Catégories
Prose

Sự Tích Bánh Chưng Tiên Dung

Hồng Khắc Kim Mai (BP65) phóng tác

.

Bối cảnh : Tiên Dung, đời vua Hùng, là người con gái đầu tiên trong sử Việt đã táo bạo cải lời Phụ Hoàng, Mẫu Hậu, xuất cung theo Chử Đồng Tử giang hồ …

.

Vài chục năm sau, nhân mùa lễ Tết Nguyên Đán, vua Hùng cho lính đi dán cáo thị khắp nơi. Lịnh truyền rằng nước ta bao năm qua cứ đến các mùa lễ lạc, hay bắt chước Tàu xài bánh của họ. Nay ban lệnh cho ai tạo được món ăn mới, hợp với đạo nghĩa nước ta, thì dẫu có tội gì cũng được tha…

Nghe thế, Tiên Dung và Chử Đồng Tử mừng quá là mừng. Dẫu gì, năm tháng đã qua vì sinh tồn, họ đã bươn chãi đầu ghềnh cuối thác. Cuộc đời trôi nổi dạy cho họ không biết cơ man nào là bài học. Đây là cơ hội cho họ được trở lại với quê nhà.
Nặn đầu óc ra nghĩ phải tạo món ăn gì đây, chồng bảo vợ :
“Thì ngày xưa chúng ta cắn mồi nhau bằng mấy chữ cù cưa. Nay làm món đặt tên Cú Cứa dâng lên Phụ Hoàng để tạ tội” .

Nói nghe hay thế, nhưng nấu làm sao để đọat giải khôi nguyên ?
Khấn nguyện đất trời, khấn nguyện Phật Tổ linh thiêng, xin rũ lòng giúp chúng con làm nên công chuyện.
Lời khẩn cầu động đến lòng từ bi của thần thổ địa trong vùng. Thần hiện lên, dạy rằng cứ đi đường thẳng. Gặp cái gì quơ ngay cái đó, đem về nặn óc, kết hợp lại thành quả. Quả gì ? Quả gì ? Không, thành quả là đạt được điều con cầu ước… A !

Đứng giữa gió mát đồng quê, ai không nhìn thấy những cánh đồng đầy ối bí rợ của mùa halloween còn sót lại ? Hai vợ chồng họ Chử mừng quá, vội vội vã vã bứng hai trái, ôm nặng cả tay. Trên đường về nhà, họ bứt những cọng lúa nếp bên ruộng. Lại thấy mấy vồn đậu xanh tươi tốt, quơ luôn ! Í, í, trong hồ đàng kia có nhô mấy gương sen đã khô. Tội gì không lấy ?
Có con gà lôi từ trong bụi nhảy ra. Chàng Chử Đồng Tử nào có tha, lẹ chân rượt gà chạy có cờ.
Lại nhìn kia, vùng Cà Mâu bát ngát những ruộng sen. Lá sen tròn và rộng tha hồ cho ta bỏ tất cả các nguyên liệu mà túm lại. Chử Đồng Tử véo má nàng Tiên Dung, đẩy đưa, tán tỉnh,
“Em ơi, trong ca dao của nước Việt sẽ có đồng dao…. ù ơ, trong đầm gì đẹp bằng sen…”
Tiên Dung lại ỡm ờ,
“Í chàng lại làm thầy lốc cốc tử đấy à ? Đâu có chồng thì đấy có vợ. Vậy thì em cũng bói theo chàng. Ấy là đồng dao cũng sẽ có câu … Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

.

Thế chúng ta cùng Tiên Dung và Chử Đồng Tử bắt tay vào làm nhé !

.

Tiếng phèn la đập vang thật inh tai nhức óc. Tiếng trống đổ dồn báo tin Đức Vua sẽ đến ngự các món ăn.
Các ông bếp bà bếp tham dự cuộc thi, ai cũng quính đầu quính đuôi. Ai cũng như con lật đật, ai cũng phập phồng…

Nơi một góc kia, Tiên Dung nhẹ tay mở hai lớp giấy bạc bên ngòai món ăn nàng sắp dâng nạp.
Lớp lá sen (chín) đầu tiên hiện ra như thế này đây :

Trời ơi, sao giống hệt cái chòi lá cù cú cù cu ngày xưa vậy nhỉ ?

Hai vợ chồng cảm động rơi nước mắt khi nhớ lại kỹ niệm trong chòi lá, ngày nào …

Mình lột lớp lá thứ hai nhé.

Rồi lá thứ ba, thứ tư. Ô đây rồi, bánh đây rồi !
Vợ chồng họ Chử quá đổi mừng vui.

Và tôi, từ khi dùng trí vẽ nên tranh trong đầu, một ngày rồi một ngày qua, miên man biến tranh thành món ăn rất thật, chân tình gói trọn trong lá sen. Hôm nay và mãi mãi … Sáng tạo ra món bánh chưng mới, để giải tội cho người xưa …

Lạy trời, ai đó trong nhân gian có nói, “có công mài sắt có ngày nên kim”.

.

Ngòai kia, chiêng trống inh tai nhức óc. Phèn la xập xỏa, nhạc tỏa muôn vàn. Một đàn quân tiền hô hậu ủng, xa giá rình rang. Bàn dân thiên hạ hai bên đường nao nức quá chừng. Ơ ơ, này này ngày hội Nguyên Đán, coi đèn rước vua Hùng đang đi…

A lô ! A lô ! Kiệu vua Hùng đã tới rồi. Giờ thi sắp đến.
Đến thì đến. Một trăm người dự thí cứ theo lệnh truyền mà đưa món ăn lên vua chấm điểm.
Ôi thôi bao nhiêu sơn hào hải vị, bao nhiêu thức ăn hiếm quí mua từ bên Tàu, bên Tây, bên Mỹ .. Ai cũng moi óc, ngày suy đêm nghĩ, nên món ăn nào cũng sắc sắc sảo sảo, món nào cũng lừng lừng một mỹ danh, thơm phưng phức, nức lòng dân.

Này là Tuyết Thu Tâm , món tim cá (tuyết) xào lăn với nấm bô lô, bày trên dĩa thạch đinh, phau phau bông tuyết trắng cài tóc mây mơ hồ.

Này Mỹ Hoàng Kê , món gà chiên bơ theo kiểu Kê Ép Ép-phờ Xi (KFC), nằm nghiêng nghiêng bờ thành túy lũ, một miếng cắn dòn, gà mềm bên trong. Ngọt dòn tấc lưỡi, ăn hòai ăn mãi như mê.

Này Như Mã Phi , món thịt ngựa nhồi hoa chuối, nấu trong rượu chát. Lác đác một bầy tiêu đen tiêu trắng. Cay, nồng, đậm đà thớ lưỡi, nhớ mãi không thôi. Uống thêm ly trà đá để đời thêm bát ngát…

Này Hùm Lê Các , món tôm hùm chưng lê Hàn Uất (Hàn Quốc). Vừa ăn vừa rung đùi xem phim bộ. Ngon ơ biết mấy thịt tôm tắm trong riêu đỏ. Những vỏ lê đào thiệt hấp dẫn thơm tho. Món đông lạnh, ăn vào tháng nóng hay mùa gió bấc … tuyệt vời, tuyệt vời … vừa ăn vừa tấm tắc …

Này này Tử Vi Tất , món cật bồ câu ngâm rượu bồ đào….
Lại thêm món Cào Cào Chiên Sả của các bác ở Việt Nam thời thế kỷ 21 chế ra để lắc túi Dịt Kìu ( hehe) …

Trùi ui, quá nhiều món lạ không kể xiết, mùi thơm vang lừng hết biết… v…v…
Tên các món ăn nào cũng nghe như phụng mua rồng bay.

Nhưng nhà vua chấm hít rồi vẫn cứ chê …
“Trẫm đi từ đông qua tây, từ nam chí bắc. Đi hòai vẫn ăn những thứ không liên quan đến nước nhà. Ngon thì quả thật có ngon, nhưng không mang ý nghĩa dân tộc …”

Úy, cái ông vua nhà mình quả thật rất độc !

Hai vợ chồng anh Chử quì đã rã gối, cuối cùng cũng đến phiên họ. Quân hầu quát lên,
“Món gì đây ? “
Ú ớ là nghề của chàng. Ấm ớ là nghề của nàng. Hội tề là nghề của đôi ta.
“Dạ thưa , dạ thưa , món… món… Cú Cứa “
Vua trợn mắt. Gì mà thô lổ dân chài thế ? Gì mà mạ ruộng đồng quê thế ?
Thái giám ghé môi nói nhỏ,
“Bệ hạ, bệ hạ, món này coi bộ có hơi hướm dân dã … Cú cứa là tiếng nói mộc mạc đơn sơ rất … tượng hình”
Hà hà hà, ừ thì tên thái giám này cương cũng khá. Mà tên món ăn nghe cũng vui vui, là lạ, cà khịa, chứ không như người kia kẻ nọ vẽ rồng vẽ rắn. Ngài bảo :
“Đưa lên ta coi ! Cái món gì tên thật là kỳ … Ăn thử xem nào …”

Hai tên chủ nhân món Cú Cứa nào dám ngẩng đầu lên. Ngộ nhỡ món này không vừa miệng Vua, thì coi như đời tàn, hai vợ chồng tiều phu giả dạng này sẽ cao bay xa chạy trối chết. Dại gì cà rà đó để bị đem đi quết thành nem ?

Hai tay chú Chử gà tồ dâng dĩa có đựng lát Cú Cứa lên cao :

Mới thoáng thấy xa xa , vua nổi trận lôi đình,
“Đã bảo không bắt chước Ba Tàu làm bánh Trung Thu. Vậy mà nhà ngươi dám cả gan cốp-bi Tàu Hồng Kông làm nhân bánh bằng giấy cạc tông hở ? “
Hoàng hậu ngồi bên kề tai nói nhỏ với vua :
“Khoan đã nào, ông thì cứ nóng như… Trương Phi “
“Trương Phi là cái thằng nào ? Hình như nó sẽ ra đời mấy nghìn năm sau, mà sao nàng nói mô tê gì rứa hi ? “
Hoàng hậu bỏ nhỏ :
“Thôi quên chuyện Tàu…Hủ ky đi. Bệ hạ quên đeo kiếng nên nhìn không kỹ. Hình như không phải bánh ngọt Trung Thu của mấy chú ba…”

Quân hầu đưa dĩa bánh tới tận miệng vua. Nhìn qua ngó lại miếng bánh, nhà vua tò mò hỏi :
“Cái gì vàng vàng phía ngòai làm ta nhầm tưởng bánh Trung Thu ? “
“Tâu Bị Hạ, dạ đó là vỏ (da) bánh làm bằng thịt bí ngô con hái ngòai đồng hoang. Từ trước đến nay người dân mình chỉ biết cày ruộng lấy lúa làm gạo ăn. Năm nào thất mùa là dân đói. Trong khi đó ngòai đồng bí ngô mọc hằng hà sa số chỉ để quạ ăn …”
Vua ngắt lời,
“Thế ta là quạ sao ?”
Tiên Dung tuy gầm mặt nhưng vẫn nhanh mồm,
“Kính Phụ Hòa… dạ dạ con nói lộn. Kính Bệ Hạ, chúng con ở miệt vườn. Nhiều năm qua con làm quạ, ăn trái bí này dài dài mà … chưa chết !”
“Ô Kê, vỏ bánh tượng trưng cho cái gì ? “
“Dạ thưa … dạ thưa đó là vỏ của Đất “
“Trái đất ? To lớn quá ! mà nước ta thì nhỏ … “
“Dạ miếng bí mầu vàng, thì đây là biểu hiện cho riêng phần giang san đất Việt. Ta là người da vàng, thưa cha , dạ dạ con lộn , thưa vua … “
Hoàng Hậu gật gật đầu đắc ý,
“Không sao. Vua cũng là cha của muôn dân “
Và bà hỏi tiếp lời vua Hùng,
” Vậy chớ trên vỏ bánh có gì ? Tượng trưng cho gì ? “
“Nước ta là nước nông nghiệp. Dân ta sống vì cơm, vì gạo. Nếu cho ăn vài ngày hăm-bờ-gờ là người Việt nhăn răng ra mếu. Vì thế trong món ăn phải có chút xíu cơm đi kèm. Nếu ta cúng tạ Thổ thần đất đai món cơm hòai thì các ngài sẽ buồn. Vì vậy tập tục của nước ta là phải dùng nếp thay gạo mỗi khi cúng kiến, như xôi, như bánh chưng bánh tét chẳng hạn.
Nước Việt Nam ta, tháng tám là mùa thu họach : đậu bắp đầy đồng từ Bắc chí Nam. Hồ ao Cà Mau sen tàn, sanh hột, hột hốt không hết.
Ta đem những thịnh vượng đó vào trong bánh để thấy nền canh nông của ta vô cùng phồn thịnh. Thương Đế hay thần thánh ăn chay hòai đã ngán. Vì vậy chúng con cho thêm nhân thịt gà thịt heo tượng trưng cho trái tim hồng, tràn đầy sức sống…”

Vua và quần thần nghe giảng tới đâu, gật đầu tới đó. Vua lấy chĩa-bốn-que phót phót (fork) xắn một miếng đưa lên miệng nhai, Ngài luôn tấm tắc,
“Có lý. Có lý. Đây rất đúng cho tình tự dân tộc “
Lại xắn thêm miếng khác đưa qua cho vợ. Hoàng hậu khen không tiếc lời :
“Vỏ bánh mềm, ăn như khoai lang Đà Lạt được sấy …”

Nếp dẽo thơm ngon lạ lùng. Đậu xanh, hạt sen đều còn nguyên hột mà khi vào miệng thì tan ngay, để lại hương vị bùi béo mà không ngậy. Thiệt là khéo. Lại thêm thịt gà thịt heo thơm nồng mùi tiêu hành tỏi. Ăn vào thật ấm bụng “

Quây qua Đức Vua, Hoàng Hậu nói , “Tâu Bệ Hạ, thần thiếp ăn món này chắc sẽ xuống cân …”

Các quan cũng được nếm thử. Có điều lạ là khi miếng bánh xắn ra, lớp vỏ ngòai sót lại như lớp da được lột, nguyên miếng, cắn ăn dẻo bùi như khoai lang sấy …

Vua Hùng đứng dậy, hoan hỉ tuyên bố cho món Cú Cứa của hai vợ chồng tiều phu kia được trúng giải. Vua ôn tồn hỏi :
“Nay ta ban thưởng cho hai ngươi ngựa chục bầy, vàng triệu lượng, bạc muôn nén, lụa ngàn cây … “
Cả hai đều lắc đầu. Vua la lên :
“Chê ít ư ? Trẫm cho thêm hai ngươi chiếc kiệu chạm hình long phụng giát cẩm thạch đi long nhong nhé …”
Họ cũng vẫn cứ quì mọp, cái mình lắc lắc như không bằng lòng. Vua ngẫm nghĩ một lúc, lại phán :
“Chức quan tri phủ nhé …”
Cả hai cũng lắc đầu. Lúc này nhà vua đã hơi bực, nghĩ rằng hai tên dân này làm được tí bánh, mà tham lam vòi vĩnh quá cỡ. Quan Thượng Thư bèn tâu :
“Xin Bệ Hạ chớ nhọc lòng. Xin cứ giao cho thần… trị chúng “

Đến nước này, chàng họ Chử sợ quính lên. Chàng mới ngửng đầu lên, lắp bắp :
“Cáo thị nói … nói … nói … tha …”
Quan Thượng quát :
“Chứ chúng bay đã phạm tội gì mà đòi xin tha ?”

Tiên Dung òa khóc. Họ Chử càng khóc to hơn. Hai vợ chồng cứ ôm mặt tấm ta tấm tức, càng lúc càng da diết. Nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Khóc cả mười lăm phút chưa hết, làm ai đứng gần cũng không thể cầm lòng. Vua cũng vừa khóc vừa phán :
“Nè, các bầy tôi, ở thế kỷ hai mươi chi đó tụi mọi da trắng nó kêu khóc như ri là mát-xì-nớt óp-dờ kờ-rao phải không nè ?” (madness of the crowd)
“Bẩm Bệ Hạ, cho thần bấm độn xem có phải vậy hông … À á a, quả như in, trình Bệ Hạ. Ngài thật là thần thông quảng đại …”
“Thôi thôi, tốp tốp. Ta chẳng muốn các người nâng bi … Nè cái tên tiểu tử kia, người có tội gì mà xin tha ? “
Họ Chử ấp úng :
“Con … con … trót dại … dụ con gái nhà lành … “
Tiên Dung cướp lời :
“Dạ con xin thưa lại cho đúng hơn … Chồng con đã quá thương con mà nhận tội thay. Chính con mới là người thấy trăng mà động lòng tình, thấy chim lẻ bạn thấy mình cu ky. Nên con cù rũ chàng làm chuyện đó … “
“Cha chả ! Xưa nay trâu đi tìm cột, chớ cột nào mà mò trâu ? … Mụ kia, hãy khai mau. Này nàng là con cái nhà ai mà mất dạy thế ? Quân bay, nghe nàng khai cho rõ. Lấy tên lấy họ ông bà tía của nó, bắt đem về đây cho ta trị tội …”
Nói xong, vua thở dài,
“Cha mẹ nào mà cứ lo lăng xăng làm biu-zi-nét, không để thì giờ dạy con gái ăn ở nết na, thật đáng lột da cho cá sấu rỉa…”

Ngòai sân, ngựa lồng tiếng hí. Quân lính đứng hai hàng, giáo mác chia chỉa. Chỉ chờ một tiếng vua ban ra, là như sấm như sét, đoàn quân sẽ phóng đi tìm tội phạm để … lột da răn đời. Cho hay, làm cha mẹ cũng khổ. Con dại cái mang !
Vợ chồng nhà họ Chử sợ quá, lấm lét nhìn nhau. Vợ hỏi chồng,
“Làm sao ? Nàm thao ? “
Chồng gãi đầu.
Quả là óai oăm ! Nếu Tiên Dung tình thật khai tên mẹ cha, thì phép vua là phép nước, vua cha và mẫu hậu làm sao trả lời với muôn dân đã sinh ra nghịch tử ?

Trên kia, Vua Hùng đang cơn phẫn nộ. Ông đập bàn chan chát, kêu đòi các quan xét lại lễ nghi nước nhà, nghiêm chỉnh bắt mọi con dân phải tuân theo cương thường đạo lý nước Việt …

Chử Đồng Tử chột dạ, biết mình phải chọn nước liều. Cùng đường tất biến, chàng quì mọp khấu đầu lạy miết. Thưa rằng :
“Trăm ngàn lạy Thánh thượng, ngàn vạn lạy Đức Ngài. Ngài vừa phán mọi con dân phải tuân cương thường đạo lý. Chúng con xin vâng. Cứ nhìn sao trên trời để đoán biết, vài trăm năm nữa bên Tàu sẽ ghi chép sự tích Đức Mục Kiền Liên sẵn sàng từ bỏ tước vị Phật để xuống hỏa ngục lảnh tội thế cho mẹ … Nay chúng con cũng muốn đem lòng hiếu thảo hiến dâng hai đức phụ mẫu để đền công sinh thành … Xin được chết thế cho cha mẹ, mà không phải khai tên”

Đó là lòng hiếu, điểm son tuyệt vời của chàng họ Chử, mà mọi người từng biết xưa kia, khi chàng nhường cho Cha cái khố độc nhất.

Nghe được lời xin thống thiết, ai không mủi lòng xúc động ? Hoàng Hậu chợt nhớ chuyện con gái ruột đã bỏ nhà biệt vô âm tín. Lòng mẹ xót xa. Ừ, con người ta như thế … Còn con mình đang phiêu bạt chân trời nào ???
Cũng như Hậu, lòng vua mang mang. Sở dĩ vua đòi chém đầu cha mẹ hai đứa kia, chẳng qua là giận cá chém thớt. _ Ước gì con … rể mình được như thằng sếu vườn đang quỳ kia …

Trong lúc nhà vua lẫn hoàng hậu đang âm thầm sụt sùi thương tiếc con gái, nàng Tiên Dung dập đầu thưa : “Lạy Vua là đấng rất cao của muôn dân nước Việt. Xin cho con được dâng lên Ngài một điểm hay khác của món ăn hôm nay. Nếu lời con nói vừa ý Ngài, xin Ngài tha tội cho … cha mẹ con”
Vừa nói, người đàn bà dâng đĩa bánh lên cao :

Quần thần đều nhướng mắt lên nhìn. Giữa một rừng hoa thơm ngát, miếng bánh được cắt thành miếng, từ ruột phơi ra ngòai. Nàng Tiên Dung cất lời giải thích :

Trái bí ngô, ai cũng biết, tuy dày cơm bọng ruột , nhưng nếu được nấu sôi trong vòng một giờ thì rã nát te tua. Đó là do trời sinh cho nó cái tinh chất yếu mềm, không khác chi người đàn bà yểu điệu thục nữ chúng tôi … Nhưng trái bí ngô này đã được hầm nấu trong nồi bốn tiếng đồng hồ vẫn giữ được nguyên hình dạng, không sứt mẻ. Nước sôi lửa bỏng cũng có thể ví như phong ba bảo táp của cuộc đời.
Vậy mà người đàn bà chúng tôi, dẫu phải trải qua bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu thử thách, vẫn gan lì chịu đựng được. Cái vỏ bên ngòai của bánh tượng trưng cho sức bền gan của người đàn bà nước Việt : không sờn lòng trước nguy biến, không buông tay khi phải đối đầu với nghịch cảnh. Huống chi trong ruột bánh lại còn có nếp đậu thịt hành. Đưa lưng chống chỏi với hùm sói đã đành, người đàn bà còn phải lo cho chồng, nuôi con, gánh vác bao nhiêu việc gia nương.
Hột nếp cho nhừ, đậu cho chín không rã như tương. Sen nguyên hạt cho mềm tấc lưỡi. Hành cho chín thơm ngon hương vị thịt.
Một người trông bề ngòai tưởng như cành liễu yếu, mà bên trong là cả một phi thường : này này mọi việc đâu vào đó, một tay nàng đùm bọc vén khéo, sớm tối lo cho chồng cho con vuông tròn , không hổ danh người phụ nữ Việt Nam …

Công việc của thiếp làm hôm nay tuy chỉ là miếng bánh nghèo hèn, nhưng miếng bánh này nói lên được hình ảnh người vợ tốt, người mẹ hiền, người dâu thảo. Đàn bà Việt, suốt một đời tần tảo hy sinh …

Nếu để cho Tiên Dung tiếp tục nói, thì bao nhiêu trang giấy cũng sẽ không đủ. Hoàng Hậu đã rơi lệ quá nhiều. Mà Vua Hùng cũng đã quá sững sờ. Ông đứng lên, mắt rơm rớm,
“Trẫm thật không ngờ miếng bánh có thể nói lên được nhiều điều như thế … Nam thì trung hiếu, nữ thì công dung … Vậy thì, hai ngươi đã làm cho Trẫm thật sự vui lòng … Hạnh phúc thay, vinh dự thay cho những ai là cha mẹ của hai ngươi ! Trẫm còn lòng dạ nào trừng phạt họ … Hai ngươi quì cũng đã rục gối. Hãy đứng dậy, ngước mặt lên thật cao cho đời nhìn và chiêm ngưỡng …’’

./.

HKKM