh về lòng đất,

Hương linh anh về cõi Phật,

Sống nơi an lạc vĩnh hằng.

.

Những lời nói này, chân thành,

Từ đáy lòng những người thân ở lại,

Anh hỡi nghe chăng ? Anh… hỡi… anh!

.

NXQ – Anh tôi

Chú Thích

(1) Con chim anh tôi nuôi đoạt Giải Tiếng Hót Hay Nhất Nước trong một Hội Chợ Chim Cá Toàn Quốc ở Đà Nẵng trước đây.

.

.

Catégories
Hương Quê

Bà Cẩm Lợi

Nguyễn Tường Thiết

.

Một lần. Buổi trưa. Lâu rồi. Mẹ tôi ngồi nhặt cau trên sập gụ. Tôi nằm ngửa bên cạnh bà, hai tay cầm giơ trước mặt cuốn truyện Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Đọc đến đoạn cảnh mẹ chồng ác nghiệt với con dâu, tôi nhỏm dậy hỏi mẹ tôi : “Mợ này, mợ có phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu như cậu tả trong truyện không ?”. Mẹ tôi ngửng lên nhìn tôi nói : “Đấy là cậu viết tiểu thuyết… Bà nội con có khó tính thật nhưng đâu đến nỗi khắc nghiệt thế…”. Rồi mẹ tôi tiếp tục nhặt cau. Lát sau, khi tôi đang đọc tiếp cuốn truyện thì có tiếng bà bên tai : “Khi bà nội con có chuyện gì không bằng lòng thì bà đổi cách gọi. Thường thì bà kêu mợ là bà Tam. Bà Tam ơi ! Ra tôi bảo cái này… Gọi thế là âu yếm đấy. Nhưng khi bà đổi giọng gọi thế này thì mợ biết ngay là sắp sửa có gì to chuyện : Này ! bà Cẩm Lợi ! Nghe tôi nói đây !”.

Bà Cẩm Lợi  - 54.1 koBà Cẩm Lợi Sơn dầu Nguyễn Gia Trí

Tại sao bà nội tôi lại yêu bà Tam và ghét bà Cẩm Lợi nhỉ ? Bởi vì với tôi, không bao giờ mẹ tôi là bà Tam, không bao giờ mẹ tôi là bà Nhất Linh. Với tôi, mẹ tôi luôn luôn là bà Cẩm Lợi, từ ngày tôi lọt lòng mẹ tôi cho đến ngày mẹ tôi qua đời. Cuộc đời của bà gắn liền với cái tên hiệu Cẩm Lợi và cái tên hiệu này gắn liền với những hạt cau khô, mặc dù đôi lúc Cẩm Lợi còn bán cả cá mắm, cá khô, thậm chí còn là tên của một tiệm may y phục phụ nữ…
Từ những ngày rất xa xưa ở Hà Nội ở căn nhà số 9 Hàng Bè trước khi tản cư và số 15 Hàng Bè sau khi tản cư về, tuổi thơ tôi lớn lên bên những bồ cau và mùi diêm sinh. Căn nhà rộng có nhiều phòng. Nguyên một phòng giữa chứa đầy những bồ cau, chất chồng lên nhau đến sát trần. Thuở bé chúng tôi thường chơi trò đi trốn và căn buồng đó, tối tăm và nhiều ngõ ngách giữa những bồ cau, là nơi đi trốn lý tưởng. Tôi thường trèo lên những bồ cau trên cao gần đụng trần, nằm áp mặt trên những bao tải, cảm thấy cái vải bố nháp in hằn trên má và thở cái mùi cau khô toát từ những bao bố. Mẹ tôi kinh hoảng khi khám phá ra cái trò chơi nguy hiểm này của chúng tôi : “Mấy cái bồ cau nó mà đổ xuống thì chúng bay cứ mà chết bẹp !”. Mẹ tôi khi mắng chúng tôi hẳn là bà nghĩ tới cái tai nạn chết đuối đã giết chị Thanh tôi trong cái ao ở trại Cẩm Giàng.
Thuở ấy những người đàn ông hình như trốn tiêu đâu mất cả. Tôi lớn lên như người không cha. Chả ai hỏi tôi ông Tam đâu hay ông Nhất Linh đâu ? Luôn luôn người ta gõ cửa rồi thò cái đầu vào hỏi : “Có bà Cẩm Lợi ở nhà không ?”. Chả bao giờ tôi thấy ông nội ông ngoại, bố tôi hoặc các bác các chú. Xúm lại quanh tôi toàn những đàn bà : bà nội, bà ngoại, bà mẹ, bà vú, và một đống bà cô bà thím…. Không có ông Nhất Linh, ông Hoàng Đạo, ông Thạch Lam. Chỉ có bà Cẩm Lợi, thím Long, thím Sáu… như thể một bên là tiểu thuyết, một bên là đời thường.
Bà Cẩm Lợi ngồi nhặt cau trên sập gụ. Đó là hình ảnh quen thuộc đã ăn sâu trong ký ức tôi từ ngày tấm bé. Đầu vấn khăn, chiếc áo cánh trắng, chiếc quần lĩnh đen, mẹ tôi cúi xuống chà chà cho sạch những hạt cau khô ẩm bị xanh mốc. Trên chiếc sập gụ giang sơn riêng của bà, mẹ tôi vừa nhặt cau, vừa tiếp khách hàng, vừa đôn đốc đám người làm, vừa chơi rỡn nựng nịu con cháu. Đêm đến khi căn nhà đã chìm vào yên vắng bà trải trên sập đống giấy bạc kiếm được trong ngày, đếm từng tờ và xếp buộc thành bó dầy cộm rồi cất trong chiếc két sắt trước khi bà ngủ trên sập gụ ấy. Trong túi áo cánh của bà lúc nào cũng xệ xuống một chùm chìa khoá nặng chịch. Mẹ tôi hay dùng chùm chìa khoá này làm đồ chơi cho trẻ con, bà lắc lắc chùm chìa khóa kêu rộn ràng trước mặt đứa bé cho đến khi nào nó ngoẻn miệng cười mới thôi.
Người đàn bà già nhất sống gần tôi thuở nhỏ là bà ngoại. Bà chết lúc tôi còn bé nên tôi chả nhớ gì nhiều về bà. Hình như người bà gầy đét. Vấn khăn. Răng đen. Một bà già trầu điển hình. Kỷ niệm của tôi thời thơ ấu nếu có chừa một chỗ nhỏ cho bà thì lại là một kỷ niệm không mấy gì đẹp đẽ. Xấu hổ là đằng khác. Hồi đó tôi ngủ chung giường với bà ngoại. Trong một căn buồng trên gác của căn nhà số 15 Hàng Bè. Trước buồng là một hành lang hẹp trông ra phố. Có một đêm ăn phải cái gì mà tôi mót đi cầu quá. Nghĩ tới chuyện phải mò xuống cái cầu tiêu hôi thối ở mãi tít sau nhà dưới giữa đêm tối lại phải lần qua những bồ cau mà tôi lạnh cả người. Bước ra ngoài hành lang người đã bủn rủn. Tôi bèn nghĩ ra một cách giải quyết rất gọn là ngồi phịch xuống ở một góc làm một bãi tướng. Sáng hôm sau ngủ dậy tôi ra hành lang nhìn thì ô hay cái sàn sạch bóng ! Mình có ngủ mơ không chứ ? Buổi trưa ăn cơm tôi nghe hai người làm nói chuyện với nhau : “Rõ khổ ! Cụ bây giờ già lẫn quá rồi… Cứ bạ đâu là ỉa đó !”. Khám phá ra điều bí mật này, sau đó tôi còn làm thêm vài bãi nữa và đều bình an vô sự !
Bà nội tôi thì trái lại có tướng võ, người cao to. Dưới mắt tôi hồi nhỏ bà nội trông như đàn ông. Gương mặt bà có đường nét không thể lẫn với ai. Đôi mày rậm, mắt sâu, sống mũi cao. Cái tướng đó mà chui vào chiếc áo tu hành tôi thấy có vẻ lệch lạc. Từ một thuở xa nhất, hồi ở Cẩm Giàng lúc tôi mới lên năm, hình ảnh và tiếng tụng kinh của bà đã thấm sâu vào tuổi thơ tôi. Bà ngồi trên sập, khoác áo nâu sồng, một tay chắp trước ngực, một tay gõ mõ. Nam mô a di đà Phật… Nam mô á di đà Phật… Nam mô ạ di đà Phật… Tiếng tụng kinh đều đều tôi nghe cứ nhỏ dần đi như tiếng kêu rỉ rả của những con ve sầu. Tôi lại có cảm tưởng như bà vừa ngủ vừa tụng, lâu lâu chợt thức, tiếng tụng bỗng to lên như tiếng ve ran. Và như một giọng ru buồn nản Nam mô a di đà Phật đã trôi vào giấc ngủ ấu thơ của tôi.
Sau này biết rõ hơn về bà nội tôi thấy bà là người phi thường. Chồng chết khi bà mới 37 tuổi, một mình xây dựng và cai quản cả một dinh cơ Cẩm Giàng, lại nuôi bẩy con trở thành những người lỗi lạc. Một người đàn bà như thế “dễ có mấy tay” phải là người cứng rắn và độc đoán. Mẹ tôi vào làm dâu nhà bà, lại không phải đến từ một gia đình giầu có và danh vọng, chắc chắn phải chịu cảnh “mẹ chồng nàng dâu” nếu không quá quắt như bà phán Lợi trong Đoạn Tuyệt thì cũng khó sống cho yên.
Thế mà mỗi lần có gì không vừa ý bà nội Lê thị Sâm chỉ lôi tên bà Cẩm Lợi ra nhiếc. Mẹ tôi quả là người may mắn ! Gần đây đọc cuốn hồi ký của cô Năm tôi (Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường – Nguyễn Thị Thế) đoạn viết bà nội đối xử nghiêm khắc và độc đoán với người con gái duy nhất của bà, tôi hiểu là vì sao mẹ tôi may mắn hơn cô Năm. Bà nội tôi và mẹ tôi (và có lẽ phần lớn những bà mẹ của thế hệ ấy) có một điểm giống nhau. Đó là đối xử thiên lệch với con cái : con trai bao giờ cũng được cưng chiều và nể trọng hơn. Huống hồ trong số sáu người con trai, bà nội tôi hình như lại yêu và nể bố tôi nhất. Tôi nghĩ rằng khi bà nội gọi mẹ tôi bằng cái tên thân thương “bà Tam”, bà đã gửi cái trìu mến về người con trai thứ ba của bà. Cộng thêm vào đó mẹ tôi lại là một người hết sức khéo léo trong cách ăn ở. Chả thế mà trong gia đình nội ngoại chúng tôi nói đùa là mẹ tôi đã tước cái chức bộ trưởng ngoại giao của bố tôi.
Dưới mắt tôi mẹ tôi không bao giờ là người đàn bà đẹp. Đôi lúc tôi còn thấy xấu là đằng khác. Có thể là vì khi tôi được sinh ra đời mẹ tôi đã đẻ trên mười người con. “Đẻ như thế thì còn gì là người”. Tôi nghĩ. Hơn thế nữa qua hình ảnh bà Cẩm Lợi mẹ tôi lúc nào trông cũng lam lũ và luộm thuộm. Một hình ảnh và một nhan sắc như thế làm sao mê hoặc được bố tôi nhỉ ? Cho đến mãi gần đây chị Thoa tôi từ bên Pháp gửi tôi một tấm ảnh rất cũ, chụp tám năm trước khi tôi lọt lòng mẹ, lần đầu tiên tôi mới thấy dung nhan của bà thời trẻ. Một người đàn bà đẹp. Bức ảnh chụp năm 1932, mẹ tôi 25 tuổi. Năm ấy mẹ tôi dẫn chị Thư tôi, lúc ấy 5 tuổi, đi dự thi trẻ em đẹp và chị tôi được chấm giải nhất. Tôi nhìn đôi mắt của bà trong ảnh và chợt nhớ tới đoạn viết của nữ sĩ Anh Thơ. Đôi mắt bà chớp chớp. Tôi chợt thấy đôi mắt bà đẹp quá ! Một đôi mắt to mênh mông, có hàng mi dài óng ả. Rồi tôi chợt thấy thương mẹ tôi quá ! Một lòng thương cũng mênh mông như đôi mắt to của bà. Nông nỗi nào mà người đàn bà trong ảnh bỗng trở thành bà Cẩm Lợi tiều tụy như thế trong tâm trí tôi ?
Những năm tháng tôi sống ở Hà Nội phố Hàng Bè là thời gian tôi sống lêu lổng và làm buồn lòng mẹ tôi không ít. Bố tôi biến đâu mất ở bên Tàu, mẹ tôi suốt ngày đánh vật với các bồ cau, lũ chúng tôi lớn lên hoang như cây cỏ. Một bữa tôi thấy trên tủ chè có một chai nước màu đỏ đỏ, dán nhãn hiệu tiếng tây, lại có vẽ hình con mèo, tôi nhấp thử thấy nó ngọt ngọt ngon ngon, bèn rủ thằng Thái em tôi mỗi đứa nốc mấy ngụm. Mẹ tôi đi chợ về trông thấy hai đứa con của bà nằm lăn lóc, mặt đỏ tiá, nói lảm nhảm thì biết ngay. Bà quát người làm lấy nước chanh cho chúng tôi uống và mắng họ là từ rầy rượu phải cất trong tủ chè khoá trái lại.
Thuở mẫu giáo tôi ở nội trú cùng với chị Thoa tôi trong trường bà sơ phố nhà Chung gần nhà thờ lớn Hà Nội. Trường có tường cao quét vôi vàng bao quanh nom như một nhà tù. Tôi sợ nhất là nhìn các bà sơ mặc áo đen cúi mặt đi lại trên hành lang. Họ lướt yên lặng như những bóng ma. Giờ ăn cũng không được nói chuyện. Tôi phải đứng nghiêm cùng với đám học trò mặc đồng phục đọc kinh. Lạy cha chúng tôi ở trên lời… Chúng tôi nguyện danh cha cả sáng… Tuổi thơ của tôi hết nghe tiếng niệm phật lại nghe tiếng cầu kinh. Lớn lên tôi chả biết tôn giáo nào để theo.
Lên tiểu học chị Thoa sang học trường Thanh Quan còn tôi học trường Hàng Vôi. Nhưng tôi thường trốn học đi xem xi nê tặc-dzăng ở rạp Lửa Hồng hoặc giao du với đám trẻ mất dậy ở ngõ Phát Lộc. Cầm đầu bọn quỷ sứ thời ấy là tay Đỗ Bá Viễn. Hắn hơn tôi mấy tuổi, lõi đời. Hắn bầy cách cho tôi lấy cắp tiền của mẹ tôi. Cách ấy thật là thần sầu. Chả là tôi cứ bị ám ảnh bởi cái túi áo cánh lúc nào cũng xệ xuống của mẹ tôi, trong đó là chùm chìa khóa. Trong chùm ấy cái chìa to nhất, không phải là chìa bẹt mà là chìa ống có khía ở đầu, dùng để mở cái két to tướng và nặng nề. Thằng Viễn bảo tôi phải đánh cắp cái chìa khoá ấy. Nhưng mẹ tôi lúc nào cũng ôm chìa khoá trong người ngay cả lúc bà ngủ. Thằng Viễn chờ mãi thấy tôi không lấy được chìa khóa nó bèn nghĩ cách khác. Nó cầu cứu thằng Đồng con ông thợ khóa ở phố Hàng Mắm. Thằng Đồng đưa tôi một miếng gì dẻo dẻo trông như ruột bánh mì, bảo tôi đút vào lỗ khoá, chờ cho khô thì rút ra. Rồi nó đem cái khuôn bánh mì ấy về cho bố nó đúc thành chìa. Mở được két tôi hoa cả mắt lên vì trong két nhiều tiền quá. Tôi vớ đại một bó. Mấy hôm sau tôi kinh hoảng thấy mẹ tôi la lối tra khảo người làm đã lấy cắp tiền của bà. Mẹ tôi cho là mình mất tiền trong lúc đếm bạc chứ không nghĩ là ai có thể mở được cái két chắc chắn kia. Tôi tiết lộ với Viễn. Nó bầy mưu khiến mẹ tôi không bao giờ biết là mình bị mất tiền. Mỗi lần mở két, thay vì lấy nguyên bó, tôi chỉ nhón mỗi bó một hai tờ. Những bó bạc này mẹ tôi giao cho khách hàng, thường thì họ không bao giờ đếm lại trước mặt mẹ tôi, và sau này nếu có đếm thấy hụt cũng không sao, chẳng kiện cáo gì. Mẹ tôi bán buôn, làm ăn lớn, khách có biết cũng bỏ qua, xá gì mấy tờ bạc mất lẻ tẻ.
Có tiền tôi ăn tiêu vung vít. Người bán hàng thấy tôi trả tiền bằng tờ giấy đỉnh thì trố mắt nhìn tôi kinh ngạc. Tiêu cho mình thì ít nhưng bao mấy thằng du côn thì nhiều. Tôi khoái nhất là bỏ tiền thuê bao xích lô nguyên ngày chở tôi và Viễn đi chơi cùng khắp Hà Nội trên những con đường rợp mát bóng cây trong tiếng ru râm ran của những con ve sầu. Hai đứa thủ hai khẩu súng cao su, bốc nhãn ăn thả dàn rồi dùng hạt nhãn làm đạn bắn lung tung lên ngọn cây. Nhưng cái thời “huy hoàng” của tôi không kéo được lâu. Một bữa mẹ tôi bắt gập tại trận tôi đứng trước tủ két mở và tước cái chìa khoá của tôi. Bà sai anh tôi (hình như là anh Triệu) đè sấp tôi ra trên chiếc sập gụ của bà dùng đuôi chổi phất trần đét mấy cái vào mông. Tôi giả vờ khóc rống lên chứ tôi thấy anh tôi đánh cũng nhẹ tay lắm (chắc hẳn anh nghĩ trong bụng mình cũng chả gương mẫu gì hơn thằng em).
Dịp may đến với mẹ tôi. Năm 1951, lúc ấy bố tôi ở bên Tàu về Hà Nội đã được mấy tháng, ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Đầu tiên bố tôi chỉ cho chị cả tôi là chị Thư đi cùng. Nhưng mẹ tôi cứ bắt bố tôi phải mang theo tôi. Đến tận bây giờ, khi tôi viết những dòng này, trong gia đình không một ai biết là mẹ tôi đã cố ý “đuổi” tôi vào Nam. Tôi rất cám ơn mẹ tôi về quyết định rất sáng suốt này của bà. Bởi vì vào Nam tôi trở thành một con người hoàn toàn khác.
Năm đó tôi mười một tuổi. Lần đầu tiên trong đời tôi đi phi cơ. Lại là phi cơ của hãng Air France. Sang trọng quá ! Máy bay đến phi trường Tân Sơn Nhứt, tôi lạ lẫm đọc cái chữ “Nhứt” và hỏi chị tôi họ viết như vậy có phải là sai không. Tôi trố mắt nhìn những căn nhà nhiều từng, những tên phố tây Pellerin, Charner, Catinat, Pasteur, Richaud… và cứ nghĩ là mình đi Tây chứ không phải vào Nam. Cái gì tôi cũng thấy nó văn minh và lạ mắt. Sau này tôi nghe kể nhiều lần về những ông cán ngố ngoài Bắc sau năm 1975 vào Nam lần đầu nhìn thấy thành phố Sài Gòn, tôi nghĩ là họ chắc cũng chỉ ngố như tôi là cùng. Ba bố con tôi ở chung với gia đình bác Thụy trong một căn nhà lớn do chính phủ cấp cho nhân viên sở Bưu Điện (mà bác tôi là tổng giám đốc) số 12P đường Chasseloup Laubat (sau đổi là Hồng Thập Tự và bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai). Đối diện nhà bác Thụy là hai cái cao ốc 5 từng. Tôi thích trốn sang đó chỉ để chui vào cái lồng thang máy bấm nút cho nó thăng thiên lên lầu thượng rồi lại bấm nút cho nó tụt xuống… cứ thế… cho đến khi những ông tây bà đầm trú ngụ trong cao ốc biết được la lối om sòm đuổi tôi đi. Nhà bác Thụy ngăn nắp và sạch sẽ quá, các anh chị họ tôi nói năng lịch sự, cư xử quý phái không chửi tục om xòm như đám “bạn” tôi ở ngõ Phát Lộc, họ học trường Tây, khoe tôi những cuốn sách màu đẹp đẽ Tin Tin, Spiroux, Quatre Frères Dalton… Xa rồi những bồ cau khô, mùi cá mắm, hơi diêm sinh và căn nhà, con phố bẩn thỉu nghèo nàn của thành phố Hà Nội. Xa rồi mẹ tôi, bà Cẩm Lợi. Xa rồi các anh tôi vẫn còn lối sống “lạc hậu” ở miền đất Bắc xa vợi kia…
Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự sống gần bố. Tôi luôn luôn nhìn ông như ngắm một người lạ. Bởi vì cho dẫu tôi có ở sát bên ông, sống cạnh ông nhiều năm sau này trong đời thì giữa ông và tôi, và giữa ông với gia đình, hình như luôn luôn có một khoảng cách. Tôi tự hỏi vì sao không bao giờ tôi có được cái cảm giác thật gần gũi với bố như tôi đã luôn luôn có với mẹ. Nếu có thấy chút nào gần ông thì cái gần ấy chỉ trên phương diện tâm hồn. Bố tôi có gương mặt tây phương, mang nhiều nét đặc thù di truyền từ bà nội tôi. Ông có một phong thái hài hoà rất thanh nhã trong cách cư xử nó cho người ta biết, chỉ qua dáng ngoài, cái chiều sâu của con người ông. Bố tôi rất ít nói. Lúc nào cũng thấy ông lắng nghe với một cái nhìn sâu và đằm thắm. Ông lại rất chuộng sự yên tĩnh, ngăn nắp và sạch sẽ. Những gì tôi biết về ông khiến tôi hiểu vì sao ông sống được và thích hợp trong một gia đình như bác Thụy và không thể nào sống bên những bồ cau với mẹ tôi được.
Năm 1954, đất nước chia đôi, mẹ và các anh tôi lục tục vào Nam. Mẹ tôi mua căn nhà số 39 chợ An Đông để ở và lấy chỗ buôn bán. Vào Nam mẹ tôi chuyên bán sỉ cau khô chứ không bán cau khô lẫn cau tươi như ở ngoài Bắc. Nguồn cung cấp cau chính của hiệu Cẩm Lợi là tỉnh Quảng Nam vì cau là thổ sản của tỉnh này. Mẹ tôi tiếp tục giao dịch với các hiệu Phước Xuân, Phước Hiên ở Hội An, nơi mà bà đã mua bán từ những năm đầu của thập niên 1940. Vào Nam mẹ tôi lại thêm một thị trường cung cấp mới là tỉnh Bến Tre. Bà ít có dịp ra Trung như dạo còn ở Hà Nội trước khi di cư, nhưng bà lại thường xuyên liên lạc với các bạn hàng ở Bến Tre, đặc biệt là bà Thái Nguyên, có khi mẹ tôi xuống ở lại đó nhiều ngày. Nhà của các bạn hàng thường ở miệt vườn, cách xa thành phố, phải đi ghe xuồng mới tới. Sau này tình hình ở tỉnh Bến Tre mất an ninh, chúng tôi cảnh giác mẹ tôi là các bạn hàng cau ở tỉnh đó nằm sâu trong mật khu của Việt Cộng nhưng mẹ tôi không bao giờ tỏ vẻ sợ hãi. Mẹ tôi không bán cau lẻ. Mua cau khô về, mẹ tôi xấy khô, đóng bao, và bán lại cho các đại lý, thường là những người Hoa ở trong Chợ Lớn. Một trong những đại lý mà mẹ tôi đã giao hảo tốt đẹp là ông Cơ Tấn. Chúng tôi xem ông Cơ Tấn như người nhà. Sự giao dịch với ông Cơ Tấn gắn liền với đời buôn cau của mẹ tôi, kéo dài từ thập niên 40 cho đến có lẽ sau cả biến cố tháng Tư năm 75.
Cái sập gụ, tủ chè, két bạc và cái cân được chở từ ngoài Bắc vào. Tôi trở về với những bồ cau và làm quen lại với mùi diêm sinh đã làm tôi ho sặc sụa trong những năm tháng cũ ở Hà Nội. Cau mốc được tẩy trắng bằng khói diêm sinh. Trong một vòng nan cuốn tròn, những cái sàng cau lớn xếp chồng nhau ủ trong vải bố, dưới là cái lò nhỏ đốt diêm sinh, khói xanh từ những kẽ vải bốc ra tỏa khí độc khắp nhà. Tôi thoát được mấy năm xa lánh cái không khí bụi bặm ồn ào của chợ An Đông khi tôi theo chân bố tôi lần thứ hai lên sống trên Đà Lạt. Mấy năm sống trên cao nguyên với bố tôi là thời gian thần tiên nhất trong đời tôi. Năm 1958 khi bố tôi quyết định “xuống núi” về Sài Gòn làm báo, tôi cũng theo chân ông về sống với mẹ tôi ở chợ An Đông cho đến tháng tư năm 1975.
Nghĩ lại tôi thấy tội nghiệp mẹ tôi vô cùng. Những người con của bà, trừ anh cả tôi đã sang du học bên Pháp từ hồi còn ở Hà Nội, tuy ở gần bà nhưng không ai giúp bà đúng mức trong việc buôn bán. Nhà có thuê người làm cau nhưng họ chỉ cáng đáng những việc nặng như khuân vác, xấy cau, còn việc giấy tờ, sổ sách, thư từ, mẹ tôi rất cần người giúp. Mẹ tôi lại chiều con trai nên ngại nhờ con. Mà đôi lúc có nhờ thì chúng tôi lại làm với sự miễn cưỡng, thậm chí còn gắt gỏng. Đối với con gái, nhất là bà chị cả tôi, thì mẹ con không hợp tính. Cứ nói chuyện được dăm ba câu thì hai người lại cãi vã. Chị kế tôi hợp với mẹ tôi hơn thì sau này đi Pháp và ở luôn bên đó. May mắn cho mẹ tôi là trong những năm của thập niên 70 bà có hai người con dâu ở gần là chị Triệu và nhà tôi. Mẹ tôi tín nhiệm và cưng chiều hai nguời con dâu có lẽ còn hơn con đẻ. Chị Triệu và nhà tôi, ngoài việc giúp mẹ tôi trông coi sổ sách và các công việc buôn bán khác, lại thường ngồi rủ rỉ tâm tình với bà. Đây là điều hết sức quí đối với mẹ tôi vì bà rất ít có được những phút tâm tình thân mật như thế đối với những người con. Tháng sáu năm 2005 vừa qua vợ chồng tôi qua bên Montreal dự đám cưới đứa con của anh Triệu tôi, một đêm thức giấc nửa khuya tôi nghe hai người con dâu của mẹ tôi ngồi trong bóng tối rù rì nói chuyện, hai người nhắc đến những kỷ niệm xa xưa với mẹ tôi hồi còn ở chợ An Đông trên ba mươi năm về trước. Tôi nghe được câu nói : “Mợ đối với con dâu thật không có một điểm gì để chê trách”.
Trong những lần giúp mẹ tôi tính toán sổ sách tôi ngạc nhiên về trí thông minh của bà. Mẹ tôi thuộc thế hệ xưa không được đi học nhiều, trình độ có lẽ chỉ ngang mức tiểu học. Bà viết những câu văn không thành cú, chữ viết lại nghệch ngoạc như gà bới. Để tính tiền cau – những con số thành thường lớn đến mấy trăm ngàn – chúng tôi phải lấy giấy bút cặm cụi làm những con tính nhân chia. Thế mà chỉ liếc qua giá thành là bà đã gật gù đồng ý hoặc bà nói : “Con tính sai rồi, tính lại đi !” Trăm lần như một mẹ tôi nói đúng ! Tôi tự hỏi với cái trí thông minh ấy cộng với sự lanh lẹ của bà nếu mẹ tôi ra sinh ra trong một hoàn cảnh khác hoặc một thế hệ khác được ăn học thì tôi không biết là bà sẽ tiến xa đến đâu.
Mẹ tôi viết thư cho những bạn hàng cau bao giờ cũng nhập đề bằng câu : “Tôi có lời hỏi thăm bà được mạnh khỏe tôi mừng…”. Biết như thế mỗi lần viết thư cho bà chúng tôi viết sẵn trước, khi bà vừa đọc xong câu đó thì chúng tôi nói ngay : “Con viết xong rồi, mợ đọc tiếp đi !”. Người mà mẹ tôi viết thư giao dịch nhiều nhất ở Hội An là bà Phước Xuân mà chúng tôi còn gọi là cô Năm Dung. Trong ba mươi năm giao dịch buôn cau với hiệu Phước Xuân chúng tôi đã viết đến cả mấy trăm lần câu Kính gửi bà Phước Xuân… Tôi có lời hỏi thăm bà được mạnh khỏe tôi mừng… Chính tôi đã dán không biết bao nhiêu con tem để gửi về địa chỉ hiệu Phước Xuân số 37 đường Nguyễn Thái Học ở Hội An. Những lá thư đưa tôi về một thành phố mà từ hồi tấm bé tôi đã nghe nói tới nhiều lần. Hội An. Làng Cẩm Phô. Họ Nguyễn Tường. Chốn ấy mơ hồ trong tâm tưởng tôi như một miền quê hương hư ảo.
Năm 1964, một năm sau khi bố tôi qua đời, lần đầu tiên tôi có dịp đến tỉnh Quảng Nam thăm thành phố Hội An. Cảm tưởng đầu tiên của tôi ra sao nhỉ ? Khi đến một nơi đã được nhắc nhở hoài trong quá khứ ? Thay vì bắt gặp một quê hương trong tâm tưởng, tôi bàng hoàng nhìn thấy một Hà Nội xưa cũ của tôi. Một Hà Nội lồng vào Hội An trong từng căn nhà, từng con phố. Từ căn nhà từ đường của dòng họ ở gần chùa Cầu tôi rảo bộ trên đường Nguyễn Thái Học để tìm hiệu Phước Xuân bỗng thấy mình lạc vào phố Mã Mây vào ngõ Phát Lộc vào những con phố cổ mà tôi đã lìa xa mười ba năm trước. Trên đường tôi đi qua chùa Cầu thằng bạn cũ Đỗ Bá Viễn vẫn nhỏ bé như ngày nào giơ tay chào tôi, tôi nhìn lại căn nhà xưa của mình ở phố Hàng Bè và tất cả Hà Nội từ từ hiện ra. Rưng rưng. Bé nhỏ. Thân thương. Tôi ra đi khi tôi còn là cậu học trò tiểu học, tôi trở về “Hà Nội” đã là một giáo sư. Mười ba năm đủ xa để Hà Nội trở thành kỷ niệm. Đất nước chia đôi càng khiến ngày về trở thành vọng tưởng, khiến đường về trở thành thiết tha.
Mấy ngày ở Hội An tôi ở nhà cô Năm Dung. Người con trai của cô tên là Tinh dẫn tôi đi chơi thành phố. Chúng tôi đạp xe đến cửa Đại tắm và ăn đồ biển trong những quán lá dưới bóng rợp lưa thưa của hàng cây thùy dương. Chiều đến chúng tôi ngồi trên sân thượng sau nhà nhìn con đường Bạch Đằng và dòng sông Thu Bồn lấp lánh ánh nắng. Bên kia sông nơi mà suốt đời tôi chưa từng đặt chân tới có làng Cẩm Phô. Nơi đó mới là chính quê của họ Nguyễn Tường. Nơi đó mới thực sự là miền quê hương hư ảo của tôi.

*

Bốn mươi năm đã qua kể ngày tôi đặt chân lần đầu xuống đất Quảng Nam. Bốn mươi năm sau tôi trở về Hội An với một tâm cảnh khác. Đã bao nhiêu nước chẩy qua cầu. Từ dạo đó. Tôi trở về lần này trên chuyến tàu hỏa mang theo ba bình tro của nhữngngười tôi yêu thương nhất. Đó là bố mẹ tôi và người chị cả. Nếu đường về quê cũ của bố tôi và người chị cả từ Sài Gòn đi Hội An tương đối gần thì con đường của mẹ tôi đi thật dài, dài đến nửa vòng trái đất. Tháng Tư năm 1981 anh Việt tôi từ bên Pháp trở về Việt Nam dìu mẹ tôi lên máy bay sang Pháp chữa bệnh. Mẹ tôi mất ở Paris, cùng năm. Hai mươi năm sau, năm 2001, cũng vào tháng Tư anh Việt lại ngồi trên máy bay trở về Sài Gòn nhưng lần này tay anh mang bình tro người mẹ. Bình tro của ba người được chôn cất ngày 28 tháng Tư năm 2001 tại nghĩa trang riêng của họ Nguyễn Tường ở Hội An.
Cả cuộc đời buôn cau của mẹ tôi, bà Cẩm Lợi, gắn liền với chiếc sập gụ. Bà sống trên nó. Bà ngủ trên nó. Đó là một cái sập quý làm bằng gỗ lim màu nâu bóng, rắn chắc và trạm trổ. Mặt sập cao hơn đầu gối của tôi bây giờ. Thuở ấu thơ ở Hà Nội bàn tay nhỏ bé của tôi thường mân mê bốn cái chân sập bóng loáng nổi phồng lên phía trên và eo thắt lại ở phía dưới. Ngón tay nhỏ bé của tôi thường sờ dọc theo con đường rãnh có trạm những hạt gỗ nổi trông như chuỗi tràng hạt gỗ màu nâu bóng của mẹ tôi. Cái sập gụ ấy từ Hà Nội theo mẹ tôi vào Nam. Rồi cái sập ấy lại từ Sài Gòn theo mẹ tôi sang Pháp. Nay mẹ tôi trở về Hội An. Cái sập để lại ở Paris được trưng như một cổ vật trong phòng khách của một người chị họ.

Mẹ tôi không cần chiếc sập gụ ấy nữa. Bà xa rời nó như xa rời cuộc đời nhọc nhằn. Bà Cẩm Lợi đã trả xong cái nghiệp mà chúng tôi kính cẩn ghi ơn. Bây giờ nằm vĩnh viễn bên chồng mẹ tôi mãi mãi là bà Tam của chúng tôi.

Mùa Hạ, năm 2005.
Nguyễn Tường Thiết

.

* Chân thành cảm tạ nhà văn Nguyễn Tường Thiết đã cho phép Amicale BPDN đăng bài này nhân Ngày của Mẹ – Fête des Mères 3-6-2012.

.