Catégories
Prose

Họa sĩ – Thi nhân Thái Tuấn


Đặng Tiến .


Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) để lại bài thơ Di Chúc nổi tiếng, bắt đầu bằng câu : Thiếu hai tuổi xuân đầy chín chục, nguyên tác chữ Hán : Ngã niên trị bát bát, không ai hiểu con số 88 này ở đâu ra. Nhưng áp dụng được vào trường hợp họa sĩ Thái Tuấn, một khuôn mặt tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật Miền Nam trước 1975. Vào ngày sinh nhật 88 tuổi (ta) anh phải vào viện cứu cấp tại Orléans, nơi anh sinh sống với con cái từ 1984, ngày sang Pháp theo diện đoàn tụ gia đình. Ngoài lớp bạn bè cùng lứa tuổi với anh, hiện nay còn lác đác với lá mùa thu, giới văn học nghệ thuật Việt Nam đã quan tâm đến cảnh ngô. của anh. Hiện nay anh đã xuất viện, tuy nhiên sức khỏe còn suy yếu. Thái Tuấn tên thật là Nguyễn Xuân Công, sinh ngày 11-9-1918 tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, Hà Nội – trong một gia đình công chức khá giả – đồng tuế và đồng môn với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Anh có vào học trường Mỹ Nghệ Gia Định, và theo lớp dự bị tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, cùng khóa với Phan Tại, Đặng thế Phong, khoảng 1938-1940, rồi bỏ dở.

Chân dung tự hoạ

Thời chiến tranh chống Pháp, Thái Tuấn về sống ở quê ngoại Thanh Hóa, vẽ tranh cổ động, quảng cáo và quan hệ với nhiều nhà văn kháng chiến như Thanh Châu, Quang Dũng, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân. Sau hiệp định Genève 1954, anh di cư thẳng từ Thanh Hóa vào Sài Gòn, sống vào nghề vẽ quảng cáo và trang trí. Mãi đến khoảng 1956-1957 anh mới thật sự vẽ tranh sơn dầu nghệ thuật và dùng bút danh Thái Tuấn. Cùng với các họa sĩ di cư khác : Ngọc Dũng, Duy Thanh, Tạ Tỵ, Thái Tuấn đã góp phần xây dựng nền hội họa hiện đại tại Sài Gòn, được xem như có tham vọng làm thủ đô một nền văn hóa mới. Bốn họa sĩ nói trên đều là nhà văn, nhà thơ ; riêng Thái Tuấn thường viết lý luận về hội họa và mỹ thuật trên các báo Sáng Tạo, Bách Khoa, và Văn, thịnh hành lúc đó ; bài viết của anh ít tính cách kỹ thuật và chuyên môn, nên nhẹ nhàng, cởi mở và phổ quát, giúp nhiều độc giả làm quen với hội họa, là một ngành nghệ thuật mới đối với đại chúng. Những bài viết kết hợp với tác phẩm hội họa đẹp và dễ hiểu , tạo cho Thái Tuấn một uy tín : anh tham gia hội đồng giám khảo ở nhiều giải thưởng và phòng tranh. Những cuộc triển lãm cá nhân 1958, 1970, 1973 được dư luận đánh giá cao – về nghệ thuật và thương mãi.

Áo trắng – Thái Tuấn 2003

Thái Tuấn đến với sơn dầu ở tuổi bốn mươi, nên tranh anh ít sắc cạnh, khai phá, mà giàu chất hoài niệm và tính văn học, tạo không gian thoáng rộng, u hoài , thi vị. Đề tài, ưu tiên là phụ nữ trong nhan sắc, dáng dấp, cử chỉ, y phục thuần túy Việt Nam trên nền màu sắc dịu nhẹ, dung dị mà tế nhị.



Nhan sắc ở đây chủ yếu không phải chỉ là nữ sắc mà là một thoáng đẹp giữa trần gian. Thái Tuấn vẽ nét đẹp của phụ nữ hơn là phụ nữ đẹp, người đàn bà hóa thân làm vẻ đẹp trong tranh, diễm ảo mà hư ảo, một thoáng hồng nhan, như một lời thơ. Họa sĩ Đinh Cường, tâm giao và thâm giao với anh từ non nửa thế kỷ, đã có lần nhận xét Thái Tuấn biến bức tranh thành một cấu trúc tiềm ẩn (1). Anh chỉ vẽ tiếng hát chứ không vẽ người mẫu, mà vẫn nhìn ra (ca sĩ) ; anh thường tâm sự : vẽ người mà không vẽ người. Vẽ như không vẽ mới đã…
(1) Đinh Cường, Thái Tuấn Cội Nguồn, báo Ngày Nay (Mỹ) số 354, ngày 01/11/1996.

Tes yeux  

Vẽ phụ nữ, Thái Tuấn quan tâm đến mái tóc, đôi khi mái tóc vận hành cấu trúc bức tranh, như bức Cội Nguồn, 1970 ; nhưng mái tóc trong tranh còn là một trời thu tạnh mơ say hương nồng. Anh có bức chân dung thiếu nữ, 1964, đặt tên bằng tiếng Pháp « Tes Yeux » (Mắt Em) , nhắc câu thơ mắt em là một dòng sông ; 1974 bức Bông Hồng Bạch, là hồn của bông hường trong hơi phiêu bạt, như một lẵng hoa vắng cả bông hoa / un bouquet absent de fleurs, theo một ý của Mallarmé. Đến với hội họa ở tuổi bốn mươi, trải qua nhiều kinh nghiệm văn chương, Thái Tuấn để lại nhiều họa phẩm phảng phất chất văn học – có khi là một bài hát, một dòng sông cũ vẫn xuôi niềm thương.

Tiếng Pháp gọi họa sĩ là artiste-peintre ; ở Thái Tuấn, chất artiste nhiều hơn chất peintre, anh là nghệ sĩ hơn là họa nhân, anh là thi sĩ vẽ tranh, gọi anh là họa sĩ-thi nhân, như một Vương Duy thời Đường, có lẽ đúng. Trong mỗi họa sĩ, có một nghệ sĩ và một nghệ nhân : nghệ nhân lấy bức tranh làm đối tượng, nghệ sĩ lấy Cái Đẹp làm cứu cánh. Mà chữ Đẹp viết hoa là cõi Vô Cùng. Từ đó mỗi bức tranh Thái Tuấn dù đã hoàn tất và toàn bích, vẫn còn, vẫn là nỗi chờ mong – thiếu vắng. Đó là cách đọc những khoảng mông mênh trong tranh Thái Tuấn, những trời thu xanh ngắt, quạnh vắng chiều sông, nắng chia nửa bãi, để mộng tàn lây, nhớ nhà châm điếu thuốc… một không gian tư lự, u hoài và mơ ước trong mùa xuân chưa đi, mùa thu chưa đến. Đời Thái Tuấn là một bức tranh duy nhất và dở dang. Vẽ hoài mãi vẫn chưa xong một vạt trăng tơ, một tà nắng lụa.

Chợ chiều

Giới phê bình thường nhận xét : tranh hiện đại, tây phương của Thái Tuấn vẫn giàu chất Á Đông và dân tộc. Thật ra anh không mấy chủ tâm vào truyền thống, trường phái hay dân tộc tính, thậm chí trong thời kỳ sáng tác dồi dào nhất, những năm 1960-1970, anh còn hờ hững với dân tộc, định hình trong biên giới và lịch sử. Sau này, 1984, ra nước ngoài, ở tuổi xế chiều, anh mới hoài vọng về cảnh nông thôn và nông dân Bắc Bộ hồi đầu thế kỷ trước. Và đề tài quê hương mới rõ nét như một ám ảnh.

Ngày nay nhiều người đòi hỏi bản sắc dân tộc trong nghệ thuật , với những luận điệu có khi thô sơ. Để lý luận được khách quan, ta thử đối chiếu với một đề tài tương tợ : nghệ thuật và tôn giáo. Nhà văn công giáo thuần thành Jacques Maritain trong sách Nghệ Thuật và Kinh Viện đã nhắc nhở các nghệ sĩ, đại khái : nếu anh dùng nghệ thuật để phụng vụ đức tin, hay dùng tín ngưỡng để phục vụ nghệ thuật, thì hoặc là anh làm hỏng tranh, hoặc là anh làm rối đạo. Chuyển lý luận ấy sang chuyện dân tộc, cũng vậy thôi. Maritain càng nói rõ : trên lý thuyết nghệ thuật là siêu thời gian và siêu không gian, supra tempus, supra locum.(2) Nhưng trong thực tế, nghệ thuật do đề tài và cội rễ, thuộc một thời đại và một xứ sở. Những tác phẩm toàn cầu nhất, nhân đạo nhất đều mang rõ rệt dấu ấn của tổ quốc.

(2)Jacques Maritain, Art et Scholastique, ba’o Les Lettres, tha’ng 9-10,1919, in lại 1935, trang 115 va 130, nxb Louis Rougart, Paris.

Về Thái Tuấn, Đinh Cường còn lưu ý : anh là người ngoan đạo nhưng không thấy anh đi nhà thờ. Màu sắc dân tộc e cũng cùng một cội nguồn, là những tình cảm đã nhập vào anh, ẩn sâu trong tiềm thức. Khi vẽ tự động ra .

Cởi trâu

Do đó mà Thái Tuấn vẽ cái gì rồi nó cũng ra dân tộc ; vì suốt đời anh chỉ vẽ thuần một giấc mơ. Con người làm chủ, kiểm soát, điều khiển được tư tưởng, thậm chí tình cảm, nhưng không ai làm chủ được giấc mơ. Giấc mơ là cái gì không thể chia chác, và cũng không thể tái lập. Nhưng dường như các nghệ sĩ có khả năng sống lại, và làm sống lại trong một bức tranh.

Nếu ai cho tôi một từ, chỉ một từ thôi trong tiếng Việt để mô tả tranh Thái Tuấn, tôi sẽ xin chữ « thơ mộng », thơ của tuổi thơ và mộng làm bươm bướm. Nếu là tiếng hán việt, tôi sẽ dùng chữ « hoài vọng » ; hoài những bến xuân xưa và vọng về Miền Đẹp bồng đảo xa khơi.

Tranh Thái Tuấn là miền, là niềm an tịnh vô biên. Mỗi bức tranh là một tâm cảnh dạt dào tâm cảm, một thời khắc im lặng dặt dìu âm hưởng. Nói về niềm im lặng, mà nhiều lời đâm ra ngớ ngẩn. Một bức tranh là buổi chiều trong thơ Xuân Diệu : nó xế hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu… .


Đặng Tiến
Orléans, 20/10/2005

Thái Tuấn & Đặng Tiến (2005)


Thư tịch :
-   Thái Tuấn, Câu Chuyện Hội Họa, nxb Cảo Thơm, 1967, Sài Gòn.
-   Thái Tuấn, Tuyển Tập Tranh và tiểu luận, nxb Vaala, 1996, California. (Có phụ lục phần phê bình, giới thiệu của nhiều tác giả khác).
-   Thái Tuấn, Nguồn Mỹ Cảm, tạp chí Văn, số 93, 1967, Sài Gòn.
-   Thái Tuấn, trả lời phỏng vấn Huỳnh Hữu Ủy, tạp chí Văn, số 199, 1972, Sài Gòn.
-   Huỳnh Hữu Ủy, Bóng dáng Thái Tuấn giữa nền nghệ thuật hiện đại, tạp chí Thế Kỷ 21, số Xuân Bính Tý, 1996, California.
-   Phan thị Đỗ Quyên : Xem tuyển tập tranh và tiểu luận Thái Tuấn, tạp chí Thế Kỷ 21, số 91, tháng 11/1996, California.