Catégories
Prose

Bà Tùng Long

Đặng Tiến

& Châu Hoàn

.

Tin bà Tùng Long qua đời tại Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 26-04-2006, thọ 93 tuổi, đã nhắc lại với báo chí Việt Nam vai trò văn học của bà, mà giới phê bình nghiên cứu không mấy quan tâm.

Bà tên Lê thị Bạch Vân, sinh năm 1915 tại Đà Nẵng, vợ nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn đức Huy. Bà nổi tiếng tại Miền Nam một thời, nhờ truyện dài đăng báo và mục « gỡ rối tơ lòng » trên báo Sài Gòn Mới, từ 1953. Độc giả của bà chủ yếu là phụ nữ trung lưu các thành phố, giới tiểu công chức, tiểu thương, nội trợ, những người có khả năng tài chánh, và thì giờ, mua báo hằng ngày để đọc tiểu thuyết.

Thời đó tiểu thuyết in thành sách không nhiều, bán không chạy. Các nhật báo, và nhà văn, sống nhờ vào feuilleton ; năm 1957, mỗi ngày, Bình Nguyên Lộc viết 11 truyện. Mỗi tờ báo có độc giả của mình : giới hâm mộ thể thao thì đọc Tiếng Dội, thích cải lương thì đọc Tiếng Chuông, và đọc những truyện từng ngày theo sở thích. Điều này khoanh vùng độc giả bà Tùng Long vào một lớp nữ lưu đọc Sài Gòn Mới, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai…

Bà Tùng Long để lại khoảng 100 tên sách, gồm có khoảng 60 tiểu thuyết, 40 tập truyện, như : Bóng Người Xưa, Người Xưa đã về, Giang sơn nhà chồng, Vợ lớn vợ bé, Mẹ chồng nàng dâu, Duyên tình lạc bến… Những tên sách cũng nói lên được phần nào đề tài và bút pháp. Những tình tiết từng đoạn, từng đoạn éo le, nhưng kết cuộc tốt đẹp. Tác giả đề cao tình yêu nam nữ, trên nền tảng đạo đức, như vậy, thời ấy, đã là một, nét tiến bộ. Dù sao bà cũng mang lại món ăn tinh thần lành mạnh cho một khối độc giả bị lãng quên – và bà phải trả giá : chính bà cũng bị lãng quên.

Ngày nay, các nhà văn Nguyễn đức Lập, Trạch Gầm Nguyễn đức Trạch, ở Mỹ và Nguyễn đông Thức ở Việt Nam là con bà Tùng Long.

.

Đặng Tiến
Orleans, 16-5-2006

.

°-°-°-°

Nghe tin Bà Tùng Long mất, không hiểu sao tôi giật mình cảm thấy ái náy trong lòng như có việc gì đó lâu nay muốn làm mà bây giờ thì đã lỡ dịp rồi…

Bà Tùng Long lớn hơn mẹ tôi chừng năm tuổi, thế mà mẹ tôi mất sớm hơn bà đã mấy năm rồi. Hai bà cùng là con gái đất Quảng Nam, viết văn và có quen biết nhau. Tôi sinh ra đời ngay sau thế chiến thứ hai và thuộc vào thế hệ, nếu không lấy chồng bên nầy thì cũng lấy chồng bên kia, nếu không thăm nuôi chồng tù Côn đảo thì cũng thăm nuôi chồng đi học tập.
Thuở chưa biết yêu, tôi đã nghe mẹ tôi kể về bà Tùng Long : Bà đẹp người, cao ráo, tóc búi gọn ra sau, đẻ một bầy con, có ông chồng làm báo nghiện hút. Đó là mấy lời ngắn gọn mà mẹ tôi thường nói về bà. Và tôi vẫn giữ trong đầu hình ảnh đó và có cảm tưởng như chính mình đã thấy bà thật một lần lúc nhỏ.
Thuở tôi bắt đầu biết yêu thì tiểu thuyết của bà Tùng Long đã được bày bán khắp nơi, trong tiệm sách, ngoài quầy báo và cả trên vĩa hè.
Trên các bìa sách của bà, tôi còn nhớ, thường có hình vẻ thiếu nữ đẹp, tân thời có, quê mùa có, có bộ ngực to và có eo. Cũng có lần tôi mon men mở đọc một cuốn, vài dòng và nhớ man mán là có nhân vật tên Thu Hương nhưng rồi vội vàng trả sách lại chỗ cũ, xấu hổ vì mình vừa làm một việc không nên : đọc tiểu thuyết của bà Tùng Long.
Tôi không hề nhớ người lớn trong nhà cấm tôi đọc tiểu thuyết của bà nhưng không hiểu sao, các sách của bà bày bán khắp nơi mà chúng vẫn nằm ngoài tầm tay của tôi.
Tuy không được đọc nhưng theo lời người lớn bàn bán với nhau, tôi vẫn in trí đây là loại tiểu thuyết về tình yêu trai gái éo le, trắc trở, hoặc là chuyện lộn xộn vợ chồng, ghen tuông hay chuyện xung đột gia đình, giữa mẹ chồng nàng dâu vv. Nói chung là các loại chuyện tình, không nên để con gái mới lớn đọc. Tôi còn nghe người lớn nói là bà viết dựa theo loại tiểu thuyết “Nous deux” của Pháp mà tôi thì lúc ấy không hiểu “Nous deux” có nghĩa là gì.
Mẹ tôi thường bênh vực bà Tùng Long khi có người nói mé về sức viết của bà : viết để nuôi chồng, nuôi con mà.
Riêng mẹ tôi, không hề cấm mà cũng không khuyến khích. Thật vậy, trong nhà không có quyển tiểu thuyết nào của bà. Không biết trong số bạn bè của tôi có đứa nào lén đọc không nhưng chẳng thấy đứa nào khai. Mà tình cảm của con gái ở tuổi dậy thì, lại toàn học trường dành cho nữ thì vô cùng sôi nỗi, đầy tò mò, thắc mắc, nhiều như lục bình trôi trên sông. Ấy vậy mà đến mục gỡ mối tơ lòng cũng không được đọc. Có lẽ nhờ vậy mà tôi và các bạn đồng lứa ngây thơ đi lấy chồng, không hề biết chút gì chờ đợi mình ở phía trước.

Thế thì đọc giả của bà là ai ?
Sao trong giới học sinh trung học thời tôi không thấy chuyền tay nhau các sách của bà trong khi lại chuyền tay nhau đọc Chu Tử ?
Trong nhà, các anh chị lớn hơn tôi ba tuổi có, tám tuổi có, mười tuổi có và cả các em tôi cũng không thấy đọc tiểu thuyết của bà Tùng Long.
Càng nhớ lại chuyện xưa, tôi lại càng thấy có cái gì không ổn trong lòng. Tôi liền gọi một chị bạn, học trước tôi nhiều năm, hỏi chị thì chị bảo có đọc vài cuốn do một chị họ buôn bán ngoài chợ cho mượn. Chưa vừa lòng, tôi gọi thêm một con bạn đồng lứa, lớn lên ở Huế, nó bảo cũng chưa bao giờ đọc song có nhớ là mấy bà dì bà cô trong nhà hay lén lút đọc. Tôi hỏi cả một anh ngày xưa học Pétrus Ký, học trên tôi ba lớp, anh bảo thế hệ anh cũng có người đọc nhưng người đọc là phụ nữ, tức là không có anh trong đó.
Trong nhà, mẹ tôi mua đều đặn tờ Nhân Loại và sau nầy tờ Văn hóa Ngày Nay và mỗi lần có số mới, chúng tôi tranh nhau đọc, đủ chứng tỏ nhu cầu đọc sách là rất lớn. Chúng tôi là học sinh thì đọc sách đã đành, thế còn người không biết đọc, người ít học thì đọc gì ? Như Bà Nội tôi, không biết đọc biết viết, chỉ viết được tên mình để ký giấy tờ thì con cháu đọc cho bà nghe : đọc truyện Tàu. Muớn sách, mỗi tối con cháu quây quần đọc cho bà Nội nghe, đọc chuyện Tàu thôi chứ không đọc tiểu thuyết.
Thời tôi có một tiệm cho mướn sách ở Tân định, đủ các loại sách, nhưng tôi chỉ để mắt vào chuyện Tàu. Sau nầy tôi có mướn đọc một số sách dịch từ các tiểu thuyết nổi tiếng phương Tây nhưng vẫn không hề bén mãn đến kệ sách tiểu thuyết của bà Tùng Long.
Sao ngày xưa mình lại có thể ngoan đến như thế nhỉ !

Trong những ngày sắp tới tôi sẽ đi tìm đọc một số tác phẩm của bà nhưng trước khi làm việc đó, tôi muốn ghi lại chút cảm tưởng của mình, tuy rời rạc, chấp vá nhưng xuất phát tự trong lòng.
Bà đẹp người, cao ráo, tóc búi gọn ra sau, đẻ một bầy con, có ông chồng làm báo nghiện hút. Chỉ bấy nhiêu thôi, tôi cũng đủ phục bà huống gì bà đã viết hàng trăm tác phẩm và còn đi dạy học.
Sao bà lại có thể làm bao nhiêu việc cùng lúc như thế ? Ít ra bà đã mang lại món ăn tinh thần cho đọc giả của bà, những đọc giả rất đông đảo, tôi tin như thế, những đọc giả bị bỏ quên và có thể là bị coi thường nữa.

Tôi bỗng luyến tiếc đã không đọc tác phẩm nào của bà hồi mình mới lớn.
Tuy chưa muộn nhưng nay đâu còn giống như ngày xưa nữa !

.