“Bàn Tay Hy Vọng / Hand of Hope” (đúc bằng ciment cốt sắt/béton armé, cao 9 ft, móng sâu 9 ft) tác giả : Lưu Nguyễn Đạt Camp Pendleton, San Clemente, California July 4, 1975 .
À mes Anciens du Collège Francais de Tourane Lưu Nguyễn Đạt
.
nuitée améthyste, oil enamel, luu nguyen dat – 2007
Nói về thơ gần như sống trong thơ một lần nữa. Đó cũng là cảm nhận dây chuyền, khi tình cờ gần gũi với dòng thơ. Thơ, vốn nội tâm, là niềm vui, nỗi buồn từ cuộc sống. Thơ vào đời và đời cũng nhập thơ. Như dòng nước với nụ cười ; như hơi thở của sóng vơi.
Trong thơ, biển cả đã đổi màu, huyền biến vu vơ, trong tầm mắt và chiều sâu của hồn người thi sĩ. Tình yêu cũng vậy, qua lời lẽ ẩn vùi nhiệt độ, đã hoá chất thơ thành thứ ánh sáng tuyệt mỹ, sau và trước cả mọi bình minh, như tia nắng cuối cùng giữa lòng đêm và ngọn lửa rừng vừa chợt tắt, khi vạn vật còn hoang mê, chìm đắm, và chữ nghĩa còn lang bạt, lạnh nguồn.
Thơ đôi khi cũng yêu sách, đòi hỏi. Đòi hỏi mình và yêu sách cả cuộc đời. Đòi dòng sông nhập thành biển cả. Hỏi sao nguồn cảm hứng ngược dòng khơi. Yêu hạt sương tích tụ thành mây. Và sách cả niềm tin từ giọt nước mắt loài người. Từ nỗi đau triền miên quanh thế giới. Từ giọng hát vào đời, bỗng chia đôi. Còn yêu sách, đòi hỏi gắt gao hơn thế nữa, chẳng qua vì đáy lương tâm còn nguyên vẹn, hay đam mê chưa tắt hẳn mà thôi.
Thơ huyền biến, lúc hiền hoà, lúc độc ác. Như vị cay, vị ngọt cuối làn môi. Có lúc say đắm vô hạn. Có lúc hạn hẹp, chua xót, cạn vơi. Hư hư, thực thực. Ngập tràn trong dấu tích, xa cách trong buộc ghép ngàn nơi. Nhà thơ phải lòng chữ nghĩa. Phải lòng cuộc đời trọn vẹn, dang dở – ngay trong bạt xiêu, tuyệt vời.
Thơ là cơ thể và sức sống. Là đứa trẻ nghịch đùa với dòng sông như môi yêu với tình tứ. Là giọt máu buốt đau và mảnh da quằn quại. Thơ đấu tranh, đòi quyền sống trong nhu yếu vô thường, và bất lực trong đổi chác căn cơ. Bất lực, dù vĩnh cửu từ vắng vợi đời người.
Thơ vô hình, vô dạng. Thơ ở ngoài sách vở, ngoài hiện thực, vu vơ, miệt mài, lạc lõng. Thơ thất lạc ngay trong lòng thơ. Thất lạc ngay trong tâm hồn người thi sĩ – ngoài tầm giao cảm với đối nhân. Thơ đã trở thành đứa con tư sinh vô thừa nhận. Xiêu vẹo, nghiêng ngửa ngay tại dòng chữ nghiệt ngã, keo kiệt. Bị chèn ép trong nhịp bước trần gian, thơ cô đơn trong cảnh vọng trần tục, trong toang vỡ trần truồng. Vì thế, thơ không ai dám nhận, dám tin, dám hỏi. Và cũng ít ai đủ khả năng nuôi dưỡng, gả gấm, hoặc đủ bản lĩnh gạ gẫm nàng thơ.
Nhưng cũng có lúc thơ là tặng dữ cuối cùng trong cuộc đời, là niềm vui còn sót lại đêm qua. Những lúc tận cùng vời vợi đó, làm thơ tức là nhặt chữ nối nguồn, là đãi cát tìm vàng, là đào khởi lòng than âm u, tì tích, để tìm hạt kim cương tinh khiết, xuất chúng. Thơ sẽ gạt bỏ bạc bẽo để sưởi ấm lòng đau. Sẽ quét sạch đường đời và khởi sắc vạn nơi : thơ chiết xuất thơm tho từ ô uế, tiếp nhựa sống vào thân cây, và đặt niềm tin trong lòng người.
Vì thế, thơ là con đường văn chương hoá dạng : nửa nọ, nửa kia ; nửa sáng nửa tối ; nửa vui, nửa buồn ; nửa người, nửa vật. Một thế giới bâng quơ, lơ lửng, ngược xuôi, xuôi ngược. Liên tục trong trí nhớ, lại có lúc cách quãng trong u uẩn, trước sau muôn mặt, thiên hình, vạn trạng. Có cũng như không, không rồi lại có. Tất cả là khát vọng, hay thất vọng, trong bao dung, toàn bích. Là hào hứng trong phân mảnh, tuyệt vời.
Thơ trong sạch hay bụi bậm là do lòng người tìm kiếm chất thơ. Thơ không mùi không vị, không tình không nghĩa, mà chỉ mượn mùi thơm ngọt từ cỏ cây, vị say từ hơi thở nồng nàn, và tình nghĩa từ ánh mắt cô liêu, đắm đuối. Người thi sĩ nhìn và nhớ vạn vật chung quanh câm nín, hoang sơ. Thơ nguyên vẹn, mong manh trong dấu vết xa gần. Thơ bừng khởi trong tiềm thức sơ sinh, bao bọc. Ta đã khoác lên vai, lên tóc và vết tích nó những bụi bậm, tanh hôi của thân phận làm người. Thơ lạc lõng vì hồn người lạc lõng. Thơ chảy máu vì tế bào người u uẩn, cắt, vùi. Thơ tì ố, tàn tạ như chiếc áo kẻ tù đày. Thơ cũng trong sáng như ánh mắt thơ ngây, trong bình minh vĩnh cửu của vạn vật luân lưu, muôn thuở tái thế.
Thơ nổi chìm, sâu sắc. Thuyên chuyển từ tế bào này sang tế bào nọ. Như giọt tình, giọt nước mắt ngấm lòng người, ngấm lòng vạn vật. Thơ cũng là những câu hỏi không để trực tiếp trả lời, hay trả lời để hỏi lại. Trong vô hạn, mong manh, như những công án thiền định :
nếu mọi dòng sông đều ngọt ngào biển cả lấy muối mặn từ đâu ?
if all rivers are sweet where does the sea get its salt ?[1]
Ý thơ và bóng chữ đã đôi lúc chung tình, giao hợp để cùng nhau thoả ước, khép mở, mật thiết lẫn nhau. Thơ cố gắng trả lời sành sỏi. Nhưng nhiều lúc thơ lại vụng về, giả định, vu vơ, vì tạm bợ, không chủ đích. Tới nơi mà không biết. Lạc lõng mà không hay. Ngay lúc tuyệt độ trong cơ bản tâm tình. Ngay lúc phá thể trầm trọng để xây dựng lại một trật tự mới, khác với trật tự hiện hữu. Ngay trong cách sống vô vi, vô thường :
sáng trăng vời vợi xa bao ngả xa cách lòng tình xa nguyệt nga ?
how far is the light of the moon from the moon ?[2]
Nhà thơ không chịu trả lời gọn gàng, minh bạch, chỉ tủm tỉm cười, rồi trì hoãn vu vơ, hay giải đáp trong hững hờ, cởi, mở. Thành thử câu hỏi vẫn mãi mãi nguyên vẹn trong lòng người còn tìm, còn kiếm. Nguyên vẹn từ đầu, bất tận về sau.
Thơ có lúc vắng dấu chân người, mà chỉ còn là vết tích của đá, của hoa, cỏ lạ, nguồn, khơi. Trong những lúc khô khan tuyệt tích, cạn hơi, cạn hứng, người thi sĩ đã tìm đường về một địa hạt xa xăm siêu thực, như tìm đường lên nơi thần linh hay đất cấm, nơi dư âm, hoài cảm hay huyền thoại, hư vô. Thi sĩ đã thu ngắn lại, buộc nối lại con đường cũ đưa dẫn về nhà trời, xuyên qua hình dáng mong manh, mở đón của tạo hoá, của cỏ cây, của tảng đá dẫn lộ. Đó không phải là những cảnh vật vô tri vô giác, những khối tảng ù lì, cục mịch, mà là những hồn đất, hồn cây, nhữnh tảng đá từ không gian lạc vào lòng đất, nhưng vẫn biết bay bổng, vẫn nhớ bay bổng, thu hút ; biết gọi nắng từ mưa ; biết nghe tiếng thì thầm của những tâm hồn kiệt quệ, khát khao. Đó cũng là những hạt đá quý, những lệ đá xanh, những tâm linh ẩn náu cạnh thân thể người yêu :
khi em vuốt ve ngọc biếc ngọc biếc vuốt ve em
when you touch topaz topaz touches you[3]
Như vậy thơ có thế giới riêng biệt của nó, trong công cuộc tìm lại lòng người, tìm lại lòng nguyên thủy của đất trời, thiên nhiên, của tiếng nói đầu tiên từ trí nhớ nhân loại, từ huyền thoại của ý nghĩa ẩn vùi trong lãng quên tập thể. Thơ dẫn đường vào toàn bích, hé mở thành tôn giáo bỏ ngỏ, hoang vu. Thơ tìm nguồn để tạo lại cội nguồn, tạo lại tông tích siêu thoát. Thơ hy vọng cả trong nỗi tuyệt vọng.
Thơ là cuộc hành trình với con người vậy.
. Lưu Nguyễn Đạt, PhD, LLB/JD, LLM
.
[1] Pablo Neruda, The Book of Questions, (El libro de las preguntas), Copper Canon Press : Port Towsend, 1991. Câu hỏi có chiều sâu thách đố tuyệt đối như những công án (koan) xuất phát từ tâm thức các thiền sư.
[2] Pablo Neruda, The Book of Questions. Nhận định như trên.
[3] Pablo Neruda, Stones of The Sky, (Las pierdas del cielo), Copper Canon Press : Port Towsend, 1987.
Thân gởi các Bạn BP và Amicale Blaise Pascal Da Nang
Năm 2008 tôi vế VN và có ghé thăm Đà Nẵng. Tôi nhờ người bạn học cùng lớp năm xưa chở đi thăm lại trường Collège Francais de Tourane. Đến nơi chỉ thấy một khung cảnh hoàn toàn khác lạ. Trường năm xưa đã biến mất không còn một dấu vết gì. Tôi bồi hồi đứng nhìn một lúc rồi ra về nhưng trong lòng luôn cảm xúc, bâng khuâng nhớ đến các thầy cô, các bạn bè học hành, vui đùa dưới mái trường cũ. Về lại Montréal tôi vẫn không quên được ngôi trường xưa với những khuôn mặt bạn học cùng lớp, với những lúc đùa giỡn chọc phá nhau như trẻ thơ. Những kỷ niệm của trường Collège ( Blaise Pascal ) thỉnh thoảng lại về trong ký ức ; những ngày mùa đông giá lạnh ở xứ người lại nhớ đến cái nắng hanh vàng ở Đà Nẵng nên tôi viết bài hát NHỚ VỀ TRƯỜNG XƯA để gởi gắm tâm tình vào trong đó. Ca khúc này tôi đã trình bày một vài lần trong các cuộc họp mặt BP tại Montreal. Xin gửi tặng các Bạn.
.
NHỚ VỀ TRƯỜNG XƯA
Thương nhớ về trường Blaise Pascal Trường năm xưa cạnh bến sông Hàn Trường nay đã mất tìm đâu thấy Chỉ thấy trong lòng tiếc nhớ thôi
Năm tháng dài đời vẫn bơ vơ Tìm nơi đâu bóng dáng trong mơ Tôi thương mến lắm từng khuôn mặt Và lúc vui đùa như trẻ thơ
Ôi trường xưa giờ đã xa mờ Hình bóng cũ nỗi buồn vô cớ Cho tôi gởi buồn này theo gió Kỷ niệm nào dạ chẳng ngẩn ngơ?
Có những ngày lạnh giá tuyết sương Nhớ trưa hanh nắng giữa sân trường Nhớ khung trời mộng nên tôi viết Một chút tâm tình gởi nhớ thương .
Hôm nay tháng chạp hăm ba Nhang đèn con tiễn Táo ta về trời Thành tâm con cúi lạy người Cho con khăn gói lên trời một phen. Con lên tâu với Hoàng Thiên Năm qua lắm chuyện muộn phiền Táo ơi Con biết sớ Táo tuyệt vời Trong nhà ngoài ngõ chuyện đời Táo tâu.
Riêng con chỉ có mấy câu Con quỳ phủ phục dập đầu khẩn xin. Xin Trời thương xót quê mình Ra tay ân đức thiên đình cứu cho. Muôn dân chưa đủ ấm no Mà ngoài biên ải đang lo giặc tràn Biển đảo đầy bóng xâm lăng Dân tình ta thán khó khăn trăm bề. Khắp nơi vang một lời thề Vẹn toàn gấm vóc nhất tề đứng lên Một lòng gìn giữ giang sơn Cho dù một tấc ruộng nương không nhường. Cho dù nát thịt tan xương Không bằng mất nước thê lương căm hờn. Xin cho trên dưới một lòng Trong ngoài chờ một Diên Hồng tuốt gươm Xưa nay từ bốn ngàn năm Đâu lòng yêu nước giam cầm cấm ngăn. Con quỳ xin đấng vạn năng Giang sơn một mối muôn dân một lòng. Thà được chết như Trần Bình Trọng Quyết không là Ích Tắc ô danh Ngàn xưa ghi tạc sử xanh Sơn hà rung chuyển xác thân đâu còn. Đừng vì danh lợi hèn ương Xưa nay giặc dữ nào thương dân mình
Bấy nhiêu tâm niệm tấu trình Ngọc Hoàng chưa chuẩn con xin chưa về. Sông Hàn 23 tháng chạp Nhâm Thìn 2013 – – –
° – ° – ° –
Tâm sự một giòng sông
Xưa yêu em từ chưa gặp gỡ Yêu mẹ cha thuở mới nằm nôi Yêu quê hương ngày được chào đời Yêu tổ quốc bốn ngàn năm trước.
Ta phiêu du bốn miền đất nước (*1) Chở mặt trời thắp nắng muôn phương Mỗi khúc sông dòng sử quê hương Cùng dân tộc sống từng khoảnh khắc.
Đã lắm lúc tanh mùi máu giặc (*2) Cũng có lần khóc xác anh thư (*3) Lúc trăng đêm tình tự tương tư Ta mang bán cho Hàn Mặc Tử.
Những chiều gió có vài thiếu nữ Mắt xa vời soi bóng mộng mơ Khi đêm buông ta đợi ta chờ Thương lữ khách nhân tình chưa đến.
Cuối dòng đời ta chưa về bến Vì non sông cần một giòng sông Mang yêu thương ra tận biển đông Trao tình Mẹ đến người xa xứ.
Miền gió cát nghe lời tâm sự Từ phương nao vượt sóng quay về Đám con xa nhắn Mẹ câu thề Ngày mong ngóng đêm về thao thức.
“Những đứa con đã rời xa Tổ Quốc, Mẹ biết chăng chỉ sống nửa tâm hồn Một nửa khác gửi vời theo sóng nước Về quê Cha cho vẹn tấm lòng son.” (*4)
Sông Hàn
*1. Bắc, Trung, Nam và hải đảo *2. sông Bạch Đằng *3. sông Hát *4. Xin lỗi đã quên tên tác giả 4 câu thơ tuyệt vời này mà đọc lên không khỏi xúc động
– ° – ° –
NGÀN NĂM LỜI HỊCH
Đêm quê hương mặt trời vắng bóng Gió lặng mây hờn lành lạnh không gian Trời chưa thu, cỏ úa sắc thu vàng Sương quên lá, lá quên xào xạc. Ngoài song cửa thoáng đôi cánh hạc Mang hung tin giặc đến biên thùy Sét ngang mày, Tổ Quốc lâm nguy Như Phù Đổng, Tiên Rồng bừng giấc. Phận châu chấu, Diên Hồng dõng dạc Bạch Đằng giang tàu giặc ngã nghiêng Ải Chi Lăng xương trắng Mông Nguyên Ngọc Hồi đó phơi thây Thanh tướng. Lạc Hồng hởi bốn phương tám hướng Vần thơ này lời hịch ngàn xưa Trống đồng vang trăm nẽo sớm trưa Đang giục giã kiêu hùng dân Việt. Ơn dựng nước ngàn đời bất diệt Hận xâm lăng muôn thuở ghi lòng Noi gương xưa Trưng Triệu Lý Trần Dù tấc đất bờ rau không mất. Đánh tan xác cường bang phương Bắc Vững giang sơn bờ cõi muôn thu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư”… (*1)
Sông Hàn tháng 8, 2012 (* 1) trích Lý Thường Kiệt, 1076
Chút ngẫu hứng cuối thu, xin tặng những kiều nữ đã từng đi qua “Cầu Hò Hẹn” và tất cả những ai có kỷ niệm với chiếc cầu ấy. Ai tìm thấy đúng tâm trạng thì xin cho biết nhé.
Con muốn trao mẹ một nụ hồng Ấp ủ bao ngày tháng nhớ mong Mẹ hiền nay chỉ còn trong mộng Hồng đỏ thay màu ngã trắng trong Mắt trắng cay cay chợt đỏ hồng
26.07.2012
.
Sân trường xưa
Em nhớ năm xưa ở chiếc cầu Chúng mình không hẹn vẫn gặp nhau Đứng tựa thành cầu anh húyt sáo Mắt nhìn trìu mến dáng thanh tao Cầu qua chỉ độ vài ba sải Bước chân bịn rịn bỗng hóa dài
Tan trường em dạo dưới hàng me Qua phòng giám thị rẽ phòng sciences Trên bậc anh chờ cầm hoa sứ Lặng lẽ trao em chẳng một từ Hoa sứ nay còn nằm trong vở Người tình muôn thuở nhớ trong mơ
Le Pont
.
11.2.2011
Hai Quê
Đất Việt năm xưa trọng anh tài Giữ gìn Tâm Đức Nghĩa chẳng phai Giã từ cha mẹ xa huynh đệ Xa quê học hỏi hẹn ngày về
Ra trường phận nước còn dang dở Thôi đành tạm gác mộng ấu thơ Đất lành chim đậu dù không hứa Kiếm sống nơi này nhớ chốn xưa
Thời gian thấm thóat đã bao xuân Sang thu màu ngã kiếp gian truân Đất lạ thôi là quê hương mượn In dấu thăng trầm điểm gió sương
Quê hương hai chốn lòng xao xuyến Mấy ai tiên đóan được nhân duyên Chẳng biết mai này về đâu nhỉ ? Tâm Đức vẫy chào sẽ bước đi
07.03.2012
.
Hai quê (Hoạ thơ Nguyễn Hoa)
Đất mới mênh mông lắm tiền tài, Giữ trong lòng ta mãi chẳng phai Giã từ đất Việt cùng huynh đệ Xa quê hương nhỏ mấy khi về.
Ra đi sự nghiệp còn dang dở Thôi đành để lại mộng và thơ Đất này xây dựng làm đất hứa Kiếm tự do thèm khát ngày xưa.
Thời gian lận đận của tuổi xuân Sang đây đời mong hết đa truân Đất người tưởng nhớ đến cố hương In lòng tiếng cuốc vọng trong sương
Quê mới người xưa hồn xao xuyến Mấy chục năm qua có còn duyên Chẳng hay người cũ về đâu nhỉ ? Tâm tư kẻ ở hoặc người đi ? HVH (BP65)
.
Nắng Schwarzwald (Forêt-Noire, Black Forest)
Nắng tháng ba chói lòa đôi mắt Đã quen dần ảm đạm mùa đông Nắng xua mau nỗi buồn hiu hắt Của những đêm dài tưởng mênh mông
Nắng xóa tan tuyết băng lạnh cóng Lộ xanh dần hàng vạn ngàn thông Nắng ấm lên tô má em hồng Như thẹn thùng những lúc anh trông
Nắng gọi chim về hót líu lo Suối cạn trở mình róc rách trôi Nắng xuyên cành soi lên bãi cỏ Nhắc nhở muôn hoa hãy nẩy chồi
Nắng dứt đi bao ngày mong đợi Chớm nhẹ trong lòng thóang mộng mơ Nắng dịu dàng mỗi lần xuân tới Chẳng hẹn lại mời đến nàng thơ
Weil der Stadt 5.3.2012
.
Đau Lưng
Đố ai tránh khỏi nỗi đau lưng Quá tuổi năm muơi thật đáng mừng Lưng rêm lưng mỏi làm sao lạ Cả đời lưng gánh biết bao ca
Thuở nhỏ mẹ la lưng phải thẳng Chớ đứng lom khom số nhọc nhằn Thanh thời vai rộng lưng mau lớn Vác hộ bác thùng vẫn khỏe trơn
Nai lưng kiếm sống không ngừng nghỉ Mình đồng da sắt cõng thiếu nhi Tối về vợ gọi ơi mình nhé Hạnh phúc đôi mình chốn phòng the
Cháu chắt nay vui họp đầy nhà Lưng còng chống gậy vẫn không tha Ông ơi cho cháu ngồi lên với Cỡi ngựa ông bò cháu dạo chơi
10.11.2011
.
Xuân Về Nhớ Mẹ
Tết Tây vừa hết đến Tết Ta Năm mới thong dong vẫn tà tà Thiên hạ gần xa vui đón Tết Số kiếp long đong chạnh nhớ nhà
Nhớ mứt sen thơm ngọt nhỏ tròn Nhớ hạt dưa bùi đỏ môi son Nhớ gà kẹo đắng rim kho tộ Với ít ớt cay mẹ gởi con
Bao năm chữ nghĩa miệt mài say Bên mẹ mừng Xuân sẽ một ngày Mẹ đi để lại hồn con trống Ngọt bùi cay đắng mẹ có hay ?