Phạm thị Anh Nga . Với tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống : sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và “vượt cạn mồ côi một mình” mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là “một nửa” của đời tôi. Ban đầu chưa quen, những lúc nhìn thấy mạ thấp thoáng từ xa, tôi rất e ngại trước dáng dấp cao gầy xương xẩu của mạ. Có thể thuở xưa mạ cũng đã có một thời tròn trĩnh, thậm chí mũm mĩm, nhưng không hiểu sao sự gầy ốm của mạ thời đó đã gây cho tôi ấn tượng đáng ngại về một hình ảnh mẹ chồng chua cay nghiệt ngã. Hồi ấy, tình cảm giữa chúng tôi đã bắt đầu thắm thiết và cả hai đều có ý định lâu dài với nhau, và thú thật tôi hơi chùn lòng khi nghĩ đến cảnh mẹ chồng nàng dâu đang có vẻ không lấy gì làm sáng sủa. Rồi dần dà, với những dịp tiếp xúc với mạ ngày càng nhiều, tôi bắt đầu cảm thấy an tâm hơn, thậm chí rất thích cái cười “khoả khoả” đầy bao dung của mạ. May mắn thay cho tôi, mạ là người nhân ái, hiền từ, hết lòng thương yêu con cháu và tràn đầy đức hy sinh. Cho đến cuối đời, tôi vẫn không sao quên được ngày anh quyết định giới thiệu tôi với mạ. Do những năm khốn khó gạo châu củi quế ấy mạ không ở nhà mà xuống tạm trú ở chỗ mạ đang mở quán giải khát để có đồng ra đồng vào lo cho gia đình, hôm ấy anh hẹn tôi đến nhà anh, và cũng hẹn mạ về nơi ấy gặp tôi. Tôi cảm thấy khá căng thẳng khi ngồi bên anh đợi mạ đến. Vẫn như mọi khi, chuẩn bị đón tôi anh ra hái ở vườn nhà một cành hoa dại, cắm đơn sơ trên bàn. Dường như anh cũng hồi hộp không kém tôi, tay chân cứ luống cuống đến buồn cười. Khi mạ đến, anh báo hiệu cho tôi rồi ra ngoài. Một lúc, anh trở vào, tay cầm một quả thanh trà đã gọt vỏ và cắt sẵn thành bốn phần, nói của mạ mang đến. Anh nói : “Cứ ăn đi, chút nữa bà cụ sẽ ra”. Tôi cầm miếng thanh trà trong tay, không tài nào ăn được. Một lúc sau, mạ từ nhà sau ra và bước vào phòng, ngồi xuống ghế và cười, bảo tôi ăn đi chứ. Và mạ nói những chuyện đâu đâu, toàn chuyện trên trời dưới đất, hoàn toàn không ăn nhập gì đến nội dung cuộc “ra mắt” mà tôi đang sẵn sàng đáp ứng. Mạ nói năng vui vẻ, cởi mở, nhưng vẫn là những chuyện không đâu. Cuối cùng mạ nói : “Thôi hai đứa ngồi chơi hí”. Và mạ đi. Với tôi, hồi ấy anh vẫn hay nhắc về mạ mình bằng cách gọi là “bà cụ” như thế, mãi cho đến khi ăn hỏi xong, vào một dịp cúng kỵ anh nhắn tôi đến nhà, mạ bảo tôi lạy bàn thờ và bắt đầu xưng “mạ” với tôi, trong khi tôi vẫn e dè đợi đến ngày cưới mới gọi mạ là mạ, thì anh bắt đầu dùng từ “mạ” khi đề cập với tôi về mạ. Buổi đầu tiếp kiến thế là diễn ra giản dị hơn tôi hình dung rất nhiều, thậm chí phần nào đã khiến tôi ngỡ ngàng. Mạ đi rồi, anh kể cho tôi nghe về mạ, về cuộc đời của mạ từ thuở nhỏ đến lúc lấy chồng, sinh con, và thờ chồng nuôi con khi chú anh mất (con cái các gia đình hoàng tộc vẫn gọi bố mình là “chú”), trong lúc tuổi đời của mạ vẫn còn rất trẻ, anh mới lên mười ba và sau anh vẫn còn hai em nhỏ, một gái và một trai. Kể về mạ, anh xoè bàn tay ra đủ năm ngón trước mặt tôi. Tôi hỏi : “Tuổi của mạ anh hả ?”. Anh cười, lắc đầu : “Không”. Ngập ngừng một lúc, anh tiếp : “Bà cụ là vợ thứ năm của ông”. Và tôi được kể về đời làm vợ của mạ. Mười lăm tuổi mạ lấy chồng. Khi chú của anh, một nhà thầu khoán giàu có đã bốn vợ, tình cờ trông thấy mạ mang cơm đến cho bố đang là thợ nề trong tốp thợ của ông, đã tỏ ý ưng cô gái, thì do gia cảnh rất nghèo và bà ngoại lại mất sớm, mạ đã đồng ý nghe theo lời ông ngoại để lấy người thầu khoán ấy, hầu có thể lo tương lai cho ba em nhỏ của mình. Ở cái tuổi vẫn còn nửa trẻ con nửa người lớn ấy, cô gái quê xinh xẻo mới lớn bắt đầu tập tành làm vợ và làm dâu, và thấm thía nỗi niềm gian truân cay nghiệt của người phụ nữ nghèo gửi phận nhà chồng. Về sau, trong những dịp tâm sự với tôi, mạ kể là chỉ dì tư (vợ thứ tư của chú) mới thương mạ và chịu khó vẽ vời cho mạ trong bước đầu làm dâu, về những công việc bếp núc, nội trợ… Có lẽ điều bù đắp lớn nhất cho mạ, là tình thương yêu của chú dành cho mạ là nhiều hơn cả. Cũng dễ hiểu thôi, mạ là cô vợ út, trẻ nhất, lại xinh đẹp, ngoan hiền, tuy gốc gác quê mùa nhưng khuôn mặt, dáng dấp, phong thái, cốt cách lại vô cùng quý phái. Cho đến cuối đời, dù tuổi già tàn úa và mái tóc thì đã bạc phơ, mạ vẫn giữ được nét đẹp cao sang quyền quý đó. Tôi về làm dâu mạ khi lòng đã an tâm hơn, và cảm thấy bắt đầu quyến luyến người phụ nữ mà anh yêu thương nhất đời đó. Điều kiện duy nhất anh đặt ra với tôi khi cùng bàn định chuyện cưới xin và sống chung, là bằng mọi cách, tôi không được để bất cứ chuyện gì không hay xảy ra giữa mạ và tôi. Tôi đồng ý. Điểm lại suốt đời tôi làm dâu mạ, tôi đã thực hiện được điều anh yêu cầu, nhưng không chỉ vì anh đã yêu cầu, mà thực sự chính tôi cũng thật lòng thương yêu mạ và mạ cũng đã thương yêu tôi. Tôi nghĩ đến mạ, chăm sóc mạ và ngược lại, mạ cũng quan tâm đến tôi và chăm chút cho tôi. Ngoài anh và hai đứa con của tôi là cái chung dễ nhận thấy giữa mạ và tôi (vừa là máu mủ của mạ vừa là phần đời rất lớn của tôi), dường như vẫn còn một cái gì đó trong vô thức sâu thẳm khiến mạ với tôi đặc biệt thương mến và quyến luyến lẫn nhau. Tôi biết cho đến ngày nay, người phụ nữ anh yêu thương nhất trên đời không phải là tôi, mà vẫn luôn là mạ, nhưng tôi thật tình cảm động và quý trọng tình cảm thiêng liêng đó mà riêng tôi chỉ có thể cảm nhận và chia sẻ một phần ít ỏi, ít nhưng đủ để trở thành hiếm hoi trên đời, giữa hai người phụ nữ đang là mẹ chồng và nàng dâu. Lần duy nhất tôi khiến mạ phiền lòng, là thời đứa con thứ nhất của chúng tôi đang đi nhà trẻ, và đứa thứ hai thì vẫn còn bú mớm. Buổi sáng, tôi phải cho đứa lớn vệ sinh, ăn sáng, thay đồ và sẵn sàng để anh chở đi học. Sáng hôm đó tôi loay hoay mãi vẫn không tìm ra áo quần để thay cho con. Mạ nói : “Áo quần thì phải lo từ tối qua, sáng ra mới tìm thì làm chi kịp”. Tôi trả lời : “Không phải là con không biết, nhưng tối qua con thức khuya làm việc, mệt quá không thể ráng thêm được nữa nên mới không soạn sẵn áo quần”. Giọng tôi vẫn từ tốn, và mạ không nói gì. Nhưng đến trưa, anh gọi tôi : “Hình như mạ giận em, em tìm cách xin lỗi mạ đi”. Tôi giải thích với anh về những gì đã xảy ra, nhưng vẫn đến xin lỗi mạ. Mạ vui ngay, và sau đó không bao giờ mạ còn nhắc lại câu chuyện đó nữa. Nhưng suốt đời, tôi không quên vết tì nhỏ đã gợn đục một phần trong tình cảm giữa mạ và tôi đó. Tôi vẫn thường nói đùa với mạ rằng hầu như tôi chưa bao giờ phải làm dâu mạ, chỉ có mạ là hết đợt này đến đợt khác làm dâu tôi. Bởi cứ mỗi một dịp tôi vắng nhà đi công tác xa, hoặc đi thực tập hay học tập ở nước ngoài, mạ vẫn thường thu xếp đến ở với anh và các con tôi để chăm chút miếng ăn giấc ngủ cho con trai và cháu nội của mạ. Thậm chí nhiều lúc tôi vẫn ở nhà, mà mạ cũng đến ở lại, và cứ tranh việc để làm, từ quét tước sân cươi, lấy mạng nhện trên tường, cơm nước, rửa dọn… đến chợ búa, đút cơm cho cháu nội. Lần cuối đi học một năm ở nước ngoài, về đến nhà nhìn thấy những mạng nhện giăng ngang dọc trên tường, tôi hiểu mạ chồng tôi đã thực sự già yếu. Mạ nấu ăn khéo và ngon, và tôi học được của mạ biết bao nhiêu là kinh nghiệm quý. Thuở còn con gái, tôi thường được mạ tôi bày cho cách chuẩn bị và nấu một số món ăn, không cao lương mỹ vị gì nhưng cũng có thể xoay xở để thay đổi thực đơn hàng ngày. Nhớ ngày xưa ba tôi vẫn thường doạ chị em chúng tôi : “Đàn ông có trăm người thì cả trăm người đều thích ăn ngon, mình mà không biết nấu ăn thì chồng mình sớm muộn cũng theo người khác… biết nấu ăn ngon hơn”. Tôi lấy chồng với vốn liếng có chừng mực đó về việc bếp núc. Mạ chồng tôi đã truyền thêm vốn cho tôi, và điều đáng nói không phải là mạ đã dạy cho tôi cái gì, mà là cái cách mạ truyền dạy cho tôi. Khi ăn cái gì tôi nấu mà thấy ngon, mạ khen rối rít. Ngược lại, ăn mà cảm thấy không vừa miệng, mạ hay giả lơ, đợi khi thuận tiện thì thủ thỉ bày cho tôi thủ thuật để món ăn được ngon hơn. Không như tinh thần câu tục ngữ xưa, “Trước làm nàng dâu, sau mới làm mẹ chồng”, một khi đã là mẹ chồng thì có quyền đổ lên đầu con dâu những gì mình đã phải hứng chịu xưa kia…, với mạ chồng tôi, dẫu một thời đắng cay cảnh mẹ chồng chì chiết, trong ứng xử với tôi mạ hết sức tránh cho tôi mọi mặc cảm là con dâu trước mẹ chồng, và tôi vô cùng biết ơn mạ về lòng cảm thông và sự tinh tế vô chừng đó. Mạ vẫn thường xuýt xoa kể về những thứ tôi chuẩn bị tuy giản đơn nhưng lại hợp ý mạ : soong cá nục hay cá bống thệ kho khô “đậm đà thấm tháp”, hủ dưa giá “mụ làm răng mà để mấy ăn cũng thấy ngon”. Tôi hiểu không phải là tôi thực sự khéo, mà chẳng qua đó chỉ là cách thể hiện tình thương yêu của mạ. Ngày tôi lên bàn mổ lần thứ hai để sinh con (đứa đầu là con gái, cũng đã mổ khi sinh), tôi nói tôi chỉ e ngại rằng đứa con thứ hai của tôi cũng chỉ là con gái, vì sẽ không mang đến cho mạ đứa cháu đích tôn mà mạ mong chờ. Mạ khua tay : “Thôi thôi mụ ơi, tui chỉ mong mẹ tròn con vuông, chơ con gái thì con gái, đẻ con gái nữa thì Trưng Trắc Trưng Nhị, có chị có em”. Tôi vào phòng mổ, ứa nước mắt. May thay, tôi đã sinh cho mạ đứa cháu đích tôn mà càng về sau mạ càng yêu và cưng như trứng. Từ hồi thằng bé còn nhỏ, mạ vẫn thường lén lút cho quà, trong khi tôi xót khi thấy mạ vẫn thiếu thốn lại còn nhiều mối lo toan nên thường ngăn cản. Một hôm con trai tôi (lúc đó khoảng sáu hay tám tuổi gì đó) với vẻ mặt nghiêm trang dặn tôi : “Khi mô mẹ có cháu đích tôn, thì mẹ không được lén con mà cho quà hắn và cho tiền hắn nghe chưa. Con la hắn là mẹ không được bênh hắn nghe chưa”. Tôi phì cười, hiểu ra những bí mật đã và đang xảy ra giữa hai bà cháu… Mạ chồng tôi không phải là người có học. Một chữ bẻ đôi mạ cũng không biết. Nhưng những lời mạ nói ra thường hay trích dẫn những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ… mà quả thật tôi chẳng hiểu mạ học ở đâu ra và chính tôi cũng chưa biết. Cúng kiếng thì mạ dặn “rộng làm kép, hẹp làm đơn”, là con gái thì mồm miệng phải “bò ho bay không lọt”, và nhớ “miếng trầu làm dâu nhà người”, muốn làm ăn nên nỗi thì cần “có đào có kép”. Nhắc đến những vất vả nhọc nhằn của mạ tôi khi nuôi nấng chăm chút cho con gái tôi, tức cháu nội đầu lòng của mạ, thì “cháu bà nội mà tội bà ngoại”… Mạ ơi, bài báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của con về văn hoá ứng xử qua tục ngữ ca dao vẫn chưa hoàn thành. Lẽ ra con đã phải làm xong trước khi mạ ra đi, để kịp đề tặng mạ khi mạ vẫn còn ở dương thế. Bởi dù mạ không hề hay biết, mạ chính là ngọn nguồn sâu xa đã khơi mớm cho con về cái thâm thuý trong kho tàng thơ văn truyền khẩu của người xưa đó, trong khi bản thân mạ thì chẳng biết i cũng chẳng biết tờ. Và càng nghiền ngẫm những câu tục ngữ ca dao xưa, con càng hiểu thấu cái may mắn của đời con. Bởi những nghiệt ngã xưa mạ từng gánh chịu thì nay mạ đã cố hết sức tránh cho con. Với mạ, không bao giờ là “Thật thà cũng thể lái trâu – Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”, “Chăn tằm rồi mới ươm tơ – Làm dâu rồi mới được như mẹ chồng”, “Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu, nàng dâu đâu có nói tốt mẹ chồng”… Mạ vẫn mong được sống thêm ít năm nữa để chúng tôi trả bớt những món nợ dồn dập khi xây nhà mới, rồi mới an tâm ra đi vì mạ tin khi đó chúng tôi mới có thể lo toan chuyện hậu sự cho mạ. Nhưng dù mạ đã cố sức, căn bệnh nghiệt ngã đã quật mạ quỵ hẳn và mạ đã vĩnh viễn rời xa chúng tôi. Mạ ơi, cũng như mạ của con, mạ đã hết lòng và sống với con không hề suy tính nề hà, chẳng hề “khác máu tanh lòng”. Cùng với những người con mà mạ đã rứt ruột đẻ ra, con khóc mạ nhưng không giống như xưa kia “Thương chồng phải khóc mụ gia – Ngẫm tôi với mụ có bà con chi” đâu mạ ạ. Nước mắt nó cứ tự nhiên mà trào ra thôi. Và mạ biết không, cái ảnh thờ của mạ, con đã nhờ phóng to gần bằng ảnh chú và chọn khung ảnh cũng gần giống như của chú. Đoạn tang mạ rồi chúng con sẽ rước mạ lên bàn thờ gia tiên và đặt mạ ở bên cạnh chú. Mạ đừng lo ngại sẽ phải như bà nội ngày xưa mạ nhé. Nếu khi bà nội qua đời, không có ảnh để thờ và ngoài mạ ra không còn ai hương khói cúng quẩy cho bà nội, thì chúng con sẽ tiếp bước mạ lo cúng kỵ bà nội và với mạ chúng con sẽ suốt đời hương khói phụng thờ và sẽ không quên ngày kỵ giỗ. Mạ chồng tôi đã chọn đúng lúc chúng tôi đang quỳ trước bàn thờ Phật mới thỉnh về nhà và thành tâm cầu an cho mạ, để trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện. Không còn nữa một kiếp gian truân nhọc nhằn, cũng chẳng còn những đớn đau vật vã trên giường bệnh. Vĩnh viễn mạ đã được giải thoát khỏi những hệ luỵ dương trần mà mạ phải nặng nợ cưu mang có thể từ rất nhiều kiếp trước. Khuôn mặt mạ vẫn dịu hiền nhân hậu, dù tấm thân héo khô đã bắt đầu lạnh và cứng lúc chúng tôi tắm rửa, thay quần áo cho mạ để chuẩn bị đưa tiễn mạ đi. Một chuyến đi không có ngày về. Giờ này mạ đã yên nghỉ trên đồi cạnh chú, dưới bóng mát của một cây dương liễu. Một nơi an nghỉ đẹp và êm đềm. Mạ an tâm mạ nhé. Đã có lời kinh Phật dẫn dìu từng bước mạ đi. Nam mô tiếp dẫn đạo sư A di đà Phật… Cõi vĩnh hằng, mạ ơi, con tin từ nay mạ có thể ngậm cười và vô cùng thanh thản. Phạm thị Anh Nga Mùa Vu Lan năm Ất Dậu 8/2005 |
Catégories