Catégories
Prose

Cọp trong văn học XX

Đặng Tiến (BP60)

.

Xếp hàng thứ ba trong mười hai chi, năm Dần mang cầm tinh cọp, là một hình tượng đa nghĩa, phức tạp trong tâm linh người Việt, vừa là ác thú, vừa là thần hộ mệnh.

Tranh Vinh Khoa (BP68)

Cọp là ác thú được người kinh sợ đến độ lập đền thờ, hy sinh nhân mạng để tế lễ mỗi cuối năm, như tục thờ Thần Hổ, làng Ngọc Cục, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương mà Phạm đình Hổ (1768-1839) đã kể lại kỹ càng trong Vũ Trung Tùy Bút (1). Đến năm 1800, tục mới chấm dứt. Mặt khác, cọp lại là phúc thần được vẽ tranh thờ để trừ tà yểm quái.

Truyện Trinh Thứ, nửa sau thế kỷ XIX :
Trong nhà hắc hổ trấn phù
Sinh con sinh cái nuôi cho dễ dàng

Tranh Hổ còn được bày nơi nhiều đền chùa, nhất là các đền thờ Thánh Mẫu, như tranh Bạch Hổ Thần tượng đặt ở đền Quan Thánh, Hà Nội. Ngày nay, tại miền Bắc Việt Nam, từ đồng bằng lên Mạn Ngược, nhiều nhà còn sùng tín vào Tranh Hổ.

Tại nước ta, tùy địa phương, tùy sinh hoạt, quan hệ giữa người và cọp không đồng nhất. Tuy rằng ở đâu cũng sợ cọp, kiêng dè gọi bằng ông cọp, ông ba mươi, ông thầy, ông kễnh, ông Cả… nhưng dường như người dân Bắc Bộ kinh sợ cọp hơn người dân đồng bằng sông Cửu Long.
Cọp cùng với beo, báo, sư tử, mèo… thuộc họ mèo (felin) ; giống cọp sống tại châu Á, từ Ấn Độ sang Nam Dương, Việt Nam, Trung Quốc. Cọp sống lẩn quất trong rừng rậm, có thể bơi qua sông, sống bằng thịt mồi : hưu nai, chồn cáo và nhất là heo rừng ; cọp bắt mồi về đêm. Như vậy cọp giúp con người trong việc loại trừ bớt những thú rừng phá hoại mùa màng hay chăn nuôi. Khi cạn kiệt nguồn lương thực trong rừng, hay khi về già, không còn đủ nhanh nhẹn để vồ mồi, cọp mới lân la về phía làng mạc. Con người không phải là nguồn lương thực ưu tiên : người ta vẫn thường kể chuyện gặp cọp giữa đường và được… làm lơ.

 Tranh Thanh Trí (2010)

Trong truyện Lục vân Tiên cọp xuất hiện ba lần : một lần cởi trói cho tiểu đồng và đưa ra đại lộ ; một lần dưới dạnh « du thần » đưa Vân Tiên ra khỏi hang Thương Tòng, nơi Vân Tiên bị gia đình Thể Loan hãm hại ; lần cuối, cọp bắt hai mẹ con Thể Loan bỏ lại trong hang Thương Tòng để « quả báo », nhưng không… ăn thịt.
Trên cơ bản, cọp vẫn là ác thú ăn thịt người, vì vậy, trong truyện, Trịnh Hâm mới bắt tiểu đồng trói vào gốc cây :
Trước cho hùm cọp ăn mày
Hại Tiên phải dụng mưu này mới xong
Vân Tiên ngồi những đợi trông
Trịnh Hâm về nói tiểu đồng cọp ăn
(Câu 875-878)

Trong truyện Nguyễn đình Chiểu (1822-1888) đã trình bày cọp dưới hai diện mạo : khuôn mặt tự nhiên là ác thú, nhưng lại không xuất hiện ; khuôn mặt xuất hiện, cứu tinh, lại là một nhân vật hư cấu có suy tính khi hành động :
Sơn quân ghé lại một bên
Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng

Trong nhiều truyện kể dân gian, cọp đóng vai thần cứu tinh, như trong Tống Trân Cúc Hoa được truyền tụng trong giới người Kinh lẫn người Thượng phía Bắc : Tống Trân bị vua đày sang nước Tần mười năm ; vợ là Cúc Hoa chịu đựng nhiều gian truân, có lúc tuyệt vọng lên núi Tản Viên toan quyên sinh. Sơn Thần thương tình biến thành mãnh hổ, tình nguyện mang thư Cúc Hoa sang Tần. Tống Trân được thư vội về nước, kịp cứu Cúc Hoa.

Trong Thoại Khanh Châu Tuấn, vai trò cọp còn lớn lao hơn nữa, xuất hiện giữa rừng khuya, cọp cõng Thoại Khanh và mẹ chồng sang tận nước Tề để tìm chồng.

Nhưng đây chỉ là một mặt trong tâm linh người Việt, khi đã chế ngự được thiên nhiên và ác thú. Những truyện dân gian kể trên có lẽ đã thành hình khá muộn, đồng thời với Lục vân Tiên, khi người đã bớt sợ cọp và ý thức vai trò của cọp trong việc bảo vệ mùa màng và gia súc.
Đọc Sơn Nam (1926-2008) chúng ta thấy người dân Nam Bộ không những không sợ, mà có khi còn tỏ ra thân thiện (2). Ông trích dẫn Gia Định thành Nhất Thống Chí của Trịnh Hoài Đức « Hồi thế kỷ XVIII, trẻ con, đàn bà cầm liềm cắt cỏ, cầm đòn xóc, cũng chống cự và đuổi được cọp. Thái độ của người dân đối với cọp cũng lạ : vừa kính nể, coi như vị thần nhưng cũng coi thường, nếu cần thì rủ nhau đi săn bắt, giết không nương tay (3) ».

« Rừng nào cọp nấy », cọp Miền Nam hiền lành hơn hùm Miền Bắc chăng ? Phạm đình Hổ, sách đã dẫn, qua tục giết người tế Thần Hổ, còn nhắc đến thần Xương Cuồng có ghi vào sử sách như Mộc Tinh trong Lĩnh Nam Chích Quái. Tục tế Thần Hổ này có từ xa xưa trước Tây Lịch, khi quân nhà Tần của Nhâm Ngao và Triệu Đà mới lấn chiếm và đô hộ đất Văn Lang.
Nhưng đây là một đề tài gai góc, đòi hỏi nghiên cứu chính xác. Chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.

Cho dù phong tục hy sinh nhân mạng để tế thần hổ có là một ví dụ đơn lẻ, thì nỗi sợ cọp, kinh hãi hùm thiêng là một tâm trạng có thật, kèm theo tư tưởng mê tín, mà ngày xưa Tchya đã phản ánh vào tiểu thuyết Thần Hổ, 1937, và Ai hát giữa rừng khuya, 1942, mà Vũ Ngọc Phan (1902-1987) đã giới thiệu cặn kẽ 4, chúng tôi mạn phép trích lại một thông tin đầy đủ :

Tranh Dang Mau Tuu 

« Cái giống ma ở hai tập tiểu thuyết thần quái của Tchya là ma trành và cái loại thần trong đó là thần Hổ, những con hổ đã ăn thịt hơn trăm người, trong tai nổi lên hơn trăm tia máu đỏ, nghe được ngàn dặm, và nếu có chạm mình vào lá cũng không quên. Vị thần Hổ đây là con hổ xám, hổ vàng, và khi họp hội đồng cơ mật dưới gốc một đại thụ, vị thần Hổ thường trút bỏ bộ lông trắng, biến thành mọt ông già đầu râu tóc bạc đường bệ. Bị hổ vồ là có số, những kẻ bị giống mãnh thú ấy sơi đã có tên trong quyển sổ do thần Hổ giữ. Thật là một sự định mệnh, không sao trốn thoát được… »

Ma trành là chuyện dị đoan phổ biến ; trong một dị bản phụ lục Lĩnh Nam Chích Quái, có truyện Trành quỷ hiển linh ký được giới thiệu như sau : « truyện thần hổ đời Lê Mạt có tính cách mê tín. Trành là linh hồn người bị hổ ăn thịt biến thành tinh của hổ, thường dẫn đường cho hổ đi bắt người, khi có dịp lại hiện ra thành hình người. Thần hổ có nơi gọi là ma khái, hoặc hùm tinh » (6)

Tchya (Đái đức Tuấn, 1908-1969) khi sáng tác và hư cấu, đã dựa trên truyền thuyết dân gian, nên tác phẩm có giá trị dân tộc học. Trong Ai hát giữa rừng khuya, con hồ trắng biết thưởng thức âm nhạc, thích nghe đờn ca xướng hát. Trong niềm tin của một số dân tộc Miền Núi, có chuyện hổ biết nghe tiếng sáo !

Ngoài ra, trong Truyện Đường Rừng, 1940, Lan Khai (1906-1945) kể chuyện Người hóa hổ, người và súc vật có thể hóa kiếp cho nhau. Trong tuồng hát bội Hổ Thành Nhân, thế kỷ XIX cũng có chuyện hổ sinh ra người, nên nhân vật có tên như vậy.

Từ thời tiền thế chiến đến nay, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Xã hội đổi thay, môi trường đổi thay. Cảnh núi rừng ma thiêng nước độc giảm đi nhiều. Cọp không còn là ác thú hăm dọa loài người và Thần Hổ không còn là ám ảnh. Nhưng trong tâm lý, con người vẫn còn giữ một hình ảnh kỳ bí nào đó về chúa sơn lâm, về bộ lông tráng lệ, oai phong lẫm liệt, và hành tung bí ẩn. Vẫn còn một không khí hoang đường nào đó qua Trái Tim Hổ trong nhóm mười truyện Như những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn huy Thiệp, đăng trên báo Văn Nghệ 1987, xuất bản thành sách 1988 (8), tái bản nhiều lần.

Tranh Do Tu Nghiem

Hua Tát là một bản Mường nhỏ, miệt Lai Châu, có con hổ kỳ dị « người ta đồn có trái tim khác thường, chỉ nhỏ bằng hòn sỏi và trong suốt, là bùa hộ mệnh cùng là vị thuốc thần ». Dân bản nhiều người săn hổ, mong lấy trái tim làm thuốc chữa cho một cô gái trẻ đẹp, bị liệt đôi chân. Trong những người đi săn hổ, có chàng trai tên Khó, nghèo, xấu xí, dị dạng, cô độc :

« Việc săn hổ kéo dài gần hết mùa đông. Nhưng như có phép lạ, con hỏ tinh khôn biết tránh những nơi người ta phục nó. Những người đi săn bị nó săn lại. Hơn mười người chết vì con hổ dữ. Tiếng khóc than, lẫn với tiếng gió hú dài âm âm trong bản. Người ta nản chí dần, số người đi săn rụng nhanh như bứa chín cây, cuối cùng chỉ còn một người. Người ấy là Khó.
Khó là trai bản Hua Tát. Chàng mồ côi cha mẹ, sống như con don, con dim. Con don, con dim sống thui thủi, đi con đường riêng, ăn uống thế nào không ai biết được. Người bản Hua Tát không biết Khó đi con đường nào tìm vết hổ. Đường của con don, con dim, hổ cũng không biết. Con hổ thấy sự nguy hiểm. Nó thay đổi chỗ ở, thay đổi đường đi. Khó và con hổ săn nhau từng giờ… ».

Cuối cùng người và hổ cùng chết, trái tim hổ bị kẻ gian đánh cắp.

Đây là sáng tác mới, nhưng theo dạng chuyện cổ, bắt đầu bằng : « ngày ấy, ở Hua Tát có một cô gái… ». Đã đành là chuyện hư cấu, nhưng mang hơi hướng truyền thuyết dân gian. Và nghệ thuật kể chuyện, viết truyện của Nguyễn Huy Thiệp đã đạt tới đỉnh cao.

Nhân ngày Tết Mậu Dần, chúng tôi nhắc đến một ít kỷ niệm văn học liên hệ đến con cọp ; chỉ có hai ý có thể nêu thành vấn đề : tương quan giữa Thần Hổ và Thần Mộc Tinh đầu tập Lĩnh Nam Chích Quái, mà chúng tôi sẽ phân tích trong một bài khác.

Vấn đề sau là trong tâm lý người dân Miền Bắc và Miền Nam, cách tiếp cận với con cọp, hay Thần Hổ, có phần khác nhau. Phía Bắc, từ đồng bằng lên Mạn Ngược, có nơi sùng bái hùm thiêng, thờ phụng đến mê tín. Người dân Miền Nam cũng sợ cọp, nhưng chỉ là nỗi sợ hãi cụ thể, vật chất mà không sùng tín. Tâm lý này thể hiện từ giới cầm quyền. Các chúa Nguyễn, Đàng Trong, đã tổ chức những trận đấu Voi – Cọp. Voi được xem như thú vật tuân phục và hữu ích, trái với cọp hung tợn và phá hoại.
Do đó, trận đấu thiên vị và bất công, vì cọp bị nhổ nanh, tước vuốt, khớp mõm, và voi bao giờ cũng thắng. Khoảng 1750, Võ Vương Nguyễn phúc Khoát cùng triều đình đi trên 12 thuyền lớn, xem trận ác chiến trên bãi đất Cồn, 40 con voi tận sát 18 con cọp. Tập tục này tiếp diễn đến các đời sau, Minh Mạng xây đấu trường Hổ Quyền năm 1830 dưới chân đồi Long Thọ. Tục lệ này đến 1904 đời Thành Thái, mới chấm dứt.

Vua chúa không tạo nên được tâm lý quần chúng, nhưng gây ảnh hưởng và điều kiện hóa đời sống tinh thần người dân. Ngày nay, nghe đâu trên toàn quốc Việt Nam chỉ còn hơn nghìn cọp. Cọp là muông thú đang và đáng được bảo vệ.

Cọp, hùm là tài sản thiên nhiên, uy dũng, hùng tráng.

Diễm lệ và kỳ ảo, cọp là vẻ đẹp của một trần thế đang phôi pha.

Tranh Thanh Trí (2010)

.

Đặng Tiến
9-11-2009

.

(2) Sơn Nam, Hương Rừng Cà Mau, truyện Hát Bội giữa Rừng.
(3) Sơn Nam, Đất Gia Định Xưa, tr. 36, nxb Trẻ, 1984, TPHCM.
(4) Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, quyển tư, tập thượng, 1942, bản in lại 1989, tr. 922.
(6) Lĩnh Nam Chích Quái, bản Viện Văn Học, Đinh Gia Khánh chú thích, 1960, tr. 125.
(7) Trịnh văn Thanh, Thành Ngữ điển tích, nxb Siêng Học, 1966, Sài Gòn.
(8) Nguyễn Huy Thiệp, trong Tướng về hưu, nxb Trẻ, 1988, tr. 16. Tái bản dưới tên Như những ngọn gió, nxb Văn Học, tr.482, 1999, Hà Nội.

.

Catégories
Prose

Le Tigre lunaire

Dang Tien (BP60)

L’année luni-solaire qui arrive le 14 Février 2010 sera placée sous le signe zodiacal du Tigre, Xin Yin en Chinois, Canh Dân en Viêt. Le vocable luni-solaire appelle une explication rapide : le calendrier chinois combine les deux cycles astrologiques lune et soleil, et ce depuis l’antiquité.

par Do Tu Nghiem

L’année Tigre ne porte pas de présage particulier. Mais dans l’esprit vietnamien, le tigre est riche en valeur symbolique, même équivoque et ambivalente : animal féroce, naturellement, mais aussi bienfaiteur. Cette ambivalence est commune à un ensemble de cultures asiatiques. Une légende bouddhique raconte que, dans l’une de ses existences, le Bouddha a offert son corps pour nourrir une mère tigresse et ses enfants affamés ; c’est sans doute une des raisons qui explique les nombreuses figures de tigre dans l’imagerie populaire et religieuse asiatique, de l’Himalaya au Pacifique.

par Thanh Tri (2010)

Dans la pensée chinoise antique, le tigre est aussi une symbolique complexe. Un vase yeou en bronze à l’époque des Chang, avant l’an 1000 AC, découvert à Ngan Yang représente un tigre maintenant un homme dans sa gueule. Longtemps, on a pensé que le fauve était en train de le dévorer. Une lecture plus technique propose un sens contraire : l’animal protège le bonhomme qui n’avait pas l’air affolé. Il est bien habillé, l’air serein, s’agrippant à l’épaule du fauve. Le vase est décoré d’autres animaux. Le tigre semble ici symboliser la mère nature dévoratrice et génératrice de la vie en même temps.

 

La même ambivalence se retrouve dans la pensée Viet. Une des plus vieilles légendes, vers le XII siècle, citée par Linh Nam Chich Quai, Légendes extraordinaires des Montagnes du Sud, relatait que dans l’antiquité, à l’époque des rois Hung, les Viet vénéraient le génie Xuong Cuong, image du Tigre sous la métaphore du Démon des Arbres, Moc Tinh. Ils offraient à son culte annuel un sacrifice humain à la veille du Nouvel An, d’où son appellation Monsieur le Trente « Ong Ba Muoi » – le trentième jour du 12è mois. Cette coutume ne cessa qu’au Xè siècle, mais persista encore dans certains endroits au Nord, jusqu’en 1800, comme le racontait Pham Dinh Ho dans le texte le Génie du Tigre, Than Ho, dans son célèbre Essais en Temps de pluie, Vu Trung Tuy But (1821).

Le tigre en cinq couleurs  

Le tigre, sans doute par sa puissance, son intelligence mystérieuse était aussi génie protecteur. Déjà au XVè siècle, on accrochait son image comme talisman pour chasser les formes démoniaques, comme l’image du Tigre Noir protégeant la femme en couches. Peu à peu, le « roi de la forêt » entrait dans le panthéon des croyances populaires vénérant les Saintes Mères (Dao Mâu) d’inspiration taoïste. Dans l’imagerie de ce culte, le tigre apparaît en cinq couleurs : noir, blanc, jaune, vert, rouge, représentant les cinq éléments de la nature, chaque Général Tigre protégeant la vie à chaque point cardinal et le centre. Le Génie Tigre se manifeste aussi dans les cérémonies de médium, pour prévenir ou guérir.

Le rapport homme/tigre est complexe, se trouve encore dans les croyances des minorités ethniques du Tây Nguyên, comme Jacques Dournes l’a bien décrit dans ses œuvres récentes.

Sous ce rapport, les Viet des plaines ou des montagnes n’ont pas la tradition de chasser le tigre. On le chassait, ou le tuait, pour se défendre ou protéger l’élevage et non par plaisir. Ce « sport » a été introduit par la colonisation française. Le premier « chasseur de tigre » connu étant l’ex-empereur Bao Dai, vers 1930, le dernier semble être Ngô Dinh Nhu qui, semble-t-il, avait 13 tigres à son tableau de chasse, vers 1960.



Génie protecteur, le tigre apparaît aussi dans des romans populaires versifiés : Thoai Khanh était à la recherche de son mari, avec sa belle mère malade ; perdues dans la jungle, elles furent sauvées par le tigre qui les transporta hors du danger. Dans Luc Van Tiên, il sauva le valet dévoué et fidèle en le détachant de ses liens, puis châtia les deux femmes traîtresses, les déposa dans la grotte, là où jadis, elles avaient claustré le vaillant Van Tiên frappé de cécité.

Dans leur tradition, les Viet craignent et respectent le tigre. Dans certaines régions ou croyances populaires, on le vénère, encore de nos jours, cette attitude complexe se dénote dans une œuvre récente, de grande valeur littéraire et ethnographique, traduite en français : « Le cœur du Tigre » de Nguyên Huy Thiêp.

Dang Tien 15.01.2010

Bibliographie
Hoàng Xuân Han, calendriers et calendrier vietnamien (en français), revue Khoa Hoc Xa Hôi, Février 1982, Paris.
Maurice Durand, Technique et Panthéon des Médiums Vietnamiens, EFEO, 1959, Paris.
Lê Thành Khôi, Voyage dans les cultures du Vietnam, Horizon du monde, 2001, Paris.
Jacques Dournes, Forêt Femme Folie, Aubier Montaigne, 1978, Paris.
Nguyên Huy Thiêp, Le Cœur du Tigre, Aube, 1993, Paris.
Catégories
Prose

Hòn Vọng Phu

Dang Tien (BP60)

.

Chuyện Hòn Vọng Phu nằm trong truyền thuyết dân gian, có ghi lại trong phần phụ lục Linh Nam Chích Quái, một tập truyện dân gian bằng chữ Hán, xuất hiện rất sớm, có lẽ từ thời Trần. Riêng phần phụ lục, thì người đời sau thêm thắt vào, có lẽ đầu thời Lê.

Theo truyện, núi Vọng Phu thuộc huyện Vũ Xương, ở cửa bể đạo Thuận Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị bây giờ. Ngày xưa có hai anh em ruột, một trai, một gái, làm nghề đốn củi. Một hôm, người anh lỡ tay chặt trúng vào đầu em, rồi tưởng em chết, bỏ trốn. Cô em được người cứu, đem về nuôi, lớn lên lấy chồng lại kết hôn đúng ngay với anh mình. Người chồng một hôm thấy vết sẹo trên đầu vợ, khám phá ra là em mình, nhưng sợ, không dám nói ra. Anh lấy cớ đi buôn rồi bỏ nhà đi. Người vợ không rõ nguồn cơn, bế con ngày ngày trông đợi và biến thành hòn đá, được dân gian gọi là đá Vọng Phu. Ở Việt Nam có nhiều tích như vậy. Cứ ở đâu có đá lớn, mang dáng dấp mẹ bồng con là nhân dân gọi là đá Vọng Phu.

Ở Lạng Sơn có sự tích nàng Tô Thị vọng phu :
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Núi Vọng Phu tại Lạng Sơn đã được Nguyễn Trãi nhắc đến trong Dư Địa Chí là sách ra đời từ 1438, nhưng bị đời sau thêm thắt nhiều. Riêng chuyện Tô Thị, thì Nguyễn Thiên Túng, người đương thời với Nguyễn Trãi, có lời giải thích sai, nhầm nàng Tô Thị Việt Nam với nàng Tô Huệ tác giả bài « Hồi Văn » bên Tàu (sử gia Hà Văn Tấn đã vạch ra điểm sai khác).

Dù sao đá Vọng Phu trên đỉnh núi Tam Thanh ở Lạng Sơn cũng đã bị sét đánh, sụp đổ từ lâu. Sử sách đời Tự Đức đã nói rõ ràng như thế. Gần đây, người ta phá núi để lấy đá xây cất, nhưng nói rằng « phá Hòn Vọng Phu » thì không chính xác. Nghe nói có xây tượng Vọng Phu bằng vôi.
Ở Quảng Trị có câu :

Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử
Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu

Núi Vọng Phu này, theo sách đã dẫn, thuộc huyện Vũ Xương thời Lê, đến thời Nguyễn đổi thành Đăng Xương, nay là Triệu Phong. Không rõ dáng Vọng Phu có còn không. Theo tên huyện có thể đặt truyện vào đầu thời Lê.
Tại Bình Định, trên đỉnh núi bên cửa Đề Gi thuộc huyện Phù Cát có hòn đá Trông Chồng, người địa phương cũng giải thích bằng truyền thuyết (đại khái) như đã kể, và có ghi lại trong Đại Nam Nhất Thống Chí.
Nhưng chính thức trên bản đồ địa dư, lập ra từ thời Pháp thuộc thì Hòn Vọng Phu thuộc tỉnh Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, giáp giới Phú Yên – thuộc tỉnh Phú Khánh ngày nay. Trên bản đồ người Pháp gọi là La Mère et l’Enfant, độ cao được ghi là 2022 mét. Cảm động là hình ảnh người vợ trông chồng hóa đá ; còn vì đâu người chồng phải ra đi và đi đâu thì ai muốn giải thích kiểu gì cũng được. Người xưa dựng chuyện anh em ruột lấy nhầm nhau là để bảo vệ phong tục, đề phòng những quan hệ loạn luân – và sự việc nêu lên cũng hiếm. Đời sau cho rằng người chồng ra đi là vì chinh chiến là một dự tưởng hợp lý, trên một đất nước thường xuyên bị chiến tranh suốt mấy trăm năm. Truyền thuyết Vọng Phu, từ đó mang kích thước tâm cảm và nhân đạo, dân tộc rộng lớn hơn.

Người nới rộng kích thước tình cảm ấy là nhạc sĩ Lê Thương.
* Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh năm 1913 theo Phạm Duy, giấy tờ ghi sinh ngày 8-1-1914 tại Hà Nội, từ 1941 vào định cư tại Sài gòn, qua đời tại đây ngày 19-6- 1996, là một trong vài ba nhạc sĩ tiên phong trong trào lưu nhạc mới Việt Nam – thời đó gọi là âm nhạc cải cách để phân biệt với nhạc cổ truyền. Lê Thương là tác giả đầu tiên có tác phẩm được trình diễn thành công, với bài Tiếng Đàn Trong Đêm Khuya, do ban kịch Thế Lữ trình diễn tại nhà hát lớn Hà Nội, đầu thu 1938. Sau đó mới đến Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong (1918-1942) tại hội quán Trí Tri Hà Nội, cuối thu 1938 . Cả hai bài hát đều là tác phẩm đầu tay. Lê Thương còn là người có công đầu trong việc phổ nhạc vào thơ : Bông Hoa Rừng (1941) của Thế Lữ, thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư ; bài hát ngày nay còn nhiều người nghe là Thu Trên Đảo Kinh Châu, dựa trên một bản dịch bài Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm của Đinh Nhật Thận. Sau đó, Phạm Duy mới phổ nhạc bài Cô Hái Mơ (1942) của Nguyễn Bính, cũng là nhạc phẩm đầu tay. Theo Phạm Duy, Lê Thương « là người soạn nhạc có nhiều tâm hồn thi sĩ nhất trong đám người tiên phong của nền tân nhạc. Lời ca của Lê Thương thật là vô địch, ngay từ lúc này cũng như mãi mãi về sau ».

Tác phẩm mới nhất của Lê Thương là ba bài Hòn Vọng Phu sáng tác từ năm 1946, muốn gọi là trường ca, truyện ca, tổ khúc gì cũng được. Lời ca đặc sắc, một phần do Lê Thương sáng tạo từ khối vốn ngữ vựng phong phú, lối kết hợp hình ảnh mới mẻ, táo bạo và cách sử dụng âm hưởng tác phẩm Chinh Phụ Ngâm được truyền tụng. Sinh thời, Văn Cao khâm phục nhạc phẩm này.

Đặc điểm trong nhạc phẩm là phần III, Lê Thương đã cho Người Chinh Phu Về, trong khi trong truyền thuyết, người chồng không trở về, và trong nguyên tác Chinh Phụ Ngâm, người vợ chỉ mơ ước ngày chồng về để « giữ gìn nhau vui thuở thanh bình ».

Dường như phần I và phần II Ai Xuôi Vạn Lý được sáng tác đồng thời (1946), còn phần III làm sau, vì ý thức chính trị của tác giả dường như có biến đổi. Phần I rền vang tiếng trống lệnh xuất quân, ròn rã, phấn chấn, dồn dập :

Lệnh Vua hành quân trống kêu dồn
Quan với quân lên đường
Hàng cờ theo trống dồn

Đây là khí thế của những năm 1945-46 thời Nam Bộ kháng chiến, thời Nam tiến, Tổng khởi nghĩa. Nhưng sang đến phần II, không khí trở nên buồn thảm, bi quan :

Có ai xuôi vạn lý
Nhắn đôi câu giúp nàng
Lấy cây hương thật quý
Thắp lên thương tiếc chàng
Thôi đứng đợi làm chi…

Lê Thương tham gia kháng chiến tại Nam Bộ, rồi về thành rất sớm (1948), có lúc bị Pháp bắt giam. Thời gian này, ông làm bài Bà Tư Bán Hàng, giản dị, bình dân, nhưng có giá trị tuyên truyền cao. Phải chăng, ở Hòn Vọng Phu, phần I và phần II được sáng tác tùy hứng như thơ Chính Hữu, Quang Dũng, Hoàng Cầm cùng thời. Còn phần III, Người Chinh Phu Về, ông đã chín muồi về ý thức chính trị :

Tiếng núi non lưu luyến tấc lòng bao nghìn năm …
Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
Từ mái tranh bên đình trong làng
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống…

Và hơi nhạc rộn ràng, ngây ngất, mang khí thế hào hùng của đoàn quân chiến thắng :

Bóng chàng chập chùng vượt núi non cũ
Với hành lương độ đường
Chiếc hùng gươm danh tướng…

Tác phẩm Hòn Vọng Phu là một bài hát yêu nước đậm đà, sâu sắc, ca ngợi đất nước và dân tộc, nhưng sau khi công bố, vẫn không được hát tại các vùng kháng chiến như nó được phổ biến rộng rãi tại các thành phố bị Pháp chiếm. Trước hết vì cá nhân tác giả đã bỏ kháng chiến về thành. Sau nữa, hình tượng chờ chồng hóa đá không phù hợp với biện chứng cách mạng, với hình ảnh người phụ nữ « ba sẵn sàng », nhất là sẵn sàng chiến đấu như những Út Sâm, Út Tịch, Bà Má Hậu Giang, Người Mẹ Cầm Súng ; v.v… Chưa kể đến ngôn ngữ gọt giũa mượn của Chinh Phụ Ngâm bị kết án lạc hậu, bi quan, phản chiến. Những câu « Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng » lấy từ Chinh Phụ Ngâm bị xem là vô ý thức vì ca ngợi Mã Viện là … kẻ thù ! ( điều này Chế Lan Viên đã viết).

Hòn Vọng Phu của Lê Thương, khúc nhạc tuyệt vời, đã vươn lên từ những khắc bạc trong cuộc sống, những điêu linh của dân tộc. Trầm hùng, tha thiết, khi vút cao, khi sâu lắng, Hòn Vọng Phu là những đau thương đã thăng hoa. Trong lịch sử, chiến thắng của bên này là thất bại của bên kia ; trong nghệ thuật thì khác : cái đẹp chiến thắng khổ đau – là chiến thắng của mọi người, của con người. Nghệ thuật là con người đánh ngã định mệnh.
Tìm về Hòn Vọng Phu là để lắng nghe những ấm lạnh, những ngọt bùi, giọt giọt chắt lọc từ cõi-người-ta u minh và bất hạnh.

Đặng Tiến
Xuân 1994, đọc lại Giáng sinh 2008

.

Linh Nam Chích Quái, nxb Văn Hóa, 1960, Hà Nội, tr.116. Đọc thêm.
-Vũ Ngọc Phan, Truyện Cổ Việt nam, nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr.88. Sudestasie in lại, 1979, Paris, tr.65.
-Nguyễn Đổng Chi, Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam, tái bản 1993, nxb Văn Nghệ TP HCM, cuốn I, tr.182.
-Hữu Ngọc và François Corrrèze, Anthologie de la Littérature Populaire Vietnamienne, nxb l’Harmattan, 1982, Paris, tr. 136 có ghi các dị bản.
-Nguyễn Trãi Toàn Tập, nxb Khoa Học Xã Hội, 1976, Hà Nội, tr.209, 239 và 651.
-Đại Nam Nhất Thống Chí, cuốn 4, nxb Khoa Học Xã Hội, 1971, Hà Nội, tr.361.
-Nguyễn Văn Tý, Kỷ Niệm Vui Đời Nhạc Sĩ, nxb TPHCM, 1993, tr.120.
-Phạm Duy, Tạp Chí Văn Học, California, số 2, tháng 3-1986, tr.80. Đọc thêm Hồi Ký II (1990), chương 20 và Hồi Ký III (1991), chương 2.

Hòn Vọng Phu http://my.opera.com/phamngoclanguitar/blog/2009/09/27/honvongphu3 Nơi phía Nam giữa núi mờ
Ai bế con mãi đứng chờ
Như nuớc non xưa đến giờ Đường chiều mịt mù cát bay tỏa buớc ngựa phi
Đường trường nếp tàn y hùng cường vẫn còn bay trong gió
Bóng từ xa sắp dần qua
Bóng chàng chập chùng vuợt núi non cũ với hành lương
Độ đường chiếc hùng gươm danh tướng
Dưới tà huy đếm nhịp đi với ngựa phi Dấn bước tang bồng giữa nơi núi rừng
Bên nợ tình thâm, bên nợ giang san
Bên đồi ai oán, bên rừng đa đoan đón đưa bóng chàng
Đường về nuớc chập chùng xa
Nhiều đồi núi cheo leo, cây với rừng ruờm rà
Đường Vạn Xuyên, đường Cổ Lũy
Duyên núi sông vẫn như thấm hòa Đò vạn lý, đò ải quan
Đò rừng lá nuớc trong bao cá lội từng đàn
Thành Cổ Loa, Đền Vạn Kiếp
Bao tháng năm dấu chưa xóa nhòa Tiếng núi non lưu luyến tấc lòng bao nghìn năm
Tiếng gió cồn như tiếng trống dồn buổi khuya vắng
Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
Từ mái tranh bên đình trong làng
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống
Bao mối thương vang động trong lòng Đồi lan, đồi quế rắc kho hương nồng
Rừng sao dua đồi rừng trắc
Lo che ánh bủa vầng dương tiếp đưa bóng chàng
Đưòng cao đường thấp khắp khe chân chàng
Nhìn qua con đường mòn cũ
Quanh co mấy buổi tà duơng mới mong tới làng Nhớ cố hương xao xuyến tấc lòng mau dồn chân
Vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu
Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
Từ mái tranh bên đình trong làng
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống
Bao mối thương vang dậy trong lòng
Bao tháng năm lôi cuốn đời
Bao tuyết sương khoen giữa đời
Như ước mong xuyên kiếp người Đường rừng gập ghềnh dấu binh lửa chiếu hào quang
Đục ngầu thúc ngựa trong lời gào dẫn đoàn quân trăm chiến mấy ngàn viên
Tới ngoài biên thoát vòng ngục tù cõi nước non cũ tiến về Nam
Miệt mài vẫn từ xưa hăng hái súng lồng vai giữa cờ bay ngất trời mây Núi đá kinh hoàng nhắc câu sấm thề
Hỡi người chinh phu, anh hùng non sông
Trao người con quý cho người trông nom,
Thiếp xin lỗi thề Chàng rảo bước ngoài sườn non
Tìm người đứng cô đơn đang ngóng đợi chồng về
Vượt Hoành Sơn, vòng thành Huế, mong tới nơi cố thôn ước thề
Từ dạ đất miền Đồng Nai
Lời hẹn hứa tương lai
Đang chúc mừng chàng về
Chờ nhìn con, chờ người đón, bao nét xưa ước mong sẽ còn Núi đá thu rêu đã lấp mờ bao nghìn xưa
Thấy đứa con xanh ngắt tới hồn còn trông đó
Cầm chiếc gươm thân phụ di truyền
Chàng bế con trao lại gươm bền
Rồi chỉ vào sơn hà biến cố
Trao nó đi gây lại cơ đồ

Thời gian đã thấm biết bao suy tàn
Người xưa đâu còn hình đá bơ vơ đứng đợi chồng đi đã không hứa về
Lòng son lụn chí trước cơn hư thề
Đà xuôi tan tành đời đá nên mưa gió đổ quạnh hiu xuống ai mới về
Chiếc báu gươm chinh khách đã trao cho thằng con
Chí khí cao đã nối mãi còn tại non nước
Chàng đã ghi trong sử xanh đời
Một mối duyên chung vạn kiếp người
Từ nghìn xưa bên đồi phơi đá
Dân chúng đem ca tụng duyên Bà

Catégories
Prose

Trịnh Công Sơn, Đời và Nhạc XX

Đặng Tiến (BP60)

.

Trịnh Công Sơn tự họa (1989) *

Trịnh Công Sơn chánh quán Huế, làng Minh Hương, tổ tiên gốc Trung Hoa. Làng Minh Hương nay sát nhập vào Bao Vinh thành xã Hương Vinh. Bao Vinh là thương cảng của Huế ngày xưa.

Anh sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939, tại Lạc Giao, tỉnh Đắc Lắc, lớn lên trong một gia đình buôn bán giữa trung tâm thành phố Huế. Nhà đông anh chị em, ba trai năm gái, mà anh là con trưởng. Tuy có thăng trầm, nhưng nói chung là khá giả.

Trịnh Công Sơn theo học chương trình Pháp, tại Trung học Pháp tại Huế, đến hết cấp 2. Năm ấy, 1955, cùng lớp có ca sĩ Kim Tước (Giáo sư Decoux, dạy khoa học, thỉnh thoảng mang đàn vĩ cầm vào lớp, đàn đệm cho học sinh hát). Lúc này Trịnh Công Sơn chơi guitare đã hay. Trường giải thể, dời vào Đà Nẵng, Trịnh Công Sơn có lúc theo học trường Thiên Hựu, Providence ở Huế. Rồi chuyển vào Sài Gòn, học tại trường Jean Jacques Rousseau. Sau đó vào học trường Sư Phạm Quy Nhơn, rồi đi dạy học vài năm tại Lâm Đồng.

Anh tự học nhạc một mình, và đã kể lại :

Thuở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitare đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.

Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong… Đó là những năm 56 – 57, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ… Dạo ấy ba tôi đã mất… (1)

Những câu hỏi người tò mò có thể đặt ra : một người chỉ học trường Pháp, giáo trình Việt ngữ rất hạn chế và lỏng lẻo, khi đặt lời ca, sao có thể sử dụng tiếng Việt điêu luyện đến như thế ? Thỉnh thoảng anh viết truyện ngắn, tham luận, đều xuất sắc. Bạn bè nhận được thư riêng, đều nhớ rằng Sơn chữ đẹp văn hay.

Tự học đàn hát, rồi sáng tác một mình, Trịnh Công Sơn không thuộc một nhóm sáng tác nào, như những người đi trước, như Lê Thương, Hoàng Quý trong nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng, như Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước trong nhóm Myosotis tại Hà Nội, nhóm Hoàng Mai Lưu tại Nam Bộ. Cũng như sau này, anh sẽ tự học vẽ một mình.

Câu hỏi tò mò thứ hai : tự học nhạc, rồi từ rất sớm đã lao mình vào đời sống sáng tác và tranh đấu, làm sao anh có thể liên tục sáng tác khoảng 600 ca khúc, phần lớn được yêu chuộng ?

Nói rằng Trịnh Công Sơn là thiên tài, cũng dễ thôi. Nhưng trở thành thiên tài trên một đất nước như Việt Nam, được thừa nhận là thiên tài trong một xã hội như Việt Nam – nhất là sau cuộc đổi đời 1975 – thật không đơn giản.

Mục đích của bài này là giải thích sự hình thành của thiên tài Trịnh Công Sơn, giải mã hiện tượng Trịnh Công Sơn và tìm hiểu vị trí của Trịnh Công Sơn trên những trầm luân của đất nước, chủ yếu là khúc quanh 1975.

Chúng tôi cũng muốn cung cấp cho các nhà nghiên cứu về sau một số tư liệu rải rác đây đó, e mai đây khó kiếm, khi những than khóc và tung hô đã lắng xuống.

*

Về hoàn cảnh sáng tác ban đầu, Trịnh Công Sơn đã tuyên bố với Vĩnh Xương, báo Đất Việt, năm 1985 : ” Đến năm 1957, tôi sáng tác, gọi là để bạn bè nghe chơi. Sau đó thấy có hứng thú sáng tác và thử viết thêm một số bài. Năm 1959, tôi viết bài Ướt Mi và được bạn bè khích lệ. Tôi mới tìm sách nghiên cứu thêm về nhạc, trao đổi thêm về nhạc lý với bạn bè. Sau đó, tôi phổ nhạc cho khoảng một chục bài thơ tình yêu (như Nhìn Những Mùa Thu Đi chẳng hạn). Năm 63, tôi có một số sáng tác khá thành công như Diễm Xưa, Biển Nhớ, Hạ Trắng. Từ đó, tôi đi vào con đường sáng tác ” (2).

Và từ đó, Trịnh Công Sơn nổi tiếng.

*

Khi đặt câu hỏi : sao một thanh niên, rất trẻ, chỉ học “trường Tây” mà sử dụng tiếng Việt tài hoa đến vậy, tôi không có thành kiến – vì bản thân mình cũng chỉ học “trường Tây”- mà để tìm hiểu nguồn sáng tạo trong ngôn ngữ.

Trịnh Công Sơn, có lẽ – đây là giả thuyết dè dặt – không học nhiều văn chương Việt Nam được giảng dạy ở nhà trường thời đó, nên không bị nô lệ vào những khuôn sáo trường quy, không suy nghĩ bằng điển cố sẵn có, mà tạo được một hình thức mới cho lời ca. Lời ca ấy sử dụng nhiều hình ảnh, biểu tượng bị xé lẻ, đi thẳng vào tâm tưởng người nghe, mà không đòi hỏi họ phải hiểu nghĩa chính xác. Ví dụ bài Tình Sầu :

Tình xa như trời/ Tình gần như khói mây/
Tình trầm như bóng cây/ Tình reo vui trong nắng/
Tình buồn làm cơn say

… Cuộc tình lên cao vút / Như chim mỏi cánh rồi / Như chim xa lìa bầy / Như chim bỏ đường bay /

Mạch lạc nội tại (cohérence organique) của ca khúc không dựa vào tương quan ý nghĩa : “tình xa như trời” thì hợp lý, nhưng gần, sao lại như “khói mây” ? “Tình lên cao vút“, sao lại “như chim mỏi cánh rồi” ? “Tình reo vui trong nắng“, thì phải đối ngẫu với “tình buồn cơn mưa bay” mới chỉnh, sao lại say sưa vào đây ?

Thật ra, mạch lạc nội tại được cấu trúc trên hình thức ngôn ngữ : những từ lặp lại : tình, chim, như, những vần luyến láy : mây, cây, say, bay, những từ đối lập : xa/gần, vui/buồn. Hình ảnh nối tiếp nhau, không cần ăn khớp với lý luận, lại được tiết điệu, âm giai nâng đỡ, bay bổng, bay thẳng vào tâm tưởng người nghe.

Chúng ta thử so sánh, để tìm hiểu chứ không phân định hơn thua, một lời nhạc tương tợ của Đoàn Chuẩn-Từ Linh :

Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian …

Hai ca khúc na ná, vì đều là ẩn dụ xâu chuỗi (métaphore filée), nhưng câu sau của Đoàn Chuẩn và Từ Linh được cấu tứ theo ngữ nghĩa và quy ước, theo điển cố : gió+mây, bướm+hoa, gió+trăng, trăng+thu. Nét mới là màu xanh lá thư bị xoá nhoè giữa những ước lệ được liên kết thành một xâu chuỗi kiên cố, chặt chẽ quá làm mất chất thơ. Thêm vào đó là những câu thất ngôn đường luật rất chỉnh chu :

Lá vàng từng cánh / rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm / trên đất xưa

Bài Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay rất hay, nhưng hay một cách khác, được yêu chuộng ở một giới thính giả khác.

Phạm Duy, thời trẻ, đã có những sáng tạo tân kỳ :
Buồm về dội nắng đôi vai
Bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi
(Tiếng Đàn Tôi), 1947

Sau đó, anh trở về với ngôn ngữ duy lý :

Bao giờ em giở lại vườn dâu (hỡi em)

Là một câu thơ tuyệt vời : vườn dâu là niềm thương nhớ muôn trùng một nền văn minh đã khuất bóng.
Nhưng Phạm Duy lại bồi thêm câu sau :

Để anh bắc gỗ xây nhịp cầu (anh) bước sang…
(Quê Nghèo, 1948)

Thì cái ý đã thu hẹp cái tứ. Câu hát trở thành thô thiển, và giới hạn âm vang. (Tôi đã có dịp trình lên anh Phạm Duy ý này, anh cười vui : thế à ?)

Tác phẩm Lê Thương uyên bác cả nhạc lẫn lời, đã đựơc người đời yêu thích.

Trịnh Công Sơn sẽ không viết được những câu văn vẻ như Lê Thương :

Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng …
(Hòn Vọng Phu)

nhưng đã viết :

Đàn bò vào thành phố
Reo buồn tiếng hạt chuông
(…)
Đàn bò tìm dòng sông
Nhưng dòng nước cạn khô
Đàn bò bỗng thấy buồn,
bỗng thấy buồn …
(Du Mục)

Những hình ảnh ngoài trí tưởng tượng của Lê Thương – ông vua đặt lời ca – theo sự đánh giá của Phạm Duy.

Đi vào nền tân nhạc với một tâm hồn mới mẻ, Trịnh Công Sơn đã dần dần xây dựng một nhạc ngữ mới, phá vỡ những khuôn sáo của nền âm nhạc cải cách, thành hình chỉ hai mươi năm về trước.

*

Bửu Chỉ vẽ Trịnh Công Sơn – 1977 *

Trịnh Công Sơn tự học nhạc, chứ không được đào tạo theo hệ thống trường quy. Khi bắt đầu sáng tác, được khích lệ, mới “trao đổi nhạc lý với bạn bè“, anh không nói rõ là những ai.

Câu hỏi thứ hai người tò mò đặt ra là : học nhạc một mình, thì vốn liếng nhạc thuật lấy đâu ra mà sáng tác nhiều, nhanh và hay như thế ?

Nhiều người cho là tác phẩm anh đơn giản về mặt nhạc thuật, nói là nghèo nàn cũng được.

Văn Cao nhận xét : “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển, theo cấu trúc bác học phương tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra” (3).

Lối nhạc hồn nhiên, dung dị này lại đáp ứng lại với nhu cầu thời đại, theo Phạm Duy :
“Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại” (4).

Một thính giả bình thường, yêu quý Trịnh Công Sơn, đã viết sau khi anh qua đời : “Xét cho cùng, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Một nhà thơ lớn. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta” (Vũ Thư Hiên, Varsovie, 4/2001). Nhận xét không đúng nhưng tiêu biểu.

Dù cho rằng nhạc thuật đơn điệu, thì cũng phải thừa nhận tài năng, có phần học tập, có phần thiên phú. Hoa hồng đẹp là do cây hồng, nhưng cũng còn nhờ vào đất đai, phân tro, mưa nắng, người chăm sóc, thậm chí cần cả người ngắm, hoa hồng mới có giá trị cái đẹp hoa hồng. Dù ở đây chỉ là một đoá vô thường.

Ta thử nhớ lại thời đại phát sinh tài năng Trịnh Công Sơn.
Năm anh 15 tuổi, 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, cả hai miền Nam Bắc đều hoá thân trong hoàn cảnh chính trị và văn hóa mới.

Ở miền Nam, văn hoá phương Tây tràn ngập thị trường, nhất định phải ảnh hưởng mạnh mẽ đến tuổi mười lăm.
Sách báo, đĩa nhạc Pháp du nhập ồ ạt vào Việt Nam hằng ngày, giá thực tế rẻ hơn tại Paris nhờ trợ cấp hối đoái, và đây lại là thời kỳ phát minh và phát triển của loại sách bỏ túi và đĩa hát rảnh mịn (microsillon), phát hành rộng rãi, kèm theo những phương tiện truyền thanh mới. Thời trước, tuy Việt Nam là thuộc địa Pháp, nhưng văn chương Pháp chỉ du nhập qua nhà trường, giáo trình dừng lại ở cuối thế kỷ XIX : uyên bác như Xuân Diệu mà không biết Apollinaire. Sau 1954, văn hoá Pháp – và phương Tây – du nhập thẳng vào thị trường. Công chúng đọc Françoise Sagan tại Sài Gòn cùng lúc với Paris. Trên hè phố, nhất là tại các quán cà phê, người ta bàn luận về Malraux, Camus, cả về Faulkner, Gorki, Husserl, Heiddeger.

Nhà văn Bửu Ý, bạn Trịnh Công Sơn – học trước Sơn hai lớp tại Lycée Français Huế – hát Lá Rụng (Les Feuilles Mortes) một lần với Juliette Gréco ; Đời Hồng Tươi (La Vie en Rose) một lần với Edith Piaff, Barbara một lần với Yves Montand ; trong khi Thanh Tâm Tuyền dịch Barbara của Jacques Prévert,đăng trên Sáng Tạo và nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Hoàng cũng ngân nga Barbara. Nguyễn Trần Kiềm, bạn cùng lớp với Sơn, đi cyclo che nắng bằng sách của Sartre.

Người ta thắc mắc về những tên ca khúc Trịnh Công Sơn cầu kỳ như Mưa Hồng, Tuổi Đá Buồn, trong khi Thanh Tâm Tuyền viết Đêm Màu Hồng, về sau trở thành phòng trà lừng danh, lại viết thêm Lệ Đá Xanh, được danh hoạ Đinh Cường, bạn thân Trịnh Công Sơn, vẽ thành tranh trừu tượng, v…v…

Tuổi đá buồn – Bửu Chỉ 2001 *

Song hành với sách báo, các cơ quan văn hoá tây phương mở cửa hoạt động : Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, Pháp, Trung Tâm văn hoá Đức … dĩ nhiên là với những động cơ chính trị trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mà chúng tôi không đề cập ở đây, chỉ nhấn mạnh ở ảnh hưởng văn hoá phương Tây thời đó trên đời sống trí thức miền Nam. Những Chiều Chủ Nhật Buồn nằm trong căn gác đìu hiu.. ô hay mình vẫn cô liêu, rồi đến Ngày chủ nhật buồn còn ai, còn ai : … Tuổi buồn Em mang đi trong hư vô, ngày qua hững hờ… Không thể không nhắc đến bài Chủ Nhật Buồn, Sombre Dimanche của Seress Rejso, nghe nói đã có người tự tử vì nó. Hay vì những hư vô, cô liêu, hững hờ, thịnh hành một thời. Trong bài viết “Nỗi lòng của tên Tuyệt Vọng” anh đã tiết lộ ” tôi vốn thích triết học và vì thế, tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình “. Ví dụ như : Vết lăn trầm hằn lên phiến đá mà anh gọi là di thạch : roche errante, người hát không hiểu gì, nhưng vẫn thích hát ! Nhưng nói là Rolling Stones cũng không sai.

Ca khúc Trịnh Công Sơn gợi suy tư, đáp ứng lại nhu cầu trí thức chính đáng ở một thiểu số và ảo tưởng trí thức thời thượng ở một đa số, trong đó có các cô cậu, ở mục Tìm Bạn Bốn Phương trên các báo, tự giới thiệu là “yêu màu tím” và “nhạc họ Trịnh“, hay “nhạc TCS” viết tắt.

Thời kỳ này, Nguyễn văn Trung đã viết bài Ảo Ảnh Thanh Thuý. Nói về ảo ảnh Trịnh Công Sơn, ông ấy cũng có thể viết một bài hay.

Nhạc Trịnh Công Sơn đơn giản : một nhược điểm tạo dựng thành công. Phạm Duy nhận xét về Trịnh Công Sơn “ Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hoà âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này “. Lại là một yêu cầu khác của thời đại : những Georges Brassens, Joan Baez lẫy lừng với cây đàn ghi-ta. Ca khúc Trịnh Công Sơn, có thể hát cho vài người nghe, cho một nhóm, hay trước quảng đại quần chúng. Nó đi vào quần chúng, nhất là giới thanh niên : Nó khác với nhạc phòng trà, có giàn nhạc và do ca sĩ hát, và thính giả đi nghe (và nhìn) ca sĩ nhiều hơn là nghe ca khúc.

Trăng thiên cổ – Bửu Chỉ 2001 *

Thời Trịnh Công Sơn cũng là thời của các tác-gia-soạn-giả-trình-diễn (auteur compositeur interprète) chẳng bao năm mà trở thành huyền thoại : Jacques Brel, Bob Dylan. Báo chí Mỹ gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan Việt Nam, vì nội dung phản chiến, mà còn vì phong cách trình diễn.

Nhạc Trịnh Công Sơn không phải là nhạc giao hưởng. Những soạn giả bậc thầy của nhạc lý Việt Nam thời đó, như Vũ Thành, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi không có quần chúng.

Trịnh Công Sơn có tài đặt nhạc, soạn lời, lại biết bắt mạch thời đại, sống đúng thế hệ của mình, trong lòng đất nước, trong nhạc cảnh thế giới. Ngần ấy cái tài dồn lại, gọi là thiên tài, cũng không quá đáng.

*

Phân chất những lớp phù sa đã tấp vào dòng nhạc của mình qua những giao lưu văn hoá, Trịnh Công Sơn có nói đến những ảnh hưởng ngoại lai : ” Thưở nhỏ tôi rất thích nhạc tiền chiến và có nghe một số nhạc nước ngoài. Những năm 60, tôi có nghe nhạc Blues nói về thân phận của người da đen ở Mỹ. Tôi rất thích nhạc của Louis Amstrong, D. Ellington… Tôi thấy loại nhạc này gần gũi với mình và thấy có khả năng muốn lấy nhạc này để nói lên tâm sự của mình “. (5)

Và cũng trên số báo Đất Việt đó, anh cho biết thêm về ảnh hưởng : ” Những năm 64-66, sáng tác có chất Blues, những năm 67-72, lại mang nhiều chất dân ca “.

Chất dân ca” ở đây, phải hiểu theo nghĩa folk songs của Bob Dylan và Joan Baez thịnh hành thời đó. Cả hai danh ca đều hơn Sơn hai tuổi, cùng một thế hệ, cùng một lý tưởng chống chiến tranh, cùng một cây ghi-ta, cùng một điệu hát ; “Dân ca” ở đây không phải là hò mái nhì, hò giã gạo của quê hương. Nhạc dân tộc trong thời gian đầu, dường như không mấy ảnh hưởng đến anh. Những bài theo chủ đề ru con của Trịnh Công Sơn không mấy âm hưởng những bài hát ru em Việt Nam.

Sau này, thỉnh thoảng người nghe có nhận ra chút âm hưởng hò Huế, như trong “Thuở Bống là Người “, hay điệu ru dân tộc, như ” Lời Mẹ ru Con ” thì cũng chỉ là đôi biệt lệ, không tiêu biểu.

Gần đây, sách báo thường trích dẫn câu Trịnh Công Sơn :

Tôi chỉ là tên hát rong, đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo“.

Lại phải hiểu chữ “hát rong” theo nghĩa hiện đại : không phải là ông sẩm chợ, hát vè Thất Thủ Kinh Đô ở phố Đông Ba mà Huy Cận đã mô tả, mà hình ảnh người du ca hiện đại, những baladins itinérants trong ca khúc Bob Dylan, trong quan niệm Nhạc Du Bất Tận, Never Ending Tour (1988). Nhà thơ Tô Thùy Yên, chuộng thuyết chính danh, nên đã nói rõ điều này và gọi Trịnh Công Sơn là “người du ca chính hiệu” :

Người du ca là một nghệ sĩ đặc biệt đứng giữa âm nhạc và thi ca, đúng hơn, người du ca là một thi sĩ nhiều hơn là một nhạc sĩ.

Người du ca thường khi xuất hiện và nổi bật trong những thời đại được coi là u uất nhiễu nhương, những thời đại mà tiếng nói con người bị lấn át, tự do con người bị cưỡng chế, giá trị con người bị hạ thấp, hạnh phúc con người bị tước đoạt và ước vọng con người bị bao vây.

Thành thử những tác phẩm du ca có thể là những tác phẩm yếu hơi, dễ dãi, sơ sài, những tác phẩm thành hình trong một thoáng cảm hứng nhất thời, những tác phẩm như những ký tự ghi chép vội vàng trên một trang giấy tình cờ, và thả bay ngay theo thời thế“.

Trong Cõi Tạm, ăn xổi ở thì này, nơi con người chôm liền chộp lẹ mọi cơ hội để mua lẻ và mua rẻ chút hư danh, có người còn viết được những lời như vậy, là nghiêm túc và tâm huyết. Nhất là viết cho một người vừa khác phe, vừa khác phái.

Văn Cao cũng là một người sành chữ nghĩa. Trong câu chuyện thân mật, anh thường nói “Sơn là một troubadour (kẻ hát rong) có tài“. Nhưng khi viết về Trịnh công Sơn, anh dùng chữ chantre, trang trọng hơn, trong nghĩa “kẻ ngợi ca” : ” bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui, và biết đau đến tận cùng những nỗi đau của Tổ Quốc Mẹ hiền ” (6). Troubadour hát nhạc mua vui cho trần thế, Chantre hát những Lời Buồn Thánh. Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn cũng chỉ tự xưng là troubadour, như tên đặt cho phòng tranh anh triển lãm chung với Đinh Cường, Bửu Chỉ tại Gallery Tự Do, tháng 8/2000.

Đinh Cường vẽ Trịnh Công Sơn – 2001 *

Năm 1969, bạn anh, họa sĩ Trịnh Cung, đã vẽ bức tranh đẹp, tên là Le troubadour = Kẻ du ca, hát để kêu gọi hoà bình. Những chuyện này đều tương quan với nhau.

Khi Phạm Duy gọi ca khúc Trịnh Công Sơn là những ballades, không cùng một nguồn gốc với chữ baladin, cũng là có ý trang trọng.

Các vị ấy tài cao, ý sâu mà lòng thì rộng rãi ; cho nên lời cũng khoáng đạt.

*

Hôm qua trăng sáng lờ mờ
Em đi tát nước, tình cờ gặp Anh

Người con gái Việt Nam da vàng, ngày xưa, đã hát như thế trong ca dao, là để che dấu khát vọng tình yêu, chứ trong đời sống nông thôn thời ấy, làm gì có cái tình cờ.

Đời sống thế giới hiện nay, nghĩ cho cùng, cũng vậy thôi. Những giai điệu blues, nhạc phản kháng Bob Dylan, Joan Baez, thơ Prévert, Aragon, Eluard … Trịnh công Sơn đã gặp gỡ, trên dòng nhạc, dòng thơ, dòng tâm tư. Và dòng lịch sử, dân tộc và thế giới. Trong cao trào lớn của loài người, giữa lòng thế kỷ hai mươi : cao trào giải phóng dân tộc, chủng tộc và giai cấp. Đừng quên việc giải phóng phụ nữ : người phụ nữ Pháp đi phá ngục Bastille từ 1789, mãi đến 1944 mới có quyền đầu phiếu.

Người phụ nữ Việt Nam cũng vậy thôi : sau khi chờ chồng hoá đá, họ bước chân vào thế kỷ XX, thì ngồi đan áo. Từ Buồn Tàn Thu của Văn Cao, qua Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, thơ hiện đại của Ý Nhi, cho đến năm 2000, trong ca khúc Đêm Xanh của Bảo Chấn, cô ấy vẫn ngồi đan áo, trong khi dọc hè phố, áo pull bán rẻ mạt.

Đan áo là hình ảnh ẩn nhẫn, thụ động mà người đàn ông đòi hỏi. Đan áo cho ai đó, hay để tưởng nhớ, chờ đợi ai đó. Ca khúc Trịnh Công Sơn, rất nhiều phụ nữ, nhưng không thấy họ đan áo. Mà chỉ … ngồi chơi, khi nghiêng vai, khi nghiêng đầu, khi nghiêng sầu. Ngồi chơi chán rồi thì Đứng lên gọi mưa vào Hạ. Nếu khóc, cũng chỉ khóc cho những Chiều mưa đỉnh cao …. Mai kia, có ra đi, thì cũng là Như những dòng sông nhỏ.

Thiếu nữ mùa thu – Trịnh Cung, Paris 1994 *

Người đàn bà trong Trịnh Công Sơn đẹp dung dị và tự do bình thường. Tự do với cuộc đời, với tình yêu, thậm chí với tình dục. Nhạc Trịnh Công Sơn không nói đến tình dục, vì nói đến … làm gì ?

Người phụ nữ nghe và hát nhạc Trịnh Công Sơn thoải mái, vì chỉ hát, hay nghe, mà không phải làm gì cả, không phải Hái Mơ, Lái Đò, bán Hàng Cà Phê, Hàng Nước, không phải thay quần áo làm cô Sơn Nữ, cô Láng Giềng hay mua lấy số phận Người Yêu của Lính. Và nhất là không phải … đi lấy chồng : hạnh phúc không thấy đâu mà chỉ nghe oán trách dài dài suốt nửa thế kỷ : Em đi trên xác pháo, anh đi trong nước mắt… Em ơi tình duyên lỡ làng rồi, còn chi nữa mà chờ … Và, ở một chân trời khác, họ cũng không phải ba đảm đang, ba sẵn sàng, làm Người Mẹ Cầm Súng, xung phong đi gỡ mìn ở Ngã Ba Đồng Lộc …

Sau 1975, khi “Em ở Nông trường, em ra Biên giới” thì người nghe có cảm giác cô Tấm đã trở thành cô Cám, và Trịnh Công Sơn sẽ gào gọi Bống hỡi Bống hời, cô Tấm thỉnh thoảng có tái hiện, nhưng cũng đã tân trang nhiều lắm.

Trong xã hội Việt Nam, cho đến hôm nay, chưa chắc gì người phụ nữ đã được giải phóng, và tôn trọng đúng mức. Trong ca khúc Trịnh Công Sơn, họ được giải phóng và tôn trọng. Tôn trọng người đàn bà, không phải là tán tỉnh, Trịnh Công Sơn, rất hồn nhiên đã hiểu ra và nói vào điều đó.

*

Nhạc phản chiến, đòi hỏi hoà bình của Trịnh Công Sơn thì nhiều người biết, sẽ có nhiều người viết về đề tài này. Mới đây, trong buổi tưởng niệm Trịnh Công Sơn, tại Californie, anh Đỗ Ngọc Yến có nói rõ và nói đúng, khác với Đỗ Ngọc Yến cách đây 40 năm và 20 năm.

Tôi không đủ thì giờ viết về đề tài này, nhưng sẽ đề cập đến ở một dịp khác, nay chỉ vội nói ngay mấy ý kiến chủ quan :

1.- Dù đánh giá ra sao đi nữa, nhạc Trịnh Công Sơn cũng là sản phẩm của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, trong cả hai mặt tích cực và tiêu cực của chế độ này.

Không có Miền Nam, cũng có thể có một Trịnh Công Sơn, nhưng là một Trịnh Công Sơn khác, đại khái như một Phạm Tuyên hay Phan Huỳnh Điểu.

2.- Chính quyền Cộng Sản, sau 1975, sau những thăm dò, đã lưu dung một phần trong nhạc phẩm Trịnh Công Sơn và đã khéo sử dụng Trịnh Công Sơn. Có thể nói sau 25 năm chiến thắng, thành công hiếm hoi, nếu không phải là duy nhất, của chính sách văn hoá của chính quyền cộng sản, là tiếp thu nhạc Trịnh Công Sơn, mà công đầu là Thành Uỷ Sài Gòn. Dùng chữ “chính sách“, là để nhìn toàn cảnh, chứ đối với một cá nhân, chắc chỉ có những quyết định cục bộ, nhất thời, bất thành văn. Dù sao, họ cũng chỉ kế thừa kinh nghiệm Liên Xô vào thời kỳ Tân Chính Sách Kinh Tế (NEP) những năm 1920, sau cuộc nội chiến, khi Lenine thu dung những nhà văn, nhà thơ “bạn đường” (Popoutchiki) như Alexis Tolstoi hay Zamiatine.

Trong chiến tranh chống Pháp, người Cộng Sản đã không thu phục được Phạm Duy. Sau 1954, họ không thu phục được Văn Cao. Nhưng sau 1975, họ thu hoạch được Trịnh Công Sơn, như vậy đã là thành công. Thành công về mặt hiện tượng, không phải về mặt bản chất. Về mặt bản chất, chuyên chính vô sản không bao giờ chấp nhận cái gì khác họ, không phải do họ tạo ra. Mặt khác, ca khúc Trịnh Công Sơn trước kia và bây giờ khôngcó “tiêu chuẩn” đáp lại quy luật của hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cố gắng đến đâu thì cây cam cũng không tạo được quả chanh. Trước kia “hai mươi năm nội chiến từng ngày” là sai đường lối, bây giờ hỏi “Em còn nhớ hay Em đã quên ” vẫn sai lập trường.

Chấp nhận – dù trong giới hạn – những dư vang của một chế độ chính trị mà mình cố công bôi xoá, chính quyền Sài Gòn, trong chừng mực nào đó, đã nhượng bộ quần chúng, đã gián tiếp thừa nhận mình thất bại, trong việc ngăn chặn nhạc vàng, và nhất là trong việc đào tạo một nền âm nhạc mới đáp ứng với quần chúng. Chính quyền Trung Ương Hà Nội “wait and see” để cho Sài Gòn “phát huy sáng kiến” ; nếu rách việc thì ra tay chận đứng một “quyết đinh địa phương”, nếu vô hại thì án binh bất động, và thêm được tiếng là cởi mở, hoà hợp.

Trịnh Cung vẽ Trịnh Công Sơn – 2001 *

3.- Về phía Trịnh Công Sơn, anh cũng khéo thoả hiệp với chính quyền mới. Việc anh ở lại Việt Nam sau 1975, hợp tác với các hội văn nghệ Huế, rồi Sài Gòn là hợp lý, sau khi đã sáng tác Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm… Đó là sự chọn lựa tự do của anh. Cũng như Nguyễn Trãi xưa kia, cháu ngoại nhà Trần, mà không phò tá các phong trào kháng chiến Hậu Trần, lại đi hợp tác với đám nông dân Lam Sơn. Hay như Ngô Thời Nhậm, nhiều đời ăn lộc chúa Trịnh vua Lê, mà đã đi hợp tác với nhóm áo vải Tây Sơn. Từ đó người ta có thể thông cảm khi anh làm một số bài ca ngợi chế độ mới, không hay lắm và ít được hát, ít người biết : âu cũng là điều may mắn cho anh, vì anh đã có một số câu chữ không hay và không cần thiết.

Anh là người được hưởng nhiều bổng lộc của chính quyền, nhiều hơn những cán bộ đã vào sinh ra tử trong cả hai cuộc chiến tranh. Anh có thể hát Đời Cho Ta Thế. Thật ra, đời không cho ai cái gì mà chỉ đổi chác ; anh đã phải trả giá, có khi là giá rất đắt. Anh không trả thì nhiều người khác phải trả. Ý thức điều đó có lần anh viết : ” Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng. Nhưng đời đã tặng cho tôi món quà ấy thì tôi không thể không nhận. Và khi đã nhận rồi thì phải có trách nhiệm với mọi người “.

Nói thì ngon lành như thế. Thực tế không đơn giản : người ta cho anh bó hoa, chai rượu. Ai cho anh trách nhiệm ? Anh hát ” mỗi ngày tôi chọn một niềm vui “, khi bạn anh, Thái Bá Vân, phó viện trưởng Viện Mỹ Thuật Hà Nội than : “một năm không được một ngày vui“. Muốn mua vui, phải vào Sài Gòn … chơi với Sơn. Nhưng chẳng qua là niềm vui của phận “chim lồng cá chậu” ; Hiểu như thế, bạn bè không đòi hỏi gì nhiều ở một nghệ sĩ yếu đuối, sống chết giữa trùng vây như anh.

Người ta đánh giá một tác giả qua những tác phẩm anh ta đã thực hiện, chứ không qua những tác phẩm mà “lẽ ra” anh ta phải thực hiện. Nhân danh cái “lẽ ra” ấy, người làm văn học nghệ thuật đã là nạn nhân của bao nhiêu là oan khiên, oan khốc và oan khuất.

Không những vì chút tình riêng, nhưng còn vì tình đời, luật công bình, luật tương đối, luật chơi, chúng ta nên gạt sang một bên nhiều cái “lẽ ra” đối với Trịnh Công Sơn, mà chỉ xét những cái anh đã làm ra.

4.- Qua bốn mươi năm truân chuyên, Trịnh Công Sơn đã có những đóng góp lớn lao vào nền văn học nghệ thuật, vào đời sống xã hội, và lịch sử chính trị. Phần lớn sự nghiệp anh đã thành hình và thành công dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, mà mọi người đã biết. Bài này tạm thời chưa nói đến.

Ngoài quần chúng cũ, nghe nhạc Trịnh Công Sơn vì yêu thích hay để nhớ lại ngững âm hao xưa cũ, thì thính giả khác, giới thanh niên Việt Nam ngày nay, hay người miền Bắc trước 1975, đón nhận ra sao ?

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, ca khúc Trịnh Công Sơn mang lại chất Thơ cho đời sống. Nhìn qua một số đĩa hát CD, thu nhiều bài của nhiều soạn giả, thì cái tên chung thường mượn tiêu đề của Trịnh Công Sơn, như Lời Thiên Thu Gọi (Hồng Nhung), Xin Mặt Trời hãy ngủ yên (Mỹ Linh), những tiêu đề nhiều âm vang, nhiều thi vị. Những nhạc sĩ khác, Dương Thụ, Phú Quang, Trần Tiến, Bảo Chấn… đều tài cao, nhưng được đào tạo và trưởng thành trong một xã hội duy dụng và thực dụng, óc sáng tạo cao siêu của họ không đặt ra những câu hỏi vớ vẩn như là Sóng Về Đâu ? Vì thực tế : sóng thì … về đâu ? Trong một mẩu xã hội nào đó, đặt những câu hỏi như thế, là có cơ nguy bị nhốt vào nhà thương điên.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội rất nghiêm khắc, yêu chuộng văn vần, một loại văn xuôi diễn ca (prose versifiée), với điều kiện loại văn vần ấy không có chất Thơ. Thi phẩm của “công thần” Nguyễn Đình Thi còn bị gạt ra nói gì đến “hàng thần” Trịnh Công Sơn ? Nhưng ca khúc Trịnh Công Sơn đã lọt qua được các mắt lưới, vì đã cấp thời đáp lại được “lời gọi của khoảng trống” (l’appel du vide) và ca khúc là một thể loại nhẹ, phù phiếm (genre léger), chính quyền dung dưỡng vì có khả năng chận đứng bất cứ lúc nào – như đã làm với nhạc Văn Cao ngày xưa : thậm chí bài Quốc Ca còn bị hăm doạ thay đổi. Và đang làm với Phạm Duy ngày nay. Trong các CD thu tại Việt Nam hiện nay có ai thấy Giấc Mơ Hồi Hương, nhạc Vũ Thành ?

Chính quyền dung dưỡng ca khúc Trịnh Công Sơn không phải vì động cơ nghệ thuật, nhưng như một thế phẩm (ersatz), trong thời kỳ quá độ, như bác sĩ ban thuốc an thần cho bệnh nhân mất ngủ. Trong khi chờ đợi, thính giả hưởng lạc khoản, được ngày nào hay ngày ấy. Họ đang được nghe bài Sóng Về Đâu một trong ca khúc cuối đời Trịnh Công Sơn :

Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu
Sóng bạc đầu và núi chìm sâu
Ta về đâu đó
Về chốn nào mây phủ chiêm bao

Xã hội chủ nghĩa có thể tạo ra nhiều bài hát hay hơn. Nhưng tạo ra được cái gì na ná như thế thì vô phương. Thiên tài không phải là người không bắt chước ai, mà là người không để ai bắt chước được mình.

5.- Chứng từ cho giá trị một tác phẩm nghệ thuật, là khả năng kết hợp rộng rãi và lâu dài của nó. Nhạc Trịnh Công Sơn được hát rộng rãi ở Miền Nam trước 1975, chúng ta đã biết. Nhưng trước 1975, Miền Bắc đã nghe và đã thích nhạc này, như Văn Cao đã kể lại (7).

Nguyễn Duy kể thêm rằng ở dọc Trường Sơn, bộ đội miền Bắc cũng đã nghe :

Mặt trận Đường Chín-Nam Lào (1971)… trong căn hầm kèo bên dòng sông Sêbănghiêng … Nghe, nghe trộm – vâng, lúc đó gọi là nghe trộm – đài Sài Gòn, tình cờ ’gặp’ Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly… Diễm Xưa… Mưa vẫn mưa rơi … làm sao em biết bia đá không đau … Quỷ thật ! giai điệu ấy và lời ca ấy tự nhiên ’ghim’ lại trong tâm tưởng tôi ngay từ phút bất chợt ấy. Rồi Như Cánh Vạc Bay… Quái thật ! … Cảm nhận bất chợt, những bài hát rất mượt mà, đắm đuối ấy… ừ thì có buồn đấy, đau đấy, quặn thắt nữa đấy… nhưng còn là cái gì lành mạnh nảy nở trong đó. Hình như là cái Đẹp… Bảng lảng, lờ mờ, khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng là đẹp, đẹp làm sao… Và cũng hơi ma quái thế nào … ” (8)

Người ác ý có thể ngờ vực : Nguyễn Duy là nhà báo có quyền nghe đài, sau này là bạn rượu của Trịnh Công Sơn, nên thêm thắt. Thì đây, một chứng từ khác đến từ một anh bộ đội, không quen biết gì, không điếu đóm gì với Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn văn Thọ, hiện ở Berlin :

Năm 1972, khi ấy tôi là bộ đội trong rừng Trường Sơn. Thằng bạn tôi, sau chiến dịch Lam Sơn 719 vớ được cái đài Sony rất tốt.

Đêm Trường Sơn, chờ cho mọi người đi ngủ hết, chúng tôi lén mở đài BBC và cả đài Sài Gòn. Đấy là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng hát Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn.

Chúng tôi là lớp người lớn lên từ Miền Bắc, thường quen với những khúc thức hùng tráng. Trong tiếng chộn rộn rú rít của sóng vô tuyến, tôi vẫn thấy một giọng lạ của một thứ âm nhạc mới. Một thứ nhạc da diết, đầy lãng đãng từ ca từ, tới khúc thức. Một thứ nhạc xanh không giống bất cứ nhạc xanh nào mà tôi từng nghe, kể cả trong những đĩa hát quay tay cổ mở suốt ngày rên rỉ ở đầu chợ trời những ngày sau hoà bình.

Rất lạ, với tôi khi đó nhạc Trịnh Công Sơn như làn gió khởi từ xa xăm đâu đó, tách khỏi hận thù trận mạc, tha thiết một tình yêu đồng loại, giống nòi, yêu bè bạn, hoà bình, đạo lý. Nó lạ, vì lối ca từ phi tuyến tính, không giống cách viết truyền thống trên những ca khúc của Hà Nội khi đó

Quý hoá hơn nữa, anh Thọ đã ghi lại cảm giác khi tiến quân vào Sài Gòn, nghe nhạc Trịnh Công Sơn hát Nối Vòng Tay Lớn, buổi trưa ngày 30/4/1975, trên đài Sài Gòn :

Mặt đất bao la … anh em ta về … gặp nhau trong bão lớn quay cuồng trời rộng …

Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ. Lời ca không phải là tiếng bể máu như kết cục thường của chiến cuộc, lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học.

Chúng tôi tiến vào Sài Gòn…

Nối Vòng Tay Lớn

Chiến tranh nào bao giờ chẳng có mặt trái, nhưng tiếng hát kia, bản nhạc ấy, mở ra cho cả hai bên nghe như một liều thuốc vô hình đã làm chùng xuống một thời khắc thường dễ nổi cáu và nổi doá.

Đấy là kỷ niệm thứ hai của tôi về anh

Tiếng hát làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hằng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế không trọng đại hay sao ?

Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã bao nhiêu lần đóng vai trò đó ?

Sau này, Thọ sang sinh sống tại Đức, theo diện xuất khẩu lao động, vẫn nghe nhạc Trịnh Công Sơn :

Ngay cả sau này, đôi khi tự an ủi mình, nâng đỡ mình, tôi khe khẽ hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”… và nhiều bài ca khác trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tôi vẫn nhớ từng chi tiết và cám ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trưa phát thanh trên làn sóng Sài Gòn ngày đó ” (9)

Ở một chân trời khác, nhiều người oán trách Trịnh Công Sơn về việc lên đài hát Nối Vòng Tay Lớn, trưa ngày 30.4.1975. Thật ra, anh có hát hay không hát, thì chế độ Việt Nam Cộng Hoà cũng tan rã. Anh có hát, và có hợp tác với chính quyền mới, âu cũng là một cách cứu vãn vết tích văn hoá của nền Việt Nam Cộng Hoà đã đào tạo ra anh về mặt tài năng và sự nghiệp, thậm chí tạo ra cả một huyền thoại Trịnh Công Sơn.

Một lần nữa, ông Nguyễn Văn Trung, sau Ảo Ảnh Thanh Thúy nếu viết Trịnh Công Sơn Thực Chất và Huyền Thoại cũng sẽ nghĩ ra nhiều điều hay.

Nếu có ai đó nói rằng : Trịnh Công Sơn là một khổ nhục kế, để kéo dài hơi thở văn hoá của một chế độ chính trị đã bị bức tử, thì là lời đại ngôn, duy cảm, nghịch lý, vớ vẩn.

Vớ vẩn như một số lời ca trong tác phẩm Trịnh Công Sơn. Nhưng biết đâu chẳng là sự thực ? Sự thực trong bao nhiêu cái vớ vẩn, kể cả trong lịch sử.

Chế Lan Viên, năm 1984, đã viết : ” Văn hoá của thực dân mới là con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới. Quân sự, chính trị thực dân mới có chết, có băng hà thì nó cũng truyền ngôi cho văn hoá ” (10) . Và Chế Lan Viên không phải là người vớ vẩn, viết lách vớ vẩn.

*

Một cõi đi về – Bửu Chỉ 2000 *

Không xa đời và cũng không xa mộ người…

Trịnh Công Sơn đã xa đời lúc 12 giờ 45 tại Sài Gòn, ngày 01.4.2001.

Đám tang ngày 4 tháng tư, nghe nói lớn lắm, hàng trăm tràng hoa ngập con hẻm 47 Duy Tân. Hàng vạn người đưa tiễn, trong đó có thể có người đi tiễn một điều gì khác, một tâm tình hay u hoài nào đó của riêng mình, chẳng hạn.

André Malraux có nói đâu đây rằng ” trong Thiên Chúa Giáo, chỉ có những pho tượng là vô tội “. Trịnh Công Sơn đã sống non nửa sau cuộc đời, trong một chế độ chính trị mà các pho tượng cũng không phải là vô tội.

Những đoá hoa đặt trên mộ Toa, Sơn ơi, không phải là đoá hoa nào cũng vô tội.

Bây giờ moa mới khóc Toa đây. Tại nhà moa, ngồi ở chỗ Toa ưa ngồi vẽ, nhìn dòng sông nhỏ, mà Toa đã gọi là sông An Cựu.

Sơn ơi, đời này, và sang đời khác nữa, làm gì có đến hai dòng sông An Cựu ;

an cựu, Sơn ơi.

Đặng Tiến
Orléans, 14.04.2001

Thơ TCS làm tại nhà Đặng Tiến – 1989 *
Trịnh Cung vẽ Đặng Tiến – 2001 *

.

(*) : Tous droits réservés

.

(1) Trịnh Công Sơn, Nhạc và Đời, nxb Tổng Hợp Hậu Giang
(2) Đất Việt, Canada tháng 6, 1986
(Thật ra bài ướt Mi, làm năm 1958, nxb An Phú, in 1959)
(3) Văn Cao, Lời Bạt cho tập nhạc Trịnh Công Sơn Em Còn Nhớ hay Em đã Quên, nxb Trẻ, 1991, tr. 115
(4) Phạm Duy, Hồi Ký Thời Phân Chia Quốc Cộng, nxb Phạm Duy Cường, California, 1991, tr. 287
(5) Đất Việt, Canada tháng 6,1986
(6) Văn Cao, Lời Bạt cho tập nhạc Trịnh Công Sơn Em Còn Nhớ hay Em đã Quên, nxb Trẻ, 1991
(7) Văn Cao, Lời Bạt cho tập nhạc Trịnh Công Sơn Em Còn Nhớ hay Em đã Quên, nxb Trẻ, 1991.
(8) Nguyễn Duy, trong Tôi Thích Làm Vua, nxb Văn Nghệ, 1987
(9) Nguyễn văn Thọ, Nhớ Trịnh Công Sơn, Nước Đức, ngày 4.4.2001
(10) Chế Lan Viên, Văn hoá thực dân mới chết hay chưa chết, trong “Ngoại Vi Thơ”, tr. 121, nxb Thuận Hoá, Huế, 1987

Catégories
Prose

Chuyện Trâu năm SỬU

Đặng Tiến (BP60)

.

Trâu thiết thân với nông dân, thân thiết với nông thôn, là thành phần gia đình Việt Nam trong cuộc sống suốt mấy ngàn năm :
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Câu ca dao giản dị mà hàm súc, hiện thực và trữ tình. Câu trên là một tiểu đối toàn chỉnh : trên/dưới, cạn/sâu. Câu dưới dàn trải, bắt đầu tiểu đối : chồng/vợ, cấy/cày, sau cùng con trâu bước ra, chậm chạp, ung dung, trong một nhịp thơ khoan thai hơn : chất trữ tình ưu đãi con trâu vào cuối câu.

Đây không phải là bức ảnh toàn cảnh, công việc đồng áng không diễn ra một lần như thế, mà tuần tự : cày xong mới bừa, bừa xong mới cấy, theo tục ngữ : trâu ra, mạ vào. Nhưng là một bức họa tổng hợp công tác nông vụ, với kỹ thuật khác nhau : đồng sâu là đồng chiêm, đồng cạn là ruộng bậc thang :
Ruộng thấp tát một gầu giai
Ruộng cao thì phải đóng hai gầu sòng

Một số sách, kể cả sách giáo khoa, trích dẫn ngược, do không hiểu kỹ thuật canh nông : ruộng cao gồm nhiều bậc, phải đưa nước từ bậc thấp lên bậc trên, rồi tiếp tục như thế, bằng gàu sòng nặng, do một người lực lưỡng chuyển động. Gầu giai (giây) nhẹ hơn thường do hai phụ nữ vận chuyển, đưa nước từ hồ, ao lên ruộng thấp.

Vì thân thiết với đời sống hàng ngày, con trâu nhiều khi được liên hệ với người vợ :
Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn

Câu ca dao hóm hỉnh, âu yếm kín đáo. Khi đề cao, vẫn giọng dí dỏm mà thực tế :
Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà,
Cả ba việc ấy đều là hệ thay

Con trâu là đầu cơ nghiệp, của chồng công vợ. Trong một xã hội nông nghiệp ổn định, gia đình Việt nam ổn định, dù cho khi đói khi no, trong đó địa vị và tư cách người phụ nữ được tôn trọng. Hạnh phúc con người, trong nông thôn Việt Nam, diễn ra dưới đôi mắt con trâu :
Sớm mai cắp nón ra đồng,
Một đôi vợ chồng với một con trâu.

Người thân mật, đằm thắm với trâu :
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đâu trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ ngọn lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Trâu chia sẻ thân phận con người. Từ “ai” xem trâu như người, như bạn, như một “nhà nông”. Người có lúc đói, nhưng trâu ít khi phải đói. Gặp ngày cày bừa tận lực người phải cắt cỏ cho trâu, thậm chí cho trâu ăn thóc, hay… ăn cháo.
Pierre Gourou, nhà địa lý học chuyên về Đông nam Á, trong Đất và người tại Viễn Đông, 1940, có cho biết : nông dân Bắc Bộ có người chỉ tậu trâu trước mùa cày, rồi bán đi sau khi bừa xong, để khỏi nuôi tốn kém quanh năm (tr 54), có lẽ do đó mới có câu ca dao :
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để cho ta lại làm mùa tháng năm.

Đây cũng là cách phân chia lao động giữa nghề cày ruộng và nghề chăn trâu. Và giữa hai nghiệp vụ ấy nảy sinh nghề lái trâu. Từ “nói lái” thông dụng chỉ mật mã, tiếng lóng trong nghề buôn bán gia súc.
P. Gourou còn thống kê : con trâu làm việc 60 ngày (trang 53), người làm 180 ngày trung bình trong năm(trang 217) ; ông còn nhận xét, trên đồng quê có khi thấy người lao động, gồng gánh cật lực, trong khi dưới bóng tre trâu nằm … chơi (trang 53) !

Dưới gốc đa già, trong vũng bóng
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai
(Bàng Bá Lân, Tiếng sáo diều)

Cùng một hình ảnh, xưa kia, Nguyễn Khuyến( 1835- 1909) có câu thơ hay :
Trâu già gốc bụi phì hơi nắng
Nguyên tác chữ Hán, không hay bằng câu thơ dịch ra chữ nôm :
Ngọa thụ bì ngưu hư thử khí
(Đến chơi nhà Đặng Tự Ý)

Nói về thơ Hán Việt không thể không nhớ con trâu trong thơ Trần Nhân Tông (1285-1308). Ông vua thao lược, đạo hạnh này làm thơ thậm hay. Đàn trâu chỉ thoáng hiện trong bóng chiều đã để lại cho ngàn sau ấn tượng sâu đậm vì lời thật, cảnh thực.

Thiên Trường vãn vọng
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.

Ngô Tất Tố dịch :
Cảnh chiều Thiên Trường
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác, có dường không.
Theo hồi kèn mục, trâu về hết,
Cò bạch thi nhau liệng xuống đồng

ĐT dịch :
Thôn sau thôn trước mờ như khói
Có có không không, đạm sắc chiều
Trẻ giục trâu về còi thúc thúc,
Cò nghiêng trắng ruộng cánh xiêu xiêu.

Trâu đi học

Thơ xưa, kể cả thơ Trung Quốc, hay đến như vậy, hiện thực, đơn giản, trầm mặc mà linh động đến như vậy, không nhiều lắm đâu. Nhất là để gợi lên hình ảnh đàn trâu về chuồng, hòa nhập vào phong cảnh an tĩnh giữa trần gian, nơi cư trần lạc đạo.

Người xưa trọng vọng trâu ; theo truyền thuyết trâu đã giúp vua Vũ nhà Hạ trị thủy. Thời Chiến Quốc, Tử Đồi con vua Chu Trang Vương nuôi hàng trăm con trâu cho ăn gạo thóc, mặc gấm vóc, lại có kẻ hầu người hạ. Họ ca ngợi nghề chăn trâu của những Sào Phủ, Nịnh Thích. Nhưng con trâu vẫn không mấy khi lê nổi bàn chân lầm than từ bùn lầy lên đến trang giấy văn chương, dù có xuất hiện nhiều lần trong nghệ thuật tạo hình như tranh, tượng.

Ở Việt Nam vào thời bình minh của thơ Nôm, Nguyễn Trãi (1374-1442) sống nhiều nơi thôn ổ, tả nhiều cảnh nông tang, mà chỉ tả con trâu vẽ trong nghiên mực “Đầm chơi bể học đã nhiều xuân” nghĩa là con trâu vẫn… nằm chơi.

Một lần khác Nguyễn Trãi nói đến con nghé, nhân sử dụng một tục ngữ răn đời, sảy giàn tan nghé :
Chúa giàn nẻo khỏi tan con nghé
Hòn đất hầu làm mất cái chim

(Bài 23 trong Bảo kính cảnh giới)

Nghĩa là : con trâu đầu giàn (chuồng, ràn) phải giữa vị trí lãnh đạo, để con nghé đừng chạy lạc. Câu sau, ngụ ý không nên làm việc phù phiếm, dựa theo tục ngữ :
Đất bụt mà ném chim trời
Chim thì bay mất, đất rơi xuống chùa.

Vào thời Hồng Đức, thơ Lê Thánh Tông và nhóm Tao Đàn có nhiều bài tả người chăn trâu, nhưng không trực tiếp nói đến con trâu..

Đến Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), hiền triết, khi nhắc đến con trâu chỉ mượn tục ngữ để răn đời :
Người hàng thịt nguýt người hàng cá
Đứa bán bò gièm đứa bán trâu

(Bài 112,1983,1997)

Như vậy con trâu chưa phải là một mô hình tự lập trong câu thơ, mới làm cớ cho người ta nói chuyện khác.
Không hiểu vì lý do gì, về sau, người Việt Đàng Trong quan tâm đến trâu nhiều hơn. Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) đã an vị con trâu chính xác trong đời nông dân
Ấm lạnh trọn bề vài đám ruộng
Làm ăn giữ bổn mấy con trâu

Bài thơ cụ thể nhất về trâu có lẽ là của Học Lạc (Nguyễn văn Lạc, 1842-1915)

Con Trâu
Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
Gẫm lại mà coi thật lớn đầu.
Trong bụng lam nham ba lá sách,
Ngoài cằm lém đém một chòm râu.
Mắc mưu đốt đuốc tơi bời chạy,
Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu.
Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,
Năm dây đàn khảy biết nghe đâu.

(Đốt đuốc : sự tích Điền Đan nước Tề, sử dụng một ngàn con trâu buộc đuốc vào đuôi rồi đốt cho trâu xông trận phá hàng ngũ đối phương. Bôi chuông : ngày xưa, tại Trung quốc có lệ giết trâu để làm lễ bôi chuông. Có lần Tề Tuyên Vương thương hại, truyền lịnh tha mạng sống cho trâu.)

Cùng ở Nam Bộ, Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883) bài Trâu già, dùng chung một mạch điển cố :

Một nắm xuơng, một nắm da
Bao nhiêu cái ách cũng từng qua
Đuôi cùn biếng cột Điền Đan hỏa
Tai nặng buồn nghe Nịnh Tử ca
Sớm dạo vườn Nghiêu ăn hủng hỉnh
Tối về nội Võ thở hi ha
Ngày xưa mắc phải nơi đường bệ
Ơn có Tề Vương cứu lại tha.

(Nịnh Tử : sự tích Nịnh Thích thời Chiến quốc chăn trâu, gõ sừng ca hát than thân, được vua Tề Hoàn Công nửa đêm đốt đuốc phong chức đại phu. Nghiêu, Võ : hai ông vua đời thượng cổ ; theo truyền thuyết, trâu giúp các vua này cày ruộng và trị thủy).

Từ đấy trâu được trọng vọng : trên đồ đất nung từ thời Thượng Chu, hai ngàn năm trước Tây lịch đã có hoa văn hình trâu. Đời Tiền Hán – vài ba thế kỷ trước Tây lịch – đã có nhiều tượng trâu bằng đồng, nhất là vùng Vân Nam. Có lẽ tục giết trâu tế thần có từ thời thượng cổ, ngày nay vẫn còn ở một vài nơi, như miền Tây Nguyên Việt Nam, còn tục đâm trâu, giết trâu tế Dàng.

*

Trong văn học Đàng Trong, hình ảnh và thân phận con trâu, hiện thực và đầy đủ nhất nằm trong truyện Lục súc tranh công, dài 453 câu, viết theo cách nói lối trong tuồng cổ (hát bội), một lối văn thịnh hành thời Tự Đức ; có lẽ tác phẩm làm tại Huế, nửa sau thế kỷ XIX. Truyện kể lại cuộc tranh công tị việc giữa sáu gia súc : trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Phần quan trọng nhất dành cho trâu, non một trăm câu, cũng là phần hay nhất, là tiếng nói thống thiết của nông dân phản ánh số kiếp lầm than không lối thoát.

Trước cổ đã mang hai cái niệt
Sau đuôi thêm kéo một cái cày.
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây,
Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn,
Trâu mệt đã thở dài, thở vắn,
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi
(…)
Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no
Lại vườn đậu, vườn mè khiến chở :
Làm không kịp thở,
Ăn chẳng kịp nhai,
(…)
Lúa gặt cất lên đã có trâu xe,
Lúa chất trữ lại để dành trâu đạp.
(Niệt : giây buộc ách)

Sống cùng cực, chết còn chưa rảnh nợ đời : trâu lập tức bị phân thây xẻ thịt, tận dụng từ ngọn sừng đến móng giò, ninh nhừ làm nham làm thấu (hai món ăn) :
Người người đều bàn bạc với nhau :
Kẻ thì rằng tôi lãnh cái đầu,
Người thì nói phần tôi cái nọng.
Kẻ giành bong bóng ép gối mà kê,
Còn sừng đem về ép thoi, làm lược,
Kẻ thì chuốc hoa tai làm ngạt quạt,
Người lại tiện chén rượu, bầu liều,
Làm tù và mà thổi cũng kêu,
Tiện con cờ mà đánh cũng tốt.

(Ngạt : nan quạt. Bầu liều : bầu dùng để đo lường)
Tục ngữ có câu tỏ khí phách can trường, hay sự lỳ lợm, “trâu già không ngại dao phay”, có người gán cho chính khách Trần văn Hương, không rõ đúng không và vào thời điểm nào.

**

Văn chương có quy luật riêng, làm bằng khuôn sáo, thời thượng, về sau lại thêm “đường lối” không được như trâu quá sá, mạ quá thì. Vì vậy con trâu dù thân thiết và thiết thân với nông dân cũng không mấy khi xuất hiện trong văn thơ hiện đại.

Trong văn chương quốc ngữ, chủ yếu là phong trào Thơ Mới 1932-1945, trâu xuất hiện như hình tượng nghệ thuật độc lập, lần đầu tiên, có lẽ là trong thơ Đoàn văn Cừ (1913-2004), mà tầm quan trọng về văn học dường như chưa được khẳng định công bằng và chính xác :
Những buổi chiều trong khoảng nắng hồng pha
Trên giải lúa mênh mông màu cánh trả,
Đàn trâu xám họp nhau về tất cả
Như bức tranh thêu, mặt vóc lam hồng.

Bài Đàn trâu, 1943, trích từ tập Thôn ca, 1944 gồm 26 câu, chỉ tả trâu, không mượn trâu để nói chuyện khác. Như trong một họa phẩm, trâu hiện ra trong vẻ đẹp và phong cách của nó, đơn lẻ hay trong bầy đàn, trong phong cảnh, ánh sáng và chân trời của nó – thêm tiếng chuông chùa nâng chân bước :
Trong ánh sáng hoàng hôn màu úa đỏ
Đàn trâu về thủng thỉnh bước trên đê.
Những cập sừng cúi thấp nặng nề lê,
Những chân bước lừ đừ như quá mỏi,
Những chiếc đuôi hiền lành se sẽ đuổi
Những con ruổi mê ngủ bám bên hông.
Hình sao Hôm trắng toát hiện trên không,
Như giọt nước trong rơi trên luống cỏ.
Hơi suơng tím chân trời tha thướt phủ
Những hình đen lần lượt kéo vào thôn,
Tiếng chuông chùa gọi với ánh hoàng hôn,
Liềm trăng bạc đêm hè nâng lấp ló.

Thôn trang trong thơ Đoàn văn Cừ là một bức tranh lý tưởng và lãng mạn, cũng như ở những nhà thơ khác cùng thế hệ, mang hương đồng cỏ nội như Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Anh Thơ, Bàng bá Lân.

Nhưng không ở đâu con trâu được tô vẽ dưới nhiều nét đậm nhạt và thi vị như ở Đoàn văn Cừ trong Thôn Ca :

Con trâu đen chúi mũi đứng bên đồng
Cứ liếm mãi nắng vàng trên cỏ biếc.

(Nắng Xuân, 1942)

Màu sắc ở đây đã được chắt chiu chắt lọc. Đoàn văn Cừ sáng suốt và ngay thẳng thừa nhận điều này :
Cảnh dân dã quê mình như thế đó
Khi yêu rồi, đâu cũng đẹp như thơ.
(Lá thắm)
(dường như Picasso có nói đâu đó, đại khái : không có cảnh đẹp hay người đẹp, chỉ có con mắt nhìn ra cái đẹp. Cụ thể, muốn thấy vẻ đẹp của trâu, trên nền nông thôn, có thể tìm xem tranh sơn mài, hiện đại, khổ lớn của họa sĩ Thành Chương, Hà Nội, hoặc tranh sơn dầu hay màu nước của nữ họa sĩ Nguyễn Thanh Trí, California).

Nói đến con trâu, Đoàn văn Cừ không quên bác lái trâu, một hình ảnh quen thuộc của nông thôn :
Mình phủ hình trong chiếc áo vàng
Trán lồng trong một chiếc khăn ngang
Chân đi đôi dép, ô kèm nách
Tay dắt con trâu đứng cạnh đường.

Những lúc trâu vè khách đứng đông,
Bác vừa xoa nó khắp bên hông,
Vừa khoe nó vốn dòng trâu “loạn”,
Cày ải đi nhanh nhất cánh đồng.

(Vè : tiếng địa phương nghĩa là tụ họp, như chữ vầy trong sum vầy.
Trâu loạn : trâu mạnh, cày khỏe. Tục ngữ : cày trâu loạn, bán trâu đồ. Trâu đồ là trâu nuôi để ăn thịt.
Cày ải : cầy lật đất cho khô).

Sau 1945-1954, xã hội Việt Nam vẫn là nông nghiệp, nhưng hình ảnh con trâu không đậm nét trong thi ca. Muốn tìm thì cũng có thôi nhưng không lấy gì làm đặc sắc. Những nhà thơ nặng tình nghĩa với nông thôn, như Ngô văn Phú, cũng ít tả trâu. Huy Cận là ngoại lệ, tôi đã có bài riêng cho đề tài này. Phùng Cung (1928- 1997), trong những bài thơ cô đúc và phong cách riêng, có câu hay :
Cổng hè đổ vụn- nắng son
Con trâu gốc phượng
Nhai mòn gần xa.

Trưa Hè, trong Xem đêm, 1995

Cùng một đề tài, câu thơ đã xa thời Bàng Bá Lân lắm.
Con trâu của Phùng Cung còn xuất hiện trong toàn cảnh xã hội :
Chợt nghe động trống
Trâu bò nhớn nhác
Dùi quật liên hồi
Ê ẩm tấm da khô.

Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) cho rằng bài Ê ẩm này là “ kiệt tác, hay nhất trong tập Xem Đêm.
Con trâu chết đi, để lại nỗi oan khiên ẩn náu trong mặt trống. Đánh trống mà mặt trống thấy đau, tiếng trống vang lên, mang theo oán hờn, tác động đến những trâu bò chung quanh gây sợ hãi, kinh hoàng
”(25-10-1996). Lời bình có chính xác không, bài thơ có hay nhất không, thì ta không biết. Nhưng Nguyễn Hữu Đang là người có quyền, và thẩm quyền, viết một câu như thế.

Tố Hữu chuyên vẽ toàn cảnh xã hội, cố nhiên là phải nói đến trâu. Câu nổi tiếng trong Ta đi tới, 1954 :
Trâu ta ra bãi ra đồi
Đồng ta lại hát hơn mười năm xưa.

Hai năm sau, Trên Miền Bắc Mùa Xuân, thời cải cách ruộng đất, 1956 :

Những đàn trâu Việt Bắc béo tròn
Đủng đỉnh về xuôi quê hương mới lạ
(…)
Sướng vui thay miền Bắc của ta…

Con trâu cách mạng béo tròn, đủng đỉnh (trên áp phích) này có thực tế không ?
Dù rằng tại Miền Bắc, lúc ấy, 1956, vẫn có trâu, và người béo tròn, đủng đỉnh.
Trong khi lắm kẻ cảm thân phận làm trâu như Trần Huyền Trân thời “tiền cách mạng” :

Vai cầy chẳng kẻo làm trâu
Dong xe chẳng kẻo tóc râu làm bờm.
Nẻo về chật chội áo cơm
Dặm đi lại động từng cơn lá rừng.

Độc hành ca, 1940

Từng cơn lá rừng… nhắc đến đoạn đầu bài thơ Tôi đi trên những con đường rừng cũ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Rừng cũ đây là rừng Trường Sơn, khu Bốn, thời chiến tranh :
Ai hành quân qua đây ?
Trên lối trâu mòn kéo gỗ.
Ai nghỉ đêm nơi đây ?
Còn dấu tro tàn bếp lửa.
Đồng chí nào chia tay nơi đây ?
Ngã ba rừng hoang lá đầy.

Nhắc lại đoạn thơ vì câu : Lối trâu mòn kéo gỗ trên rừng núi Tây nguyên, trong bản văn được đài Hà Nội phát thanh năm 1971, đăng trên báo Văn Nghệ 1973, tôi ghi lại theo tạp chí Tác Phẩm Mới, tháng 8-1975. Nhưng nay, bên thềm năm Trâu Kỷ Sửu, tìm lại lối mòn kéo gỗ thì con trâu … biến mất. Đoạn thơ tân trang trở thành :

Ai hành quân qua đây ?
Đất vẫn in mòn lối cũ.
Ai dừng chân nơi đây ?
Đá vẫn nguyên hình bếp lửa.
Đồng chí nào chia tay nơi đây ?
Ngã ba rừng hoang lá đầy.
(Tuyển tập, tập 4, nxb Trẻ, 2002, tr.11)

Dở quá sức dở. Xét về mặt nào cũng dở. Càng thương bạn, càng thấy dở. Khổ quá : lối cũ không in mòn trên đất thì… in vào đâu ? Hình bếp lửa là hình gì ? Lời thơ ngớ ngẩn vì rập theo khuôn sáo. Câu thơ nguyên bản hay và truyền cảm nhờ gợi lên được những tàn phai với ít nhiều hoang dã, trong cuộc chiến trường kỳ gian khổ. Có thời người ta gọi là “lãng mạn cách mạng”, nghe cũng tàm tạm.
Lối trâu mòn kéo gỗCòn dấu tro tàn bếp lửa là hình ảnh tham dự vào cuộc sống tàn phai và hoang dã. Như hồn thu thảo, bóng tịch dương trong thơ xưa. Nay câu thơ được tân trang : đất vẫn… đá vẫn…. nghèo đi, đọc nghe vớ va vớ vẩn.
Vấn nạn là : một đoạn thơ hay, đã được phổ biến, thâm chí có giá trị lịch sử, bỗng tự mình leo thang xuống cấp, lý do : cái nước Việt Nam nó thế … !

* * *

Trong văn xuôi, ta có hai cuốn tiểu thuyết dưới nhan đề Con Trâu : cuốn trước của Trần Tiêu (1938), kể chuyện một nông dân Bắc Bộ nghèo khổ, điêu đứng, cả đời mơ ước tậu được một con trâu nái làm cơ nghiệp, và đến lúc chết vẫn còn mơ ước, lẩm bẩm hai tiếng “con trâu”. Cuốn sau, của Nguyễn văn Bổng (1952), kể chuyện thời kháng chiến chống Pháp khu V, vùng Nam-Ngãi, lính Pháp đàn áp dân chúng, bắn giết trâu, hầu làm trở ngại sản xuất ; quần chúng phải chiến đấu, để tự vệ vào bảo vệ trâu, đưa trâu vào rừng hay xuống hầm. Những đoạn tả việc trâu xe nước, trong lửa đạn là những trang hiện thực linh động.
Khoảng 1957, Sơn Nam có viết một truyện ngắn đặc sắc, Mùa len Trâu, kể lại việc nông dân di chuyển đàn trâu hằng mấy trăm con từ đồng bằng Hậu Giang ngập lụt lên vùng cao Ba Thê, Bảy Núi để dinh dưỡng ; gần đây, 2003, kết hợp với truyện Một cuộc biển dâu, Mùa len Trâu được Nguyễn Võ Nghiêm Minh dựng thành phim hay, gây ấn tượng mạnh, với đàn trâu vĩ đại băng mình qua cảnh trời nước mênh mông, tựa một ngọn gió đen, như trong thơ Thanh Thảo :

Đàn trâu ngọn gió đen ào qua trảng cỏ…
(Những người đi tới biển, 1976)

***

Bài viết, theo dự tính, chấm dứt ở đây, thì tôi nhận được tạp chí Thư Quán Bản Thảo, New Jersey, Hoa Kỳ, số Xuân Kỷ Sửu, tập 35, ghi tháng 2-2009 (www.thuanquan.com)có truyện ngắn về trâu thật hay. Tác giả Trầm Mặc Hoa Huyền, một cái tên lạ, ở Kansas City, viết về trâu vô cùng ưu ái. Một đoạn chọi trâu vì giành nhau đồng cỏ, hào hứng :

“Con Pháo và con Hổ chiến đấu tay đôi, còn những con theo yểm trợ thì mặt nghinh lên trời rống họng kêu nghé ngọ đi vòng quanh. Chúng cúi đầu mài sừng lia lịa nơi bờ ruộng hay các mô đất cao, hất bung đất cát văng lên tung tóe đầy trời. Từ hai thửa ruộng xa nhau, con Pháo và con Hổ dồn hết sức lực chạy băng về phía đối thủ. Bốn sừng đụng nhau cái “rốp” nghe đinh tai nhức óc, rồi gầm đầu xuống bốn chân lấy thế, dốc toàn lực đẩy đối phương. Sau đó lại dang ra, chạy một vòng như để lấy trớn rồi xáp vô đụng tiếp, gầm đầu đẩy, rồi ngẩn đầu lên dùng đôi sừng cong vút chém mạnh vào cổ vào đầu nhau. Bụi bay mù trời mịt đất”… “Chúng chém nhau gần ba bốn tiếng đồng hồ mà vẫn bất phân thắng bại. Sau đó, con Pháo dường như đoán biết đối thủ tuy đã đuối sức nhưng vẫn còn hung hăng lắm nên nó giả đò thua chạy lùi lại. Thắng thế, con Hổ lấy hết sức nhảy qua mương, quyết tâm diệt địch. Không ngờ, con Pháo thừa cơ đối thủ vừa nhảy qua mương chân chưa kip chấm đất, nó quay đầu lại, dùng hết mười phần công lực húc một phát mạnh như vũ bão, khiến cho con Hổ rớt xuống mương, thân hình co quắp nửa trên bờ nửa dưới nước.”

Một đoạn khác, tả việc len trâu vào những ngày Tết “lùa trâu vào thả hoang trong rừng”. (Từ “len” Sơn Nam giải thích là thả hoang) :

Cứ lệ cuối năm (…) Trâu thả hoang đều tháo gỡ tất cả dây cột dàm, mũi ra để chúng được tự do đi lại và bảo vệ cho nhau khi bị bắt trộm hoặc thú dữ tấn công. Trâu bò là loài động vật khôn ngoan. Ban đêm chúng xếp thành đội hình để bảo đảm an toàn cho nhau trong lúc ngủ. Tất cả trâu nghé, trâu con đều dồn vào chính giữa như cái rốn, kế đến là trâu mẹ nằm bao xung quanh bảo vệ đàn con, rồi đến số trâu già, sau cùng là những con trâu đực tơ, khỏe mạnh kết thành một vòng đai lớn vừa canh chừng vừa chiến đấu với kẻ thù.
(Truyện Con Trâu Pháo, tr. 99 và 101). ***

Người chân quê khề khà nói chuyện trâu không bao giờ đủ, không bao giờ hả. Cũng dựa vào cơ hội năm Kỷ Sửu mới nói được chuyện trâu bò thô lậu. Cuối cùng còn mượn dịp báo Tết, để chúc bạn đọc năm châu bốn biển một niên sức khỏe, an vui và tài lộc dồi dào :

Được tiền thì mua rượu
Rượu say rồi cưỡi trâu
Cưỡi trâu thế mà vững
Có ngã cũng không đau.

Lời hưng phấn này – mừng vui ngày Tết – là thơ Trần Tế Xương.

Đặng Tiến
Orléans, Tết Kỷ Sửu, 01-01-2009

Ghi chú ngoài lề :
1) Trâu quá sá, mạ quá thì : thành ngữ không thấy có trong các từ điển chuyên môn. Đại từ điển tiếng Việt 1999 của Nguyễn Như Ý giảng không rõ. Sá là đường mòn ven núi, về sau có nghĩa là con đường nhỏ. Trâu quá sá là vượt quá đường cày, dẫm sang ruộng người khác. Từ đó, có trạng từ “quá xá”, Rồi “quá xá quà xa”.

2) Gàu sòng : Pierre Gourou, trong Đất và Người tại Viễn Đông (L’Homme et la Terre en Extrême Orient, nxb Armand Colin, 1940) cho biết : Một người dùng gàu sòng trong 7 tiếng có thể đưa một trăm thước khối nước lên 40 phân, với nhịp 22 gàu/phút. Muốn đưa một lớp nước 10 phân lên một mẫu, phải tát mười hai ngày (tr.64).

Catégories
Prose

Mai vàng mấy độ…

Áo Vàng (BP70)

.

Buổi sáng trời Montréal còn mù sương, ông Tư đã nhanh nhẹn ra khỏi giường. Có muốn nằm ráng thêm vài mươi phút, cho sướng cái thân già như ông thường làm mỗi ngày, hôm nay ông cũng không cho phép mình trễ nãi.

Sáng nay ông sẽ ra phi trường đón vợ về. Bà Tư xuống Boston nuôi thằng Út mấy tháng qua. Cuối tuần rồi, bà điện thoại về, nhắc ông dọn dẹp nhà cửa, bà sẽ về để kịp đưa ông Táo và ở lại ăn Tết cùng ông…Nghe mà vui sao đâu…

Ông đang phân vân không biết nên ghé phố mua cho vợ một cành mai trước khi ra sân bay hay chờ bà Tư về rồi cùng nhau đi chọn. Mua sớm quá, sợ hoa nở bét trước mùng một sẽ phí đi. Hơn nữa trời lạnh lắm, không chừng hoa sẽ héo nếu mang theo ngoài đường cả tiếng đồng hồ…. Vừa thu xếp sách báo còn bừa bãi trên bàn, ông vừa suy tính, chốc nữa ghé qua tiệm hoa Bạch Liên, lựa trước một cành rồi nhờ bà chủ gói sẳn. Ông đón bà về, sẽ trở lại lấy hoa. Ôi, sao tình tứ quá…

Thật ra ông đang mơ màng đó thôi, Ừ, ông hy vọng vậy mà…

Mấy năm về trước, hãng cho ông nghỉ hưu sớm. Bà Tư còn đi làm. Suốt ngày rảnh rỗi, ông sung sướng tham gia vào những sinh hoạt mà từ lâu, vì bận sanh nhai, ông không có thì giờ thực hiện… Tiền bạc thoải mái, nào đánh golf, nào vũ cầu, rồi gặp gỡ nhiều bạn mới… Ông như cảm thấy mình trẻ lại… Con tim vì thế cũng hồi xuân. Và rồi, ông quen được một cô trẻ hơn ông cả chục tuổi. Sau đó, việc phải đến… đã xảy đến… Ông ngụp lặn, ngây ngất trong hạnh phúc mới, bất kể vợ con… Nhiều lúc ông còn không ngủ nhà những ngày cuối tuần… Khi con cái cần đến ông thì ông luôn viện lý do để lẩn tránh… Người vợ đảm đang vẫn lặng lẽ chu toàn việc gia đình. Con gái giận ông, không thèm nói chuyện. Nó đã dọn ra ở riêng, chỉ về thăm mẹ lúc ông không có nhà. Con trai út vùi đầu vào sách vở, ở lại trường từ sáng đến chiều. Nó không muốn bị nhiễm cái buồn ủ rũ của mẹ…

Một hôm, sau khi ông từ giã người tình, trên đường về, chợt nhớ bỏ quên điện thoại cầm tay. Ông quày xe trở lại, bắt gặp người yêu trên giường với một chàng trai, trẻ hơn ông. Thất vọng ! Bực tức… Cô nàng còn lên giọng dạy đời ông… “Anh dễ thương, anh hào phóng… nhưng thử hỏi anh có đủ sức khỏe để đáp ứng nhu cầu của tôi không ?”

Ông loạng choạng bước ra khỏi cửa và thề không bao giờ trở lại…

Lái xe về trên con đường xa thăm thẳm, ông để mặc dòng lệ lăn dài trên má… Ông lan man hồi tưởng những ngày vui xưa… với vợ, người đã cùng ông chia xẻ bao ngọt bùi… gian nan, những ngày tị nạn, lúc sanh con đầu lòng… Hai đứa bây giờ đủ lớn để tự lo cho tương lai… Ngậm ngùi nghĩ đến bà Tư…

Từ đấy, ông không đàn đúm với bạn bè nữa. Ông quanh quẩn ở nhà, phụ vợ dọn dẹp trong ngoài… Bà Tư vẫn đi làm ngày hai buổi… Ông cảm thấy áy náy vì những năm qua, ông không làm tròn bổn phận người chủ gia đình. Trong khi đó vợ ông đã cố gắng vun xới cuộc sống vuôn tròn, dạy dỗ con cái nên người và chống đỡ mái gia đình qua cơn bảo tố.

Ông Tư thành tâm chuộc lỗi bằng những săn sóc nhỏ nhặt cho vợ. Bà Tư không biểu lộ cảm xúc. Bà sống như một bóng mờ, ngày ngày vẫn làm bổn phận của người mẹ và vợ… Đôi khi ông có cảm tưởng Bà xem ông như một vật vô tri trong nhà, giữa những bàn ghế, tủ kệ…

Ông hy vọng với sự kiên nhẫn của ông, bà sẽ rộng lượng tha thứ và chấp nhận ông như thuở ban đầu của cuộc sống lứa đôi…

Xuân Mai là tên thời con gái của bà, một cái tên đẹp. Cứ mỗi độ Xuân về, ông đều mua cho bà một cành Mai. Nơi ông bà định cư, không có loại mai như ở quê nhà , nhưng cũng mang thêm hương vị đậm đà cho ngày Tết. Thế mà mấy năm qua, ông đã bỏ quên thói quen đó … Hôm nay, nhất định lúc trao hoa cho bà, ông phải gọi bà một tiếng Xuân Mai, tuy nghe rất cải lương nhưng có sao đâu… nhiều khi cũng cần khơi ấm ngọn lửa tâm tình …

Thằng Út tốt nghiệp Cử nhân xong thì được học bổng sang Mỹ làm tiếp chương trình Cao học. Bà Tư lấy cớ không đành bỏ cậu con cưng một mình bơ vơ xứ lạ, Bà đi theo nó để lo cơm nước… Ông không đồng ý, nhưng cũng chẳng cản bà được. Ông trở lại cuộc sống độc thân… Dạo này ông thường hay hẹn mấy người bạn già đi đánh cờ tướng….

Tay cầm xâu chìa khóa xe, ông Tư nhìn quanh phòng khách một vòng và thở ra khoan khoái… Thế là xong xuôi. Nhà cửa dọn dẹp đâu vào đấy rồi… Ông tự khen… À, còn nữa, mình phải nhớ lấy theo đôi găng tay cho Xuân Mai. Lúc đi Mỹ, còn trong mùa hè nên bà không đem theo….

Trời đang se lạnh…

Áo Vàng

Đầu đông 2008

Catégories
Prose

L’Impératrice Nam Phuong (1914 – 1934 – 1963)

Georges Nguyễn Cao Đức (JJR65)

Le présent texte est dédié à la mémoire de Mme S.L.T.T. et à celle du papa de Nguyen Khac Trung (JJR64)

.

Une bourgade du sud-ouest français, Chabrignac, en Corrèze, abrite une sépulture sur laquelle on lit les inscriptions « ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ » (sépulture de l’impératrice d’Annam Nam Phương) et « ICI REPOSE L’IMPÉRATRICE D’ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN ». C’est la tombe de Nam Phương, seule impératrice ayant reçu ce titre de son vivant dans l’histoire du Viet Nam contemporain. Dans l’empire d’Annam, la coutume n’était pas de couronner l’épouse du souverain, qui était seulement Nhứt Giai Phi (compagne de 1er rang) ou Nhị Giai Phi (2è rang), sans parler des autres concubines, et recevait le titre de Reine-Mère à la mort du souverain si son fils montait sur le trône.

La plaque tombale à Chabrignac est endommagée sur le côté, la sépulture ayant été profanée 3 fois, la dernière lors d’un anniversaire de la bataille de Điện Biên Phủ, pour des raisons probablement politiques. Elle fut une grande dame ayant rempli parfaitement son rôle sur le trône, d’une dignité totale à la chute de la monarchie, et après. Nam Phương a gardé la sympathie des Vietnamiens malgré le temps, par sa conduite personnelle.

La jeunesse de l’impératrice prénommée en ce temps Marie- Thérèse Lan, et ses années de règne, sont connus. La période 1945-48 et le reste sa vie le sont moins. Restons peu sur cette jeunesse de Mariette – ses familiers l’appelaient ainsi-, dont le père, Pierre Nguyễn Hữu Hào (sa femme était née Lê Thi Binh), était devenu gendre et régisseur des biens du grand-père M. Lê Phat Dat, le plus grand propriétaire terrien de Cochinchine. Ces terres avaient été données à M. Dat, Duc de Long My² (Long My² Quân Công), par la Cour d’Annam, en échange de la commanderie de Hoa Lư (a). La famille était catholique de la foi la plus solide. Le don par Đạt de plusieurs églises dont celle bien connue de Saigon (Nhà Thờ Huyện Sỹ), sise rue Tôn Thất Tùng actuelle, outre celles de Chợ Quán, Gò Vắp, Thủ Đức, l’atteste.

La jeune Lan née en 1914 à Gò Công (delta du Mékong) avait 12 ans lorsque sa famille – très moderniste – l’envoie en France au Couvent des Oiseaux, à Neuilly, où elle termine ses études secondaires, en 1932. On ne semble pas avoir de détails sur un séjour en France de sa soeur aînée Agnès, future baronne Didelot. Il lui faut alors rentrer au pays natal, l’époque n’impliquant pas que les jeunes filles fassent nécessairement des études supérieures, même si à la même date la princesse Như Mai, fille de l’empereur Hàm Nghi exilé, poursuit ses études d’ingénieur agronome. La coïncidence du retour sur le même bateau que Bảo Đại, lui-même retournant définitivement au pays, et sans que les 2 jeunes gens se rencontrent, figure dans tous les textes.

La rencontre se fit un an après, en 1933, organisée par le gouvernement général de l’Indochine avec l’aide de Mr Charles, ancien Résident Supérieur en Annam et chez qui Bảo Đại avait longuement habité à Paris, appelant Mme Charles « maman ». La jeune Marie-Thérèse Lan l’a elle-même relaté : en vacances à Ðà Lạt, elle fut entraînée contre son gré par son oncle Lê Phát An à une réception au Langbian Palace (l’actuel hôtel Sofitel de Dalat). Là, le maire de Ðà Lạt et Mr Charles, qui connaissaient l’oncle, lui dirent « Venez, il faut absolument que vous soyez présentée à l’Empereur, il est présent ». Elle fit une révérence profonde, à l’occidentale, devant le jeune monarque : l’éducation aux Oiseaux avait été excellente. L’empereur, touché par le geste, l’entraîna sur la piste de danse pour un tango. Intérêt sentimental éveillé, et, peu de temps après, décision de Bảo Đại de l’épouser. Ce dernier l’a raconté en 1980 : il y avait lors de la rencontre la présence de Pierre Pasquier, gouverneur général de l’Indochine, et il ne déplaisait pas à l’empereur d’avoir une sudiste pour femme, comme ses ancêtres Thiệu Trị et Minh Mạng, et il lui était primordial que son épouse fût éduquée de manière moderne comme lui. En somme, la politique s’accordait avec le sentiment.

Oui, mais comment épouser une catholique quand on est souverain pontife, Fils du Ciel ? La Cour lança ouvertement une cabale, les grands mandarins offusqués menacèrent de démissionner, et surtout Từ Cung, la mère de Bảo Đại (photo en bas de la page), s’y opposa. On arriva au point que l’ambassadeur de France au Vatican, Charles Roux, dut faire une démarche auprès du Pape pour une dispense. Peine perdue.

Nam Phương avant son mariage 
Lors de son avènement en 1934
Vers 1935 

Un arrangement fut pris : officiellement, l’héritier sera élevé dans la religion bouddhiste. Le mariage put alors se faire le 24 Mars 1934 (certaines sources mentionnent le 20 mars). Cette affaire qui agaça la Cour et le gouvernement général de l’Indochine pendant des mois et sur laquelle le gouvernement français fit le blackout eut deux suites opposées bien plus tard, relevées par Daniel Grandclément : avec sa double éducation bouddhiste (le jour) et chrétienne (le soir), le prince héritier Bảo Long devint plus tard non-croyant, tandis qu’au soir de sa vie, Bảo Đại s’est converti au catholicisme, en 1988, neuf ans avant sa mort.

Le mariage fit sensation : le couple impérial était jeune, beau, d’éducation moderne, multilingue. L’empereur avait 22 ans, la nouvelle impératrice en avait 20. Ils s’aimaient réellement ; Bảo Đại ne commença à tromper sa femme que des années après. C’était oublier le caractère de Lan maintenant sur le trône, pour qui le devoir était une deuxième nature.
Elle avait exigé et obtenu le titre d’Impératrice (Hoàng Hậu) avec son nom de règne de Nam Phương (Cieux du Sud), puis le prédicat de Majesté Impériale le 18 juin 1945 ; elle avait exigé et obtenu une double éducation religieuse pour ses enfants, elle avait obtenu la fidélité de son mari au début, mais elle voulait également qu’il fût irréprochable dans son travail. Echec ultérieur.

Elle-même s’attela immédiatement à ses obligations : hôpitaux, crèches, établissements scolaires, présidence de manifestations, visites aux pauvres, oeuvres sociales innombrables, apparitions inattendues. Connaissant les charges d’une femme vietnamienne au foyer, elle demanda à ce que des cours d’arts ménagers fussent intégrés à l’enseignement secondaire des jeunes filles, car elle même savait bien cuisiner. D’où une popularité extrême et la sympathie instinctive de la population, qui savait que les dons et secours financiers innombrables qu’elle faisait et offrait sortaient de sa cassette personnelle : la liste civile n’y aurait sûrement pas suffi. Elle ne coûta rien au budget de la Cour, se faisant un point d’honneur de n’utiliser que son argent personnel. De là le respect que ses adversaires lui montrèrent, pendant et après le règne : la corruption, hier comme de nos jours, est une plaie endémique du Viêt Nam. Les seules dépenses lourdes initiales pour les nouveaux mariés le furent sur le budget fédéral indochinois : la décoration par la maison Leleu de Paris et une mise aux normes (dont une salle de bains, inexistante…) de leur appartement privé au sein du Palais Kiến Trung, détruit plus tard durant les combats de 1946.

Nam Phương utilisait d’autant plus son argent personnel qu’elle découvrit vite la situation de son mari : il n’avait aucun argent privé, et toutes ses dépenses personnelles recevaient 3 approbations tamponnées par d’obscurs fonctionnaires français. Daniel Grandclément a largement rappelé les tracas administratifs pour l’achat personnel par le souverain d’un simple album de photos relié en cuir. La liste civile était ridicule, et l’empereur était toujours à court d’argent personnel. Lors de l’exil de Duy Tân à La Réunion en 1916, le budget de la Cour était d’ailleurs tellement étriqué que l’empereur déchu s’était vu octroyer comme pension l’équivalent du salaire d’un ouvrier, et a du gagner tout simplement sa vie, contrairement à Hàm Nghi, le premier monarque exilé par la France, qui avait reçu une pension annuelle de 25 000 francs/or.

Néanmoins, la vie continuait ; les souverains des autres pays étaient accueillis en visite officielle par le couple ensemble (innovation en Annam), et Sihanouk du Cambodge, Sisavang Vong du royaume de Luang Prabang (le Laos ne sera unifié qu’en 1945, avec l’incorporation de la principauté de Champassak) seront conquis par la grâce et la manière par lesquelles l’impératrice s’acquittait de son travail. Le couple vivait le soir à l’européenne dans leur intimité, et Nam Phương ne connut que peu le repas traditionnel de l’empereur en 35 ou 50 plats (le chiffre varie selon les sources) servis dans des récipients fermés. Un gramophone tournait parfois, rappelant en musique aux 2 époux leur adolescence à l’étranger, encore proche. Le couple aimait danser, aussi les vit-on parfois tournoyant en musique sur les terrasses du palais An Định construit par Đồng Khánh (grand père de Bảo Đại) en 1886, lors de réunions privées ou officielles. Palais qui devait abriter la rétention de l’impératrice quelques années plus tard.

Un malheur cependant : dès la naissance du premier enfant le 4 janvier 1936, le prince héritier (Đông Cung Thái Tử) Bảo Long, Nam Phương fut atteinte de surdité progressive, qui s’aggrava à chaque naissance supplémentaire. Dès la fin des années 1930, il fallait lui parler à très haute voix, et presque crier devant elle 20 ans plus tard. Deuxième souci : la lutte permanente contre Từ Cung, car tout chez la bru hérissait la belle-mère. Cette dernière n’était en effet qu’une simple personne de service à la Cour quand elle partagea brièvement la couche de Khải Định, donnant le jour à Bảo Đại. La patricienne cochinchinoise surclassait la reine douairière. De son côté, Bảo Đại ayant une sainte peur de sa mère encore jeune ne fit pas écran entre elle et sa femme. Une scène du feuilleton télévisé « Ngọn nến hoàng cung » réalisé en 2004 et diffusé en août 2006 par satellite sur la chaîne vietnamienne VTV4 a illustré cette joute.

En 1939, le couple avait déjà 3 enfants : Bảo Long, les princesses Phương Mai (1er août 1937) et Phương Liên (3 novembre 1938), ces dernières étant nées non au Palais mais à Ðà Lạt. Bảo Long a été officiellement investi du titre d’Héritier de la Couronne le 7 mars 1939 (cf photo à gauche). Mais l’empereur avait d’ores et déjà entamé sa chute morale : toutes ses velléités de modernisation en 1932 rejetées au bout de 6 mois par l’autorité coloniale et par le corps mandarinal, il commençait à se désintéresser de ses devoirs. De plus, la rigueur morale de Nam Phương commençait à le lasser, après les premières années : elle était trop « bien ». Il la trompa. Les Vietnamiennes n’avaient pas abandonné l’espoir que la polygamie impériale fût rétablie et se pressaient autour du monarque. Une dispute s’ensuivit à Ðà Lạt obligeant la femme du Gouverneur Général de ce moment à prendre la route pour aller réconcilier le couple. Elle s’y tua durant le trajet, et le couple impérial se ressouda devant la dépouille de la malheureuse femme : la princesse Phương Dung vit le jour au palais d’An Định de Huê le 5 février 1942, suivi du prince Bảo Thắng le 30 septembre 1943 à Ðà Lạt. Cette réconciliation arrivait à point : par obligation, l’amiral vychiste Decoux avait quelque peu modernisé à partir de 1941 l’Indochine isolée durant la guerre, et par politique mettait sur le devant de la scène les 3 souverains de l’Indochine. Nam Phương se relança avec encore plus d’ardeur dans ses tâches.

En 1945, Roosevelt avait déjà décidé que l’Indochine serait soustraite aux Français après la défaite inéluctable des Japonais. L’empereur et sa femme, le sachant, décidèrent de jouer la carte japonaise – sans illusions mais c’était « jouable » de lancer le fait accompli de l’indépendance même accordée par le Japon – quand les troupes nippones déclenchèrent le coup de force anti-français au soir du 9 Mars 1945, abolissant le protectorat. La défaite des Japonais 5 mois plus tard amena néanmoins Bảo Đại à l’abdication en des termes très dignes le 25 août (peut-être un trop vite, même aux yeux de Hô Chi Minh, selon certaines sources), après un appel pathétique et sans succès aux Alliés, demandant la reconnaissance de l’indépendance du Viet Nam. Pour ces derniers, l’empire du Viêt Nam indépendant n’était qu’une création nippone. L’impératrice devint donc une simple citoyenne, femme du Conseiller Suprême Vĩnh Thụỵ du nouveau pouvoir, et qui alla à Hà Nôi, laissant sa femme à Huê, et passant en Chine pour y reprendre sa liberté dès que l’occasion survint, en 1946.

La famille impériale, forcée de quitter la Cité Interdite de Huê devenue symbole d’un pouvoir perdu, alla vivre au palais An Định (restauré récemment par l’UNESCO et l’Allemagne, photo récente en bas). L’ex-impératrice, parfaite dans l’épreuve et suivie d’une seule servante extrêmement fidèle, prit soin de n’emporter que ce qui lui appartenait en propre, réparti en 40 caisses. Désormais elle et ses enfants vont vivre sous le contrôle d’un commissaire politique communiste.

Nam Phương, au sommet de sa beauté (elle a 31 ans, et pratique une gymnastique quotidienne à An Định au vu et au su de tous), vit désormais dans l’angoisse – tous les francophiles et certains Français sont tués à Huê – et sans un sou : son argent personnel est à la Banque d’Indochine et en France. Sans parler de la coexistence avec la reine-mère. Libres néanmoins de leurs mouvements au sein d’An Định, elle et les siens vont être renseignés sur les évènements du monde extérieur par un réseau catholique. Elle envoie à la demande du Viêt Minh un message au monde et à Truman demandant de respecter l’indépendance vietnamienne, car elle y trouve son compte personnel : elle est vraiment pour l’indépendance, même si le nouveau gouvernement ne lui dit d’ores et déjà rien qui vaille. Ses enfants vont à l’école commune, où ils apprennent à oublier le français.

L’ex-impératrice vivant dans la peur, avec les manifestations incessantes contre le quartier européen proche, a une consolation : avec l’accord du commissaire politique assez accommodant car impressionné par sa majesté naturelle, elle va prier chaque matin à la chapelle des Rédemptoristes canadiens (donc neutres), à deux cent mètres. C’est là en réalité qu’elle se renseigne, découvrant l’actualité réelle, les tueries perpétrées par le Viêt-Minh, le jeu politique des uns et des autres. Elle est désormais au courant des infidélités de Bảo Đại à Hà Nôi, les femmes étant « poussées » dans ses bras par le nouveau gouvernement pour le « tenir ». Et ceci, sur un fond surréaliste : Huê est encore patrouillée par les troupes japonaises ayant capitulé mais non encore désarmées ; le viêt minh le tolère, y trouvant son intérêt car il manque encore d’effectifs. Nam Phương verse des larmes en recevant un jour un message de son mari finalement passé en Chine en 1946. Femme toujours vertueuse.

Le 29 mars 1946, les troupes françaises du colonel De Crèvecoeur arrivent à Huê (photo ci-dessus : Français débarquant à Saigon fin 1945), mais Nam Phương, restant sur sa position indépendantiste, refuse d’être protégée par elles et reste au palais An Định (photo récente du palais ci-dessus). Pendant ce temps, les accords Sainteny-Leclerc-Hô Chi Minh ont été signés à Hà Nôi. C’est alors qu’on voit à Huê manifester des gens de la droite catholique demandant le retour au pouvoir de Bảo Đại avec réincorporation de la Cochinchine, estimant que Hô Chi Minh s’est fait berner par la France. En réalité, c’est Nam Phương qui a profité de la période septembre 1945 – mars 1946 pour catalyser ce mouvement lors de ses passages quotidiens chez les prêtres ; pas question de retour des Français, même si elle est au courant du jeu communiste au sein du Viêt-minh. La révolte anti-française et anti-viet minh à Huê va exploser en août – la sûreté française d’Annam en est au courant – lorsque tout retombe comme un soufflé. C’est que le décor politique devient flou : la Cochinchine déjà érigée en république séparatiste en Juin 1946, la venue de Hô Chi Minh à Paris va ne servir à rien, Bảo Đại est en Chine, et les Français se mettent à se tourner vers lui. La vie contraignante continue à An Định.

Le matin-même du jour (19 décembre1946) où elle apprend par les prêtres qu’à Hai² Phong éclate le fameux « incident » faisant 6000 morts, Nam Phương et ses enfants se réfugient chez les Rédemptoristes canadiens car elle a immédiatement tout compris : la guerre va reprendre. Pour des raisons politiques, il faut aller chez des neutres afin de ne pas embarrasser son mari en Chine, et pour préserver les droits de son fils. Chose étonnante, le commissaire politique la laisse faire, la reine-mère restant à An Dinh, elle. Il était temps : quelques heures plus tard, les combats à Huê reprennent. Jusqu’en Avril 1947, Nam Phương et les siens vont vivre dans des « cellules » normalement réservées aux religieux, au sous-sol, avec d’autres réfugiés, mais séparés d’eux. Sous les obus et les bombes. Tous les jours, rien que du riz, parfois agrémenté de rations militaires, quand les troupes françaises en donnent, et moins d’un demi-litre d’eau pour se laver.
Pendant ce temps, Huê est assiégée par les troupes viêt-minh maintenant nombreuses.

Et en cette année 1947, le paysage bascule : les vietnamiens non-communistes et les Français envisagent ouvertement le retour de Bảo Đại au pouvoir. Le gouvernement français veut faire évacuer l’ex-impératrice même contre son gré, car elle pourrait être définitivement incarcérée par le Viêt-Minh à titre d’otage, le bâtiment des Rédemptoristes étant au milieu de la zone de combat urbain. L’ex-souveraine doit trancher.
Devinant les pensées de son mari, elle, anti-française en 1945, va accepter d’être mise en lieu sûr par ses adversaires de 2 ans. En pleine guerrilla, des blindés français évacuent l’ancienne famille régnante qui quitte les Rédemptoristes (photo en haut à gauche), et la déposent à la Banque d’Indochine à Huê qui est aussi la demeure de son responsable, M. Fafard.

De nouveau au sous-sol pour éviter les obus des mortiers, et avec une protection adéquate : le prince héritier dort chaque soir dans la salle souterraine des coffres, derrière la porte d’acier de 30cm d’épaisseur. Et enfin, les troupes viêt minh se retirent de la ville. L’ex-impératrice et ses enfants rejoignent alors Tourane (Dà Nang) par la route dans des blindés puis décollent pour Ðà Lạt épargnée par la guerre, y retrouvant la famille Nguyễn Hữu Hào.

Dès août, Nam Phương rejoint son mari à Hong Kong. Retrouvailles que l’on peut imaginer : séparation, infidélités du mari, souffrances diverses de l’épouse. Rien n’a filtré des mots de leurs retrouvailles, mais de cette rencontre à Hong Kong en 1947 jusqu’en 1958, Nam Phương affiche une sérénité imperturbable en façade, évitant d’être trop présente aux côtés de son mari car désormais sans illusion aucune.

Elle veille jalousement sur les intérêts de son fils héritier, et n’oublie pas ceux qui l’ont aidé. M. Fafard deviendra le gestionnaire du reste de sa fortune (il n’y a plus de rentrée d’argent des rizières avec la guerre), quand même imposant. Les Rédemptoristes feront l’objet de sa sollicitude jusque dans les années 1950.

Du retour de son mari au pouvoir en 1949 et jusqu’en 1953, elle résidera plusieurs mois par an au Vietnam, à Ðà Lạt, où sa chambre est restée inchangée pour les visites des touristes (cf photo ci-contre), toujours parfaite, et remplissant ses fonctions auprès de son mari, mais encore plus belle, plus royale que jamais : elle n’a que 36 ans en 1950. Ses traits, superbes mais déjà largement nimbés de tristesse, sont figés à cette époque sur des timbres (cf photo ci-dessus). Ils l’avaient déjà été à son avènement (cf page 2). Mais le lien est bien cassé : le seul devoir la fait rester aux côtés de son mari, qui continue d’avoir des maîtresses dont certaines sont particulièrement connues : Phi Anh, Bùi Mông Điệp, Jenny Wong, parmi des dizaines d’autres.
Une grande joie pour elle : le couple est reçu par le pape Pie XII. La catholique y laisse s’exprimer un contentement profond et visible, et l’ancienne souveraine y montre une dernière fois une attitude impériale (photo ci-dessous à gauche). Deux mois avant Điện Biên Phủ, les actualités montrent le couple reçu à l’Elysée par le président René Coty. On y voit le visage souriant de Nam Phương malgré le drame en cours : on sait déjà que la garnison ne tiendra pas.

Et vient la destitution de son mari en 1955 voulue par Ngô Dinh Diêm, qui, selon diverses sources, avait pourtant promis sur la croix de préserver le trône pour le prince Bảo Long, sur l’instigation de l’impératrice elle-même. Le couple impérial désormais rejeté va vivre ensemble à Cannes pendant 3 ans.

Nam Phương accompagne son mari pour quelques réceptions ou obligations, reçoit Nguyễn tiến Lãng ancien confident et écrivain de qualité, échappé des geôles communistes en 1951. La comédie du couple uni n’étant plus de mise, elle achète de ses deniers personnels en 1958 le domaine de 160 hectares de La Perche, à Chabrignac , au sud- ouest de la France(cf photo en bas de la page), où elle habitera désormais avec ses enfants, sans Bảo Long qui se bat en Algérie dans la cavalerie blindée de la Légion Etrangère. Bảo Đại connaîtra très peu cette longue bâtisse de 32 pièces, 4 salons et 7 salles de bains, mais sera présent le 6 janvier 1962, lors du mariage de Phương Liên avec M. Bernard Soulain.
Chabrignac gardera un souvenir vivace de l’évènement et un site Internet d’élèves de l’école de cette bourgade mentionne encore de nos jours ce mariage et l’ex- famille régnante.

La vie quotidienne continue, et Bảo Long devenu banquier après l’Algérie gère les biens encore très conséquents de sa mère. Nam Phương est maintenant heureuse, autant qu’on puisse l’être dans une vie solitaire. Oui, solitaire, car dans son livre Daniel Grandclément écarte l’histoire d’une liaison avec le kinésithérapeuthe, régisseur du domaine de La Perche, histoire non relevée par les autres auteurs.

Et arrive le 15 septembre 1963 où elle meurt d’étouffement de manière extrêmement rapide en la seule présence affolée du régisseur et d’une employée, les médecins appelés étant absents, et les pompiers arrivant trop tard. Elle n’avait que 49 ans. La veille, le médecin avait diagnostiqué un début d’angine. Le préfet et quelques maires seront présents autour des enfants et de Bảo Đại à l’enterrement, ainsi que la princesse Như Lý, fille de Hàm Nghi, dont la propriété jouxtait celle de Nam Phương sans que les 2 femmes ne se soient jamais rencontrées. Bảo Đại ne reviendra plus jamais sur la tombe de sa femme et se remariera plus tard.

A part Bảo Long objet dans son adolescence d’une éducation dirigée par sa mère et suivie par la Cour puis par la Maison du chef de l’Etat du Vietnam, l’impératrice s’est occupée directement de l’éducation de ses enfants. Bảo Long est actuellement retraité et Grand Maître de l’Ordre du Dragon d’Annam, vivant à Londres après être resté à Paris jusque dans les années 1990 (B). Bảo Thắng suivra sa scolarité au moins jusqu’au début des années 1950 au Collège d’Adran, à Ðà Lạt, puis en France. Phương Mai sera éduquée comme sa mère au Couvent des Oiseaux de Neuilly à côté de Paris, et épousera plus tard Pietro Badoglio, duc d’Addis-Abbeba et marquis de Sabatino, fils du maréchal italien ayant succédé à Mussolini quand l’Italie s’est retournée en 1943 contre l’Allemagne, et aura 2 enfants, Flavio et Manuela. Phương Liên mariée au banquier bordelais Bernard Soulain aura 2 filles, Valérie puis Caroline. Phương Dung, discrète, n’a pas fait parler d’elle. Ces enfants se retrouvent régulièrement au domaine de La Perche à Chabrignac jusqu’à la mort de l’impératrice.

Nam Phương se rappellera à notre souvenir une dernière fois, lors de la vente il y a 2 ans (Juin 2004) à la Salle Drouot à Paris d’une paire de clips d’oreille commandée en 1948 chez le joaillier Pierre Boivin à Paris, à son arrivée en France après ses retrouvailles avec Bảo Đại à Hong Kong l’an d’avant.

Une personne ayant souvent approché Nam Phương, Madame S.L.T.T. fille de Lê Thành Tùong, rare Vietnamien ayant travaillé au cabinet des divers gouverneurs de l’Indochine des années 1930 à 1945 a parlé de Nam Phương en ces termes dans les années 1970, qui résument toute la personne de la souveraine : « l’Impératrice était d’une beauté naturelle ne nécessitant qu’un maquillage élémentaire ; elle utilisait souvent le français, mais son parler vietnamien est du Sud. Un comportement royal naturel, une simplicité et une gaîté réelles. Mais surtout, rien de méchant en elle, une bonté étonnante, avec un sens du devoir très rigoureux. Elle était faite pour son titre. »

Georges Nguyễn Cao Đức (*)
© Tous droits réservés sur le texte et sur les photos par leurs auteurs et sources respectifs.

(a) : Précision apportée à l’auteur par P. Lê Phát Tân, arrière petit-fils de Lê Phát Đạt
(b)Bảo Long est mort en juillet 2007, un an après la publication initiale du présent article

Sources :
– Bibliothèque Nationale de France
– Archives Nationales de France
http://www.arikah.net/encyclopedie-francaise
http://www.vietpage.com/archive_news/politics/2004/Jan/27/0010.html
– Mme S.L.T.T., Paris
– Lucien Bodard, La guerre d’Indochine, Gallimard, 1973
– G. Gautier – La fin de l’Indochine française – SPL – 1978
– Amiral Decoux, A la barre de l’Indochine, Plon, 1949
– Philippe Franchini, Les guerres d’Indochine, Pygmalion, 1988
– Bao Dai, Le Dragon d’Annam, Plon, 1980
– Philippe Devillers, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, Le Seuil, 1952
– Daniel Grandclément, Les derniers jours de l’empire d’Annam, J-C Lattès, 1997

N.B. Le feuilleton télévisé « Ngọn nến hoàng cung », sur la période 1945-55 de Bảo Đại, et réalisé par la TFS, Saigon, 2004, édition originale en 4 packs de 3 DVD chacun, regravé en 8 DVD, peut être acheté pour 16 USD sur http://www.go2viet.com/4_4962.htm

.

(*) Georges Nguyễn Cao Đức est le rédacteur de la revue “Good Morning” de l’AEJJR – http://aejjrsite.free.fr/
Nous le remercions de nous avoir autorisés à mettre son article en ligne sur notre site.

A lire également : Lycée Blaise Pascal – Da Nang par GNCD

ABPDN

Catégories
Prose

Con Chuột MẬU TÝ

Đặng Tiến (BP60)

.
Năm nảo năm nao, năm nào cũng vậy, ngày hết Tết đến, viết bài Tết, ký ức lại xôn xao nhiều hình ảnh quê xưa, nao nao vần điệu ca dao.

Năm Tý, nhớ câu :
Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay

Ngày nay, nhất là ở thành phố, thấy chuột chạy, nghe chuột kêu, sẽ có người hoảng hốt. Nhưng xưa kia, việc ấy bình thường, thậm chí câu lục bát nói trên, còn là một âm vang của hạnh phúc. Nó chứng tỏ trong nhà có cái ăn. Tiếng rúc rích canh khuya gợi lên khoảng thời gian thanh lắng, và không gian êm ả. Trong khí hậu yên lành đó có tiếng chân người, kín đáo, kiêng dè : hạnh phúc đang đi dần, đi dần lại, cùng bóng đêm đồng lõa. Chúng ta tưởng tượng đôi vợ chồng mới cưới, về thăm cha mẹ, có lẽ là cha mẹ vợ, vào một dịp giỗ tết. Cứ tưởng tượng tối mồng hai Tết : mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mồng ba lễ thầy. Vợ chồng đã cưới hỏi, nhưng khi về nhà cha mẹ, vẫn phải giữ kẽ nằm riêng. Tại sao lại sợ « má hay », mà không sợ cha, sợ tía ? Có lẽ là thời ấy, đàn ông ngủ nhà trên, phụ nữ ngủ nhà dưới. Xưa. Hạnh phúc ngày xưa : dè dặt mà đằm thắm sâu xa, không như cái vồ vập, thường dễ phôi pha ngày nay.

Tình huống đêm hôm khuya khoắt này ắt là hư cấu, hoặc ít xảy ra. Nhưng tình cảm là thật và lễ nghi là thường. Lời người con gái – tôi dùng từ sai – nói ra lúc nào ? Phải chăng chỉ là giấc mơ hạnh phúc, thậm chí là hoang tưởng của người phụ nữ, đặt trên tình yêu, đồng cảm và lễ nghĩa, và trong chừng mực của kinh tế. Hạnh phúc trong không gian âm phái : người vợ, người mẹ, canh khuya, cái giường. Phải đặt tiếng chuột rúc rích trong không gian đó, chứng nhân, đồng lõa, rúc rúc chúc phúc. Một câu ca dao ngắn, ôi sao mà súc tích !

Tiếng chuột biểu hiện hạnh phúc, không phải tôi suy ra để tán tụng câu ca dao, mà do Tô Hoài kể lại, trong truyện O chuột, 1941, một thành công đầu tay của anh : « Người ta chỉ ưa cái tiếng kêu « chuúc… chuuúc.. ». Các cụ ta nói : ấy chuột chù bảo : « túc, túc » « đủ đủ ». Nhà ai mà chuột chù cứ túc túc luôn, ắt nhà ấy hẳn sắp có việc đại phát tài ».

Nửa thế kỷ sau, Tô Hoài nhắc lại ý cũ, và đế thêm vào câu ca dao minh họa :
Thứ nhất đom đóm vào nhà,
Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn.

Lại Chuyện chuột, trong Chuyện Cũ Hà Nội, ấn bản 2000, là một đoản văn hay, đầy đủ về loài chuột. Tác giả giải thích :
« Tôi viết bài lại kể về chuột này bởi xưa nay tôi có cơ duyên với chuột, đã viết nhiều về chuột. Những truyện ngắn O chuột, Chuyện gã Chuột bạch, Chuột đồng chuột nhà, và những Chuột thành phố, Đám cưới chuột… Tôi kiếm cơm nhờ chuột, vậy mà tôi vẫn chén thịt chuột… »

Trong các tác phẩm được nhắc lại, đặc sắc nhất là Chuyện gã chuột bạch, tinh vi và tinh quái, ý vị và thi vị :
« Cả hai vợ chồng cùng ưa đêm tối. Bởi ban ngày họ thường ngủ. Bốn cái chân trước sát vào nhau ; bốn con mắt cùng khép. Chiều đến đã đem bóng về dần dà trong cửa sổ, Bấy giờ vợ chồng chuột mới bừng mắt. Họ ngơ ngác nhìn hoàng hôn. Gã chuột đực mò mẫm tìm cái đĩa đựng gạo. Chị vợ cũng nhẹ nhàng đi theo. Họ gậm nhấm mấy hạt. Những tiếng răng nghiến trên hạt gạo, nghe ken két, sàn sạt như tiếng một con mọt cựa mình trong thớ gỗ ».

Không biết trong văn học thế giới, có nhiều những âm hao tinh tế như vậy chăng ?
Một hôm chuột vợ ngoạm được miếng mồi to, nuốt trửng một chú bọ ngựa : « Một mạng lớn, giết đi một mạng nhỏ, êm nhẹ như hơi chiều lặng lờ sang… »

Chuột ả chết vì mắc nghẹn, chuột chàng không mấy quan tâm : « Gã đã khỏi ốm. Không có đàn bà thì chừng như gã khỏe khoắn lắm lắm. Một mình đánh cả hai cái vòng, nghe rộn ràng, cũng vui… ».

Truyện đăng báo Tiểu Thuyết thứ bảy, 1941. Nhân cái Tết năm Tý này, đọc lại, ngoài niềm thích thú, ta còn tìm được đôi ba chìa khóa đưa vào triết lý Tô Hoài, hiểu thêm non 200 trước tác của anh, về sau.

Trong Lại Chuyện Chuột đã dẫn, Tô Hoài có nhắc đến truyện dân gian Trinh Thử ; chắc là anh đã nghe truyển khẩu và không kiểm soát văn bản nên đã kể… ngược, nhầm nhân vật chuột chồng ra chuột vợ.

Trinh Thử, con chuột trinh tiết là một truyện nôm bằng thơ, ra đời cuối thế kỷ 19. Vì các bản in xưa kia, ngoài bìa ghi tác giả là « Trần triều xử sĩ Hồ huyện Qui tiên sinh soạn » nên độc giả tưởng là tác phẩm thời Trần Hồ.

Ngày nay, giới biên khảo tìm ra nguồn gốc là truyện văn xuôi Trung Quốc xuất hiện nửa sau thế kỷ XIX, tên là Đông thành trinh thử truyện, chuyện con chuột trinh tiết thành phía đông. Bản in sớm nhất hiện nay là 1875, có người cho là của Nguyễn hàm Nghi, quê Quảng Bình.

Tác phẩm gồm 850 câu lục bát, kể chuyện con chuột Bạch góa bụa đi kiếm mồi nuôi con ; một hôm tránh chó, lỡ cơ sa vào ổ khác. Gặp lúc chuột Cái đi vắng, chuột Đực thừa cơ tán tỉnh, chuột Bạch một mực từ chối ; chuột Cái về, bắt gặp, nghi ngờ và ghen tuông. Cuối cùng là đả thông và hòa giải.
Chuyện răn đời, đề cao tiết hạnh, cảnh cáo thói trăng hoa và tính ghen tuông không cơ sở. Nhưng đặc sắc của Trinh Thử là đã đưa lời ăn tiếng nói dân gian vào tác phẩm, đôi khi bất ngờ. Ví dụ thành ngữ « râu quặp » chỉ người sợ vợ, qua lời chuột Đực :
Ta đây dễ nạt được nào
Chẳng như kẻ quặp râu vào rẻ roi.

Thành ngữ « no cơm rửng mỡ » tưởng là đã hiện thực, Trinh Thử lại còn táo tợn hơn : « no cơm thì rửng hồng mao ». Một câu nói đùa vui, không ngờ xuất hiện trong tác phẩm văn học :
Ruồi kia một phút bay qua
Biết là đực cái, lọ là sự ai.

Đây là lời chuột Cái trách chồng, rất thực tế và dân dã :
Chiếu chăn nào có hững hờ
Mà như voi đói thì vơ dong dài
Quen mùi bận khác ăn chơi
Có ngày cũng được như ai ghẻ tàu.

Ghẻ tàu là tên nôm na của bệnh dương mai, da liễu. Truyện Kiều lắm lầu xanh, từ Tú Bà sang đến Bạc Bà dập dìu lắm kẻ vào ra, mà không nghe những Thúc Sinh, Từ Hải bệnh hoạn gì.
Trinh Thử thật sự là một truyện dân gian.

Trên đây là những con chuột tượng trưng, tô điểm cho văn chương. Không phải là loài chuột thực tế, phá hoại mùa màng và đồ đạc trong nhà. Chưa kể phương Tây còn cho rằng chuột truyền nhiễm nạn dịch. Trong tiếng Pháp, từ thông dụng để nói hỏng việc là rater, nguồn gốc là từ rat, loài chuột đồng, chuột cống.

Vì nạn phá hoại mùa màng, từ thời Kinh Thi do Khổng Tử san định, đã có ba bài Thạc thử, Chuột lớn : chuột lớn chuột lớn…, đừng ăn nếp ta… Chớ ních gạo mạch… đừng cắn mạ ta…

Ngoài nghĩa đen, ở đây loài chuột còn ám chỉ tham quan, ô lại. Cùng nghĩa ấy trong thơ Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm 1491-1585, có bài Tăng thử, Ghét chuột, dữ dội, với câu thơ cô đúc : thành xã ỷ vi gian. Con chuột, không những tàn phá đồng áng, mà còn ẩn nấp, dựa vào nơi tường thành, đàn xã (bàn thờ xã tắc) để làm điều gian xảo. Trích đoạn bản dịch của Ngô Lập Chi :
Chuột lớn kia bất nhân
Gậm khoét thật thâm độc
Đồng ruộng trơ lúa khô
Kho đụn hết gạo thóc
Nông phụ cùng nông phu,
Bụng đói miệng gào khóc
Mệnh người dám coi thường
Chuột mi sao tàn khốc ?
Ỷ thành xã làm càn
Thần, nhân đều hằn học.

Rõ ràng là Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ nhắm vào chuột-súc vật. Thơ Trạng Trình như là có tính cách sấm ký.

Gần ta hơn Nguyễn đình Chiểu, 1822-1888, có bài Thảo thử hịch, Hịch đánh chuột, hiện thực, chân xác và quyết liệt :

Gọi danh hiệu : chuột xạ, chuột lắt, chuột chù, chuột cống, anh em dòng họ nhiều tên, tra quán chỉ : ở nhà, ở ruộng, ở lạch, ở ngòi, bầu bạn non sông lắm lối…
Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm kín biết bao nhiêu, vắn dài râu mọc hai chia, vắng mặt chủ hung hăng đà lắm lúc…
(…) Sâu hiểm bấy tấm lòng nghiệt thử, cục cứt ra cũng nhọn hai đầu…
(…) Ngàn dòng nước khôn bề rửa sạch tội đa dâm …

Bị kết án đa dâm vì… mắn đẻ.

Trong bài, có câu nằm ngửa cắn đuôi tha trứng… nhắc tới thơ Trinh Thử : cắn đuôi tha trứng gần xa…. Con chuột muốn tha quả trứng, phải nằm ngửa, ôm trứng trên bụng, đợi một con chuột khác ngậm đuôi kéo đi. Tranh Trung quốc có minh họa cảnh này :

Loài chuột, do đó, được tiếng tinh khôn, có tài « ngũ kỹ » gồm năm cái khéo, theo sách Tuân Tử : bay, leo, bơi, đào, chạy. Lại có sách nói : thiên khai ư tý : trời mở ở cung Tý, vì theo lịch Trung Quốc, thiên can và địa chi khởi đầu ở cung Giáp Tý. Mỗi chu kỳ 12 hay 60 năm đều vậy.

Chuyện nọ bù chuyện kia, hình ảnh chuột, ngay ở phương Tây cũng không phải luôn luôn và hoàn toàn xấu. Bằng cớ là con chuột Mickey trong tranh và phim hoạt họa Walt Disney, có lẽ là chú chuột lừng danh nhất thế giới hiện đại. Hãng phim này trong năm 2007 đã sản xuất một phim hoạt họa lừng danh, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, « Ratatouille », một cách chơi chữ, lấy tên một món ăn bình dân, tương đương với món bung của ta, và bắt đầu bằng tiếng Rat (chuột).
Phim kể chuyện con chuột Rémy chạy lạc vào một tiệm ăn lớn ở Paris, lừng danh là nơi có nhiều tiệm ăn ngon. Tình thế đẩy đưa, chú chuột Rémy trở thành một đầu bếp xuất sắc, được làng chuột Paris bảo vệ và ủng hộ. Phim có tính cách ngụ ngôn, vui nhộn, truyền cảm, nhạc hay. Ý nhị, tinh tế.

Ngày nay, trong máy điện toán, con chuột là bộ phận thân thiết nhất với bàn tay, có lẽ dịch từ tiếng Anh Mouse, tiếng Pháp Souris, là chuột nhắt, chứ không phải là chuột cống, Rat, mang âm vang xấu hơn.

Trong ca dao, dường như cũng là chuột nhắt :

Con mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà ?
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.

Tranh Đám cưới chuột, có tiêu đề Nghênh hôn, vẫn có người gọi là Chuột vinh quy, trong nghệ thuật dân gian, có lẽ nguyên ủy là hai bức tranh kết hợp, bổ sung cho nhau, không rõ là chuột gì ; có lẽ là chuột nhắt mới phải đấm mõm mèo, dù là trên đường vinh quy.

Dung hòa những nét đa dạng, có khi tương phản về loài chuột, Apollinaire, 1880-1919, có bài thơ La Souris, Con chuột, trong bộ Le Bestaire, Tranh cầm thú, gồm 30 bài được Raoul Dufy minh họa, 1911. Bài thơ ngắn, đơn giản, hiện thực và thi vị :

Belles journées, souris du temps
Vous rongez peu à peu ma vie.
Dieu ! je vais avoir vingt huit ans,
Et mal vécus, à mon envie.

Tạm dịch :

Bao nhiêu ngày đẹp, chuột thời gian
Gậm nhấm đời ta đã mẻ mòn.
Trời ơi ! mình sắp lên hăm tám
Sống vất vơ và mộng dở dang.

Nhạc sĩ Nguyễn Tư Triệt đã phỏng dịch và phổ nhạc :

Năm tươi tháng đẹp, ôi lũ chuột thời gian,
Đời ta từng chút gậm mòn…

Bài hát Chuột thời gian được in trong tập nhạc Khúc hát tiều phu, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2003 và ghi vào đĩa hát CD.

Đây là cuộc giao duyên tươi đẹp của nghệ thuật, mà con chuột đã giăng đầu tơ mối nhợ.

*

Chuột gây tai hại, thì ai cũng biết. Nhưng tâm thức con người và qua văn thơ, nhất là ngôn ngữ dân gian, chuột là một hình ảnh thân thuộc và thân ái. Có lẽ vì vậy mà chuột đứng đầu trong hàng can chi, và nhiều người tin năm Tý là năm may mắn.

Ở đời, không có gì may mắn bằng Chuột sa chĩnh gạo.

Đón mừng xuân Mậu Tý, mình cứ chúc nhau dân dã như thế.

.

.

Đặng Tiến
Orléans, Tết Mậu Tý 2008

Catégories
Prose

“Miền Trung Lụt Lội” – My Memoir

Hong Yao Ming (BP73)

The Flooding Central

Preface

Watching Katrina unfolding and its aftermath on the 60-inch plasma television in the comfort of your own home would touch you somewhat. Being there on the scene where the eyes of the storm stare at you intensely with its ugliest intention and determination to ravage your life and personal belongings is something else. Assuming that you would survive the heat of the moment caused by Mother of Nature’s furor inflicting damages onto you, her departure only marks the beginning of a long, arduous ordeal and a journey burdened with pain and sufferings, despair, anguish, anger, desolation, uncertainty, helplessness and the unknown. The road to recovery and rebuild one’s life in the aftermath can only be possible with determination, hope for sure and of course assistance and help from those who are more fortunate and privileged than the cursed ones…

From the perspective of a young teen-aged boy, the memoir of my first encounter with the flood of Mien Trung in the late 60s’ depicts the brutal and destructive force of nature displacing untold helpless lives in just matter of days…

-°-°-

Geographically speaking, Vietnam is divided in to three regions, North, Central and South. Each of the regions is very different from the other. If one were to ask about the characteristics of the regions, it would be (if I still remember my high-school geography lesson):

North : conservative, civilized (pre-war time), land of mineral resources

South : abundance, prosperity, easy-going, land of agriculture (#1 or #2 rice producer in South East Asia in pre-war time)

Central : arid, poor soil (for agriculture), life-challenging, harsh, eternal struggle and of course, the notorious, perennial floods. Hence, it earned the nickname “Mien Trung Lut Loi” (The Flooding Central)

-°-°-

I grew up and lived in Danang through out my teen-age years until I left for college in another city. Danang is a small city more so a town, in my opinion. It is surrounded by many provinces and villages… I don’t remember the exact year. I’d guess that it was in the late 60s’ because I was in middle high school. That year, the storm must be a big one. I could tell because the local authority had to ask the high schools for a helping hand. They mobilized us volunteer-students to the rural countryside to deliver supply (foods, clothing, medicines, etc…) and provide manpower resources to the affected areas in the outskirts of the city.

I was thrilled that my parents let me sign up for volunteering. I was eager to go thinking that it would be fun and especially, I did not have to attend classes. Classrooms are for good students. Come to textbooks, I have never been a bookworm. Come to classroom, I try but I was never on the favorite student list of any teacher thru out my first twelve years of education (at least some consistency, no ?). I must have ADDS (Attention Deficit Disorder Syndrome) according to my own self-proclaimed diagnosis back then. Was I on any list in college later ? I can’t remember now ! By the way, do you know that my worse subject in high school was Physics and Chemistry ? I failed miserably thru out the last four years of high school. My P/C teacher must have giving up on me then. I remember that he always raised his arms, rolled his eyes every time he handed me my test papers back with the big red you-know-what year after year for four years. I asked the guy seated next to me in the back of the classroom (front rows are for girls and good students only) if the red circle on my test papers is French abbreviated way for “Ok” without the letter K. He said yes. I believed him…

Jean Claude Bressieux, Hong Yao Minh (Geneva 2003)  

Lo and behold, I met my P/C teacher again for the first time in 2002, after 28 years, in Geneva, Switzerland where my wife and I attended my first ever high school reunion. He was at the airport welcoming us, his old and old students. When we saw one another, we embraced and I saw he had tears in his eyes. I said to myself – “Does he still feel sorry for me after all these years ?”… Seriously, he was one the few most caring and kindest teachers I have had then and even to this date, more than a third of a century later.

My parents signed the permission slip for me to go on the field trip. I don’t remember if the school had them signed the waiver form agreeing not to sue the school if anything would happen to me. The trip was just for the day. We didn’t have to stay overnight away from home. It would have been better and more fun because no cool teenagers would want to be home-bound. Many students from my class and from others were on the trip. Most of us are guys and a several gals who were most likely tomboys or brave or kind-hearted wanting to help or just simply did not want to attend class like me. The excursion was on a weekday, no class for the volunteer-students (yes !!!). We assembled on the school ground very early that day to help loading the trucks with supplies like bags of rice, bales of old clothing donated by people, medical supplies, drinking water containers, etc… Transportation was provided by the local authority in coordination with the military. Other schools in Danang also participated in the relief mission. There was a convoy of trucks, some with supplies and others transporting us students.

We left the school ground rather early in the morning because it would take a couple of hours to get to the destination. I don’t recall where they were taking us to except for the fact that it was about two-hour drive to certain province in the outskirt of Danang. The ride was bumpy sitting in the back of the truck but it was not too bad because we were young and energetic. It was raining that day from the start, a typical misty rain with occasional down-pouring torrential rain which would cause flash floods in no time at all… We arrived at the destination two hours later. Even though it was called province, to me, it looked more like a typical village with single level thatched roof houses, patches of rice fields here and there, banana trees, coconut trees, green and yellow bamboo trees and bitternut trees reaching high above… The only noticeable difference between a normal typical village and this place was that it covered with flood water everywhere. So much water covering everything even the road we were on ! The landscape was quite depressing to look at. The scenery in front of me looking out from the back of the truck was basically three colors, brown, gray and black. The ground was a giant brown carpet of flood waters as far as my eyes can see and extending to the horizon. The sky was gray with a blanket of misty rain continuously coming down and patches of black clouds here and there threatening and promising a lot more torrential rain thru out the day… If one were to look for a perfect (not necessarily beautiful) drawing of sad, depressing and pessimistic scenery, what I saw that day was it…

Thôn Huỳnh Giản (Bình Định) trong mênh mang mùa nước lũ (11-2007)

The convoy stopped at the final destination. We had to get off to unload the supplies from the truck. I jumped off the truck and landed right onto ankle-deep flood water covering the road or pavement. I started cursing rather loud because my spanking white sport shoes were soaking wet and quickly changing to brown color. Also, my nicely pressed blue jean also got wet because of the splash from the jump. The nice image of a clean and cool young teen-aged boy especially of a city boy was ruined, I mumbled to myself. In some spots, I saw people were in knee-deep water. Most areas were in shin-deep water. I could easily go from ankle-deep water to knee-deep or shin-deep water in matters of a few steps because I could not see where and what I was walking to. I could easily heading to the edge of the river and accidentally fall off right into the flowing river bed. Water was everywhere. Miền Trung lũ lụt (2007)  

Tall trees were bent from the strong hurricane winds passing by the area a few days earlier. Several houses were being flooded half way to the roof. A few houses had water at roof level. The residents stored personal belongings on the top of the roofs hoping it could be spared if and only if the rain would stop. On the river, one could see clothing and personal belongings were parading by and heading to unknown destination… Some villagers were salvaging what was left of their stuffs and moved them to higher and dry ground if they could find it, hoping and, praying that the rain would stop and the water would soon recede … From the distance, my eyes caught a large object floating on the river. When it was close enough, I recognized that it was a drowned black water buffalo. It’s very common to use water buffalo for tilling the rice paddies after the harvest and before the seeding season starts. A farmer had just lost his precious and valuable tool of the trade in order to earn a living. It would cost him a fortune to buy another one, hopefully in time for the next growing season…

By noon, we finished unloading the trucks. We worked very hard. Physically, I had never worked that hard up until that time but in good spirit because of what went on around me that day. So did my classmates. We also built strong camaraderie out of this experience because we had witnessed the loss and sufferings of the unfortunate souls. We had a lunch break. After we ate, most of us sat around chatting or resting so we can resume the task of distributing the supplies to the villagers in the afternoon. I decided to take a walk and looking around. I heard someone was crying and lamenting behind me then a hand grabbed hold of my arm gently. I turned around and saw an old frail woman in her 70s’ or perhaps younger than her appearance but harsh life can make one aged prematurely. She was sobbing, wiping her tears and said…
“Ca^.u o+i, con cha’u ga’i ba ?y tuo^ ?i cu ?a tui di da^u ma^’t ro^`i. Tui kie^’m no’ hai ho^m ra`y ma` kho^ng ra. Ma’ no’ ma^’t hai na(m tru+o+’c, chi ? co`n hai ba` cha’u…” (“Young man, my 7-year old grand daughter is missing. I’ve been looking for her for two days. Her mother passed away two years ago, only two of us left…”.

I was caught by surprise and was stunned at what she told me. I just looked at her speechless for a few seconds and just mumbled “Da., Da.” (Yes… Yes). Then, gently I removed her hand from my arm and walked away, not knowing what to say or how to comfort her in such a moment of despair. When I was out of her sight and all alone by myself, I tried to hold myself back from crying and just wiped away a few teardrops… “Boys are not supposed to cry” I told myself.

Being a young city boy who had been living in my own nice and comfort cocoon of the city life up until that time, I had not had a chance to deal with tragedy at such a young age. I did not know how harsh life can be until that day…

Yes, when facing tragedy, the city boy ran away as fast as France’s La TGV (bullet-speed train) or not any slower than the Narita-Tokyo Express (Japan’s bullet-speed train)… Tragedy gave him a valuable about-life experience at a very early stage. It’s the fact that in the face of tragedy, he fled the scene. However, from it, he received a precious and priceless gift – Compassion.

It was then, some forty years ago. The present time – Whenever Mother of Nature brings her fist of fury to that corner of the world, the image of that old frail woman emerges.


. Hong Yao Ming
San Jose, December 2007

. Photos : Báo Bình Định Online
Catégories
Prose

Thơ văn và lũ lụt

Đặng Tiến (BP60)
.

Từ thượng tuần tháng mười một dương lịch năm nay 2007, cũng như năm 1999, nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng nhất chưa từng thấy từ một thế kỷ nay đã đổ ập xuống miền Trung Việt Nam, đặc biệt đã tàn phá vùng Thừa Thiên-Huế. Nhiều tỉnh khác, cũng bị thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như tài sản.
Việt Nam từ xa xưa đã có câu ca dao tang tóc :

Ông tha mà bà chẳng tha
Vẫn làm cơn lụt mồng ba tháng mười.

Tháng mười âm lịch, vẫn còn ứng đúng vào thời kỳ lũ lụt ngày nay, cũng như trận lụt năm Giáp Thìn 1964, chồng thiên tai lên chiến tranh, vào một giai đoạn ác liệt nhất, đã phá hại miền Trung thân yêu của nhà thơ Tường Linh ( 1933- 2005), qua những hình ảnh bi thảm :

Biết thủa nào quên
Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp
Cả trăm người cả ngàn người không chạy kịp
Nước réo ầm ầm, át tiếng kêu la
Chới với, ngửa nghiêng, người cuốn theo nhà,
Nhà theo sóng, người không thấy nữa

Những kẻ sống không nhà không cửa
Không áo cơm, không cả lệ thông thường
Cắn vành môi nhìn lại một quê hương
Bỗng run sợ, tưởng đây là địa ngục
Thảm nạn quê hương

Ngọ Môn ngập chìm
(lũ lụt tháng 10 Đinh Hợi 2007)

Lũ lụt là một tai họa thường xuyên ám ảnh tâm thức Việt Nam, từ bộ tộc Văn Lang thời kỳ Hùng Vương dựng nước, mà truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh là một biểu tượng.

Núi cao sông hãy còn dài
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen

Thuỷ Tinh hàng năm dâng nước lên đánh nhau với Sơn Tinh là hình ảnh những trận lũ lụt thường niên tàn phá đồng bằng sông Hồng, cái nôi của bộ tộc Âu Lạc tự ngàn xưa. Chiến thắng của Sơn Tinh là hy vọng của một dân tộc thường xuyên chiến đấu với thiên nhiên.

Về sau, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, đã giải thích là chọn địa điểm cao ráo để dân cư không còn sợ nạn lũ lụt, trong Chiếu dời Đô (1010).

Như vậy bão lụt đã là mối đe doạ đời đời, phản ánh qua truyền thuyết cũng như văn học thành văn. Phòng vệ lũ lụt, xây dựng và bảo vệ đê điều là nhiệm vụ hàng đầu của quốc gia, là nhiệm vụ sống còn của dân tộc. Từ ngàn xưa, văn thơ đã đánh dấu những thiên tai như bài thơ của Nguyễn Húc thời Lê Thái Tổ, năm 1429 :

Gió thu nổi trận ào ào
Phập phồng mái lá, rào rào mặt sông,
… Trận mưa ập xuống, hãi hùng
Tràn khe ngập suối, mịt mùng trời mây
Phong Vũ Thán, (1429)
, ĐT phỏng dịch

Không cứ gì châu thổ sông Hồng là vùng đất trũng, cả miền Trung từ thời xa xưa đã là nạn nhân của Thuỷ Tinh, như trận lụt ở phủ Triệu Phong (Thừa Thiên ngày nay) giữa thế kỷ 18 đã được nhà thơ Nguyễn Cư Trinh ghi lại :

Triệu Phong đợt đợt sóng dồi
Nát lòng Châu Định, cuốn trôi nghìn nhà
Nghìn nhà dạt tận châu xa
Sông sâu sấu doạ, rừng già rắn hăm
Đại Phong Kỷ Hoài (1751)
, ĐT phỏng dịch

Phố cổ Hội An đắm chìm trong nước lũ (Đinh Hợi 2007)

Khi chữ Nôm phát triển, nhà thơ Nguyễn Khuyến gắn bó với nông thôn, đã để lại nhiều bài thơ lụt xuất sắc, mô tả nhiều trận lũ tàn phá đất Hà Nam nhiều năm liên tiếp từ năm Canh Dần (1890) sang Quý Tị (1893) đến Ất Tị (1905).

Năm Canh Dần, mưa lớn vùng Nam Định đã phá vỡ con đê quai làng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, và nước sông Đáy đã tràn ngập quê hương Nguyễn Khuyến.

Nước lụt Hà Nam
Quai Mễ Thanh Liêm đã lở rồi,
Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi.
Gạo dăm ba bát cơ còn kém,
Thuế một vài nguyên dáng vẫn đòi.
Tiếng sáo vo ve chiều nước vọng,
Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi,
Đi đâu cũng thấy người ta nói.
Mười chín năm nay lại cát bồi.

Bốn bài thơ lụt của Nguyễn Khuyến có giá trị nghệ thuật cao, nhưng cho dù hôm nay, ở đây, không phải là chỗ để chúng ta phân tích hay thảo luận về nghệ thuật thi ca, cũng xin nhắc lại những vần thơ đằm thắm và tài hoa trong cơn lụt lội :

Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu,
Lụt lội năm nay bác ở đâu ?
Mấy ổ lợn con rày lớn bé,
Vài gian nếp cái ngập nông sâu ?

Đồng bằng sông Cửu Long không tránh khỏi tai trời ách nước :

Trời mưa từng trận, gió từng hồi,
Bốn mặt giang sơn ngập cả rồi,
Lũ kiến bất tài muôn khóm dạt,
Giống bèo vô dụng một bè trôi.
Liu riu rừng quạnh nghe chim hót,
Lổm xổm giường cao thấy chó ngồi.
Nở để dân đen chìm đắm mãi,
Này ông Hạ Vũ ở đâu rồi ?
Nước lụt,
Nguyễn Đình Chiểu

Trong bất cứ đề tài nào, văn thơ Nam Bộ vẫn một giọng nghĩa khí, “trung hiếu làm đầu”

Đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu đã có bài Văn Tế đồng bào Nghệ Tĩnh đồng hương chết vì bão lụt, giọng văn bi tráng :

Sông vàng máu đỏ, chết đã quá oan ;
Nước mặn đồng chua, sống càng thêm cực.
Chật làng xóm chứa đầy là oan quỷ, tha hồ khóc khóc rên rên ;
Thây trâu bò cũng sạch với Diêm vương, vắng ngắt rì rì tắc tắc,
Thương những kẻ mất vợ mất chồng, mất anh em cha mẹ,
bới đất tìm nhưng sợ ngục nhiều tầng ;
Xót vì ai không cơm không cháo, không nhà cửa ruộng vườn,
kêu trời hỏi biềt chồng thang mấy bậc !

Nhà văn Ngô Đức Kế trên báo Hữu Thanh, năm 1924, có lời kêu gọi cứu lụt hôm nay vẫn còn thời sự :

Đến hôm nay mà nói cứu nước lụt thì chẳng chậm lắm ru ? Phải, vẫn khi chậm thiệt, song đã là một việc tai nạn trời làm, mà lại nghĩa anh em đồng chủng, không thể khoanh tay ngồi nhìn mà không cứu, vậy thì dù chậm cũng còn cứu được, mà đã cho là chậm rồi thì trong lúc cứu này, lại phải làm sao cho chóng, cho mau, nghiã là làm sao cho có tiền có gạo ngay, bây giờ, chứ nếu để lại chậm hơn nữa thì thương thay ! Cứu dân nước lụt ! Dân nước lụt nghĩa phải cứu, mà cứu thì phải cứu cho mau, đã có món tiền để cứu rồi thì phải làm sao cho trong mười đồng phát đến dân không sót tay ai đồng nào, lại làm sao cho dân được lĩnh món tiền cứu tế ấy chỉ là những kẻ chân bùn tay lấm, áo manh khố một mà thôi, đó là điều chúng ta rất nên chú ý.

Lũ về, gieo khổ cho ai ….

Nhà thơ Tản Đà cũng có lời kêu gọi tương tợ :

Này những ai, này những ai
Ai có nghe rằng việc thuỷ tai
Tỉnh Bắc, tỉnh Đông, cùng tỉnh Thái,
ruộng ngập nhà chìm, thây chết trôi

Các nhà văn quốc ngữ đã đặc biệt quan tâm đến cảnh lũ lụt và những lầm than của con người.

Một trong những thành tựu đầu tiên của văn chương quốc ngữ là truyện ngắn “Vỡ Đê” của Phạm Duy Tốn, 1917. Truyện ngắn đầu tay của Tô Hoài là “Nước Lên”, 1938, tả cảnh hộ đê, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố và nhiều nhà văn khác đã để lại những trang văn xuôi xuất sắc về cảnh lũ lụt.

Thơ văn thời chống Pháp đã có bài thơ mưa lụt thật hay của Hồ Vi ( ?- ?), hồn nhiên và tài hoa, mà các tuyển tập thi ca chính thức sau này đã bôi xóa :

Mấy bữa ni rồi trời thiếu nắng,
Chừng chưa bưa lụt, nước còn cao,
Khi hôm bộ đội hành quân tới,
Trấn thủ dầm phơi chật cả sào.
Lời Quê, 1950

Trong thơ văn hiện đại, bão lụt vẫn còn là một đề tài lớn lao, bài thơ “Thảm nạn quê hương” của Tường Linh nói trên, tả cảnh lụt năm Giáp Thìn 1964 tại Quảng Nam là một ví dụ. Ví dụ khác là tiểu thuyết “Mẫn và Tôi” của Phan Tứ (1972) đã nhập đề bằng một chương tả cảnh lụt tại Quảng Nam – Quảng Ngãi trong thời kỳ chiến tranh. Tiểu thuyết “Thời Xa Vắng” (1980) của Lê Lựu được cấu trúc trên một chuyện tình xảy ra một đêm trăng lũ lụt, khoảng 1956, tại Hà Nam quê hương Nguyễn Khuyến.

Ở một miền văn học khác, tùy bút “Thư Nhà” (1961) một trong những thành công đầu tay của Võ Phiến đã nhập đề bằng một cảnh lụt ở Quy Nhơn. Nhà thơ Tô Thùy Yên, nổi tiếng với bài thơ “Qua Sông” (1971) tả cuộc hành quân trong cảnh trời nước mênh mông của đồng bằng sông Cửu Long :

… Giặc đánh lớn, mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
… Người chết mấy ngày không lấy xác
Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh

Bài này, viết về đề tài lũ lụt, là một thâm tình, đặc biệt hướng về đồng bào, và bè bạn, nạn nhân của tai trời ách nước, vừa mới ập xuống trên quê hương. Để chứng tỏ rằng văn chương, dù ở xa tổ quốc, vẫn gắn bó với số phận điêu linh của đồng bào trong nước. Và để kêu gọi tinh thần lá lành đùm lá rách của mỗi độc giả đối với bà con ruột thịt nạn nhân của thiên tai, vọng lại lời kêu gọi trước đây của Tản Đà :

Hỡi ai ai ! Là những người
Ông ở trong nước, bà ngoài nước
Có nhiều cho nhiều, ít cho ít,
Cứu kẻ bần dân lúc thuỷ tai.

.

Đặng Tiến,
Orleans 12-13.11.2007
.

Hình : báo Tuổi Trẻ