Catégories
Hương Quê

Cà kê chuyện Gà năm Dậu

Đặng Tiến (BP60)

.

Quê tôi có lời hát ru thiệt hay :

_ Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh

Câu hát đơn giản truyền đi một thông điệp hoà bình và hạnh phúc, giấc mơ đã xuyên triền miên qua nhiều thế hệ.

Ước mơ hòa bình : quạ là loài ác điểu chuyên ăn cướp trứng và bắt cóc gà con ; gà là loài gia cầm hiền lành, nhưng khi bảo vệ ổ trứng và đàn con cũng trở thành hung tợn, thường đánh bạt đối phương.

Ở đây hai con chim thù địch hợp tác làm chung một việc. Quạ chim trời, ở vị thế cao, làm việc chủ đạo là lợp nhà ; gà, chim chuồng, ở vị trí thấp, đưa tranh làm việc trung gian ; cu, biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, chẻ lạt, tạo điều kiện ràng buộc.

Về câu ca dao này, nhà thơ Thanh Thảo đã co nhận xét tinh tế : quạ làm thợ cả, gà làm thợ phụ. Thật thế quạ lqé chim trờivà chim dữ, sống bằng bạo lực, ở đây khởi sự lợp nhànghĩa là được “cải tạo”, thuằn hoá theo nghĩa “apprivoiser” cũa Saint Exupéry trong Hoang Tử Bé : con chồn đã được thuần hoá bởi tình cảm.

Ước mơ hạnh phúc : mái nhà, lợp tranh – trong một xứ sở nghèo – bình thường che mưa che nắngvà khi cần có khả năng chống đỡ giông bão. Mái nhà trước tiên bảo vệ cơ thể, sau đó tạo điều kiện cho hạnh phúc cá nhân hay đôi lứa và gia đình, tộc họ. Mái nhà tượng trưng tình thương và sum họp. Vợ chồng gọi nhau là nhà, một hoán dụ và ẩn dụ thắm thiết. Mà tượng trưng cho ngôi nhà là mái nhà : mẹ già phơ phới mái sương, hình ảnh trong Chinh Phụ Ngâm thật tuyệt vời.

Hang động là địa chỉ đầu tiên của loài người, thuộc về thiên nhiên.Mái nhà, nhân tạo, là tiền trạm của văn hoá, của tiến bộ ; nò di chuyển, di cư, di tản, nhưng dù ở chân trời nào, khí hậu nào, mái nhà vẫn là trạm cuối của đời người. Thậm chì ở thế giới bên kia, Đạm Tiên khi về báo mộng cho thúy Kiều, dã cho địa chỉ : hàn gia ở mé Tây thiên, dưới dòng nước chảy…Do đó công việc lợp nhà ở đây rất ý nghĩa. Chữ lợp nôm na mà chính xác, vì chỉ có một công dụng từ vựng duy nhất : người ta lợp nhà chớ không lợp gì khác. Lợp tranh, rạ, lá dừa hay lợp ngói, lợp tôn thi vẫn là lợp nhà. Hai động ngữ kia cũng vậy : Chẻchẻ lạt đưa tranh. Chẻ là rọc theo chiều dọc, nương theo thớ tự nhiên của thân cây, đối lập với chặt và đứt ngang làm đứt đoạn ; đưa là động tác trung gian, như trong chữ đưa đò, đưa thư. Như vậy cả chùm ba động ngữ đều mang chung một ý nghĩa tiếp nối, ràng buộc. Danh từ chủ thể cũng nôm na : quạ, cu là tiếng tượng thanh, nhại tiếng chim ; tuy là gốc Hán nhưng du nhập từ lâu, có thể là qua tiếng Thái (Kai là gà). Cả ba loài chim đều la hình ảnh thân thuộc của thôn quê.

Còn lại chữ chiều chiều đậm tình mà nhạt nghĩa. Nhạt nghĩa vì chẳng nhẽcứ mỗi buổi chiều lại rủ nhau đi lợp nhà ? Ý nghĩa cuả nó chỉ là âm vang tình cảm.
Chiều chiều mở ra một thời gian nhớ nhung trong một chân trời mộng mị ; nó chỉ là giai điệu đẩy đưa. Ca dao Việt nam có hơn một trăm câu nhập đề chiều chiều như vậy.

Có người cho rằng câu hát ru nói trên bắt nguồn từ lối hát Bài chòi ngày Tết ở miền Trung, khi rút ra con bài Ba Gà, người hô sẽ ngân nga : “Chiều chiều… Con quạ… con cu… con gà, là ba con, uớ là con Ba Gà…”. Nhưng có lẽ người hô Bài Chòi khéo sử dụng một câu ca dao có sẵn từ trước.

Về sau có ngưới ráp nối thêm :

(…) Chèo bẻo nấu cơm nấu canh
Chìa vôi đi chợ mua hành về nêm
(…) Chuồn chuồn đi bán chiếu manh
Niềng niễng lót ổ, vàng anh vô nằm

Nhưng chỉ là cho câu chính loãng đi. Như bóng chiều còn lưu luyến.

Tranh Gà Đông Hồ

_ Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Câu thơ Hoàng Cầm thật đằm thắm, dù làm trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đang gay gắt, cụ thể là tháng 4/1948. Đông Hồ, quê Hoàng Cầm, là tên làng ven sông Đuống, tỉnh Bắc Ninh, nay là Hà Bắc, nổi tiếng về loại tranh dân gian thường được chưng bày ngày Tết từ thế kỷ XVII.

Hoàng Sĩ Khải, Tiến sĩ khoa 1544, trong bài thơ dài hơn 300 câu, Tứ thời khúc Vịnh, tả cảnh Tết vùng Thăng Long :

_ Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm
Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương

Thọ Dương là hoa mai, theo điển cố

Như vậy tranh Gà, ngày nay là trang trí, xưa kia có tác dụng trừ tà, có lẽ vì con gà gáy sáng, có khả năng xua đuổi bóng tối và tà ma, mang lại ánh sáng, bình an, tin tưởng, sức khỏe, dương khí cho con người. Do đó, tranh gà được phổ biến trong nhiều loại tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng.

Thật ra, không cứ gì ở nước ta, con người đâu đâu cũng cần ánh sáng và hơi ấm của mặt trời, hình tượng gà, do đó được trọng vọng ở nhiều nền văn hóa khác nhau, như con gà trên đỉnh nhà thờ Thiên Chúa giáo ở phương Tây.

Tại nhiều nước, gà lại có ý nghĩa riêng : Ở Nhật Bản, gà quan hệ với Thái Dương Thần Nữ ; ở Pháp, gà là biểu tượng dân tộc dòng dõi gô-loa (gaulois) một danh từ đồng âm với tên gà bằng tiếng La-tinh (gallus) – và nhiều chuyện gà khác kê khai ra thêm cà kê dài dòng.

Chúng tôi chỉ nhấn mạnh vào tranh Gà Việt Nam, hình ảnh của ngày Tết âm lịch thịnh hành vì nhiều lý do. Ngoài niềm tin tự nhiên, như trên đã nói, còn có những lý do văn hóa. Theo sách vở xưa và truyền thuyết, thì gà trống ứng vào tháng Giêng, ngày mồng Một cũng mang cầm tinh gà, do đó, con gà biểu tượng cho ngày Tết Nguyên Đán.

Văn, Vũ, Dũng, Nhân, Tín

Hình ảnh gà trống cánh lông sặc sỡ, dáng dấp oai dũng còn tượng trưng năm đức tính : mào đỏ giống mũ cánh chuồn là văn (chữ Hán mào gà gọi là quan, đồng âm với quan (mũ) và quan (chức) ; cựa sắc nhọn như gươm là  ; đấu đá không sợ địch là dũng ; chia mồi cho gà con là nhân, gáy đúng giờ là tín.

Một đức tính không nghe sách vở ca ngợi, là khả năng tính dục, nôm na là “đạp mái”. Do đó tranh Gà thường kèm theo phụ đề như Thần Kê (Gà Thần) với chữ Kê thần chú viết thảo, có tác dụng trừ tà ; hay Đại Cát (vui lớn) ; Nghênh Xuân ; tranh “Bé trai ôm gà trống” còn có tên là Vinh Hoa, có phần trọng nam khinh nữ lỗi thời.

Bên cạnh hình ảnh gà trống, còn có tranh Trống Mái : Gà Thư Hùng , Gà Đàn, Trống MáiĐàn con với hảo ý chúc tụng gia đình đông đảo và đông đủ, hòa thuận, ấm no trong truyền thống tư tưởng dân gian.

Gà mái tượng trưng cho tình mẹ con :

_ Con rắn không chưng (chân) lượn năm rừng bảy rú
Con gà không vú nuôi đặng chín mười con

Cho đến gà rừng cũng biết thương con :

Cuốc kêu réo rắt đầu non
Gà rừng táo tác gọi con tha mồi
Lạnh lùng thay láng giềng ơi…

Gà con tượng trưng cho tình cảm anh em, đồng bào, đùm bọc, thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau vì “cùng một mẹ”. Tranh Đông Hồ gợi lên được những tình ý ấy.

Nhà thơ Hoàng Cầm đã không cường điệu khi viết :

_ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Màu là cách nói tượng trưng, hoán dụ, ám chỉ tổng thẻ nghệ thuật Đông Hồ, từ chất liệu đến kỷ thuật.

Chất liệu trước tiên là giấy : giấy dó làm bàng cây dó, mọc hoang trong rừng núi, do các làng Bưởi, làng Cót, ngoại thành Hà Nội sản xuất. Nguyễn Tuân co chuyện Cô Dó trong loạt Yêu Ngôn là chuyện làm giấy. Gọi là giấy điệp vì nghệ nhân phất lên một lớp màu trắng, làm bằng vỏ con điệp (một loài sò óc) nghiền thành bột, khiến cho chất giấy cứng xốpvà vân lê màu nền độc đáo.Màu dân tộc khác là màu vàng lấy từ hoa hòe hay hạt đành đành, màu đỏ vang lấy từ gỗ cây vang, màu đỏ son lọc từ sỏi quăng, màu xanh của lá chàm, màu đen than lá tre khô. Nghệ thuật dân gian chơn chất nay đã gây ấn tượng và hứng thú, ngạc nhiên và kính phục cho nhiều họa sĩ tân học như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đõ Cung, Nguyễn Sáng.

Và trong Thơ, nhiều tác giả đã nhắc đến tranh Đông Hồ, như Đoàn văn Cừ :

_ Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
(Chợ Tết)

Và đặc biệt nhất là Vũ Hoàng Chương, vào ngày Tết Bính Thìn 1976, đã làm bài thơ xuân cuối cùng của đời mình :

Vịnh tranh Gà Lợn
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn, om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh

Gà bôi phẩm

Nhà văn Thạch Lam, trong Nhà Mẹ Lê, miêu tả một gia đình cùng khổ, mà ông đã thật sự quan sát bên hàng xóm.

Nhà mẹ Lê là một gia đình một mẹ với mười một người con (…)Mười một đứa mà đứa lớn mới có mười bảy tuổi, đứa bé nhất hãy còn phải bế trên tay (…).

Trong ngày hè nóng nực, con bác Lê đứa nào cũng lở đầu, nên bác lấy phẩm xanh bôi cho chúng nó. Trông mẹ con bác lại giống mẹ con một đàn gà, mà người ta bôi xanh lên đầu cho khỏi lẫn

Đàn gà bôi phẩm xanh ở đây không biết rõ là gà thật trong sân, hay cảnh Gà Đàn trong tranh dân gian.

Chửi mất gà là văn hóa ?

Nói chuyện con gà trong văn học nghệ thuật dân gian, nếu chỉ điểm qua truyền thống cao siêu, những tình ý tinh tế mà không đề cập đến chuyện chửi mất gà, thì quả là một khiếm khuyết trầm trọng. Trầm trọng vì thiếu tính cách… nhân dân, vì chửi mất gà cũng là một nét văn hoá.

Ví dụ một trích đoạn chửi mất gà miền Núi Nùng Sông Nhị :
“Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn. Con gà nó ở nhà tao nó là con gà, nó sang nhà mày nó là thần đanh đỏ mỏ…”

Miệt Núi Ngự Sông Hương, lời chửi còn ngân nga hơn :
“Hôm qua tau mất con gà mái dầu khoang cổ. Hôm ni tau mất con gà mái nổ khoang bông. Con mô bắt là gái trốn chúa lộn chồng. Thằng mô bắt là đàn ông ba đời đi ở đợ… Tụi bay hãy vén mái tai, gài mái tóc, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp mà nghe tao chửi…

Bay ăn cho chồng bay sợ, cho vợ bay kinh, bay ăn cho ngã miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết, để một mình bay ăn.”

Và như thế người chửi cứ ca cẩm hằng giờ, hằng buổi. Lời lẽ ở đây chủ yếu là vần vè, câu chữ tầm thường, khuôn sáo, nhưng không phải là không có văn chương. Nhìn dưới góc độ dân tộc học, nó cũng là một khía cạnh văn hóa.

Thơ hay về gà

Nằm trên biên giới giữa văn học viết và truyền khẩu là câu thơ “gà” này :

Phất phơ ngọn trúc, trăng tà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Nguyên là sáng tác của Dương Khuê (1839 – 1902), tả cảnh Hà Nội. Thọ Xương là tên huyện, khu thương mại, kết hợp với huyện Vĩnh Thuận, phía Hồ Tây lập thành phủ Phụng Thiên, sau đổi là Hoài Đức, là tên cũ của thành phố Hà Nội. Trấn Vũ là tên đền, còn gọi là Trấn Quốc hay Trấn Bắc, nằm trên một bán đảo nhỏ ven Hồ Tây.

Câu thơ có âm vang dân dã nên được phổ biến, nhiều người nhầm với ca dao, và lan truyền đi, theo những ngọn gió la đà, vào tận Thiên Mụ, Thủ Thiêm

Nền văn chương quốc ngữ, nhất là phong trào Thơ Mới 1932 – 1945, hình thành song song với sự phát triển các đô thị. Thời ấy, những thành phố lớn vẫn còn vọng âm thôn dã. Mà tiếng gà gáy là âm vang biên giới giữa nông thôn và thành thị – quá khứ và hiện tại. Do đó mà văn thơ eo óc tiếng gà, từ Lưu Trọng Lư đến lời nhạc Trịnh Công Sơn sau này.

Xao xác gà trưa gáy não nùng

Nhiều người thuộc câu thơ thật hay này của Lưu Trọng Lư. Chữ trưa đứng giữa câu như mặt trời đứng bóng, giữa hai âm g (gà-gáy) cân phân giữa hai cặp nguyên âm luyến láy khác : xao xác, não nùng ; tất cả loang xa trong không gian bằng phụ âm a.

Tế Hanh cũng đã tạo được tiếng gà não nùng như thế :

_ Sang bờ tư tưởng ta lìa ta
Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà

Nguyên âm t luyến láy 7 lần trên 14, như tiếng gà xé rách nội tâm.

Nhưng nhà thơ thân thiết nhất với loài gà có lẽ là Huy Cận, tác giả ngơ ngác tựa gà trống. Phải yêu tiếng gà sâu sắc mới làm được bài thơ này, trích trọn bài :

Gà gáy đầu thôn, gáy giữa thôn,
Mưa tinh sương mát tận tâm hồn.
Đêm qua tắt gió cây không ngủ,
Mưa sớm hàng cây đứng ngủ ngon.
Gà gáy trong mưa tiếng vẫn trong,
Giọng kim giọng thổ rộn vang đồng.
Được mùa giống mới, gà no bữa,
Tiếng gáy tròn như lúa nặng bông.

Núi Tản như con gà cổ đại
Khổng lồ, mào đỏ thắp bình minh.
Mênh mông gọi nắng cho mùa chín,
Từ buổi Sơn Tinh thắng Thủy Tinh.

Bài thơ làm năm 1972, tác giả tự giải thích bằng một tựa đề dài : Gà gáy trên cánh đồng Ba Vì được mùa, dài dòng một cách không cần thiết, nó lại hiện thực hóa bài thơ, giới hạn khả năng truyền cảm của tiếng gà.

Năm 1962, Huy Cận có bài Sớm mai gà gáy tả cảnh nông thôn, thơ súc tích, rạo rực, sâu lắng, riêng tư :

Tiếng gà gáy ơi ! gà gáy ơi !
Nghe sao ấm áp tựa nghe đời.
Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp,
Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi.
Cha dậy đi cày trau kịp vụ,
Hút vang điếu thuốc khói mù bay.
Nhút cà, cơm ủ trong bồ trấu,
Chút cá kho tương mẹ vội bày. Gà gáy nhà ta, gáy láng giềng,
Ta nghe thuộc mỗi tiếng gà quen
Cha ơi con chửa nghe gà chú !
Nó cũng như mày hay ngủ quên. Hàng cau mở ngọn đón ngày vào,
Xóm nhỏ nép bên triền núi cao.
Gà lại gáy dồn thêm đợt nữa,
Nắng lên xòe quạt đỏ như mào.

Gà gáy ơi ! tiếng gà gáy ơi !
Nghe sao rạo rực buổi mai đời !
Thương cha lủi thủi không còn nữa,
Chẳng sống bây giờ thôn xóm vui.

(gáy ran = gáy vang ; ràn = chuồng trâu, bò (chính xác là phần trên của chuồng, nơi gác nông cụ) ; cày trau = cày vỡ, lật đất phơi cho ải, dễ tơi ; nhút = dưa muối làm bằng xơ mít)

Đời thực, cảnh thực, nhưng hiện thực đã nhập tâm, nhập thần, trở thành ma lực truyền cảm, yếu tính của nghệ thuật. Triền núi cao, đỏ như mào là cảnh thật, một rặng núi tên là Mồng Gà gần làng Ân Phú, quê hương của Huy Cận, một vùng cận sơn Hà Tĩnh.

Huy Cận đã trải qua thời thơ ấu, lang thang, đùa chơi, chăn trâu, thả diều dưới chân núi, và có thể cái tên núi Mồng Gà, kết hợp với tiếng gà gáy, đã suốt đời ám ảnh nhà thơ.

Khi anh tả núi Tản Viên “mào đỏ thắp bình minh” thì đã di chuyển tâm cảnh Mồng Gà từ ấu thời sang hiện thực, và từ hiện thực gợi lên huyền thoại.

Thậm chí khi ra biển khơi, anh vẫn lắng nghe Tiếng gà trên biển :

_ Tiếng gà trên biển hạ cung trầm,
Tiếng sóng hòa theo chẳng tạp âm.
Tiếng sóng làm nền cho tiếng gáy,
Trầm bao nhiêu, lại bấy xa xăm.
Câu cuối súc tích, yêu cầu được hiểu theo nhiều giai tầng khác nhau trong địa chất của thi pháp Huy Cận.

Năm 1967, Mỹ ném bom bắn phá dữ dội khu Tư. Huy Cận về sống tại vùng Thanh Hóa 3 tháng dưới bom đạn, giữa những ầm vang long trời lở đất thì nhà thơ lắng tai nghe :

Đây là giờ trưa. Những con gà cục tác.

Bài Giờ trưa làm tại Hàm Rồng bắt đầu như vậy. Và kết thúc :

_ Buổi trưa ấm lại bốn bề tiếp tục,
Con gà mái lại đâu đây cục tác.

Dụng ý nhà thơ là chọn một hình ảnh tầm thường đẻ nói lên sự bình tĩnh của người dân, ở cuộc sống, trước thảm họa của chiến tranh.

Xuân Diệu và Võ Phiến viết về Gà

Biết rõ vị trí con gà trong tâm thức Huy Cận thì sẽ thân thiết hơn với câu thơ tả cảnh gánh xiếc thời thơ ấu, trong tập Lửa thiêng (1940) :

_ Có chàng ngơ ngác tựa gà trống
E đến trăm năm còn trẻ thơ

Hình ảnh ngớ ngẩn, nhưng hay, thậm chí hay hơn nhiều câu duy lý khác về sau của Huy Cận, được nhiều người ca tụng.

Trong Lửa thiêng, Huy Cận có bài Em Về Nhà rười rượi, man mác :

_ Tới ngã ba sông nước bốn bề,
Nửa chiều gà lạ gáy bên đê
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc ;
Bến cũ thuyền em sắp ghé về.

Âm vang “gà lạ” ngân lên thê thiết. Xuân Diệu đã phê là “trìu mến, chứa cảnh, chứa hồn, chứa cả những gì không thể nói được, đây là Ngã ba Tam Sa, trên sông Phố, tại Linh Cảm, ở quê Hà Tĩnh của Huy Cận, đã thấm vào chú học sinh từ mấy mươi năm trước”

Địa danh Xuân Diệu đưa ra, đã gây xúc động nơi Võ Phiến, trong một buổi “Đàm Thoại” với Nguyễn Xuân Hoàng, năm 1993 (không can dự gì đến tiểu sử Huy Cận).

Linh Cảm là một làng nhỏ, cách Vinh 30 km về phía Tây Nam. Võ Phiến kể :

“Địa danh ấy làm tôi liên tưởng đến mối tình đau đớn của người bạn lớn hơn tôi ba bốn tuổi…Người nữ sinh anh yêu chính ở Linh Cảm. Bấy giờ nào tôi biết Linh Cảm là đâu, nhưng cái cách anh nói đến hai tiếng Linh Cảm trong những đêm tâm sự truyền cho nó bao nhiêu là thắm thiết, bi thương, quằn quại (…) Đang dạy học ở Huế, anh bạn bỏ dạy, hỏi đi đâu, bảo nghe mách có chỗ dạy ngoài Hà Tĩnh, muốn ra xem thử. Lại lần khác gặp biến cố lớn, gia đình chờ mãi bặt tin anh. Về sau anh về, bảo rằng, lúc ấy bị kẹt ở Linh Cảm, v.v. . Tôi lén lút nhìn anh, thương xót

Từ đó tiếng gà lạ gáy bên đê lại gợi lên trong trí tôi những liên hệ u uẩn, khổ đau, gợi một nét mặt đẹp dịu dàng, và buồn bã ; cái ngã ba sông nước bốn bề tự dưng liên hệ với nỗi đau âm thầm một đời…”

Dĩ nhiên, đây là cả một câu chuyện đầy tình tiết, tình cảm, tình bạn, tình yêu. Nhưng nhà văn cảm nhận cả khối “u uẩn” đó, vì câu thơ hay và anh đã yêu thích từ trước, thời anh chưa có kinh nghiệm văn học để “mình càng gần gũi lâu một ngôn ngữ, càng thấy nó chất chứa trong mỗi lời, mỗi tiếng lắm điều ngổn ngang. Hãy thư thả, thư thả. Để cho mỗi tiếng từ từ nhả ra hết cái chứa đựng tình cảm của nó” (sđd).

Góc bể chân trời, tuổi xế bảy mươi. Võ Phiến viết như vậy là đã tận tình với văn chương và tận nghĩa với cuộc đời. Nhưng tôi vẫn muốn đi xa hơn nữa với anh. Sở dĩ Võ Phiến “linh cảm” được với tiếng gà Ngã Ba Tam Sa trên sông Phố, là vì bản thân anh, cũng như Huy Cận đã bị tiếng gà ám chướng.

Trong tập tùy bút Thư Nhà (1962), Võ Phiến kể chuyện làng quê Bình Định trong chiến tranh. Năm Thiều, dân vệ xã, bị hạ sát ; người cha là Thập Tam làm phó thôn trưởng nhận thư cảnh cáo, phải lánh vào Sài Gòn, sống nhờ người con gái, “tính ở đây luôn, vì ngán ngoài đó lắm”. Chỉ được vài tháng, vào ngày áp Tết, lại bỏ về quê, vì một tiếng gà trái chứng.

Người con gái kể lời cha, vào khoảng 9 giờ tối :

“Hai ba đêm nay tao nghe con gà nòi nhà phía cuối đường cứ gáy vào giờ này. Sung sức quá rồi đó nghe. Gà của ai đó, phải nói với họ cho “xổ” đi. Xổ là cho gà nó đá nhau qua loa cho bớt sung sức. Nhà tôi cười : ai hơi sức đâu đi tìm chủ gà, ở thành phố này hơi nào để ý… Vậy mà rồi bữa sau, cậu tôi tìm tới ông cụ ở cuối đường làm quen, nói chuyện gà đó !
Vậy là ông cụ “nhớ làng xóm quá rồi…ở chốn thị tứ xe cộ ồn như vầy mà để lỗ tai lắng đón không sót một tiếng gà gáy…”
“Thôi, thế là cuối năm, một người nữa lại quay về, gắn liền vận mệnh mình với số phận làng mạc.”

Thôi thì chuyện cà kê gà ngoé Tết Ất Dậu năm nay nên ngừng lại ở đây, nơi tiếng gà lạc loài, eo ốc, não nùng này.

Thay lời kết

Con gà thường trực trong phong cảnh nông thôn, từ vườn rộng rào thưa, đến ngã ba sông nước bốn bề, sớm trưa, chiều tối ; con gà thân thiết trong tâm cảnh Việt Nam, từ lời ăn tiếng nói hàng ngày cục tác lá chanh, đến bàn thờ ông bà ngày giỗ tết, vào đến văn thơ, tranh pháo ngày Xuân.

Chuyện gà ngày Tết, nói bao nhiêu cũng không hết những ý những tình mà Bàng Bá Lân đã gợi lên trong một câu thơ ngắn gọn :

Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh Lợn – Gà

Orléans, xuân Ất Dậu 2005
Đặng Tiến

.

Catégories
Hương Quê

Một Góc Huế Xưa

Tôn nữ Thanh Thanh (BP60)

.

Đã ba mươi năm rồi…
Ba mươi năm bao nhiêu đổi thay, ngày nào tóc còn xanh giờ đã ngả màu sương khói… Mùa Xuân, kỷ niệm chợt kéo về khuấy động tâm tư…

Xứ Huế của tôi, như mọi người thường nhận xét, ở gần thì thương, ở xa thì nhớ. Huế tuy nhỏ nhưng có những vùng riêng biệt : hai bên cầu Trường Tiền là hai miệt khác nhau. Một bên cầu có chợ Đông Ba, có Thượng Tứ, có Gia Hội, bên kia cầu là cầu Bạch Hổ, là Phủ Cam, là Đài Phát Thanh, là Đập Đá. Bên kia Đập Đá là Vĩ Dạ, Thuận An, bên ni Đập đá là Chợ Cống, Phú Xuân…

Ngày xưa tôi ở bên ni cầu, bên ni Đập Đá, khu có hai trường trung học nổi tiếng miền Trung là Trường Đồng Khánh và Trường Quốc Học, tôi ở bên ni Đập Đá quẹo phải đi về Chợ Cống. Không hiểu sao lại có cái tên Chợ Cống quê mùa như rứa mặc dù Chợ Cống đã đào tạo ra thật nhiều nhân tài, xấu tốt tùy người, nhưng ít nhất cũng có danh tiếng.

Tướng Tôn Thất Đính, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đều lớn lên và qua tuổi thanh niên ở Chợ Cống, đạo diễn Lê Mộng Hoàng cũng lớn lên từ Chợ Cống và hiện vẫn còn ở lại quê hương. Các danh ca Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết cũng trú ngụ ở Chợ Cống khi hai người mới bắt đầu sự nghiệp cầm ca ở Đài Phát Thanh Huế. Đầu năm, tôi kể hầu bạn đọc sinh hoạt Chợ Cống của tôi, biết đâu không mang lại cho quý bạn một vài phút giây mơ mộng của một góc nhỏ xứ Huế giờ tuy còn đây nhưng đã thật xa trong quá khứ.

Tôi lớn lên trong căn nhà của ông nội tôi nằm ven bờ sông Hương nhìn ra Đập Đá, trên con đường Chợ Cống bây giờ được đổi tên là Nguyễn công Trứ – con đường Chợ Cống chạy dài xuống tận Phú Xuân. Đời sống ở cái góc nhỏ xứ Huế này thật khép kín, thật êm đềm nhưng bên trong là cả một trời kỷ niệm tuy đầy sóng gió. Người Huế khép cửa trong nhà nói chuyện hàng xóm. Tuy thầm thì với nhau nhưng… không thiếu chi tiết dù có dặm thêm mắm muối cho câu chuyện đậm đà, gay cấn hơn. Ông nội tôi có bảy người con, hai trai đi kháng chiến trong đó có cha tôi và năm cô con gái. Ngày cha tôi đi, tôi chỉ mới ra đời có mấy tháng, các cô săn sóc tôi… và bao nhiêu chuyện xứ Huế, nhất là ở góc Chợ Cống này các cô đều thầm thì bàn tán, tôi biết chuyện to chuyện nhỏ của góc Chợ Cống từ khi tôi chưa biết nói.

Mà Chợ Cống, Đập Đá của tôi thì thật nhiều chuyện. Người đẹp Chợ Cống thì có nữ ca sĩ Hương Thủy con giáo sư Tôn Thất Lương dạy Hán Văn trường nữ Trung Học Đồng khánh, có Tôn nữ Minh Đức của mối tình đầu thơ ngây với Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên trước khi chàng du học qua Pháp. Xa nhau tình cũng xa luôn, chàng ngưng liên lạc, nàng ở Quê Hương lên xe hoa với chàng sĩ quan trẻ sau này là Trung tướng Lữ Lan… Chuyện một chàng trai khác đi Pháp bỏ lại vị hôn thê là chị của nữ ca sĩ Hương Thủy nhưng cũng có đoạn kết màu hồng. Chàng đi du học, nghe tin chàng mê phồn hoa lấy vợ đầm, cô hôn thê con ông giáo sư nghèo ở đầu Đập Đá xin bạn bè chung góp lấy tiền đi tàu thủy qua Pháp đòi chồng. Nàng qua đến kinh đô ánh sáng thì chàng đã có vợ tóc vàng nhưng con gái Việt ngày đó không có nhiều nên một chàng bác sĩ Việt cưới nàng làm vợ. Họ sống bên nhau hạnh phúc đến ngày hôm nay… Lại còn thêm mối tình của cô tiểu thư trưởng nữ của tiệm vải Thuận Long lớn nhất cố đô Huế với chàng sĩ quan trẻ Tôn Thất Đính. Ngày mới trung úy chàng đi hỏi nàng làm vợ, nàng từ chối để cho chàng có động lực tiến thân, chỉ sau đó vài năm chàng được Tổng thống Ngô đình Diệm cho lên đến Trung tá và được nàng nhận lời làm vợ, cả xứ Huế ồn ào vì cái đám cưới của đôi trai hùng gái sắc vừa có quyền vừa có tiền nhất cố đô. Ngày đó, Trung tá to lắm, xứ Huế nhỏ xíu nên cô tôi kể chàng được đề cử đi làm tư lệnh một đơn vị quân đội ở Đà nẳng và hai vợ chồng được cả xứ Huế tiễn đưa đi làm quan xa.

Ôi cái xóm Đập Đá, chợ Cống của Huế xưa đã cho tuổi thơ của tôi thật nhiều niềm nhớ. Bên ni Đập Đá thì chuyện này, bên kia Đập Đá là Vĩ Dạ lại có chuyện khác… Tôi lớn lên với những chuyện tình của các cô gái đẹp Vĩ Dạ : chị em cô Dạ Khê nước da ngăm ngăm, dáng dấp mảnh mai đã làm cho nhiều chàng phải thức đêm nắn nót thư tình, chị em các cô Trà Mi, Diệm Mi ở Hàng Me một thời là Hoa khôi xứ Huế, bao nhiêu giấy mực đã được xử dụng để ca tụng nhan sắc của những nàng Mi.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Hàn Mặc Tử khen con gái gốc Vĩ Dạ có khuôn mặt chử điền, riêng tôi lớn lên không học chữ nho nên không biết “chữ điền” có phải là “vuông” hay không mà thấy các chị em cô Dạ Khê khuôn mặt vuông thật với nước da ngăm ngăm, đôi mắt lá dăm và thân hình mềm như cành trúc. Hình như các nàng thôn Vĩ này đã qua định cư ở quận Cam, chị em các cô Mi trắng như trứng gà bóc thì đang ở Pháp. Những người đẹp này bây giờ đã có tuổi, không biết họ có bao giờ thương nhớ cái góc Huế nhỏ xưa của một thời con gái đẹp như thơ ?

Xứ Huế ở miền Trung nghèo đất cầy lên sỏi đá thật nhưng sao đời sống mặn nồng êm ả, một đời sống mà ta không thể nào tìm thấy ở những đất nước văn minh sang giàu, ngay cả những năm tôi ở Saigon cũ cũng không thể nào tìm thấy được. Ngày tôi còn nhỏ, thật nhỏ, tối nào có trăng, mẹ tôi thường cho tôi đi theo bà ra Đập Đá đón những gánh cá tươi do mấy bà gánh từ Thuận An lên Huế bán, những con cá ngừ tươi rói đem về kho với dứa và ớt ăn với bún sao mà ngon tuyệt vời. Còn cái mưa ở Huế thì Nguyễn Bính cũng phải thua :

Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Giời mờ ngao ngán một loài mây

Trường Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập Đá mênh mang bến nước đầy
(Giời mưa ở Huế)

Mưa chừng ba ngày nước sông Hương dâng cao, tràn qua Đập Đá, chúng tôi lại được lội nước, nước tràn vô nhà, bàn ghế chất chồng lên, cả gia đình sống trên cao, chợ búa ngưng họp, chúng tôi lại được ăn cơm nóng với thịt, cá hộp… Bây giờ thấy đồ hộp mà ngao ngán, nhưng những ngày lụt lội bé bỏng xưa kia, cá hộp Maroc xào mặn với tiêu hành nước mắm sao mà ngon thế. Vài ngày sau nước hạ, cô tôi lại đón ghe thuyền đi câu trên sông Hương chạy ngang qua nhà để mua những rổ cá mờm vừa tươi vừa ngọt đem nấu canh với me đất mọc sau vườn. Canh cá mờm tươi, tôm tươi rim với thịt ba chỉ ăn với cơm nóng, chẳng có món ngon nào trên thế giới này bì được… Tuổi thơ ơi, sao mà nhớ quá !

Ngày ba tôi đi kháng chiến, mẹ tôi là cô giáo còn trẻ đẹp. Các cô tôi kể cho tôi nghe ngày đó học sinh trường Quốc Học Huế rất thương ba mẹ tôi. Ba tôi đi, mẹ tôi ở nhà với ba đứa con còn nhỏ. Trong những dịp liên hoan của trường Quốc Học, những nam học sinh thường lên hát tặng mẹ tôi bài “Đợi anh về” của Phạm Duy để an ủi mẹ tôi. Khi tôi biết đọc, tôi thấy trong nhật ký của chị tôi có bài hát đó, bài hát rộn ràng tình yêu Quê Hương của một xứ Huế bừng bừng khí thế kháng chiến chống thực dân.

Đợi anh về
Em ơi đợi anh về
Đợi anh về em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Thì em ơi, em cứ đợi
Đợi anh anh lại về trong tiếng cười ngạo nghễ,
Anh của em lại về…

Thanh niên Huế ngày đó mơ một ngày Quê Hương giải phóng, họ an ủi người cô phụ có chồng đi xa để rồi ngày Huế-Saigon-Hànội thông thương thì người rủ nhau ra biển vượt biên, người khăn gói giã từ vợ con đi tù không hẹn ngày trở lại. Chỉ vài năm sau,vấn đề áo cơm cũng làm cho Mẹ tôi quên ba tôi và đem chúng tôi rời khỏi Huế vào Saigon…

1975 ba tôi trở về không làm sao cười nổi vì gia đình đã tan nát, con thì đứa đi xa, đứa vào trại cải tạo và bỏ xác ngoài Vĩnh Phú xa xôi. Tiếng cười ngạo nghễ chẳng bao giờ vang lên trong căn nhà trống vắng với bàn thờ ông bà nội khói hương nhạt nhòa. Các cô tôi viết thư qua Mỹ kể rằng suốt ngày chỉ nghe cha tôi thở dài như xót xa như hối tiếc… Tôi lại lạc đề mất rồi, tôi đang kể chuyện Đập Đá, Chợ Cống một góc Huế xa xưa cho các bạn nghe trong những ngày đầu Xuân cơ mà !

Cái góc Huế ngày xưa đó đã để lại cho tôi bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, đã an ủi tôi thật nhiều trong những ngày xa xứ. Đập Đá cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của Bà Thân thị Nhân Đức, vợ của Giáo sư Hoàng Ngọc Thành… Đập Đá của tôi đáng nhớ thật phải không các bạn ?

Gần ba mươi năm xa quê hương, tôi vẫn hằng mơ có một lần được về thăm lại xứ Huế thân yêu. Năm vừa qua, trong chuyến về thăm quê cũ tôi đã đi tàu lửa từ Hànội về lại Huế. Chuyến tàu Thống Nhất rời Hànội lúc 10 giờ đêm và đến Huế vào lúc 12 giờ trưa hôm sau. Chuyến đi khá yên lành, có hạng ghế mềm, ghế cứng, couchette sạch sẽ, không thua Amtrak Mỹ và có phần sạch sẽ hơn TGV (xe lửa tốc hành) của Pháp. Các bữa ăn được nhân viên hỏa xa mặc đồng phục đẩy xe đi phát từng người, thức ăn để trong hộp bao giấy bóng. Lòng tôi nôn nao nghĩ đến giờ phút đặt chân lại nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi đi tàu lửa vì thèm nhìn lại nhà ga Huế. Nhà ga Huế để lại cho tôi những kỷ niệm êm đềm với người ông nội già thương yêu.

Ngày tôi học đệ tứ gia đình tôi đổi về Đànẵng, tôi học một năm ở trường Lycée. Vào dịp nghỉ hè tôi đi xe lửa về Huế thăm gia đình ông nội. Tôi đã sống những ngày hè thật vui bên ông và các cô trong căn nhà cạnh bờ sông, các bạn ngày nhỏ của tôi vẫn yên lành sống ở Chợ Cống và đi học trường Đồng Khánh, chỉ có tôi theo gia đình vô Saigon, lên Dalat ở nội trú rồi về Đà nẵng một năm. Về lại Huế tôi thấy mình như nhỏ bé lại trong tình thương của tất cả những người trong xóm Chợ Cống đã biết tôi từ khi mới ra đời cho đến ngày Mẹ tôi đem chị em tôi vô Nam. Cô bạn Giao Cầm ở đầu Đập Đá mỗi lần gặp lại tôi đều trêu chọc. Cô hay hỏi tôi : “Bộ ông nội mi đi làm công chức hay răng mà sáng mô cũng đúng tám giờ là thấy ông vác dù đi ngang nhà, chiều năm giờ vác dù về rứa ?” Hỏi ra mới biết ông nội tôi ngày ngày đi bộ từ Đập Đá lên chùa Tường Vân ở chân núi Ngự Bình để thăm bà cố. Ngày mô ông cũng đi về thật đúng giờ. Ngày nhỏ tôi nghĩ là núi Ngự Bình xa lắm, không biết ông tôi đi bộ bao lâu mới đến Chùa.

Tôi muốn nhìn lại nhà ga Huế vì thăm ông xong khi tôi rời Huế vô lại Đànẵng, tàu rời ga lúc 12 giờ trưa, buổi sáng sớm ông tôi đã xách dù đi bộ lên nhà ga, ông cho tôi tiền đi cyclo nên mười một giờ trưa tôi mới đi. Ông tôi là vậy đó, nuôi con khôn lớn, hai con trai đi kháng chiến lại chăm lo cho các cháu nội ngoại. Vậy mà khi ông tôi mất tôi đã không được có mặt cạnh ông, ba tôi đi kháng chiến về ông cũng không hết buồn vì anh tôi đi cải tạo và tôi thì xa mịt mù.

Chuyến này về thăm Huế tôi muốn nhìn lại nhà ga để nhớ lại bao sự hy sinh và thương mến của ông nội tôi đã dành cho tôi từ ngày tôi còn thơ ấu. Sau ba mươi năm nhà ga Huế đổi khác rất nhiều, rộng rãi và tiện nghi hơn xưa. Tôi gọi cyclo ngã giá về Chợ Cống, người phu xe đòi tám ngàn, chỉ có năm mươi xu Mỹ. Xe đi ngang hai trường Quốc Học, Đồng Khánh rồi Đài Phát Thanh, ngang qua cầu Trường Tiền rồi đến Tòa Khâm mới về Đập Đá và quẹo vào Chợ Cống. Con đường ngày xưa giờ vẫn êm mát, đã tháng chín nên những hàng cây phượng vĩ không còn hoa đỏ và cũng vắng tiếng ve sầu.

Đập Đá của tôi cũng thay đổi nhiều, nhà những người bạn nhỏ ngày xưa đã được thay thế bằng những mini hotels và quán giải khát. Những căn nhà kiểu biệt thự nằm trong hẻm đường Chợ Cống chạy dọc theo bờ sông Hương giờ đã biến thành quán Càphê đèn mờ. Chỉ một cái hẻm nhỏ mà có đến ba quán Càphê, ghế bàn đặt dọc theo bờ sông, buổi chiều vào giờ tan học các học sinh từng cặp đưa nhau đến ngồi tâm tình cho đến khuya. Nam nữ học sinh Huế bây giờ dạn dĩ không thua chi học sinh Mỹ, Pháp, nói chi đến học sinh, sinh viên Saigon ngày xưa. Họ tỏ tình nhau cụ thể chứ không qua lá thư e ấp của “Ngày xưa Hoàng thị” nữa. Huế của tôi giờ cũng như Saigon, Tân Định, cũng quán cóc, cũng hột vịt lộn bày bán khắp nơi, cũng ăn nhậu, các cô gái cũng mặt đồ bộ ra đường như con gái trong Nam.

Một tuần ở Huế với cô tôi, tôi được đưa đi thăm mộ ông bà nội và cha tôi ở chân núi Ngự Bình… Nó không xa như tôi tưởng, từ Chợ Cống đi taxi chừng hai mươi phút đã đến… Mộ ba tôi nằm cạnh mộ ông bà nội, cạnh đó có ngôi mộ của anh tôi được cô tôi ra trại cải tạo Vĩnh Phú hốt cốt về chôn. Ông Bà nội, ba tôi, anh tôi… ba thế hệ một cuộc chiến tương tàn. Ngày trở về sao mà buồn quá !

Từ Chợ Cống tôi cũng kêu cyclo qua chợ Đông Ba, ông phu xe đòi ba ngàn, chưa đầy hai mươi xu Mỹ, tôi lau chau trả giá hai ngàn xong vội vàng nói “Ông ơi, tui quen miệng chứ mấy (bao nhiêu) cũng được”. Tôi nặng có hơn bốn mươi kílô vậy mà lên dốc cầu trường tiền ông phu xe phải xuống đẩy chứ không đạp nổi. Lòng tôi chợt xót xa cho dân Việt thật nhiều. Hai mươi xu, bên Mỹ chẳng mua được gì…

Bảy ngày trôi qua thật mau. Rồi tôi cũng phải rời xóm Chợ Cống, rời xứ Huế của tôi để vào Saigon và đi về Mỹ. Buổi sáng đầu thu đầy nắng vàng cô tôi và các em đưa tôi lên ga… Lần này ra đi không biết khi nào gặp lại, cô tôi đã già, tóc bạc phơ. Nhìn cô tôi nhớ lại không biết bao nhiêu là kỷ niệm. Xứ Huế là cô ngày xưa với dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài thật dầy, thật đen, Chợ Cống, Đập Đá là cô với những câu chuyện đầu xóm cuối xóm, là những bát canh cá ngạnh nấu măng chua, canh cá mờm nấu me đất. Cô là tuổi thơ, là dĩ vãng êm đềm…

Tiếng còi tàu vang lên, tôi ngậm ngùi nhìn cô, nhìn xứ Huế thương yêu một lần cuối… Sân ga Huế buổi sáng đầu thu đầy nắng vàng sao mắt tôi rưng rưng lệ…

Ôi ! Nắng vàng sao mà nhớ nhung !
Có ai đàn lẻ để tơ chùng ?
Có ai tiễn biệt nơi xa ấy,
Xui bước chân đây cũng ngại ngùng
(Huy Cận)

.
TTT tự Thanh Vân

.

Catégories
Hương Quê

Giọng nói quê nhà

Nguyễn thị Thanh Xuân


Ta đi ta nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Á Nam Trần Tuấn Khải đã nói như vậy. Riêng tôi, xa quê hơn ba chục năm có lẻ, trong tôi nỗi nhớ giọng mỗi ngày một đậm. Có một ngày, bất chợt tôi nhận ra nỗi nhớ ấy, bàng hoàng. Một buổi chiều ở Bruxelles, lang thang cùng cô bạn, tôi ngẩn người khi nghe một giọng Quảng Nam. Và chúng tôi đã bỗng dưng tạm quên nỗi háo hức cảnh lạ đường xa, để tìm đến cái gia đình Quảng Nam kia, ngồi trên bộ ván mộc, nghe và nói miên man giọng nói quê nhà.

Giọng nói là cái gì vậy, mà sao ám ảnh ?
Giọng nói là cái đến với ta ngay từ phút đầu tiên ta oe oe chào đời. Khi ấy mắt ta còn nhắm tít, nhưng âm thanh reo mừng đã dội vào tai và in vào bộ nhớ ta. Rồi từng ngày nằm nôi, từng ngày chập chững, mẹ ru, mẹ dạy. Những âm giọng gieo vào tâm thức tinh khôi. Những âm giọng bập bẹ trên vành môi thơ dại. Rồi lớp học, nói và nghe giữa bạn bè, thầy cô. Những âm giọng gắn liền với không gian giao cảm.

Rất nhiều lần tôi tự hỏi, bên cạnh mầm gieo của người, giọng của tôi có chăng chất đất “chưa mưa đã thấm” ? Phải, tôi chừng như nhìn thấy cái cứng cỏi giọng mình từ dải đất núi liền biển. Những âm “a” hẹp lại, những âm “au”, “ong” bẹt ra, những “mô, răng, rứa, hỉ” tạo thành một âm sắc đặc biệt, chân chất như khoai sắn.
Phải, tôi chừng như nghe thấy cái sôi nổi, cởi mở của giọng mình từ vùng văn hóa “ngũ phụng tề phi”. Giọng Quảng Nam nơi những cụ bà dù vang lên nơi chợ búa hay chốn thị thành luôn mang đến cho tôi cảm giác ấm áp tin cậy. Giọng Quảng Nam ở các bậc trí thức trung niên hình như gợi đến những diễn đàn, nơi yêu cầu cái gân guốc của luận thuyết và cái lưu loát của hùng biện. Giọng các bạn trẻ –như sinh viên của tôi giữa giảng đường đông đúc sinh viên của các miền đất nứơc – bao giờ cũng lấp lánh một chút tài hoa, sâu lắng.
Vì vậy, tôi thường có những phản ứng rất buồn cười. Dỏng tai lên khi thoáng nghe giọng Quảng Nam, và hỏi : ở huyện nào ? Cười hì hì sung sướng khi có ai đó hỏi : phải Quảng Nam không ? Cảm thấy không thú lắm khi giữa cái chất giọng mộc mạc đặc trưng Quảng Nam lẫn vào một vài âm sắc lạ.

Có một ngày tôi được xem bộ phim Phố Hoài và rất hồi hộp tự hỏi nhà làm phim sẽ chọn giọng nhân vật thế nào. Rất may, tôi đã hài lòng. Cái chất giọng Hội An ấy sao mà thanh thoát thế. Thanh thoát mà không ẻo lả, hồn nhiên mà không buông tuồng, ấy là chất giọng đẹp của người nữ trẻ Quảng Nam.
Rồi tôi lại vui mất mấy ngày khi tình cờ đọc những truyện ngắn Nhật Bản do Phạm Vũ Thịnh dịch . Cái giọng Quảng Nam vào đây sao mà có duyên hết biết. Độc đáo ngay từ cái tên : thay vì Trong rừng trúc lại dịch Bốn bề bờ bụi. Và bất giác tôi nhớ đến Phan Khôi, Nguyễn Văn Xuân, những người, trong cách viết đã tạo nên một phong cách Quảng Nam hấp dẫn.

Và như vậy, ngẫm kỹ ra, giọng nói quê nhà với tôi, không còn là chất giọng đơn thuần. Đó là âm thanh ruột rà quyện với cái hồn xứ sở được cất lên từ đôi môi của bà con làng xóm tôi.
Ai cũng có quê quán của mình, nhưng không phải ai cũng được sinh ra trên quê cha đất tổ. Chào đời trên quê cha đất tổ, con người sẽ có giọng nói từ cội rễ, và có được niềm ám ảnh khi rời xa quê nhà.

Nhưng ám ảnh để mà làm gì ?
Với tôi, cái ám ảnh ấy là niềm vui. Trong khi tra hỏi về cảm giác ấy, tôi nhận ra hạnh phúc được có cả sau lưng mình một không gian ấp iu thân thuộc và hình như nhờ đó tôi bước đi mạnh mẽ, tự tin hơn giữa cuộc đời rộng lớn. Giọng nói quê nhà, cái nối liền tôi với những người đồng hương của tôi trong bất kỳ không gian nào. Giọng nói quê nhà, một phần quan trọng trong con người tôi, người chọn việc nói và viết như là phương thức nghề nghiệp của riêng mình.
Catégories
Hương Quê

Một bông hồng cho Cha

Võ Hồng

.

Trong thời hồng hoang của lịch sử, con người chỉ biết có mẹ. Khỏi cần tìm hiểu đầu xa, cứ nhìn các con vật thì biết  : gần gũi và hiền lành là con chó, con gà, xa xôi và hung bạo là con beo, con cọp. Sinh ra và lớn lên chỉ biết có mẹ, lúc thúc quanh mẹ. Bởi một lẽ đơn giản : khi biết mình mang thai, con cái thường sống cách ly con đực không cho lại gần.

Con người sau này thì không. Cha săn sóc mẹ khi mẹ mang thai, cha đỡ đần mẹ, cha giúp tay mẹ pha bình sữa, giặt giũ tã lót khi cha mẹ còn nghèo. Khi cùng đầy tháng, cha châm hương đốt đèn thành kính cầu xin Mụ Bà và tham lam cầu khắp thần linh phù hộ cho con mau ăn, chóng lớn. Có lẽ đó là lần đầu tiên, lần trọng đại nhất trong đời mà cha trọn lòng nghĩ đến những vị thần linh. Vì con mà tin, mà khấn, mà cầu… cho dẫu mang tiếng mê tín cũng xin sẵn sàng vui nhận.

Con lên hai tháng, ba tháng, nằm ngửa huơ chân, huơ tay, mở to đôi mắt ngơ ngác, xoay đầu nhìn vu vơ sang trái, sang phải. Rồi con biết hé miệng cười, cái cười vô nghĩa nhưng đủ cho cả nhà mừng rỡ reo vui. Rõ ràng là nụ cười của con làm nở những nụ cười xung quanh, làm rạng rỡ những khuôn mặt, xóa mờ những nếp nhăn nơi trán  : lần lượt biết lật, biết bò… rồi con ngồi vững, rồi vịn tay đứng được, rồi bước những bước rụt rè. Tiếng reo vui, tiếng khuyến khích vang lên rộn ràng làm đầm ấm, trong đó có lẫn tiếng của cha.

Cha được phân công ngồi bón cho con những miếng cơm đầu tiên, cha phải la : “Ùi ùi ! Coi kìa con chuột. Ăn mau chớ nó ăn hết”, rồi thừa lúc con ngơ ngác đưa mắt tìm, cha đút nhanh muỗng cơm vô miệng. Hỡi ơi, từ ngày có con, cha trở thành nhảm nhí đáng thương. Con mới mở miệng ngáp, đôi mắt mới khép hờ mà cha đã vội vàng ru, ru cái kiểu nửa ngâm nửa hát vụng về mà chọn những câu nhảm nhí phù hợp với trạng thái tâm hồn của cha lúc đó :
À ơi, con gà cục tác lá chanh…

Có thể cha giỏi nhạc, cha hát hay nhưng cha ngượng không dám nghiêm trang cất giọng, sợ người khác nghe biết cha đang tràn trề niềm vui, no nê hạnh phúc. Vả chăng mặt con ngây ngô thế đó thì cha biểu diễn nghệ thuật để chi ? Cha phải ngây ngô theo, còn duỗi chân thì cha nói : “Chà ! Bộ định về thăm ngoại hả ?”. Rờ cái đít nung núc thịt, cha bế chạy vừa nói nựng : “À, con heo ú đây. Ai ra mua !”. Quả là những giây phút hân hoan cực độ. Nhưng phải chợt dừng lại. Sợ người khác nghe. Phải che giấu hạnh phúc để tỏ rằng mình không tầm thường. Khi có học, cha thường phải tạo vẻ mặt nghiêm trang. Dưới thời Nho giáo, cha được gọi là nghiêm đường. Hai mươi tuổi đậu cử nhân, đậu tiến sĩ thì phải mang bộ mặt lạnh lùng của một quan hoạn. Chỉ có người cha quê mùa mới thong dong cõng con bốn năm tuổi đi chơi nghêu ngao khắp xóm, bứt lá chuối quấn kèn. Lớn lên, cha con cùng làm lụng cạnh nhau trên sân lúa, giữa rẫy khoa. Xã hội hôm nay trí thức hơn, văn minh hơn, trong cuộc sống cha một nghề, con một nghề, ai lo phần nấy, rốt cuộc tình thương cha con trở nên lợt lạt. Tình quấn quít cha con chỉ thể hiện khi con còn nhỏ ; quá bậc tiểu học, con bắt đầu lớn, bắt đầu chọn bạn là bắt đầu xa cha. Từ đó cha thường chỉ đóng vai người cung cấp tiền cho con ăn học, may sắm, nguồn kinh nghiệm khôn dại để đưa lời chỉ bảo khuyên răng. Tất cả đều chỉ là lý trí lạnh lùng.

Chứ mẹ thì không. Nghĩ đến mẹ là một chuỗi hình ảnh êm ái hiện ra : mẹ đang nặng đẻ đau, mẹ vạch vú cho bú, mẹ bồng ru ngủ, mẹ ôm hôn nựng, mẹ tập đứng, tập đi. Khỏi cần lý luận khỏi nhìn đâu xa, cứ nghĩ đến mẹ là như thấy rõ hồi nhỏ mình nằm như thế nào trong vòng tay mẹ, ỉa đái tự do trên mình mẹ và mẹ lo giặt, lo thay, quen thuộc với mùi khai, mùi thối. Với cha thì phải suy nghĩ mới thấy, bởi mọi sự thương yêu chỉ hiện rõ khi mình còn nhỏ. Bấy giờ nếu may mà biết được là nhờ ngẫu nhiên thấy một người cha nào đó đang thương yêu săn sóc đứa con nhỏ của họ.

Tìm trong văn chương thì thường chỉ gặp loại :

Công cha như núi Thái Sơn

Núi này nhất định là phải lớn lắm và công cha cũng lớn như vậy. Không thấy ghi lại một nét cảm động về người cha mà chỉ phác qua một hình ảnh uy nghi, nhưng xa cách, gợi sự tôn sùng. Mọi người đều thuộc, đều đọc làu làu, nhưng mà thản nhiên như đọc khẩu hiệu.

Người cha quen thuộc, cha của Mẫn Từ Khiên, thì được vẽ ra là một người biết làm bổn phận : bổn phận cưới kế thiếp khi vợ cả chết và bổn phận đuổi kế thiếp đi vì Mẫn Từ Khiên bị ngược đãi. Mà cũng ngẫu nhiên mới biết được con khổ khi thấy con mặc áo rách run rẩy đẩy xe cho mình.

Người cha trong cuốn Luân Lý giáo khoa thư dễ thương hơn.

Truyện kể : Mẹ đi chợ mua về cho con trái cam. Con nghĩ đến cha làm lụng nắng nôi, liền cầm trái cam ra đồng đưa tặng cha. Cha nghĩ đến mẹ đầu tắt mặt tối ở nhà, liền cầm trái cam đem về tặng mẹ. Trái cam đi về một vòng, dài và rộng hơn sợi dây tình cảm con thương cha, rộng khắp ba lần vì thêm tình mẹ thương con, tình chồng thương vợ.

Cổ văn thường nặng nghĩa lớn, nhẹ tình riêng. Phạm Trọng Yêm, tể tướng đời Tống, sai con là Thuần Nhân chở năm trăm thùng thóc về quê. Đến Đan Dương, nhân gặp Thạch Man Khanh là bạn cũ của cha đang bị khốn quẫn vì bị ba cái tang dồn dập. Nhân tặng hết năm trăm thùng thóc. Lại nghé hai cô con gái của Thạch Man Khanh đến tuổi mà đang ế chồng, liền tặng luôn cái thuyền. Về kể lại chuyện cha nghe. Nghe tới chỗ hai cô gái của bạn ế chồng, Phạm Hiền ngắt lời hỏi :

-  Sao con không cho luôn cái thuyền ?

Cuộc sống bắt cha hướng mắt ra ngoài đời, nhìn đời, lăn lộn với đời. Mẹ thì nhìn vào trong nhà, nhìn vuông sân chái bếp, con gà, con chó, cây ổi, cây xoài và bầy con của mẹ. Con gần mẹ hơn cha là vậy. Cha lặng lẽ đi làm kiếm tiền, con đâu biết bao nhiêu gian lao cực nhọc, lo toan đối phó làm mệt mỏi gân cốt và trí óc cha. Về đến nhà tìm sự yên tỉnh, nhiều khi mang cái bực bội, cái cáu gắt từ ngoài xã hội mang về theo. Con phải len lén bỏ ra nhà sau, im lặng, càng xa càng tốt, gần như muốn xóa bỏ cái hiện hữu của mình. Sự cách xa giữa cha con thường bắt đầu nhẹ nhàng như vậy. Càng thêm xa cách bởi sao cạnh mẹ con thấy êm đềm. Ai làm ra tiền không cần biết, chỉ biết muốn nhai viên kẹo, muốn cắn trái ổi là chỉ cần thỏ thẻ với mẹ. Mua cây viết mới, sắm đôi dép mới… thảy thảy mẹ đóng vai bà tiên. Tội thân cha, cạnh bà tiên hiền, cha thành Thiên Lôi ; bà tiên càng hiền, cha càng thành La Sát.

Không, cha không muốn vậy. Cha thương con nhưng cuộc sống phân công, mỗi người mỗi việc. Mẹ như cọng mảnh, nhánh thấp càng gần để trái non xúm xít bâu quanh. Cha như thân vững chắc, bám rễ thật chặc, hút nhựa nuôi hoa, nuôi trái.

Thân chỉa những cành lớn đâm ngang, thân vươn lên những nhánh cao phủ trên đầu che mưa che nắng. Cha cân nhắc lời nói, chỉ nói khi cần, con lớn mẹ thì càng phải nghiêm. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ lạt lòng cha phải giữ kỷ cương. Mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Đi vào bước trưởng thành từ mười ba, mười bốn tuổi, con càng ngày càng ngại cha, tránh cha rồi xa cha là vậy.

Nhưng đừng đơn giản, bất công, quên cái thời ta lên năm, lên mười, kẻo trở thành bội bạc. Hãy nhìn những đứa ba tuổi làm nũng với cha. Bắt cha bế chạy nhong nhong. Bắt phải dắt ra cổng đứng nhìn xe cộ. Bắt phải có cha nằm cạnh quạt cho mới chịu ngủ. Lên tám, lên chín thì hay chạy tới nơi cha làm việc để đón cha cùng về. Trên đường đi phải nắm tay cha, thỉnh thoảng nhìn lên mặt cha, dẫu là khuôn mặt tầm thường hay xấu xí.

Tuổi già chiếc bóng, mẹ dễ sống theo con, dâu, rể. Lúc thúc sớm hôm, chăm chút tỉ mỉ, mẹ uốn mình theo nếp sống, mềm mỏng ung dung như nước. thường cha thì không, cha ít cam khuất phục rể, dâu. Chịu sống hắt hiu, thiếu thốn, cốt tránh trước cái giả bộ nặng tai của dâu, cái im lặng cố ý của rể. Mẹ biết ý nên khi phải nhắm mắt vĩnh biệt, mẹ thường thổn thức dặn dò : “Anh ở lại nuôi con. Gắng kiếm một người hiền lành giúp đỡ. Chớ đàn ông không chịu khổ được lâu”.

Phải, tuổi càng cao, khổ càng chồng chất, dâu, rể không ăn hiếp thì có con muỗi, con kiến ăn hiếp thay. Cứ cắn, cứ chích, nạn nhân nghe đau đâu đập đó, chứ mắt mờ đâu còn thấy rõ. Nhìn lên bầu trời đâu còn thấy chòm Bắc đẩu mà mới ngày nào lững thững dắt con đi trong sân cha chỉ cho con nhìn.

Con nay đang tuổi trung niên, bận theo quyền lực, vui với vợ con, bè bạn, việc báo hiếu cho cha thường tỏ ra bủn xỉn. Nếu có ai trách hửng hờ, chễnh mảng thì thiếu chi lý lẽ dẫn ra : “Được vậy còn đòi gì nữa ?…. Trời ơi, thì giờ đâu  !”.

Phải, thì giờ đâu ? Người xưa hay nhắc phận con kíp báo hiếu bởi từ dục dưỡng nhi thân bất đãi, con muốn nuôi mà cha mẹ không chờ.

Khi con ở tuổi trung niên thì cha vào giai đoạn già yếu. Bề ngoài, ngó dẫu phương cương nhưng nội tạng thường đang rệu rã. Dễ hiểu thôi mà, một đồ vật dùng đã sáu chục năm rồi thì dẫu có lạc quan đến đây cũng chỉ có thể tạm nói  : “Cũng còn khá”. Cha thỉnh thoảng cảm thấy hơi đau nơi này, chợt nghe có cái nhéo nơi kia. Đôi hồi bỗng mệt vô cớ. Nhưng cha thường im lặng không nói. Những câu nói không còn cần thiết, êm ái cho con nữa khi con còn nhỏ. Bây giờ, những câu nói đầy quấy rầy con. Đành âm thầm nghĩ đến câu Vạn vật vô thường.

Sách xưa dạy : Hôn định thần tỉnh, ta dịch : “Tối viếng sớm thăm”, lạt lẽo nghèo nàn nếu không có người giảng cụ thể bằng cha mẹ già thường cần đôi mắt và bàn tay con, trước và sau giấc ngủ. Đã nằm trong mùng thì lười đứng dậy để khép bớt cánh cửa, để lấy cái mền, để tìm lọ dầu. Ngủ một đêm sáng dậy, trong mình có gì thay đổi. Đó là lúc con cần hỏi han mẹ cha mới dám giải bày. Gần như mọi người con, cuối cùng đều âm thầm tự trách, lặng lẽ xót xa. Cha biết trước tâm trạng đó, phòng xa ngày nào mình từ trần con mới chợt ân hận muộn màng, nên trong mỗi bức thư gửi con, cha đều kết thúc bằng sự bằng lòng, rằng con đã học hành thành đạt và cha mãn nguyện, cha vui. Lòng vị tha, lòng hy sinh cho con kéo dài mãi sau khi nhắm mắt.

Báo hiếu đâu chỉ món quà, mà có thể đôi tháng gửi một bức thư. Nội dung đâu đòi hỏi cao siêu, chỉ cần mươi dòng lược kể chuyện đã nghe, một điều vừa thấy. Thì cũng như bạn bè bạn gặp nhau, chào nhau một câu rất nhảm mà vẫn rất cần : “Đi đâu đó ? Mạnh giỏi ?”. Sinh nhật cha, tặng một cành hoa. Nếu ở thành phố xa, hai ba đứa gởi về hai, ba bức điện chúc mừng, tốn không bao nhiêu mà tạo được sự rộn ràng tới tấp. Niềm vui tinh thần đâu thua bữa tiệc cao lương ?

Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức lễ hội bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Để tỏ lòng thương nghĩ tới cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn : nơ xanh. Cha mất : nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn, hoa hồng, nơ xanh. Mẹ còn, cha mất : hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất, cha còn  : hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha đều mất : hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần, một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cùng khóc òa theo. Cha cũng như mẹ, rồi sẽ một ngày : Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc (1) nên mỗi người con đều phải vội vàng.

Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi tình cha thương con là cho chứ không phải cho vay để có thể gọi là trả đủ.

(1) Cha mẹ mãn phần (Nhị thập tứ hiếu)

.

Catégories
Hương Quê

Mạ chồng tôi

Phạm thị Anh Nga .


Với tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống : sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và “vượt cạn mồ côi một mình” mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là “một nửa” của đời tôi.

Ban đầu chưa quen, những lúc nhìn thấy mạ thấp thoáng từ xa, tôi rất e ngại trước dáng dấp cao gầy xương xẩu của mạ. Có thể thuở xưa mạ cũng đã có một thời tròn trĩnh, thậm chí mũm mĩm, nhưng không hiểu sao sự gầy ốm của mạ thời đó đã gây cho tôi ấn tượng đáng ngại về một hình ảnh mẹ chồng chua cay nghiệt ngã. Hồi ấy, tình cảm giữa chúng tôi đã bắt đầu thắm thiết và cả hai đều có ý định lâu dài với nhau, và thú thật tôi hơi chùn lòng khi nghĩ đến cảnh mẹ chồng nàng dâu đang có vẻ không lấy gì làm sáng sủa. Rồi dần dà, với những dịp tiếp xúc với mạ ngày càng nhiều, tôi bắt đầu cảm thấy an tâm hơn, thậm chí rất thích cái cười “khoả khoả” đầy bao dung của mạ. May mắn thay cho tôi, mạ là người nhân ái, hiền từ, hết lòng thương yêu con cháu và tràn đầy đức hy sinh.

Cho đến cuối đời, tôi vẫn không sao quên được ngày anh quyết định giới thiệu tôi với mạ. Do những năm khốn khó gạo châu củi quế ấy mạ không ở nhà mà xuống tạm trú ở chỗ mạ đang mở quán giải khát để có đồng ra đồng vào lo cho gia đình, hôm ấy anh hẹn tôi đến nhà anh, và cũng hẹn mạ về nơi ấy gặp tôi. Tôi cảm thấy khá căng thẳng khi ngồi bên anh đợi mạ đến. Vẫn như mọi khi, chuẩn bị đón tôi anh ra hái ở vườn nhà một cành hoa dại, cắm đơn sơ trên bàn. Dường như anh cũng hồi hộp không kém tôi, tay chân cứ luống cuống đến buồn cười. Khi mạ đến, anh báo hiệu cho tôi rồi ra ngoài. Một lúc, anh trở vào, tay cầm một quả thanh trà đã gọt vỏ và cắt sẵn thành bốn phần, nói của mạ mang đến. Anh nói : “Cứ ăn đi, chút nữa bà cụ sẽ ra”. Tôi cầm miếng thanh trà trong tay, không tài nào ăn được. Một lúc sau, mạ từ nhà sau ra và bước vào phòng, ngồi xuống ghế và cười, bảo tôi ăn đi chứ. Và mạ nói những chuyện đâu đâu, toàn chuyện trên trời dưới đất, hoàn toàn không ăn nhập gì đến nội dung cuộc “ra mắt” mà tôi đang sẵn sàng đáp ứng. Mạ nói năng vui vẻ, cởi mở, nhưng vẫn là những chuyện không đâu. Cuối cùng mạ nói : “Thôi hai đứa ngồi chơi hí”. Và mạ đi.

Với tôi, hồi ấy anh vẫn hay nhắc về mạ mình bằng cách gọi là “bà cụ” như thế, mãi cho đến khi ăn hỏi xong, vào một dịp cúng kỵ anh nhắn tôi đến nhà, mạ bảo tôi lạy bàn thờ và bắt đầu xưng “mạ” với tôi, trong khi tôi vẫn e dè đợi đến ngày cưới mới gọi mạ là mạ, thì anh bắt đầu dùng từ “mạ” khi đề cập với tôi về mạ.

Buổi đầu tiếp kiến thế là diễn ra giản dị hơn tôi hình dung rất nhiều, thậm chí phần nào đã khiến tôi ngỡ ngàng. Mạ đi rồi, anh kể cho tôi nghe về mạ, về cuộc đời của mạ từ thuở nhỏ đến lúc lấy chồng, sinh con, và thờ chồng nuôi con khi chú anh mất (con cái các gia đình hoàng tộc vẫn gọi bố mình là “chú”), trong lúc tuổi đời của mạ vẫn còn rất trẻ, anh mới lên mười ba và sau anh vẫn còn hai em nhỏ, một gái và một trai. Kể về mạ, anh xoè bàn tay ra đủ năm ngón trước mặt tôi. Tôi hỏi : “Tuổi của mạ anh hả ?”. Anh cười, lắc đầu : “Không”. Ngập ngừng một lúc, anh tiếp : “Bà cụ là vợ thứ năm của ông”. Và tôi được kể về đời làm vợ của mạ. Mười lăm tuổi mạ lấy chồng. Khi chú của anh, một nhà thầu khoán giàu có đã bốn vợ, tình cờ trông thấy mạ mang cơm đến cho bố đang là thợ nề trong tốp thợ của ông, đã tỏ ý ưng cô gái, thì do gia cảnh rất nghèo và bà ngoại lại mất sớm, mạ đã đồng ý nghe theo lời ông ngoại để lấy người thầu khoán ấy, hầu có thể lo tương lai cho ba em nhỏ của mình. Ở cái tuổi vẫn còn nửa trẻ con nửa người lớn ấy, cô gái quê xinh xẻo mới lớn bắt đầu tập tành làm vợ và làm dâu, và thấm thía nỗi niềm gian truân cay nghiệt của người phụ nữ nghèo gửi phận nhà chồng. Về sau, trong những dịp tâm sự với tôi, mạ kể là chỉ dì tư (vợ thứ tư của chú) mới thương mạ và chịu khó vẽ vời cho mạ trong bước đầu làm dâu, về những công việc bếp núc, nội trợ… Có lẽ điều bù đắp lớn nhất cho mạ, là tình thương yêu của chú dành cho mạ là nhiều hơn cả. Cũng dễ hiểu thôi, mạ là cô vợ út, trẻ nhất, lại xinh đẹp, ngoan hiền, tuy gốc gác quê mùa nhưng khuôn mặt, dáng dấp, phong thái, cốt cách lại vô cùng quý phái. Cho đến cuối đời, dù tuổi già tàn úa và mái tóc thì đã bạc phơ, mạ vẫn giữ được nét đẹp cao sang quyền quý đó.

Tôi về làm dâu mạ khi lòng đã an tâm hơn, và cảm thấy bắt đầu quyến luyến người phụ nữ mà anh yêu thương nhất đời đó. Điều kiện duy nhất anh đặt ra với tôi khi cùng bàn định chuyện cưới xin và sống chung, là bằng mọi cách, tôi không được để bất cứ chuyện gì không hay xảy ra giữa mạ và tôi. Tôi đồng ý. Điểm lại suốt đời tôi làm dâu mạ, tôi đã thực hiện được điều anh yêu cầu, nhưng không chỉ vì anh đã yêu cầu, mà thực sự chính tôi cũng thật lòng thương yêu mạ và mạ cũng đã thương yêu tôi. Tôi nghĩ đến mạ, chăm sóc mạ và ngược lại, mạ cũng quan tâm đến tôi và chăm chút cho tôi. Ngoài anh và hai đứa con của tôi là cái chung dễ nhận thấy giữa mạ và tôi (vừa là máu mủ của mạ vừa là phần đời rất lớn của tôi), dường như vẫn còn một cái gì đó trong vô thức sâu thẳm khiến mạ với tôi đặc biệt thương mến và quyến luyến lẫn nhau. Tôi biết cho đến ngày nay, người phụ nữ anh yêu thương nhất trên đời không phải là tôi, mà vẫn luôn là mạ, nhưng tôi thật tình cảm động và quý trọng tình cảm thiêng liêng đó mà riêng tôi chỉ có thể cảm nhận và chia sẻ một phần ít ỏi, ít nhưng đủ để trở thành hiếm hoi trên đời, giữa hai người phụ nữ đang là mẹ chồng và nàng dâu.

Lần duy nhất tôi khiến mạ phiền lòng, là thời đứa con thứ nhất của chúng tôi đang đi nhà trẻ, và đứa thứ hai thì vẫn còn bú mớm. Buổi sáng, tôi phải cho đứa lớn vệ sinh, ăn sáng, thay đồ và sẵn sàng để anh chở đi học. Sáng hôm đó tôi loay hoay mãi vẫn không tìm ra áo quần để thay cho con. Mạ nói : “Áo quần thì phải lo từ tối qua, sáng ra mới tìm thì làm chi kịp”. Tôi trả lời : “Không phải là con không biết, nhưng tối qua con thức khuya làm việc, mệt quá không thể ráng thêm được nữa nên mới không soạn sẵn áo quần”. Giọng tôi vẫn từ tốn, và mạ không nói gì. Nhưng đến trưa, anh gọi tôi : “Hình như mạ giận em, em tìm cách xin lỗi mạ đi”. Tôi giải thích với anh về những gì đã xảy ra, nhưng vẫn đến xin lỗi mạ. Mạ vui ngay, và sau đó không bao giờ mạ còn nhắc lại câu chuyện đó nữa. Nhưng suốt đời, tôi không quên vết tì nhỏ đã gợn đục một phần trong tình cảm giữa mạ và tôi đó.

Tôi vẫn thường nói đùa với mạ rằng hầu như tôi chưa bao giờ phải làm dâu mạ, chỉ có mạ là hết đợt này đến đợt khác làm dâu tôi. Bởi cứ mỗi một dịp tôi vắng nhà đi công tác xa, hoặc đi thực tập hay học tập ở nước ngoài, mạ vẫn thường thu xếp đến ở với anh và các con tôi để chăm chút miếng ăn giấc ngủ cho con trai và cháu nội của mạ. Thậm chí nhiều lúc tôi vẫn ở nhà, mà mạ cũng đến ở lại, và cứ tranh việc để làm, từ quét tước sân cươi, lấy mạng nhện trên tường, cơm nước, rửa dọn… đến chợ búa, đút cơm cho cháu nội. Lần cuối đi học một năm ở nước ngoài, về đến nhà nhìn thấy những mạng nhện giăng ngang dọc trên tường, tôi hiểu mạ chồng tôi đã thực sự già yếu.

Mạ nấu ăn khéo và ngon, và tôi học được của mạ biết bao nhiêu là kinh nghiệm quý. Thuở còn con gái, tôi thường được mạ tôi bày cho cách chuẩn bị và nấu một số món ăn, không cao lương mỹ vị gì nhưng cũng có thể xoay xở để thay đổi thực đơn hàng ngày. Nhớ ngày xưa ba tôi vẫn thường doạ chị em chúng tôi : “Đàn ông có trăm người thì cả trăm người đều thích ăn ngon, mình mà không biết nấu ăn thì chồng mình sớm muộn cũng theo người khác… biết nấu ăn ngon hơn”. Tôi lấy chồng với vốn liếng có chừng mực đó về việc bếp núc. Mạ chồng tôi đã truyền thêm vốn cho tôi, và điều đáng nói không phải là mạ đã dạy cho tôi cái gì, mà là cái cách mạ truyền dạy cho tôi. Khi ăn cái gì tôi nấu mà thấy ngon, mạ khen rối rít. Ngược lại, ăn mà cảm thấy không vừa miệng, mạ hay giả lơ, đợi khi thuận tiện thì thủ thỉ bày cho tôi thủ thuật để món ăn được ngon hơn. Không như tinh thần câu tục ngữ xưa, “Trước làm nàng dâu, sau mới làm mẹ chồng”, một khi đã là mẹ chồng thì có quyền đổ lên đầu con dâu những gì mình đã phải hứng chịu xưa kia…, với mạ chồng tôi, dẫu một thời đắng cay cảnh mẹ chồng chì chiết, trong ứng xử với tôi mạ hết sức tránh cho tôi mọi mặc cảm là con dâu trước mẹ chồng, và tôi vô cùng biết ơn mạ về lòng cảm thông và sự tinh tế vô chừng đó. Mạ vẫn thường xuýt xoa kể về những thứ tôi chuẩn bị tuy giản đơn nhưng lại hợp ý mạ : soong cá nục hay cá bống thệ kho khô “đậm đà thấm tháp”, hủ dưa giá “mụ làm răng mà để mấy ăn cũng thấy ngon”. Tôi hiểu không phải là tôi thực sự khéo, mà chẳng qua đó chỉ là cách thể hiện tình thương yêu của mạ. Ngày tôi lên bàn mổ lần thứ hai để sinh con (đứa đầu là con gái, cũng đã mổ khi sinh), tôi nói tôi chỉ e ngại rằng đứa con thứ hai của tôi cũng chỉ là con gái, vì sẽ không mang đến cho mạ đứa cháu đích tôn mà mạ mong chờ. Mạ khua tay : “Thôi thôi mụ ơi, tui chỉ mong mẹ tròn con vuông, chơ con gái thì con gái, đẻ con gái nữa thì Trưng Trắc Trưng Nhị, có chị có em”. Tôi vào phòng mổ, ứa nước mắt. May thay, tôi đã sinh cho mạ đứa cháu đích tôn mà càng về sau mạ càng yêu và cưng như trứng. Từ hồi thằng bé còn nhỏ, mạ vẫn thường lén lút cho quà, trong khi tôi xót khi thấy mạ vẫn thiếu thốn lại còn nhiều mối lo toan nên thường ngăn cản. Một hôm con trai tôi (lúc đó khoảng sáu hay tám tuổi gì đó) với vẻ mặt nghiêm trang dặn tôi : “Khi mô mẹ có cháu đích tôn, thì mẹ không được lén con mà cho quà hắn và cho tiền hắn nghe chưa. Con la hắn là mẹ không được bênh hắn nghe chưa”. Tôi phì cười, hiểu ra những bí mật đã và đang xảy ra giữa hai bà cháu…

Mạ chồng tôi không phải là người có học. Một chữ bẻ đôi mạ cũng không biết. Nhưng những lời mạ nói ra thường hay trích dẫn những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ… mà quả thật tôi chẳng hiểu mạ học ở đâu ra và chính tôi cũng chưa biết. Cúng kiếng thì mạ dặn “rộng làm kép, hẹp làm đơn”, là con gái thì mồm miệng phải “bò ho bay không lọt”, và nhớ “miếng trầu làm dâu nhà người”, muốn làm ăn nên nỗi thì cần “có đào có kép”. Nhắc đến những vất vả nhọc nhằn của mạ tôi khi nuôi nấng chăm chút cho con gái tôi, tức cháu nội đầu lòng của mạ, thì “cháu bà nội mà tội bà ngoại”…

Mạ ơi, bài báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của con về văn hoá ứng xử qua tục ngữ ca dao vẫn chưa hoàn thành. Lẽ ra con đã phải làm xong trước khi mạ ra đi, để kịp đề tặng mạ khi mạ vẫn còn ở dương thế. Bởi dù mạ không hề hay biết, mạ chính là ngọn nguồn sâu xa đã khơi mớm cho con về cái thâm thuý trong kho tàng thơ văn truyền khẩu của người xưa đó, trong khi bản thân mạ thì chẳng biết i cũng chẳng biết tờ. Và càng nghiền ngẫm những câu tục ngữ ca dao xưa, con càng hiểu thấu cái may mắn của đời con. Bởi những nghiệt ngã xưa mạ từng gánh chịu thì nay mạ đã cố hết sức tránh cho con. Với mạ, không bao giờ là “Thật thà cũng thể lái trâu – Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”, “Chăn tằm rồi mới ươm tơ – Làm dâu rồi mới được như mẹ chồng”, “Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu, nàng dâu đâu có nói tốt mẹ chồng”…

Mạ vẫn mong được sống thêm ít năm nữa để chúng tôi trả bớt những món nợ dồn dập khi xây nhà mới, rồi mới an tâm ra đi vì mạ tin khi đó chúng tôi mới có thể lo toan chuyện hậu sự cho mạ. Nhưng dù mạ đã cố sức, căn bệnh nghiệt ngã đã quật mạ quỵ hẳn và mạ đã vĩnh viễn rời xa chúng tôi.

Mạ ơi, cũng như mạ của con, mạ đã hết lòng và sống với con không hề suy tính nề hà, chẳng hề “khác máu tanh lòng”. Cùng với những người con mà mạ đã rứt ruột đẻ ra, con khóc mạ nhưng không giống như xưa kia “Thương chồng phải khóc mụ gia – Ngẫm tôi với mụ có bà con chi” đâu mạ ạ. Nước mắt nó cứ tự nhiên mà trào ra thôi. Và mạ biết không, cái ảnh thờ của mạ, con đã nhờ phóng to gần bằng ảnh chú và chọn khung ảnh cũng gần giống như của chú. Đoạn tang mạ rồi chúng con sẽ rước mạ lên bàn thờ gia tiên và đặt mạ ở bên cạnh chú. Mạ đừng lo ngại sẽ phải như bà nội ngày xưa mạ nhé. Nếu khi bà nội qua đời, không có ảnh để thờ và ngoài mạ ra không còn ai hương khói cúng quẩy cho bà nội, thì chúng con sẽ tiếp bước mạ lo cúng kỵ bà nội và với mạ chúng con sẽ suốt đời hương khói phụng thờ và sẽ không quên ngày kỵ giỗ.

Mạ chồng tôi đã chọn đúng lúc chúng tôi đang quỳ trước bàn thờ Phật mới thỉnh về nhà và thành tâm cầu an cho mạ, để trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện. Không còn nữa một kiếp gian truân nhọc nhằn, cũng chẳng còn những đớn đau vật vã trên giường bệnh. Vĩnh viễn mạ đã được giải thoát khỏi những hệ luỵ dương trần mà mạ phải nặng nợ cưu mang có thể từ rất nhiều kiếp trước. Khuôn mặt mạ vẫn dịu hiền nhân hậu, dù tấm thân héo khô đã bắt đầu lạnh và cứng lúc chúng tôi tắm rửa, thay quần áo cho mạ để chuẩn bị đưa tiễn mạ đi. Một chuyến đi không có ngày về. Giờ này mạ đã yên nghỉ trên đồi cạnh chú, dưới bóng mát của một cây dương liễu. Một nơi an nghỉ đẹp và êm đềm. Mạ an tâm mạ nhé. Đã có lời kinh Phật dẫn dìu từng bước mạ đi. Nam mô tiếp dẫn đạo sư A di đà Phật…

Cõi vĩnh hằng, mạ ơi, con tin từ nay mạ có thể ngậm cười và vô cùng thanh thản.


Phạm thị Anh Nga
Mùa Vu Lan năm Ất Dậu 8/2005
Catégories
Hương Quê

Em tôi

Phan Nhật Nam

.

Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết.

Tôi hơn em sáu tuổị Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẩm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới gánh hàng về, ba mẹ con ngôì ăn cơm bên ngọn đèn dầu , tôi và em hỏi han, an ủi mẹ… Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn, tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ, mà thấy thương mẹ vô cùng.

Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có một sạp bán rau cải ở chợ Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ, sáng mẹ ra đi thật sớm, lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng tôi ăn, nằm nghỉ ít phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy ngày, mẹ đi đi về về trong nỗi cô đơn.

Năm em vừa tròn năm tuổi thì mẹ cho em vào mẫu giáo, tôi cũng trở lại trường, đám bạn cũ của tôi nay đã hơn tôi hai lớp, ngồi xung quanh tôi bây giờ là những khuôn mặt lạ, kém tôi hai, ba tuổi. Tôi là học trò lớn nhất và học khá nên được làm trưởng lớp. Gần cuối năm học lớp nhì, tôi nói với mẹ lên xin thầy Hiệu trưởng cho tôi được thi nhảy tiểu học. Thầy bằng lòng. Tôi cắm cúi học luyện thi và kết qủa là tôi đã đỗ được bằng tiểu học năm đó.

Vào lớp đệ thất trường Trần quốc Tuấn, tôi tiếp tục học ngày, học đêm, năm đệ ngũ tôi thi nhảy một lần nữa lấy bằng Trung học. Ðến niên học đệ tam thì tôi đã bắt kịp đám bạn cũ, tôi hân hoan nhập bầy chung với đám bạn ngày xưa. Ðây là giai đoạn mà tôi cần tiền để mua sách học và may thêm quần áo, thời tiểu học và trung học đệ nhất cấp thì mặc sao cũng được, nhưng bây giờ đã lên đệ nhị cấp rồi, đã bắt đầu biết đỏ mặt khi nhìn những đứa con gái trường nữ, thỉnh thoảng đã biết theo bạn tập uống cafe, phì phà điếu thuốc. Tiền mẹ cho không đủ, tôi bắt đầu công việc kèm trẻ tư gia để kiếm thêm tiền. Học trò của tôi là mấy cô cậu đệ thất đệ lục, nghĩa là cũng chỉ bé thua tôi vài tuổi .

Ba mẹ con tôi vẫn ngày ngày đi về căn nhà nhỏ, căn nhà vẫn không thay đổi một chút nào từ ngày bố bỏ mấy mẹ con để ra đi.

Hết năm đệ tam, tôi nộp đơn thi Tú Tài phần nhất. Tôi đậu bình thứ. Một lần nữa, mọi người ngạc nhiên, nhưng tôi biết sức học của mình, tôi biết mẹ buôn bán tảo tần, tôi thấy những năm tháng gần đây mẹ trở bệnh hoài, mỗi sáng mẹ lục đục dậy thật sớm nấu cơm để dành cho anh em tôi, rồi lặng lẽ mang đôi quang gánh lên vai, những tối ngồi trâm ngâm bên ánh đèn dầu nhìn anh em tôi học bài và những đêm khuya mẹ trở mình húng hắng ho. Tôi thương mẹ và em đến ứa nước mắt, và càng thương mẹ thương em, tôi càng học như điên, như cuồng. Tôi ước gì Bộ Giáo dục cho tôi thi hai bằng tú tài cùng một lúc. Nhìn mái tóc mẹ đã lớm chớm sợi bạc, nhìn lưng mẹ mỗi ngày mỗi như còng xuống, nhìn hai vai gầy của mẹ mà lòng quặn đau, và cứ thế, tôi vùi đầu vào sách vở…

Em đã bắt đầu tuổi lớn, đã bắt đầu tuổi mộng mơ con gái, đã bắt đầu bước vào “tuổi ngọc”, nhưng tội nghiệp, biết nhà mình nghèo, biết mẹ mình buôn thúng bán bưng, biết anh mình vẫn chiều chiều đi kèm trẻ kiếm thêm tiền và cặm cụi học đốt giai đoạn cho chóng thành tài. Biết thế nên em ít khi nào xin mẹ, xin anh tiền may áo mới, hai chiếc áo dài trắng đủ cho em thay đổi. Em lớn lên thiếu tình của bố, nên tôi “quyền huynh thế phụ”. Nhiều lúc nhìn mẹ, nhìn em, tôi vẫn không hiểu tại sao bố lại đành đoạn dứt áo ra đi.

Tôi thi đỗ Tú Tài toàn phần năm 18 tuổi, và ra Huế học Ðại học Văn khoa. Mẹ ở một mình với em ở Ðà nẳng. Mỗi cuối tuần, tôi theo xe đò về thăm mẹ và em, đến sáng thứ hai trở lại trường. Ở Huế, tôi tiếp tục công việc kèm trẻ tư gia. Với số tiền nhỏ nhoi kiếm đuợc, tôi phụ mẹ một ít nuôi em.

Qua sinh nhật thứ 13 của em mấy tháng, một chiều mẹ bỏ buổi chợ, về nhà than nhức đầu, tưởng là cảm nhẹ, mẹ sai em cạo gió và nấu cho mẹ bát cháo hành. Khuya đó mẹ lên cơn sốt, lảm nhảm nói mê, sáng hôm sau em nghỉ học chở mẹ vào nhà thương và nhờ người nhắn tin ra cho tôi ở Huế.

Lật đật trở vào Ðà nẳng bằng chuyến xe đò chót. Trời tối đã lâu, không kịp ăn uống, từ bến xe tôi đi thẳng đến bệnh viện. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh đèn vàng mờ đục, mẹ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, còn em đang ngồi ngủ gà ngủ gật cạnh giường. Ðứng yên lặng nhìn mẹ xanh xao bất động, và khuôn mặt thơ dại của em, trong giấc ngủ hai khoé mắt vẫn còn long lanh giọt lệ, tôi nghe lòng mình quặn thắt .

Ðánh thức em dậy, em ngơ ngác dụi mắt vài giây. Nhận ra tôi, em nhào tới ôm chầm và oà lên khóc, em cho hay là từ lúc đưa mẹ vào đây, mẹ chỉ tỉnh lại một vài phút vào khoảng giữa trưa, sau đó mẹ hôn mê trở lại. Tôi an ủi em, rồi cùng em ra văn phòng bệnh viện. Cô y tá trực cho hay mẹ bị đứt một tỉnh mach ở đầu. Tôi bàng hoàng như bị ai nện một nhát búa vào ngực. Cô y tá bùi ngùi nhìn em, đôi mắt xót xa …

Tối đó, anh em tôi cùng ở lại với mẹ, em mệt mỏi, nên chỉ một thoáng là đã ngủ say. Trong giấc ngủ mệt nhọc, thỉnh thoảng em ú ớ mẹ ơi, mẹ ơi rồi nức lên mấy tiếng. Tôi nghe như dao cắt trong lòng. Suốt đêm không ngủ, tôi cứ ngồi nhìn mẹ nằm im lìm và bên chân mẹ em ngủ chập chờn. Tôi tự nhủ thầm với mình đừng khóc, đừng khóc… nhưng sao nước mắt vẫn cứ trào ra, một tay ve vuốt bàn tay xanh xao của mẹ, một tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em, tôi để mặc cho hai giòng nước mắt chảy nhạt nhoà trên má.

Mẹ thở hơi cuối cùng lúc năm giờ sáng, mẹ không tỉnh lại để trăn trối với hai con một lời gì. Mẹ đi trong yên lặng. Tôi nắm bàn tay mẹ và thấy tay mẹ lạnh dần. Tôi đánh thức em dậy. Hai anh em hôn lên trán mẹ giã từ. Em vuốt mắt mẹ… Mắt mẹ nhắm hờ. Em ôm chặt hai tay mẹ, ủ vào lòng mình miệng kêu lên nho nhỏ: mẹ ơi, mẹ ơi… Em khóc lặng lẽ, áp mình vào ngực mẹ nước mắt em tuôn ràn rụa làm ướt đẩm cả vạt áo mẹ bạc màu. Những tiếng kêu nghẹn ngào của em như những viên đạn bắn thẳng vào tim, tôi ngồi bất động nhìn mẹ, nhìn em, lòng đau như muối xát. Tội nghiệp mẹ tôi, tội nghiệp em tôi. Em mới mười ba tuổi …

Chôn mẹ xong, tôi bỏ học. Còn lòng dạ nào mà học nữa. Nhưng em thì phải trở lại trường.

Bán đi căn nhà nhỏ xiêu vẹo và gom tóm tất cả vốn liếng của mẹ để lại, tôi đưa hết số tiền cho mẹ của Minh, một người bạn thân tôi. Minh có Hân, cô em gái cùng tuổi, cùng lớp với em. Tôi gửi em đến đó ở và đi học với Hân, cũng may, bố mẹ Minh coi anh em tôi như con. Tôi dặn dò em đủ điều. Số tiền tôi gởi cho mẹ Minh đủ để trả tiền ăn ở của em trong hai ba năm. Tôi còn đưa thêm cho em một ít để em mua sách vở, may áo quần, tiêu vặt. Tôi ôm em và hứa với lòng, hứa với vong hồn mẹ là sẽ lo lắng, sẽ bảo bọc em cho đến trọn đời. Tôi vào trường Võ bị Ðà Lạt năm 20 tuổi, lương sinh viên sĩ quan ít ỏi, tôi tiết kiệm không dám xài nhiều, để dành gởi về cho em mỗi tháng. Tôi dặn em viết thư mỗi tuần kể cho tôi nghe chuyện học hành. Tôi bắt em hứa là không bao giờ dấu tôi một điều gì dù nhỏ bé. Em ngoan ngoãn vâng lời. Mỗi năm tôi được về phép một lần, hai anh em quấn quýt không rời. Tôi đưa em đi thăm mẹ… Chúng tôi lặng yên cầm tay nhau quỳ bên mộ mẹ, nước mắt lưng tròng.

Em lớn lên và ngày càng giống mẹ… Cũng khuôn mặt và cái nhìn nhẫn nhục, cũng đôi mắt xa xăm buồn hiu hắt. Bình thường em rất ít nói, có lẽ không cha, mồ côi mẹ quá sớm và anh lại ở xa đã làm em rụt rè. Cũng may, bên cạnh em vẫn còn có Hân. Lễ mãn khoá của tôi, em và Hân cùng lên tham dự, lúc này, em đã thi đổ vào trường Sư phạm Qui Nhơn, hai năm nửa em sẽ trở thành cô giáo, tôi hãnh diện giới thiệu em và Hân với các bạn mình. Nhìn dáng em thẹn thùng e ấp, tôi thấy lòng mình rạt rào thương em. Tôi thầm gọi mẹ, mẹ ơi, hai con của mẹ đã trưởng thành và đã nên người .

Ra trường, tôi chọn binh chủng nhảy dù, có lẽ cũng chỉ vì tôi thích màu mũ đỏ. Em vào học và ở nội trú trong trường sư phạm. Tôi thấy mình yên tâm hơn. Mỗi tháng, tôi vẫn gửi về cho em một nửa tiền lương lính của mình để trả tiền phòng, tiền ăn. Tôi biết con gái cần nhiều thứ hơn con trai, như áo quần, son phấn… Em vẫn viết thư cho tôi mỗi tuần như em đã làm trong mấy năm qua. Em kể chuyện học hành, chuyện bạn bè, em lo sợ là tôi đi tác chiến nhở có ngày bố con gặp nhau ở chiến trường, làm sao nhận ra nhau, em không nói thêm, nhưng tôi cũng hiểu, tên đạn vô tình, nếu nhỡ….

Hai năm em học Sư Phạm trôi qua thật nhanh. Em bây giờ đã là một cô giáo trẻ. Em được đổi về dạy tại một trường tiểu học gần thị xã Phan Rang. Em thuê nhà chung với hai cô giáo khác. Mỗi ngày ba cô giáo ngồi xe lam đi đến lớp, chiều về cả ba cùng quây quần nấu nướng . Em viết thư cho tôi và khoe có quen với Tuấn, một Sĩ quan Hải quân đồn trú ở Phan rang. Em khen Tuấn hiền lành, ít nóị Em kể thêm là Tuấn chỉ còn có mỗi một mẹ già. Chiến tranh ngày thêm khốc liệt, đơn vị tôi hành quân liên miên, có khi cả năm chúng tôi mới được về hậu cứ một lần. Tôi bị thương hai lần trong cùng một năm. Tôi dấu em, không cho em biết sợ em lo lắng. Trong những tuần lễ nằm bệnh viện và ở hậu cứ dưỡng thương, tôi bắt đầu viết bài đăng trên các báo và tạp chí. Tôi kể lại những trận đụng độ kinh hoàng giữa đơn vị tôi và giặc Cộng, tôi kể lại những “kỳ tích” của bạn tôi, của Mễ, của Lô ….

Sau một lần bị thương nhẹ ở tay, tôi lấy mấy ngày phép ra Phan Rang thăm em. Em mừng rỡ ôm lấy anh, nhưng khi thấy cánh tay băng bột em xót xa bật khóc. Tôi an ủi em là biết đâu sau chuyến bị thương này, tôi sẽ được về làm việc hậu cứ. Ngày hôm sau, nghe tin, Tuấn đến thăm . Thoạt nhìn, tôi đã có cảm tình với Tuấn, đúng như em nói, Tuấn trông rất hiền lành. Trong suốt tuần lể ở Phan rang, em vẫn phải đi dạy, nhưng may là có Tuấn, mỗi ngày Tuấn tới chở tôi đi ăn sáng, trưa Tuấn và tôi lang thang ra chợ bạ gì ăn đó đợi giờ ba cô giáo đi dạy học về. Buổi tối, em đi ngủ sớm, Tuấn ngồi lại nói chuyện với tôi cho tới khuya. Bên ly cafe, tôi kể cho Tuấn nghe chuyện của mình. Những hình ảnh yêu dấu, xót xa như một cuộn phim cũ quay chầm chậm. Tôi rưng rưng kể lại ngày mẹ mất. Tuấn lấy tay chùi mắt, trong đêm tối, tôi thấy mắt Tuấn long lanh …

Bảy ngày phép cũng trôi nhanh. Tôi trở về Saigòn, lòng cảm thấy vui và nhẹ nhàng vì đã có dịp gặp Tuấn. Tôi tin Tuấn sẽ không làm khổ em. Ba tuần sau, tôi nhận được thư Tuấn, trong thư Tuấn kể về gia đình (mặc dù tôi đã nghe em kể trong các lá thư). Tuấn muốn tiến tới với em. Tuấn xin phép được đưa mẹ Tuấn đến gặp tôi. Tuấn hứa là sẽ săn sóc và thương yêu em. Ðọc thư Tuấn tôi ứa nước mắt vì mừng. Mừng cho em may mắn không gặp những trắc trở trên đường tình ái, mừng cho em gặp được một người chồng hiền hậu. Tôi viết thư cho em và Tuấn, bảo hai em lo thế nào cho tiện, chỉ cố làm sao cho giản đơn vì cả hai đứa cùng nghèo . Bốn tháng sau, Tuấn và em làm đám cưới, nhà gái ngoài tôi còn có thêm mấy thằng bạn trong đơn vị, ông hiệu trưởng, thầy cô giáo và rất đông học trò. Nhà trai ngoài mẹ Tuấn, mấy gia đình anh chị họ còn thêm một số bạn bè Hải quân cùng đơn vị… Nhìn em súng sính trong bộ đồ cưới, tươi cười đứng bên cạnh Tuấn, tôi gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi, về đây dự đám cưới của em. Tôi theo đơn vị lội thêm hai năm nữa ở vùng giới tuyến, thì “tai nạn” xảy ra. Trong một lúc nóng giận vì thấy ông xếp của mình sao ngu và bẩn quá, tôi không giữ được lời và đã xúc phạm đến ông, kết quả là tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật và tống ra khỏi binh chủng nhảy dù.

Sau một thời gian ba chìm bảy nổi, tôi đổi về cục Tâm lý Chiến, thời gian này tôi đã khá nổi tiếng, những bút ký chiến trường về Tết Mậu Thân, Bình Long. An Lộc… đã làm vinh danh binh chủng cũ của tôi. Tôi được giải thưởng văn học với bút ký “Mùa hè đỏ lửa”. Tiền thưởng và tiền bán sách tôi gửi hết cho em. Tuấn và em dùng tiền này mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Phan rang, gần trường em dạỵ

Mới ngày nào đó còn thẹn thùng nấp bên vai Tuấn mà bây giờ em đã mấy con. Mỗi dịp rảnh rỗi tôi lại ra Phan Rang ở chơi với em, với cháu. Tôi ôm cháu, hôn vào hai má phúng phính, hít vào phổi mùi thơm của trẻ thơ mà thấy lòng mình dịu lại, những cay đắng, cực nhọc của đời theo tiếng cười lanh lãnh dòn tan của cháu mà bay xa, bay xa. Tôi nhìn hai vợ chồng em, nhìn bầy cháu nhỏ lẫm chẫm quây quần bên chân mẹ mà lòng vừa vui mừng vừa hãnh diện. Tôi ao uớc mẹ tôi nhìn thấy được cảnh nàỵ

Biến cố tháng 4/75 tới như một định mệnh oan nghiệt, cả Tuấn và tôi đều phải ra trình diện cải tạo. Em ở lại một mình với một bầy con nhỏ, đứa lớn nhất chưa đầy sáu tuổi và đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng mẹ. Trong trại, tôi cứ đứt ruột nghĩ về em và bầy cháu nhỏ. Mẹ của Tuấn đã quá già, làm sao lo phụ với em đây. Rồi em còn phải lo lắng về số phận chồng, số phận anh. Tôi quay quắt như ngồi trên đống lửa, tôi nghĩ đến lời hứa với vong hồn mẹ hôm nào mà lòng đau như xé, con đã thất hứa với mẹ, mẹ ơi, con đang ở đây tù tội thì làm sao lo được cho em …

Năm 76 tôi bị đưa ra Bắc. Tôi mất liên lạc với em và Tuấn từ tháng 5/75. Làm sao em biết tôi ở đâu mà thư từ thăm gửi. Không biết em có biết Tuấn ở đâu không, trại tù mọc lên như nấm từ Nam ra Bắc. Hồi còn ở trong Nam, từ Trảng lớn, qua Suối máu, đâu đâu tôi cũng cố dò hỏi tin Tuấn nhưng vô hiệu. Tù nhân đông quá…

Trại cải tạo Sơn La, sau đợt cho viết thư về gia đình đầu tiên, ba tháng sau tôi nhận được thư em.Thư em đến tay tôi vào giữa năm 77. Hơn 2 năm 1 tháng tôi mới nhìn lại nét chữ của em. Run run bóc thư, mắt tôi cay nồng, nhạt nhoà. Em cho hay là Tuấn đang cải tạo ở Long Thành, Tuấn có thư về và cho biết vẫn bình an, mẹ Tuấn dạo này yếu lắm vì cụ đã quá già, em vẫn đi dạy, hai cháu nhỏ ở nhà với bà nội, hai cháu lớn theo mẹ vào trường, em cho hay đứa con gái út em đặt tên Tâm, Trần thị Minh Tâm, cháu sinh ngày 12 tháng 9 năm 75, gần 4 tháng sau ngày bố cháu và bác cháu vào tù.

Gần cuối thư, em báo tin là bố còn sống và hồi đầu năm 76 có tìm đến gặp em, làm sao bố tìm ra địa chỉ thì em không biết, nhưng hôm ấy bố đến, bố tự giới thiệu tên mình. Em ngỡ ngàng, ngày bố ra đi em mới tròn ba tuổi, hơn hai mươi năm sau gặp lại làm sao em nhận được , bố xoa đầu đám cháu ngoại đang trố mắt nhìn nguời đàn ông lạ, bố hỏi về anh, về Tuấn, khi em hỏi lại bố là làm sao để biết anh và Tuấn đang bị giam giữ ở trại cải tạo nào, bố lắc đầu không nói gì. Bố cho hay là bố đang có gia đình ở Bắc, ngoài ấy bố có thêm hai trai và hai gái. Ðứa trai lớn nhất thua em bốn tuổị

Bố mang vào cho em hai mươi ký gạo và một chục cam. Bố ở chơi một ngày rồi bố trở về Hà nội. Lúc bố về em có tặng bố cái radio-cassette của anh cho ngày nào. Bố thích lắm, bố hứa sẽ đến thăm anh trong trại tù. Từ hồi trở ra Bắc đến giờ bố chưa liên lạc lại với em, và em cũng không có địa chỉ của bố ở ngoài ấy. Tôi đọc thư lòng thấy phân vân, tôi cũng như em, không hình dung ra nổi bố tôi hình dáng mặt mũi ra sao, hai mươi mấy năm, tôi tưởng bố tôi đã chết.

Tháng 12 năm 77, tại trại cải tạo Sơn La, bố đến thăm tôi .

Ðứng trong văn phòng viên sĩ quan trưởng trại một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu và gương mặt xương. Bộ áo quần dân sự khá thẳng thớm, và sự lễ phép của tên đại úy truởng trại tiết lộ về điạ vị không nhỏ của người này. Thấy tôi vào, viên trưởng trại quay qua nói nhỏ một câu gì đó rồi bước ra ngoài. Tôi im lặng đứng nhìn người đàn ông xa lạ .

Bố đến bắt tay tôi, tự xưng tên mình, bố gọi tôi bằng anh, bố kể là đã gặp em ở Phan Rang, bố hỏi tôi học tập thế nào, bố không hề nhắc đến mẹ, có lẽ ông đã biết về cái chết của mẹ… Bố nói là có đọc văn tôi. Tôi ngồi yên nghe bố nói, sau cùng, bố đứng dậy, móc trong xách ra một gói nhỏ bảo đó là đường và thuốc lá, trao cho tôi, khuyên tôi cố gắng học tập tốt để sớm được khoan hồng. Tôi nhìn vào mắt bố, lòng thấy dững dưng. Tôi bắt tay bố rồi về lại lán mình. Ðó, cuộc hội ngộ của bố con tôi sau hơn hai mươi năm là thế đấy. Chắc cuộc tái ngộ giữa bố với em cũng tẻ nhạt như thế. Có cái gì đó ngăn cách, có cái gì đó phân chia, có cái gì đó tôi không hiểu và không diễn tả được. Bây giờ tôi hiểu vì sao cái tin quan trọng đến thế mà em lại chỉ đề cập một cách ngắn ngủi ở cuối thư.

Lần đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi gặp bố trong suốt 13 năm lang thang trong các trại tù biệt giam miền Bắc.

Tháng 12/78, chuyển trại lên Yên Bái, tôi nhận thêm được hai lá thư của em, trong bức thư gần nhất, em viết vào tháng 8/78. Em cho hay tình trạng rất khó khăn, phụ cấp đi dạy không đủ nuôi một mẹ già và bốn con thơ, em đã bán lần mòn hết những đồ trang sức và luôn cả những đồ vật trong nhà. Em vẫn chưa đi thăm nuôi Tuấn được một lần nào. Không thể để bốn cháu nhỏ ở nhà cho bà nội vì cụ bây giờ đã quá yếu, mỗi buổi ăn, Uyên, cháu lớn phải đút cho bà. Ngoài ra, mỗi tối, từ lúc chạng vạng em và Hoàng, hai mẹ con phải ra đầu ngõ, ngồi bán bắp nướng đến khuya để kiếm thêm tiền đong gạo. Em than là dạo này mất ngủ, sức khoẻ yếu lắm, em sợ nhở có mệnh hệ nào …

Tôi thẩn thờ cả buổi vì bức thư em, ngày xưa tôi chỉ lo cho có mỗi mình em, còn bây giờ em phải lo cho bốn đứa con thơ và một mẹ già, kể luôn người chồng và ông anh đang tù tội là bảy, bảy cây thập giá đời đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của em. Tôi viết thư về an ủi, khuyên em cố gắng, tôi vỗ về em là có thể Tuấn sẽ được tha về sớm với em, với cháu, vì Tuấn đi hải quân và lon còn thấp, không có tội với cách mạng nhiều. Rồi tôi viết thêm cho em hai ba lá thư nữa mà vẫn không thấy hồi âm. Lòng tôi cồn cào, nóng như lửa đốt, những ngày dài tù tội, tôi không nghĩ đến cái đói, cái khổ của mình mà chỉ nghĩ đến em và mấy cháu, không biết giờ này, em và bốn cháu thơ dại đang có gì ăn ?

Tháng 6/79, một sáng trên đường lên rừng đốn nứa, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giữa các bạn tù. Họ nghe từ các bà vợ đi thăm nuôi kể lại, rằng ở Phan Rang có một chị có chồng đang đi cải tạo, chị chết đi, để lại bốn con thơ, đứa bé nhất mới lên ba, còn đứa lớn nhất chưa đầy chín tuổi. Tội nghiệp, họ hàng nội ngoại không có một ai. Tôi bỗng dưng thấy lạnh toát cả sống lưng, lại gần hỏi thêm thì người bạn tù cho hay là nghe nói chị ấy làm nghề cô giáo, có chồng sĩ quan hải quân đang đi tù cải tạo ở đâu đó trong Nam. Nguời chồng, trung úy hải quân trước cũng đóng ở Phan Rang. Trần Nguyên Tuấn, hải quân trung uý Trần nguyên Tuấn. Tôi thấy đất trời đảo lộn, tôi thấy mặt trời nổ tung trong óc, tôi hụt hơi, miệng há hốc đứng như trời trồng giữa núi rừng Yên Bái, bên cạnh tôi tiếng nguời nói lao xao. Tôi không nghe gì hết, tai tôi lùng bùng, mắt tôi mờ đi, tôi đang nhìn thấy xác em nằm co quắp trên manh chiếu, bốn đứa cháu của tôi, cháu Minh Tâm chưa đầy ba tuổi đang lấy tay lay lay xác mẹ, cháu lớn Thu Uyên chưa đủ chín tuổi đang ôm chân mẹ khóc lóc ủ ê, hai đứa kia, Hoàng và Châu ngơ ngác đứng nhìn. Trời tháng 6 mùa hè Yên bái mà sao tôi thấy thân mình lạnh buốt. Tôi tê dại, tôi hoá đá, tôi không còn cảm xúc, tôi muốn hét lên cho tan vỡ cả vũ trụ này. Trong lung linh màu nắng vàng buổi trưa Yên Bái, tôi thấy bóng em nhập nhoà, chập chờn. Em của tôi, đứa em côi cút của tôi … Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ… Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du…

.

Catégories
Prose

Những Vì Sao

( Lời thuật chuyện của một gã chăn cừu xứ Provence )
Tác giả : ALPHONSE DAUDET
Bản dịch Việt ngữ : TRÚC HUY

.

.

.

Trong thời gian tôi chăn cừu trên miền núi Luberon (2), có khi suốt mấy tuần lễ liên tiếp tôi không trông thấy một bóng người, chỉ một mình tôi trên cánh đồng cỏ với chú chó Labri và đàn cừu của tôi. Thỉnh thoảng có vị tu sĩ sống ẩn dật ở núi Ure đi ngang qua đây để tìm kiếm dược thảo hoặc là tôi trông thấy bộ mặt lọ lem dính đầy bụi than của người phu mỏ xứ Piémont ; nhưng họ là những người chất phác, khuôn mặt lầm lì vì quen sống lâu ngày trong cảnh cô đơn, không còn hứng thú trò chuyện và chẳng biết gì về những chuyện trong làng ngoài tỉnh mà người ta đang bàn tán ở dưới đó. Vì thế, cứ khoảng mười lăm ngày, khi tôi nghe tiếng lục lạc từ con đường mòn dưới núi đi lên của con la ở nông trại mang lương thực nửa tháng cho tôi, rồi tôi thấy xuất hiện dần dần trên sườn dốc bộ mặt tươi vui của thằng bé miarro (thằng nhỏ giúp việc ở trại) hay chiếc khăn trùm màu hung đỏ của thím già Norade, là tôi cảm thấy trong lòng thật sung sướng vô cùng. Tôi yêu cầu kể cho nghe những chuyện xảy ra ở dưới đồng bằng, những buổi lễ rửa tội, những đám cưới hỏi… Nhưng điều mà tôi chú ý và thích nghe hơn cả là biết tin tức về cô con gái cưng của ông bà chủ trại, vị tiểu thư Stéphanette, thiếu nữ xinh đẹp nhất trong toàn vùng. Cố làm ra vẻ như không mấy quan tâm, tôi hỏi thăm xem nàng có hay đi dự nhiều lễ hội hay dạ tiệc không, có nhiều chàng trai ngấp nghé tán tỉnh không. Và nếu có ai hỏi tôi muốn biết những chuyện ấy có ích lợi gì cho cái thân phận nghèo hèn của một tên chăn cừu miền núi như tôi, thì tôi sẽ trả lời rằng tôi đang ở tuổi hai mươi và đối với tôi nàng Stéphanette là người thiếu nữ xinh đẹp nhất trần gian.

Thế rồi, một hôm chủ nhật nọ, tôi cũng chờ đợi chuyến tiếp tế lương thực cho nửa tháng, nhưng sao lần này nó tới muộn quá. Từ buổi sáng, tôi nghĩ bụng : “Có lẽ vì lễ lớn ở nhà thờ đây thôi.” Rồi đến trưa, một trận mưa giông lớn đổ xuống, tôi lại cho rằng vì đường trơn ướt lầy lội, con la chưa thể lên đường được. Mãi cho đến khoảng ba giờ chiều, trời quang mây tạnh, sườn núi lấp lánh nước mưa và ánh sáng mặt trời, tôi bỗng nghe được, giữa tiếng nước nhỏ giọt róc rách trên cành lá và tiếng suối reo do nước lũ dâng trào, tiếng lục lạc leng keng của con la, nghe thật là vui tươi rộn ràng chẳng khác gì tiếng chuông nhà thờ đổ hồi trong ngày lễ Phục sinh. Nhưng không phải thằng nhỏ ở nông trại, cũng chẳng phải thím già Norade ngồi trên lưng lừa như mọi khi. Mà là… xin bạn thử đoán xem là ai ? Chính là vị tiểu thư trại nhà, bạn ạ ! Đúng vậy, vị tiểu thư Stéphanette đích thân đến. Nàng ngồi ngay ngắn trên mình la giữa những chiếc giỏ mây, đôi má ửng hồng vì khí trời của núi và làn gió mát sau trận mưa giông vừa qua.

Thằng nhỏ bị bệnh, còn thím già Norade thì xin nghỉ phép về thăm con. Nàng Stéphanette xinh đẹp vừa từ trên mình la tụt xuống vừa nói cho tôi biết như vậy. Nàng còn nói thêm vì lạc đường cho nên đã đến muộn. Nhưng trông nàng ăn mặc đẹp đẽ như thế kia, trên đầu kết băng hoa và vận chiếc váy lộng lẫy có thêu đăng ten, tôi thấy cô nàng có vẻ như đã nấn ná ham vui trong một cuộc khiêu vũ nào đó hơn là đã dò dẫm tìm đường trong các bụi rậm. Ôi, người đâu mà xinh đẹp lạ thường ! Tôi say đắm nhìn nàng mà không muốn rời mắt. Thật tình mà nói, tôi chưa bao giờ có dịp được ngắm nhìn nàng ở gần như thế. Về mùa đông, sau khi đã lùa đàn cừu xuống đồng bằng, tôi về nông trại để dùng cơm tối, thỉnh thoảng tôi thấy nàng đi thoăn thoắt ngang qua phòng ăn của chúng tôi, nhưng chẳng mấy khi nàng nói chuyện với kẻ ăn người ở, luôn luôn trang điểm đẹp đẽ và có vẻ hơi kiêu kỳ một chút… Thế mà bây giờ tôi lại có được cái diễm phúc là nàng đứng ngay trước mặt tôi, và chỉ có mình tôi thôi, như vậy thì bảo làm sao tôi không bối rối cho được ?

Sau khi lấy hết lương thực từ trong các giỏ ra, cô nàng bắt đầu tò mò đưa mắt nhìn chung quanh. Nàng vén nhẹ chiếc váy đẹp cho khỏi lấm, bước vào phía bên trong lán, muốn xem chỗ tôi ngủ, chiếc ổ rơm có phủ tấm da cừu, cái áo choàng rộng treo trên vách, chiếc gậy, cây súng đá… Tất cả những thứ đó có vẻ làm cho nàng thích thú.

– Thì ra anh ngủ ở đây à, anh mục đồng tội nghiệp của tôi ! Sống một mình như thế này thì chắc là buồn lắm nhỉ ? Hàng ngày anh làm gì ? Anh nghĩ gì ?

Tôi rất muốn trả lời : “Nghĩ đến cô, cô chủ ạ.” Phải nói như thế mới trung thực với lòng mình, nhưng vì bối rối quá nên tôi không nghĩ ra được một lời nào. Tôi tin rằng nàng cũng nhận thấy sự bối rối của tôi, nhưng cô nàng tinh nghịch lại lấy đó làm thích thú và cố tình trêu chọc để làm cho tôi càng thêm bối rối :

– Mục đồng ơi, thế cô bạn gái thân thiết của anh có thỉnh thoảng lên đây thăm anh không ? Cô ấy chắc hẳn là nàng dê có bộ lông vàng hay nàng tiên Estérelle chỉ quen nhảy nhót trên các đỉnh núi thôi nhỉ ?

Trong lúc nói chuyện với tôi, chính cô nàng mới có dáng điệu giống như nàng tiên Estérelle, với nụ cười duyên dáng, đầu hơi ngả ra đàng sau và vẻ vội vàng muốn ra về, làm cho cuộc thăm viếng ngắn ngủi của nàng chẳng khác nào một sự xuất hiện bất ngờ.

– Thôi, chào tạm biệt mục đồng nhé.

– Xin chào tạm biệt cô chủ.

Thế là nàng đi mất, mang theo những chiếc giỏ không.

Khi nàng đã khuất dạng sau con đường dốc nhỏ, tôi tưởng chừng như những viên sỏi lăn lóc dưới móng chân la đang rơi từng viên một vào lòng tôi. Tôi còn nghe thấy trong lòng tiếng sỏi rơi như thế mãi cho đến lúc chiều tàn, không dám cử động, chỉ sợ làm tan vỡ giấc mơ đẹp của tôi. Chiều tối xuống dần, khi thung lũng bắt đầu ngả màu xanh lam và đàn súc vật kêu be be chen lấn nhau về chuồng, tôi bỗng nghe có tiếng ai gọi tôi từ phía dưới sườn núi, rồi tôi thấy vị tiểu thư của chúng ta xuất hiện, nhưng không còn vui tươi như lúc ban chiều mà run lập cập vì ướt lạnh và sợ hãi. Có vẻ như là, khi xuống phía lưng chừng sườn núi, nàng đã gặp con suối Sorgue bị nước lũ tràn ngập sau trận mưa giông, và vì nàng muốn lội qua cho bằng được nên suýt bị chết đuối. Nghiệt một nỗi, đêm hôm tối tăm, vào giờ này không mong gì về nông trại được nữa ; vì đi đường tắt thì nàng không thể một mình tìm ra lối về, còn tôi thì không thể bỏ đàn cừu mà đi được. Ý nghĩ phải ngủ lại qua đêm trên núi làm nàng rất băn khoăn và bối rối, vì sợ ở nhà bố mẹ lo lắng. Tôi cố lựa lời để nói cho nàng yên tâm :

– Trời tháng bảy, đêm ngắn thôi, cô chủ à… Không sao đâu, cô nên chịu khó một chút cho qua đêm thôi.

Tôi vội vàng nhóm một ngọn lửa lớn để nàng hơ chân và hong khô bộ áo bị ướt sũng khi lội qua suối. Rồi tôi mang sữa tươi và pho mát đến cho nàng, nhưng cô bé đáng thương chẳng thiết gì đến chuyện sưởi ấm hay ăn uống gì cả. Nhìn thấy nàng nước mắt lưng tròng, tôi cũng muốn khóc theo với nàng.

Rồi màn đêm cũng xuống hẳn. Chỉ còn một chút ít vầng dương còn vương lại trên đỉnh núi cao và một làn hơi ánh sáng mong manh ở phía mặt trời lặn. Tôi muốn để nữ chủ nhân của tôi vào nằm nghỉ bên trong lán. Sau khi trải một tấm da cừu đẹp và mới tinh xuống lớp ổ rơm mới, tôi chúc nàng ngủ ngon, rồi bước ra ngồi ngoài hiên cửa… Xin có trời chứng giám cho tôi, mặc dầu ngọn lửa tình hừng hực bốc cháy trong lòng nhưng tôi không hề có một ý tưởng xấu xa nào, trong lòng tự cảm thấy rất hãnh diện khi nghĩ đến ở góc lán bên kia, ngay cạnh đàn cừu đang tò mò nhìn nàng ngủ, có cô con gái của ông bà chủ tôi – như một con cừu non quý báu nhất và trắng ngần nhất – đang nằm ngủ và được giao phó cho tôi canh gác. Chưa bao giờ tôi được nhìn ngắm bầu trời sâu thăm thẳm và các vì tinh tú rực sáng lấp lánh như đêm nay…

Bỗng tấm chấn song xịch mở và nàng Stéphanette xinh đẹp xuất hiện bước ra. Nàng không tài nào ngủ được vì đàn cừu cựa quậy khiến rơm rạ kêu sột soạt hoặc là chúng kêu be be trong lúc đang ngủ mê. Nàng thích ra ngồi cạnh đống lửa hơn. Thấy vậy, tôi liền khoác tấm da cừu của tôi lên vai nàng, khêu to ngọn lửa, rồi hai chúng tôi ngồi bên cạnh nhau, im lặng không nói năng gì.

Nếu bạn đã từng ngủ qua đêm ngoài trời dưới trăng sao, chắc bạn cũng biết rằng trong khi chúng ta đang ngủ thì cả một thế giới huyền bí đang bừng sống dậy trong thanh vắng và tĩnh mịch. Lúc ấy tiếng suối reo nghe như rõ hơn, những ao hồ thấy có những đốm lửa li ti nhen nhúm lên. Những thần linh của núi rừng đi lại tự do ; và trong không gian có những tiếng sột soạt, những tiếng động rất khẻ, tưởng chừng như ta có thể nghe được một cành cây đang chuyển mình vươn dài ra và cỏ cây đang mọc thêm ra. Ban ngày là đời sống của các sinh vật, còn ban đêm là đời sống của các thực vật và sự vật. Nếu chưa quen với những tiếng động ban đêm, có khi làm cho ta sợ hãi… Thế nên vị tiểu thư của chúng ta, cứ mỗi lần nghe thấy một tiếng động dù là rất nhỏ, nàng cũng đã run sợ và lại nép sát vào người tôi. Có một lần, từ phía mặt ao hồ lấp lánh dưới kia, bỗng vọng lên một tiếng hú kéo dài não nuột, ngân vang uốn lượn về phía chúng tôi. Cũng vừa lúc đó, một ngôi sao băng rực sáng xẹt qua trên đầu chúng tôi và bay về cùng một hướng, tựa như là tiếng than van mà chúng tôi vừa nghe thấy kia đã mang theo một luồng ánh sáng vậy.

– Cái gì thế ? nàng Stéphanette khe khẽ hỏi tôi.

– Thưa cô, đó là một linh hồn vừa được lên thiên đàng. Nói xong tôi làm dấu thánh giá.

Nàng cũng làm dấu như tôi và ngửa cổ nhìn lên trời như thế một hồi lâu, vẻ mặt trầm ngâm. Rồi nàng quay lại hỏi tôi :

– Này mục đồng, có phải các anh đều là phù thủy cả không ?

– Thưa cô, không phải đâu ạ ! Nhưng vì ở đây chúng tôi sống gần trăng sao hơn những người dưới đồng bằng nên biết rõ hơn những sự việc xảy ra ở trên trời.

Nàng vẫn đưa mắt ngước lên nhìn bầu trời, đầu tựa vào lòng bàn tay, vai khoác tấm da cừu, trông cô nàng giống như một mục đồng của nhà trời vậy.

– Ồ, nhiều sao quá ! Thật là tuyệt vời ! Chưa bao giờ tôi thấy nhiều tinh tú như thế này. Mục đồng ơi, thế anh có biết tên của những vì sao không ?

– Biết chứ ạ, thưa cô chủ. Này nhé, ngay trên đầu chúng ta, kìa là Con đường của thánh Jacques (la Voie lactée) (3). Nó chạy thẳng một mạch từ nước Pháp sang nước Tây Ban Nha, do chính thánh Jacques de Galice (4) đã vạch ra để chỉ đường cho Charlemagne dũng cảm tiến quân đánh giặc Sarrasins (5). Xa hơn một chút nữa là Chiếc xe chở linh hồn (la Grande Ourse) với bốn trục xe sáng ngời. Ba ngôi sao đi phía trước là Ba con vật kéo xe (les Trois Bêtes), và ngôi sao nhỏ nhất ở sát ngay cạnh ngôi sao thứ ba là Người đánh xe (le Charretier). Cô có thấy chung quanh có một chùm sao rơi rụng như mưa sa không ? Đấy là những linh hồn mà Thượng Đế không muốn chúng ở cạnh Ngài… Rồi ở phía dưới một chút là sao Bừa cào (le Râteau), còn gọi là Ba Ông Vua (Orion). Đó là chiếc đồng hồ của mục đồng chúng tôi để biết được giờ giấc. Chỉ cần nhìn chúng là tôi biết bây giờ đã quá nửa đêm rồi. Phía dưới một chút nữa, vẫn theo hướng Nam, là ngôi sao Jean de Milan (6) sáng ngời, ngọn đuốc của các vì tinh tú (Sirius). Về ngôi sao đó, mục đồng chúng tôi thường kể chuyện như sau : Vào một đêm nọ, Jean de Milan cùng Ba Ông Vua và sao Rua (La Poussinière) (7) được mời đến dự lễ cưới của một ngôi sao bạn. Theo lời người ta kể, sao Rua vội vã đi trước, theo con đường ở phía trên. Cô nhìn xem kìa, ngôi sao ấy ở chỗ cao tít, tận cuối chân trời… Ba Ông Vua đi đường tắt phía dưới nên đuổi kịp. Riêng anh chàng Jean de Milan, vì lười biếng ngủ quên nên bị bỏ lại đằng sau ; anh ta bực mình liền quăng ngay chiếc gậy để cản đường họ. Bởi thế nên người ta còn gọi chòm sao Ba Ông Vua là Chiếc gậy của Jean de Milan… Nhưng cô chủ ạ, ngôi sao đẹp nhất trong tất cả những vì sao lại là ngôi sao của chúng tôi, đó là sao Mục đồng (l’Étoile du Berger), nó soi đường cho chúng tôi lùa đàn súc vật ra bãi lúc bình minh và xua chúng về chuồng lúc hoàng hôn. Chúng tôi còn gọi ngôi sao ấy là Maguelonne, nàng Maguelonne xinh đẹp chạy theo chàng Pierre de Provence (Saturne) và cứ bảy năm một lần lại kết hôn với chàng.

– Thế vậy hả ? Lại có chuyện các vì sao cưới hỏi nhau nữa cơ à ?

– Có chứ ạ, thưa cô chủ.

Và trong khi tôi đang cố giải thích cho nàng thế nào là những hôn lễ của các vì sao, thì tôi cảm thấy như có vật gì tươi mát và mịn màng đè nhẹ lên vai tôi. Thì ra đầu nàng, nặng trĩu vì buồn ngủ, đã tựa vào vai tôi với tiếng sột soạt êm ái của những dải đăng ten và mái tóc gợn sóng của nàng. Nàng ngồi yên không nhúc nhích như thế cho đến khi những vì sao bắt đầu lu mờ dần và nhoà đi trong những tia nắng sáng đầu tiên của buổi ban mai. Còn tôi, tôi nhìn nàng ngủ, trong đáy lòng hơi xao xuyến một chút, nhưng vẫn giữ được sự thanh khiết của tâm hồn, vì đêm sao sáng như thế kia bao giờ cũng đem lại cho tôi những ý nghĩ cao đẹp. Chung quanh chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình thầm lặng, ngoan ngoãn như một đàn cừu vĩ đại ; và đôi lúc tôi có cảm tưởng như một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, sáng ngời nhất, vì lạc mất đường đã đến tựa vào vai tôi và ngủ giấc yên lành…

(1) – Dịch từ nguyên tác Pháp ngữ “Les Étoiles” (Récit d’un berger provençal), trích từ tác phẩm “Lettres de mon moulin” (Thư viết từ chiếc cối xay của tôi) của Alphonse Daudet (1840-1897). (2) – Luberon : một vùng miền núi không cao, ở gần dãy núi Alpes thuộc nước Pháp. (3) – Chemin de saint Jacques : dải Ngân Hà (la Voie lactée). (4) – Galice : tên một thành phố của Tây Ban Nha. (5) – Sarrasins : tên gọi quân A rập, thời trung cổ, đã xâm lược châu Âu và châu Phi. (6) – Jean de Milan : sao Sirius (Thiên Lang). (7) – La Poussinière (còn gọi là La Pléiade) : sao Rua (Kim Ngưu) tên một chòm sao nhỏ ở bắc bán cầu.

.

Les Étoiles – Alphonse Daudet
YouTube (FR3 Marseille – 1979)

Sur un texte d’Alphonse Daudet – Réalisation : Jacques Ordines
Interprété par Robert Ripa, Cécile Paoli et Marc de Negri

.

ooo000ooo

.

.

LES ÉTOILES (1)
( Récit d’un berger provençal )

par ALPHONSE DAUDET

.

Du temps que je gardais les bêtes sur le Luberon, je restais des semaines entières sans voir âme qui vive, seul dans le pâturage avec mon chien Labri et mes ouailles. De temps en temps l’ermite du Mont-de-l’Ure passait par là pour chercher des simples ou bien j’apercevais la face noire de quelque charbonnier du Piémont ; mais c’étaient des gens naïfs, silencieux à force de solitude, ayant perdu le goût de parler et ne sachant rien de ce qui se disait en bas dans les villages et les villes. Aussi, tous les quinze jours, lorsque j’entendais, sur le chemin qui monte, les sonnailles du mulet de notre ferme m’apportant les provisions de quinzaine, et que je voyais apparaître peu à peu, au-dessus de la côte, la tête éveillée du petit miarro (garçon de ferme), ou la coiffe rousse de la vieille tante Norade, j’étais vraiment bien heureux. Je me faisais raconter les nouvelles du pays d’en bas, les baptêmes, les mariages ; mais ce qui m’intéressait surtout, c’était de savoir ce que devenait la fille de mes maîtres, notre demoiselle Stéphanette, la plus jolie qu’il y eût à dix lieues à la ronde. Sans avoir l’air d’y prendre trop d’intérêt, je m’informais si elle allait beaucoup aux fêtes, aux veillées, s’il lui venait toujours de nouveaux galants ; et à ceux qui me demanderont ce que ces choses-là pouvaient me faire, à moi pauvre berger de la montagne, je répondrai, que j’avais vingt ans et que cette Stéphanette était ce que j’avais vu de plus beau dans ma vie.

Or, un dimanche que j’attendais les vivres de quinzaine, il se trouva qu’ils n’arrivèrent que très tard. Le matin je me disais : “C’est la faute de la grand’messe” puis, vers midi, il vint un gros orage, et je pensai que la mule n’avait pas pu se mettre en route à cause du mauvais état des chemins. Enfin, sur les trois heures, le ciel étant lavé, la montagne luisante d’eau et de soleil, j’entendis parmi l’égouttement des feuilles et le débordement des ruisseaux gonflés, les sonnailles de la mule, aussi gaies, aussi alertes qu’un grand carillon de cloches un jour de Pâques. Mais ce n’était pas le petit miarro, ni la vieille Norade qui la conduisait. C’était… devinez qui ! … notre demoiselle, mes enfants ! notre demoiselle en personne, assise droite entre les sacs d’osier, toute rose de l’air des montagnes et du rafraîchissement de l’orage.

Le petit était malade, tante Norade en vacances chez ses enfants. La belle Stéphanette m’apprit tout ça, en descendant de sa mule, et aussi qu’elle arrivait tard parce qu’elle s’était perdue en route ; mais à la voir si bien endimanchée, avec son ruban à fleurs, sa jupe brillante et ses dentelles, elle avait plutôt l’air de s’être attardée à quelque danse que d’avoir cherché son chemin dans les buissons. Ô la mignonne créature ! Mes yeux ne pouvaient se lasser de la regarder. Il est vrai que je ne l’avais jamais vue de si près. Quelquefois l’hiver, quand les troupeaux étaient descendus dans la plaine et que je rentrais le soir à la ferme pour souper, elle traversait la salle vivement, sans guère parler aux serviteurs, toujours parée et un peu fière… Et maintenant je l’avais là devant moi, rien que pour moi ; n’était-ce pas à en perdre la tête ?

Quand elle eut tiré les provisions du panier, Stéphanette se mit à regarder curieusement autour d’elle. Relevant un peu sa belle jupe du dimanche qui aurait pu s’abîmer, elle entra dans le parc, voulut voir le coin où je couchais, la crèche de paille avec la peau de mouton, ma grande cape accrochée au mur, ma crosse, mon fusil à pierre. Tout cela l’amusait.

– Alors c’est ici que tu vis, mon pauvre berger ? Comme tu dois t’ennuyer d’être toujours seul ! Qu’est-ce que tu fais ? A quoi penses-tu ? …

J’avais envie de répondre : “A vous, maîtresse”, et je n’aurais pas menti ; mais mon trouble était si grand que je ne pouvais pas seulement trouver une parole. Je crois bien qu’elle s’en apercevait, et que la méchante prenait plaisir à redoubler mon embarras avec ses malices :

– Et ta bonne amie, berger, est-ce qu’elle monte te voir quelquefois ? … Ça doit être bien sûr la chèvre d’or, ou cette fée Estérelle qui ne court qu’à la pointe des montagnes…

Et elle-même, en me parlant, avait bien l’air de la fée Estérelle, avec le joli rire de sa tête renversée et sa hâte de s’en aller qui faisait de sa visite une apparition.

– Adieu, berger.

– Salut, maîtresse.

Et la voilà partie, emportant ses corbeilles vides.

Lorsqu’elle disparut dans le sentier en pente, il me semblait que les cailloux, roulant sous les sabots de la mule, me tombaient un à un sur le cœur. Je les entendis longtemps, longtemps ; et jusqu’à la fin du jour je restai comme ensommeillé, n’osant bouger, de peur de faire en aller mon rêve. Vers le soir, comme le fond des vallées commençait à devenir bleu et que les bêtes se serraient en bêlant l’une contre l’autre pour rentrer au parc, j’entendis qu’on m’appelait dans la descente, et je vis paraître notre demoiselle, non plus rieuse ainsi que tout à l’heure, mais tremblante de froid, de peur, de mouillure. Il paraît qu’au bas de la côte elle avait trouvé la Sorgue grossie par la pluie d’orage, et qu’en voulant passer à toute force, elle avait risqué de se noyer. Le terrible, c’est qu’à cette heure de nuit il ne fallait plus songer à retourner à la ferme ; car le chemin par la traverse, notre demoiselle n’aurait jamais su s’y retrouver toute seule, et moi je ne pouvais pas quitter le troupeau. Cette idée de passer la nuit sur la montagne la tourmentait beaucoup, surtout à cause de l’inquiétude des siens. Moi, je la rassurais de mon mieux :

– En juillet, les nuits sont courtes, maîtresse… Ce n’est qu’un mauvais moment.

Et j’allumai vite un grand feu pour sécher ses pieds et sa robe toute trempée de l’eau de la Sorgue. Ensuite j’apportai devant elle du lait, des fromageons ; mais la pauvre petite ne songeait ni à se chauffer, ni à manger, et de voir les grosses larmes qui montaient dans ses yeux, j’avais envie de pleurer, moi aussi.

Cependant la nuit était venue tout à fait. Il ne restait plus sur la crête des montagnes qu’une poussière de soleil, une vapeur de lumière du côté du couchant. Je voulus que notre demoiselle entrât se reposer dans le parc. Ayant étendu sur la paille fraîche une belle peau toute neuve, je lui souhaitai la bonne nuit, et j’allai m’asseoir dehors devant la porte… Dieu m’est témoin que, malgré le feu d’amour qui me brûlait le sang, aucune mauvaise pensée ne me vint ; rien qu’une grande fierté de songer que dans un coin du parc, tout près du troupeau curieux qui la regardait dormir, la fille de mes maîtres – comme une brebis plus précieuse et plus blanche que toutes les autres – reposait, confiée à ma garde. Jamais le ciel ne m’avait paru si profond, les étoiles si brillantes…

Tout à coup, la claire-voie du parc s’ouvrit et la belle Stéphanette parut. Elle ne pouvait pas dormir. Les bêtes faisaient crier la paille en remuant, ou bêlaient dans leurs rêves. Elle aimait mieux venir près du feu. Voyant cela, je lui jetai ma peau de bique sur les épaules, j’activai la flamme, et nous restâmes assis l’un près de l’autre sans parler.

Si vous avez jamais passé la nuit à la belle étoile, vous savez qu’à l’heure où nous dormons, un monde mystérieux s’éveille dans la solitude et le silence. Alors les sources chantent bien plus clair, les étangs allument des petites flammes. Tous les esprits de la montagne vont et viennent librement ; et il y a dans l’air des frôlements, des bruits imperceptibles, comme si l’on entendait les branches grandir, l’herbe pousser. Le jour, c’est la vie des êtres ; mais la nuit, c’est la vie des choses. Quand on n’en a pas l’habitude, ça fait peur… Aussi notre demoiselle était toute frissonnante et se serrait contre moi au moindre bruit. Une fois, un cri long, mélancolique, parti de l’étang qui luisait plus bas, monta vers nous en ondulant. Au même instant une belle étoile filante glissa par-dessus nos têtes dans la même direction, comme si cette plainte que nous venions d’entendre portait une lumière avec elle.

– Qu’est-ce que c’est ? me demanda Stéphanette à voix basse.

– Une âme qui entre en paradis, maîtresse ; et je fis le signe de la croix.

Elle se signa aussi, et resta un moment la tête en l’air, très recueillie. Puis elle me dit :

– C’est donc vrai, berger, que vous êtes sorciers, vous autres ?

– Nullement, notre demoiselle. Mais ici nous vivons plus près des étoiles, et nous savons ce qui s’y passe mieux que des gens de la plaine.

Elle regardait toujours en haut, la tête appuyée dans la main, entourée de la peau de mouton comme un petit pâtre céleste :

– Qu’il y en a ! Que c’est beau ! Jamais je n’en avais tant vu… Est-ce que tu sais leurs noms, berger ?

– Mais oui, maîtresse… Tenez ! juste au-dessus de nous, voilà le Chemin de saint Jacques (la voie lactée). Il va de France droit sur l’Espagne. C’est saint Jacques de Galice qui l’a tracé pour montrer sa route au brave Charlemagne lorsqu’il faisait la guerre aux Sarrasins. Plus loin, vous avez le Char des âmes (la grande Ourse) avec ses quatre essieux resplendissants. Les trois étoiles qui vont devant sont les Trois Bêtes, et cette toute petite contre la troisième c’est le Charretier. Voyez-vous tout autour cette pluie d’étoiles qui tombent ? Ce sont les âmes dont le bon Dieu ne veut pas chez lui… Un peu plus bas, voici le Râteau ou les Trois Rois (Orion). C’est ce qui nous sert d’horloge, à nous autres. Rien qu’en les regardant, je sais maintenant qu’il est minuit passé. Un peu plus bas, toujours vers le midi, brille Jean de Milan, le flambeau des astres (Sirius). Sur cette étoile-là, voici ce que les bergers racontent. Il paraît qu’une nuit Jean de Milan, avec les Trois Rois et la Poussinière (la Pléiade), furent invités à la noce d’une étoile de leurs amies. La Poussinière, plus pressée, partit, dit-on, la première, et prit le chemin haut. Regardez-la, là-haut, tout au fond du ciel. Les Trois Rois coupèrent plus bas et la rattrapèrent ; mais ce paresseux de Jean de Milan, qui avait dormi trop tard, resta tout à fait derrière, et furieux, pour les arrêter, leur jeta son bâton. C’est pourquoi les Trois Rois s’appellent aussi le Bâton de Jean de Milan… Mais la plus belle de toutes les étoiles, maîtresse, c’est la nôtre, c’est l’Étoile du Berger, qui nous éclaire à l’aube quand nous sortons le troupeau, et aussi le soir quand nous le rentrons. Nous la nommons encore Maguelonne, la belle Maguelonne qui court après Pierre de Provence (Saturne) et se marie avec lui tous les sept ans.

– Comment ! berger, il y a donc des mariages d’étoiles ?

– Mais oui, maîtresse.

Et comme j’essayais de lui expliquer ce que c’était que ces mariages, je sentis quelque chose de frais et de fin peser légèrement sur mon épaule. C’était sa tête alourdie de sommeil qui s’appuyait contre moi avec un joli froissement de rubans, de dentelles et de cheveux ondés. Elle resta ainsi sans bouger jusqu’au moment où les astres du ciel pâlirent, effacés par le jour qui montait. Moi, je la regardais dormir, un peu troublé au fond de mon être, mais saintement protégé par cette claire nuit qui ne m’a jamais donné que de belles pensées. Autour de nous, les étoiles continuaient leur marche silencieuse, dociles comme un grand troupeau ; et par moments je me figurais qu’une de ces étoiles, la plus fine, la plus brillante, ayant perdu sa route, était venue se poser sur mon épaule pour dormir…

.

(1) – Extrait des “Lettres de mon Moulin” d’Alphonse Daudet (1840-1897). Ce récit a paru d’abord dans le journal “Le Bien public”, en 1873 (8 avril). Il fut recueilli dans “Robert Helmont” (1874) d’où il fut retiré pour être joint à l’édition définitive des “Lettres de mon Moulin” (1879).

.

Source : art2all.net

.

Catégories
Prose

Trái Vải và Dịch Bịnh Não Trẻ Em ở Nam Châu Á

Ho van Hien (BP65)

.

Trái vải (litchi or lychee)

.

Lời giới thiệu : Tạp chí Y khoa danh tiếng của Anh The Lancet (1,5) vừa công bố một khảo cứu về độc tính tiềm ẩn của trái vải hay lệ chi mà người Việt chúng ta rất ưa thích. Tuy nhiên trong trái vải có chất làm cho lượng đường glucose trong máu giảm xuống. Ở người dinh dưỡng tốt (ví dụ ở Mỹ), ăn vài trái vải cho vui miệng không thành vấn đề. Tuy nhiên ở trẻ em thiếu ăn, ví dụ ở Án độ, Bangladesh, hay miền Đông Bắc Việt Nam, các cháu lượm những trái vải sống, hư hay rơi rụng và ăn rất nhiều vì trái ngọt, chất hypoglycin có thể làm đường trong máu thấp đến mức não bộ thiếu đường để dùng cho năng lượng, các cháu mê man, làm kinh, và có thể chết được. (Mức hypoglycin trong trái vải chín bằng nửa mức trong trái chưa chín).

Trong cả 20 năm nay, tại vùng chung quanh thành phố Muzzafarpur, Ấn độ,nơi sản xuất 70% trái vải của toàn quốc, cứ đến tháng 5 là xuất hiện những bà mẹ đem con đến bịnh viện. Tối hôm trước, đứa bé vẫn mạnh giỏi, sáng sớm chúng khóc thét lên, rồi mê man, co giật. Cứ 100 bé bịnh mỗi năm thì có đến 40 bé tử vong. Nhà đông con, nhưng thường trong một làng chỉ một đứa bịnh. người ta nghi siêu vi do chuột dơi, các con ruồi sandflies truyền bịnh, hay nguyên nhân là do ngộ độc thuốc trừ sâu,những món này đầy rẫy trong vùng sống nhờ trồng cây vải (lệ chi).

Trong 3 năm trở lại đây, các chuyên viên y tế công cọng xét hồ sơ 390 em và nhận xét :

. các em không nóng sốt

. nước tuỷ sống không có dấu hiệu nhiễm vi trùng hay virus (ví dụ bạch cầu không tăng)

. mức đường glucose trong máu thấp

. các em thường nhịn ăn buổi ăn chiều

Các bịnh nhân có triệu chứng giống như trường hợp các bịnh nhân ngộ độc do ăn trái cây ackee còn sống ở Jamaica,trong biển Caribbean, gọi là Jamaican vomiting sickness ; mà người ta đã biết là gây ra do ăn trái ackee sống có chứa chất hypoglycin làm đường glucose trong máu tụt xuống quá thấp. Trái còn non thì chứa nhiều chất độc, trái chín thì không.

Từ đó, người ta tìm thấy cũng chất hypoglycin trong trái vải và thử nước tiểu của các bịnh nhân cũng hiện diện chất này.(4).

Các bà mẹ được dặn phải cho con ăn buổi ăn chiều trước khi đi ngủ và giới hạn lượng trái vải chúng được ăn. Hiện nay số bịnh nhân giảm xuống còn một nửa.

Chuyện này từng xảy ra ở Bắc Giang, Việt Nam (2), nhưng theo bài viết sau đây, những nhà nghiên cứu thường định bịnh là viêm não gây ra do một siêu vi mà chúng ta chưa xác định được (3).

Định bịnh chính xác bịnh não do ăn trái vải có thể giúp giải quyết nhanh chóng, chỉ cần truyền nước có glucose cho bịnh nhân để mức glucose trong máu tăng lên. Định bịnh nhanh chóng bằng cách đo mức đường glucose trong máu (có thể dùng cái máy glucometer nhỏ nhắn của người bị tiểu đường hay dùng).

Trên thực tế, các trẻ nhỏ, nhất là trẻ ốm yếu, thiếu ăn, hay nhịn đói lâu (ví dụ vừa bịnh ói mữa do viêm ruột) không được ăn nhiều các trái cây loại vải, chôm chôm, nhãn (họ soapberry [Sapindaceae],tiếng Anh : lychee (Litchi sinensis), rambutan (Nephelium lappaceum), and longan (Dimocarpus longan). Chúng ta nên để ý vì các trái này ngon và dễ nuốt nên chúng ta dễ bị cám dỗ cho chúng ăn để hy vọng “lấy lại sức”. chúng ta không nên ăn vải ( lệ chi ) quá nhiều lúc đang nhịn đói, nhịn ăn.

Những người bịnh tiểu đường mức đường glucose trong máu có thể lên xuống thất thường do thuốc hạ đường trong máu ; nên tham khảo với bác sĩ của mình nếu thường ăn trái vải, và luôn cà trái nhãn, hay trái chôm chôm, cùng trong gia đình Soapberry.

Tôi xin phỏng dịch bài viết sau đây nói về trái vải ở Á Châu để quý vị tham khảo nếu muốn đi vào chi tiết. về một vấn đề tuy mới nổi lên gần đây, lại có nguy cơ lan rộng vì càng ngày trái cây này càng được phổ biến trong giới trồng trọt cũng như giới tiêu thụ.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

.

Bí Ẩn Độc Tính Trái Vải (Lệ Chi ) Một Quan Tâm Sức Khỏe Mới Nổi Ở Miền Nam Châu Á

Làm thế nào mà trái vải hay lệ chi, một loại trái cây nhiệt đới ngon ngọt, có thể gây ra một bệnh ở não bộ do hạ đường huyết (hypoglycemic encephalopathy) gây tử vong ở trẻ em ? Câu trả lời rất đơn giản : trái vải (Litchi sinensis hoặc Litchi chinensis), và các trái cây khác của gia đình Soapberry (Sapindaceae), có chứa các axit amin (amino-acid) khác thường làm rối loạn cơ chế của cơ thể cung cấp đường glucose theo nhu cầu (gluconeogenesis) và cơ chế dùng năng lượng từ các acid béo bằng cách oxy hoá ( β-oxy hóa acid béo, beta oxidation of fatty acids). Điều này cũng được xác nhận đối với trái vải và đặc biệt đối với một trái cây khác cùng họ hàng, trái ackee (Blighia sapida), một thành viên của nhóm Sapindaceae xuất phát từ Tây Phi Châu và được đem qua trồng vào thế kỷ 18 trong các đảo thuộc vùng biển Caribbean.

Trái cây ackee (Blighia sapida)

Từ mấy chục năm nay, người ta đã biết rằng ăn phải quả ackee còn non gây ra một tình trạng gây độc não bộ do hạ mức đường trong máu (bệnh nôn mữa Jamaica) ở trẻ em. Kiến thức lan truyền chậm chạp đến một số vùng của châu Á, nơi mà cái bịnh được gọi là “bịnh trái vải bí ẩn” đã được giải thích bằng nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ người ta giải thích bằng màu trái cây (fruit color), đột quỵ do nhiệt lúc thời tiết nóng (heat stroke) ở bang Bihar, Ấn Độ, hay do một loại thuốc trừ sâu chưa xác định ở phía tây bắc Bangladesh, và ở vùng Đông Bắc Việt Nam thì các nhà khảo cứu nghi một virus nào đó tác dụng trên não bộ nhưng chưa xác định được là virus nào. Tuy nhiên. bệnh tiến triển quá nhanh để giải thích bằng một rối loạn do virus gây ra, với thời gian trung bình là 20 tiếng đồng hồ từ lúc đứa bé đang khoẻ mạnh cho đến khi nó bị chết vì bịnh.

Dữ liệu về độc tính của nhóm trái cây Sapindaceae đã được thiết lập từ lâu từ kinh nghiệm lâm sàng ở châu Phi và vùng Ca-ri-bê là một bài học quan trọng cho sức khỏe toàn cầu và độc chất học thần kinh (neurotoxicology). Một sự hiểu biết trên toàn thế giới về các tác dụng có hại trên hệ thần kinh của các chất tìm thấy trong thiên nhiên cũng như các hóa chất tổng hợp sẽ gia tăng tốc độ chẩn đoán và điều trị các bệnh dịch bí ẩn khác của bệnh não bộ do môi trường (environmental encephalopathy). Tiểu lục địa Ấn Độ không lạ gì với các tác động thần kinh của các chất độc trong thực vật-ví dụ, phụ thuộc vào những thực phẩm như hạt đậu cỏ “grass peas” dẫn đến bịnh yếu hai hạ chi (parapareses trong chứng lathyrism) ; và tuỳ thuộc vào thực phẩm chính là khoai mì (sắn, cassava) gây ra bịnh tê liệt do khoai mì gọi là cassavism. Không giống như các bệnh về thần kinh loại này không thể chữa được nhưng tự giới hạn, bệnh não bộ do trái vải và trái ackee có thể được ngăn chặn bằng cách khôi phục nồng độ glucose trong máu. Tuy nhiên, một số trẻ em được báo cáo bị sa sút về nhận thức, yếu cơ, hoặc rối loạn vận động sau khi bị bịnh ; nguyên nhân cần được điều tra.

Tại sao bịnh não do trái vải lại là một sự kiện tương đối mới xuất hiện ở Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam ? Những lời giải thích hợp lý nhất là việc phát triển nhanh chóng của sản xuất trái vải với mục đích thương mại trên khắp châu Á và cả ngoài châu Á. Sản lượng trái vải của Ấn Độ chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc, xứ nguồn gốc của trái lệ chi (Litchi sinensis) và ở đó các hiệu ứng độc hại tiềm năng của trái vải được ghi nhận trong y văn cổ đại. Hiện nay, một số nước châu Á xuất khẩu vải và các trái Sapindaceae khác, bao gồm chôm chôm (Nephelium lappaceum) và nhãn (Dimocarpus longan) để tiêu thụ ở nước ngoài. Ở Mỹ chẳng hạn, không giống như việc nhập cảng được kiểm soát của quả ackee đóng hộp được kiểm soát, và hàm lượng về hypoglycin của trái này được “screened” (theo dõi và giữ trong một giới hạn nào đó), không có hạn chế cho các trái cây thành viên khác của họ Soapberry, bao gồm cả trái vải. May mắn thay, các loại trái cây nhập khẩu đắt tiền và người tiêu thụ chỉ thường ăn một lượng nhỏ, tình trạng dinh dưỡng của họ cũng tốt (không phải thiếu ăn như những nạn nhân bên Án độ), cho thấy có rất ít lý do để lo ngại về vấn đề này xảy ra ở Mỹ.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn lo lắng để việc bịnh não bộ do đường huyết thấp này không còn bị lầm lẫn với một rối loạn do nhiễm virus, đặc biệt là bệnh viêm não Nhật Bản B (Japanese encephalitis B), cũng như bịnh này sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác của châu Á, nơi sản xuất vải thương mại đang gia tăng và trẻ em suy dinh dưỡng có thể tìm ăn những trái cây rụng, hư, hay non mà người ta bỏ đi vì không bán được. Các vùng cần quan tâm bao gồm tây bắc Bangladesh, miền nam Trung Quốc, phía bắc Ấn Độ, Terai của Trung bộ Nepal, Vùng Tự Trị Codilllera của Philippines, Bắc Thái Lan và Đông Bắc Việt Nam.

Trồng vải cũng đang gia tăng ở miền nam Châu Phi, Australia, và lục địa Mỹ Châu. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu cần phải làm việc với các ngành công nghiệp trái vải để xác định mức độ chất axit hạ đường huyết thay đổi như thế nào giữa các giống, đất, khí hậu và điều kiện thu hoạch. Cần những hướng dẫn cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, cũng như người lớn có đặc tính chuyển hóa làm họ dễ mắc bịnh này, hoặc những người ăn trái cây lúc đói bụng. Trong khi tin tức về độc tính tiềm năng (có thể xảy ra) của trái vải có thể được tiếp nhận với một mức chống đối nào đó, điều này có thể biến mất khi ngành công nghiệp được thông báo về các nghiên cứu đang được tiến hành về cách sử dụng các tác nhân hạ mức đường trong máu của trái vải trong cuộc chiến chống lại hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome) và những rối loạn sức khỏe mãn tính liên quan. Trong một bài hát của Jamaica, nơi Blighia sapida (trái ackee) được xem như “trái cây quốc gia” (national fruit) và thường xuyên ăn kèm với cá muối, có câu sau đây : “một ackee một ngày khiến các bác sĩ đi ngay !”. Không chừng, lúc người ta tìm ra được cách dùng tác dụng hạ đường huyết của trái ackee, câu này lại có lý !

Peter S. Spencer. Valerie S Palmer

Bác sĩ Hồ Văn Hiền phỏng dịch.

.

.

1)http://dx.doi.org/10.1016/S2214-109X(17)30046-3

2)Litchi-associated acute encephalitis in children, Northern Vietnam, 2004-2009.

Emerg Infect Dis. 2012 Nov ;18(11):1817-24. doi : 10.3201/eid1811.111761.

3) Probable Toxic Cause for Suspected Lychee-Linked Viral Encephalitis
https://wwwnc.cdc.gov/eid/article/21/5/14-1650_article

4) Litchi Toxin May Have Caused Mysterious Epidemic in India, Inquiry Finds
https://www.nytimes.com/2015/01/31/world/asia/litchi-toxin-may-give-rise-to-mysterious-epidemic-in-india-inquiry-finds.html ?_r=0

5) Association of acute toxic encephalopathy with litchi consumption in an outbreak in Muzaffarpur, India, 2014 : a case-control study
http://www.thelancet.com/journals/langlo/article/PIIS2214-109X(17)30035-9/fulltext ?rss=yes

.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 4 tháng 2 năm 2017

.

.

Catégories
Prose

“Cải Tiến Chữ Quốc Ngữ”

Nguyễn Xuân Quang (BP63)

.

Tôi chỉ xin chú trọng góp ý bàn về cách thức cải tiến chữ Quốc ngữ của tác giả Bùi Hiền.

Chữ Quốc ngữ nằm trong hệ thống mẫu tự ABC Latin nhưng rất đặc biệt ‘không giống ai’ vì mang tính đặc thù, sắc thái Việt. Các nhà truyền giáo Tây phương trong đó nhân vật trọng yếu là Alexandre de Rhodes đã làm ra một hệ thống chữ ABC riêng cho Việt Nam dựa vào các qui luật, nguyên tắc dùng ghi âm tiếng nói của hệ thống chữ viết ABC trong đại tộc Latin đã sẵn có. Tiếng Việt có 6 thanh điệu, các nhà truyền giáo đã dùng chữ Latin để ghi âm tiếng Việt nên chữ Quốc ngữ có 5 dấu giọng thể hiện các thanh điệu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Ngoài ra còn có dấu thể hiện các âm đọc của riêng từng mỗi mẫu tự có những âm khác nhau như a có ă, â ; o có ô ơ ; u có ư và d có đ. Nhờ vậy, chữ Quốc ngữ ghi được hầu hết ngữ âm tiếng Việt. Do đó chữ Quốc ngữ mang tính chính xác rất cao so với các chữ viết khác của thế giới và là chữ dễ phổ biến, dễ học.

Như thế một sự cải tiến lý tưởng chữ Quốc ngữ là sự một cải tiến nào đó phải phù hợp với các qui luật ngôn ngữ Việt và Latin thế giới, phù hợp với tiếng Việt, hồn Việt, tâm Việt, văn hóa Việt, sắc thái Việt.

Tiếng Việt có những âm riêng, nhất là thay đổi theo từng địa phương, từng vùng rất đặc thù. Nếu bỏ các âm này thì chữ Việt không còn mang sắc thái Việt nữa. Chữ Quốc ngữ không còn là Chữ (của cả) Nước Việt nữa.

.

Cải Tiến Chữ Quốc Ngữ của Tác Giả Bùi Hiền.

Trước hết tác giả Bùi Hiền vẫn giữ hệ thống mẫu tự ABC. Như thế thì cải tiến của ông bắt buộc phải dựa theo các qui luật ngôn ngữ, phát âm của hệ thống chữ viết ABC Việt và Latin (đã có từ hàng ngàn năm nay).

Tôi chưa được đọc toàn bộ tài liệu giải thích cách Cải Tiến Chữ Quốc Ngữ của tác giả Bùi Hiền, chỉ nhặt được một số dữ kiện trên mạng mà thôi.

(Ảnh : Dân trí)

Xin tóm tắt lại, theo tác giả Bùi Hiền :

Tôi đề xuất bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể : C = Ch, Tr ; D = Đ ; G = G, Gh ; F = Ph ; K = C, Q, K ; Q = Ng, Ngh ; R = R ; S = S ; X = Kh ; W =Th ; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên tạm thời dùng kí tự ghép “n’” để biểu đạt’.

Tác giả Bùi Hiền cho rằng cách cải tiến chữ Quốc ngữ của ông nhằm mục đích ‘giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…giúp giảm tiền bạc xuống 8%’ trong một trang giấy’.

Bây giờ ta hãy đi vào chi tiết cải tiến của từng chữ cái một :

C = Ch, Tr

Tác giả Bùi Hiền dùng C thay cả cho Ch và Tr, loại bỏ chữ Ch, Tr. Chữ Hán không có âm Tr.

Ta thấy âm chữ Hán hiện đại chỉ có âm Ch. Âm này bằng âm Hán Việt Tr. Như :

長 /Cháng/ = Hán Việt Trường, dài.

悵 /Chàng/ = Hán Việt Trướng, buồn bã.

池 /Chí/ Hán Việt Trì, ao.

Chữ cái C, Ch, Tr ta có ba âm khác nhau. Ví dụ : C trong Co (co quắp), Ch trong Cho (cho quà) và Tr trong Tro (tro than). Bây giờ thay C cho Ch và Tr và chỉ còn một chữ Co thì dựa vào mấu hốt nào để biết ngay tức khắc khi nào Co là Co quắp, khi nào Co là Cho, khi nào Co là Tro. Khi nhìn C, Ch và Tr là nhận biết ngay lập tức phát âm như thế nào và có nghĩa ra sao. Rất giản dị và chính xác. Còn C= Ch = Tr rất phức tạp. Ta rơi vào trường hợp một âm có nhiều nghĩa. Phải vận dụng đầu óc tìm tòi. Zắc Zối cuộc đời.

Một chữ ghi ba âm không còn đơn giản, trong sáng nữa.

Tiếng Việt mất hai âm Ch, Tr và mất địa phương tính, vùng tính.

Tác giả Bùi Hiền theo âm chữ Hán không có âm Tr nên bỏ Tr tức Hán hóa chữ Việt.

D = Z

Ví dụ Dục thành Zụk, Giáo Dục thành Giáo Zụk. Trong mẫu tự ABC Việt ngữ hiện nay không có Z.

Trường hợp này tác giả Bùi Hiền dựa theo cách pinyin Trung Quốc.

Tài liệu trên mạng không rõ nguồn.

Ông Hồ Chí Minh cũng đã dùng chữ Z thay cho chữ D, ông Hồ viết Nhân Dân thành Nhân Zân.

Ở đây nói lơ lớ ngọng ba Tầu.

Tác giả Bùi Hiền muốn Hán hóa chữ và tiếng Việt. Người Việt sẽ nói lơ lớ hay ngọng như người Trung Quốc nói tiếng Việt hiện nay.

Đ = D

Tôi đề xuất bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành’.

Tác giả Bùi Hiền cũng theo pinyin Trung Quốc bỏ chữ đ này. Chữ Hán phiên âm bằng Latin theo âm Hán hiện đại không có chữ đ.

Như thế nếu bỏ đi chỉ còn d thay cho đ ta lại phải chọn phát âm lúc thì âm đ lúc thì âm d. Ví dụ Za (cây) người Bắc phải chọn phát âm cây Đa, người Trung, Nam chọn phát âm cây Da.

Trường hợp không có đ này cũng giống như trong mẫu tự Anh, Pháp, Ý… Các tộc này thường phát âm D là Đ như Anh ngữ Day phát âm là /đây/. Còn D có khi dùng J thay thế như xe Jeep phát âm là /Dip/, /Zip/ hoặc /Dep/, /Zep/.

Theo tôi chữ Đ, đ là một nét đặc thù trong chữ Việt. Hầu hết các mẫu tự ABC của dòng Latin không có chữ Đ, ngoại trừ thấy rất ít trong chữ ABC của một vài nước như trong mẫu tự Bồ Đào Nha. Các nhà làm ra chữ Quốc ngữ đã lấy chữ Đ, đ này của Bồ Đào Nha đem vào tiếng Việt. Vì sao ? Vì mục đích chính là phân biệt ngay khi nào thì d phát âm theo d khi nào thì phát âm theo đ không phải bận tậm suy nghĩ gì như khi chỉ có một chữ d thôi, làm cho tiếng Việt dễ học, đơn giản, nói thế nào thì có thể viết đúng như thế và ngược lại viết thế nào thì có thể đọc, nói đúng như thế.

Đây là một chữ cái mang tính đặc thù Việt và hữu dụng giúp chữ quốc ngữ chính xác hơn, dễ đọc, dễ học hơn các chữ viết khác không có chữ đ. Không nên bỏ đi.

G = G = Gh

Biến âm này có trong Việt ngữ. Ví dụ gành = ghềnh ; gác = ghếch ; gảnh = ghểnh (đánh cờ)…

Chữ Hán không có Gh nên ông bỏ Gh đi.

F = Ph

Tác giả Bùi Hiền muốn đổi f = ph theo pinyin Trung Quốc. Chữ Hán phiên âm bằng Latin theo âm Hán hiện đại không có Ph chỉ có F nên ông bỏ Ph dùng F. Ông muốn Hán hóa chữ Việt (hơn là Tây phương hóa).

Thật ra chữ Ph tương đương với f là chuyện ai cũng đã biết. Trước đây đã có người đề nghị thay ph bằng f. Điểm này không trở ngại gì mà tiết kiệm được một chữ h. Tuy nhiên Ph cũng là một nét đặc thù của chữ viết Việt Nam nên giữ lại dù có tốn kém tí công tí mực. Đây là lý do những người muốn đổi ph = f trong đó có ông Hồ Chí Minh đã thất bại.

K = C = Q = K

C = K không trở ngại gì. Một số quốc gia phương Tây dùng K thay cho C. Ông Hồ Chí Minh cũng đã dùng chữ K thay cho chữ C, ông Hồ viết Kách Mạng thay vì Cách Mạng.

Nhưng K = Q là chuyển âm khá phổ thông giữa chữ Hán phiên âm bằng Latin theo âm Hán hiện đại và Hán Việt ví dụ như /qílin/ = kỳ lân.

Tác giả Bùi Hiền cho C = Q = K là dựa theo âm K Hán ngữ.

M

Giữ nguyên như cũ.

N

Giữ nguyên như cũ.

Ng = Ngh = Q

. Ng = Q

Tiếng Việt = Tiếq Việt.

Chuyển âm Ng = Q này không thấy có trong tiếng Việt. Nhưng có biến âm Ng = Ngh = K. ví dụ như Mường ngữ K = Việt ngữ Ng : kuôi, kom, kươi = người, kơng, keng = ngẩng, ken = nghẹn… (Diệu Tần, Sơ Lược Về Ngôn Ngữ, San Jose, CA 2.000).

Theo Trung Quốc tác giả Bùi Hiền thay K = Q (xem dưới) nên Ng = K = Q.

. Ngh = Q

Chuyển âm này thấy qua trung gian n không trực tiếp ví dụ con nghê và con kì.

麑 /ní/, nghê.

1 : Con hươu con.

2 : Cùng nghĩa với chữ nghê 猊. Toan nghê 狻麑 là con sư sử.

麒 /ní/, kì.

Kì lân 麒麟 ngày xưa gọi là giống thú nhân đức. Con đực gọi là kì, con cái gọi là lân (http://www.vietnamtudien.org/thieuchuu/).

Việt ngữ gọi con nghê là con kì (thường nói chung là kì lân), vì nghê và kì đều phát âm /ní/ theo phát âm Hán ngữ hiện đại. Ta có nghê = kì tức Ngh = K.

Biến âm này có trong Việt ngữ như nghều = kều (cao) ; nghẹt = kẹt (mũi) ; nghịt = kịt…

Như thế Ng = Ngh = Q cũng dây mơ rễ mái với Hán ngữ.

Nh = N’

Tác giả Bùi Hiền cho rằng : ‘Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong bản trên tạm thời dùng kí tự ghép N’ để biểu đạt’.

Tôi đề nghị có thể lấy mẫu tự N có dấu ngã ở trên Ñ, ñ của mẫu tự ABC Tây Ban Nha : Ñ = Nh. Mẫu tự này đã có sẵn không làm mọi người thắc mắc hay khó hiểu. Ñ coi như một chữ đơn nên thảo chương (program) trong vi tính chỉ phải đánh chữ có một lần, còn dùng N’ như của tác giả Bùi Hiền thì phải đánh chữ hai lần. Tốn thì giờ và tốn mực hơn.

Q = Ng, Ngh

Đã nói ở trên.

R = R

Vẫn giữ nguyên.

X = Kh

Tại sao tác giả Bùi Hiền lại cho X = Kh nhỉ ? Eureka ! Tôi đã tìm ra ! Ông đã ‘cuỗm’ mẫu tự X = Kh này của chữ viết Cyrillic, ngày nay dùng ở Nga và Đông Âu.

Chữ Cyrillic phát triển ra từ chữ Hy Lạp vào khoảng năm 900 (Sau Dương Lịch) bởi St Cyril và St Methodius. Chữ X của Hy Lạp phát âm là Chi nên các vị Thánh này biến Chi thành Kh (Ch = Kh = X).

Tác giả Bùi Hiền lại muốn Nga hóa chữ Quốc ngữ, Nga hóa người Việt nói ngọng theo giọng Nga ?

Ông quả thật là giỏi cóp nhặt của Tầu, của Nga để làm ra chữ Quốc ngữ mới.

W = Th

Sự thay thế này ai cũng cho là quái lạ. Nhưng với tôi chẳng lạ chút nào ! Đây là cách phát âm w = th thấy rõ trong tiếng Gwóngdōngwá = 廣東話 = Quảng Đông thoại (Wikipedia) ví dụ như tìnwá = điện thoại.

Rõ như ban ngày wá = thoại tức ta có w = th.

Tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây nguyên trước kia là đất của Bách Việt. Ngày nay còn gọi hai tỉnh này là Lưỡng Việt.

Tác giả Bùi Hiền dùng chuyển âm này làm phương tiện hữu hiệu để Hán hóa chữ Việt, người Việt qua Bách Việt ?

Z = d, gi, r

Z = d

Đã nói ở trên.

Z = gi

Alexandre de Rhodes dùng Gi thay cho J trong chữ Việt cổ ví dụ như Jà = già ; jó = gió ; jờ = giờ. . . (Từ Điển Việt Bồ La, Alexandre de Rhodes). Nếu tác giả Bùi Hiền dùng Z = gi mà còn dùng J nữa sẽ bị các âm chồng chéo lên nhau.

Chữ Hán phiên âm bằng Latin theo âm Hán hiện đại không có âm Gi. Việt ngữ có biến âm với gi = d tùy theo vùng miền như dàn = giàn ; dăng = giăng ; duộc = giuộc (thuộc, cái múc dầu)… Tác giả Bùi Hiền lấy âm Hà Nội làm chuẩn chắc chọn Gi = D nên mới có Gi = D = Z.

Chữ Hán phiên âm bằng Latin theo âm Hán hiện đại không có âm Gi nên ông lấy Z của Hán ngữ thay cho Gi Việt ngữ.

Z = r

Việt ngữ cũng có biến âm d = r như dắn = rắn ; dàn = ràn ; dựt = rựt… Tác giả Bùi Hiền lấy âm Hà Nội làm chuẩn chắc chọn D = r nên mới có Z = D = r. Người Trung Quốc thường phát âm r là nh như /rén/ là Hán Việt nhân (người), /rì/ là Hán Việt nhật (ngày), /ròu/ là Hán Việt nhục (thịt)… nhưng họa hoằn cũng phát âm r là D như 容 /róng/ là Hán Việt dong, dung (bao dong, bao dung).

Như thế ta có Z = D = r.

Như đã nói ở trên dùng Z là theo ghi âm chữ Hán.

Cũng nên nói thêm là ở đây Z= r (chữ r thường không viết hoa) như thế phải phân biệt Z (= r) với R viết hoa. Thật là phiền phức.

Bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z’.

Tác giả Bùi Hiền : “bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z” mới nhìn qua chúng ta và nhất là người Tây phương, lầm tưởng là Tây phương hóa chữ Việt, nhưng thật ra là Hán hóa. Những chữ này đều dùng trong pinyin của Trung Quốc. Ông cải tiến chữ Quốc ngữ theo cách pinyin Trung Quốc.

.

NHỮNG TAI HỌA CỦA CẢI CÁCH CHỮ QUỐC NGỮ CỦA TÁC GIẢ BÙI HIỀN

. Hán hóa chữ Việt

Sự cải tiến chữ Việt của ông Bùi Hiền biến chữ Quốc ngữ thành một con quái vật, không những chỉ có đầu Ngô mình Sở mà có đầu Hán, thân người cũng Hán, đít là Nga, tay là Quảng Đông, chân là Tây phương và đuôi là Việt Nam. Rõ ràng nó mang nặng tính Hán hóa không chối cãi vào đâu được.

Căn bản cách cải tiến chữ Quốc ngữ của tác giả Bùi Hiền là dựa vào Hán hóa chữ Việt, không phù hợp với các qui luật ngôn ngữ Việt.

Những âm đặc biệt của chữ Quốc ngữ mà chữ Hán không có như Tr, Gi… giúp chữ Việt khác chữ Hán, ông bỏ đi cho chữ Việt giống chữ Hán, tiếng Hán.

. Biến người Việt thành một dân tộc nói đớt, nói lơ lớ, nói trọ trẹ, nói ngọng như người Trung Quốc nói tiếng Việt chuẩn ngày nay.

. Cho rằng giúp người ngoại quốc dễ học. Có lẽ chỉ giúp người Trung Quốc hay Nga dễ học tiếng Việt thôi.

. Làm mất các nét đặc thù của chữ Việt, mất dân tộc tính Việt, mất căn cước, bản sắc Việt (như bỏ đ, ph, tr… đi), làm mất hồn Việt, tâm Việt, văn hóa Việt.

. Tách chữ Quốc ngữ ra khỏi dòng chữ Latin thế giới, làm trở ngại cho sự nghiên cứu tiếng Việt của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và ngoại quốc qua cách dựa vào sự đối chiếu chữ Quốc ngữ với chữ viết, ngôn ngữ loài người, nhất là với Ngôn Ngữ Ấn Âu. Ví dụ : there, đấy, đó, kia, tê, đằng ấy, đằng đó. Ta có there biến âm với tê, phương ngữ Huế (ngoài tê = over there). Nếu viết theo tác giả Bùi Hiền thì There là Were, không có cách nào thấy được there có mặt chữ giống như tê được. Anh ngữ throne, Pháp ngữ trône, Nga ngữ tron, ngai, ngôi. Ta thấy tron- = Việt ngữ trôn (đít), chỗ để ngồi, bán trôn nuôi miệng. Rõ ràng throne, trône, tron biến âm với Việt ngữ trôn. Nếu viết theo tác giả Bùi Hiền là Won thì không có cách nào thấy được throne, trône, tron giống như trôn được. Anh ngữ thrust, đẩy, xô, thúc, thọc vào, đâm bằng vật nhọn, động tác làm tình của phái nam. Th(r)ust biến âm với Việt ngữ thục, thúc, thọc. Theo th = đ, thrust = đục, đụ (đụ là do đục cắt bỏ c, Tiếng Việt Huyền Diệu). Nếu viết theo tác giả Bùi Hiền là Wust thì không có cách nào thấy được thrust có mặt chữ giống như thục, thúc, thọc được… Tôi đã tìm được sự Liên Hệ Giữa Việt Ngữ và Ấn-Âu Ngữ qua chữ viết Quốc ngữ hiện nay một cách dễ dàng (xem Liên Hệ Việt Ngữ và Ấn Âu Ngữ trên blog của tôi).

. Chữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền hiển nhiên làm cho người ngoại quốc có chữ viết của họ thuộc dòng Latin khó học chữ Việt vì không còn tương đồng cách viết với chữ nước họ.

. Chữ viết gắn liền với tiếng nói, ngôn ngữ liên quan với văn hóa. Phá hỏng chữ Quốc ngữ, Hán hóa, ngoại bang hóa làm mất gia tài văn hóa, nguồn cội Việt, hồn Việt. Mất chữ Việt làm mất tiếng Việt không khó. Mất tiếng Việt là mất nước. ‘Tiếng Việt còn nước Việt còn’ (Phạm Quỳnh). Các lớp trẻ khởi đầu học chữ cải cách của tác giả Bùi Hiền phải học lại chữ hiện nay mới đọc được sách ‘cổ” tạo ra những thế hệ mất gốc Việt và dễ bị đồng hóa.

. Gây xáo trộn tâm lý, đời sống tinh thần và xã hội của thế hệ đang dùng hệ thống chữ ABC hiện nay. Có thể đưa tới hỗn loạn.

. Chữ quốc ngữ hiện nay phản ánh tiếng nói ba miền Bắc, Trung, Nam. Ông Bùi Hiền qui về tiếng nói Hà Nội dẹp bỏ đi hết các chữ diễn tả các âm của vùng khác làm phân hóa dân tộc, nghèo nàn tiếng nói đi. Tiếng Việt Nam chỉ còn là tiếng ‘nước Hà Nội’, không còn là ‘Quốc ngữ’, chữ của quốc gia Việt Nam gồm cả ba miền.

.

NHỮNG LỢI ÍCH CỦA CẢI TIẾN CHỮ QUỐC NGỮ CỦA TÁC GIẢ BÙI HIỀN

Như đã nói ở trên tác giả Bùi Hiền cho rằng cách cải tiến chữ Quốc ngữ của ông nhằm mục đích ‘giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…giúp giảm tiền bạc xuống 8% trong một trang giấy’.

Những điểm phân tích đã nói ở trên cho thấy những điều ông nêu ra không đạt được mà ngược lại còn làm cho chữ Việt mới của ông bất tiện, rườm ra, phức tạp, khó học, khó nhớ, khó sử dụng hơn. Nhưng quan trọng nhất là cái đại họa bị Hán hóa, mất hồn Việt, sắc thái Việt, văn hóa. Việt Nam bị Trung Quốc đồng hóa…

Còn tiết kiệm thời giờ và tiền bạc 8% trong một trang giấy cũng chưa chắc đã có được hay có đáng để đổi lấy những đại họa nghiêm trọng mà nó gây ra không ?

Nếu muốn tiết kiệm thời giờ và tiền bạc ta có thể giản dị hóa chữ Quốc ngữ bằng nhiều cách khác. Tôi xin đề nghị một hai cách.

.

CẢI TIẾN CHỮ VIỆT CỦA TÔI

Chỉ nhằm mục đích làm đơn giản, ngắn gọn, để tiết kiệm thời giờ và tiền bạc mà tránh được các khiếm khuyết và tai họa nêu trên tôi xin đưa ra một hai cách cải tiến chữ Quốc ngữ dựa trên các nguyên tắc căn bản của ngôn ngữ học :

1. Vẫn giữ y nguyên hệ thống mẫu tự ABC hiện nay theo dòng chính Latin nói riêng, của ngôn ngữ loài người nói chung, không thay đổi gì về các qui tắc căn bản của ngôn ngữ học.

Chỉ thay đổi hình dạng mẫu tự một chút mà không làm mất mặt chữ hoặc chỉ thêm các dấu chỉ định biến âm nên vẫn còn nhận diện ngay được mẫu tự đó trong nháy mắt.

2. Vẫn duy trì đặc tính, căn cước Việt của chữ Quốc ngữ Việt Nam. Không Hán hóa chữ Việt bằng cách dùng cách biến âm theo pinyin của Trung Quốc qua các mẫu tự chỉ có trong mẫu tự Tây phương như F, J, W, Z.

3. Để tránh cắt bỏ đi mất quá khứ Việt, văn hóa, truyền thống cổ Việt đưa đến diệt vong.

4. Chỉ cải tiến mẫu tự kép.

Tôi vẫn giữ y nguyên hệ thống chữ Quốc ngữ hiện nay, chỉ cải tiến các chữ cái kép hay ghép nhằm mục đích đơn giản xuống còn một chữ để giảm thời gian và giấy mực.

A. Cách Thứ Nhất

Vẫn giữ y nguyên hệ thống ABC hiện hành của chữ Quốc Ngữ chỉ thay đổi biến các chữ kép (phải đánh chữ hai lần) hay ghép (phải đánh chữ ba lần) thành một chữ, chỉ cần đánh chữ một lần. Ví dụ Ch, Tr, Đ, Gh, Gi, Kh, Ng, Ngh, Nh, Ph, Qu, Th thảo chương vi tính thành một đơn vị chỉ cần đánh chữ một lần. Gõ một lần nhẩy ra Ch chẳng hạn.

Cách này đánh chữ kép, ghép chỉ một lần. Tiết kiệm thời gian mà không gây xáo trộn gì.

Cách này có khuyết điểm là viết tay vẫn như cũ.

B. Cách Thứ Hai

Cách này thay đổi chữ kép hay ghép thành một chữ cái mới mà vẫn giữ nguyên hình chữ cũ. Cách này có thể viết tay và đánh chữ.

* C vẫn giữ nguyên.

* Ch

Có ba cách :

. Hoặc biến dạng chữ C đi như đầu trên chữ C cong quặp vào như móc câu liêm chẳng hạn. C móc câu liêm = Ch. Phát âm là /chờ/.

Các này có thể viết tay và muốn đánh chữ thì thảo chương (progam) trong vi tính và cũng chỉ đánh một lần. Tiết kiệm thời gian và giấy mực.

. Hoặc thêm một dấu phẩy trên (apostrophe) như C’, ta có C’ = Ch.

Cách này viết tay vẫn phải cần hai động tác nhưng dấu phẩy ít tốn mực hơn chữ h. Còn program được thành một chữ C’ hay Ć (đã có sẵn như thấy trong font Verdana) thì đánh chữ chỉ còn một lần.

. Hoặc dùng mẫu tự Ĉ, ĉ (có sẵn trong font Verdana) = Ch.

Cách này dễ dàng cho việc thảo chương.

Các cách này dễ phân biệt được ngay C và Ć hay Ĉ (Ch) mà vẫn duy trì được cả âm Ch của các vùng địa phương.

* D và Đ

Vẫn giữ như cũ. Phân biệt được hai âm d và đ ngay tức khắc và đ là một nét đặc thù trong chữ Việt mà chỉ thấy trong chữ viết của Bồ Đào Nha mới có chữ Đ.

* G, Gi, Gh

Tương tự :

G = Gi

. Biến đổi hình dạng G một chút thay cho Gi. Như G đầu có móc câu liêm chẳng hạn.

. Thay G có dấu chấm i ở trên Ġ, ġ (có trong font Verdana) cho gi.

G = Gh

Gh thay đổi hình dạng của G hay Ĝ, ĝ thay cho Gh.

* K

Giữ nguyên như cũ vì dùng trước i, e. Đây cũng là một nét đặc thù của chữ Việt.

* Kh

Biến đổi hình dạng K một chút hay K’thay cho Kh. Thảo chương K’ thành một chữ.

* L

Giữ nguyên như cũ.

* M

Giữ nguyên như cũ.

* N

Giữ nguyên như cũ.

* Ng

Nếu muốn thay Ng hằng chữ N có chấm hay phẩy ở dưới Ņ ņ (vì chữ g có phần thòng xuống dưới nên chọn dấu phẩy để ở dưới).

* Nh

. Biến đổi hình dạng N một chút hay Ń, ń thay cho Nh (vì chữ h có phần cao lên nên chọn dấu phẩy để ở trên).

Cách này viết tay và thảo chương được.

. Lấy Ñ, ñ trong mẫu tự Tây Ban Nha.

Ngoài ra, như đã nói ở trên có thể lấy N có dấu ngã Ñ, ñ trong mẫu tự Tây Ban Nha thay cho Nh. Nếu lấy mẫu tự này ta cắt giảm bớt đi được một chữ h. Mẫu tự này đã có sẵn coi như một chữ đơn nên thảo chương trong vi tính dễ còn N’ phải đánh hai lần ngoại trừ thảo chương thành một chữ.

* Q, Qu

Qu = Q’

* R

Vẫn giữ nguyên.

* S

Vẫn giữ nguyên.

* X

Vẫn giữ nguyên.

* T

Vẫn giữ nguyên.

* Th

Có thể thay thế bằng T’, ť (font có sẵn như trong Verdana).

* Tr

Thêm hai dấu phẩy như dấu ngoặc kép vào T, ta có T” = Tr.

* V

Vẫn giữ nguyên.

* X

Vẫn giữ nguyên.

* Y

Vẫn giữ nguyên.

Tóm lại các cách cải tiến này nếu được thảo chương đánh chữ chỉ một lần. Tiết kiệm thời gian và giấy mực mà không gây xáo trộn gì.

. Ghi Chú

Nếu muốn tránh mang tiếng ngoại quốc hóa và sợ người ngoại quốc nhầm lẫn với các chữ cái của nước họ vì dùng các mẫu tự sẵn có như Ĉ, ĉ, Ġ, ġ, Ĝ, ĝ, ť thì các phần dấu thêm vào C để thành Ch, vào G để thành Gi, Gh, vào N để thành Ng, Nh, Ngh, vào Q thành Qu, vào T để thành Th, Tr có thể dùng bất cứ dấu nào thấy thích hợp và dễ nhớ cũng được nhưng phải thảo chương thành một chữ đơn có dấu.

Tôi đề nghị các dạng trên chỉ để làm ví dụ.

.

. KẾT LUẬN

Tóm lại chữ Quốc ngữ hiện nay đã ghi được hầu hết ngữ âm tiếng Việt, đã đáp ứng được nhu cầu tiếng nói Việt. Chữ Quốc ngữ rất chính xác, dễ học, dễ nhớ, dễ viết, dễ dùng. Chữ Quốc ngữ mang sắc thái Việt, tâm hồn Việt…

Chữ quốc ngữ vì mang tính đặc thù, sắc thái Việt nên ‘không giống ai’, trông có vẻ ‘loạn chữ’ (danh từ của tác giả Bùi Hiền) hay còn một vài không hợp lý nhỏ. Nếu muốn gọn lại, nhất là chỉ nhằm mục đích làm gọn, tiết kiệm thời giờ và tiền bạc, chúng ta chỉ cần giữ nguyên bộ chữ Quốc ngữ hiện nay rồi thảo chương các chữ kép, chữ ghép lại thành một đơn vị gõ chữ hay cắt tỉa bớt, xén bớt chữ kép, chữ ghép lại thành một chữ đơn có dấu như cách cải tiến của tôi mà không gây xáo trộn gì.

Chữ Quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền mang nặng tính Hán hóa, Nga hóa chữ Việt. Nếu thành hình là một đại họa cho dân tộc Việt Nam.

Có một điều rất lạ là tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ và bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chưa có chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ. Tác giả Bùi Hiền nói là “Tôi mới nghiên cứu xong một nửa… (còn nửa phần nguyên âm nữa -ghi chú của tác giả-) Nghiên cứu này của tôi hoàn toàn mới chỉ nằm ở bên lề một hội thảo khoa học, tôi chưa trình bộ GD&ĐT… (www.24h.com.vn).

Vậy mà sách giáo khoa dành cho lớp 1 đầu tiên đã phát hành dưới danh hiệu Bộ Záo Zục và Đào Tạo.

Tiếq Việt tập 1 của Bộ Záo Zụk và Đào Tạo (Hình trên mạng không rõ nguồn).

Lạ nhỉ ! Chỉ có ở Việt Nam ta mới có chuyện lạ như thế này !

Hy vọng quyển sách này không có thật !

.

Xin hồn thiêng sông núi Việt, tổ tiên Rồng Tiên phù trợ cho chữ Quốc ngữ Việt Nam, cho Tiếng Việt, cho dân tộc Việt, cho đất nước Việt Nam.

.

.


.
Bổ túc :

(Trích Thanhnien.vn)

“Một ví dụ PGS-TS Bùi Hiền đưa ra được viết bằng 2 kiểu chữ hiện thời và cải tiến

LUẬT GIÁO DỤC

Điều 7. Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác ; dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số ; dạy ngoại ngữ.

1. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Thủ tướng chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.

LUẬT ZÁO ZỤK Diều 7. Qôn qữ zùq coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák ; zạy và họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk wiểu số ; zạy qoại qữ.

1. Tiếq Việt là qôn qữ cín’ wứk zùq coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák. Kăn kứ vào mụk tiêu záo zụk và yêu kầu kụ wể về nội zuq záo zụk, Wủ tướq cín’ fủ kuy dịn’ việk zạy và họk bằq tiếq nướk qoài coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák.
… “

.

.

Catégories
Prose

De la Poésie

À mes Anciens du Collège Francais de Tourane
Lưu Nguyễn Đạt

.

nuitée améthyste, oil enamel, luu nguyen dat – 2007

.

Parler de la poésie, c’est la revivre intensément par les sentiments partagés à son approche. Poésie de coeur, joie et peine, elle s’infiltre dans la vie et celle-ci la dédouble comme la rivière reflète le sourire, et l’haleine se dilue aux vagues évanescentes.

Par la poésie, l’océan change de couleurs, mystiques, impalpables, dans la vision et l’âme mises en abyme[1] du poète. Ainsi se révèle l’amour, en son langage secret, métamorphosant la poésie en lumière merveilleuse d’aurores atemporelles, antérieures et futures, entre le dernier rayon de soleil et l’étincelle nocturne, quand la nature se fige de silence et que les mots ineffables s’immolent en leur langueur originelle.

La poésie parfois s’avère exigeante. Elle réclame la vie entière et demande que la rivière rejoigne l’océan ou pourquoi l’inspiration se tarit à fleur d’amour. Elle réclame la rosée des nuages et la foi de l’amour humain, au niveau des joies et des douleurs universelles. Elle est le premier cri de vie et la voix de la conscience engagée et celle de la passion intarissable.

Spéculaire et décentrée, la poésie se transforme en symboles et incantations, métaphores et séduction ; en miel et épices, tendresse et cruauté ; en ivresse immense et dénuement minime. Signifiante, elle est réelle et abstraite, inondée de signes et d’absences, de liens et d’écarts. Le poète s’éprend des mots à fleur de vie, entière et inachevée, à dimensions multiples, à mi-chemin entre l’absolu et le relatif.

La poésie se fait corporelle, en même temps élan de vie. Elle est galanterie amoureuse et turbulence enfantine, comme le sang qui coule et la peau qui se déchire. Elle lutte pour sa propre existence, spirituellement puissante lorsque extraordinaire, mais aussitôt anémique car incapable d’ordre et de calcul réels. Périssable dans sa propre immortalité de création et de légende, elle existe et périt en dehors des conventions sociales, au-delà des formalités académiques. La poésie flotte à fleur d’eau et se noie dans ses propres vagues qui se creusent en abysses, au sein même de chaque cellule existentielle, gouttelette d’amour, ou larme vécue.

La poésie s’assume en questions ouvertes, sans en pouvoir donner de réponse directe, ni d’interprétation satisfaisante. Vague, sans limite, elle s’exprime pour se recomposer en devise occulte et déjà prophétique :

si toutes les rivières sont douces
d’où vient le sel de l’océan ?

if all rivers are sweet
where does the sea get its salt ?[2]

La poésie et sa signification béante parfois se tendent la main pour révéler un pacte écrit à l’encre sympathique, d’intimité voilée d’innocence scrupuleuse, ou de sagesse branlante, comme une réalité multiple aux termes de sa propre déconstruction :

quelle distance sépare la lune
du clair de lune ?

how far is the light of the moon
from the moon ? [3]

La parole poétique ainsi se suspend à l’ombre d’un sourire de sable, enfoui dans son propre désert de silence. Elle se dévide parfois de la présence humaine pour se métamorphoser en forêts et fleurs pétrifiées, en racines du ciel ou sources cristallisées. Le poète alors isolé dans son voyage terrestre, muet de terreur et d’angoisse, reprend le chemin de retour à la création originelle, et de là, raccourcit la voie vers l’inconnu et le sacré, dont les bornes indicatrices ont l’allure de météores brillants, ou de pierres précieuses, extraordinaires et caressantes :

quand tu touches la topaze
la topaze te caresse

When you touch topaz
topaz touches you [4]

La poésie a donc son propre univers, celui de l’âme humaine en cours de réincarnation aux confins de la création universelle, à l’encontre des limites de la parole pratique et conventionnelle, par delà la réminiscence des mythes anciens et de l’oubli collectif. La poésie, ouvrant la voie vers l’immensité du vide et vers la foi béante de la quête sans fin, se creuse en profondeurs multiples pour retrouver la source vitale et l’origine du temps et de l’espace. Elle est déjà l’espérance au sein même du désespoir.

La poésie est ainsi l’initiation vers l’essence et la réalité unique de la condition humaine.

Luu Nguyen Đat, PhD, LLB/JD, LLM

.

[1] D’après André Gide, effet de miroir, spécularité, récit au second degré. Réduplicatin intérieure, spéculaire… Une mise en abyme désigne l’enchâssement d’un récit dans un autre récit, d’une scène de théâtre dans une autre scène de théâtre (théâtre dans le théâtre), ou encore d’un tableau dans un tableau.

[2] Pablo Neruda, The Book of Questions, (El libro de las preguntas), Copper Canon Press : Port Towsend, 1991.

[3] Pablo Neruda, The Book of Questions, (El libro de las preguntas), Copper Canon Press : Port Towsend, 1991

[4] Pablo Neruda, Stones of The Sky, (Las pierdas del cielo), Copper Canon Press : Port Towsend, 1987.

.

.

.

.

.

NÓI VỀ THƠ
http://www.blaisepascaldanang.fr/spip/article.php3 ?id_article=583 .