Nguyễn Văn Chánh (BP59)
.
Những ngày xưa truyện đẹp như truyền kỳ
Những mai vui hay trưa tối sầu bi
Đều đẹp cả những ngày xưa truyện đẹp
Cung Trầm Tưởng
.
Hiệp định Genève năm 1954 chia đôi dất nước Việt Nam lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Một triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Các cơ quan trường học của người Pháp và người Việt Quốc Gia cũng lần lượt di chuyển vào Nam để giao miền Bắc lại cho Cộng Sản. Lúc ấy tôi đang học tại trường Lycée Yersin Đà Lạt.
Năm 1955, trường Lycée Français de Huế chuyển vào Đà Nẵng, sát nhập với Ecole Primaire (nằm ở một góc sân trường Phan Chu Trinh), lấy bệnh viện của quân đội Pháp vừa rút đi để làm trường học và đặt tên là Collège Français de Tourane (Tourane là tên trước kia của Đà Nẵng do người Pháp đặt ra). Trường chính thức khai giản ngày 01/10/1955, với khoảng 350 học sinh, từ lớp 12è lên tới 3è. Năm 1956, tôi học xong lớp 4è và theo gia đình về Đà Nẵng. Tôi xin vào lớp 3è ở trường Collège Français de Tourane để chuẩn bị cuối năm thi bằng Brevet d’Etude du Premier Cycle (BEPC), tương đương với bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp của chương trình Việt. Phần lớn các học sinh trung học từ các trường trung học tư thục Providence và Pellerin ở Huế vào. Chỉ riêng mình tôi là người từ cao nguyên đất lạnh về vùng duyên hải cát nóng mà thôi. Trường nằm trên đường Độc Lập và quay mặt ra sông Hàn. Đây là khu vực hành chánh của thành phố nên không có cơ sở thương mại mà chỉ gồm những cơ quan như Toà án, Toà Thị Chính, Ty Bưu Điện, Ty Ngư Nghiệp, Ty Thuế Vụ v.v…và nhất là nơi tập trung các trường trung học. Riêng trên đường Lê Lợi, song song với đường Độc Lập, đã có 3 trường trung học Việt Nam. Đó là trường công lập Phan Chu Trinh, cách trường này khoảng năm trăm mét có hai trường trung học tư thục nằm hai bên đường Lê Lợi đối diện với nhau là trường Nguyễn Công Trứ và Phan Thanh Giản. Chỉ cần quẹo mặt sang đường Quang Trung nằm sát cạnh hai trường này là đến trường Collège. Các học sinh trường Collège nếu dùng đường Lê Lợi để đi học đều phải đi ngang qua ba trường nói trên. Bởi vậy mới có chuyện rắc rối Trường tây, Trường ta.
Dân Trường ta bảo rằng dân Trường tây « chơi hổng dzô ». Đứa nào cái mặt cũng vênh váo, trông phát ghét. Kể ra thì dân Trường ta cũng phần nào nói đúng, vì dân Trường tây phần đông là con cái các vị « tai to mặt lớn » hoặc con cái các thương gia giàu có trong tỉnh. Một thiểu số các cô cậu « C. Ô.C.C. » dựa vào thế lực, địa vị, tiền bạc của cha mẹ, tuy học hành chẳng hơn ai nhưng có lối sống ồn ào ra vẻ ta đây văn minh tiến bộ hơn thiên hạ nên làm « xốn mắt » dân Trường ta. Chính dân Trường tây chúng tôi cũng bực mình vì các bậc « công tử » này. Bởi vậy lớp tôi mới tổ chức làm một tờ báo lấy tên là « Hồn Trẻ » ra hàng tháng. Ngoài những bài vở thường lệ, tháng nào báo chúng tôi cũng có một bài phê bình, châm biếm quý vị trên. Chúng tôi không nêu đích danh, nhưng chỉ mô tả khôi hài hình dáng, hành vi và thái độ của các vị ấy nhờ đó mà cả trường đoán biết là ai rồi. Tôi xin đơn cử một thí dụ ngắn. Trong trường tôi có một cậu « công tử » thuộc thành phần có thế lực bấy giờ. Cậu « cua » một cô bạn học cùng lớp cao hơn cậu nửa cái đầu. Trong mục « Giải đáp thắc mắc » của tờ báo chúng tôi có một bạn hỏi : « Tôi lỡ si mê một người bạn gái cao hơn tôi nửa cái đầu. Xin cho biết tôi phải làm sao ? »
Thầy Rùa trả lời :
1- Cậu nên đi giày cao gót.
2- Khi ra đường với bạn gái cậu nên đi trên lề đường và bạn gái đi dưới lòng đường.
3- Ở nhà cậu nên tập cao bằng cách treo mình trên xà ngang mỗi ngày một giờ.
4- Dùng thuốc « Cao hổ cót » trong uống ngoài thoa trước khi đi ngủ.
Chúc cậu chóng cao.
Tờ báo lớp tôi là một tờ báo chép tay vì hồi đó ban biên tập chúng tôi không có máy đánh chữ. Báo chỉ chép hai bản. Ai muốn đọc thì đóng hai đồng và chỉ được quyền giữ một ngày mà thôi, hôm sau phải trao cho người khác. Chúng tôi dùng tiền này để mua giấy, bút, mực và cà phê cho các bạn thức đêm để chép. Độc giả báo lớp tôi rất đông vì ai cũng muốn biết « công tử » nào được báo chiếu cố. Có người đóng tiền dài hạn để tháng nào cũng được đọc trước. Nhiều khi đến cuối tháng mà có bạn vẫn chưa được đọc. Chính quý vị « Công Tử » này làm dân Trường tây chúng tôi mang tiếng « hách » và dân Trường ta thì « vơ đủa cả nắm » không phân biệt kẻ tốt người xấu.
Trong thực tế dân Trường tây chẳng khác gì dân Trường ta, ngoài những vị « Công Tử » đếm được trên đầu ngón tay, số còn lại cũng là con cháu các thợ thuyền, các tiểu thương gia hoặc công chức nhỏ. Một số bạn bè của tôi lúc đó ban ngày đi học, chiều về phải đi dạy kèm các em nhỏ của những gia đình khá giả để có tiền tiếp tục việc học. Chúng tôi sống thầm lặng, giản dị và chan hoà với tất cả mọi người. Nhưng dân Trường ta luôn luôn có thành kiến không tốt với dân Trường tây nên hai bên ít thân thiện với nhau.
Chẳng hạn như trường hợp của tôi với một cậu Trường ta. Tôi ở xóm dưới, cậu ấy ở xóm trên. Từ đường cái vào xóm chỉ có một con đường đất nhỏ. Chúng tôi ra vào gặp nhau luôn nhưng cậu ấy cứ xem tôi như người xa lạ không chào nên tôi cũng lơ luôn. Cho đến một hôm, sau một cơn mưa lớn, đường vào xóm ngập nước chỉ còn lại một khoảng nhỏ vừa cho một người đi. Tôi từ trong xóm đi ra, cậu ấy từ đường cái đi vào. cả hai chúng tôi đều đi xe đạp nhưng bị cái hàng rào dâm bụt của căn nhà sát đường che khuất kẻ trong người ngoài. Khi trông thấy nhau thì đã muộn, hai chúng tôi đâm xầm vào nhau. Tôi vội vàng lên tiếng : « Xin lỗi ». Vốn mang nặng thành kiến với dân Trường tây cậu ấy tưởng tôi cự nự nên lớn tiếng cãi lại : « Lỗi tại Anh … » Nói đến đó cậu ấy biết mình đã hiểu lầm và lỡ lời nên kịp thời dừng lại, tươi cười nói : « Cũng lỗi tại tôi vô ý … » Thế rồi không ai bảo ai, cả hai cùng lúc lui xe để nhường đường cho nhau. Từ đó về sau mỗi lần gặp nhau, chúng tôi đều chào nhau nhưng có điều là mãi đến bây giờ tôi vẫn không biết cậu ấy tên gì và học trường nào.
Nhà tôi ở cạnh nhà Hải, học sinh trường Phan Thanh Giản. Trước mặt nhà tôi bên kia đường là nhà của Thắng, bạn học cùng lớp với Hải. Thắng và Hải là hai bạn thân lúc nào cũng đi đôi với nhau. Thắng tính tình hiền lành ít nói, người mập cao lớn, thích thể thao, luyện tập nhu đạo gần lên đai đen. Hải nguợc lại ốm như cây sậy, vui tính, thích nói chuyện và hay khôi hài đùa giởn. Cả trường gọi Thắng và Hải là Laurel – Hardy, hai tài tử điện ảnh một mập, một ốm, chuyên đóng các phim khôi hài thời bấy giờ. Thắng, Hải và tôi thường qua lại nhà nhau chơi nên trở thành bạn thân. Thỉnh thoảng trường của Thắng, Hải tổ chức cắm trại, lần nào chúng cũng kéo tôi đi theo cho vui, do đó tôi có rất nhiều bạn thuộc Trường ta.
Năm ấy trong tỉnh có tổ chức tranh giải bóng tròn giữa các trường trung học. Trường tôi được mời tham dự. Trong cuộc bốc thăm trường tôi gặp trường Thanh Giản. Trước ngày thi đấu cả tháng tuần nào trường tôi cũng tập dượt ngay tại sân bóng đá riêng phía sau trường. Ngày thi đấu đã đến. Chủ nhật hôm ấy, bầu trời xanh biếc, trên không lơ thơ vài vệt mây trắng, ánh nắng chói chang, trời nóng như thiêu đốt. Trận đấu sẽ bắt đầu lúc 3 g chiều, nhưng khoảng 1 g chúng tôi đã có mặt đầy đủ tại trường, gồm mười một cầu thủ chính thức, ba cầu thủ dự khuyết và khoảng hai mươi ủng hộ viên vừa lo việc hậu cần. Ngoài cái hộp cứu thương chúng tôi còn mang theo một thùng nước đá chanh và một thùng nước đá lạnh để làm « mát máy » cầu thủ. Đoàn chúng tôi do ông Maillet giáo sư thể dục hướng dẫn. Khi chúng tôi đến sân vận động thành phố thì đội bóng của Trường ta đã có mặt đông đủ và số ủng hộ viên cũng lên đến cả trăm người. Đội chúng tôi mặc áo trắng quần đùi trắng, đội bạn mặc áo xanh da trời quần trắng. Trọng tài hôm ấy là một giáo sư thể dục của một trường trung học trong tỉnh.
Match amical entre le College Francais de Tourane et Trung Hoc Phan Chau Trinh (1962) |
Tiếng còi đầu tiên nổi lên cả hai đội sắp hàng một chạy ra sân giữa tiếng hoan hô của khán giả. Lúc này tôi mới thấy sự khác biệt giữa hai đội. Cầu thủ đội Trường ta thì lực lưỡng và chiều cao xấp xỉ bằng nhau. Đội Trường tây thì kẻ cao người thấp, kẻ mập người ốm đang nhấp nhô giữa sân cỏ. Sở dĩ có sự chênh lệch quá đáng về bề cao cũng như bề tròn là vì số học sinh trung học trường tôi chỉ khoảng chừng một trăm người trong đó nữ sinh chiếm hết phân nửa. Phải chọn mười một cầu thủ trong số nam sinh còn lại thật khá vất vả vì « nhân tài » bóng đá của trường tôi còn hiếm hơn cả « lá mùa thu ». Lúc đầu nhà trường kêu gọi nam sinh tình nguyện vào đội bóng đá nhưng chỉ có khoảng sáu, bảy người ghi tên. Giáo sư thể dục bèn chia số nam sinh còn lại thành hai đội. Đến giờ thể dục ông ném quả banh ra cho hai đội đấu với nhau còn ông thì ngồi « xem giò xem cẳng » để tuyển lựa cầu thủ. Cuối cùng đội bóng đá cũng được thành hình và nhà trường có nhờ một cựu tuyển thủ bóng đá đến để làm huấn luyện viên. Sau một tháng luyện tập ráo riết đây là lần đầu tiên đội bóng trường tôi ra quân tranh giải.
Tiếng còi của trọng tài vang lên, quả bóng bắt đầu lăn trên sân cỏ. Lúc đầu nhịp độ thi đấu còn chậm chạp vì hai bên đang thăm dò chiến thuật và khả năng của nhau. Nhưng càng lúc nhịp độ càng nhanh, bên nào cũng muốn ghi bàn trước. Đội Trường ta quyết tâm hạ sát ván đội Trường tây cho bỏ ghét. Đội Trường tây thì muốn thắng để lấy uy tín và chứng tỏ mình là một đội mạnh có huấn luyện kỹ càng, học tập có bài bản hẳn hoi, thi đấu có chiến thuật đàng hoàng. Nhiều lần đội Trường ta dẫn banh ào ạt tấn công theo chiến thuật tổng lực làm tan rã đội hình của phía Trường tây. Tình hình thật là nguy cấp nhưng đội Trường tây lần nào cũng kịp thời phá vỡ các đợt tấn công của đội Trường ta. Tiếng hò hét của cổ động viên hai bên càng lúc càng to làm cho bầu không khí của cầu trường càng lúc càng náo động. Gần hết hiệp một, huấn luyện viên đội Trường tây ở bên ngoài dùng tay ra dấu cho các cầu thủ thay đổi chiến thuật không nặng về thế thủ nữa mà nghiêng về thế công để làm giãn đội hình của đối phương và giải tỏa bớt áp lực. Tình hình trên sân cỏ lại thay đổi. Đội Trường tây bây giờ lại ào ạt tấn công làm cho đội Trường ta xính vính vội vàng rút quân về phòng thủ. Trên sân đã bắt đầu có những va chạm mạnh. Các cầu thủ xô đẩy, níu kéo nhau khiến trọng tài phải nhiều lần can thiệp. Hiệp một chấm dứt, cả hai bên vẫn chưa bên nào mở tỉ số. Các cầu thủ Trường tây quần áo ướt đẫm mồ hôi ra sân giải khát đồng thời thảo luận về ưu khuyết điểm của đối phương và phân công kèm người không để cho các cầu thủ giỏi của đội Trường ta tung hoành như trước nữa. Vào hiệp hai nhịp độ thi đấu sôi nổi ngay từ phút đầu. Cả hai bên đều dùng chiến thuật tấn công, các cầu thủ đều tăng tốc độ di chuyển, quả bóng lăn nhanh không ngừng, lúc thì ở phần sân bên này, lúc thì ở phần sân bên kia. Các cổ động viên bây giờ mỗi phe cũng chiếm lấy một bên sân la hét vang dậy khiến trận đấu đã căng thẳng lại càng căng thẳng thêm. Giữa hiệp hai vì một sơ hở của một trung vệ Trường tây, tiền vệ Trường ta cướp được bóng và nhanh như chớp dẫn bóng tiến thẳng về phía đối phương và vào được vùng cấm địa. Trước khung thành Trường tây diễn ra cảnh hỗn loạn giữa hai đội và cuối cùng đội Trường ta đã đưa được bóng vào lưới, mở tỉ số một không. Các cầu thủ áo xanh vui mừng đưa hai tay lên trời chạy ngang qua trước khán giả. Các ủng hộ viên Trường ta vừa nhảy nhót vừa đập thùng la hét khiến cho người qua đường tò mò cũng kéo vào xem.
L’équipe de foot (1962) : Devant : Tôn Thất Thông, Francois Cartier, Tống Nhạn, Nguyễn Xuân Quang, Vinh Derrière : Thục, Hồ Đình Chi, Hoàng Giang, Dương Ngọc Bích, Lưu Ngọc Quan, Chung Cao Thắng, M. Meillet (monitor). |
Quyết tâm gở lại bàn thua đội Trường tây tăng cường tấn công, nhiều lần vây hãm khung thành Trường ta nhưng không thành công. Còn mười phút nữa là hết hiệp hai, từ bên phần đất đối phương, một tiền vệ đội Trường tây cướp được bóng, dùng kỹ thuật cá nhân lừa qua được hai cầu thủ áo xanh và một mình một bóng tiến về phía trước. Khi đến gần vùng cấm địa thì hai cầu thủ áo xanh đã bắt kịp. Tiền vệ áo trắng không còn cách nào khác liền dùng hết sức mình sút mạnh. Quả bóng bay nhanh như viên đạn đại bác về phía khung thành áo xanh, nhưng thủ môn Trường ta cũng nhanh như tên bắn nhảy lên đấm quả bóng cho bay qua xà ngang rơi xuống sau khung thành để chịu quả phạt góc. Trước khung thành Trường ta bây giờ áo xanh, áo trắng chen nhau. Một cầu thủ Trường tây lượm bóng đặt vào góc sân sút mạnh đưa bóng vào vùng cấm địa. Thủ môn liền nhảy lên bắt bóng. Những lần trước, lần nào thủ môn Trường ta cũng bắt bóng dính như thể bàn tay có bôi keo. Nhưng lần này bóng ở quá cao nên lúc bóng chạm tay thủ môn thì tuột ra và rơi xuống đất. Đúng lúc một cầu thủ Trường tây vừa chạy đến thuận chân sút bóng vào lưới. Lần này đến lượt cổ động viên Trường tây vỗ thùng la hét. Gỡ được bàn thua, đội Trường tây lên tinh thần quên cả mệt nhọc thi đấu rất dũng mãnh. Đội Trường ta thì căm tức quyết tâm dành lại chiến thắng. Trận đấu trở nên rất căng thảng. Trên sân cỏ thường xuyên xảy ra những va chạm nảy lửa, những cú té lộn nhào, những nét mặt nhăn nhó vì đau đớn. Trọng tài rất vô tư và nghiêm khắc đuổi ra khỏi sân hai cầu thủ chơi thô bạo. Cuối cùng trận đấu kết thúc hoà nhau với tỉ số một một. Tuy không bên nào thua nhưng cả hai đội đều ấm ức vì đã bỏ lỡ nhiều cơ hội làm bàn, đã để chiến thắng tuột khỏi tầm tay.
Cuộc gặp gỡ giữa hai trường tưởng đâu đến đây đã chấm dứt êm đẹp không còn chuyện gì gây cấn nữa. Nhưng bất ngờ vào chiều thứ hai, lúc tan học ra về thì trường tôi cửa trước cửa sau đều bị dân Trường ta vây kín. Họ bảo nhau : « Hễ đứa nào ra thì đánh. » Dân Trường tây vào báo cho ông hiệu trưởng biết. Ông liền ra lệnh cho « công xẹt » đóng cổng « tử thủ ». Đồng thời ông gọi điện thoại cho cảnh sát xin đến bảo vệ trường và cho các ông hiệu trưởng Trường ta đến để kêu gọi học sinh mình giải tán. Tội nghiệp các em nhỏ tiểu học bị « kẹt giữa hai lằn đạn ». Có em khóc rấm rức vì sợ cha mẹ không đến đón được. Khoảng nửa giờ sau thì các ông hiệu trưởng và giáo sư Trường ta đến thuyết phục học sinh mình về nhà. Cảnh sát đứng gác các ngã đường bảo vệ cho dân Trường tây bình an ra về.
Đến nhà tôi vội đẩy chiếc xe đạp vào trong và chạy sang nhà Hải để tìm hiểu lý do của biến cố ngày hôm nay. Hải cho biết hồi sáng nó và Thắng vừa đến cổng trường thì gặp Hưng, một cầu thủ trong đội Trường ta đang đi cà nhắc. Hưng kể cho Hải, Thắng và một số học sinh bu quanh nghe diễn tiến trận đấu ngày hôm qua. Tất cả chăm chú nghe như nuốt từng lời nói của Hưng. Cuối cùng Hưng kết luận : « Tao không ngờ tụi Trường tây nó đá hay và dữ dội như vậy. Thấy tụi nó lổng chổng đứa cao đứa thấp như bó đũa so le, lúc đầu tụi tao khinh thường định đá cho tụi nó thua một trận te tua cho biết mặt. Nhưng khi thi đấu mới thấy tụi nó ngang ngửa với mình. Qua hiệp hai tụi tao dùng sức mạnh lấn áp tụi nó để dành banh, nhưng tụi nó cũng chẳng vừa gì, ăn miếng trả miếng, tụi nó cũng đốn tụi tao ngã lăn cù. » Một học sinh trong đám liền nói : « Vậy mà tụi nó nói trường mình đá banh theo luật rừng, đốn người như đốn cây, nếu không có trọng tài can thiệp thì tụi mình đá tụi nó què cẳng hết. » Hưng tức mình cải lại : « Thì tụi nó cũng đá tao gần què đây này. » Vừa nói Hưng vừa vén ống quần lên cho các bạn thấy cái cổ chân sưng húp. Chuyện Hưng kể thì vô tư và đúng sự thật. Việc bị thương tích trong khi thi đấu cũng là chuyện thường tình trong giới thể thao. Nhưng có vài học sinh trong nhóm bu quanh đi kể lại cho các bạn khác nghe trong đó có phần « thêm mắm thêm muối » cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn như thể chính mình là cầu thủ hoặc ít ra cũng là khán giả ngày hôm ấy. Sau phần tường thuật lại có kèm theo phần bình luận rất sắc bén chẳng khác gì các bình luận gia bóng đá chuyên nghiệp nhưng đầy … ác ý. Các « nhà bình luận » này luôn luôn thổi phồng « tội ác » của tụi Trường tây. Không biết mấy cái loa tuyên truyền đó tường thuật như thế nào mà đến chiều cả hai trường đều nghe đại khái như sau : « Tụi Trường tây nói học sinh trường Việt là rừng rú, đá banh chỉ biết đốn người như đốn cây. Nếu không có trọng tài can thiệp thì tụi nó sẽ đá cho tụi trường Việt què hết không còn một cái cẳng để lết về trường. »
Dĩ nhiên dân Trường ta nghe vậy thì tức giận vô cùng bèn rỉ tai nhau hẹn vào giờ « V » (tức là giờ về) mở cuộc hành quân trừng phạt bọn Trường tây hỗn láo.
Theo Hải cho biết thì trong số học sinh Trường ta kéo đến vây Trường tây chỉ có chừng 5 % là « chiến sĩ nồng cốt » thực sự muốn « đục » bọn Trường tây, khoảng 20 % là những kẻ xúi dục và ủng hộ viên, đa số còn lại đi theo xem cho vui. Một số đông khác không tham dự nhưng cũng không chống đối trong đó có Hải và Thắng.
Cũng như tất cả các dòng sông nước Việt đều đổ ra biển Nam Hải, tất cả học sinh trung học đậu xong bằng tú tài đều đổ vào các trường đại học trong nước, ngoại trừ một số rất nhỏ được ra nước ngoài du học. Khi ra biển nước sông không còn phân biệt nước ngọt, nước lợ, nước phèn hay nước phù sa mà chỉ còn một màu nước xanh của biển, một vị mặn của muối. Khi bước vào ngưỡng cửa đại học sinh viên không còn phân biệt Trường tây Trường ta mà chỉ có sinh viên của các phân khoa đại học khác nhau mà thôi. Cũng nhờ có dân Trường tây mà các trường đại học Sư Phạm đã dễ dàng đào tạo được một đội ngũ giáo sư Pháp văn với kiến thức vững vàng lên đường phục vụ dân tộc trên khắp mọi miền của đất nước thân yêu.
.
NGUYỄN VĂN CHÁNH
viết lại, Montréal, 16/06/2012
. Photos :
.