Catégories
Prose

Tưởng niệm 100 năm Hàn Mạc Tử (1912 – 2012)

Tranh : Túy Lan

.

.

-  Đức tin trong nguồn thơ Hàn Mạc Tử – Đặng Tiến

-  Nhà thơ Thanh Thảo phỏng vấn nhà phê bình Đặng Tiến về tập thơ Gái Quê được tái bản (Thanhnien online)

-  Gái Quê và những đính chính tư liệu (Phụ lục 1 & 2) (Bauxite Việt Nam)

-  Hàn Mặc Tử và bài thơ thôn VỸ (blog Nguyễn Trọng Tạo)

-  Hành huơng 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

Góp Nhặt Đó Đây

-  Nên gọi “Hàn Mạc Tử” hay “Hàn Mặc Tử”- Nguyễn Đình Niên

-  Sự thật về mối tình Hàn Mạc Tử – Hoàng Thị Kim Cúc và bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” – Phanxipăng

-  Câu chuyện đi tìm bản in đầu tiên tập thơ “Gái Quê” – Lại Nguyên Ân

-  Thơ Tin Cậy Mến của Hàn Mạc Tử – Lê Đình Thông

.

Trăng và Thi Nhân – Thanh Trí

.

-  Thơ Hàn Mạc Tử

-  Đây Thôn Vỹ Dạ (Nhạc : Khúc Dương – Tiếng hát : Camille Huyền)

-  Trường Ca Hàn Mặc Tử (Phạm Duy)

.

Catégories
Prose

Đức tin trong nguồn thơ Hàn Mạc Tử XXX

Dang Tien (BP60) . Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912, tại thị xã Đồng Hới, chính xác là làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình công chức, công giáo thuần thành. Rửa tội tại giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, ngày 25-9-1912, tên thánh là Phan xi Cô (François). Thêm sức tại nhà thờ Quy Nhơn, 1933, dưới tên Phan xi cô Xa- viê. Học tại Quảng Ngãi, Qui Nhơn. Ra Huế, học trường thầy dòng Pellerin (Bình Linh) xong năm thứ nhất bậc trung học, 1930, thì thôi học. Về ở Quy Nhơn. Làm sở đạc điền được ít lâu, sau bỏ sở. Vô Sài Gòn, 1934, làm báo một thời gian, trợ bút cho báo Sài Gòn, rồi trở về Qui Nhơn 1936, khi sức khỏe sa sút. Bắt đầu làm thơ Đường từ năm mười lăm tuổi, ký nhiều bút hiệu : Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh. Từ 1935 chuyên làm thơ mới, ký Hàn Mặc Tử, cuối cùng là Hàn Mạc Tử. Đã đăng thơ trên các báo Phụ nữ Tân văn, Sài Gòn, Trong khuê phòng, Đông Dương tuần báo, Tân thời, Người mới.
Chứng bịnh phong cùi hiểm nghèo buộc ông phải sống ẩn tránh, trong đau đớn cả tinh thần, thân xác lẫn vật chất, nhưng đã đem đến cho Hàn Mạc Tử nhiều thi tứ đặc biệt, thanh thoát, như một vùng trú ẩn cần thiết cho cõi linh hồn đau khổ triền miên. Thi phẩm đã công bố : Gái Quê (Tự xuất bản, in tại nhà in Tân Dân, Hà Nội,1936, 34 bài thơ, tựa của Phạm Văn Ký) ; Thơ Hàn Mạc Tử (Tuyển tập, nxb Đông Phương, Hà Nội, 1942, tranh vẽ của Phạm Tú. Nhà Tân Việt, Sài Gòn, tái bản, 1959).
Tại trại phong Quy Hòa, ngoại thành Quy Nhơn, Hàn Mạc Tử trút linh hồn ngày 11 tháng 11 năm 1940, hưởng dương 28 tuổi, được mai táng ngay hôm đó tại nghĩa địa trại Quy Hòa.
Số phận ngắn ngủi của ông là một thiệt thòi lớn cho nền văn học đất nước, vì ông được coi như một nguồn thơ tinh khôi và kỳ lạ bậc nhất trong thi ca hiện đại.
Đặc biệt là nguồn thơ cảm hứng từ đức tin Thiên Chúa, và phản ánh đức tin này qua tác phẩm, là đề tài cho chuyên luận dưới đây. * Cuối 1942, trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã nhận xét : “Từ ngày Hàn Mạc Tử từ trần đến nay, mới trong khoảng hai năm trời mà người ta đã nói rất nhiều, viết rất nhiều về Hàn Mạc Tử”. [1] Và đến nay, bao nhiêu giấy mực đã được dành cho nhà thơ bạc mệnh. Có lẽ ở miền Nam, Hàn Mạc Tử là thi sĩ được nhắc nhở nhiều nhất. Nhưng e rằng dù vậy sự hiểu biết của chúng ta về thi tài đó vẫn không tiến bộ được bao nhiêu. Có lẽ lại lùi lại nữa là khác. Năm 1941, Hoài Thanh muốn nói đến Hàn Mạc Tử đã hỏi mượn thơ do Trần Thanh Địch giữ[2]. Cùng năm đó, khi viết cuốn Hàn Mạc Tử, có lẽ Trần Thanh Mại cũng dùng nguồn tài liệu đó, tức là của em mình. Ngày nay, 1970, ngoài tập Thơ Hàn Mạc Tử mỏng manh của nhà xuất bản Tân Việt tái bản 1959, chúng ta không còn thi liệu nào khác. Chính Quách Tấn, bạn thân, ân nhân, người đã được nhà thơ ký thác trọn vẹn tác phẩm, cũng tỏ vẻ không có nhiều tài liệu hơn chúng ta. Trong bài nói về nhà thơ quá cố đăng trên Văn, Quách Tiên sinh, khi trích thơ Hàn Mạc Tử đã làm một việc mà ai cũng làm được, như Vũ Ngọc Phan đã làm, nghĩa là trích từ tập thơ in 1942 kia, hay trích lại của Trần Thanh Mại và Hoài Thanh – trừ vài bài tứ tuyệt không mấy quan trọng. Nhưng ông ấy may mắn có được đọc tập Gái Quê, xuất bản vào sinh thời tác giả. Lý do rất giản dị : chiến tranh đã làm thất lạc hết tài liệu, mặc dù Quách Tấn giữ gìn cẩn thận, sao nhiều bản gửi Bộ Giáo dục Nam triều thời đó và tất cả ban bè của Tử[3].
Như vậy trong mọi hành trình vào tác phẩm của Hàn Mạc Tử, chúng ta sẽ giẫm chân tại chỗ, đua nhau kể cuộc đời ái tình và sự nghiệp của nhà thơ – dĩ nhiên là éo le gay cấn, nhưng không giúp hiểu thêm trước tác, sức sáng tạo thi ca, được bao nhiêu. Dù cho một vài bài quan trọng, như của Quách Tấn trên số báo Văn thượng dẫn, ngoài việc đưa ra một số sự kiện chung quanh việc sáng tạo của Hàn Mạc Tử còn bổ chính nhiều điều do Trần Thanh Mại đề xuất trong cuốn biên khảo về Hàn Mạc Tử [4] xưa nay vốn là tài liệu tham khảo căn bản cho mọi người.
Về cuộc tranh tụng giữa hai họ Quách và Trần năm 1942, thì chúng tôi không có ý kiến gì. Nhưng xin tán đồng Quách Tấn về hai điểm : thứ nhất là Trần Thanh Mại ẩu, thứ hai là ông không hiểu thơ, và cứ ưa phê bình thơ, và Vũ Ngọc Phan cũng đồng ý như vậy [5]. Tuy nhiên, nếu không có cái ẩu, cái trích dẫn bừa bãi của họ Trần, thì các nhà nghiên cứu về sau – kể cả Quách Tấn – lấy đâu ra thơ Hàn Mạc Tử để tham khảo, sau khi người giữ bản quyền để thất lạc hết di thảo ?
Tưởng khi nói chuyện ba mươi năm về trước, Quách Tiên sinh không nên chua cay mới công bình[6]. Chúng tôi trình bày những khó khăn về tài liệu đó là có ý rào đón những thiếu sót trong bài này, khi đề cập đến một đề tài hệ trọng và bao quát : đức tin Thiên Chúa giáo trong thơ Hàn Mạc Tử. Chúng tôi không khám phá ra điều gì mới mẻ, mà chỉ khai triển một nhận xét của các ông Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, cách đây mấy mươi năm. Chúng tôi chỉ đào sâu thêm tác phẩm để có một cái nhìn nhất quán trên toàn thể thi phẩm. Thay vì trích dẫn những câu có hình thức tôn giáo như Maria, linh hồn tôi ớn lạnh, thì chúng tôi mong chứng minh là cấu trúc toàn bộ của thơ Hàn Mạc Tử , phần nào, đã vang vọng lời truyền giảng của Phúc Âm. Bài này chia làm nhiều phần : – Nhận định tổng quát
Gái Quê : thế giới đợi chờ
Đau Thương : con người sáng tạo và mơ ước
Xuân như ý : Thế giới khải huyền. “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. ..Thôi mời cô cứ vào… ánh sáng lạ trong thơ tôi..”[7]
Đối với Hàn Mạc Tử thơ và đời sống là một, bất khả phân, nhất là khi lâm trọng bệnh. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú (tr. 8). Tác phẩm của Hàn mang tên là Thơ Điên, sau đổi là Đau Thương vì nó là Đau Thương, là “kinh nghiệm trước hết của một con người, một thực tại con người ngay trong thân phận”[8].
Vũ Ngọc Phan nhận xét : “Có lẽ ông là người Việt Nam Nam ca ngợi Thánh nữ Đồng trinh Maria và Chúa Jésus bằng thơ trước nhất. Ông ca tụng đạo Gia-tô rất chân thành. Lần này cũng là lần đầu, thi ca Việt Nam thấy được một nguồn hứng mới”[9]. Hoài Thanh nới rộng đến tương quan giữa tôn giáo và dân tộc, “Thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ đạo Thiên Chúa ở xứ này tạo ra cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể”. Nhận xét này của một kẻ “thiếu lòng tin, du khách bỡ ngỡ”[10] là Hoài Thanh mang ý nghĩa đặc biệt : trong Gia-tô giáo Việt Nam, niềm tin Thiên Chúa đã nhập vào tín ngưỡng thuần túy Việt Nam. Và thơ Hàn Mạc Tử minh chứng điều đó : một đức tin Việt Nam ở Thiên Chúa, diễn đạt bằng lời ăn tiếng nói Việt Nam, mà ngôn ngữ thi ca là thành phần tinh túy. Đó là điều chúng tôi muốn trình bày qua một bài báo ngắn.
Duy chỉ khai triển thêm một ý của Hàn trong lời tựa tập Đau Thương, viết năm 1938 : Người đang say sưa đi trong Mơ uớc, trong Huyền diệu, trong Sáng láng và vượt hẳn ra người Hư linh…(tr. 7) trong đó người đọc gặp lại những chủ đề cương lĩnh của Kinh Thánh : một vũ trụ ngây thơ đổ vỡ vì nguyên tội ; những khổ hạnh của thân xác như một kinh nghiệm của Mơ Ước và Huyền Diệu, để vươn tới một thế giới khác, sáng láng ngoài Hư linh, thế giới của Phục Sinh, của Khải Huyền. Ba giai đoạn đó là cơ cấu của nguồn thơ Hàn Mạc Tử.
Vũ trụ Gái Quê đã sụp đổ trong Đau Thương mà nhà thơ đã chịu đựng để đợi sống lại một mùa Xuân Như ý. Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng ; chung quanh người là mơn mớn với yêu đương…( Tựa Đau Thương) Những dòng mở thi phẩm không khỏi làm ta nhớ đến thiên Sáng Thế Ký mở đầu Cựu Ước. Nhưng vườn, đây không nằm ở hướng đông như vườn Eden (“Gen II.8”), mà chỉ là một vườn mơ, bến mộng, niềm nhớ nhung đằng đẵng về một hạnh phúc nguyên thủy. Hạnh phúc của nguồn trong trẻo mà loài người phải từ giã ra đi, và bị cấm cản đường về (“Gen III, 24”). Nguồn ở đây là dòng sông trước khi chia làm bốn nhánh, tưới vườn Eden bằng tình yêu cao cả, vô biên và vô lượng, chưa bị giới hạn vì nguyên tội, khi con người chưa khó nhọc, chưa đổ mồ hôi, chưa biết chông gai và mùi cát bụi (“Gen III 17, 18 và 19”). Bài tựa 1938 của Hàn Mạc Tử đã mơ ước khôi phục lại mùa xuân trinh nguyên của ngày sáng thế, đầy thinh sắc, tinh hoa và châu báu, như nhũ hương và bích ngọc bên bờ nhánh sông thứ nhất (“Gen II, 12”). Thơ Hàn, cũng như lòng lê thứ, nói như Pascal, là niềm hoài vọng bất lực về một hạnh phúc sơ khai, một tráng lệ đã phôi pha Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hướm của kiên trinh
Sau khi phạm trái cấm, loài người không mang nguyên tội ra khỏi địa đàng rồi dựng lại một bình an khác. Với tội kiêu căng, loài người phải chịu bao nhiêu hưng phế : từ Hồng Thủy cho đến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa hủy tháp Babel, thành Sodome và Gomorrhe, bao nhiêu lớp bụi phế hưng đã lấp mất cánh đồng xanh lẫn “ít nhiều hơi hám của kiên trinhHồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm
Dân Do Thái, lưu linh còn hy vọng có ngày tìm về đất Hứa, còn con người đã vĩnh viễn đánh mất tất cả tráng lệ của thời xanh. Nhưng thơ Hàn Mạc Tử vẫn là mơ ước, một đón đợi, như Cựu Ước là sự chờ đón đấng Cứu Thế. Trong Gái Quê và những bài đầu Đau Thương, thơ là niềm mong đợi Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Ngày xuân mong đợi đó còn thuần lương, là một mùa xuân ngoại đạo – một thứ printemps paien – hồn nhiên và vô tư lự, như tất cả những hội hè của mùa xuân Việt Nam. Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý – Bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
— Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Cái hồn hậu đó, như Hoài Thanh đã nói “chỉ là một mùa xuân đầu năm”[11], tôi nói thêm là một thế giới đợi chờ để nở lên một mùa xuân sáng thế “hồi trời đất mới dựng lên” hay mùa xuân tái tạo “ra đời một lần với chúa Jesus”. Khác biệt đó không có gì mâu thuẫn và Hoài Thanh cũng không cần ngại người đồng đạo với nhà thơ sẽ khó dễ vì một hai dấu tích Phật giáo còn sót lại. Quách Tấn còn cực đoan hơn : “Tôi nhận thấy vang bóng của đạo Phật có phần đậm hơn Thiên Chúa”[12]. Sự phân lượng e rằng khó cân đo chính xác nhưng vết tích Phật giáo và ngay cả Lão giáo, Khổng giáo trong thơ Hàn Mạc Tử đậm đà, từ trong rung cảm đến ngôn ngữ. Điều đó không có gì là nghịch lý cả ; hạt mầm Thiên Chúa giáo, khi nảy nở trên đất Việt Nam thì tự nhiên thích ứng với khí hậu, phong thổ. Gần đây, tình cờ tôi có đọc tác phẩm của linh mục người Pháp, Jacques Dournes nói về việc truyền giáo tại bộ lạc Jorai, Tây nguyên Trung Bộ. Sách có nhiều điểm tế nhị và sâu sắc, nhằm bảo vệ truyền thống một thị tộc : “Cơ quan hành chánh phát cho dân Jorai hạt giống bông vải gốc Phi châu, năng suất cao hơn giống địa phương ; dân Jorai đã gieo hái, nhưng chỉ một lần thôi rồi không tiếp tục. Lý do là họ phải nhuộm chỉ trước khi dệt, và thuốc nhuộm làm bằng lá cây của họ không ăn vào chỉ bông nhập cảng. Họ lại trở lại với giống bông cũ. Từ đó tôi không quên bài học bông vải”[13]. Và khi viết bài này, tôi lại càng không dám quên bài học quý hóa của một vị linh mục ngoại quốc, về sau đã có thêm nhiều đóng góp về hiểu biết các bộ tộc anh em ở Tây Nguyên.
Theo Quách Tấn, gia đình Hàn Mạc Tử (dường như) theo đạo Thiên Chúa từ đời nội tổ Tử, tên Phạm Bồi, vì liên can quốc sự nên dời quê, được một linh mục Pháp đỡ đầu, vào lập nghiệp tại Thừa Thiên. Thân sinh Hàn Mạc Tử là Nguyễn Văn Toản đổi sang họ Nguyễn ; học Đại Chủng viện Huế, đến chức Thầy Tư rồi bỏ ra đời[14] làm công chức ngạch thương chính. Ông sinh hạ được sáu người con và đặt tên là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Hiếu. Dài dòng như vậy là để trình bày không khí và giáo dục gia đình nhà thơ, thấm nhuần nho giáo, một mảnh đất mới đang hấp thụ đức tin Ki Tô giáo, đang dần dần thấm nhuần ơn trìu mến. Tôi là trăng cổ độ
Lượng trời rộng bao la
Phải, lòng chàng là bến đợi. Trong những kích thước mông mênh ; có thể là một trời thu man mác ; có thể là hàng cau nắng mới lên ; thường thường là một đêm trăng sao đắm đuối. Vâng, như đón từ xa. Như đợi từ xa : Cho ta nhận thấy không đền đáp
Ơn trọng thiêng liêng xuống bởi trời
. Nhưng chàng đã đền đáp. Bằng tất cả. Đau thương : tiếng Thơ và cuộc Sống. Chàng đã đem cuộc đời để trả lời ơn phước cả đang ngân vang trong màu nhiệm phủ ban đêm, một tiếng gọi của thượng tầng không khí. Từ lúc nhận điềm có tiên tri thì vũ trụ trong Gái Quê và nhũng bài Đau Thương đầu tiên nhuốm ý thức nguyên tội, người lương sẽ gọi là mặc cảm tội lỗi. Những bài đó gợi cảm giác có tội trước khi phạm lỗi. Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh đồng ý rằng tập Gái Quê thiên về dục tính ; có lẽ ta cần minh định thêm về khuynh hướng ấy. Một người chỉ xin hoa đền ngựlòng ni cô thì dục tính… đi tới đâu ? Tôi xin giải thích thêm về điểm này : Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Tại sao trăng lại phải thẹn thò ? Thẹn thò là cảm giác của Adam và Eva khi lấy lá che thân lánh mặt Đức Chúa Trời (“Gen III, 7-8”) sau khi ăn trái cấm. Họ thẹn thò vì phạm lỗi. Còn Trăng việc gì mà phải thẹn thò nhất là khi mới lớn lên ? Sự thẹn thò của thân thể, con người đã thừa kế của Adam, cho nên ta mới có thể nói : không khí rạo rực trong Gái Quê là di sản của nguyên tội. Những câu thơ mà Vũ Ngọc Phan cho là “gợi tình, thiên về xác thịt”[15] là một dục vọng, nhưng đồng thời cũng là một cấm đoán, một lãnh cảm : Da thịt trời ơi trắng rợn mình Hàn Mạc Tử nhắc đến tình ái của ni cô, hay da thịt của nàng dâu để gợi lên cái vô tội của con người trong một thế giới đã hư hỏng vì nguyên tội, mà mình phải gánh chịu. Ngay trong giáo lý, dục tính, tự nó, không phải là tội lỗi : “Đó là một căn bệnh, chứ không phải tội lỗi. Tuy nhiên căn bệnh đó là hình phạt của tội lỗi”[16] tác giả muốn nói đó là nguyên tội ; và “dục tính, bản năng sinh lý như ta thường thấy là tiếng gào phản kháng của một hình hài bị thương tổn”[17] Nhà thơ dự phóng những rạo rực của bản năng ra ngoài vũ trụ ; cái nhìn của chàng vuốt ve, mơn trớn với yêu thương, tất cả tạo vât. Từ ánh trăng, đến cành liễu, mặt hồ, cơn gió, cho đến bài thơ của người yêu, tất cả đều nồng nàn da thịt, tất cả đều tương giao trong nguồn ái ân ràng rịt trăm giây quyến luyến : Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Cây lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi
Dục tính trong đoạn thơ nằm trước hết trong cách chọn chữ gợi tình, khi đi đôi với nhau như trăng và gió, trong thành ngữ phong nguyệt hay gió giăng. Hoặc trăng và hoa, hoặc liễu và hoa ; trong những hình ảnh nguyệt hoa hay ghẹo nguyệt trêu hoa, hay liễu ngõ hoa tường. Hay hình ảnh “nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng” trong thơ xưa.
Đoạn thơ lại khêu gợi bằng những hình ảnh táo bạo đến suồng sã như nằm sóng soải, lả lơi, ngây tình ; cuối cùng cơn mê đắm còn biểu lộ trong những ý tưởng lộ liễu. Tất cả những chữ, hình ảnh, ẩn dụ, những ý tưởng đó giao thoa thành một không khí lả lơi, vừa cợt nhả vừa tinh tế, tuy có suồng sã nhưng không phải là không khéo léo. Thơ gợi dục tính của Hàn Mạc Tử, cùng với thơ Bích Khê, bạn thân của Hàn, dường như là môn đệ, có lẽ táo bạo bậc nhất trong thi ca mới ; cái tài tình của Hàn, khác với Bích Khê, là táo bạo đến đâu vẫn còn nét ý nhị. Một cử chỉ, câu nói sống sượng khi tự nó, nó nói hết những điều muốn nói, và đôi khi còn nói luôn những điều không nói. Ở Hàn Mạc Tử – ít ra ở những bài còn lưu truyền đến ngày nay – dù hở hang đến đâu, vẫn còn úp mở của một ngôn ngữ ý nhị và tình tứ. Chúng ta không còn những bài thơ như Hát Giã Gạo trong tập Gái Quê đã làm cho Vũ Ngọc Phan “lợm giọng”, nhưng dù muốn hay không, ta phải công nhận nhà thơ có một quan niệm luyến ái thánh thiện, lành mạnh đến bệnh hoạn : Cho nên tôi tưởng tối tân hôn
Chưa tới, còn xa để được buồn
Để sống trong niềm thương nhớ đã
Để còn mường tượng đến giai nhân
Đọc Hàn Mạc Tử ta có cảm giác một sự giằng co giữa con người phóng túng và con người khắc khổ ? Cái giọng tình của Hàn, dù có cợt nhã, cũng chỉ tả một thứ tình hàm thụ, lối ái ân không tưởng, trong môi giới giữa nhân sinh và tạo vật. Nói gọn hơn, nó không thể thỏa mãn, trong một thế giới không tự mãn. Vì vẫn còn là một thế giới đợi chờ Điềm Lạ, trong lòng vũ trụ còn say chìm nơi bất giác, nhưng đã được các tiên tri chuẩn bị để đóng mừng Ngôi Hai. Hàn Mạc Tử mô tả thế giới đợi chờ, trước hết bằng di sản hồn nhiên của một nền văn hóa ngoại đạo nhưng niềm nở và hướng thượng, thứ đến bằng đức tin nuôi dưỡng trong Phúc Âm ; hai phụ lưu sung mãn đó đã đổ vào hồn thơ Hàn Mạc Tử, như một dòng sông vừa nhận được cơn nước nguồn thác lũ bỗng phải vượt qua một địa thế hiểm nghèo : chứng phong nan y đã biến hồn thơ hồn hậu thành một cuồng lưu khốc liệt, nếu không phải là một vùng nước xoáy. Đau thương. Tên một tập thơ, và tên một định mệnh. Hay tiếng gầm rú của một cuồng lưu lâm vào tuyệt địa. Chúng ta nói qua sự đau thương trong cuộc đời. Rồi trong thơ. Hàn Mạc Tử nhuốm bệnh từ năm 1936. Hăm bốn tuổi, tuổi anh hoa đang phát tiết “Khi biết mình đang mang bệnh hiểm nghèo, Tử hết sức đau đớn, đau đớn đến phát điên. Thường ngày trong cơn thác loạn nổi dậy, khi nhiều khi ít. Nhưng ngày rồi ngày, nỗi đau khổ hết phát hiện ra ngoài một cách bồng bột, thì lại ăn sâu vào tâm hồn ngấm ngầm nung nấu nạn nhân, nung nấu đến tột độ”[18]. Hàn Mạc Tử nhiều lần mô tả những đau đớn của thân xác : Thịt da tôi sượng sần và tê điếng.
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Bên cạnh những hành hạ của bệnh trạng, Hàn Mạc Tử còn phải đương đầu với hai hậu quả khác của hoàn cảnh : nghèo túng và tuyệt vọng vì tình. “Hiện Trí về tạm ở nhà. Cái nguyên nhân là không tiền uống thuốc. Bữa nay Trí xuống nhà bà thầy thuốc rồi. Có một mái nắng rọi nhiều quá. Cả chiều nếu ở trong nhà thì phải đội mũ”[19] . Chúng ta còn có nhiều tài liệu khác về nỗi cùng khốn của nhà thơ qua những bức thư gửi Trần Thanh Địch, do Trần thanh Mại trích dẫn.
Về cuộc tình duyên đau khổ với Mộng Cầm, chúng ta cũng có nhiều tài liệu. Đại khái hai bên yêu nhau khăng khít, thề bồi dữ dội lắm, hẹn hò nhau từ Phan Thiết ra đến Qui Nhơn ; khi Hàn Mặc Tử chịu tang cho anh, thì Mộng Cầm tự xin phép được “thành tâm cư tang cho ông anh một năm cũng như anh, nghe anh” vì “người cầm bút biên mấy hàng trên đây là người em dâu chắc chắn, nhất định của anh rồi. Vậy ông anh nên phù hộ cho chúng em thương nhau cho đến bạc đầu”[20]. Khi biết chàng lâm trọng bệnh, thì nàng “thề” bồi lại một lần nữa đậm đà hơn”, để rồi sáu tháng sau nàng đi lấy chồng. Trần Thanh Mại cho rằng nàng không đáng trách, “duy có cái nàng lấy chồng hơi gấp đấy thôi”[21]. Quách Tấn cũng cho biết là thái độ của Mộng Cầm đã gây ra cho nhà thơ “một nỗi buồn thương vô hạn”, “một phản ứng mãnh liệt”, những tiếng kêu rên thống thiết”[22]. Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm,
Nhớ thương còn một nắm xương thôi,
Thân tàn ma dại đi rồi,
Rầu rầu nước mắt, bời bời ruột gan.

(Mộng Cầm tên thật là Huỳnh Thị Nghệ) Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói ?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn ?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng ?

Trần Thanh Mại, tr 95 Tiếng kêu trầm thống đó chất chứa cả kiếp cùng khốn vật chất lẫn tinh thần, cho đến ngày bị bệnh tàn phá đến thảm thê, theo như một người bạn, cùng bị hủi, kể lại “hai mắt nằm lọt vào sâu hai lỗ hũm sâu hóm, đến không còn mở ra được. Thân hình chỉ còn da bọc lấy xương, chân tay thì co rúm lại, mà đầu tóc thì bù xù rối trết lại từng về, trong ấy nhô nhúc những chí là chí” (thư của ông Nguyễn Văn Xê, để lại Qui Hòa ngày 25-6-1941)[23]. Chúng ta tưởng không có gì thê thảm hơn tình trạng băng hoại đó. Ấy thế mà Hàn Mạc Tử can đảm chịu đựng nữa là đằng khác : “tuy hơi cực khổ thế mà tôi vẫn an vui, ngày nào cũng có cười cả. Nếu không cười với ai, thì cười một mình, xem ra thú vị không biết mấy”[24]. Một tự tình chua xót. Niềm an vui kia, Trần Thanh Mại, người biết cuộc đời thật của nhà thơ cho là “yêu quái” là “kinh dị”. Còn Vũ Ngọc Phan chỉ biết Hàn Mặc Tử qua một số thi phẩm cũng không khỏi ngạc nhiên : “một người mang bệnh rất đau đớn mà có một tâm thần thư thái, bình tĩnh như thế, thật cũng lạ”[25]. An vui của Hàn Mặc Tử không phải là cay đắng, gượng gạo, có khi nổ tung ra trong những câu thơ hơn hớn : Hôm nay vui quá anh Phùng ơi
Buồn xa không đến lệ không rơi
Buồn không thắt ruột, tình không lại
Cười nói làm sao cho hả hơi ?

(Trần Thanh Mại trích, tr 122) Biết đâu là Đau thương giam cầm không kỹ, thoát lọt ra trong một biến trạng dị kỳ
Họ Trần cho là “quái gở, thật đáng rùng mình”. Sở dĩ ông không hiểu can đảm của bệnh nhân, có thể là ông không hiểu được sức mạnh của đức tin trong con người Hàn Mạc Tử. Khi đề cập đến vấn đề này, Hoài Thanh, cũng là người ngoại đạo, nhưng tinh tường hơn Trần Thanh Mại, thừa nhận ngay “Thiếu lòng tin tôi chỉ là du khách bỡ ngỡ”[26] còn họ Trần thì cứ phán đoán ầm ĩ cả lên. Nhưng nhờ có ông mà chúng ta có được một dữ kiện về đời sống tín ngưỡng của nhà thơ : “Trong khi sưu tầm tài liệu của nhà thi sĩ, tôi tìm thấy trong một nhà trọ của chàng, một mẩu báo dán trên khung cửa sổ tre, đã nhàu nát vàng vọt, và nhìn lối in chữ và hình ảnh tôi biết ngay là báo Vì Chúa. Đoạn bài đăng trên mẩu báo ấy nói về nguồn an ủi trong bệnh tật cho rằng sự đau ốm là do đức Chúa Trời ban xuống cho ta, để thử lòng ta, nên chẳng những là ta phải chịu một cách nhẫn nhịn mà còn nên vui vẻ bằng lòng nữa”[27].
Căn cứ trên đoạn này tôi cho rằng tác giả không mấy thông thạo giáo lý Gia- tô giáo. Nếu bài báo ấy có thật – Vì họ Trần mãi cho đến ngày nay ở Hà Nội vẫn có cái cố tật là ưa bịa đặt tài liệu.[28] – thì chúng ta tiếc rằng họ Trần không trích dẫn chính xác, cho biết rõ xuất xứ, tìm xem báo Vì Chúa số mấy, ngày mấy, hoặc ít nhất cũng cho ta nguyên văn. Vì theo kiến thức thô thiển của tôi, thì không có kinh sách nào dạy rằng “đau ốm là do Chúa Trời ban” và chúng ta phải “vui vẻ bằng lòng”.
Nhưng vấn đề ở đây không phải cãi nhau về giáo lý, vừa ngoài phạm vi bài viết và thẩm quyền của tôi. Điều quan trọng là, Trần Thanh Mại đã nói, đức tin “đã ảnh hưởng tốt đẹp đối với chàng”. Quách Tấn xác nhận điều này : “Tử tìm được nguồn an ủi lớn nhất trong nguồn Đạo. Khi đã sống cùng Đạo thì tâm hồn Tử hết bị ray rứt dày vò”[29].
Chính nhà thơ đã kể lại một ngày bệnh tật của mình : “ Lại đọc kinh, lại ngâm thơ, lại làm thơ, lại nhớ, lại nằm. Buổi tối ăn xong, cũng vừa đi bách bộ vừa ngâm thơ một cách sung sướng nhất đời. Cả ngày chỉ ngâm thơ và đọc kinh là nhiều hơn cả. Ngày nào cũng như ngày ấy, không thấy buồn lắm, và ngày nào cũng mong mỏi một cái gì”[30].
Đối với Hàn Mặc Tử, Thơ là Đạo và Đạo là Thơ, Thơ đã đạt tới Đạo và Đạo để đi tới Thơ, hoặc như Hoài Thanh đã nhận xét chí lí “Thơ chẳng những ca tụng Thượng Đế mà cũng để nối liền người ta với Thượng Đế”[31].( Sau này có chuyên gia thần học đã lưu ý : danh xưng Thượng Đế không phù hợp với giáo lý Ki Tô giáo, mà là danh xưng thường gặp trong Lão giáo, mặc dù Hàn có câu “giàu sang hơn Thượng Đế.”) Thơ đưa về Đạo, là nẻo đường đưa đến Con Đường. Thơ là giải pháp tạm thời của Đau Thương, trong khi chờ đợi Đạo và Cứu Rỗi miên viễn. Ngày nào cũng mong mỏi một cái gì. Nếu Gái Quê, như tôi đã trình bày ở đoạn trên, là thế giới đợi chờ Điềm Lạ, đợi chờ Chúa Ra đời thì Đau Thương là một tâm hồn mong mỏi Ngày Chúa trở lại (“Mt” 24-22) Hàn Mặc Tử chấp nhận bệnh tật không phải là vì “do đức Chúa ban xuống” như Trần Thanh Mại đã nói ; nhưng trước hết vì nó là hậu quả của nguyên tội và thứ đến vì nó là phương tiện thân xác mà Chúa đã dùng để cứu thế. Linh mục Charles Journet, giáo sư Đại Chủng Viện Fribourg đã trình bày vấn đề một cách mạch lạc và nhất quán trong tác phẩm về thống khổ : “Chúng ta xem khổ ải của thân xác như một mãnh lực hợp – cứu- thế vì chúng ta dự vào đau đớn của Chúa Ki tô và trong sự tham dự của chúng ta. Như vậy không nên nói đến chấp nhận Đau Thương mà chỉ nên nói đến gia nhập vào công đức cứu rỗi ; chúng ta không chấp nhận (accepter) vì nó là một định luật của thể xác ; chúng ta thu nhận (adopter) vì nó nối liền bản thân Thiên – Chúa – hiện – làm – người.”[32] Đoạn trên rọi sáng lời truyền dạy của sứ đồ Saint Paul trong thư gởi cho người La-Mã : “Những khổ hiện tại không có nghĩa lý gì so với những vinh hiển phải được thể hiện trong mỗi chúng ta. Mỗi hình hài chờ đợi là một khát vọng sự thể hiện con cái đức Chúa Trời, với Mơ Ước được giải thoát ra khỏi hư nát, và đạt tới tự do vinh hiển của con cái đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng hình hài, đến nay vẫn rên xiết trong công trình thai nghén” (“Rom”, VIII, 18-32). Đau Thương hôm nay là thai nghén cho ngày mai, thai nghén một mùa Xuân như ý, Người Ki Tô giáo quan niệm đau thương như một huyền nhiệm, nhưng hữu hạn, trước Chúa Trời là một huyền nhiệm, vô hạn.
Tôi thành thật nghĩ rằng Hàn Mạc Tử đã bình an được trong Đau Thương – một hoàn cảnh thể xác, vật chất và tinh thần làm chúng ta rùng mình – là nhờ huyền nhiệm đó, nhờ sức mạnh của xác tín. Có lẽ xác tín đó, cộng với bệnh trạng, đã tạo một linh thị cho nhà thơ. Trần Thanh Mại và Quách Tấn đồng ý “là mỗi lần chàng chết đi sống lại (trong mấy năm bệnh chàng bị chết đi sống lại bốn đến bốn năm lần) và chàng đều cảm thấy có bà Thánh Nữ Đồng Trinh Maria đến cứu”[33]. Theo Quách Tấn thì bài thơ trứ danh “Maria ! Linh hồn tôi ớn lạnh” được viết khi Tử sống lại, trong cảnh đó[34]. Mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử ở Ghềnh Ráng – Quy Nhơn (hình Tuổi Trẻ) Dù cho rằng mộng mị chỉ là một biến thể của bệnh trạng, thì dưới ánh sáng của khoa phân tâm, ta có thể đi đến cội rễ của mộng mị, dù xa lạ đến đâu. Cội rễ ở đây, là xác tín trong tâm hồn Hàn Mạc Tử, người đã cam chịu hư nát để chuẩn bị cho một vinh hiển. Thật ra, niềm tin vào cuộc sinh tồn mai hậu, của linh hồn, ở một thế giới khác, không phải đặc biệt của Thiên Chúa giáo. Trong hầu hết các tín ngưỡng tự nhiên của dân gian, nước nào cũng vậy, đều có mầm hy vọng của một đời sống khác. Chỉ nói đến vòng đai tôn giáo chung quanh địa lý Thiên Chúa giáo, chúng ta có thể kể đến tư tưởng Assyrien, Babylonien, và nhất là Ai – Cập, đều có niềm tin đó, như muốn : ra không gian và vượt hẳn thượng tầng. Đức tin của Hàn Mạc Tử không phải ở chỗ mong hồn tới tấp ở ngoài kia vũ trụ, mà ở chỗ tìm gặp Một Người ở cõi quá thinh gian ; Hàn Mạc Tử tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thực, không phải vì chiêm bao đẹp hơn sự thực và “ứ đầy khoái lạc”. Mà chỉ : Vì có đấng hằng Sống, hằng Ngự Trị
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp hư linh
Bài “Ngoài vũ trụ”, mà tôi đã trích các câu trên, tiếp theo hai bài “Hồn lìa khỏi xác” và “Siêu thoát” soi sáng ý nghĩa của những bài Đau Thương và báo hiệu cho Quần Tiên Hội, Cẩm Châu Duyên và Xuân Như ý.
Vậy ta có thể đề cập đến một kiến trúc trong thi phẩm của Hàn Mặc Tử không ? Chúng ta biết rằng sự sắp xếp thứ lớp trong tuyển tập Thơ Hàn Mạc Tử, 1942 hay 1959, không phải do thi sĩ, mà những người phụ trách tái bản thơ ông, tức là Quách Tấn hay Hoàng Trọng Miên gì đó. Do đó, không ai dám dựa trên trật tự cụ thể của tập thơ để nói đến kiến trúc, như Marcel Ruff đã nói về “kiến trúc bí mật, architecture secrète” khi trình bày nhất quán thi phẩm Hoa tội lỗi, Les Fleurs du Mal của Baudelaire. Tôi vẫn theo lối sắp xếp trong ấn bản Tân Việt, 1959, vì nói chung nó phản ánh thứ tự biên niên trong quá trình sáng tác ; tôi nghĩ không ai bác bỏ thuyết cho rằng Gái Quê sáng tác trước Đau Thương, Xuân Như Ý ; và Cẩm Châu Duyên, Duyên Kỳ Ngộ sáng tác sau cùng, thời kỳ nhà thơ biết Thương Thương. Nhưng dù sao chúng tôi cũng dè dặt mong các nhà biên khảo sau này có nhiều sử liệu chính xác hơn tôi, sẽ đào sâu cơ cấu mạch lạc của vũ trụ Hàn Mạc Tử, trên bình diện này hay bình diện khác, hoặc trong nguồn sáng tạo toàn diện thì càng nghiêm túc. Khi đề cập đến kinh nghiệm đau thương của Hàn Mặc Tử tôi tiếc chưa được đọc bài của Võ Long Tê, một chuyên gia về văn chương Thiên Chúa giáo, về vấn đề này ; nghe nói bài sắp sửa đăng báo, tôi đợi hoài chưa thấy. Tôi cần nói thêm : không riêng gì Phúc Âm, những tín ngưỡng khác của người Á Đông cũng tìm một giải đáp cho đau thương ; Phật giáo thì cho đó là những đợt sóng triền miên của Mê hà hay Khổ hải ; Lão giáo thì cho đó là định luật của Vô Tri. Cái can trường của nhà thơ là do đức tin vững chắc của Đấng Cứu Thế, và đức tin đó đã được bồi dưỡng trong cái Dũng của triết lý Đông phương lẫn cái kiên trì trong lòng dân tộc. Nói đến xác tín của Hàn Mạc Tử không phải là tôi không biết (hay tệ hơn nữa, tôi không nhớ) đến những giá trị bằng hữu kia. Khi suy nghĩ về khổ lụy của nhân sinh, tôi đọc lại kinh thánh Coran của Hồi giáo thì có cảm giác, hời hợt thôi, như là họ không chấp nhận khổ đau như người Ki-Tô giáo hay người Á Đông, vì họ cho là do sự hành hạ của Chúa Trời. Vậy trong Hàn Mạc Tử có sự giao hòa giữa đức tin tôn giáo sung mãn và một tâm hồn dân tộc niềm nở, tạo ra nguồn thơ hết sức sâu xa. Trong tinh thần Phúc Âm, có thể Hàn Mạc Tử đã sống trọn vẹn Đau Thương của hiện thế, trước hết vì đó là phương tiện Chúa dùng để Cứu Thế, thứ đến để chuẩn bị cho vinh hiển mai sau, như lời giảng trên núi, sửa soạn cho Ngày sống lại với Đấng Hằng Sống, hằng Ngự Trị. Nhưng trên bình diện sáng tạo, quan niệm Đau Thương đó đã thể hiện ra sao ? Tôi tiếc là không được đọc bài báo của Lê Tuyên về những chủ đề trong thơ Hàn Mạc Tử, đăng trên tạp chí Đại học Sư phạm cách đây bảy tám năm gì đó. Nay tôi đề cập vài hình tượng quen thuộc trong thơ Hàn Mạc Tử như Trăng, Máu, và Hồn. Trăng ! Trăng ! Trăng ! Là Trăng, Trăng, Trăng ! Đó là điệp khúc độc điệu của một ngư phủ, theo lời kể của Quách Tấn. Đó cũng là khúc nhạc lòng của nhà thơ. Trăng là một thứ ánh sáng vừa nội tâm, vừa của ngoại giới ; ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới tương quan giữa những hình ảnh thi ca và đức tin. Ảnh hưởng của đêm trăng đối với bệnh phong đã được ông Trần Thanh Mại triển khai đầy đủ. Còn nét quyến rũ muôn đời của ánh trăng đối với thi nhân thì viết bao nhiêu pho sách cũng còn điều chưa nói. Nhưng không thể nói thơ Hàn Mạc Tư mà không đề cập tới trăng, vì theo Trần Thanh Mại thì hai phần ba của tập Đau Thương nói về trăng, nửa phần còn lại nói về hồn[36]. Trăng, trước hết là ánh sáng tràn ngập cả vũ trụ Hàn Mạc Tử Gió ùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông chảy láng lai
Trăng là thứ ánh sáng êm dịu, mầu nhiệm phủ ban đêm, tương phản với ánh sáng chói chang bỏng rát của mặt trời nhiệt đới. Trăng tạo thi vị cho bóng tối tại những vùng nông nghiệp có sinh hoạt về đêm, và như Xuân Diệu kể, thì có “trăng của tình duyên, trăng của xa xôi, trăng của ảo huyền” và của “những đền đài mỏng thoáng”. Văn học của chúng ta từ xưa đến nay, vẫn le lói những ánh trăng bất tận. Tôi không dài dòng về địa hạt rộng rinh không bến này, chỉ muốn đề cập đến khía cạnh tượng trưng của ánh trăng trong giáo lý. Trăng trước hết là ánh sáng, một chủ đề rọi suốt mặc khải Kinh Thánh, từ ngày thứ nhất của sáng thế, khi đức Chúa Trời phân định ánh sáng và bóng tối, (“Gen” I, 3-4), cho đến chương cuối cùng của “Khải Huyền”, khi con người, trong trời đất mới, hưởng được một ánh sáng miên viễn (“Ap.” XXII,5). Như vậy thế giới di chuyển từ một vùng ánh sáng tương đối, ánh sáng vật chất đối với bóng tối ban đêm, đến một ánh sáng tuyệt đối, ánh sáng vĩnh cửu ngay trong chân thân Thiên Chúa, vì “Ngài là Sự Sống mà Sự Sống là Ánh Sáng” (“Jean” I, 4). Và quá trình từ tương đối nọ đến tuyệt đối kia là sự phấn đấu không ngừng giữa ánh sáng và bóng tối, tựa hồ như một cuộc phấn đấu giữa nguồn sống và cõi chết. Ở Hàn Mạc Tử, ánh trăng là một thứ Ánh Sáng đang tương tranh cùng Bóng Tối, trong một tư thế bi thảm, khác với mặt trời là chiến thắng – dù là tạm thời – của Ánh Sáng Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô
Mâu thuẫn tâm cảm của nhà thơ là vừa yêu bóng đêm – vũ trụ Hàn Mạc Tử là một vũ trụ về đêm – vừa yêu ánh sáng, và vươn tới một nguồn chói lọi Ta ước ao đội mũ triền thiên
Và tắm gội trong nguồn ánh sáng
Sự thật mâu thuẫn đó nằm trong những hình ảnh đa nghĩa của Kinh Thánh, vì bóng tối cũng là một sáng tạo của đức Chúa Trời. (“Gen” I, 1-2) Từ điển Giáo lý Kinh Thánh khai triển điểm tế nhị này như sau : “Bóng tối tượng trưng cho một kinh nghiệm kép : hoặc nó xác nhận không có ánh sáng, hoặc bao hàm sự hiện hữu của ánh sáng. Con người muốn có ánh sáng tràn đầy nhưng tìm đến bóng tối ; Chúa là ánh sáng, là lửa bỏng, mà cũng là bóng mát ; Kinh Thánh lý theo sự đa nghĩa đó”[37].
Chúng tôi muốn đề nghị một ý nghĩa mới của ánh trăng. Ở Hàn Mac Tử trăng là sự tương tranh đồng thời tương ứng giữa ánh sáng và bóng tối, vừa tương khắc vừa tương sinh. Trăng là Bóng Tối hết là Bóng Tối và Ánh Sáng chưa đủ là Ánh Sáng. Trong biện chứng Sáng – Tối đó, tâm hồn Hàn Mạc Tử vẫn được xác định bằng Ánh Sáng, tức là “con người của Ánh Sáng” khác với con của bóng tối hay “con của Hiện Thế” (“Luc”, XVI, 8). Vậy nhà thơ là Ánh Trăng, vì chàng là con của Ánh Sáng Không gian đầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
Vì, bên dưới bình diện siêu hình, về mặt đạo đức, vẫn phải có sự phân biệt giữa bóng tối và ánh sáng (“II Co XI”,14) Và tình ta sáng láng như trăng thanh Thỉnh thoảng người đọc gặp một vài hình ảnh của Kinh Thánh để tả trăng, như Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi lại đỏ hường
(Trần Thanh Mại trích) Vì liên tưởng ngay đến một câu của “ Thi Thiên” (104, 2) Chúa bao phủ mình bằng “ánh sáng như cái áo”. Nhưng có lẽ chỉ tình cờ. Trăng trong Hàn Mặc Tử không những là một thứ ánh sáng ảo huyền, thường rạng rỡ. Nó có hình có trạng, như một vật cụ thể khả xúc. Có khi một món hàng – ai mua trăng ta bán trăng cho – có khi là châu báu, là hơi nước chảy, hay là một người đàn bà, mà tôi mường tượng phải đẹp lắm trong nhan sắc làm bằng Ánh Sáng và Im Lặng Tôi lần cho Trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời

(Trần Thanh Mại trích) Và nói chung, trăng là hồn, là máu cuả bóng đêm : tôi có nói đến ba chủ đề, kỳ thật chỉ là ba tiết diện của một thế giới : Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra

(Trần Thanh Mại trích) Hình ảnh máu hoặc nhỏ từng giọt, hoặc ọc từng búng, hoặc đọng thành vũng, hoặc chảy thành sông, có lẽ là dấu hiệu của bệnh lý. Ý nghĩa của máu là cuộc sống, vì máu mang đến sinh lực đến cho mỗi tế bào, mà đồng thời cũng là cõi chết, khi đã khô, đã đọng thành vũng máu đào trong ác lặn. Về hình ảnh máu vẫn thường gặp trong thơ Baudelaire, Jean-Piere Richard viết : “Sự xuất huyết thiêng liêng ở chỗ hội tụ cuộc sống hiển nhiên và cái chết tàn nhẫn”[38]. Máu là cuộc sống đang chết, hay là cái chết tiềm ẩn trong cuộc sống. Máu là hồn của thể xác mà cũng là xác của linh hồn.
Nói khác đi, máu là thơ : Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng trong máu vọt
Cho mê man chết điếng cả làn da
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh

(Trần Thanh Mại trích) Máu, cũng như thế, vừa là hành hạ, vừa là giải thoát. Chúng ta vẫn thường gặp hình ảnh máu trong Kinh Thánh : máu là nguyên lý sự sống, nhưng khác với linh hồn ở chỗ máu là thành phần hư nát của cơ thể, còn linh hồn vẫn tồn tại đợi ngày Phục Sinh[39]. Từ máu Cứu Thế trên Thánh Giá đến máu chiên con, hình ảnh của đau đớn, của hư nát lại là hình ảnh của Hy Vọng ; máu của chúng sinh tuy không vào được nước đức Chúa Trời (I, XV, 50) vẫn là một môi giới, một phương tiện, một ánh sáng, một thẩm mĩ : Và ai gánh máu đi trên tuyết
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang
Trong bài “Biển hồn ta” bắt đầu bằng câu Máu tim ta tuôn ra làm biển cả…, người đọc có cảm giác như máu và hồn là một, hay máu là hồn của xác thịt còn thể phách là hồn của toàn cơ thể, vì chính nhà thơ cũng phân biệt hồn ngoài và hồn trong : Hồn hãy thoái ly ra ngoài tâm tưởng
Là hồn đừng nghĩ ngợi đến hồn trong
Cứ để mặc hồn ngoài bay lưởng vưởng
Ngao du cùng khắp cõi trí mênh mông
…Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã
Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa
Đã là hồn rồi mà còn có tử thi nữa sao ? Lại còn ngắm được tử thi của mình nữa sao ? ở đây, ngoài sự phân biệt “hồn” và xác cố hữu trong tiềm thức người Việt Nam, ta còn phải ghi nhận thêm ảnh hưởng phong thổ vùng từ Qui Nhơn đến Phan Thiết nơi Hàn Mặc Tử sống, vùng đất của người Chàm. Nhà thơ thế nào cũng nghe chuyện ma Hời đêm đêm lìa khỏi xác đi chơi hay ăn đêm, và đã nhớ đến những chuyện đó trong cơn mê sảng bệnh hoạn. Nhưng trong Thánh Kinh, nhất là Cựu Ước, chúng ta còn bắt gặp dấu tích sự phân biệt đó, bắt nguồn tư tưởng Do Thái giáo, Thân thể, tiếng hebreu (Do Thái) gọi là basar, dịch ra la-tinh là caro, thành tiếng Pháp là chair, xác thịt. Xác thịt, nếu không có sinh khí, chỉ là một “tử thi”. Hơi thở của Jahweh đã hà sinh khí vào xác thịt, nhưng chỉ tạo nên một quân bình mong manh : “thần khí của ta sẽ không lưu lại mãi trong loài người, vì loài người chỉ là thân xác” (“Gen VI”, 3) ; vậy trong tư tưởng Do Thái giáo, chẳng những hồn và xác khác biệt nhau, mà hồn là thần khí mà Chúa Trời ký thác vào thân xác con người đó thôi, chứ không hẳn của con người. Do đó, khi chết, Chúa Jésus đã nói “Thưa Cha, trong tay Cha con trả lại linh hồn”, (“Luc XXIII”, 46) và Huy Cận đã nhắc lại trong câu “Lạy Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại, Linh hồn tôi…” Linh hồn đó, là cái thần khí của Jahweh nay trở về với Jahweh, chứ không phải là cái hồn lìa khỏi xác của Hàn Mạc Tử. Hồn này lại là một chuyện khác, một biểu hiện của sự sống ; hồn này có thể chết, có thể hư nát như thịt xương (“Ps”, 78, 50) lang thang xuống âm ty sống đời khổ ải, cho đến ngày Chúa trời cho lịnh hồi sinh những đống xương tản mác[40]. Trong những lời truyền dạy của Thánh Tự, Hàn Mạc Tử đã nhớ những chi tiết phù hợp với tâm hồn hay bệnh trạng mình nhất, nghĩa là sự phân biệt giữa hồn và xác, trong khi giáo lý Thiên Chúa về vấn đề này, phức tạp hơn nhiều. Vì nhà thơ, trong cơn hành hạ của bệnh lý dĩ nhiên là tìm cách giải thoát, dù chỉ bằng mê sảng Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập dần lên tới ngực
(tr. 53) Ở đây, ta bắt gặp hình tượng Trăng, Hồn và Máu dồn dập lại trong tương quan chặt chẽ : mà thơ khạc hồn ra khỏi miệng, hay điên cuồng mửa máu ra, hay ngậm cả miệng ta trăng là trăng, cả ba hình ảnh đều oà vỡ từ thân xác, và từ thân xác Đau Thương.
Hàn Mạc Tử đã dùng thơ để sống trọn vẹn tín lý của mình. Chàng đã thấy hồn mình trong máu vọt, và hồn mình chính là máu đang tuôn trào lênh láng ; chàng đã ghi lại những cảm giác rùng rợn đó, bằng những hình ảnh ta đã gặp trong Cựu Ước : hồn trong máu (“Lv XVII”, 10) hồn là máu (“Lv XVII”, 14), một thứ máu luôn luôn vươn đến ánh sáng, như hình ảnh đức Chúa Trời chói chan trong tấm áo dệt bằng ánh sáng trong “Thi Thiên” (104, 2) và đẫm máu chiên con trong “Khải Huyền” (XIX, 13). Máu chiên con trở thành ánh Sáng, và chiên con là ngọn đèn bất diệt của Jérusalem mới. Do đó, tôi nói Hồn, Máu và Trăng chỉ là ba màu sắc chiết quang của một ánh Sáng Duy Nhất. Người đi trong Mơ Ước. Trong mơ ước, Hàn Mặc Tử đã gọi Ánh Sáng Khải Huyền đó là Xuân Như ý. Cho mau lên ! dồn ánh nguyệt vào đây…
Đưa ra, nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm…
Vẫn là chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao !…
Phải mời cho được Xuân Thiên ra đời
(tr. 65) Như vậy Xuân Thiên ở đây phải là một mùa xuân khác. Không còn là mùa xuân phảng phất ngày xưa trong làn nắng ửng khói mơ tan. Tuy là trời hạo nhiên trong thế giới đợi chờ của Gái Quê : màu nhiệm của đấng Vô thỉ Vô chung, nhưng là một thế giới hư nát, sẽ vỡ lở, sẽ chấm dứt. Vì công trình châu báu của Thiên Chúa, sau khi con người tự dấn thân vào tội lỗi, cũng đồng thời là sự phẫn nộ của Thiên Chúa ; mặt đất, nguyên là Quê Hương của loài người đã trở thành cõi Lưu Đày, không còn là vườn Địa Đàng long lanh nhũ hương và bích ngọc, cũng không phải là Đất Hứa óng ánh sữa thơm và mật ngọt ; trên mặt đất, lúa tốt còn mọc lẫn với cỏ hoang, trái lành ửng chín trong gai bụi, và lương thực loài người còn trộn lẫn cát bụi với mồ hôi.
Và con người không những thịt da sượng sần và tê điếng mà còn nứt nẻ như muốn tan rã ra cùng vũ trụ, làm cho mê lẫn máu và hồn ta là ta hay không phải ta. Thế giới hiện tại, tuy vẫn có thanh sắc, nhũ hương, vẫn mang sẵn mục nát trong mầm sống. Và mầm sống đó, có sung mãn đến đâu, thì nhà thơ vẫn lòng thương chưa đã mến chưa bưa, nên phải mời cho được Xuân Thiên. Chúng ta chưa quên được Người đang say sưa đi trong Mơ Ước đã gặp ở bài tựa Đau Thương. Vậy Xuân Thiên đây là niềm mơ ước ở sự tồn sinh sau cõi chết, sẽ được phục hồi trong cảnh trời mới đất mới, rạng ngời trong danh Cha cả sáng. Những thi phẩm cuối cùng của Hàn Mạc Tử như Xuân Như ý gom góp xong đầu năm 1939, Thượng Thanh Khí đầu năm 1940, gồm hai vở kịch thơ Duyên Kỳ NgộQuần Tiên Hội viết dở dang, đều nói lên niềm Mơ Ước đó. Trong bài này, tôi tạm xếp ba tác phẩm trên cùng những bài cuối tập Đau Thương vào chủ đề Xuân Như ý, cho gọn, và như một giai đoạn trong thi trình Hàn Mặc Tử. Mùa Xuân Thượng Thanh, đó ra sao ? Về chủ đề mơ ước trong Thánh Kinh, một chuyên gia về giáo lý Thiên Chúa nhận xét : “Cuộc sống vĩnh viễn được xác nhận rõ rệt bao nhiêu, thì những đường nét của nó lại mờ nhạt bấy nhiêu. Không những mờ nhạt, mà đôi khi còn thiếu sót. Sự tồn sinh không được mô tả, dù dưới những hình ảnh khải huyền”. [41] Lẫn trong mơ hồ đó, nhà thơ tha hồ mà tưởng tượng quang cảnh trời đất mới. Nếu Xuân Như Ý mang nhiều hình ảnh dựa theo tín lý Thiên Chúa giáo, thì Cẩm Châu Duyên lại gần với huyền tượng của dân gian phảng phất không khí thần tiên của Đạo giáo – một thứ Đạo giáo bình dân, không ăn thua gì đến tư duy “đạo khả đạo” của Lão Tử. Vì vậy Hoài Thanh cho rằng Hàn Mạc Tử “chốc chốc lạc vào thế giới đồng bóng”. Thật ra trong cái hoa hoè của dự tưởng, nội hàm nòng cốt của Xuân Như ý vẫn là một tín điều Thiên Chúa giáo. Trước hết đó là một mùa Xuân. Nghĩa là một thế giới mới, một khung cảnh tái tạo, như cảnh thành Jérusalem mới được thánh Jean rao truyền ở chương cuối Phúc Âm, Trời mới đất mới được dựng lên trên cảnh trộn trạo, tán loạn của ngày tận thế. Cả vũ trụ tàn theo ngày Phán xét
Là khủng khiếp cả Trời Đất tiêu diệt
(tr.60) Mùa Xuân đó ở xa, ở thật xa nếu nhìn từ thế giới hồn nhiên của Gái Quê Cửu Trùng là chốn xa xôi ấy
Chim én làm sao bay đến nơi
(tr. 37) Nhưng kinh nghiệm Đau Thương, kinh nghiệm của xác tín trong khổ não, đã chắp lên thân xác nứt nẻ của nhà thơ đôi cánh phượng hoàng. Bằng những bất hạnh, Hàn Mạc Tử đã đến gần với Chúa và gần với mùa xuân Mơ Ước hơn là cánh én bơ vơ : Phượng trì ! Phượng trì ! Phượng trì ! Phượng trì !
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bây giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang
(tr. 37) Trong bài “Thánh nữ Đồng Trinh Maria” này, với nguồn rung cảm mãnh liệt của đức tín, nhà thơ đã sống cả thế giới hiện tại lẫn mùa xuân dự tưởng, đã nói đến cơn lậm luỵ đã trải qua dưới thế như là một quá khứ. Và trong đức tin này, nhà thơ đã vẽ cho ta địa hình của Đất Mới, trong bài tựa tập Xuân Như Ý : Vì chưng muôn xuân là lương thực ngon ngọt, mĩ vì, ánh xuân là nguồn tơ tưởng thơm tho tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầmnguyệt mê ly, tuổi xuân làNgọcnhưý,tênxuân là dạ lan hương. Và xuân là phong vị thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời, chân lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà Sa, chen lẫn vô tận hồn tạo vật… Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao danh Cha cả sáng…(tr. 66) Chúng ta thử khai triển vài nét chính của Xuân Như Ý. Chúng ta đã thấy đó là mùa xuân hồi sinh,sau khi “Trời thứ nhất, đất thứ nhất tan biến”. (“Ap. XXI”,2). Như đặc biệt mùa xuân này nảy lộc từ mùa đông, nhưng sẽ không bao giờ chuyển sang mùa hạ Mai nầy thiên hạ mới tinh khôi… Và sẽ còn tinh khôi mãi mãi, vì đã đi vào cõi tứ thời xuân non nước. Trong Cẩm Châu Duyên nhà thơ gọi là Xuân vô cùng đến ngàn năm ơn phước và mô tả như một tia sáng triền miên : Liên hồ đây bốn mùa xuân cả bốn
Ngát hương đưa trong gió sớm chơi vơi
Làm nước mát và chưa bao giờ gợn
Vết phong trần đưa lạ ở xa khơi

(Trần Thanh Mại trích, tr. 147) Đoạn cuối “Khải Huyền” truyền giảng rõ ràng. Đất Mới đây, là châu thân Thiên Chúa ; mùa xuân của Hàn Mạc Tử (trường sinh bất tử năm của muôn năm, vì ở “Khải Huyền”, Chúa đã kết luận : “Ta làm mới mọi vật. Ta là Alpha và Oméga, là nguyên lý và cực chung”. (“Ap. XXI”, 5-6) Xuân Như Ý tiếp đến là một vũ trụ thơm tho và tinh khiết vì là càn khôn mới dựng lên. ở đây, nhà thơ như rợn ngợp trong trinh nguyên của Đất Mới, mà tượng trưng là con chiên con vô tật và vô tội, làm ngọn đèn trinh bạch rọi sáng cả hoàng thành. Thi sĩ vội nguyện cầu gội rửa : Tôi van lơn thầm gọi Chúa Giê Su
Ban ơn xuống cho mùa Xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
(tr, 74) Và để ngợi ca vinh hiển của Nguồn thơm, nhà thơ đã cao ngâm giọng long lanh, thanh thoát : Ta cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương
(tr. 70) Theo Hoài Thanh – người may mắn hơn chúng ta, được đọc toàn bộ thi phẩm – thì Cẩm Châu Duyên, thi phẩm cuối cùng, là “trong trẻo hơn cả” [42[. Âu cũng là chuyện lạ. Gái Quê, từ ban sơ, đã là một dòng suối rừng vẩn đục, rồi chảy qua một cuộc đời khổ ải, chuyên chở không biết bao nhiêu trần luỵ, ấy mà dần dà lại gạn lọc hết phù trầm, để đổ ra đại dương bằng một giải Cẩm Châu trong vắt. Thật là một đặc điểm trong thẩm mĩ thi ca. Đất Mới còn là một xứ rực rỡ, cao sang, vì xuân mang tên một loài Ngọc : Ánh hào quang chan chói ngắt lưu ly
Ôi ! Cao sang khôn ví, trọng ai bì
Trên nước cả có vô vàn châu báu
(tr. 67) Những hình ảnh tráng lệ như gấm, ngọc, trân châu, thất bảo, nhũ hương, mộc dược đều muốn gợi lên vinh hiển, như khi sứ đồ tả thành Jérusalem mới trong “Khải Huyền” : “Thành ấy chói sáng như một viên bửu thạch, như bích ngọc rạng ngời… Tường thì xây bằng bích ngọc, thành thì xây bằng vàng ròng, tợ như thuỷ tinh trong vắt. Mười hai cửa thì làm bằng mười hai hột châu” (“Ap. XXI”, 11, 18 và 21). Dựa theo “Khải Huyền”, tôi cho rằng những đền đài dự tưởng trong Hàn Mạc Tử là một phóng thể của đức tín Thiên Chúa, vì cảnh Bồng Lai của Á Đông, cảnh thần tiên của Đạo gia không có cái huy hoàng rực rỡ đó. Cuối cùng Xuân Như Ý là một thái hoà tuyệt đối, trong không gian và thời gian, thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời. ở đó, trời thì bình an như nguyệt bạch, còn người thì hoàn hảo, no nê nhờ trái cây bằng ngọc, vỏ bằng gấm. Còn nói chung : Thiên hạ thái bình và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian
(tr. 71) Ở đây, sầu đau chìm trong quên lãng. Đất Mới không còn cảnh “chết chóc, than khóc, kêu ca hay đau đớn nữa” (“Ap. XXI”, 4) vì những lậm luỵ dưới thế đã qua. Ở đây tất cả đều là ánh sáng. Và ánh sáng là linh thị cuối cùng bao trùm trọn vẹn thi trình Xuân Như Ý, đồng thời rọi lại toàn bộ tác phẩm Hàn Mạc Tử như một Thánh thể kết tinh triền miên vươn tới ánh Sáng, vươn tới ánh hào quang chan chói ngất lưu ly. Hay trở về Ánh Sáng. ở đây, chúng ta đi sâu vào ngõ ngách cuối cùng trong đức tin Hàn Mạc Tử : Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên
Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng
Tôi sẽ dừng lại ở đây, dừng lại ở hình ảnh Nguồn Ánh Sáng, vừa là một vươn tới, vừa là một trở về. Mùa Xuân Như Ý đẹp trước hết vì là Xuân thứ đến vì nó là Như Ý, nó đưa con người về với Chúa, về với Nguồn. Vậy Nguồn Ánh Sáng ở đây là Alpha và là Oméga, vừa là cội rễ vừa là cứu cánh con người. Và cấu trúc thơ Hàn Mặc Tử do đó gói ghém cả mặc khải Thánh Tự lẫn lịch trình Cứu Rỗi. Tôi có cảm giác đã làm xong một bài luận mạch lạc. Bây giờ là kết. Tham vọng bài này là đề nghị một lối nhìn nhất quán vào tác phẩm Hàn Mặc Tử trong giới hạn những bài thơ còn lưu truyền, nghĩa là trên một sự nghiệp bị thời gian cắn xén. Khai quật cấu trúc nội tại của sự nghiệp đó, chúng tôi lại còn mong ước rọi sáng những bài, những câu thơ mà các nhà phê bình xưa nay, từ Trần Thanh Mại đến Vũ Ngọc Phan, cả thi sĩ Quách Tấn đều cho là khúc mắc. Theo chúng tôi, hiểu tất cả các câu thơ, các bài thơ trong một tập thơ, chưa hẳn đã là hiểu toàn bộ tập thơ, ít nhất cũng đối với người viết phê bình. Chúng ta còn phải hiểu liên hệ nội tại trong mỗi tập thơ để nắm vững cơ cấu sáng tạo của thi sĩ – ít ra cũng trong chủ quan người đọc. Liên hệ nội tại đó, tôi đặt trên đức tín của Hàn Mạc Tử. Tôi cũng có thể đề nghị một nền tảng khác ; tôi chọn chủ đề này với một dụng ý : giải thích những nhận xét cố hữu của các nhà phê bình tiền bối vẫn cho Hàn Mạc Tử là nhà thơ Thiên Chúa giáo, mà không nói rõ, nói đầy đủ, tại sao. Các vị đó thường trích dẫn những bài thơ hay câu thơ có âm vang tôn giáo, có hình thức tín ngưỡng như Maria linh hồn tôi… rồi kết luận ; theo tôi, thì chưa đủ, vì một người không có đức tin cũng có thể kể rất nhiều tên Thánh, làm thơ ca tụng đấng Tối Linh, như ngày xưa các cụ Nguyễn Hữu Tiến hay Tản Đà nhắc đến Thượng Đế trong Quả Dưa Đỏ hay Giấc Mộng Con. Theo tôi, chúng ta chỉ có thể nói đến tín lý trong một tác phẩm khi toàn bộ tác phẩm đó tiềm ẩn đức tin trong cơ cấu. Nói khác đi, một người Thiên Chúa giáo chưa hẳn là kẻ đọc kinh vanh vách, mà là người đem trọn cuộc đời mình đáp lại lời gọi của ơn Trên, và một thi sĩ Thiên Chúa giáo không hẳn là kẻ tự xưng là thi sĩ của đạo quân Thánh giá (tr. 71) như Hàn Mạc Tử đã tự nhận, mà là kẻ đem cả sự nghiệp thi ca của mình âm vọng lại tiếng gọi của Thượng Đế. Và dĩ nhiên không phải là kẻ “dùng thơ để truyển bá tôn giáo của mình” như Quách Tấn nhận định ở trang 118 số Văn thượng dẫn. Do đó mà tôi cố gắng chứng minh toàn tập thi phẩm Hàn Mạc Tử là một tiếng vọng của Thánh Tự. Dĩ nhiên, trong tác phẩm Hàn Mạc Tử còn nhiều vết tích của một nhân bản Việt Nam. Tín ngưỡng Ki Tô giáo đã nảy mầm trên một nhân bản phiếm thần và đa giáo, thì nguồn thơ Hàn Mạc Tử không khỏi làm một lăng kính hội tụ rồi phát huy nhiều nguồn sáng khác nhau, và hỗ tương lẫn nhau, như Giáo hoàng Paul VI đã tuyên bố trên đài phát thanh Véritas chủ nhật 29-11-1970 vừa qua, nhân chuyến công du sang Á Đông : “Chúng ta đang ở một vùng đất mà những tư trào cổ kính của Đông phương và những trào lưu mới mẻ hơn Tây phương đã kết hợp lại và làm giàu cho nhau”. Và bạn đọc sẽ hoan hỉ nếu Quách Tấn thủ lời hứa “nói về đạo Từ bi trong thơ Tử” vì sẽ hiểu thêm một khía cạnh của thi phẩm, qua kiến thức uyên bác của tiên sinh về phương diện Phật lý cũng như tác phẩm Hàn Mạc Tử. Cuối cùng, viết bài này tôi cũng có hai hậu ý riêng tư. Trước là để giải một lời hứa với anh Trần Phong Giao từ hai năm nay ; một đề tài bao quát và hệ trọng như vầy đòi hỏi một suy nghĩ dài hạn, khiến anh Trần Phong Giao cứ trách tôi là “thề cá trê chui ống”. Thứ đến là hồi đầu năm nay, tôi có viết một bài điểm sách, về vở kịch Ngộ Nhận của Vũ Khắc Khoan. Bài đó đã gây nhiều hiểu lầm, nhất là trong những người thân của tôi, cho là tôi bất kính đối với tín ngưỡng ; nếu có hiểu lầm đó, dĩ nhiên lỗi về phần tôi, viết không khéo, nói không trọn, lời không thanh, ý không minh.
Vậy bài này viết vào mùa Giáng sinh, sẽ là một bổ chính cho bài trước, và cũng là lòng thành khẩn, của riêng tôi, nhân mùa Hy Vọng, là cánh hoa huệ từ một lưu vực xa xôi gửi về cho Quê hương Yêu dấu. . Val de Loire, 12-1970, bổ chính, nhân kỷ niệm 100 năm Hàn Mạc Tử, 22.9.1912 – 22.9.2012 . [1] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, III, 1942 – ấn bản 1951, n.x.b Vĩnh Thịnh, Hà Nội, tr. 325. Tái bản nhiều lần.
[2] Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam. 1942, Thiều Quang tái bản, Sài Gòn. 1967, tr. 204. Tái bản nhiều lần.
[3] Văn, số đặc biệt Hàn Mạc Tử, 73-74, ngày 7-1-1967, tr. 139.
[4] Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử, 1941,Tân Việt tái bản, Sài Gòn, 1957.
[5] Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 63-83.
[6] Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 141-148.
[7] Thơ Hàn Mạc Tử đều trích từ ấn bản Tân Việt, Sài Gòn,1959 – ấn bản này không đánh số trang, tôi dựa theo mục lục mà ghi số trang, để bạn đọc dễ kiểm chứng.
[8] Huỳnh Phan Anh, Văn số 73-74 đã dẫn
[9] Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 332
[10] Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 212
[11] Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 211
[12] Văn, số đặc biệt HMT, đã dẫn, tr. 120
[13] Jacques Dournes, Dieu Aime les Paiens, Aubier, 1963, tr. 149
[14] Văn, sđd, tr. 47
[15] Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 326
[16] J. E. KERNS. S. J, Les Chrétiens, Le Mariage et la Sexualité. Edit du Cerf, 1966, Paris, tr. 93
[17] J. E. KERNS. S. J, sđd, tr. 94
[18] Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 81
[19] Trần Thanh Mại, sđd, tr. 73
[20] Thư Mộng Cầm, do Trần Thanh Mại trích dẫn, sđd, tr. 94
[21] Trần Thanh Mại, sđd, tr. 95
[22] Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 88
[23] Trần Thanh Mại, sđd, tr. 193
[24] Trần Thanh Mại, sđd, tr. 121
[25] Vũ Ngọc Phan, sđd, tr. 330
[26 ]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 212
[27] Trần Thanh Mại, sđd, tr. 120
[28] Nguyễn Công Hoan, tạp chí Văn Nghệ Hà Nội số 67, Tháng 12-1962 và 68 tháng 1-1963 về Tú Xương. Tôi có đề cập tới trong Báo Văn số 163 ngày 1-10-1970. Sau này tôi được biết báo Vì Chúa, xuất bản ở Huế, do nhóm Bùi Tuân, bạn thân với HMT chủ trương.
[29] Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 120
[30] Trần Thanh Mại trích, sđd, tr. 120
[31] Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 211
[32] Charles Journet, , tủ sách giáo lý, Desclée de Brouwer, Bruges, tr. 271
[33] Trần Thanh Mại, sđd, tr. 130
[34] Quách Tấn, Văn, sđd, tr. 75 [35] Trần Thanh Mại, sđd, tr. 6javascript :barre_raccourci(’’,’’,document.formulaire.texte)1
[36] Vocabulaire de Théologie Biblique, Edit, du Cerf, Paris 1962, tr. 714
[37] Jean Pierre Richard, Poésie et Profondeur, Seuil, Paris 1955
[38] P. Dhorme, Revue Biblique. Số 4 tháng 10 – 1920 tr. 473 – 474. Loại bài “1’Emploi métaphorique dans la Bible”, chuyên về hình ảnh của thân xác, rất cần cho việc tìm hiểu thơ H.M.T.
[39] Vocabulaire de Théologie Biblique, sđd, tr. 31
[40] Jacques Quillet, tủ sách giáo lý, Thèmes Bibliques, Aubier, 1950, tr. 175
[41] Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 211
[42] Le Monde, ngày 1 tháng 12-1970, tr. 8, cột 1
Catégories
Prose

Trường Tây – Trường Ta

Nguyễn Văn Chánh (BP59)

.

Những ngày xưa truyện đẹp như truyền kỳ
Những mai vui hay trưa tối sầu bi
Đều đẹp cả những ngày xưa truyện đẹp
Cung Trầm Tưởng

.

Hiệp định Genève năm 1954 chia đôi dất nước Việt Nam lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Một triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Các cơ quan trường học của người Pháp và người Việt Quốc Gia cũng lần lượt di chuyển vào Nam để giao miền Bắc lại cho Cộng Sản. Lúc ấy tôi đang học tại trường Lycée Yersin Đà Lạt.

Năm 1955, trường Lycée Français de Huế chuyển vào Đà Nẵng, sát nhập với Ecole Primaire (nằm ở một góc sân trường Phan Chu Trinh), lấy bệnh viện của quân đội Pháp vừa rút đi để làm trường học và đặt tên là Collège Français de Tourane (Tourane là tên trước kia của Đà Nẵng do người Pháp đặt ra). Trường chính thức khai giản ngày 01/10/1955, với khoảng 350 học sinh, từ lớp 12è lên tới 3è. Năm 1956, tôi học xong lớp 4è và theo gia đình về Đà Nẵng. Tôi xin vào lớp 3è ở trường Collège Français de Tourane để chuẩn bị cuối năm thi bằng Brevet d’Etude du Premier Cycle (BEPC), tương đương với bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp của chương trình Việt. Phần lớn các học sinh trung học từ các trường trung học tư thục Providence và Pellerin ở Huế vào. Chỉ riêng mình tôi là người từ cao nguyên đất lạnh về vùng duyên hải cát nóng mà thôi. Trường nằm trên đường Độc Lập và quay mặt ra sông Hàn. Đây là khu vực hành chánh của thành phố nên không có cơ sở thương mại mà chỉ gồm những cơ quan như Toà án, Toà Thị Chính, Ty Bưu Điện, Ty Ngư Nghiệp, Ty Thuế Vụ v.v…và nhất là nơi tập trung các trường trung học. Riêng trên đường Lê Lợi, song song với đường Độc Lập, đã có 3 trường trung học Việt Nam. Đó là trường công lập Phan Chu Trinh, cách trường này khoảng năm trăm mét có hai trường trung học tư thục nằm hai bên đường Lê Lợi đối diện với nhau là trường Nguyễn Công Trứ và Phan Thanh Giản. Chỉ cần quẹo mặt sang đường Quang Trung nằm sát cạnh hai trường này là đến trường Collège. Các học sinh trường Collège nếu dùng đường Lê Lợi để đi học đều phải đi ngang qua ba trường nói trên. Bởi vậy mới có chuyện rắc rối Trường tây, Trường ta.

Collège Français de Tourane - 52 koCollège Français de Tourane

Dân Trường ta bảo rằng dân Trường tây « chơi hổng dzô ». Đứa nào cái mặt cũng vênh váo, trông phát ghét. Kể ra thì dân Trường ta cũng phần nào nói đúng, vì dân Trường tây phần đông là con cái các vị « tai to mặt lớn » hoặc con cái các thương gia giàu có trong tỉnh. Một thiểu số các cô cậu « C. Ô.C.C. » dựa vào thế lực, địa vị, tiền bạc của cha mẹ, tuy học hành chẳng hơn ai nhưng có lối sống ồn ào ra vẻ ta đây văn minh tiến bộ hơn thiên hạ nên làm « xốn mắt » dân Trường ta. Chính dân Trường tây chúng tôi cũng bực mình vì các bậc « công tử » này. Bởi vậy lớp tôi mới tổ chức làm một tờ báo lấy tên là « Hồn Trẻ » ra hàng tháng. Ngoài những bài vở thường lệ, tháng nào báo chúng tôi cũng có một bài phê bình, châm biếm quý vị trên. Chúng tôi không nêu đích danh, nhưng chỉ mô tả khôi hài hình dáng, hành vi và thái độ của các vị ấy nhờ đó mà cả trường đoán biết là ai rồi. Tôi xin đơn cử một thí dụ ngắn. Trong trường tôi có một cậu « công tử » thuộc thành phần có thế lực bấy giờ. Cậu « cua » một cô bạn học cùng lớp cao hơn cậu nửa cái đầu. Trong mục « Giải đáp thắc mắc » của tờ báo chúng tôi có một bạn hỏi : « Tôi lỡ si mê một người bạn gái cao hơn tôi nửa cái đầu. Xin cho biết tôi phải làm sao ? »

Thầy Rùa trả lời :
1- Cậu nên đi giày cao gót.
2- Khi ra đường với bạn gái cậu nên đi trên lề đường và bạn gái đi dưới lòng đường.
3- Ở nhà cậu nên tập cao bằng cách treo mình trên xà ngang mỗi ngày một giờ.
4- Dùng thuốc « Cao hổ cót » trong uống ngoài thoa trước khi đi ngủ.
Chúc cậu chóng cao.

Tờ báo lớp tôi là một tờ báo chép tay vì hồi đó ban biên tập chúng tôi không có máy đánh chữ. Báo chỉ chép hai bản. Ai muốn đọc thì đóng hai đồng và chỉ được quyền giữ một ngày mà thôi, hôm sau phải trao cho người khác. Chúng tôi dùng tiền này để mua giấy, bút, mực và cà phê cho các bạn thức đêm để chép. Độc giả báo lớp tôi rất đông vì ai cũng muốn biết « công tử » nào được báo chiếu cố. Có người đóng tiền dài hạn để tháng nào cũng được đọc trước. Nhiều khi đến cuối tháng mà có bạn vẫn chưa được đọc. Chính quý vị « Công Tử » này làm dân Trường tây chúng tôi mang tiếng « hách » và dân Trường ta thì « vơ đủa cả nắm » không phân biệt kẻ tốt người xấu.

Trong thực tế dân Trường tây chẳng khác gì dân Trường ta, ngoài những vị « Công Tử » đếm được trên đầu ngón tay, số còn lại cũng là con cháu các thợ thuyền, các tiểu thương gia hoặc công chức nhỏ. Một số bạn bè của tôi lúc đó ban ngày đi học, chiều về phải đi dạy kèm các em nhỏ của những gia đình khá giả để có tiền tiếp tục việc học. Chúng tôi sống thầm lặng, giản dị và chan hoà với tất cả mọi người. Nhưng dân Trường ta luôn luôn có thành kiến không tốt với dân Trường tây nên hai bên ít thân thiện với nhau.

Chẳng hạn như trường hợp của tôi với một cậu Trường ta. Tôi ở xóm dưới, cậu ấy ở xóm trên. Từ đường cái vào xóm chỉ có một con đường đất nhỏ. Chúng tôi ra vào gặp nhau luôn nhưng cậu ấy cứ xem tôi như người xa lạ không chào nên tôi cũng lơ luôn. Cho đến một hôm, sau một cơn mưa lớn, đường vào xóm ngập nước chỉ còn lại một khoảng nhỏ vừa cho một người đi. Tôi từ trong xóm đi ra, cậu ấy từ đường cái đi vào. cả hai chúng tôi đều đi xe đạp nhưng bị cái hàng rào dâm bụt của căn nhà sát đường che khuất kẻ trong người ngoài. Khi trông thấy nhau thì đã muộn, hai chúng tôi đâm xầm vào nhau. Tôi vội vàng lên tiếng : « Xin lỗi  ». Vốn mang nặng thành kiến với dân Trường tây cậu ấy tưởng tôi cự nự nên lớn tiếng cãi lại : « Lỗi tại Anh … » Nói đến đó cậu ấy biết mình đã hiểu lầm và lỡ lời nên kịp thời dừng lại, tươi cười nói : « Cũng lỗi tại tôi vô ý … » Thế rồi không ai bảo ai, cả hai cùng lúc lui xe để nhường đường cho nhau. Từ đó về sau mỗi lần gặp nhau, chúng tôi đều chào nhau nhưng có điều là mãi đến bây giờ tôi vẫn không biết cậu ấy tên gì và học trường nào.

Nhà tôi ở cạnh nhà Hải, học sinh trường Phan Thanh Giản. Trước mặt nhà tôi bên kia đường là nhà của Thắng, bạn học cùng lớp với Hải. Thắng và Hải là hai bạn thân lúc nào cũng đi đôi với nhau. Thắng tính tình hiền lành ít nói, người mập cao lớn, thích thể thao, luyện tập nhu đạo gần lên đai đen. Hải nguợc lại ốm như cây sậy, vui tính, thích nói chuyện và hay khôi hài đùa giởn. Cả trường gọi Thắng và Hải là Laurel – Hardy, hai tài tử điện ảnh một mập, một ốm, chuyên đóng các phim khôi hài thời bấy giờ. Thắng, Hải và tôi thường qua lại nhà nhau chơi nên trở thành bạn thân. Thỉnh thoảng trường của Thắng, Hải tổ chức cắm trại, lần nào chúng cũng kéo tôi đi theo cho vui, do đó tôi có rất nhiều bạn thuộc Trường ta.

Năm ấy trong tỉnh có tổ chức tranh giải bóng tròn giữa các trường trung học. Trường tôi được mời tham dự. Trong cuộc bốc thăm trường tôi gặp trường Thanh Giản. Trước ngày thi đấu cả tháng tuần nào trường tôi cũng tập dượt ngay tại sân bóng đá riêng phía sau trường. Ngày thi đấu đã đến. Chủ nhật hôm ấy, bầu trời xanh biếc, trên không lơ thơ vài vệt mây trắng, ánh nắng chói chang, trời nóng như thiêu đốt. Trận đấu sẽ bắt đầu lúc 3 g chiều, nhưng khoảng 1 g chúng tôi đã có mặt đầy đủ tại trường, gồm mười một cầu thủ chính thức, ba cầu thủ dự khuyết và khoảng hai mươi ủng hộ viên vừa lo việc hậu cần. Ngoài cái hộp cứu thương chúng tôi còn mang theo một thùng nước đá chanh và một thùng nước đá lạnh để làm « mát máy » cầu thủ. Đoàn chúng tôi do ông Maillet giáo sư thể dục hướng dẫn. Khi chúng tôi đến sân vận động thành phố thì đội bóng của Trường ta đã có mặt đông đủ và số ủng hộ viên cũng lên đến cả trăm người. Đội chúng tôi mặc áo trắng quần đùi trắng, đội bạn mặc áo xanh da trời quần trắng. Trọng tài hôm ấy là một giáo sư thể dục của một trường trung học trong tỉnh.

Match amical entre le College Francais de Tourane et Trung Hoc Phan Chau Trinh (1962)

Tiếng còi đầu tiên nổi lên cả hai đội sắp hàng một chạy ra sân giữa tiếng hoan hô của khán giả. Lúc này tôi mới thấy sự khác biệt giữa hai đội. Cầu thủ đội Trường ta thì lực lưỡng và chiều cao xấp xỉ bằng nhau. Đội Trường tây thì kẻ cao người thấp, kẻ mập người ốm đang nhấp nhô giữa sân cỏ. Sở dĩ có sự chênh lệch quá đáng về bề cao cũng như bề tròn là vì số học sinh trung học trường tôi chỉ khoảng chừng một trăm người trong đó nữ sinh chiếm hết phân nửa. Phải chọn mười một cầu thủ trong số nam sinh còn lại thật khá vất vả vì « nhân tài » bóng đá của trường tôi còn hiếm hơn cả « lá mùa thu ». Lúc đầu nhà trường kêu gọi nam sinh tình nguyện vào đội bóng đá nhưng chỉ có khoảng sáu, bảy người ghi tên. Giáo sư thể dục bèn chia số nam sinh còn lại thành hai đội. Đến giờ thể dục ông ném quả banh ra cho hai đội đấu với nhau còn ông thì ngồi « xem giò xem cẳng » để tuyển lựa cầu thủ. Cuối cùng đội bóng đá cũng được thành hình và nhà trường có nhờ một cựu tuyển thủ bóng đá đến để làm huấn luyện viên. Sau một tháng luyện tập ráo riết đây là lần đầu tiên đội bóng trường tôi ra quân tranh giải.

Tiếng còi của trọng tài vang lên, quả bóng bắt đầu lăn trên sân cỏ. Lúc đầu nhịp độ thi đấu còn chậm chạp vì hai bên đang thăm dò chiến thuật và khả năng của nhau. Nhưng càng lúc nhịp độ càng nhanh, bên nào cũng muốn ghi bàn trước. Đội Trường ta quyết tâm hạ sát ván đội Trường tây cho bỏ ghét. Đội Trường tây thì muốn thắng để lấy uy tín và chứng tỏ mình là một đội mạnh có huấn luyện kỹ càng, học tập có bài bản hẳn hoi, thi đấu có chiến thuật đàng hoàng. Nhiều lần đội Trường ta dẫn banh ào ạt tấn công theo chiến thuật tổng lực làm tan rã đội hình của phía Trường tây. Tình hình thật là nguy cấp nhưng đội Trường tây lần nào cũng kịp thời phá vỡ các đợt tấn công của đội Trường ta. Tiếng hò hét của cổ động viên hai bên càng lúc càng to làm cho bầu không khí của cầu trường càng lúc càng náo động. Gần hết hiệp một, huấn luyện viên đội Trường tây ở bên ngoài dùng tay ra dấu cho các cầu thủ thay đổi chiến thuật không nặng về thế thủ nữa mà nghiêng về thế công để làm giãn đội hình của đối phương và giải tỏa bớt áp lực. Tình hình trên sân cỏ lại thay đổi. Đội Trường tây bây giờ lại ào ạt tấn công làm cho đội Trường ta xính vính vội vàng rút quân về phòng thủ. Trên sân đã bắt đầu có những va chạm mạnh. Các cầu thủ xô đẩy, níu kéo nhau khiến trọng tài phải nhiều lần can thiệp. Hiệp một chấm dứt, cả hai bên vẫn chưa bên nào mở tỉ số. Các cầu thủ Trường tây quần áo ướt đẫm mồ hôi ra sân giải khát đồng thời thảo luận về ưu khuyết điểm của đối phương và phân công kèm người không để cho các cầu thủ giỏi của đội Trường ta tung hoành như trước nữa. Vào hiệp hai nhịp độ thi đấu sôi nổi ngay từ phút đầu. Cả hai bên đều dùng chiến thuật tấn công, các cầu thủ đều tăng tốc độ di chuyển, quả bóng lăn nhanh không ngừng, lúc thì ở phần sân bên này, lúc thì ở phần sân bên kia. Các cổ động viên bây giờ mỗi phe cũng chiếm lấy một bên sân la hét vang dậy khiến trận đấu đã căng thẳng lại càng căng thẳng thêm. Giữa hiệp hai vì một sơ hở của một trung vệ Trường tây, tiền vệ Trường ta cướp được bóng và nhanh như chớp dẫn bóng tiến thẳng về phía đối phương và vào được vùng cấm địa. Trước khung thành Trường tây diễn ra cảnh hỗn loạn giữa hai đội và cuối cùng đội Trường ta đã đưa được bóng vào lưới, mở tỉ số một không. Các cầu thủ áo xanh vui mừng đưa hai tay lên trời chạy ngang qua trước khán giả. Các ủng hộ viên Trường ta vừa nhảy nhót vừa đập thùng la hét khiến cho người qua đường tò mò cũng kéo vào xem.

L’équipe de foot (1962) :
Devant : Tôn Thất Thông, Francois Cartier, Tống Nhạn, Nguyễn Xuân Quang, Vinh
Derrière : Thục, Hồ Đình Chi, Hoàng Giang, Dương Ngọc Bích, Lưu Ngọc Quan, Chung Cao Thắng, M. Meillet (monitor).

Quyết tâm gở lại bàn thua đội Trường tây tăng cường tấn công, nhiều lần vây hãm khung thành Trường ta nhưng không thành công. Còn mười phút nữa là hết hiệp hai, từ bên phần đất đối phương, một tiền vệ đội Trường tây cướp được bóng, dùng kỹ thuật cá nhân lừa qua được hai cầu thủ áo xanh và một mình một bóng tiến về phía trước. Khi đến gần vùng cấm địa thì hai cầu thủ áo xanh đã bắt kịp. Tiền vệ áo trắng không còn cách nào khác liền dùng hết sức mình sút mạnh. Quả bóng bay nhanh như viên đạn đại bác về phía khung thành áo xanh, nhưng thủ môn Trường ta cũng nhanh như tên bắn nhảy lên đấm quả bóng cho bay qua xà ngang rơi xuống sau khung thành để chịu quả phạt góc. Trước khung thành Trường ta bây giờ áo xanh, áo trắng chen nhau. Một cầu thủ Trường tây lượm bóng đặt vào góc sân sút mạnh đưa bóng vào vùng cấm địa. Thủ môn liền nhảy lên bắt bóng. Những lần trước, lần nào thủ môn Trường ta cũng bắt bóng dính như thể bàn tay có bôi keo. Nhưng lần này bóng ở quá cao nên lúc bóng chạm tay thủ môn thì tuột ra và rơi xuống đất. Đúng lúc một cầu thủ Trường tây vừa chạy đến thuận chân sút bóng vào lưới. Lần này đến lượt cổ động viên Trường tây vỗ thùng la hét. Gỡ được bàn thua, đội Trường tây lên tinh thần quên cả mệt nhọc thi đấu rất dũng mãnh. Đội Trường ta thì căm tức quyết tâm dành lại chiến thắng. Trận đấu trở nên rất căng thảng. Trên sân cỏ thường xuyên xảy ra những va chạm nảy lửa, những cú té lộn nhào, những nét mặt nhăn nhó vì đau đớn. Trọng tài rất vô tư và nghiêm khắc đuổi ra khỏi sân hai cầu thủ chơi thô bạo. Cuối cùng trận đấu kết thúc hoà nhau với tỉ số một một. Tuy không bên nào thua nhưng cả hai đội đều ấm ức vì đã bỏ lỡ nhiều cơ hội làm bàn, đã để chiến thắng tuột khỏi tầm tay.

Cuộc gặp gỡ giữa hai trường tưởng đâu đến đây đã chấm dứt êm đẹp không còn chuyện gì gây cấn nữa. Nhưng bất ngờ vào chiều thứ hai, lúc tan học ra về thì trường tôi cửa trước cửa sau đều bị dân Trường ta vây kín. Họ bảo nhau : « Hễ đứa nào ra thì đánh. » Dân Trường tây vào báo cho ông hiệu trưởng biết. Ông liền ra lệnh cho « công xẹt » đóng cổng « tử thủ ». Đồng thời ông gọi điện thoại cho cảnh sát xin đến bảo vệ trường và cho các ông hiệu trưởng Trường ta đến để kêu gọi học sinh mình giải tán. Tội nghiệp các em nhỏ tiểu học bị « kẹt giữa hai lằn đạn ». Có em khóc rấm rức vì sợ cha mẹ không đến đón được. Khoảng nửa giờ sau thì các ông hiệu trưởng và giáo sư Trường ta đến thuyết phục học sinh mình về nhà. Cảnh sát đứng gác các ngã đường bảo vệ cho dân Trường tây bình an ra về.

Đến nhà tôi vội đẩy chiếc xe đạp vào trong và chạy sang nhà Hải để tìm hiểu lý do của biến cố ngày hôm nay. Hải cho biết hồi sáng nó và Thắng vừa đến cổng trường thì gặp Hưng, một cầu thủ trong đội Trường ta đang đi cà nhắc. Hưng kể cho Hải, Thắng và một số học sinh bu quanh nghe diễn tiến trận đấu ngày hôm qua. Tất cả chăm chú nghe như nuốt từng lời nói của Hưng. Cuối cùng Hưng kết luận : « Tao không ngờ tụi Trường tây nó đá hay và dữ dội như vậy. Thấy tụi nó lổng chổng đứa cao đứa thấp như bó đũa so le, lúc đầu tụi tao khinh thường định đá cho tụi nó thua một trận te tua cho biết mặt. Nhưng khi thi đấu mới thấy tụi nó ngang ngửa với mình. Qua hiệp hai tụi tao dùng sức mạnh lấn áp tụi nó để dành banh, nhưng tụi nó cũng chẳng vừa gì, ăn miếng trả miếng, tụi nó cũng đốn tụi tao ngã lăn cù. » Một học sinh trong đám liền nói : « Vậy mà tụi nó nói trường mình đá banh theo luật rừng, đốn người như đốn cây, nếu không có trọng tài can thiệp thì tụi mình đá tụi nó què cẳng hết. » Hưng tức mình cải lại : « Thì tụi nó cũng đá tao gần què đây này. » Vừa nói Hưng vừa vén ống quần lên cho các bạn thấy cái cổ chân sưng húp. Chuyện Hưng kể thì vô tư và đúng sự thật. Việc bị thương tích trong khi thi đấu cũng là chuyện thường tình trong giới thể thao. Nhưng có vài học sinh trong nhóm bu quanh đi kể lại cho các bạn khác nghe trong đó có phần « thêm mắm thêm muối » cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn như thể chính mình là cầu thủ hoặc ít ra cũng là khán giả ngày hôm ấy. Sau phần tường thuật lại có kèm theo phần bình luận rất sắc bén chẳng khác gì các bình luận gia bóng đá chuyên nghiệp nhưng đầy … ác ý. Các « nhà bình luận » này luôn luôn thổi phồng « tội ác » của tụi Trường tây. Không biết mấy cái loa tuyên truyền đó tường thuật như thế nào mà đến chiều cả hai trường đều nghe đại khái như sau : « Tụi Trường tây nói học sinh trường Việt là rừng rú, đá banh chỉ biết đốn người như đốn cây. Nếu không có trọng tài can thiệp thì tụi nó sẽ đá cho tụi trường Việt què hết không còn một cái cẳng để lết về trường.  »

Dĩ nhiên dân Trường ta nghe vậy thì tức giận vô cùng bèn rỉ tai nhau hẹn vào giờ « V » (tức là giờ về) mở cuộc hành quân trừng phạt bọn Trường tây hỗn láo.

Theo Hải cho biết thì trong số học sinh Trường ta kéo đến vây Trường tây chỉ có chừng 5 % là « chiến sĩ nồng cốt » thực sự muốn « đục » bọn Trường tây, khoảng 20 % là những kẻ xúi dục và ủng hộ viên, đa số còn lại đi theo xem cho vui. Một số đông khác không tham dự nhưng cũng không chống đối trong đó có Hải và Thắng.

Cũng như tất cả các dòng sông nước Việt đều đổ ra biển Nam Hải, tất cả học sinh trung học đậu xong bằng tú tài đều đổ vào các trường đại học trong nước, ngoại trừ một số rất nhỏ được ra nước ngoài du học. Khi ra biển nước sông không còn phân biệt nước ngọt, nước lợ, nước phèn hay nước phù sa mà chỉ còn một màu nước xanh của biển, một vị mặn của muối. Khi bước vào ngưỡng cửa đại học sinh viên không còn phân biệt Trường tây Trường ta mà chỉ có sinh viên của các phân khoa đại học khác nhau mà thôi. Cũng nhờ có dân Trường tây mà các trường đại học Sư Phạm đã dễ dàng đào tạo được một đội ngũ giáo sư Pháp văn với kiến thức vững vàng lên đường phục vụ dân tộc trên khắp mọi miền của đất nước thân yêu.
.

NGUYỄN VĂN CHÁNH
viết lại, Montréal, 16/06/2012

. Photos :

.

Catégories
Prose

Nguyễn Gia Trí, người họa sĩ đã nhìn ra cái khả năng kỳ diệu của sơn mài

Đinh Cường

.

Bí quyết của nghệ thuật là không cố ý làm gì cả. Để cái mờ, giữ cái bóng. Sơn dầu khác với sơn mài là không có cái bóng.
(Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi lại, nhà xuất bản Văn Học 1988)

Tìm hiểu văn hóa của một đất nước không thể không nghiên cứu đến những tác phẩm hội họa, Nguyễn Gia Trí là một trong những tên tuổi hàng đầu của hội họa Việt Nam hiện đại. Ông sinh năm 1908 tại một làng quê nghèo bên sông Hồng, thuộc Tràng An, Thường Tín, Hà Đông (Bắc Việt), trong một gia đình làm nghề thêu phẩm phục triều đình. Nguyễn Gia Trí pháp danh Thiện Trân do tuổi già yếu sức sau khi bị liệt thân thể do xuất huyết não, đã mất lúc 22 giờ 30 ngày 20 tháng 6 năm1993, tại nhà riêng số 493 Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, Sài Gòn, thọ 85 tuổi. Sau đám tang có lẽ không muốn thấy những kỷ niệm nhắc nhở đến người chồng thương yêu của mình, bà Trí đã bán căn nhà sau này và dọn đến đường Trương Minh Ký. Ông ra đi mới đó mà đã gần hai mươi năm …Ông tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Đông Dương ( École des Beaux- Arts de l’ Indochine) khoá 7, năm 1931 cùng khóa với Lưu Văn Sìn, Trần Văn Cẩn …đúng ra ông vào học khóa 5 nhưng bỏ dở, ông Giám Đốc Victor Tardieu đi tìm khuyên ông trở lại học, và ông đã trở thành một họa sĩ bậc thầy về tranh sơn mài. Bức sơn mài lớn “Cảnh Thiên Thai” được viên Toàn Quyền Decoux đặt làm để treo trong Dinh Toàn Quyền Đông Dương tại Hà Nội, nghe nói đến nay vẫn còn treo nguyên chỗ cũ, hiện là Phủ Chủ Tịch, Hà Nội. Nguyễn Gia Trí không phải người Công Giáo nhưng ông đã để lại những tác phẩm về Công Giáo thật giá trị tại một vài nhà thờ ở Sài Gòn.
Từ những năm đầu của thập niên 30, khi còn là sinh viên, ông đã tìm tòi, sáng tạo để đưa sơn mài ra khỏi những công thức cổ truyền. “Nguyễn Gia Trí thể hiện một góc bờ Cửa Tùng với nền trời đỏ, nước đỏ, màu của sơn cánh gián pha son tươi, trên bờ cát có rặng phi lao nền đen rắc bạc tả khóm lá và chính giữa bố cục có một chiếc thuyền gỗ úp sấp phơi bụng có đắp nổi và rắc vàng pa-tin (patiner)… Áp dụng các sắc độ khác nhau của vàng bạc vụn rắc lên sơn, của bột sơn pha đậm nhạt, Nguyễn Gia Trí đã thể hiện một bộ bình phông cỡ trung bình “Cảnh Làng Quê” trên nền sơn đen tuyền với ngọn cau cận cảnh thể hiện các gam vàng vụn rắc pa-tin. Ở trên nền trời xa có những ngọn tre bay theo chiều gió và trên đường làng qua một cái cổng chống bằng tre có ba thiếu nữ gánh gạo đi như chạy tà áo phất phới bay…” (Phạm Đức Cường – Kỹ Thuật Sơn Mài, trang 12-13 nhà xb Văn Hóa 1992).
Cùng thời kỳ đó, các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù cũng cho ra đời tranh vỏ trứng trên nền đỏ tuyền. Mỗi tác giả đều tìm tòi một kỹ thuật cho riêng mình. Nhưng những tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật của Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1939 đã gây một sự bất ngờ lớn trước công chúng vì tranh sơn mài khó thành công bởi dễ lẫn lộn giữa mỹ nghệ và hội họa. Tô Ngọc Vân (bút hiệu Tô Tử) nhận định về tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí như sau : “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối Sơn Ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn yêu muốn khoái lạc – thứ nhất là khoái lạc của Nguyễn Gia Trí.
Cũng như sơn dầu, tranh sơn mài cũng phải nói lên được cảm xúc, trí tưởng mạnh mẽ bằng một kỹ thuật độc đáo riêng, không ước lệ, mà bằng tiếng nói mãnh liệt của sáng tạo. Tô Tử viết tiếp : “Trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng như đổi cả thể chất thành quý vật, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên, rít lên như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc. Chàng nghệ sĩ ấy yêu tấm sơn như ta có thể yêu một người đàn bà. Lúc âu yếm bằng những nét vuốt ve mềm mại, lúc dữ dội bằng năm bảy nét quẹt mạnh, dập tung, cào cấu. Vạn vật đối với nghệ sĩ chỉ đáng yêu có sắc và hình.” (Tô Tử- Nguyễn Gia Trí và Sơn Ta, báo Ngày Nay 146 – 21 tháng 1, 1939)
Từ 1940 trở đi, tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí được bố cục bởi cảnh và những thiếu nữ diễm lệ, đài các của Hà Nội thời đó, những thiếu nữ tân thời trong truyện của các bạn văn ông trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn . Sau đó ông cộng tác với nhóm nàv, viết và vẽ cho hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay… Năm 1942, hội Quảng Trị (Huế) có xuất bản “Tập Văn Họa Kỷ Niệm Nguyễn Du“, Nguyễn Gia Trí đã đóng góp một họa bản sinh động “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh”. Tập thơ văn này được in trên giấy quý, với lời ghi : tiền thu được dùng về việc sửa mộ và dựng đài kỷ niệm tác giả Đoạn Trường Tân Thanh tại làng Tiên Điền.

Tại “ Salon Unique 1943” dân chúng Hà Nội đã hãnh diện với những tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam, nổi bật là những tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí, gây được tiếng vang lớn. Theo Tô Ngọc Vân : “ Danh từ sơn mài (laque) là một danh từ mới đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là Sơn Ta nhưng đã biến hoá hẳn do nghệ thuật mài sơn. Kỹ thuật Sơn Ta cũng tương tự như sơn Tàu, có từ đời nhà Hán.[1] Sử dụng cùng với Sơn Ta một nguyên liệu là sơn sống. Chất sơn sống này, ở nước ta, miền Phú Thọ sản xuất rất nhiều và vẫn bán sang Tàu cùng Nhật. Từ năm 1931 trở về trước, công dụng Sơn Ta cũng như Sơn Tàu ở Tàu và Sơn Nhật ở Nhật là phủ lên đồ vật làm nó tôn vẻ lộng lẫy, lên những vật dùng thường như cái khay, cái tráp , đôi guốc…, đồ thờ như hương án dài, bát đĩa…, đồ trang trí như câu đối, hoành phi, bình phong…, màu sắc đại để có : son, đen, nâu cánh gián, vàng bạc theo cổ truyền. Nói rõ ra, Sơn Ta chỉ có công dụng trang trí, địa vị là ở trong trang trí. Mặc dầu ở Nhật, nghệ thuật sơn có tế nhị hơn cả, nhưng chưa một nước nào nghĩ đến tìm tòi, sử dụng nguyên liệu sơn một cách khác cổ truyền, phiêu lưu trong nghệ thuật sơn để tìm một con đường nào tăng phẩm giá mỹ thuật sơn bằng cách phát minh thêm khả năng của nó …
Song từ 1931 trở đi, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sơn mài, Sơn Ta đã vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên trên đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ mà tiến. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện lấn át cả Sơn Dầu. Quên dĩ vãng Sơn Ta đổi tên nhũn nhặn là Sơn Mài
.” ( Thuyết trình đọc trước Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc năm 1948).

Nguyễn Gia Trí với năng lực sáng tạo dồi dào, là một trong những họa sĩ có tài đã từ bỏ sơn dầu để định hình cho mình một bút pháp và phong cách riêng trong nghệ thuật sơn mài. Ông cũng là người cùng hoạt động trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn “…Cũng trong thời kỳ này ( 1933) anh Tam ( nhà văn Nhất Linh ) lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng Khái Hưng, Hồ Trọng Hiếu ( Tú Mỡ ), Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Nguyễn Gia Trí, sau có thêm Nguyễn Cát Tường tức họa sĩ Le Mur…”( Nguyễn Thị Thế – Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, trang 117 ). Theo Trương Bảo Sơn, một đồng chí trong Việt Nam Quốc Dân Đảng thì “Khoảng cuối thập niên 30, anh cùng Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Văn Luyện, Khái HưngTrần Khánh Dư, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long thành lập đảng Đại Việt Dân Chính. Đảng này đã bị Pháp khủng bố, Nguyễn Tường Tam đã phải chạy sang Trung Hoa, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt đày lên Sơn La, một nơi nổi tiếng nước độc. Bọn thực dân và tay sai đã tra tấn, hành hạ anh khiến anh mang bệnh phổi và run tay. Chúng còn dùng một vòng sắt đóng đai lên đầu anh, gây thương tích nặng.” ( Tiếc Thương Nguyễn Gia Trí, Trương Bảo Sơn- Tạp chí Nắng Mới số 24 tháng 9-1993). Sau này ông còn bị đưa vào an trí tại Thủ Dầu Một.”Nếu không bị Tây cầm chân một nơi, chắc tôi đã không đủ kiên nhẫn ngồi một chỗ để mà làm việc này“ ( Nhã Ca Hồi Ký, trang 508, nhà xb Thương Yêu 1991). Ông cũng từng lưu lạc qua Hồng Kông, đã vẽ nhiều tranh phong cảnh bến tàu Hồng Kông bằng sơn dầu rất đẹp. Ông rời Hồng Kông năm 1952 về Sài Gòn, lập gia đình năm sau đó và sống cho đến ngày mất.

Thời kỳ trước 1954, ông sáng tác nhiều tranh sơn mài cỡ nhỏ, đáng kể nhất : Khỏa thân, Về chợ, Bên Hồ Gươm, Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Thiếu Nữ Và Hoa Phù Dung, Bên Hoa Phù Dung, Chùa Thầy, Đèn Trung Thu, Thiếu Nữ Bên Hồ Sen, Vườn Xuân, Ai Mua Rươi Ra Mua… Tranh ông được nhiều người Pháp sưu tập thời đó, kể cả nhiều tranh gần như chưa vẽ xong, hoặc những phác thảo có ký tên tác giả. Sau 1954 tới 1975, nhiều tranh quý của ông được nhiều người sưu tập, thường nằm trong những biệt thự sang trọng, bộ tranh sưu tập của bác sĩ Bùi Kiến Tín (chú họ nhà thơ Bùi Giáng) treo trong hãng dầu cù là Macphsu trên đường Trương Minh Giảng là một trong những bộ tranh quý. Những năm 1980, Việt kiều về nước săn tìm mua tranh Nguyễn Gia Trí, một thời gian sau có lệnh cấm của chính quyền, tranh Nguyễn Gia Trí được liệt vào hàng tài sản quốc gia (nhưng nhờ hối lộ vẫn đem đi được bằng nhiều cách). Thời kỳ “cởi trói, đổi mới” những năm 1989, Bộ Văn Hóa Thông Tin (trong cuốn Văn Hoá Việt Nam) chính thức công nhận ông là một trong mười họa sĩ đương đại có công xây dựng nền nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam. Năm 1991, ông được mời ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, sau đó, UBND thành phố HCM đã mua bộ tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của ông với giá 600 triệu đồng VN (tương đương 100.000 dollars) để trưng bày trong Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành phố. Bộ tranh được Thái Tuấn ghi lại : “Trong những ngày tháng mà đời sống miền Nam bị xáo trộn, sự giao thiệp và đi lại của anh còn hạn chế hơn nữa. Kể từ đó anh không còn nghĩ đến việc sáng tác. Nơi xưởng sơn mài của anh, vật liệu ngổn ngang, những bức họa đang làm dở được che lại. Tôi đã trông thấy trên tường một bức sơn mài lớn, khoảng 12 thước vuông, vẽ gần xong. Anh cho biết bức ấy của một nhà doanh nghiệp đặt anh, song lúc đó ông ta đã đi Pháp, anh rất bận tâm về việc giải quyết bức họa. Tôi bàn với anh, liên lạc với người đặt vẽ, và giúp anh chụp lại bức họa bằng một cuốn phim màu. Sau đó được anh cho biết người đặt tranh đã nhường quyền sở hữu bức họa cho anh. Khi tôi rời khỏi đất nước ( Thái Tuấn đi Pháp năm 1985), bức hoạ vẫn còn trong tình trạng chưa hoàn tất” (Họa Sĩ Nguyễn Gia Trí – Thái Tuấn, Thế Kỷ 21 số 23 tháng 3.1991)

Với một họa sĩ cả đời cống hiến cho nghệ thuật như Nguyễn Gia Trí, không màng tiền tài danh vọng. “Ngay cả trong thời gian khó khăn nhất, tôi cũng có thể thành triệu phú, nhưng tôi quý trọng tự do hơn tiền bạc. Để sống tự do và lương thiện, để được sáng tạo nghệ thuật, tôi có thể chỉ sống đạm bạc qua ngày mà vẫn vui lòng“. Đó là tâm sự của ông với bạn là nhà thơ Đoàn Phú Tứ ( Họa sĩ Nguyễn Gia Trí và sơn mài -Bùi Quang Ngọc, Tạp Chí Mỹ Thuật tháng 12, 1991).

Bây giờ thì người họa sĩ bậc thầy, hiền đức và phẩm cách đã nằm yên nghỉ tại nghĩa trang miền Vĩnh Nghiêm, Tân Phước Hiệp, Hóc Môn, ngoại ô Sài Gòn. Hình ảnh ông ghi mãi trong tôi : một vóc dáng nhỏ nhắn trong một đầu óc thâm sâu, khoáng đạt, mãnh liệt. Những kỷ niệm rất quý là lần gặp ông trong bộ bà ba lụa màu mỡ gà đến thăm anh Thái Tuấn trong con hẻm Bến Tắm Ngựa, Thái Tuấn có vẽ bức tranh sơn dầu lớn : Nguyễn Gia Trí ngồi dưới giàn hoa… thanh thoát lạ thường, bức tranh sau đó bán cho họa sĩ Nguyễn Văn Trung, không biết anh Trung có mang theo qua California, và lần cùng anh Thanh Tâm Tuyền ghé thăm ông tại căn nhà 38/6i hẻm Công Lý, ông ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế mây rộng, anh đã làm bài thơ đầy cảm xúc, đầy ấn tượng khi vừa đi tù về :

Quanh co đường hẻm
giữa sáng Chủ Nhật
đến gặp bất ngờ một Thiền Sư
Ngồi im lắng nghe và ngắm Sét đánh bao giờ
hằn dấu sẹo trắng nửa sọ trái
Chiếc đầu nghiêng cúi
Đôi tai dài vểnh đón nghe
lời trên môi buột thốt
Đôi mày tối rậm
lấp lánh ánh trắng những ngày tới Và những ngón tay tự run rẩy
Buông tiếng cười ròn tan
như nắng đùa trên dàn hoa giấy
lẫn trong tiếng xe cộ trẩy hội ồn phố xa Chiều mưa tầm tã
Mùa mưa đến sớm hơn mọi năm
Trời thâm xám sũng gió
như manh áo rạn lấm lem sơn
Khoác thân mảnh khảnh người gặp thăm

Ngày tối rữa
trong mưa thoắt im .

(chân dung họa sĩ NGT ngày về thăm – thanh tâm tuyền – Thơ Ở Đâu Xa, Trầm Phục Khắc xuất bản, cơ sở Văn phát hành 1990, trang 73-74)

Trong bức thư cuối cùng của Van Gogh gởi cho em trai, đề ngày 27 tháng 7-1890, Van Gogh viết đôi lời tuyệt bút : “…Về tác phẩm của chính đời mình, anh đang đánh cả một ván đời mình cho nó, và cả thần trí của anh gần như sụp đổ, nửa chừng đứt đoạn rụng rơi…” Họa sĩ Nguyễn Gia Trí không nửa chừng đứt đoạn rụng rơi mà ông đã đánh cả ván đời mình cho những tác phẩm sơn mài mang gam màu Nguyễn Gia Trí, không thể lẫn lộn. Những tác phẩm đã nằm im trong một không gian và thời gian vĩnh cửu. Đâu đó trong các Viện Bảo Tàng, trong những nhà sưu tập khắp nơi, kể cả hàng trăm bức ghi chép (sketch) trên giấy báo.
Ông không có môn đệ nào. Ông đi trên đường nghệ thuật một mình. Nghệ thuật với ông là một định mệnh… Trưa nay nóng gắt, những dòng chữ viết về ông không đầy đủ. Bây giờ còn lại cụ bà, tuổi già sức yếu nằm một chỗ từ hơn nửa năm nay và người con trai nuôi. Chúng ta có thể làm gì được thiết thực hơn như in một tập sách có giá trị, chưa nói đến điều ước mơ là có được một Bảo Tàng về Nguyễn Gia Trí để tưởng nhớ và ghi ơn một họa sĩ có công lớn trong lịch sử hội họa Việt Nam, người đã nhìn ra cái khả năng kỳ diệu của sơn mài.

Virginia,7.1993-xem lại 6.2012
Đinh Cường
Kỷ niệm 19 năm ngày giỗ, 20 tháng 6 năm 1993 – 20 tháng 6 năm 2012

[1] Theo góp ý của Đặng Tiến :
Nói về tranh sơn mài, người ta thường trích dẫn bài tham luận của Tô Ngọc vân, cho rằng có từ nhà Hán ( 206 trước- 220 sau TL). Cần thêm rằng, thời Hán đã có công xưởng sản xuất sản phẩm phủ sơn mài.
Tại Viện Bảo Tàng Kansas City có trưng bày một cái trap tròn có nắp, cao 9 cm, đường kính 20 cm bằng gỗ phủ sơn mài, toàn bích, đào thấy tại Tchang Cha, Trung Quốc, được xếp vào thế kỷ thứ 3 trước TL Ngoài ra còn có một mảng đàn cầm bị vỡ, tranh sơn mài rất đẹp, tượng trưng cảnh săn bắn, tìm thấy ở một ngôi mộ ở Hồ Nam, thuộc thế kỷ thứ 4 trước TL.
Bảo Tàng Hồ Bắc có trưng bày một quan tài thời Chiến Quốc, được niên định 433 trước TL, 46X46X184cm, phủ sơn mài, trang trí hình rồng phượng.
Như vậy kỹ thuật sơn mài phải có trước thời Hán từ lâu, có lẽ từ cuối đời Thương.
Alix Aymé, chuyên gia và tác gia về tranh sơn mài, thời Mỹ Thuật Đông Dương, còn nhắc là sơn mài du nhập Việt Nam từ thời Lê Nhân Tông, 1443.

.

* Cảm tạ họa sĩ Đinh Cường đã cho phép ABPDN đăng bài này.

.

Catégories
Prose

Souvenirs de HUẾ – Avec ma Mère et sur la colline de QUẢNG TẾ à NAM GIAO

QUỲNH CHI

.

Ma mère Hồng-Cẩm m’apparaissait d’une rare douceur et d’une sainte simplicité. Jamais elle ne nous avait grondés. Chaque jour elle accomplissait ce qu’elle avait à faire, assurée de l’assistance de la divine Providence qui veillait sur ses enfants. Je la voyais toujours douce, joyeuse et aimable avec tous et toutes. Je l’accompagnais partout où elle allait.

Mon école primaire française était à quelques pas de son lycée français où elle travaillait comme secrétaire. Après la classe, je passais l’attendre à son école pour rentrer ensuite à la maison avec elle.

Je me rappelle des visites avec ma mère chez ma grand-tante qui habitait Phủ An Thường Công Chúa, une belle maison antique au bord de l’eau, à Chợ Cống. Tandis que les adultes causaient dans la maison, j’aimais me promener parmi les arbres fruitiers comme bananiers et goyaviers ; ou m’amuser au bord de la rivière à la recherche des mini crevettes toute transparentes qui se cachaient dans les algues ; ou à la poursuite d’un groupe de mini poissons phosphorescents qui nageaient très vite à la surface de l’eau…

Les pèlerinages à la pagode Châu Lâm avec toute la famille m’ont spécialement impressionnée. Cette pagode située dans les forêts sur les plateaux loin de la ville m’attirait par son charme naturel et pieux.

Une fois, alors que les grandes personnes se reposaient après le dîner, je fis le tour dans le temple, toute seule, m’arrêtant devant chaque autel et chaque statue, méditant et rêvant d’un monde lointain. Maintenant que j’y pense, je me demande pourquoi, encore si petite – pas plus de dix ans – je n’avais pas peur de ces grosses statues, des personnages ayant parfois l’air bizarre et très sévère qu’on trouve dans les pagodes bouddhistes. C’est que je croyais beaucoup en tout ce que ma mère m’enseignait, de là, j’avais une grande confiance en la bonté des êtres invisibles qui, habitant un monde de paix et de bonheur, nous aiment et nous protègent…

En 1965, avec le décès de ma grand-mère, mon grand-père se trouvait seul. Ma mère décida de retourner à Huế pour prendre soin de lui et elle m’emmena avec elle.

J’aimais beaucoup cette nouvelle maison de mes grands-parents sur la colline Quảng Tế à Nam Giao. Elle donnait sur le chemin qui conduisait à la pagode Châu Lâm et aux fameux monuments tombals des rois Nguyễn. Les collines et les montagnes m’étaient toujours si chères, car j’avais toujours gardé de beaux souvenirs d’enfance lorsque je suivais ma famille en pèlerinage vers ces hauts plateaux ; je me sentais chez moi dans ce paysage rustique et paisible. Le voisinage était habité par quelques membres de notre parenté et quelques gens du village que nous considérions aussi comme de la famille. Non loin de la maison de mes grands-parents se trouvait la chapelle Trần Tộc Từ Đường de mes ancêtres maternels, la famille Trần.

Souvent je me levais tôt le matin, lorsque la rosée demeurait encore brillante dans les feuillages, et passais de longues heures sur la colline. Je m’asseyais sur quelque petit rocher écoutant la douce mélodie du vent dans les pins aux longues aiguilles.

La scène d’un pauvre paysan qui travaillait avec son buffle dans la rizière au fond de la vallée en face de la maison, me remplissait toujours d’une douce mélancolie.

Des fois, comme une petite enfant, j’étais à la recherche des petites fleurs et baies sauvages comme des framboises, des myrtilles… D’autres fois, je m’aventurais un peu plus loin, vers les tombes de mon père et de mes frères et sœurs. Là, j’avais vraiment une belle vue panoramique tout autour de moi. Le temple blanc solitaire d’un ermite bouddhiste perché haut sur la colline me paraissait toujours mystérieux.

Mais ce qui attirait mon âme là-haut sur les collines était la voûte immense du ciel qui englobait toutes choses. J’étais restée là des heures et des heures, plongée dans une paix profonde et bénie.

Quand vint la nuit, la colline fut transportée dans un autre monde, le monde des astres lumineux. La voûte du ciel était alors diamantée d’une multitude d’étoiles.

Ma mère connaissait des constellations comme “Le Vieil Homme Céleste”, “La Voie Lactée”, “La petite Ourse”, “La grande Ourse”… Elle me chantait des chansons et me racontait quelques contes sur ces constellations. Parfois quelques membres de la parenté dans le voisinage sont venus nous rejoindre et nous passions ainsi de longues soirées si agréables à la belle étoile, racontant des vieilles histoires du bon vieux temps. J’étais souvent distraite à écouter les autres mais aimais surtout contempler la voûte immense du ciel pur diamantée d’étoiles. J’avais ainsi la chance de voir de temps à autre des étoiles filantes et désirais innocemment qu’une jolie étoile s’égarât un jour dans un coin de ma chère colline !

Une nuit, vers trois heures du matin, je fus réveillée par des cris de grand étonnement et d’admiration venant des maisons voisines. Je sautai de mon lit et sortis dehors. Une lumière éclatante extraordinaire dans le ciel. “Oh !” m’exclamai-je, effrayée, et me prosternai la face contre terre, murmurant quelques mots de prière. Puis je levai doucement la tête pour regarder cet immense phénomène lumineux dans le ciel. C’était une multitude d’étoiles brillantes rassemblées ensemble, ayant la forme d’un arbre gigantesque qui se couchait entre ciel et terre, très proche au-dessus de moi ! Cette étrange masse lumineuse restait là pendant trois ou quatre jours ; elle s’éloigna de la terre pendant le jour et s’approcha d’elle la nuit. C’était vers 1965-66. Était-ce une comète ?

À la fin de cette même année, une crise politique et religieuse causa la fermeture illimitée des universités de Huế. Ma mère et moi, nous devions quitter notre ville natale pour aller à Sàigòn…

(Extrait de « Souvenirs d’Une Petite Âme »)

QUỲNH CHI

.

Merci à chi Quỳnh Chi d’avoir autorisé l’Amicale BPDN à publier ce joli texte à l’occasion de la Fête des Mères (3 juin 2012)

.

Catégories
Prose

Les Vietnamiens Francs-Maçons

.

Nguyễn Ngọc Châu JJR 62

.

On sait que certains hommes célèbres faisaient partie de la Franc-Maçonnerie, cette société initiatique d’une dizaine de millions de membres qui a pour but le perfectionnement moral et spirituel de l’homme et qui suscite bon nombre de curiosités du fait de la discrétion de ceux-ci sur leur appartenance. Parmi les maçons les plus connus, on peut citer Georges Washington et la quasi-totalité des présidents des USA (dont R. Nixon, L.B. Johnson…), Lafayette, Winston Churchill, Benjamin Franklin, Gustave Eiffel, Auguste Bartholdi, Abd El Kader, Rudyard Kipling, Voltaire, Mozart, Casanova, Hugo Pratt, Salvador Allende, John Wayne, Tchang Kai Tchek, Aristide Briand, Littré, G. Monge, J.M. Montgolfier, Rouget de l’Isle, Talleyrand, Davy Crockett, C. Lindbergh, Gambetta, Charles X, Edouard VI et Edouard VII d’Angleterre, Guillaume 1er d’Allemagne, Joseph Bonaparte, Aristide Briand, Mark Twain, Joséphine Baker, André Citroën, Henry Ford, Montesquieu, Alexander Fleming, Oscar Wilde, Beethoven, Goethe, Alexandra David-Neel…

Ce que l’on sait moins, c’est qu’un certain nombre de Vietnamiens étaient aussi maçons, comme l’évoquent deux documents que j’ai découverts dans mes “farfouilles” : Chroniques secrètes d’Indochine (1928-1946), Tome 1, Le Gabaon, de Gilbert David aux éditions de l’Harmattan et “Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie coloniale”, un article dans la Revue Française de l’Histoire d’Outre-Mer de Jacques Dalloz, maître de conférences à l’Institut d’Etudes Politiques à Paris, écrit sur la base des archives de trois obédiences maçonniques françaises (1).

De nombreux Vietnamiens furent initiés en France comme l’avocat Dô Huu Tri, un des fondateurs de “la Ruche”, première loge de la GLDF au Viêt Nam, le caodaiste Cao Triêu Phat qui rejoignit les rangs des communistes (initié au GODF à Bordeaux en 1917), Bui Quang Chiêu (2), fondateur du Parti Constitutionaliste avec Nguyên Phan Long, qui préconisait la lutte pour l’indépendance par la voie pacifique (initié au GODF à Paris en 1925), Hô Chi Minh, sous le nom de Nguyên Ai Quoc, qui a dû faire un petit tour pour “voir” avant de trouver son vrai bonheur dans le communisme (initié à la loge “la Fédération Universelle” du GODF à Paris en 1922), Nguyên Van Thinh, Dô Huu Buu, etc.

Au Viêt Nam, les loges en place ne commencèrent vraiment à ouvrir leur porte aux Vietnamiens que vers la fin des années vingt. La peur ou plutôt la hantise d’avoir à côtoyer à niveau égal des “indigènes” aussi évolués – et certains même plus cultivés – que des Français de bon teint issus de la métropole, l’emportait sur la “fraternité” qui devait exister entre maçons.

A cette époque, le Grand Orient de France disposait d’une loge à Saigon (“le Réveil de l’Orient et les Fidèles du progrès réunis”), d’une loge à Ha Nôi (“La Fraternité Tonkinoise”) et d’une loge à Hai Phong (“l’Etoile du Tonkin”), la GLDF d’une loge à Saigon (“la Ruche”) et d’une loge à Ha Nôi (“les Ecossais au Tonkin”), et le Droit Humain (DH), obédience mixte, d’une loge à Ha Nôi (“Confucius”) fondée en 1925. Celle-ci accueillit les trois journalistes Nguyên Van Vinh, Pham Huy Luc et Pham Quynh (3).

En 1930 naquit la loge “Khong Phu Tseu” (GLDF) dont les membres fondateurs comprenaient, entre autres, le chirurgien-dentiste Nguyên Xuân Dai , le médecin Cao Si Tân (tous les deux initiés à Paris), et l’avocat Duong Van Giao (initié en 1924 à Paris à “Jean Jaurès” de la GLDF). Les deux avocats formés en France, Trinh Dinh Thao (4)(initié à “la Ruche”) et Vuong Quang Nhuong, devinrent aussi membres de cette loge. Un rapport rédigé par Vuong Quang Nhuong fut même lu au convent (5) de la GLDF en France en 1936 consacré au “problème colonial dans les sociétés modernes”

Il faut souligner que certains Vénérables français de loges du GODF comme Jean Lan de la “Fraternité tonkinoise”, Paquin de “l’Etoile du Tonkin” et Bouault du “Réveil de l’Orient” étaient hostiles à la création de loges dominées par des Vietnamiens, celles-ci risquant, d’après eux, de se transformer en “foyers de combat contre la domination française”. Dans une lettre datée du 10 janvier 1934 adressée au Grand Maître du GODF en France, Jean Lan dénonçait la loge “Confucius” où Pham Huy Luc était élu Vénérable (6) avec cinq Vietnamiens parmi les huit officiers : “L’Administration ne voit pas sans appréhension l’élévation d’un Annamite à la présidence d’une loge presque entièrement composée d’indigènes. Tant que ceux-ci conservaient à leur tête un Français, le gouvernement pouvait compter sur le patriotisme de ce dernier pour éviter toute discussion politique anti-française au cours des réunions et pour être avisé de tout complot qui s’y formerait”. Parmi les Vietnamiens maçons de l’époque, citons encore Ta Thu Thâu (dirigeant du Parti Trotskiste Indochinois), l’historien Trân Trong Kim (membre des “Ecossais du Tonkin” de la GLDF), le président de la Chambre des représentants du peuple de l’Annam Pham Van Quang, le pharmacien Tham Hoang Tin qui devint maire de Ha Nôi à la fin de la guerre d’Indochine, le docteur Pham Ngoc Thach (initié en 1937) qui devint ministre de Hô Chi Minh, Vu Dinh Mân qui donna une conférence prouvant qu’il n’y avait pas de contradiction entre l’esprit maçonnique issu des Lumières et l’idéologie extrême orientale façonnée par un confucianisme qui était “loin d’être aveuglément traditionaliste, [mais] de beaucoup une doctrine d’évolution, donc de progrès”. Il y avait aussi de nombreux caodaistes comme Ngô Van Chiêu (qui aurait été initié en 1919), Lê Van Trung, Cao Triêu Phat, Nguyên Phan Long, Trân Quang Nghiêm, Truong Kê An.

Un “Carrefour International de Fraternité” fut créé en décembre 1935 aux environs de Tây Ninh par un groupe de francs-maçons de diverses obédiences et de divers pays : des Français, des Vietnamiens (Trân Trong Kim et Ta Thu Thâu), des Américains (dont les généraux américains Chennault et Stilwell), des Anglais, un Japonais, un Chinois et un Philippin (un certain Osmeña , 7 ), avec pour but de combattre “l’impérialisme d’un Japon à l’humeur belliqueuse”. D’autres maçons les rejoignirent, dont les Vietnamiens Bui Quang Chiêu, Trân Quang Nghiem, Cao Triêu Phat, Dang Trung Chu, mais certains n’y resteraient pas longtemps (Bui Quang Chiêu, Ta Thu Thâu, Trân Trong Kim…).. Il fut décidé de créer des réseaux nationaux secrets dans toute l’Asie appelés FB3 (pour Free Brothers 3) coordonnés par ce “Carrefour” dirigé jusqu’en 1946 par l’avocat américain William Donavan. C’est ainsi qu’en 1936 naquit FB3-Indochine qui choisit de s’ouvrir largement aux profanes (non-maçons) et qui s’assigna le double objectif de “lutter contre l’impérialisme nippon de plus en plus menaçant […] et (de) favoriser la décolonisation de l’Indochine”, déclenchant le désaccord de certains maçons français qui se retirèrent du réseau, comme le lieutenant-colonel Tutenges et le futur général Raoul Salan.

Après les grands événements de l’époque (le régime de Vichy interdisant la maçonnerie au Viêt Nam par la voix du Gouverneur Général Decoux, coup de force des Japonais du 9 mars 1945, épuration antivichyste), il ne comptait plus en 1947 qu’un Vietnamien dans les loges qui renaissaient. Certains étaient morts, comme Bui Quang Chiêu et Pham Quynh, tués par le Viêt Minh en 1945 ; d’autres étaient passés au combat nationaliste. Ainsi « la Fraternité tonkinoise” déplora dans un texte que tant de frères Vietnamiens aient eu une conduite “antimaçonnique et inhumaine à l’égard des Français de mars 1945 jusqu’au 19 décembre 1946”.

Après 1954, des loges maçonniques sous influence anglo-saxonne remplacèrent peu à peu les loges d’influence française, dont la dernière à s’éteindre fut “le Réveil de l’Orient” (au début des années soixante). A la chute de Saigon en 1975, leurs membres ayant quitté le pays, ces loges se replièrent aux Philippines et depuis, la Franc-Maçonnerie n’existe plus au Viêt Nam en tant qu’organisation structurée.

Nguyễn Ngọc Châu

Renvois :
(1) : Les trois obédiences présentes au Viêt Nam étaient la Grande Loge de France (GLDF), le Grand Orient de France (GODF) et le Droit Humain (DH)
(2) : Fit deux conférences devant des loges françaises sur les sujets “La France a t-elle perdu l’Indochine ?” et “Le problème de la colonisation devant les colonies”.
(3) : En janvier 1926, Pham Quynh fit une conférence sur “l’idéal du sage dans la philosophie confucéenne”.
(4) : En 1939, Trinh Dinh Thao est au 31è degré. Il y a 33 degrés au rite pratiqué par la GLDF (Rite Ecossais Ancien et Accepté)
(5) : assemblée générale
(6) : Responsable dirigeant d’une loge élu par celle-ci pour un an
(7) : Sergio Osmeña Sr qui devint Président des Philippines en 1944 était aussi maçon. Etait-il cet Osmeña ?

.

Article initialement paru le 16-1-2001 dans la “Lettre de Jean Jacques Rousseau” de l’AEJJR – Amicale des anciens élèves du lycée Chasseloup-Laubat / Jean-Jacques Rousseau de Saigon.

* Merci à anh Nguyễn Ngọc Châu de nous avoir autorisés à le publier sur ce site.

.

Catégories
Prose

Đêm Cầu Cơ

Lê Nhựt Thăng (BP59)

.

Tôi muốn ghi lại đây câu chuyện cầu cơ mà tôi thường kể lại cho các em học sinh nghe lúc tôi còn đi dạy tại Saigon. Các em thích nghe câu chuyện siêu hình này vì nó thỏa mãn phần nào óc tưởng tượng của tuổi học trò.

Hình bệnh viện ngày xưa của quân đội Pháp, đến năm 1955 thì được xây thành College Français de Tourane, và vào năm 1963 trường lấy tên là Lycée Blaise Pascal.

Câu chuyện xảy ra lúc tôi còn là một học sinh trường Pháp. Ngôi trường mang tên “College Francais de Tourane”, trước là một bệnh viện của quân đội Pháp tại thành phố Đà Nẵng. Nói đến Đà Nẵng (người Pháp gọi là Tourane), tôi nhớ lại con sông Hàn chảy dài theo thành phố với những chiếc ghe đánh cá, những cái thúng mây tròn lớn được chèo đi lại từ ghe đến bờ sông, dãy núi Sơn Trà và Non Nước. Non Nước là một cảnh đẹp thần tiên, gồm có năm đỉnh núi nhỏ (còn gọi là Ngũ Hành Sơn) và hang động với thạch nhũ tương tự như Luray Caverns ở Virginia. Đá cẩm thạch đã được lấy ra từ núi để tạc thành tượng Phật. Một tượng Phật lớn đã được dựng trong hang động và khách thập phương đã đến cầu nguyện trong không khí huyền bí và vắng lặng của thiên nhiên. Tôi cũng không quên các tượng đá với đường nét điêu khắc tuyệt hảo trong “Bảo tàng viện Chàm” (Musée Cham) của thành phố Đà Nẵng. Các pho tượng là di tích của nền văn minh Chàm và cũng là dư âm của nỗi buồn diệt chủng.

Tôi xin trở lại câu chuyện cầu cơ. Tôi là học sinh nội trú của trường nói trên nên còn nhớ những cảnh vật quanh trường. Trường chia ra thành hai khu nội trú, một dành cho nam và một cho nữ, nhưng phòng học và phòng ăn thì chung. Hai khu nội trú chỉ cách nhau một chiếc cầu nhỏ ẩn mình dưới một cây đa lớn. Những mối tình vụn trộm và lãng mạn cũng đã được nẩy sinh quanh chiếc cầu và gốc cây đa là nơi hẹn hò lý tưởng. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là cây đa cao lớn, âm u, đầy vẻ ma quái trong những đêm trăng mờ ảo. Mỗi lần đi học về, băng qua cây cầu và cây đa, tôi đã tưởng tượng đến một thế giới vô hình. Hơn nữa, vì ngôi trường trước kia là bệnh viện, một cảm giác lạ lùng thường xâm chiếm lấy trí óc tôi.

Hình cây đa cạnh chiếc cầu nhỏ
Ngày nay vết tích này vẵn còn, nhưng lạc lõng giữa những xây cất mới.

Ý nghĩ cầu cơ đến với tôi trong bối cảnh ấy. Tôi rủ một số bạn trong trường, sau giờ học buổi tối và sau khi tất cả học sinh khác đi ngủ, đến một phòng bỏ trống để cầu cơ. Căn phòng này thật đặc biệt vì trước kia là phòng mổ của bệnh viện, tường trắng toát, không khí lạnh lùng, và có một cửa sổ nhìn ra bãi tha ma. Đó là khung cảnh lý tưởng để cầu cơ. Vật dụng để cầu cơ gồm có một con cơ hình quả tim được đẽo từ ván hòm, một bàn cầu cơ bằng giấy, hương và hoa quả để cúng. Chúng tôi chọn ba người để tay vào con cơ và trực tiếp đặt câu hỏi nhưng số người đứng tham dự chung quanh thì nhiều hơn. Tôi tin rằng số người tham dự đông thì “nhân điện” gián tiếp giúp con cơ chạy mạnh hơn và tiềm thức tập thể ảnh hưởng buổi cầu cơ mạnh hơn.

Một trong ba chúng tôi bắt đầu đọc bài cầu cơ. Tôi không còn nhớ rõ nguyên văn bài cầu cơ này. Nhưng tôi còn nhớ nội dung lời cầu, đại ý gọi hồn người khuất mặt nhập vào cơ, lời cầu nghe rất buồn và gây một cảm giác “lạnh người” như có luồng âm khí trong phòng. Xen vào đó là mùi hương ngào ngạt, cây đèn cầy cháy leo lét trong đêm… Không bao lâu thì con cơ bắt đầu di động, càng lúc càng mạnh và bắt đầu trả lời những câu hỏi.

– Có phải hồn nhập vào cơ không ?

– Phải.

– Xin cho biết tên gì.

– Tôi tên là Hà Mai Anh.

– Xin cho biết tuổi.

– Tôi được 17 tuổi khi lìa trần thế.

– Vì sao cô lại qua đời quá sớm ?

– Hồng nhan bạc mệnh. Tôi buồn lắm, nhưng thôi nói để làm chi.

Chúng tôi nhìn nhau kinh ngạc và thương xót cho kẻ khuất mặt, có một cái tên rất đẹp và chắc chắn là có nhan sắc và học thức vì cô đã dùng những chữ “hồng nhan bạc mệnh”. Chúng tôi hỏi tiếp :

– Cô hiện giờ ở đâu ?

– Tôi ở nơi một sườn núi, xa lắm…

– Tại sao cô lại nhập vào cơ để nói chuyện ?

– Tôi thích các anh, mổi đêm thường đến chơi và cũng để nghe tiếng đàn…

Câu trả lời đã làm cho chúng tôi giựt mình. Chúng tôi biết là trong trường có một anh tên Đ. thường chơi vĩ cầm mổi đêm, tiếng đàn rất hay và buồn.

– Có phải cô muốn nói tiếng đàn của anh Đ. không ?

– Phải.

– Cô thích nghe bản đàn gì ?

– Tristesse de Chopin.

– Cô có muốn nghe bản đó bây giờ không ?

– Có.

Thế là chúng tôi mời ngay anh Đ. đến đàn bản nhạc cô Mai Anh thích. Trong khi anh Đ. đàn thì con cơ ngưng nói chuyện, chỉ chạy qua chạy lại như đang chăm chú nghe nhạc… Và khi bản nhạc vừa dứt thì cô Mai Anh khen :

– Anh Đ. đàn hay quá và bản nhạc nghe thật buồn.

Lúc bấy giờ tôi thầm nghĩ, người đẹp cõi âm mà thích thì nguy lắm, chẳng khác gì truyện tình liêu trai.

Để biết thêm về cô Mai Anh, chúng tôi hỏi :

– Cô Mai Anh biết làm thơ không ?

– Biết.

Cô Mai Anh ngừng vài giây và giáng hai câu thơ lục bát mà không bao giờ tôi có thể quên được :

Âm dương cách biệt đôi đường

Hồn Mai Anh ở nơi sườn đồi Nam.

Hai câu thơ trên đúng vần điệu và rất có ý nghĩa. Cô Mai Anh hình như luyến tiếc cõi trần vì đã ra đi trong tuổi xuân xanh. Lúc bấy giờ tôi cảm thấy buồn vô hạn, kẻ mình đang nói chuyện tuởng như đang đứng trước mặt nhưng lại ở một thế giới siêu hình xa xăm.

Vì đã quá khuya nên buổi cầu cơ tạm chấm dứt. Chúng tôi hẹn gặp lại cô Mai Anh đến hôm sau. Đêm hôm đó tôi thao thức không sao ngủ được.

Đêm hôm sau, như đã hẹn trước, chúng tôi vừa ngồi vào bàn cầu cơ là cô Mai Anh nhập vào liền. Chúng tôi vui mừng và cảm động như gặp lại người thân yêu. Lúc bấy giờ chúng tôi không nghĩ là đang nói chuyện với “ma”. Sau một lúc hàn huyên tâm sự, chúng tôi đặt câu hỏi :

– Cô Mai Anh có nói là “âm dương cách biệt”, nhưng cô có thể hiện ra cho chúng tôi gặp không ?

– Có thể được, nhưng phải chờ đến 12 giờ đêm nay.

– Cô sẽ hiện ra ở đâu ?

– Ở duới gốc cây đa, bên cạnh chiếc cầu.

Tự nhiên lúc đó tôi cảm thấy lạnh cả người và thật sự tôi nghĩ đến chuyện “ma”. Nhưng vì muốn thỏa mãn sự tò mò, sự sợ hãi của tôi đã biến thành thích thú lạ thường. Chúng tôi hỏi :

– Lúc hiện ra cô như thế nào ?

– Tôi sẽ hiện ra với hình dáng hơi lờ mờ và sẽ mặc một tà áo trắng dài.

Chúng tôi nôn nóng chờ chuông đồng hồ gõ 12 tiếng. Cô Mai Anh bảo là phải chờ đúng 12 giờ đêm mới hiện ra. Trong trí tôi là hình ảnh một cô gái đẹp, một vẻ đẹp liêu trai, hiện ra bên góc cây đa, dưới ánh trăng mờ ảo, tà áo trắng phất phơ trước gió… Nhưmg một phút trước 12 giờ đêm, con cơ lại chạy và cô Mai Anh nói :

– Tôi nói sẽ hiện ra là chỉ để đùa vớ các anh thôi. Thật sự tôi không hiện ra được. Các anh quên rồi sao, “âm dương cách biệt” thì làm sao gặp nhau được !

Tôi thất vọng vô cùng. Nhưng tôi vẫn hiểu ý cô Mai Anh thể hiện trong hai câu thơ lục bát :

Âm dương cách biệt đôi đường
Hồn Mai Anh ở nơi sườn đồi Nam

Từ ngày ấy tôi không còn cầu cơ. Nhưng tôi vẫn thích kể câu chuyện trên vì tôi tin rằng Hà Mai Anh có thật trong thế giới vô hình.

Dãy núi Sơn Trà chạy dài theo bãi biển Tiên Sa. Từ trường Lycée Blaise Pascal tôi có thể nhìn thấy dãy núi này.
Trong câu chuyện cầu cơ, Hà Mai Anh có nói đến nơi cô ta đang ở, trong câu thơ “Hồn Mai Anh ở nơi sườn đồi Nam”, tôi nghĩ đó là sườn núi Sơn Trà.

.

Lê Nhựt Thăng
Virginia, một đêm mưa buồn

.

Nhân đọc bài về cầu cơ ở College Francais de Tourane (Đêm Cầu Cơ, Lê Nhựt Thăng (BP59)), nhớ lại vào khoảng 1957-1958, chúng tôi cùng các anh lớn hơn leo chui qua mái nhà (đường couloir nối hai nhà nội trú) lên sân thượng cầu cơ. Có anh Nguyễn Đình Nghĩa (sau này là “sáo thần của Việt nam) thổi sáo.
Tôi còn nhớ một phần bài cầu cơ như thế này :


Cơ huyền diệu lẽ trời khôn thấu
Kiếp phù sinh kết cấu thành người
Còn đâu tiếng khóc câu cười
Còn đâu để thấy cuộc đời tối tăm
Trời ảm đạm mưa gầm gió rét
Ngoài trời kia hiu hắt gió sương
Âm dương xa cách đôi đường
Mà trong cội rễ vốn dường như nhau
Cái sanh hóa người sau kẻ trước
Dắt dìu nhau mà bước qua đò
Mấy lời tâm sụ nhỏ to
Hồn ai qua đó cho ta nhắn cùng
Hoặc hồn ở bờ sông ngọn suối
Hoặc hồn chơi bụi chuối cành đa
Hoặc nương bóng chiều tà
Hoặc hồn lẩn quất la đà mây xanh.
Mau mau nhập vào đàn cầu khẩn
Đừng ngập ngừng thơ thẩn chi đây…

Hồ Văn Hiền (BP65)

.

Catégories
Prose

Thanh Tâm Tuyền

Dang Tien (BP60)

.

Nhân ngày giỗ thứ 6 của nhà thơ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền, qua đời trưa ngày 22 tháng 3-2006, tại thành phố Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, thọ 70 tuổi.

Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học Miền Nam, trước 1975, và góp phần tạo nên một khúc quành cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20. Ông đã làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam. Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ truyện Bếp Lửa. Ông du nhập nghệ thuật phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không kinh qua trường học Pháp thuộc như các nhà văn, nhà thơ lớp trước. Ảnh hưởng phương Tây do đó có tính cách trực tiếp, tự do và sáng tạo. Ngược lại, ông có khả năng thiết lập quan hệ hữu cơ và mật thiết giữa các bộ môn văn học và nghệ thuật : Thơ, Văn, Nhạc, Họa, như ở các nước phương Tây. Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật.

Thanh Tâm Tuyền là người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách và tiết tháo.

*

 TTT – Duy Thanh vẽ

Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư văn Tâm, sinh ngày 13 (có nơi ghi 15) tháng 3 năm 1936, tại Vinh, Nghệ An. Trong bài Thơ Mừng Năm Tuổi, làm năm Nhâm Tý 1972, ông đã kể chi tiết tiểu sử (1). Từ 1952, ông đã đi dạy học, trường Minh Tân, Hà Đông và có truyện đăng báo Thanh Niên, Hà Nội.

Sau đó, 1954 vào Nam hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội di cư, cùng với những người sẽ trở thành bạn văn nghệ về sau : Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, cùng chủ trương nguyệt san Lửa Việt.
Tại Sài Gòn, 1955, ông viết cho các tuần báo Dân Chủ, Người Việt và nổi tiếng từ những tác phẩm đầu tay, tập thơ Tôi Không còn Cô Độc, 1956, và truyện Bếp Lửa, 1957. Thời điểm này, ông tích cực tham gia biên tập báo Sáng Tạo (1956-1960) do Mai Thảo đứng tên, và ông thường được xếp vào « nhóm » Sáng Tạo, có ảnh hưởng lớn trên văn học Miền Nam suốt một thập niên.
1962, bị động viên vào trường Sĩ quan Thủ Đức, được giải ngũ, rồi tái ngũ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phụ trách chủ yếu việc huấn luyện văn hóa,và làm báo quân đội, « tám năm quân ngũ chưa nổ một phát súng với địch » (1972), cấp bực cuối cùng là Đại úy. Sau 1975, bị bắt đi học tập, trong 7 năm, tại traị Long Giao ( Long Khanhs) và nhiều trại cải tạo Miền Bắc. Cuổi cùng sang định cư tại Hoa Kỳ từ 1990. Ông qua đời vì ung thư phổi, tại nơi cư ngụ.

Thanh Tâm Tuyền là tác giả khoảng mười đầu sách ; ba tập thơ : Tôi Không Còn Cô Độc (1956), Liên – Đêm – Mặt Trời Tìm Thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở Đâu Xa (1990, Mỹ). Ba truyện : Bếp Lửa (1957), Khuôn Mặt (1964), Dọc Đường (1967). Bo^n tiểu thuyết : Cát Lầy (1966), Mù Khơi (1970), Tiếng Động (1970) Mot Chủ Nhật Khác (thang 2, 1975). Một vở kịch ngắn : Ba Chị Em (1965). Một phiếm luận Tạp Ghi (1970). Ông còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản, như tiểu thuyết Ung Thư đăng nhiều kỳ trên báo Văn, từ 1964, là một tác phẩm quan trọng.

Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hòang

Miền Nam Việt Nam những năm 1955-1960 bừng lên một sinh khí văn hóa. Hằng triệu người từ Bắc di cư vào Nam, những người từ nông thôn bước vào, hay trở về thành thị sau chiến tranh, tình hình an ninh và giá cả ổn định, các trường trung và đại học phát triển, sách báo, điã nhạc, nhập khẩu ào ạt với giá rẻ nhờ ngoại viện. Thơ Thanh Tâm Tuyền xuất hiện trong bối cảnh đó. Ít người mua và cầm trong tay tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc, nhưng nhiều người, nhất là giới thanh niên, đọc thơ ông trên tạp chí Sáng Tạo, bên cạnh thơ hiện đại khác của Tô Thùy Yên, Quách Thoại, Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Người Sông Thương.

Người đọc theo dõi, tìm hiểu, chứ thật sự yêu thích thì không nhiều ; cũng có người, có bài báo chê trách là thơ lập dị, bí hiểm, hũ nút.
Mười lăm năm sau, tháng 11-1973, khi sự nghiệp thơ văn Thanh Tâm Tuyền đã an vị, báo Văn đã ra một số đặc biệt về đề tài này, ngày nay là tư liệu hiếm quý. Trên báo này, Lê Huy Oanh, nhà biên khảo chuyên về thơ, đã có hai bài : một bài kể lại quá trình tiếp xúc thơ Thanh Tâm Tuyền, từ chỗ ghét bỏ đến yêu thích ; một bài giải thích « lối thơ Thanh Tâm Tuyền » qua bài Phục Sinh nổi tiếng trong sự khen chê, với những câu : Tôi buồn khóc như buồn nôn… Tôi buồn chết như buồn ngủ…

Tôi Không còn Cô Độc có lẽ chỉ là lời tâm nguyện như khi nhà thơ nói ‘tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ’, hay ‘có người cầm súng bắn vào đầu / đạn nổ nhịp ba / không chết’. Người đọc bực mình vì những lời lạ lẫm như thế thì ít, nhưng nhiều người phẫn nộ vì lời thách thức in ở đầu sách :

« Ở đây tôi là hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi, người hoàn toàn tự do. Để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ. Người hoàn toàn tự do. Và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ ».

Lê Huy Oanh kể lại rằng : « trước đó tôi đã quẳng tập thơ qua cửa sổ, rồi lại nhặt lên, trân trối nhìn nó một hồi lâu trước khi từ từ, rất từ từ ấp nó vào ngực » (báo Văn đã dẫn, tr.8). Dĩ nhiên đây là cách nói tượng trưng.

TTT – Đinh Cường vẽ

Trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Tâm Tuyền nhất định phải biết câu thơ phá thể thời 1946, như Nhớ Máu của Trần Mai Ninh, Đèo Cả của Hữu Loan, Sáng mát trong như sáng năm xưa của Nguyễn Đình Thi. Nhưng dù phá thể, câu thơ này vẫn còn giữ vần điệu. Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ : loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc ; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra « diễn ca », còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới.

Dựa trên lời Nietzsche, ông gọi đây là quan niệm nghệ thuật Dionysos đối lập với quan niệm Apollon, « nghệ thuật phá vỡ những hình thức sẵn có hỗn loạn trong những niềm cảm xúc, một nghệ thuật của say sưa, một vẻ đẹp hãi hùng mọi rợ, nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bi thảm  ».

Câu này trong bài Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay, Thanh Tâm Tuyền viết năm 1955 – khi ông 19 tuổi – là một văn kiện cơ bản, trong lý luận về thơ. Trong chừng mực nào đó, nó tiếp nối bài Mấy Ý Nghĩ về Thơ của Nguyễn Đình Thi năm 1949, về nguyên tắc và lý thuyết. Về mặt nội dung và thực tiễn sáng tạo, Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn.

Chất hiện đại trong thơ ông một phần do ảnh hưởng thơ thế giới, chủ yếu là thơ Pháp, từ Rimbaud, Lautréamont đến Apollinaire, nhất là thơ Siêu Thực của nhóm Breton, Eluard, mà ông tiếp thu trực tiếp, mà không kinh qua nhà trường Pháp thuộc như thế hệ đi trước. Thanh Tâm Tuyền không học đúng bài bản như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, cho nên tự do hơn. Xuân Diệu, về già, vẫn mơ ước làm một Ronsard. Thanh Tâm Tuyền thạo tiếng Pháp, ham đọc, nên tiếp xúc được với nhiều tác giả trên thế giới từ Gorki, Plekhanov, Marx, Trosky đến những tác giả mới hơn như Laurence Durrell hay Soljenitsyne qua tiếng Pháp. Từ đó, thơ ông có chất quốc tế, trong nền Cộng Hòa Thế Giới :
Các anh Cộng Hòa đã chiến đấu cho Tây Ban Nha
Xứ sở Lope de Vega Garcia Lorca
Một Breton tình điên còn nức nở
Mà Hy vọng Malraux còn thổn thức
Và mãi Ernest còn tiếc thương
Andalousie đói quên khiêu vũ
Việt Nam ốm yếu quên ca dao

Câu ‘quốc tế ca’ của Thanh Tâm Tuyền nhiều người thuộc nhất có lẽ là hai câu đầu dùng làm tựa đề cho bài thơ, đăng trên báo Sáng Tạo, số 4 tháng Giêng 1957 :
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest

Bài này làm vào tháng 12-1956, một tháng sau khi Hồng Quân Liên Xô, nhân danh khối liên minh quân sự Vác-xô-vi tràn ngâp Hung-ga-ri và thủ đô Bu-đa-pet. Sau đó ông còn làm tiếp Bản Anh Hùng Ca Budapest cũng đăng trên Sáng Tạo.

Thanh Tâm Tuyền chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam cho đến ngày sang Hoa Kỳ định cư vĩnh viễn. Nhưng thơ ông đầy những thành phố : Vác-xô-Vi, Béc-Lin, Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Moscou, Praha, Paris, Madrid, Bruxel, Genève. Nhưng không có lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn. Thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ thành phố : thơ Pháp, đến Prevert là hoàn toàn đô thị hóa ; thơ Việt Nam, đến Thanh Tâm Tuyền cũng quành vào đô thị. Xưa kia, Nguyễn Bính đã mơ Phường Chèo làng Đặng ; gần hơn, Đinh Hùng còn nhớ tháng giêng quê bạn hội đêm rằm ; đến Thanh Tâm Tuyền Tôi Không Còn Cô Độc là tên một bài thơ dưới dạng hợp xướng hiện đại, với nhiều giọng hát, và có giọng thi sĩ :

 TTT – Đinh Cường vẽ

Tôi đã chết nghẹn ngào
ôm tình yêu tự do chật ngực
tôi chết và chối từ
đừng ai gọi tôi là thi sĩ
(…)
Hôm nay tôi dự hội
hôm nay dùng mắt nhìn
hôm nay dùng lời dịu
cô độc phút tan tành
tôi không còn cô độc

Ông già : tôi không còn cô độc
Hợp xướng : tôi không còn cô độc
Em gái : tôi không còn cô độc
Hợp xướng : không ai còn cô độc
không ai còn cô độc

Thơ Thanh Tâm Tuyền khi ngân vang hợp xướng, khi u uẩn tiếng kèn đồng :
Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng
Những giòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tủy của hờn bắt đầu ngày tháng
Giữa rừng không lối rừng mãi trống không
(…)
Vì blues không xanh, vì điệu blues đen
Trên màu da nức nở
(Đen, Sáng Tạo, số 8, tháng 5-1957)

Thơ Thanh Tâm Tuyền, tự nó, là một thế giới, và đồng thời một không gian nhìn ra thế giới. Đây là đặc tính của thơ Thanh Tâm Tuyền, ở những nhà thơ khác dù rất hiện đại, cũng không có, hoặc không rõ nét. Ví dụ trong thơ Tô Thùy Yên, chủ yếu ta thấy thảm kịch Việt Nam ; thơ Lê Đạt chủ yếu phản ánh tâm cảnh người dân châu thổ Sông Hồng ; thơ Dương Tường đưa vào nhiều tiếng nước ngoài, thảnh thót giọt mưa dương cầm tím mộng scheherazade, vẫn là cái liếc nhìn ra thế giới, không phải là tầm nhìn sâu thẳm, xâu xé, xoáy vào thân phận làm người, chủ yếu là người nhược tiểu. Nói như vậy, không có ngụ ý rằng thơ Thanh Tâm Tuyền nhẹ tính cách dân tộc. Phân biệt dân tộc với nhân loại là phiến diện : trong thế giới có Việt Nam và trong Việt Nam có thế giới. Trong Guernica của Picasso có Bến Tre, trong tranh khắc gỗ đình làng Việt Nam có Picasso. Tôi nói thơ Thanh Tâm Tuyền trong hình thức và nội dung là một bước ngoặt trong nghệ thuật và tâm thức Việt Nam là vậy.

Tuy nhiên cũng phải ghi nhận với ít nhiều tiếc rẻ là lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế. Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ ở đâu xa cũng trở về với những thể thơ truyền thống. Nhưng đây là những bài thơ làm trong lao lý, trong những hoàn cảnh đặc biệt, không cho phép chúng ta suy diễn về lý thuyết. Dù sao ông đã mở ra những chân trời mới và cách tân quan niệm thi ca.

*

Câu thơ, bài thơ mới, đọc qua thấy ngay. Câu văn, cuốn truyện mới, khó nhận ra hơn. Người bình luận phải phân biện : mới so với cái gì, và mới ra sao. Nhưng điều cụ thể nhất lại là : người đọc đương thời có nhận ra nét mới ấy không ?

Thưa rằng có. Nhà văn Nguyễn quốc Trụ, 1973, trên báo Văn, số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền đã dẫn, có một bài viết căn cơ trình bày giá trị, nghệ thuật và tính chất súc tích của truyện Bếp Lửa, 1957. Ông trích dẫn cặn kẽ nhiều văn bản, nhiều tham khảo, để lại một chứng từ chính xác (2).

Tôi còn một chứng từ riêng : bạn tôi là Đinh Ngọc Mô, nhiều người biết vì có thời hướng dẫn mục Đố Vui Để Học trên truyền hình Sài Gòn, quen nhau từ 1965 tại Đà Lạt, gặp lại nhau 1970 tại Paris. Lúc ấy, Mô sống vất vả, lang bang, đi đàn hát trong các nhà hàng Việt Nam để mưu sinh. Một tối về khuya, dọc Boulevard des Italiens, Mô đã đọc thuộc lòng cho tôi nghe những trích đoạn dài của Bếp Lửa mà anh tâm đắc và cho là tân kỳ. Thuộc thơ Thanh Tâm Tuyền đã là khó, thuộc văn xuôi lại không dễ. Vắng tin nhau khá lâu, có người mách là Mô đã qua đời, đã tự tử bên Canada. Tôi không muốn tin, nhưng mỗi lần mở truyện Bếp Lửa, là tôi tìm lại những đoạn Mô đã đọc, cho đến bây giờ sách đã vàng ố, tả tơi, rách nát như cuộc đời của chúng tôi. Trước khi kể lại chuyện này, tôi rà lại tin tức, thì bè bạn bốn bể năm châu đều xác nhận chuyện buồn. Mà tôi vẫn chưa tin, và muốn hỏi Mô : Mô ơi, thật à ? Cậu ấy vui tính, hay đùa.
Bạn đọc cho là tôi lạc đề. Thân tình thì biết tôi chỉ mới lạc dòng, lạc giọng, mà không lạc đề.

*

Tiềm năng độc giả thời đó là học sinh trung học : sinh viên đại học chưa nhiều. Và chúng tôi thiếu sách để đọc. Văn chương quốc ngữ thời đó, bỏ ra một kỳ nghỉ hè, có thể đọc hết toàn bộ.
Sách Tự Lực, Vũ Trọng Phụng thì đọc cả rồi … Các tác gia ở lại miền Bắc ít được tái bản. Và chúng tôi khao khát cái mới, các truyện ngắn của Doãn Quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Thao Trường. Những Chiếu hoa cạp điều, với Hương gió lướt đi. Thậm chí, chúng tôi còn bất công với cái cũ : tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh bán chạy được hai số, rồi thôi. Đoán già đoán non : các vị Đinh Ngọc Mô, Nguyễn Quốc Trụ, cũng như tôi, đã đọc Bếp Lửa trên ghế trường trung học, trước khi hư thân mất nết ở nơi khác.

Bếp Lửa là một truyện vừa, vừa một trăm trang. Thanh Tâm Tuyền viết liền mạch, rất nhanh, trong vài tháng, xong tháng 10-1956, đưa đi kiểm duyệt và xuất bản ngay (3). Không có độ lùi để sửa chữa. Sau này, khi tái bản, ông muốn sửa chữa, nhưng không làm được và viện dẫn Malraux : người ta không viết lại được một cuốn sách. Nhưng có một truyện ngắn Đại Lộ, nội dung na ná, in lại trong tập truyện Khuôn Mặt, 1964.

Truyện được viết từ ngôi thứ nhất ‘tôi’. Người kể, ‘tôi’ tên Tâm, cùng tên với tác giả, đi dạy học tại một trường công giáo tại Bắc Ninh, còn tác giả dạy tư thục ở Hà Đông, khoảng 1952.

Tuy nhiên Bếp Lửa không phải là tự truyện, đại khái như tác phẩm Kẻ Dưng, l’Etranger,1942 của Albert Camus, bắt đầu bằng câu nổi tiếng : hôm nay mẹ tôi mất, nhưng chính bà mẹ Camus lại sống lâu hơn tác giả. Trong Bếp Lửa, Tâm mồ côi bố từ nhỏ, sau đó mồ côi mẹ, trong khi bà cụ tên thật là Thạch thị Kim , ngày nay còn sống, ở Long Khánh. Tính cách mồ côi ở đây là một ẩn dụ, như ở Kẻ Dưng hay Cũng Đành của Dương Nghiễm Mậu sau này.

Không phải là tự truyện, nhưng Bếp Lửa phản ánh tâm trạng tác giả, và một số thanh niên đồng lứa vào thời điểm trước hiệp định Genève, 1954, tại Hà Nội, và vùng phụ cận dưới sự kiểm soát của Pháp. Chủ yếu là những nét chấm phá nhẹ nhàng, nhưng rất sắc về tâm thức chính trị của con người lúc đó qua những nhân vật : ông Chính, đảng viên Quốc Dân Đảng, còn hoạt động ; Bảo có tham dự phong trào Ngũ Xã nhưng nay đã tuyệt vọng ; Đại say đắm chủ nghĩa mác xít và chuẩn bị ra khu ; Hòa nhân viên phòng nhì ; Ngọc hoàn toàn hư vô và chối từ tổ quốc… Giữa họ là những nhân vật nữ, hiền lành, vô tội, như chị em Thanh và Minh, em họ Tâm ; Hạnh ; Thịnh vào ra giữa hai vùng… Còn Tâm ? anh xê dịch giữa đám người đó, không thân không sơ, và nói như Meursault, nhân vật Kẻ Dưng : không biết rõ mình muốn gì, nhưng biết rõ những điều mình không muốn. Khi Tâm bị ông hiệu trưởng cho thôi việc, ngạc nhiên một chút rồi rửng rưng ngay. Tôi không hỏi vì cớ gì ông muốn tôi nghỉ việc cũng như ông đă quên không nói cho tôi biết… Tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Tôi nhẹ nhõm vô cùng và ngủ một giấc rất say (tr.90).

Trong thế giới ấy, quan hệ tình cảm cũng mong manh, sắc sắc không không, như giữa Tâm và Thanh, một cô em họ, cũng mồ côi cha mẹ. Đôi khi tôi nghĩ tôi có thể yêu Thanh và che chở cho Thanh, giây thân thích giữa chúng tôi không đáng kể (…) nhưng chưa bao giờ tôi nói ý nghĩ của tôi cả (tr.12).

Quan hệ tính dục cũng nhẹ nhàng thôi. Tâm gặp lại Hạnh, một cô bạn học cũ, đi cùng một chuyến xe chở hàng từ Bắc Ninh về Hà Nội. Đến Hà nội, mưa lớn hơn, chúng tôi cùng đi ăn cơm với nhau. Và đêm ấy tôi ngủ với Hạnh ở khách sạn (tr.72). Chấm dứt chương 4. Bước sang chương 5 : Tôi có cùng về Hà Nội với Hạnh một vài lần. Gần nhau, tôi nhận thấy chiến tranh – hay chỉ cần sự de dọa của chiến tranh, tổng quát là sự khủng bố tinh thần – đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương (…). Sau mỗi lần như thế, khi lấy lại bình thường, Hạnh có vẻ ngượng ngùng. Có một lần nằm cạnh tôi, Hạnh nắm tay tôi để lên ngực nàng nói :
– Anh có khinh em không ?
(tr.76)

Dĩ nhiên là các vị Nam Tào văn truyện kiêm Bắc Đẩu lịch sử sẽ có người bắt bẻ, hạch hỏi : chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, hay bảo vệ tự do, chỉ có kích thích tính dục người phụ nữ hay sao ? Bếp Lửa là một trước tác nghệ thuật, và Thanh Tâm Tuyền đã có lần nói : « người nghệ sĩ đưa sinh mệnh mình để đảm bảo sự thành thật của tác phẩm », thì ắt không buồn quan tâm đến những vấn nạn ấy. Điều chúng ta ghi nhận là nét hững hờ, lãnh đạm của Tâm đã thổi dạt Bếp Lửa trôi xa, không những với Giòng sông Thanh Thủy của Nhất Linh mà còn xa với Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ hay Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan đồng hội đồng thuyền.

Một thắc mắc, nhỏ thôi : không khí Hà Nội khoảng 1950-1952 nhất định phải khác xa không khí Sài Gòn 1970-1972. Nhưng về cơ bản, tâm lý thanh niên trí thức có khác nhau nhiều không ?

Ngày nay, ngọn lửa chiến tranh vẫn còn tàn phá nhiều nơi trên thế giới ; và giữa tiếng kêu la thất thanh của trẻ con, vẫn có lời vinh danh Thượng Đế. Trong Bếp Lửa, Thanh Tâm Tuyền đã viết « theo tôi có những lúc người ta cần giải quyết giữa người và người và Thượng Đế không nên có mặt ở lúc ấy (…) Thượng Đế đã bị lôi kéo vào tấn thảm kịch riêng tư của loài người và chỉ có thể thoát ra với sự thất bại  » (tr.67).

Tại Việt Nam, một giải đất còm cõi đau thương, năm 1956, một thư sinh mặt trắng, 20 tuổi, đã viết dõng dạc được một câu như thế, kể cũng là lời tiên tri lạ lùng và cao siêu đấy chứ ?

*

Về phong cách, Bếp Lửa là một tác phẩm làm mới văn chương chữ nghĩa theo nhận định của Nguyễn Quốc Trụ trong bài đã dẫn. Vậy mới, là so với cái gì, và mới ra sao ?

Trong một bài viết tưởng mộ Nguyễn đức Quỳnh, tác giả Thằng Kình, Thanh Tâm Tuyền 1974 đã viết : « Cùng với Những Ngày Thơ Ấu của Nguyên Hồng, Thằng Kình là quyển tiểu thuyết quan trọng đối với tôi. Đó là quyển sách đã vỡ lòng, đã mở mắt (…) Tôi không phải là người của một vài quyển sách. Trước và sau khi đọc Thằng Kình, Những Ngày Thơ Ấu, tôi đã đọc hầu hết tiểu thuyết Việt Nam, tôi hiểu được giá trị, tôi cảm được cái hay của nhiều tác giả khác nhưng chỉ có hai tác giả Nguyễn đức Quỳnh và Nguyên Hồng gây được ở tôi lòng ngưỡng mộ. Văn chương phát sinh từ lòng ngưỡng mộ. Nên tôi không bao giờ quên ơn người đã khơi dậy lòng ngưỡng mộ nơi tôi » (4).

Một lời tình tự như vậy, ở một người ít tự sự như Thanh Tâm Tuyền là quý hóa, là một chìa khóa đưa ta vào thế giới tiểu thuyết, mối hạnh phúc đau đớn, bắt đầu từ Bếp Lửa, rồi đến Khuôn Mặt, Dọc Đường, Cát Lầy, Ung Thư, Mù Khơi, Tiếng Động…

Đối với Thằng Kình (1942, nxbHàn Thuyên, Hà Nội), niềm ngưỡng mộ có lẽ dừng lại ở nội dung mới lạ của tác phẩm, thêm chút tình riêng với tác giả. Chứ nhân vật Kình, khỏe mạnh, tự tin, tích cực rất xa với nhân vật truyện Thanh Tâm Tuyền ; hành văn rậm rạp của Nguyễn đức Quỳnh cũng xa với lối viết trần trụi trong Bếp Lửa.

Gần nhau hơn là Những Ngày Thơ Ấu, Nguyên Hồng viết năm 1938, khi 20 tuổi, như trường hợp Bếp Lửa, dưới dạng tự truyện ở ngôi thứ nhất. Bằng giọng văn đơn giản, Nguyên Hồng kể lại tuổi thơ cơ cực, một cách thành thực, như chuyện người mẹ ngoại tình bị gia đình nhà chồng hắt hủi mà đứa con một mực yêu thương. Nhưng cơ bản thì hai truyện khác nhau : Những Ngày Thơ Ấu là tự truyện của một người, dĩ nhiên là mang nét xã hội ; Bếp Lửa là truyện một thế hệ thanh niên ưu thời mẫn thế, mang nặng chất trí thức và chính trị. Nguyên Hồng viết đơn giản, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những đoạn văn chương, ví dụ ngay ở chương I (Tiếng Kèn) : Những buổi chiều vàng lặng lẽ… Buổi chiều nào cũng vậy…, không hề có trong Bếp Lửa. Và trong một bài báo, Nhân Nghĩ về Hội Họa, 1956, Thanh Tâm Tuyền khước từ lối « văn chương có thể đặt tên là văn chương của bài tập đọc, luận mẫu cho học trò » (Văn 11/1973, tr. 78). Từ đó, đem Bếp Lửa ra giảng dạy ở học đường là việc khó, vì khó tìm ra một vài trích đoạn tiêu biểu gọi là « trích diễm ». Kinh nghiệm của tôi : yêu cầu sinh viên phải đọc toàn bộ tác phẩm, rồi đưa ra những chủ đề tổng hợp, về hình thức, nội dung. Ví dụ lối kể chuyện đơn tuyến, một mạch theo dòng thời gian, không một lần quay lại quá khứ – cho dù có rơi rớt một vài kỷ niệm – về người mẹ và bà ngoại.

Lối dùng từ bình dị, ưu tiên cho từ đơn âm, ít từ kép, càng ít từ hán việt hay thành ngữ.
Lối đặt câu ngắn, có khi cụt ngủn, có khi lược từ. Câu văn cô đúc, có lúc khó hiểu, như là lời nói nén chặt nội tâm : Một bên đường cỏ hoang và núi đóng đồn binh (tr.47). Ngọn núi bắt đầu thấy cứng mình vì nghe nắng sắp về dữ dội (tr. 87). Câu được nhiều người nhắc : Buổi sáng mùa đông ngây ngất vào lối 10 giờ (tr.11). Buổi chiều ngất ngư chưa muốn ngã (tr.28).
Nhưng nét mới quan trọng là không khí chung của toàn truyện Bếp Lửa, không phân biệt nội dung, tư tưởng, hình thức, nghệ thuật và ngữ pháp. Thậm chí người đọc có thể hỏi : Bếp Lửa, bếp lửa nghĩa là gì ?
Với tôi, có lẽ thêm vài kẻ bạn, Bếp Lửa là một bài hát.
Bài hát « chỉ được nghe một lần trong đời. Bài hát xưa lắm, những người thích nó kẻ đã chết, người còn sống thì quên không nhắc lại. Riêng tôi, tôi thường thì thầm với chính mình những phút cô đơn » (5).

Có ai đó đã viết đâu đó về âm hưởng nhạc blues trong thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi chỉ biết ông đã thiết lập quan hệ mật thiết giữa các bộ môn nghệ thuật. Điều này, ngày xưa, nhóm Tự Lực đã làm, nhưng còn hời hợt, dù rằng nhà văn Nhất Linh, nhà thơ Thế Lữ, khởi đầu là những sinh viên trường Mỹ Thuật. Thời đó, họ chỉ đặt những tác phẩm nghệ thuật bên cạnh nhau. Họa hoằn lắm mới có bài Nguyễn Tuân về tranh Nguyễn Phan Chánh. Ở Việt Nam, không có nhà thơ sành hội họa như Baudelaire, cũng không có tình bằng hữu giữa các nhà thơ như Aragon, Eluard với họa sĩ Picasso hay Chagall ở Pháp. Thanh Tâm Tuyền thật sự muốn bắc cầu giữa các bộ môn nghệ thuật, nhất là giữa thơ và hội họa, và thân thiết với các họa sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, bài Nhân nghĩ về Hội họa viết năm 1956 – hai mươi tuổi – ông đề tặng ba người ấy.

Họa sĩ Thái Tuấn kể lại rằng trong một cuộc triển lãm năm 1958, ông có bức sơn dầu vẽ một người đàn ông đội mũ đeo ống sáo trên vai, chừng mực nào đó, là một chân dung tự họa ; ông không biết đặt tên là gì. Thanh Tâm Tuyền đề nghị gọi là Hóa Thân, Thái Tuấn rất tâm đắc. Ý nhà thơ : anh vẽ cái gì thì cũng là hóa thân vào bức họa, tranh nào rồi cũng thành chân dung họa sĩ. Nghe chuyện, tôi cứ nghĩ Thanh Tâm Tuyền mượn ý từ một tựa đề tiểu thuyết của Kafka. Đọc lại bài báo nói trên, tôi mới vỡ lẽ ông tham chiếu vào một chuyên khảo về nghệ thuật của Malraux Những hóa thân của Apollon – les Métamorphoses d’Apollon, 1951, và ông thường tâm đắc với Malraux.
Ông viết trong bài Nhân nghĩ về Hội họa :

Sẽ chết như sao rơi khỏi đời… 

« Tôi công nhận nghệ thuật như một nghề như mọi nghề khác khi tôi hiểu rằng muốn làm được nghệ thuật người ta cũng cần học hỏi, luyện tập như tập sự bất cứ nghề gì. Đến đó thôi. Khi những nhà nghệ sĩ chân chính, để bảo đảm sự thành thực của tác phẩm, đã mang sinh mệnh chính mình ra thách đố, thì lúc ấy nghệ thuật không còn là một nghề nữa, nó là hành động siêu việt của nhân loại trong cuộc tìm kiếm đời sống chính đính » (Văn, số 11- 1973 đã dẫn, tr. 78).
Đoạn trích văn này có thể tóm lược quan niệm và sự nghiệp văn thơ, nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền, và làm kết từ cho bài này.
Chúng tôi gửi thêm vào đó niềm kính trọng và thương tiếc khôn nguôi với một Lòng Suối Trong Xanh đã lẫn sâu vào lòng đất, trở về cõi thủy chung. Một dòng thơ đời đời thao thiết nuôi dưỡng Tình Yêu và Quê Hương trong mỗi chúng ta, cho mỗi chúng ta, trong thân phận làm người, làm người trong hay ngoài đất nước, luôn luôn trong nhân loại.
Trong truyện Bếp Lửa, sáng tác năm hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền đã hạ một câu kết, để đời, – khi hiu hắt, khi ngời sáng, trong tâm thức thế hệ chúng tôi :

« Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng ».

Đời người, vô cùng rồi cũng đến vậy thôi.
Vô cùng Thanh Tâm Tuyền.
Thanh. Tâm. Tuyền.
Thanh Tâm
Tuyền.

.

Đặng Tiến
Ngày giỗ Trịnh công Sơn
Orléans, 01-4-2006

.

1. Thanh Tâm Tuyền, Văn, số 199, tháng 4-1972, Sài Gòn.
2. Văn, số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền, tháng 11-1973, Sài Gòn.
Thanh Tâm Tuyền, Văn, Giai Phẩm, tháng 6-1974, tr.21-22, Sài Gòn.Nhóm Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư dự tính in lại nguyên văn số báo để tặng bạn đọc, qua e-mail tranhoaithu@verizon.net. Hoan hô Trần Hoài Thư.
3. Thanh Tâm Tuyền, Bếp Lửa, nxb Nguyễn đình Vượng, 1957, Sài Gòn, Chúng tôi trích đọan từ bản này.
4. Thanh Tâm Tuyền, Văn, Giai Phẩm, tháng 6-1974, tr.21-22, Sài Gòn.
5. Thanh Tâm Tuyền, Buổi sáng Ngoài Bãi Biển, trong Khuôn Mặt, tr.98, nxb Sáng Tạo, 1964, Sài Gòn.

.

* Thanh Tâm Tuyền trên blog Mượn Dấu Thời Gian
http://phannguyenartist.blogspot.com/2011/12/thanh-tam-tuyen.html

.

Catégories
Prose

Phan Thanh Giản, The Loss of Cochinchina to France

Chat V. Dang, MD (JJR65)

.

AT THE BEGINNING of the 3rd millenium, the moral fabric of East Asia (China, Japan, Korea, Vietnam) remains Confucian in nature despite the powerful influence of Western and Marxist cultures. This is the result of centuries of education and culture based on the teachings of Confucius (551-479 BCE), after which East Asian societies were molded and their traditional leaders formed. Phan Thanh Giản (1796-1867) was an exemplary Confucian mandarin of the Nguyễn Court at a time it had to deal with the French conquest of Cochinchina then known as Nam Kỳ Lục Tỉnh (South Territory Six Provinces).
.

Family and Education

Phan Thanh Giản was born in 1796 in Bến Tre, southern Vietnam. His Chinese grandfather, faithful to the Ming, migrated from Fujian (Fukien, north of Guangdong) to Bình Định, central Vietnam, to escape the oppressive Manchurian Qing rule and married a Vietnamese woman. Born from this union, his father fled the instability of the Tây Sơn rebellion and moved to southern Vietnam. He worked there as a low-ranking administrative employee. When Giản was 6 (1802), his mother passed away and his father remarried. Giản was sent to study with the Buddhist monk Nguyễn Văn Noa at a pagoda.
In 1815, his father was falsely accused of corruption and incarcerated. The 19 year-old Giản, convinced of his innocence, wrote to the local administrator in Vĩnh Long to offer to take his father’s place in prison. Touched by the young man’s filial piety and intelligence, the official arranged for him to continue his study at a nearby facility so he could pay frequent visits to his father. After the latter had completed his sentence, the administrator convinced Giản to stay in town to further his study and take the competitive state examinations. In 1825, Giản passed the provincial exam in Gia Định to earn a bachelor degree (Cử nhân). The next year in the capital Huế, under the reign of Minh Mạng, he became at the age of 30 the first Vietnamese Southerner to earn a doctor degree (Tiến sĩ), ranking 3rd of 10 doctors of letters selected from 200 candidates.
.

High Mandarin of the Nguyễn Dynasty

Recognized for his outstanding Confucian formation, Phan Thanh Giản served as a mandarin under three Nguyễn monarchs, Minh Mạng, Thiệu Trị, and Tự Đức. At the Huế court, he progressed rapidly through the ranks, becoming a high official in diverse ministries, a vice-ambassador to China, and a member of the royal Secret Council (Cơ Mật Viện). Strictly following Confucian principles, he incurred King Minh Mạng’s displeasure by honestly informing him of shortcomings in his edicts and practices. Once, he was downgraded to the rank of private. Remarkably, despite his upbringing as a man of letters, Giản bravely fought on the front lines against local rebels in Quảng Nam, central Vietnam. As a model of courage and discipline on the battlefield, he won the respect of his officers. On hearing this, Minh Mạng pardoned him and recalled him to court. Yet, his strict adherence to the ethical tenets of Confucianism resulted another time in his demotion to “Lục phẩm thuộc viên,” a public custodian sweeping Quảng Nam streets.
Under King Thiệu Trị (1841-47), Phan Thanh Giản was named Vice Chief Examiner of the national exams at the capital (Phó chủ khảo trường thi Thừa Thiên). Notably in 1856, under King Tự Đức (1847-83), he was in charge of the Court historians writing Khâm định Việt sử thông giám cương mục, a general history of Vietnam from the point of view of the Nguyễn dynasty. In 1851, he was sent to Nam Kỳ (South Territory) along with General Nguyễn Tri Phương to administer and defend the region under the threat of French colonialism.
.

The 1862 Treaty of Saigon

Despite the Treaty of Versailles signed in 1787 by Count Armand Marc de Montmorin(1*) and Pierre Pigneau de Béhaine, Bishop of Adran, representing Nguyễn Ánh, the pledge to militarily assist the future king Gia Long never officially materialized. Nguyễn Ánh ended reclaiming his throne thanks to his intelligence and tenacity, able military aides such as General Lê Văn Duyệt, the untimely death of his formidable enemy Emperor Nguyễn Huệ, and only a disparate small force of French volunteers and adventurers recruited by the Bishop of Adran.

In 1789, Nguyễn Ánh’s eldest son Prince Cảnh publicly refused to kowtow in front of the Nguyễn ancestors’ altar due to his newly adopted Christian beliefs. After the death of his trusted advisor the Bishop of Adran in 1799, King Gia Long distanced himself from new French missionaries and merchants. Indeed, heavily influenced by a court of Confucian-educated mandarins, King Gia Long and his successors felt more and more threatened by Catholicism to which 300,000 Vietnamese had quickly converted by the mid 1800s. Persecutions of Vietnamese Catholics under Kings Minh Mạng and Thiệu Trị were not met with decisive French reactions. In 1857, King Tự Đức executed two Spanish Catholic missionaries. This time, with French and English navies fighting the Second Opium War (1856-1860) in China, French forces were at hand to punish the Nguyễn Court. Then, East Asia weaponry was no match to advanced European military technology, a result of Napoleonic wars.

In 1858, following the failed diplomatic mission of Charles de Montigny, Franco-Spanish forces landed in Đà Nẵng and captured it. Unable to progress north, Admiral Charles Rigault de Genouilly directed his objective to Saigon and seized it in 1859. But soon, 15,000 Đại Nam [Vietnam] troops under General Nguyễn Tri Phương laid siege to Saigon. With the end of the Opium War, a French armada of 70 ships under Admiral Léonard Charner and 3,500 soldiers under General De Vassoigne were brought back to Saigon in 1861. The Franco-Spanish forces easily broke the siege of Saigon, then attacked the heavily defended Kỳ Hòa (Chí Hòa) fortifications. General Phương was hit in the forearm and his brother Duy killed by his side. Viet soldiers fought well with their outdated firearms, wounding De Vassoigne and Spanish colonel Palanca the first day. But they retreated when they thought their leader was killed when he was rushed away on a hammock. The camp fell after only 2 days of fighting. Fresh from their victory, the French took Mỹ Tho in April 1861. Replacing Charner, Admiral Louis-Adolphe Bonard took Biên Hòa and Vĩnh Long in early 1862.

French capture of Saigon in 1859. Courtesy of Wikipedia

The Huế Court was given a three-day ultimatum to sue for peace. Colonel Thomazi, the historian of the French conquest described : “On the third day, an old paddlewheel corvette, the Aigle des Mers [Hải Bằng], was seen slowly leaving the Tourane River. Her beflagged keel was in a state of delapidation that excited the laughter of our sailors. It was obvious that she had not gone to sea for many years. Her cannons were rusty, her crew in rags, and she was towed by forty oared junks and escorted by a crowd of light barges. She carried the plenipotentiaries of Tự Đức. [French corvette] Forbin took her under tow and brought her to Saigon, where the negotiations were briskly concluded. On June 5, a treaty was signed aboard the vessel Duperré, moored before Saigon.” Phan Thanh Giản as the main envoy (Chánh sứ), assisted by Lâm Duy Hiệp (Thiếp, Phó sứ), was charged to negotiate and sign the 1862 Treaty of Saigon (Hòa ước Nhâm Tuất). The treaty had 12 clauses, the most important being :

Art. 2- Đại Nam allows French and Spanish missionaries to preach and the Vietnamese to practice the Christian faith freely.
Art. 3- Đại Nam cedes to France the three eastern provinces of Biên Hòa, Gia Định and Định Tường and the island of Poulo Condor (Côn Đảo).
Art. 8- Đại Nam agrees to pay France 4 million dollars worth of silver(2*) over 10 years as war reparation.
Art. 11- France will return Vĩnh Long Province to Đại Nam once the three eastern provinces have been pacified.

Phan Thanh Giản and Lâm Duy Hiệp presenting their credential letters to French Admiral Charner and Spanish Colonel Carlos Palanca Gutiérrez on the hospital ship Duperré in late May 1862.

Because of his main role in the negotiations, Phan Thanh Giản was blamed by the Vietnamese people and the Huế Court. However, peace in the south allowed King Tự Đức to redirect his troops and put down rebellions in the north of Vietnam. In May 1863, in execution of the treaty, the Vĩnh Long citadel was handed over to Phan Thanh Giản, giving the Vietnamese and the royal court the hope to buy back the ceded territory. Indeed, the eastern provinces were Vietnam’s rice basket, the cradle of the Nguyễn restoration, the birthplace of Queen mother Từ Dũ, and the site of several Nguyễn ancestors’ tombs.

Embassy to France
.

Phan Thanh Giản was recalled to Huế to get instructions to conduct an extraordinary embassy to Paris and negotiate the return of the eastern provinces. The rumors in Saigon were that King Tự Đức was willing to pay 5 times more than the 4 million dollars agreed upon previously(3*). At the head of a 62-strong delegation which included Vice Ambassadors Phạm Phú Thứ and Nguyễn Khắc Đản (Đồng), and French-fluent scholar Petrus Ký, Phan Thanh Giản embarked on the transport vessel L’Européen on July 4, 1863, bringing with him lavish gifts for Napoleon III (a gold dragon-horse (long mã), a gold phoenix, exquisite jade objects, a gold sword, a jade tray, a silver washbasin, a silver box with ivory dividers, a silver vase binded with gold)(4*).

Artistic interpretation of the mythical dragon-horse (long mã)

The Vietnamese arrived in Toulon on September 10, 1863, solemnly greeted by 17 cannon salutes and French Navy ships hoisting yellow flags symbolizing Đại Nam royalty. They were then taken to Marseilles by boat and treated to a tour of the port-city. They next boarded a train to Paris. The trip allowed them to witness with admiration the beauty and affluence of France’s countryside with no trace of wilderness left. They arrived in Paris on September 13, expecting an early audience with Emperor Napoleon III. The later, preoccupied by the Franco- Mexican War (1862-67) which consumed significant financial resources, had in principle agreed with his Minister of Finance Achille Fould to trade the conquered Cochinchina provinces for a sizeable amount of money to shore up the French treasury. While his minister launched a campaign to sway public opinion, starting with the newspaper L’Indépendance Belge claiming that King Tự Đức offered 85 million dollars to buy back his lost provinces(5*), the indecisive Napoleon III safely went on vacation in Biarritz, cautious of the division of French public opinion regarding the colonization and exploitation of foreign lands.

Phan Thanh Giản and his party were shown the marvels of French civilization the next 4 weeks. Reportedly, at a state reception in their honor, there were bowls of water at the table for washing hands but before dinner started, a Vietnamese official drank it, obliging the French hosts to do the same(6*). Finally, the embassy was received at the Tuileries Palace by Napoleon III and Empress Eugénie on November 7. Phan Thanh Giản gave his carefully prepared address, the full effect of which was lost in translation. However, “Looking old and fragile in his mandarin garb, he joined his hands to his forehead and humbly kowtowed three times, unlike French envoys who had refused to prostrate themselves before their own emperor. Then he wept while pleading his case. The spectacle was so pathetic that Empress Eugénie was moved to tears.”(7*) _ Napoleon III replied in general terms stating that France protected the weak, was a benevolent country that extended without restrain the benefits of civilization to all nations, but would be tough toward those who interfered with her progress. Somehow his last sentence was poorly rendered in Vietnamese by French Navy Captain and diplomat Aubaret as phải có sợ ̶ must have fear [of France], which terribly disheartened the Đại Nam envoys. The next day, the delegation was told that the French response would be given to the Huế Court in a year, and that in the meantime, commercial relations between the two countries could be improved. This gave the Vietnamese some hope although the status of the eastern provinces was left unanswered.

From Paris, the Vietnamese mission went to Spain. In December, it boarded a small Spain warship, the Terceira, to sail to Alexandria. En route, there was a violent storm and the Terceira had to drop anchor at Naples, Italy, for repairs. The two-week delay resulted in the terrible false news reaching Saigon that Phan Thanh Giản’s party was lost at sea. On March 18, 1864, the Vietnamese mission returned to Saigon aboard the transport ship Le Japon.

When Phan Thanh Giản reported that Europe’s wealth and strength were “startling”(8*), citing examples of technological innovation such as bridges constructed with steel (then a precious Đại Nam item reserved for the making of swords and other arms), steam locomotives that moved great distances without horses, and the superiority of gas lights over oil lamps, some Huế officials ridiculed them as tales from afar, ironically confirming the French saying A beau mentir qui vient de loin − easy to lie, coming from afar. King Tự Đức downplayed Western material supremacy with admonitions of moral rectitude :
If faithfulness and sincerity are expressed
Fierce tigers pass by,
Terrifying crocodiles swim away
Everyone listens to Nghĩa (Righteousness)
“(9*)

In the meanwhile, a mid-way decision was made by Napoleon III : France would keep the cities of Saigon, Cholon, My Tho and Thủ Dầu Một with a 5- kilometer zone on each side of the river joining these towns and the sea. The rest of the land would be returned in exchange for monetary compensation. When the offer finally reached Huế, King Tự Đức added modifications to the proposal, effectively rejecting it.

In Paris, after intense discussions, French Minister of the Navy and the Colonies Prosper de Chasseloup-Laubat opposed the return of Cochinchina to Vietnam, and with the threat of resignation of the whole cabinet, forced Napoleon III to order the cancellation of the proposed agreement in June 1864. His decision would not reach Saigon until January 1865. Thus the Saigon Treaty of 1862 remained in full effect.

Nam Kỳ Lục Tỉnh (South Territory Six Provinces, 1841-62). Courtesy of Wikipedia

.

Last Governor of Southern Vietnam

Despite Phan Thanh Giản’s declination and request to retire at his age of 70, King Tự Đức appointed him Governor of the 3 western provinces of the South Territory in 1866. In this position, he had to delicately navigate between Southern Vietnamese fighters(10*) resisting French occupation, and Admiral De la Grandière who was quietly preparing to invade the remaining provinces used as sanctuary by the insurgency. At the beginning of 1867, Napoleon III sent a personal aide, Navy Lieutenant Des Varannes to Cochinchina to assess the situation. Upon receiving Des Varannes’ report, he gave the order to conquer the remaining western provinces of Cochinchina.
.

Complete Loss of Cochinchina

The French troops, consisting of 1000 Europeans and 400 Vietnamese recruits, boarded transport junks in the evening of June 17, 1867, supported by a fleet of gunboats (canonnières). On June 20, under the cloak of a thick morning fog, the French ships anchored undetected in front of Vĩnh Long, their cannons aimed at its remparts. Colonial troops quickly landed and blocked the citadel, whose defenders were caught by total surprise when they discovered their precarious situation at 7:30 AM. An ultimatum gave them until 2 PM to surrender.

Knowing that resistance was futile and would only lead to death and destruction, Phan Thanh Giản and his military commander Võ Doãn Thanh met De la Grandière. To buy time, they claimed that they had to get permission from the Huế Court. When the two Vietnamese leaders returned, Vĩnh Long had already surrendered and opened its doors to the French. In exchange for French authorities keeping southern Vietnamese officials and soldiers at their current posts and allowing those who wanted to be “repatriated” north to keep their arms, Phan Thanh Giản agreed to write two sealed letters to the Governors of the remaining 2 provinces An Giang and Hà Tiên. In the letters, he asked them to peacefully hand over their citadels to protect the lives of the common people because “the order of uprising has not been given.” He also declared that “the [French] tricolor flag would never wave high above a citadel where Phan Thanh Giản was still alive.

Soon, feeling that he had failed to protect the land entrusted to him and had betrayed his people, Phan Thanh Giản stopped taking in nutrition. Still strong after 17 days, in the presence of his weeping family and in full ceremonial mandarin regalia, he bowed 5 times facing the North, and took a large dose of opium. French Navy Doctor Le Coniat attempted to revive the old mandarin who passed away 2 days later, at the age of 71. It was August 4, 1867(11*). Admiral De la Grandière sent a condolence letter signed the next day to Phan Thanh Giản’s oldest son Hương to express his respect : “The official testimony of my esteem and my friendship that I sent you in this letter must be preserved in your family as evidence of the feelings that the French people will preserve for your venerated father and his family(12*).”

Furious at the loss of the remaining Western provinces, King Tự Đức revoked all the titles of Phan Thanh Giản and ordered his name chiseled out from the Stele of Doctors (bia tiến sĩ). It was not until 19 years later, in 1886, that King Đồng Khánh rehabilitated his name and ordered it to be inscribed again on the Stele of Doctors.

Doctor of Letters, Minister, Ambassador and Governor Phan Thanh Giản - 43.8 koDoctor of Letters, Minister, Ambassador and Governor Phan Thanh Giản

Phan Thanh Giản had three sons, Phan Hương, Phan Liêm (Tòng), and Phan Tôn. After his death, the last two led a short-lived armed rebellion in French- occupied Cochinchina. Sentenced to death in absentia by the French, they rejoined the Huế capital. Serving under Marshall Nguyễn Tri Phương(13*), they were captured at the fall of Hanoi on November 20, 1873 by Navy Lieutenant Francis Garnier who, a month later, was killed outside of Hanoi citadel by the Chinese Black Flags (Cờ Đen). The French government disavowed Garnier’s actions and released the Phan brothers to the Huế Court in 1874. Some history books have the two captured and executed by the French in Cochinchina due to a confusion with another resitance fighter also named Phan Tòng who died in the same battle that the Phan brothers had participated in(14*).

Marshall Nguyễn Tri Phương (1800-1873) - 50.6 koMarshall Nguyễn Tri Phương (1800-1873)
(Ảnh tư liệu của gia tộc, do hậu duệ là Nguyễn Tri Việt cung cấp – 2010)

.

Tragic Destiny of a Dignified Scholar

French colonialist and historian Alfred Schreiner wrote this rave comment in 1906 “The indomitable energy of Nguyễn Tri Phương, the noble spirit of Phan Thanh Giảng, their general knowledge, have made these men, after Gia Long, the two most impressive characters in the modern history of Annam(15*)“.

Yet, the tragic destiny of Phan Thanh Giản, the first and only traditional Confucian Doctor of letters of southern Vietnam, did not end with his demise (1867), vilification (1868) and rehabilitation (1886). A century later, even though Phan Thanh Giản was revered in many southern villages as a dignified scholar, within weeks of the communist take over of South Vietnam, starting from early May 1975, streets bearing his name were relabeled with those of communist revolutionaries or victories, some of them never heard by the Vietnamese people. Built before 1945, the “Phan Thanh Giản” high school in Cần Thơ was the largest and most prestigious school in the Mekong delta. It too received a new name, and sadly, witnessed the statue of the venerated patriot erected in the early 1970s in its main courtyard smashed to pieces by the new authorities.

Did Phan Thanh Giản sell out his country (bán nước) when he chose to save innumerable innocent lives and death for himself ? Despite his admired virtues as an accomplished scholar, principled public servant, and compassionate human being, when would his tragic, up-and-down destiny finally lead him to permanent peace and recognition ? The first steps in the right direction might have been taken at the August 16, 2003 conference in Saigon “21st century : a look back at the historic person Phan Thanh Giản ̶ Thế Kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản(16*).”
.

January 23, 2012 (Tết Nhâm Thìn)

Chat V. Dang, MD

From : Vietnam History – Stories Retold for a New Generation

.

1* France Minister of Foreign Affairs under Louis XVI
2* “Le Royaume d’ Annam n’ ayant pas de dollars, le dollar sera représenté par une valeur de soixante et douze centième de taël.” ̶ more than 20 millions Francs according to Alfred Schreiner in Abrégé de l’histoire d’Annam, p. 245.1906.
3* Schreiner, Alfred in Abrégé de l’histoire d’Annam, p. 254.1906.
4* http://dactrung.net/phorum/tm.aspx ?m=144914&mpage=3 Accessed 1-24-2012
5* Schreiner, Alfred in Abrégé de l’histoire d’Annam, p. 261.1906.
6* Told to the author by his grandfather poet and journalist Đặng Văn Chiểu.
7* Chapuis, Oscar. The last emperors of Vietnam : from Tu Duc to Bao Dai. Greenwood Press. Wesport, Connecticut. p.50. 2000
8* Từ ngày đi sứ đến Tây Kinh
Thấy việc Âu Châu phải giựt mình
Kêu rú đồng ban mau thức dậy
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin.

9* Jamieson, Neil. Understanding Vietnam. University of California Press. p. 47. 1993.
10* The most famous were Trương Công Định (1863) and his son Trương Quyền (1865), Phan Chỉnh (1865), Nguyễn Trung Trực (1868), Nguyễn Hữu Huân (Thủ Khoa Huân, 1875), Võ Duy Dương, tức Thiên Hộ Dương, Trần Văn Thành (1873), Trần Văn Tấn (1881), Nguyễn Ngọc Hớn (1893) and his son Nguyễn Ngọc Sang.
11* Alfred Schreiner, in Abrégé de l’histoire d’Annam, p. 288, erronously wrote “5 Juillet” (July 5) for the 5th day of the 7th month of lunar year Đinh Mão. The corresponding date is actually August 4, 1867.
12* “Le témoignage officiel de mon estime et de mon amitié que je vous addresse dans cette lettre, doit être conservé dans votre famille comme le gage des sentiments que les Français conserveront pour votre vénérable père et pour sa famille.”
13* Wounded during the attack on Hanoi, Marshall Nguyễn Tri Phương refused treatment and subsequently died.
14* http://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Li%C3%AAm accessed Jan 22, 2012 23
15* “L’indomptable énergie de Nguyễn Tri Phương, la grandeur d’ âme de Phan Thanh Giảng, leur savoir général, ont fait de ces hommes, après Gia Long, les deux plus imposants charactères de l’histoire moderne d’Annam.” Alfred Schreiner, in Abrégé de l’histoire d’Annam, p. 126. 1906
16* http://www.gio-o.com/PhanThanhTamPhanThanhGian.html accessed Jan 28, 2012

.

Catégories
Prose

Lê Quý Đôn (1726-1784), Encyclopedism in a Time of Turbulence

Ho van Hien, MD (BP65)

.

BEFORE the 19th century, despite its rich literary tradition, Vietnam had few authors who devoted themselves to topics of practical importance, and to matters directly related to their own people and their country. Literati or Confucian scholars were educated in the neo-Confucian mold established centuries before by the Song scholars such as Chu Hsi (Zhu Xi, 1130-1200). Generally, they were more concerned with legitimacy and rites than the actual Vietnamese -not Chinese- environment where they were living, and where their countrymen were often suffering under repressive monarchs or village-based local authorities.

.

Building early Vietnamese Science

In the 18th century, there were two Vietnamese scientists who published prolifically in their fields. One was the famous physician Lê Hữu Trác (better known under his pseudonym Hải Thượng Lãn Ông, “The Lazy Man of Hải Thượng”) who wanted to continue the tradition of “Southern medicine for Southern people” initiated by Zen master-physician Tuệ Tĩnh in the 14th century. “Lãn Ông” forsook Confucian studies to devote his life to medicine, became the private physician of the lord Trinh for a while, but preferred to stay away from the capital city, to treat the common people and to disseminate his knowledge through his many publications, including a 20 volume treatise of traditional medicine (Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh). The other was a Confucian scholar, whose wide range of interest, research and writing qualifies him as the most remarkable Vietnamese savant of the early modern period. Most significantly, he completed Vietnam’s first encyclopedia in 1773, at about the same period when Diderot and D’Alembert published their famous Encyclopedie (1751-1772) in France.

Lê Quý Đôn

A Legend of Precocity

Initially named Lê Danh Phương at birth in 1726, Lê Quý Đôn’s story is full of anecdotes about his precocious intelligence and his presence of mind, which, even more than his scholarly genius and achievements, make him a legend among the Vietnamese for generations.
His father was the minister of justice at the Lê court in Thăng Long (Hanoi), having earned a doctorate degree at the traditional exam for the selection of public officials. At a very early age, Lê Quý Đôn demonstrated his skills in reading Chinese characters, text memorization and in the juggling of words. Before 24 months, he was able to recognize the Chinese words for “hữu” (have) and “” (without). At 5, he had read the whole Book of History (Kinh Thư), one of the oldest Chinese narratives, circa 6th century BCE). At 10, he studied history, and was able to memorize 80-90 pages every day. At 11, he was able to understand the Book of Change (Kinh Dịch), mostly used for divination ; and at 14, he had completed the study of all the classic texts of Confucianism.

.

Child Playing with Words

The following is one of the most well-known stories about this child prodigy. As he was running around naked, something considered normal for a young child of that period and even now in the Vietnamese countryside, one of his father’s friends came to visit. Like the Sphinx who would not let anybody passing through without an answer to its riddle, Quý Đôn spread wide his legs and arms (similar to Leonardo da Vinci’s famous “Man” drawing) and said :
− Please tell me which character it is, and I will take you to my house.
The man, a well-known scholar, was so angry at such an easy riddle thrown at him :
̶ Behave yourself, little brat. The answer is obvious ! All you have learned by eave-dropping is the character ‘Đại’ (, big), and you dare challenge other people already ?
− Sorry sir, you are wrong, retorted the child. It has an extra stroke in the middle, so the answer is the character ‘Thái’ (, very).

“Rắn đầu biếng học”
(double entendre : ‘Headstrong and Lazy’ or ‘Lazy Snakehead’), his most famous poem, was made when he was only a few years old. It is often cited as a proof of his precocity ; each verse contains a double entendre, playing in the double meaning of the word Rắn which in Vietnamese means both “snake” and “hard, obstinate” (rắn đầu). While serving as an obstinate and lazy student’s self-recrimination, it uses homophones that also describe the characteristics of different types of serpents.

Rắn đầu biếng học
Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà !
Rắn đầu biếng học quyết không tha.
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét, mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da.
Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia !

(Words with double meanings are in italic)

Headstrong and lazy student (literal translation)
Though different, still from the same family,
I must be punished, so stubborn and lazy.
The lamp oil is wasted ; Mother is hurt,
Father yells and howls day after day, his throat burns.
Always lying and clowning, parched lips,
My back can’t escape stripes from the leather whip,
From now on, I promise to study harder,
Lest my noble family’s reputation suffer !

Lazy snake-head (translation with snake related meanings)
Not a water snake [1], but a snake still,
Lazy snake-head [2], punish it they will.
Coral snake [3] fearing the study light, mother is hurt,
Golden-banded snake [4], from yelling father’s throat burns.
Rat snake [5], enough lying and clowning !
Whip snake [6], beware of stripes from whipping.
Rat snake [7], study hard from now on,
Cobra [8] family’s reputation must stay on.

1. Rắn nước 草花蛇 (thảo hoa xà, checkered keelback, Asiatic water snake, common scaled water snake, fishing snake, rice paddy snake) Xenochrophis piscator (họ Rắn Nước Colubridae)
2. ?
3. Rắn lá khô đốm 珊瑚蛇 (san hô xà, small-spotted coral snake, oriental coral snake) Calliophis maculiceps (họ Rắn Hổ Elapidae)
4. Rắn cạp nong 金環蛇, 金腳帶 (kim hoàn xà, kim cước đái, banded krait, golden banded snake) Bungarus fasciatus (họ Rắn Hổ Elapidae)
5. Rắn ráo 灰鼠蛇 (khôi thử xà), 細紋南蛇 (tế văn nam xà) (Indo-Chinese rat snake) Ptyas korros (họ Rắn Nước Colubridae)
6. Rắn roi 綠瘦蛇 (lục sấu xà), 大藍鞭蛇 (đại lam tiên xà), 鶴蛇(hạc xà) (oriental whip snake, green vine snake) Ahaetulla prasina (họ Rắn Nước Colubridae)
7. Rắn hổ trâu 南蛇 (nam xà), 滑鼠蛇 (hoạt thử xà) (common rat snake) Ptyas mucosus (họ Rắn Nước Colubridae)
8. Rắn hổ mang 印度眼鏡蛇 (ấn độ nhãn kính xà) (cobra, Indian spectacled cobra) Naja naja (họ Rắn Hổ Elapidae)

(Snake identification :
http://viet.gutenberg.free.fr/huediepchi/zPlants/squamataSpp.html )

.

A Law Scholar and a Warrior

In 1743, at the age of age 17, he was the first laureate of the provincial exam of Son Nam (thi hương). Afterwards, due to name confusion with a peasant rebel, he changed his name to Lê Quý Đôn. He spent the next 9 years in teaching students at his home and in writing. It was reported that he wrote ‘one hundred book chapters’ during that period, but this is not documented.
In 1752, he was ranked again as first laureate at both the metropolitan (thi hội) and the imperial palace examinations (thi đình) and earned the ultimate academic honor of being “three time first laureate” (tam nguyên). In 1754, he was assigned to a position at the Royal Academy, in the national history department (Toan tu quốc sử quán). Having earned the trust of the Trinh Lord, who was the actual ruler under the Lê King, Lê Quý Đôn was given different responsibilities as royal inspector in the provinces and military officer fighting rebels. He was recognized as an impartial inspector, giving honest report about observed incompetence and corruption.
In 1762, he was promoted in the Academy and 2 years later was sent in a two- year mission to China. After his experience in China, Lê Quý Đôn submitted to the Trinh Lord a petition for reform of the legal framework, calling for a government based on the rule by law, combined with Confucian rule by virtue (đức trị), but with emphasis on the first.
Each person, he wrote, is born with a different constitution ; there are honest people ; there are violent people ; there are people who only carry on peacefully their business, on the other side there are thugs and tramps. Additionally, providing to every one’s need proved to be an impossible task even for the Yao and Shun Emperors (Nghiêu Thuấn), how can we want everyone to live according to their own wishes ?… Therefore, an enlightened ruler must create a legal framework (pháp chế) to control tightly his country, while using Confucius principle that “virtue is the essence of the Way, rite is the essence of worship (đạo cốt ở đức, tế cốt ở lễ)…The people’s mind is undecided, emergencies are not predictable, therefore governing the country is a very difficult endeavor ; and there is only one means to control people’s opinion and suppress subversion, it is the rule by laws.

His piece of advice was not well received by the Lord and Lê Quý Đôn was assigned to a lesser position in a province in the north of the country. However, in 1767, with rebellions rampant among the countryside, induced by a prolonged drought, the new Trịnh Lord, Trịnh Sâm, needed Lê Quý Đôn’s help and summoned him to the court. Also, Lê Quý Đôn became vice-dean, then dean of the National Academy (Quốc Tử Giám) and was given the responsibility of reforming the highest educational institution reserved for the nobility and the talented scholars, first created in 1076 in Hanoi.
In 1770, after successful pacification campaigns against rebellions in Thanh Hóa and Nghệ An, he petitioned the Trịnh Lord to create plantations run by the military in the Southern frontier regions, for the purpose of increased food supply to the army, settlement and agricultural production of military personnel and their families, and revitalization of under-populated villages. However, the project was deemed unrealizable.

Trusted by the Lord Trịnh Sâm for his diligence and honesty, he was promoted quickly through the ranks at the court. He made recommendations regarding the current pressing problems : the educational system where promotion could be bought, influence peddling bypassing control by the central court in local administrations, corruption in allocation of public land and in the corvee systems, and corruption at the court as well as provincial level. Lê Quý Đôn was well recognized for his integrity and relentlessness in the fight against corruption.

In 1774, after Lord Trịnh Sâm took Thuận Hoá (Huế area) from the Nguyễn Lord, Lê Quý Đôn took part in a four-member committee from the court which remained behind to administer the newly conquered territory. He was sent to Thuận Hoá again in 1776 to reorganize the army. It was during this period that he wrote “Phủ Biên Tạp Lục”. Except for a temporary set back caused by a scandal involving his son cheating during an exam, and a charge of corruption levelled against him by the manager of a copper mine, Lê Quý Đôn was a faithful minister of Lord Trịnh Sâm at court and during campaigns against local rebellions, until his death in 1784 (or 1783, according to alternate sources)(*336).

A page from Phủ Biên Tạp Lục describing the missions to Trường Sa and Hoàng Sa Islands by the Nguyễn Lords’ Navy.

.

Literary Works

1) Đại Việt General History (Đại Việt Thông Sử, or Lê Triều Thông Sử [General History of the Lê Dynasty]). It was written in 1749, when Lê Quý Đôn was only 23 years old. According to Phan Huy Chú, author of Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, an encyclopedic work written from 1809 to 1819 under Emperor Gia Long, “The General History of the Lê dynasty has 30 volumes, and was prepared by Dr. Lê Quý Đôn. His book, very comprehensive and clear, may be considered to be the perfect history book of a dynasty.” The book provided new important information about Lê Lợi’s ten-year struggle against the Ming Chinese.

According to Cao Xuân Huy, only 3 volumes survived, with a foreword written by the author, and dated 1749(*337). Of great interest to students of Vietnam history is the following passage where Lê Quý Đôn deplored the paucity of documents that were available to him in the 18th century : “I have read book registries from the Han, Sui, Tang, Song eras, and found that they include more than a million books. These books and documents are catalogued in perfect order in royal libraries ; in scholars’ private residences, they are stored even more carefully. Their distribution is also very wide, so that, even after destructive wars, their loss is still negligible.

“We are a civilized country ; from our kings, our princes, down to their subjects, most of us can write. Nevertheless, all I can find is a little more than one hundred volumes ; compared to the number of Chinese works, this amounts to less than one tenth. Even with our few books, the way we keep them is really cursory : there are no designated storage facilities ; officials in charge of books do not have a formal office ; and there are no standards for book evaluation, copying, drying, storage ; no regulations at all. Even students chose only books useful to the successful passage of exams, for the purpose of getting a degree ; if they see a book that is not related to exam taking, they then skip it and would not deign to copy it ; even when they do copy it, it would be cursory work, without proper error checking. As for collectors of old books, they keep them in complete privacy, without letting anyone else knowing about their existence. Therefore, it is very difficult to find books, and when one finds them, they usually are filled with errors and gaps, and there is no way to correct them…” (*338)

2) Encyclopedia (1773)
His most remarkable work is an encyclopedic treatise named “Vân Đài Loại Ngữ”(*339). Vietnamese scholar Cao Xuân Huy considers it to be a kind of dictionary (loại thư) ;
Vân đài loại ngữ is not a collective work like Chinese dictionaries, it is an individual work, and during its preparation, Lê Quý Đôn followed his own methodology.” _ The author took notes during his readings and catalogued them afterwards, adding comments about the subjects involved. His classification of subjects is much simpler than the Chinese one and involved 9 categories :
1) Lý khí : Universal principle and matter (sinitic Vietnamese for li 理 and qi 氣, generally speaking li is the principle, pure, is sheathed in qi, representing matter(*340), dealing with mostly cosmology according to neo-Confucian concepts
2) Hình tượng : Physical sciences, including astronomy ; geography ; calendars ; mentioning a discussion of alternate, “strange theories” (dị luận) e.g. theories about sea tides, the traditional 5 elements (Water, fire, wood, metal, earth) and their traditional correlation with the 12 signs of Chinese zodiac, etc … to derive moderate, reasonable conclusions.
3) Khu Vũ : Geography, administrative divisions in Chinese history
4) Vựng điễn : Traditional norms and customs.
The author was both conservative and tolerant of diverse customs :
“Governing of a country is “doing nothing” (vô vi). Legislation is essentially following previous generations. Human nature now is not very different from what it was in old times.
“The way we differentiate good and bad things is the same then and now.
The practice of ethics (lễ giáo) does not require changes in customs. Remedy to the social vices consists only in pointing out the truth.
“Being finicky about things long past and admiring modern things cannot be considered parts of the Way (đạo lý).”
5) Văn nghệ (Culture and society)
“Composing a report to the King, an introduction to a royal edict also relate to politics. Composing and reciting poetry are useless and are not considered literature (văn).”
“As to its source [of inspiration], everything should be oriented towards total integrity (thuần chính)”
6) Âm tự ; Language, letters. “Speech, writing and drawing styles are totally different in different countries, but ideas and what they mean (nghĩa lý) are the same.
Whatever is harmonious, balanced, simple should be used by people who need improvement.”
7) Thư tịch : Books. “The Five Classics (Book of Changes, Book of Poetry, Book of Rites, Spring and Autumn Annals), the Analects [of Confucius] and Mencius [collection of conversations with kings] are like the shining sun and moon…. If we can scrutinize them and summarize them, it will develop our intellect and benefit our spirit.”
8) Sỹ quy : Rules for literati “To venerate the King is to govern the people, to hold a mandarin position is to practice politics, the subject has to observe his loyalty, and the King has to teach his subjects strategies and tactics.”
9) Khí vật : Physics and natural sciences.
“The universe, without a conscience, transformed itself in ten thousand things that we use everyday without knowing it. Things we make are objects and tools that have names. As they grow, things in nature develop their shapes and their colors by themselves. Therefore, we should study their form and their classification from their beginning.”

This 18th-century map of Vietnam derives from a map of southeast Asia and parts of China published in Amsterdam by the firm of Covens and Mortier around 1760.

3) Phủ Biên Tạp Lục (1776) : ‘Frontier Chronicles’, in 6 volumes, was written when its author was sent to Thuận Hoá to reorganize the army.
1) How Thuận Hoá and Quảng nam were conquered from the Nguyễn Lord.
2) Their geography : mountains, rivers, roads, citadels
3) The organization of their government, taxation system, demographics.
4) Their taxation system and tax revenues.
5) Their human resources (e.g.“talented people”)
6) Natural resources, customs.
It is a detailed and systematic documentation of Central Vietnam in the 18th century. Recently, in the dispute between China and Vietnam about maritime boundaries, the Vietnamese side was fortunate to find in Phủ Biên Tạp Lục, an account written by Lê Quý Đôn in 1776, and mentioning the archipelagos of Hoàng Sa (Paracel Islands) and Trường Sa (Spratly Islands) off the Vietnamese coast as Vietnam’s territories. The document also relates how, once a year, the Lord Nguyễn sent out to these islands a special team on 5 small fishing boats which took 3 days and 3 nights to reach the islands. Their trips lasted about 6 months, and they lived on their abundance of fish and birds. They harvested carapaces of sea turtles, holothurians (sea cucumbers, hải sâm) and other precious sea products, and collected from ship wrecks horses, swords, watches silverwares, china, cooking oil. At their return in the 8th lunar calendar month, they had to go directly to Phú Xuân (Huế), the Nguyễn capital to hand in the trophies directly to the government. After which, they were allowed to sell the remaining of their sea product catch. This is a direct proof that these islands belonged to Đàng Trong (South Vietnam) under the Nguyen Lords(*341).

Technical drawing of the sailingboat and some other tools used for voyage to Hoang Sa – Photo : Summary records of Hoang Sa

4) Collection of Vietnamese poems
In 1768, Lê Quý Đôn completed “Toàn Việt Thi Lục”, a collection of 6 volumes, containing 897 poems by 73 poets(*342), from 1009 (Lý dynasty) to 1516, and was rewarded with 20 silver teals.

Fame and Influence

Lê Quý Đôn is widely known and well respected in Vietnam. Streets, schools and even a university in Hanoi are named after him. Most lay people recognize his name because of widely taught tales about his precocity, his reported presence of mind, his quick repartees to adults as a child, or witty retorts to arrogant Chinese officials who challenged his learning. Nguyễn Gia Kiểng(*343), a critic of Vietnamese traditional thinking, wonders why Vietnamese do not keep literary giants like Lê Quý Đôn in their top honors list of heroes, and only reserve it to people who had achieved significant military feats, like Lê Lợi and Quang Trung (Nguyễn Huệ).
Part of the answer might be that, Lê Quý Đôn and famous scholars like him, despite their genius and brilliance, had only a limited effect of the course of the nation’s history and its destiny. The first reason is most of them followed the neo-Confucian mold, with almost absolute allegiance to their Kings or Lords. Although Lê Quý Đôn, like Korean emissaries to Beijing, had contact with western thinking through western books translated in Chinese, and though he made unsuccessful petitions for law reform to the Trinh Lord upon his return, his view and philosophy expressed in his books are mostly conservative neo-Confucianism. Second, as Lê Quý Đôn was well aware, at that point in the 18th century, Vietnam, although priding itself a country of culture, had a very limited book distribution network, and it’s doubtful that even allowed to be printed, they would have any significant impact on the general culture of that time.

Statue of Lê Quý Đôn in Saigon High School bearing his name ( formerly : Lycée Jean Jacques Rousseau).

Epilogue : old school learning and practical learning

As a reaction to the failure of traditional Chinese learning, silhak (Korean word for “practical learning,” thực học in sinitic Vietnamese) was developed in Japan in the 17th century by Kaibara Ekken (1630-1714) and in Korea by a persecuted catholic scholar, “Tasan” (Chong Yag-yong, 1762-1836) in the 18th century(*344). New knowledge about practical and society-oriented Western thinking were introduced by books from the West and translated into Chinese. Western ideas had been also imported to China by the Jesuits in the 17th and 18 centuries(*345). Vietnam had to wait another century to have a silhak catholic scholar named Nguyễn Trường Tộ who brought new ideas from Europe. However, even for Japan, it took another century for it to “orient itself” at the “civilized countries of the West“, leaving behind the “hopelessly backward” Asian neighbors, namely Korea and China”(*346), and enter the Meiji period (1868-1912). Korea really rose to progress only since 1963. As for Vietnam, sidetracked by a prolonged war and distracted by an ideological conflict, it is still lagging behind, under an authoritarian political regime, and still refusing to leave totally the neo-Confucian mindset of political indoctrination and rote learning.

.
November 20, 2011
Hien V. Ho, MD

From : Vietnam History – Stories Retold for a New Generation

.

*336. Trần Duy Phương, Lê Quý Đôn, Cuộc đời và giai thoại, Nhà Xuất Bản Văn Hoá Dân Tộc, Hà Nội, 2000. Trần Duy Phương wrote : “According to Phan Huy Chú and “Đăng Khoa lục bị khảo” Lê Quý Đôn died in the 44th Cảnh Hưng year [of the reign of King Lê Hiển Tông, who ascended the throne in 1740], at the age of 48 (year 1783). But according to other historical documents, Lê Quý Đôn died on the 14th day of the 4th month of the 45th Cảnh Hưng Year (1784) in the village of Nguyên Xá, district of Duy Tiên (now Phú Lý), which is the village of origin of Trương Lady, Lê Quý Đôn’s mother.”(p.38). Most biographical data and quotes in this article are from Trần Duy Phương’s book, two thirds of which are extensive reprints of translations of Lê Quý Đôn’s writings, published earlier in Vietnam.
*337. Trần Duy Phương, op. cit. p.50
*338. Quoted by Hoàng Trọng Miên, inViệt Nam Văn Học Toàn Thư, Xuân Thu Publishers (reprinted in the USA).
*339. Vân đài : a tower that ‘reaches the clouds’, bearing the names of famous ministers of the Han dynasty.
*340. Wikipedia : Neo-Confucianism.
*341. Nguyễn Quang Ngọc,” Người Việt đã xác lập và thực thi chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa,Viện Việt nam học và Khoa học và Phát triển (BienDong.Net).
*342. Trần Duy Phương, op. cit.
*343. Nguyễn Gia Kiểng, Whence…Whither…Vietnam ? (translated by Nguyễn Ngọc Phách), 2005
*344. Truong Ngoc Dung, Tuoi Tre
*345 http://www.ssu.ac.kr/web/museumeng/exhibit_a_04_01
*346 Yukichi Fukuzawa, quoted in Wikipedia (http://en.wikipedia.org/wiki/Meiji_period)

.