Nguyễn thị Thanh Xuân Ta đi ta nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Á Nam Trần Tuấn Khải đã nói như vậy. Riêng tôi, xa quê hơn ba chục năm có lẻ, trong tôi nỗi nhớ giọng mỗi ngày một đậm. Có một ngày, bất chợt tôi nhận ra nỗi nhớ ấy, bàng hoàng. Một buổi chiều ở Bruxelles, lang thang cùng cô bạn, tôi ngẩn người khi nghe một giọng Quảng Nam. Và chúng tôi đã bỗng dưng tạm quên nỗi háo hức cảnh lạ đường xa, để tìm đến cái gia đình Quảng Nam kia, ngồi trên bộ ván mộc, nghe và nói miên man giọng nói quê nhà. Giọng nói là cái gì vậy, mà sao ám ảnh ? Giọng nói là cái đến với ta ngay từ phút đầu tiên ta oe oe chào đời. Khi ấy mắt ta còn nhắm tít, nhưng âm thanh reo mừng đã dội vào tai và in vào bộ nhớ ta. Rồi từng ngày nằm nôi, từng ngày chập chững, mẹ ru, mẹ dạy. Những âm giọng gieo vào tâm thức tinh khôi. Những âm giọng bập bẹ trên vành môi thơ dại. Rồi lớp học, nói và nghe giữa bạn bè, thầy cô. Những âm giọng gắn liền với không gian giao cảm. Rất nhiều lần tôi tự hỏi, bên cạnh mầm gieo của người, giọng của tôi có chăng chất đất “chưa mưa đã thấm” ? Phải, tôi chừng như nhìn thấy cái cứng cỏi giọng mình từ dải đất núi liền biển. Những âm “a” hẹp lại, những âm “au”, “ong” bẹt ra, những “mô, răng, rứa, hỉ” tạo thành một âm sắc đặc biệt, chân chất như khoai sắn. Phải, tôi chừng như nghe thấy cái sôi nổi, cởi mở của giọng mình từ vùng văn hóa “ngũ phụng tề phi”. Giọng Quảng Nam nơi những cụ bà dù vang lên nơi chợ búa hay chốn thị thành luôn mang đến cho tôi cảm giác ấm áp tin cậy. Giọng Quảng Nam ở các bậc trí thức trung niên hình như gợi đến những diễn đàn, nơi yêu cầu cái gân guốc của luận thuyết và cái lưu loát của hùng biện. Giọng các bạn trẻ –như sinh viên của tôi giữa giảng đường đông đúc sinh viên của các miền đất nứơc – bao giờ cũng lấp lánh một chút tài hoa, sâu lắng. Vì vậy, tôi thường có những phản ứng rất buồn cười. Dỏng tai lên khi thoáng nghe giọng Quảng Nam, và hỏi : ở huyện nào ? Cười hì hì sung sướng khi có ai đó hỏi : phải Quảng Nam không ? Cảm thấy không thú lắm khi giữa cái chất giọng mộc mạc đặc trưng Quảng Nam lẫn vào một vài âm sắc lạ. Có một ngày tôi được xem bộ phim Phố Hoài và rất hồi hộp tự hỏi nhà làm phim sẽ chọn giọng nhân vật thế nào. Rất may, tôi đã hài lòng. Cái chất giọng Hội An ấy sao mà thanh thoát thế. Thanh thoát mà không ẻo lả, hồn nhiên mà không buông tuồng, ấy là chất giọng đẹp của người nữ trẻ Quảng Nam. Rồi tôi lại vui mất mấy ngày khi tình cờ đọc những truyện ngắn Nhật Bản do Phạm Vũ Thịnh dịch . Cái giọng Quảng Nam vào đây sao mà có duyên hết biết. Độc đáo ngay từ cái tên : thay vì Trong rừng trúc lại dịch Bốn bề bờ bụi. Và bất giác tôi nhớ đến Phan Khôi, Nguyễn Văn Xuân, những người, trong cách viết đã tạo nên một phong cách Quảng Nam hấp dẫn. Và như vậy, ngẫm kỹ ra, giọng nói quê nhà với tôi, không còn là chất giọng đơn thuần. Đó là âm thanh ruột rà quyện với cái hồn xứ sở được cất lên từ đôi môi của bà con làng xóm tôi. Ai cũng có quê quán của mình, nhưng không phải ai cũng được sinh ra trên quê cha đất tổ. Chào đời trên quê cha đất tổ, con người sẽ có giọng nói từ cội rễ, và có được niềm ám ảnh khi rời xa quê nhà. Nhưng ám ảnh để mà làm gì ? Với tôi, cái ám ảnh ấy là niềm vui. Trong khi tra hỏi về cảm giác ấy, tôi nhận ra hạnh phúc được có cả sau lưng mình một không gian ấp iu thân thuộc và hình như nhờ đó tôi bước đi mạnh mẽ, tự tin hơn giữa cuộc đời rộng lớn. Giọng nói quê nhà, cái nối liền tôi với những người đồng hương của tôi trong bất kỳ không gian nào. Giọng nói quê nhà, một phần quan trọng trong con người tôi, người chọn việc nói và viết như là phương thức nghề nghiệp của riêng mình. |
Catégories