Catégories
Prose

VÀI KỶ NIỆM VỀ TRƯỜNG LYCÉE FRANÇAIS HUẾ

Wednesday, April 19, 2006

Thân gởi bạn PA,

Rất vui nhận được thư Bạn. Cám ơn Bạn đã viết thư ghi lại nhiều kỷ niệm rất dễ thương về ngôi trường thân yêu của chúng ta hồi xưa ở Huế. Đọc thư Bạn, mình hết sức khâm phục về trí nhớ ‘éléphant’ của Bạn (như bạn DT đã nhận xét rất xác đáng). Có những chi tiết mình không còn nhớ mà Bạn lại nhớ rất chính xác.

Mình như được nhìn thấy lại quang cảnh của Lycée Français Huế ngôi trường xưa và cách thiết trí các lớp học, phòng ốc, khi đọc những câu Bạn viết: “Trường Lycée Français Huế bây giờ vẫn còn như xưa, nhưng không đẹp bằng hồi xưa vì hơi thiếu tu bổ. Cái préau, nơi tụi mình để xe đạp và đứng đấu láo trước khi vô lớp vẫn còn, nhưng ngói mất đi khá nhiều. Lớp 6è của tụi mình ở cuối bâtiment (phía Chaffanjon), gần cổng tụi mình đi xe đạp vô, kế đến là lớp 5è, 4è và 3è, xong đến một cái passage dẫn vô WC bên phải, có cái trống ở trước cửa WC. Bên trái của passage là tam cấp đi ra đường Henri Rivière. Kế cái passage này là lớp Seconde và Première, xong đến bureau và bureau du proviseur (M. Dago) và salle des professeurs.” Thật là tuyệt diệu! Làm sao Bạn có được một ký ức sắc bén như vậy. Mình đọc mà như thấy lại được trước mắt ngôi trường xưa đó.

Rồi cũng với trí nhớ như ‘voi nhớ’ của Bạn, chỉ cần vài nét chấm phá, mình như được nhìn và gặp lại những người xưa, những người lớn, giáo sư, giám thị, nhân viên của trường: “Hồi tụi mình học, M. Moisset dạy Anglais (Édition bleue Carpentier Fialip, Bạn còn nhớ không?). M. Vinciguerra dạy Français lớp 6è. TT là chouchou du professeur đó. Ông cụ Chương (mập bự, luôn luôn mặc áo dài đen) làm Surveillant hay xách tai tụi 6è và 5è, mỗi khi tụi mình nhảy qua cửa sổ (‘faire la fenêtre’) để ra sân chơi. Ông Chương nặng tai nên mỗi lần nói là phải la lớn. Ông cụ Dương (luôn luôn mặc complet, cravate) là Surveillant Général, ông này thực dân hơn Tây. Maman của Thâm làm Surveillante mấy cô con gái thì phải và làm luôn trong văn phòng (bureau) nữa.” Ôi! Người xưa, cảnh cũ! Nay kẻ còn, người mất!

Tiếp đến, cũng bằng vài nét chấm phá tài tình, Bạn ghi lại hình ảnh của vài bạn học xưa:
– Bạn DT: “Ông ‘Philosophe’, với cặp kính cận, với mái tóc bồng bềnh, hơi quăn, đạp xe đạp đi khắp phố phường mỗi buổi chiều nhưng không cần đến đâu hết, cứ tà tà…
– Bạn NDT: “Rất hiền, chỉ cười thôi và rất ít nói… Làm moa nhớ lại hồi nhỏ (ở École Primaire Française) chỉ có bạn và moa thường hay mang giày đóng ở tiệm giày Đồng Dụng đường Trần Hưng Đạo Huế…

Bạn PA ơi, sao Bạn không cho mình đọc thêm về vài nét chấm phá về các bạn khác: ND, TT, NT v.v… Mình nhớ vào cuối niên học 5è (1955), trong khi hơn 1 triệu đồng bào từ miền Bắc hối hả di cư vào Nam, thì NT đã theo mẹ đi luôn ra Bắc, vì người cha không muốn vào Nam. Về bạn DT, mình công nhận Bạn đã phát hoạ đúng ‘y chang’ người bạn cũ của chúng mình hồi đó “với cặp kính cận, với mái tóc bồng bềnh, hơi quăn, đạp xe đạp đi khắp phố phường…”. Riêng về bạn NDT nào đó… Hihi ;)… vì quá lâu ngày (nửa thế kỷ rồi, còn gì!) mình cũng không còn nhớ rõ lắm về người bạn đó nữa, không biết bạn đó có thật là “rất hiền, chỉ cười thôi và rất ít nói” không? Mình cũng không còn nhớ bạn đó mang loại giày gì nữa, chứ đừng nói gì chuyện nhớ cả tên tiệm giày Đồng Dụng ở đường Trần Hưng Đạo, như ký ức phi thường của Bạn được.

Về các giáo sư dạy bọn mình hồi đó, trong hai niên học 6è và 5è ở Lycée Français Huế, mình chỉ còn nhớ tên 3 profs: M. Decoux (dạy cả 3 môn Maths, Sciences Naturelles và Dessin), M. Bernier (dạy Français lớp 5è) và M. Moisset (dạy Anglais). Bạn PA thì bổ túc thêm M. Vinciguerra (dạy Français lớp 6è). Còn bạn DT thì biên thư cho tụi mình nhắc thêm tên hai profs khác: Mlle De Gantes (dạy Histoire & Géographie) và M. Tạ Đình Cung (dạy Việt Văn). Nhưng thú thật, bây giờ được bạn DT nhắc lại, mình cũng chỉ còn nhớ được thêm tên Mlle De Gantes (dạy Histoire & Géographie) mà thôi, còn M. Tạ Đình Cung thì mình hoàn toàn quên tên không nhớ gì cả, bây giờ mới nhìn được hình dung của ổng nhờ ở mấy tấm hình kỷ niệm mà em mình Quỳnh Chi mang theo được.

Mình còn nhớ trong lớp học, M. Decoux có chọn và cho treo các dessins của học sinh, chắc các bạn còn nhớ. Còn M. Bernier thì có vẻ rất thích auteur Alphonse Daudet, vì có cho học sinh bọn mình học thuộc lòng quelques morceaux choisis lấy từ cuốn “Lettres de mon Moulin”, những paragraphes ngắn vừa cỡ một trang giấy vở học trò, lấy ở phần đầu của mỗi truyện như: “La Chèvre de Monsieur Seguin” (“Monsieur Seguin n’avait jamais eu de bonheur avec ses chèvres. Il les perdait toutes de la même façon, un beau matin, elles cassaient leur corde, s’en allaient dans la montagne, et là-haut le loup les mangeait…”) hoặc “Le Sous-Préfet aux Champs” (“M. le sous-préfet est en tournée. Cocher devant, laquais derrière, la calèche de la sous-préfecture l’emporte majestueusement au concours régional de la Combe-aux-Fées…”) hoặc “Le Secret de Maître Cornille” (“Francet Mamaï, un vieux joueur de fifre, qui vient de temps en temps faire la veillée chez moi, en buvant du vin cuit, m’a raconté l’autre soir un petit drame de village dont mon moulin a été témoin il y a quelque vingt ans.”)…

Hồi học lớp 5è, mình còn nhớ có một lần tất cả các lớp đều được dẫn cho đi xem đoàn kịch nổi tiếng La Comédie-Française từ bên Pháp qua trình diễn vở kịch “Le Bourgeois Gentilhomme” (hay “Le Malade Imaginaire”?) của Molière ở rạp Morin.

Cuối niên học 5è, mình nhớ được lãnh phần thưởng cả 3 môn học với M. Decoux (Maths, Sciences Naturelles và Dessin), và cũng có lãnh thêm một phần thưởng về môn Français với M. Bernier nữa. Bạn PA ơi, nhìn lại tấm hình chụp ngôi trường xưa trên đây mà mình cảm thấy trong lòng bồi hồi thương nhớ luyến tiếc làm sao! Biết bao kỷ niệm êm đềm xa xưa chúng ta đã cùng nhau theo học dưới mái trường thân yêu đó. Cũng như Bạn cho biết, trong dịp về thăm VN gần đây, vì nhà ở gần Lycée Français Huế, nên chiều chiều Bạn hay rảo bộ đến Lycée để nhớ lại hồi xa xưa đó.

Bạn PA ơi, các Bạn ơi, tuy chúng mình chỉ học chung với nhau trong hai niên học 6è và 5è ở Lycée Français Huế ngôi trường xưa thân yêu đó, cách đây đã tròn nửa thế kỷ, nhưng những kỷ niệm được nhắc lại trên đây thật là dễ thương làm sao, phải không các Bạn? Mỗi người trong chúng ta đều có cất giữ sâu kín trong lòng một ngôi trường thân yêu nhất – ngôi trường thân yêu đó có thể là một ngôi trường tiểu học, trung học hay đại học. Không hiểu sao, trường Lycée Français Huế chính là ngôi trường mà mình nhớ đến nhiều nhất.

Trong một lá thư gần đây, bạn TT có viết cho mình: “Ngày xưa… nghe xa xôi ghê, nhưng đọc thư bạn lại cứ tưởng như tụi mình vẫn gặp nhau hàng ngày, vẫn cùng trường cùng lớp… Chỉ cần một chút ‘imagination’ và yêu thương thôi phải không bạn?” Đúng vậy TT ạ, Th. cũng thích được sống nhiều về kỷ niệm, vì kỷ niệm bao giờ cũng sâu đậm, thiết tha hơn thực tế hiện tại nhiều lắm. Có một điệu hát đã xưa, bây giờ Th. còn nhớ lại ít câu:

         “Il est un âge dans la vie,
          Où chaque rêve doit finir,
          Un âge où l’âme recueillie
          A besoin de se souvenir…

Bạn PA ơi, Bạn nói rất đúng, chúng mình không đứa nào là không có ăn bánh mì nóng ở Chaffanjon. Bây giờ đây, trong tâm tưởng, mình vẫn còn như được ăn mãi ổ bánh mì thơm ngon nóng dòn đặc biệt đó…

Thân mến chào bạn PA và tất cả các Bạn, và thân chúc các Bạn luôn luôn vui mạnh.

NDT


Thursday, April 27, 2006

Bạn PA thân mến,

Rất vui nhận được thư mới đây của Bạn đề ngày 22 Apr 2006. Cám ơn Bạn đã ghi lại thêm một số kỷ niệm rất dễ thương của hai năm học ở Lycée Français Huế hồi xưa. Đọc thư Bạn, mình phải công nhận Bạn là người có nhiều tình cảm và có tâm hồn gắn bó nhiều với những kỷ niệm đã qua, như Bạn viết: “Nhiều lúc trời mưa tự dưng lại nhớ lại những vũng nước đọng trong sân trường Lycée Français Huế…”. Có nhiều chuyện tưởng chừng đã quên bây giờ được Bạn nhắc lại một cách rõ ràng đầy đủ chi tiết. Đúng như Bạn viết: “Những năm 6è và 5è ở Lycée Français Huế khó mà quên lắm.

Bạn hỏi mình đi tìm ‘tự do’ chắc là thảnh thơi lắm hay sao mà còn đem theo được mấy tấm hình kỷ niệm ‘staff’ (personnel) của Lycée Français Huế, xin trả lời Bạn mấy tấm hình kỷ niệm đó là của em mình Quỳnh Chi mang theo được. Lúc chúng mình học Lycée Français Huế thì em mình (nhỏ hơn mình 4 tuổi) đang học École Primaire Française gần cạnh Lycée Français. Trong một courriel mới đây, em mình viết: “Merci pour les belles photos; celle du Lycée Français me ramène à ma petite enfance où chaque jour j’avais l’habitude à y venir chercher Maman après la classe… Ma petite amie à l’École Primaire Française s’appelait Hồng Vân dont j’ai perdu le contact depuis que l’école fut déménagée à Đà Nẵng.

Trong mấy tấm hình kỷ niệm ‘staff’ này, với trí nhớ siêu đẳng Bạn đã nhận biết ra được khá nhiều người. Bạn còn nhận ra được hình 1 trên đây chụp ở sân École Primaire Française (gần cạnh Lycée Français) và hình 2 chụp ở nhà M. Dago (le Proviseur), nằm ngay góc đường Hàng Đoát và đường Chaigneau (nay là đường Lý Thường Kiệt) gần trường Providence. Mình thật khâm phục Bạn hết sức, nhớ cả người nhớ cả cảnh vật. Trí nhớ của Bạn đúng là một chiếc máy ảnh, đã ‘chụp hình’ người nào hay cảnh vật nào vào trong ký ức, thì cho dù trong bao nhiêu năm trời cũng như là một tấm hình mới chụp hôm qua hay hôm kia mà thôi.

Bạn PA ơi, Bạn cho biết năm tụi mình học 6è, Bạn ngồi sau lưng ND, TT và NT, ở dãy bàn bên phải của lớp, cạnh cửa sổ nhìn ra sân và préau để xe đạp, làm mình nhớ lại hồi đó mình ngồi ở bàn đầu của dãy bàn ở giữa và TCD ngồi bên phải mình. Hình như trong mỗi lớp học có 3 dãy bàn và mỗi dãy có khoảng 4 hay 5 bàn gì đó, mỗi bàn ngồi 2 hay 3 người, có đúng không các Bạn? Mình còn nhớ, có lẽ vì mình ngồi ngay bàn đầu hay là vì mình cũng rất khá về môn Maths (vì cuối năm học mình được lãnh phần thưởng), cho nên vào giờ toán M. Decoux hay kêu mình cầm vở lên bảng để chép solution các bài Maths cho cả lớp chép lại.

Cũng vì mình đã quen ngồi ở bàn đầu của dãy bàn ở giữa ngay từ năm tụi mình học lớp 6è, cho nên qua niên học sau, khi tụi mình lên lớp 5è, mình cũng chọn ngồi ở bàn đầu của dãy bàn ở giữa, cùng với TCD ngồi bên phải mình.

Về các cô bạn trong lớp, mà mình chỉ còn nhớ 3 tên là ND, TT, NT (như mình đã nhắc đến ngay trong thư đầu tiên gởi các bạn), bây giờ được Bạn nhắc thêm một tên mới LM mà mình không còn nhớ. Mình rất vui được nghe Bạn tiết lộ thêm nhiều điều thú vị: “Nói đến ND, TT, NT và LM thì không những tụi mình đều biết, mà tất cả đám con trai học Lycée Français Huế lúc bấy giờ đều biết hết. Chàng nào cũng ngăm nghe nhưng toàn là thỏ đế, nên không chàng nào làm ăn gì được hết. Có nhiều chàng lại làm quen với moa để nhờ làm mai làm mối. Thật là buồn cười. Học cùng lớp với nhiều người đẹp lắm lúc cũng vất vả…” Rồi Bạn kể tiếp: “Tuỳ theo mùa, moa ngồi ngay sau lưng hay được các nàng passer kẹo, đậu phụng rang hay me chua v.v…”. Bạn PA ơi, chuyện đã 50 năm hơn, bây giờ mình nghe Bạn kể lại vẫn còn… cảm thấy hơi ấm ức phân bì với Bạn đấy, vì hình như mình không hề được các ‘nàng’ passer kẹo bánh như Bạn cả. Nhưng mình nói đùa cho vui vậy thôi, vì Bạn ngoài trí nhớ ‘éléphant’ phi thường còn là “người đệ nhất tài hoa” (như lời DT) thì mình đâu dám đòi hỏi được như Bạn nhỉ?

Tuy không được ăn kẹo bánh của các nàng cho, nhưng mình còn nhớ, cuối năm học 5è, mình được ít cô nàng trong lớp trao cho mấy cuốn sổ lưu niệm để viết ít giòng lưu bút (mỗi người một trang) vào đó và mình cũng được ít nàng viết vào cuốn sổ lưu bút của mình nữa. Nhưng tiếc rằng về sau cuốn sổ lưu niệm của mình bị thất lạc hồi nào không hay, có lẽ do những lúc gia đình dọn nhà thay đổi chỗ ở hoặc lúc cả gia đình mình rời bỏ Huế để vào Nam.

Ôi! biết bao kỷ niệm thân yêu chúng ta còn giữ lại trong tâm hồn! Thỉnh thoảng mỗi khi muốn hồi tưởng lại một vài kỷ niệm thân yêu của một thời đã qua, mình lại leo lên căn gác quạnh quẽ cô liêu của miền ký ức địa đàng xa xưa nhưng vẫn còn đượm chút hương xưa phảng phất đâu đây, và mở nắp cái rương hòm đầy phấn bụi mốc meo của thời gian – cái rương hòm của ký ức mà người ta thường cất giữ những thứ lỉnh kỉnh của quá khứ, vất đi không nỡ mà cất giữ cũng chẳng mấy khi dùng đến – rồi lục lọi một cách bâng quơ dưới đáy rương hòm ký ức và bất ngờ tìm lại được những hình ảnh xưa cũ đã phai mờ, những khuôn mặt thân thương đã lâu ngày không gặp lại… Lúc đó mình như được sống lại với những người xưa và những cảnh vật đã quen thuộc, những kỷ niệm vui buồn của một thời đã qua, và trong lòng không khỏi cảm thấy chút gì bồi hồi lưu luyến thương nhớ thiết tha…

Trong một thư mới đây, bạn DT viết cho mình rất chí tình: “Toa nói đúng: không có toa trong những kỷ niệm lỉnh kỉnh. Chỉ có những kỷ niệm lỉnh kỉnh chúng nó ở trong toa. Bứt (arracher) con người ra khỏi kỷ niệm, dễ thôi. Bứt kỷ niệm ra khỏi con người, dường như khó hơn.

Bạn PA ơi, thư viết cũng đã khá dài, Bạn cho mình tạm ngừng ở đây nhé. Thân mến chào bạn PA và tất cả các Bạn, và xin chúc các Bạn cùng gia đình luôn luôn vui mạnh.

NDT

P.S. Bạn DT ơi, Bạn nói rất đúng: “Kỷ niệm không là gì, khi thời gian bôi xoá. Kỷ niệm là tất cả, khi lòng ta muốn ghi.


Sunday, April 30, 2006

Các Bạn thân mến,

Hôm qua nhận được một coup điện thoại rất là đặc biệt: đó là điện thoại của bạn Hầu Hàn Xuân, một người bạn rất thân của tui từ 50 năm trước.

Xuân cho biết sau khi bắt liên lạc được với bạn DT mới có số phone của tui.

Xuân và tui làm bạn thân từ 1949 khi hai đứa cùng học chung một lớp ở École Primaire Française de Huế (Cours préparatoire, bây giờ là 11ème thì phải). Không những thế, mà hai đứa cùng đi về một đường. Đi ngang qua Morin, qua cầu Trường Tiền (chỉ có Bắc kỳ mới kêu cầu Tràng Tiền), rẽ phải ở đường Trần Hưng Đạo, đến cầu Gia Hội. Xuân qua cầu để về nhà ở Bến đò Cồn (xa lắm), còn tui rẽ xuống đường Gia Long để về nhà ở đường Hàng Bè (đi đường Gia Long vui hơn vì có phố xá).

Năm hai đứa học Cours Élémentaire, không biết ngẩu nhiên như thế nào mà hai đứa lại có hai cái áo mưa giống nhau, nên nhiều khi tan học hai đứa lại mặc lộn áo của nhau. Các bạn còn nhớ loại áo mưa nylon mà hồi đó tụi mình hay mặc: có capuchon nhưng không có hai tay, như vậy xách cặp khỏi bị ướt. Hồi đó Xuân và tui đứa nào cũng có một cái màu maron.

Hồi đó có NDThâm nữa, nhưng không thân vì NDT đi về đường khác.

Sau khi thi đậu concours để lên 6è ở Lycée Français Huế thì tụi này lại học cùng lớp nữa. Cùng lớp có: NDThâm, Như Huệ (con An Nhơn), Hồng Vân (con Restaurant Như Ý, Au Bon Goût), Lê thị Hoa (con tiệm vải Lê Văn Hiệp), Phương Lan, Tuyết Mai và Nguyễn Hồng Công. Lên 6è tụi này còn gặp thêm bạn mới: DT, NTN, ND từ Tourane ra, NT, LM từ Jeanne d’Arc qua, TT từ Couvent des Oiseaux Dalat xuống…

Cuối năm học 5è (1955), Lycée Français Huế đóng cửa, Xuân không vô Tourane học khi Collège Français mở cửa. Hè những năm 1956, 1957 tui còn đến nhà thăm Xuân mỗi khi ra Huế chơi.

Những năm chiến tranh mỗi đứa một nơi nhưng tui luôn luôn nhớ đến Xuân và Công (lẽ cố nhiên là phải nhớ đến những người bạn xinh hơn – không phải là DT, NTN và NDT…).

Nhân dịp về Huế trong những năm vừa qua, tui đều có xuống khu Bến đò Cồn, dừng trước cửa nhà Xuân dò xét xem có ai quen ở trong nhà không, nhưng không “dám” vào vì sợ gặp “chủ mới”. Hôm qua nói chuyện với Xuân mới biết Xuân cũng làm như vậy khi đi qua nhà tui ở Huế.

Đứng trước cửa nhà Xuân nhìn vào, tui cứ tưởng mình nhìn thấy mấy cây trái trứng gà mà hồi xưa Xuân thường hay hái cho tui, nhưng khi về đến nhà mình, thấy những cây nhỡn (nhãn) và những cây đào tiên (mận) đã chết từ lâu mới biết là mình đã quá tưởng tượng.

Lần cuối cùng tui nói chuyện với các bạn: HHX, DT, NTN, NDT, ND, TT, NT, LM, PL và TM… thì tụi mình chỉ là những đứa học trò 17, 18 tuổi, bây giờ liên lạc lại được thì tụi mình tóc đã hai màu muối tiêu.

30 tháng 4 năm 1975 tui tưởng là mình mất tất cả, nhưng đến 30 tháng 4 năm 2006 tui lại tìm lại được những người bạn của tuổi ngây thơ.

NVPA

PA gởi DT: Email vừa rồi của toa moa không nhận được, may nhờ có reply của NDT nên mới đọc ké được. Làm gì mà đi Paris hoài vậy, có người “em văn nghệ” ở trên đó hay sao? 😉


Thursday, June 29, 2006

Bạn NDT thân mến,

NTN đã nhận được rất nhiều e-mails của Bạn từ ngày đổi về cái địa chỉ mới này.

Rất cảm ơn Bạn đã cho biết nhiều thông tin rất quý về trường Lycée Français Huế. Năm ấy NTN cùng với DT ở Tourane ra Huế học lớp 5è, sau khi 2 đứa vừa đậu Certificat d’Études Primaires (CEP) xong.

Mình còn nhớ vì nhảy cóc lớp 6è nên không biết một tí gì về Anglais cả. Và người thầy dạy vỡ lòng môn này cho riêng mình chính là M. Decoux. Mình học đâu được vài ba tuần gì đó tại nhà riêng của Ông ấy, cũng ở gần Lycée Français thôi. Và chính vì chỉ học được có một ít Basics nên mình rất sợ môn này và sợ Ông Moisset quay bài. Đứng trước bảng đen mà ‘bị’ thì ê lắm!… Cuối cùng chỉ còn cách là cái gì cũng học thuộc lòng hết cho chắc ăn. Cảnh xa nhà và học trường mới, bạn bè lúc đầu niên học cũng ít, đi chơi rong cũng ít, nên bao nhiêu thì giờ dồn vào để học gạo. Có cô bạn nhà NTN ở trọ thường gọi mình là ‘con mọt sách’…

Bạn NDT ơi, lớp 5è hồi đó tụi mình học chung với nhau thật là một lớp làm kỷ niệm. Nhớ không, hồi xưa ấy Thầy Tạ Đình Cung dạy Việt Văn cho lớp học một lúc cả 3 bài Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh của Nguyễn Khuyến. Thật là những bài thơ Thu để đời. Rồi vào cuối niên học 5è, lại có một Thu ra đi không bao giờ trở lại, đã gieo ngẩn ngơ cho lắm kẻ học trò “nghèo mà ham”, vì trót mang trong người giòng máu nghệ sĩ đầy ăm ắp, lúc nào cũng muốn tuôn trào… NTN còn có nhiều kỷ niệm với Bạn nữa. Mà kỷ niệm nào cũng thật là đẹp, thật là đáng ghi nhớ cả.

NDT ơi, tấm ảnh NTN gởi cho Bạn trên đây là ảnh lớp 5è đó. Dãy bàn thứ nhất_từ trái sang phải là ND, rồi đến NT, người đã bỗng dưng biến khỏi lớp học vào cuối niên khoá để cùng với Mẹ tập kết ra Bắc với Cha, rồi đến (X)_Xin lỗi, phải nhờ cậy TT hay NVPA cùng quan sát kỹ và giải đáp giùm.

Đến dãy bàn ở giữa, ngồi đầu bàn thứ hai chính là NTN. Mình còn nhớ kỳ thi đầu tam cá nguyệt, môn Histoire Mlle De Gantes cho mình tới 19/20 (chỉ là học gạo và viết lại y như sách học mà thôi!). Theo yêu cầu, mình nhớ có truyền lên cho ND và NT xem bài này.

Đến dãy bàn thứ ba, phía bên phải của lớp, cạnh cửa sổ nhìn ra sân: Xin lỗi vì lâu quá rồi nên NTN cũng chịu thua. Không biết có phải NVPA không?

Tiếc thay học trò xứ Quảng vác lều chõng ra đất Thần Kinh chỉ được vỏn vẹn có đúng một niên khoá! Kẻ học trò này hồi ấy có lúc còn mặc quần short đi học hay đạp xe đạp đi chơi. Có NDT, NVPA, Albert Poignard, Nguyễn Bôn… làm bạn. Chúng ta đã tới thăm các Lăng Thiệu Trị, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định… Hoặc vào Thành Nội, đi chơi Hồ Tịnh Tâm… Hoặc xuống Đập Đá, đi chơi Cửa Thuận… Hoặc lên Kim Long, ngắm cảnh Chùa Thiên Mụ…

Ôi! Kỷ niệm một thời đã qua nhưng hồi tưởng lại vẫn còn thấy lý thú làm sao!

Khi trở về Đà Nẵng học Collège Français de Tourane thì NDT với NTN vẫn còn chơi correspondance với nhau. Bạn có gởi tặng mình một số hình đi thăm các lăng tẩm. Bạn cũng mặc quần short, mang cặp kính râm. Những tấm hình này mình đã mất hết! Bây giờ chỉ còn nhớ trong đầu mà thôi. Chính Bạn gọi mình là ‘Ông Bạn Buồn’. Bạn đã quên rồi phải không? Rồi… Lần chót chúng ta gặp nhau là tại chính nhà Bạn ở đường Nguyễn Duy Dương, gần Ngã Bảy Chợlớn. Đường Minh Mạng quẹo trái Nguyễn Duy Dương là gặp nhà Bạn ngay, đúng không?

Bây giờ may mắn biết nhau trong Cyber Space, thực sự thì Bạn ở đâu? Phone cho nhau được không?

 Và sau đây là lời tiếng Pháp của bài “Reviens à Sorrente” (Torna a Surriento) mà NTN còn nhớ được, vội ghi ngay lại gởi đến Bạn cho trọn bài hát này và trọn tình xưa.

Lyrics của bài “Reviens à Sorrente” như sau:

          Vois comme la mer est belle!
          Elle a pris à ta prunelle
          Sa fulgurante étincelle
          Et le charme de tes yeux!

          Mais quelle senteur exquise
          Aux caresses de la brise?
          C’est l’oranger qui nous grise
          D’un parfum mystérieux!

          Et toi, quand tout nous enivre,
          Quand l’amour à toi se livre,
          Tu voudrais loin d’ici vivre!
          À Sorrente dire adieu?

          Non, reviens, mon amour!
          Viens aimer à Sorrente!
          Mon coeur de ton baiser
          Veut se griser…

          Mais le soir déjà s’achève,
          Les flots s’endorment sur la grève;
          Et ton ciel qui se soulève
          Semble céder à mes voeux.

          Viens! Dans les splendeurs sereines
          Passent les voix des Sirènes,
          Les désirs aux joies prochaines,
          Les bonheurs voluptueux.

          Et toi, quand tout nous enivre,
          Quand l’amour à toi se livre,
          Tu voudrais loin d’ici vivre!
          À Sorrente dire adieu?

          Non, reviens, mon amour!
          Viens aimer à Sorrente!
          Mon coeur sans ton baiser
          Peut se briser!

NDT ơi, hồi ấy Bạn đúng là ông bạn ít nói đấy. Nhưng coi chừng “tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi” đấy. Kidding thôi đừng giận nghe. À, nếu Bạn có lời Việt bản “Torna a Sorrento” của Phạm Duy thì gởi cho mình nghe. Cám ơn trước.

Thân,

NTN

*** Ghi thêm của NDT:

Bạn Yuan ‘OBB’ NTN ơi,

Mình rất khâm phục trí nhớ của Bạn vì Bạn còn nhớ rõ chỗ ở của mình ở đường Nguyễn Duy Dương (số nhà 155 cho được chính xác) gần Ngã Bảy Chợlớn thì đúng y bon rồi đó.

Tấm hình Trường Lycée Français Huế ở đầu trang trên đây của Bạn chụp vào năm 1955 rất là đẹp và rất hiếm quý. Bạn đã đứng ở mép bên phải phía trước Bưu điện Huế để có thể chụp được bao quát toàn thể quang cảnh của ngôi trường thân yêu của chúng ta, bắt đầu từ đường Henri Rivière cho đến cuối bâtiment về phía Chaffanjon.

Và đây là mặt sau của 2 tấm hình mà Bạn còn lưu giữ được, và Bạn đã scan ra máy gởi cho NDT để tui được dịp xem lại bút tích và chữ ký của người bạn NDT nào đó của cái thời đi chơi lăng tẩm năm 1955 ở Huế:

Nhìn lại nét chữ viết và chữ ký của người bạn NDT nào đó của cái thời đi chơi lăng tẩm năm 1955 ở Huế, tui rất lấy làm vui thích và nhận thấy người bạn ấy khi thì viết chữ nghiêng khi thì viết chữ đứng, và ngay chữ ký của bạn ấy cũng thay đổi trong cùng một niên học!? 🙂

BTW, theo tui được biết, người bạn ấy đã thay đổi chữ ký kể từ khi lên Đại Học Sàigòn năm 1960 và dùng mãi cho đến bây giờ, và nét chữ viết của bạn ấy bây giờ, tuy là cũng viết chữ đứng nhưng có vẻ hơi khác so với nét chữ viết của bạn ấy của cái thuở xa xưa đó. Hihi 🙂

Xin cám ơn ‘Ông Bạn Buồn’ NTN đã gởi cho NDT tui mấy tấm hình “Auld Lang Syne” (old times gone by) trên đây của cái thời xa xưa ấy…


Tuesday, October 14, 2008

NDT thân mến,

Vừa rồi đọc hai bài viết “Vài Kỷ Niệm Về Trường Lycée Français Huế” trên website của Thâm, mình rất vui khi nhận được tin các bạn học cũ ở Lycée Français Huế. Mình như thấy lại hình ảnh xưa đang hiện về. Mình đã nhớ lại rất nhiều khuôn mặt của các Thầy, các Bạn của Lycée Français Huế mà từ lâu không được ai nhắc đến.

Đọc thư hai bạn NDT và PA trao đổi với nhau về trường Lycée Français Huế, mình không ngờ hai bạn lại có trí nhớ tuyệt vời như thế, kể rõ chi tiết của từng người bạn. Hình ảnh của các bạn đang dần dần hiện rõ trước mặt mình, thật vô cùng xúc động.

Nhưng người mà mình nhớ rõ nhất là NDT, vì ngoài tình bà con, nhà lại gần nhau vì ở cùng đường Nguyễn Huệ. Còn tên các bạn khác thì tuy viết tắt nhưng mình cũng đoán được: DT là Đặng Tiến, TT là Thanh Thanh, NT là Nguyệt Thu, ND là Như Đường… Riêng bạn PA mình không biết có phải là N.V.Ẩn như mình nhớ tên không? Mình còn nhớ thêm vài bạn khác như Lệ Mai, H.H.Xuân, N.V.Bái (có tiệm Phú Vinh ở ngã giữa). Trong lớp còn có hai bạn gốc Hoa nhưng mình chỉ nhớ có mỗi một bạn có tên Yuan?

Một số bạn mình nhớ vì có những điểm rất đặc biệt: trước hết là Thanh Thanh rất xuất sắc về môn Français, Như Đường hình như là hoa khôi, còn Nguyệt Thu mình nhớ là vì hình như có bà con với gia đình mình, sau đó thì theo mẹ ra Bắc vào cuối năm 1955. Như Huệ thì ở đường T.H.Đạo và còn cô bạn nữa mình khó quên là Hồng Vân, trước 1975 có dạy ở Bách Khoa Sàigòn, ngôi trường mà mình đã tốt nghiệp năm 1965.

Sau khi đọc thư các bạn, mình thấy như trẻ lại và cứ nghĩ như đang cùng ngồi trong lớp với nhau, cùng các giáo sư như Vinciguerra, Bernier, Decoux, Moisset, mình nhớ không chính xác là cô Mlle Bugnot nữa thì phải?

Hồi đó mình là học sinh nhỏ con nhất lớp, tóc thì hớt court, học thì không brillant lắm nên ít giao thiệp với bạn bè, do đó mà có lẽ rất ít bạn còn nhớ đến mình, ngoại trừ NDT.

Cuối năm học 5è, vì gia đình không có điều kiện nên mình không thể tiếp tục vào học ở Đà Nẵng được nên phải chuyển qua học ở trường Quốc Học, cho đến năm 1961 vào học tại Sàigòn và ở lại lập nghiệp mãi cho đến bây giờ. Tuy lập nghiệp ở Sàigòn nhưng mỗi năm mình đều có về thăm Huế.

NDT ơi, nhờ Thâm chuyển lời cho mình thăm hỏi tất cả các bạn cũ ở Lycée Français Huế. Nếu bạn nào có dịp về VN đừng ngần ngại báo tin, hy vọng mình sẽ có những cuộc gặp thân mật. ooOoo

Đọc các bài viết của các bạn NDT, NVPA, NTN với nhiều kỷ niệm khó quên của thời học sinh dưới mái trường Lycée Français Huế thân yêu, mình xin mạnh dạn đóng góp thêm vài kỷ niệm về trường Lycée Français Huế, theo lời đề nghị của NDT cũng như khuyến khích của NVPA và NTN.

Trước hết, phải khẳng định mình là dân kỹ thuật nên việc viết lách không thể nào sánh bằng NDT ông cử văn chương, DT nhà phê bình văn học nổi tiếng, NTN với lời văn nhẹ nhàng, TT vui nhộn và NVPA có trí nhớ thật đặc biệt, vì vậy mong các bạn thông cảm nếu có sai sót.

Trong lớp, mình còn nhớ NDT ngồi ở bàn đầu của dãy bàn ở giữa và mình ngồi bên phải NDT. Lệ Mai và NDT rất xuất sắc trong môn Dessin, thường có hình vẽ được M. Decoux chọn để treo trong lớp.

Mình học trường Ta (Pellerin) bị gia đình ép buộc thi vào lớp 6è trường Tây (Lycée Français Huế) với ý định sau này đi du học. Thi tuyển chỉ có Français và Maths, môn Maths mình được điểm max (18/20 hay 19/20) còn môn Français thì bị notes éliminatoires, nhưng cuối cùng M. Dago (le Proviseur) vẫn đặc cách cho mình được nhập học, khởi đầu cho những khó khăn mà mình phải đối phó, mình luôn được xếp hạng cao nhất nếu tính ngược từ dưới lên!!!

NVPA đã từng nhận xét: “Tui còn nhớ bạn TCD hồi đó người nhỏ con, da không được trắng, tóc hớt court, luôn mặc quần short, đi xe đạp yên đã hạ xuống hết mức rồi mà bạn còn phải nhón chân đạp pédales, học thì không brillant lắm nhưng đá banh thuộc loại khá…

Mình còn nhớ, trong lớp 5è có hai người bạn gốc Hoa mà một người tên Yuan có giọng đọc rất truyền cảm trong giờ học Việt Văn của Thầy Tạ Đình Cung, khi Thầy cho lớp học 3 bài Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh của Nguyễn Khuyến. Bạn DT đã xác nhận tên hai người bạn gốc Hoa đó là Ngô Trung Nguyên (Ou Tcheong Yuan) và Dư Chấn Thanh. Bạn NTN cũng có bài viết về kỷ niệm với trường Lycée Français Huế, có nhắc tới người bạn NT cuối năm học đó đã theo mẹ ra Bắc để gặp cha, trong khi người dân miền Bắc cả triệu người lại ùn ùn di cư vào Nam.

NDT và mình ở cùng đường Khải Định (Nguyễn Huệ hiện nay) nhà lại ở gần nhau, nên thường hay đi học chung với nhau. Trong lớp, NDT học giỏi môn Sciences Naturelles do M. Decoux dạy và mình cũng thích môn này. Vì nhà NDT ở đường Khải Định, phía trước mặt bên kia đường có một thửa đất trống cỏ mọc xanh tươi nên có nhiều chuồn chuồn, mình và NDT bắt được nhiều con màu sắc thật đẹp, mình đem về ngâm formol rồi dùng colle dán vào một nhánh cây khô, sau đó mình và NDT đem vào lớp, được M. Decoux khen và cho phép đặt trên tủ tư liệu của lớp 5è. Câu chuyện này được NDT nhắc lại khi cả hai đứa gặp lại nhau tại Montréal, Canada năm 1994.

Cuối năm học 5è (1955), trường Lycée Français Huế đóng cửa và học sinh phải chuyển vào Đà Nẵng học khi Collège Français mở cửa. Mình không có điều kiện đi Đà Nẵng, vì Cụ thân sinh từ ĐN đã chuyển công việc về Huế từ năm 1953, nên buộc lòng mình phải chuyển từ trường tây Lycée Français Huế về trường ta Quốc Học. Đây cũng là niềm vui của mình, vì không biết sau 2 năm nữa, mình có thi đậu BEPC (Brevet d’Études du Premier Cycle) nỗi không, nếu cứ tiếp tục theo học trường Tây?

Trong dịp đầu Xuân năm nay (tháng 3/2018), nhân chuyến về Huế mình có đi thăm lại ngôi trường xưa Lycée Français thân yêu của chúng ta. Cảnh vật đã thay đổi đi nhiều: Trường thì sơn sửa lại và xây cất thêm ở phía sau, sân chơi bị thu hẹp không còn vẻ ấm cúng và thơ mộng như ngày xưa… và mình cũng thực hiện một clip ngắn về ngôi trường xưa để lưu giữ. Không chừng vài năm nữa ngôi trường này sẽ biến mất hoàn toàn vì bị phá bỏ để xây cất lại một công trình khác thì mọi kỷ niệm xưa về mái trường thân yêu chỉ còn trong ký ức và “hoài niệm”!!!

Chaffanjon bên kia đường cũng biến mất. Không còn tìm thấy cái trống ở passage từ phía tam cấp đi ra đường Henri Rivière. Còn cái préau hồi xưa học sinh tụi mình để xe đạp thì xây thêm lầu để làm lớp học… Thật đúng như NVPA đã từng viết cho NDT: “Cái nhà Ông Proviseur Dago nay đã bị démolir rồi, không còn nữa, tụi nó đang xây không biết cái gì, có lẽ building hay hotel gì đó. Buồn ghê hí, di tích và kỷ niệm tuổi thơ của tụi mình nay đã bị xóa bỏ lần lần…

TCĐ

Link YouTube : Lycée Français Huế (20-3-2018)
https://www.youtube.com/watch?v=hWkstKYeIcg


Monday, February 12, 2018

Thân chào Trúc Huy và các Bạn,

Trước hết mình xin giới thiệu là hiện đang ở Na Uy thuộc Bắc Âu, xứ tuyết lạnh phủ trắng một màu, nhưng bảo đảm là rất đậm tình người.

Thể theo lời đề nghị của Trúc Huy muốn mình viết vài kỷ niệm về Trường Lycée Français Huế, mình xin mạo muội đôi giòng, thời gian trôi tuổi đời chồng chất chắc là không nhớ hết, nhưng thôi thì cũng ráng nhớ được chừng nào hay chừng đó. Nói về kỷ niệm về trường cũ, người xưa thì không bút mực nào tả xiết, phải không các Bạn? ooOoo

Trong các email cũ của bạn hữu có đề cập đến Trường Chaigneau, thật ra ngày xưa mình có quyển sách nói về xuất xứ tên này, có in những hình ảnh xa xưa về Huế và mình đã được thân phụ kể lại nó liên quan với ông Michel Duc, nhưng hôm nay rất tiếc không nhớ hết.

Thời đó Lycée Français Huế năm 1952-1953, M. Dago vừa lên thay thế M. Cossara làm Directeur, ông này trở về phụ trách hãng máy bay Cossara đi quốc nội. Lúc bấy giờ bạn cùng lớp mình, vì còn nhỏ thời… bàn đầu có Marie Poignard, Mộng Hoa và chị Nhược Pháp (chị của NVPA) và Paulette Poignard. Các giáo sư gồm có Mme Vacher dạy Français, M. Leeman dạy Maths, M. Moisset dạy Anglais, M. Decoux dạy Sciences Naturelles, Mlle De Gantes dạy Histoire & Géographie…

Mình được biết, trong hai niên khoá 1953-1955, Trúc Huy học chung lớp với Thanh Thanh, Như Đường và Nguyệt Thu… Sở dĩ nhớ vì mình có bạn thân lúc đó là Nguyễn Như Lộc, anh bạn này yêu thầm hai cô nàng nên đã tự ghép cho mình cái tên là Đường Thu Lộc. Không biết có ai biết cho cuộc tình thầm lặng đó không?

Mình đã đọc bài của NVPA cũng lâu và lần đầu tiên bắt được liên lạc với PA, mình có nhắc đến ngôi trường Lycée Français Huế và mình mới nhớ lại vài vị giáo sư cũ nữa, đó là Mme Millot, rồi sau đó M. Leeman thay thế. Còn Mlle Bugnot, một cây “bourreau” về môn Français cho các cuộc thi oral rất nổi tiếng thời đó, mình có cậu em họ lớn tuổi đã bị chém oral Bac I mấy năm liên tiếp đó và đã hận bỏ học đi Marakech.

Trúc Huy ơi, bây giờ mình nhớ ra rồi, có phải Maman của TH là Cô Thuý làm Surveillante kiêm Secrétaire trong văn phòng (bureau) của Lycée không? Mình đang trên đường đi gặp Marcel Proust “À la recherche du temps perdu” đó!

Thú thật, khi nghe bạn bè nói Mẹ của TH làm việc ở Lycée Français Huế, mình chưa biết là ai, nhưng khi nghe nhắc đến tên Cô Thuý thì mình nhớ ra ngay Cô Thuý là Surveillante kiêm Secrétaire của Lycée. Hình ảnh Cô đã sống mãi trong tâm trí mình, lâu lắm rồi, nhưng vẫn không bao giờ mình quên được nét dịu dàng, đoan trang của một “từ mẫu”. Mình đã nghĩ như thế cho đến hôm nay vẫn còn y nguyên, không phai nhạt chút nào.

Cũng nhớ vào mùa thu năm xưa, lúc đó Cô khoát lên mình một chiếc áo dài thướt tha với chiếc khăn châle màu vàng, có khi màu tím hoa cà, vẫn luôn có nụ cười hiền hoà trên đôi môi và nhất là cái chignon thuần túy của người phụ nữ Việt Nam gương mẫu. Hình ảnh Cô Thuý và Thầy Dương cùng Cụ Chương vẫn còn sâu đậm trong tâm trí mình.

Mình nhớ lần bị consigne chiều Jeudi có Cô Thuý, Cụ Chương… Eo ơi! Nhớ thương vời vợi. Ở bên Providence thì có Cô Tuân, mẹ của Lê Đình Thương đó. Lại cũng hình ảnh các Bà Mẹ giữa đám nam sinh, những sự âu yếm của tình sư mẫu, ngàn đời mình không quên…

Mình có nhiều kỷ niệm với Lycée Français Huế lắm, không ngờ lại được gặp các tay cao thủ Huế thật là một niềm vui lớn để được học hỏi thêm. Mình có xem được những hình ảnh cũ của Thầy Cô mà TH gởi, quý thật! Người mang kính trắng là Thầy Tạ Đình Cung dạy Việt Văn và chỉ dạy có ba tháng sau cùng của niên học 5è (1955), và sau đó được bổ nhiệm về Quốc Học. Ông Dago là Directeur, bà đầm tóc ngắn, nếu mình không lầm là Mme Vacher dạy Français. Còn Mlle Bugnot, cô này còn trẻ và calée về grammaire, chỉ có 22 tuổi và sau này là copine của M. Moisset.

Xin cảm ơn TH, mình với PA cũng đã từng trao đổi tin tức… Trúc Huy có biết rằng mình đầy nghệ sĩ tính lắm đó, yêu nhạc, yêu văn thơ và cũng rất “yêu Hoa” nữa đó. Xót xa là có vương mùi tóc, tà áo bay về nhớ suốt đêm… Khó mà nói cho hết nỗi niềm! Mình đã nhìn lại cái ảnh cũ phai màu của TH gởi, mình sực nhớ đến Thầy Dương năm mình nạp đơn thi vào trường Lycée, lúc đó vào khoảng 16h50, vì danh sách thí sinh đã đánh máy xong mà mình nạp đơn thi concours d’entrée chỉ trước 10 phút thôi, thì Thầy Dương thấy mình bèn thương hại và đã đánh thêm tên mình vào danh sách vào lớp 4è. Ui chao ơi, mình mừng quá sức, thế là ngày mai mang bút đi thi.

À, Phạm Thế Lại như ai đó nói là nhà toán học nổi tiếng bây giờ, có chị là Phạm Thị Xuân Sanh, hai chị em học chung lớp. Xuân Sanh học xuất sắc lắm, là con của ông chủ tiệm “Au Bon Goût” ở bên phố Trần Hưng Đạo cánh trái của rond point Tràng Tiền, một restaurant nổi tiếng của Huế xưa, dành cho dân “noble” thời đó, nhất là các ông tây bà đầm. Chắc TH còn nhớ rõ chứ, sau này trở thành nhà sách Ưng Hạ, nơi này bán khá đủ các sách giáo khoa pha-lang-sa cho bọn học sinh anh em mình đó.

M. Decoux về năm 53 dạy Dessin và Géologie, ông này dễ thương và hiền lành, có lẽ mang sẵn tâm hồn nghệ sĩ, yêu học trò nữ hồn nhiên lắm, sau này lấy cô Lộc thì phải? Còn Thầy Văn Đình Hy cũng có nhiều cảm tình với cô nữ sinh Mộng Hoa, học cùng lớp với mình. Mà Mộng Hoa xinh đẹp, hiền và dễ thương, ai cũng có cảm tình cả.

À quên, Mlle De Gantes dạy Histoire & Géographie, mình chỉ có chút kỷ niệm với Cô này là hôm cuối năm đem vở lên xin Cô chữ ký với chữ “Bon courage” mà nhớ đời. Sau này vào thi BEPC vô oral lại gặp Cô với sujet La Seine. Sở dĩ nhớ lại vì trước đây mình có đi dự Conférence về Paris ở rạp Morin thì phải, được nghe Thuyết trình viên bắt đầu câu : “Paris, deux petits syllabes, connu du monde entier…” và thế là nhớ mãi mãi cho đến bây giờ. Kể TH nghe chơi để mà nhớ trường xưa ở Cố đô Huế.

Nhớ Thầy Tạ Đình Cung kể chuyện về Ông Tả Ao, và hay chi lạ, cái gì cũng cười… Vui thôi! Nhìn lại hình ảnh và trường cũ mà thấy nhớ nhớ thương thương và cứ ngỡ mới đâu đây, nhất là Thầy Dương, Cụ Chương và Cô Thuý là đầy đủ lắm rồi.

Quên nhắc đến Thầy Văn Đình Hy, năm đó vừa tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm ở Hà Nội về Huế, trong lúc chờ lệnh bổ nhiệm về Quốc Học, Thầy đã phụ trách các giờ Việt Văn lớp mình. Thầy còn trẻ, đẹp trai nhưng hơi chétif, và trong lớp cô Mộng Hoa rất xinh đẹp, trong giờ giảng dạy có ánh mắt trao đổi qua lại, mình tinh nghịch để ý và hình như có một chút gì thầm kín, nhẹ nhàng… thấy má hồng hây hây và thường nhìn vào trang sách, do đó sau này cả lớp cũng đã xôn xao.

Thầy còn trẻ mà khá đẹp trai, célibat nên khi vào dạy lớp mình chỉ có 3 nữ sinh thôi, đó là Paulette Poignard, chị Nhược Pháp (chị của PA), chị rất cao, đối với mình và lớn nên mình gọi bằng chị, và Mộng Hoa, một nhan sắc của lớp, cũng là người đã lọt vào mắt của Thầy Văn Đình Hy, mà bọn mình lúc đó ngày bãi trường có mạn đàm thân mật với Thầy và Thầy đã trả lời: “Bộ các em không muốn Thầy có hạnh phúc hay sao?

Paulette Poignard là cô bạn thân độc nhất của mình hồi đó. Hai đứa ở gần nhau và chung đường. Nhà cô ấy là Lò Rượu SICA, nằm ngay góc phải của cầu Phủ Cam. Paulette rất dễ thương, và hiền hậu nữa. Sau buổi học đầu, vì hai đứa ở cùng đường, nên ngày nào hai đứa cũng đi học chung và về chung. Có bạn cùng đi thì đường thấy ngắn hơn… ooOoo

Kể từ khi chia tay xa rời mái trường Lycée Français Huế thân yêu, bạn bè tung cánh khắp bốn phương trời… trưởng thành trong một đất nước chiến tranh, ly loạn rồi cuối cùng nước mất nhà tan, bạn bè chưa một lần gặp nhau… Thế rồi sau chuỗi thời gian dài đăng đẳng đó và tuổi đời chồng chất, tất cả chúng ta đã trên thất thập cổ lai hy thì lại bắt được nhịp cầu trao đổi trên xứ người qua mạng lưới internet, thật là tuyệt vời, tuyệt vời, phải không các Bạn?

Thân mến chào tạm biệt Trúc Huy và quý Bạn hiền. Oslo đang vào “tủ đá” (âm độ -20) nhưng có trăng lạnh, đẹp và buồn.

Fransis Vinh