Catégories
Prose

Hội An Thời Thơ Dại

Ý niệm về phố thị đến với tôi từ Hội An, ngày lên bốn. Rời ngôi làng quê lác đác nhà, với những con mắt đèn dầu nhập nhèm đêm đêm gắng sức nháy gọi nhau qua những cánh đồng trống hoang, tôi bước vào một thế giới chi chít nhà, chói lòa ánh sáng.

Mẹ đi học nghề, Ba đi làm, trong gian nhà thuê nhỏ, ba chị em trứng gà trứng vịt thơ thẩn chơi cùng trẻ em hàng xóm. Kỳ thú sao, những đồ hàng nhựa rực rỡ sắc màu. E ngại quá, những trò đùa láu lỉnh của bạn bè thành phố.

Xóm lao động nằm gần khu biệt thự, buổi chiều tiếng người cãi nhau trong mùi xào nấu, thoảng vào một âm thanh dìu dặt mơ hồ mà sau này tôi mới biết ấy là những khúc nhạc của Chopin. Cách nhau một con đường, căn nhà phủ đầy hoa ti gôn và những đứa trẻ mặc áo đầm trắng, nơ hồng, ẩn hiện như một thế giới xa vời. Nửa đêm, trong những cơn mơ tuổi thơ chập chờn, tôi giật mình tỉnh giấc bởi tiếng la : “Tau xởn, tau xởn” và bác Mười hớt tóc chạy quanh, tay nhăm nhăm kéo, rượt theo bác gái chân quíu vào nhau với mớ tóc dài xõa xượi. Buổi tối ấm áp cả nhà quây quần trên chiếc chõng tre cập kênh. Tô nước phở tỏa hương thơm phức đưa những muỗng cơm rất trơn. Có lần bị mất điện, đứa em thứ hai dẫy chân dỗi ăn, chiếc đèn dầu ngã vào chân tôi làm thành một vệt bỏng dài.

Mùa hè, trời đứng gió, những con thiêu thân bay đầy các bóng đèn. Suốt mấy tháng, ba mẹ tôi cứ thao thức vì đứa em nhỏ chưa đầy năm đi tướt. Khuôn mặt như thiên thần của em xanh lướt, một vẻ đẹp mong manh lạ lùng làm ai đi qua cũng ngoái nhìn. Mùa thu, chợ ven sông đầy rau xanh và quả lạ. Nhớ làm sao món quà mẹ chia cho. Trái thị vàng ươm chơi chuyền rất vừa tay, lòng sung sướng vì lần đầu tiên có cái đáp tặng bạn. Chơi mỏi, cả lũ nhấm nháp, những chiếc răng sữa nhằn mãi cái hạt thị như kéo dài một niềm vui không chán. Sớm mai, nhiều lần cô bé là tôi đứng ngẩn ra nhìn chú Phùng, người đàn ông bị liệt chân, hai tay mang dép, lết ra từ Viện Tế bần. Như hẹn trước, những người đàn bà đội những bó rau muống to và dài, xanh ngút ngát, đi như chạy từ ngoại ô vào, một vài bàn tay khẽ khàng lật chiếc mũ vải nhàu nhĩ trên đầu ông, nhét vào đó đồng tiền lẻ ẩm ướt, mở hàng.

Một chiều đầu năm, tò mò đi theo những người tảo mộ. Vui chân, không biết đường xa, hai chị em tôi lạc vào một thế giới lạ lùng. Một thành phố khác : thành phố của mộ bia. Bóng chiều dâng lên nhanh quá. Mắt tôi đầy cỏ may và nhang khói. Đôi chân bé ngập trong mặt đất bao la, rụng rời vì mỏi và một nỗi hãi hùng chưa từng thấy. Những tiếng quạ bay quàng quạc làm chúng tôi giật thót từng hồi. Đi loanh quanh không thấy một bóng người, trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, chúng tôi ôm nhau òa lên khóc. Lúc ấy, tiếng lê người quen thuộc của chú Phùng vọng đến. Lựa lúc chợ tàn, xin được bó hoa ế cuối ngày, chú lết ra thắp nhang cho vợ.

Hội An lần ấy được bồi thêm lớp phù sa mới sau này, với những cuộc lưu trú ngắn và ghé qua thoáng chốc. Mùa hè năm 7 tuổi theo cha, bỡ ngỡ trong thế giới sách vở và phim ảnh. Sẽ không còn cuốn sách nào hấp dẫn hơn cuốn sách Hồng Ông Đồ bể và Cái ấm đất. Sẽ không tìm thấy cuốn truyện có minh họa nào lộng lẫy hơn Chú bé tí hon và Bạch Tuyết và bảy chú lùn của Perrault. Tôi đã đọc chúng trong tiếng sông rạt rào chảy sát sau nhà trọ, hay là tiếng đập háo hức của trái tim mình, nào có biết. Tôi đã ngoạm sâu vào trái ổi xá lị lòng đào ngọt mềm và hình dung nàng Bạch Tuyết ngây thơ cắn vào trái táo đỏ của bà Hoàng hậu. Nhẩn nha thưởng thức dĩa xôi buổi sáng vàng ươm, tôi thèm chén nước vối của anh Ba (*) hạnh phúc.

Với Hội An, tôi có khái niệm ngày cuối tuần. Và thứ bảy là biểu tượng của sự thụ hưởng chỉ dành cho người thành thị : bộ phim đầu tiên tôi được xem là ở cái rạp hát duy nhất của thị xã. Hoa mắt bởi những tấm affiche đầy màu sắc, ngẩn ngơ vì những bóng nam thanh nữ tú, ngập tai bởi những âm thanh và cuối cùng sững sờ vì những hình ảnh và câu chuyện trong phim, tôi bị một đêm mất ngủ. Từ đó, tôi hiểu rằng có một thế giới mênh mông ngoài kia luôn mời gọi những tâm hồn khát khao phiêu bồng. Cũng hình thành từ đấy, cái thú dạo chơi và ngắm nhìn. Những con phố hẹp quen- mà- lạ của Hội An, chân đi không đủ mỏi, khi về lòng cứ bâng khuâng. Mỗi lần qua chùa Cầu, bước tôi rón rén, tim tôi hồi hộp, mắt cứ dán vào những chú chó gỗ lưỡi khô trong ánh chiều chạng vạng. Nhiều năm sau, nhớ lại, tôi chợt nghĩ, chiếc cầu bé nhỏ kỳ lạ này lại là một ám ảnh lớn nhất đối với tôi về cây cầu.

Khi xây cầu để nối đôi bờ, hình như nhà kiến trúc còn muốn gửi tặng con người Hội An một chiều nối khác thuộc về tâm tưởng. Từ ấy, những bèo bọt của bể dâu đã dừng lại bên ni cầu, giữ cho Hội An cái trong ngần tĩnh lặng. Dòng sông, cây cầu, thế đất và cái tên được đặt như một ước vọng, đã làm nên phong thái người Hội An. Ký ức tôi ghi lại hình ảnh một chị Thúy tóc mềm lả lướt, giọng nhẹ bâng. Những người phụ nữ Hoa da trắng mát, mắt dài ngồi lơ đãng nhìn người qua lại ở cửa hàng Phi Anh, Phi Yến, sang cả và lãng mạn. Dì bán rau gọn gàng và tinh tế trong trang phục và gánh hàng. Bác Tàu già gầy gò đen điu đội nón nan, cười nhăn nheo bên phố rêu, thong thả múc những chén lục tào xá ngọt lừ bốc khói.

Một vài lần hiếm hoi, cả nhà được “kéo ghế”. Tôi nhớ mãi cái quán cao lầu gió hiu hiu. Tô nước dùng nóng, ánh một váng mỏng mơ hồ quyện vào màu xanh non của húng quế. Những sợi cao lầu chạm vào đầu lưỡi, thoạt tiên nghe hơi sượng, rồi dìu dịu, đầm đậm, vương vấn mãi một vị không thể gọi nên bằng lời của lúa gạo và tro than, của đất và nước sông Hoài. Khi ra về, trên tay trĩu nặng chiếc bánh su sê xanh biếc màu lá dừa như món đồ chơi xinh, ấm áp nghĩa tình.

Thế mà đã lâu lắm rồi tôi không trở lại. Đứa em cùng thơ thẩn ngày xưa đã bay theo một cung đường khác khi chưa đến tuổi 20. Phố thị ấu thơ vẫn canh cánh bên lòng một lời hẹn. Rồi tôi sẽ về. Sẽ cùng lang thang đi tìm dấu chân thơ dại. Sẽ cùng ngồi thả chân trên bờ nước sông Hoài, tìm chút bình yên. Dẫu mùa trăng hay đêm sao, Hội An ơi, hãy thức đợi tôi về.

NGUYỄN THỊ THANH XUÂN