Catégories
Hương Quê

Thầy Quyến

Nguyễn Xuân Quang (BP63)

.

Những cựu học sinh có học thầy Quyến ở trường trung học Cường Để không thể nào quên được thầy vì thầy không giống bất cứ một vị giáo sư nào. Riêng tôi, tôi sẽ nhớ thầy cho tới ngày tôi lìa đời này.

Bề ngoài thầy Quyến trông có vẻ “tồn cổ” như một ông đồ Tây học và có thể dưới con mắt của một vài người thầy có vẻ lập dị. Thầy có phong thái của một người ngang tàng bất cần đời. Nhiều lần thầy mặc áo the, đội khăn đóng đạp xe đạp đi dậy học hay dự các buổi lễ lạc trong trường. Miệng nhai trầu bỏm bẻm. Luôn luôn có cặp môi cắn chỉ hồng nước trầu. Trong lúc để lũ học trò làm bài, thầy thường ngồi nhìn qua khung cửa sổ thả hồn về một thế giới riêng tư, kỳ bí nào đó của thầy. Thỉnh thoảng thầy rùng mình, lắc đầu như chợt tỉnh dậy quay về với thực tại là lũ học trò đang ngồi trước mặt. Cặp mắt to nhiều lúc trông như cười rất tinh quái, nhất là lúc thầy nhéo. Thầy không la, không mắng, không phạt nhưng có một cái nhéo rất độc đáo. Hai ngón tay véo vào da thịt từ từ nhấc lên, vặn qua vặn lại, cái móng tay để dài kiểu thầy đồ nho bấm xuống. Bấm xuống. Bấm xuống rất từ từ cho cái đau có thì giờ nhận biết ra. Đứa nào bị thầy nhéo sẽ nhớ đời.

Thầy dậy tôi Việt văn năm đệ nhị B ban toán. Không biết có phải thầy có cảm tình với tôi hay không như có đứa bạn ghen tị cho là vậy, lúc nào bài luận văn của tôi cũng được điểm cao đứng vào hàng nhất nhì. Những bạn cùng lớp không ưa thầy bảo thầy chấm bài chỉ đọc đoạn mở đầu và đoạn kết luận rồi đo gang xem bài luận dài ngắn bao nhiêu và dựa theo đó mà cho điểm. Có một tên bạn đã thử viết bài luận và ở đoạn giữa chép vào một bài địa lý nhưng bị thầy khám phá ra, thầy xổ toẹt và cho một gậy. Thầy không cho số không, không phạt, chỉ khoanh tròn phần bài viết về địa lý bằng mực đỏ rồi phê ở ngoài lề bài luận “lạc đề”. Hóa ra thầy cũng đã có kinh nghiệm rồi. Thành thử nếu quả đúng là sự thật như nhiều tên bạn nói, thì nếu không đọc kỹ khúc giữa bài luận đi nữa, thầy cũng đọc lướt qua để đề phòng lũ học trò quỉ quyệt chơi xỏ, gài bẫy mình.

Tôi học rất khá. Tháng nào cũng đứng nhất nhì trong lớp. Sáng thứ hai chào cờ mỗi tuần tôi thường được vinh dự kéo cờ. Mỗi sáng được đi lấy sổ điểm từ phòng lao công đem lên lớp học. Cuối năm tôi được Phần Thưởng Danh Dự Toàn Trường do tổng thống Ngô Đình Diệm tặng. Năm đó tôi còn được phần thưởng hạnh kiểm. Ngoài ra tôi còn được tuyên dương trong đêm phát phần thưởng nữa. Lý do là năm đó nhà trường tổ chức trại hè ở bãi biển Đại Lãnh. Tôi không ăn được món cá nhám nấu canh cà chua của trại nấu. Sau bữa ăn, buổi tối nhiều anh em trong trại bị trúng độc thức ăn, đau bụng, ói mửa, đi tiêu chẩy. Chỉ còn tôi và mấy anh em không ăn canh cá là không bị ngộ độc. Chúng tôi cả đêm lo chăm sóc cho các bạn bè bị bệnh.

Học ở Qui Nhơn tôi ở nhà chị gái và ông anh rể. Trước vài ngày lên đường vào Nha Trang thi Tú Tài I, chị tôi sanh một cháu trai ở nhà bảo sanh của một bác sĩ. Về nhà chị tôi bị lên cơn sốt. Đến thăm bác sĩ trở lại, bác sĩ bảo không sao. Ba ngày sau chị tôi lên kinh giật, người co rút uốn cong khỏi mặt giường. Chở chị tôi vào nhà thương, bác sĩ chẩn đoán bảo chị tôi bị phong đòn gánh lúc cắt cuống nhau cho cháu bé. Vì biết quá trễ, chị tôi qua đời. Tiễn chân chị tôi ra nghĩa trang xong tôi lên tầu hỏa vào Nha Trang đi thi. Kết quả là tôi thi rớt kỳ thi đó. Thật là khó tin được, học ban Toán mà tôi giải lầm một cái phương trình bậc hai thật là đơn giản. Tôi đã viết nhầm -b/a thành -b/2a. Bài toán có 8 câu hỏi. Tám cái đáp số của tôi chỉ bằng một nửa của mọi người. Nếu vị giáo sư làm giám khảo nào đó có lòng vị tha cho tôi một nửa số điểm của người khác thì tôi cũng vẫn đậu được vì khi xem điểm tôi chỉ có thiếu một hai điểm để đậu hạng thứ mặc dù bài toán bị số không.

Thi rớt, họ hàng khuyên tôi phá ngang đi thi vào sự phạm làm thầy dậy tiểu học, thi vào cán sự y tế, cán sự thương mại… Nhưng tôi thấy mình phá ngang thì “uổng” quá vì mình học không đến nỗi tệ. Tôi quyết định học “đúp” lại một năm nữa.

Học lại thật nản. Buồn. Ê chề. Cái gì mình cũng “biết rồi khổ lắm nói mãi”, cái gì cũng là một thứ “déjà vu”. Tôi ngồi ở bàn chót thay vì ở bàn đầu như năm trước. Được một cái là giáo sư nào cũng thương nên để tôi yên thân, không bao giờ bắt lên trả bài. Nhiều buổi học dài lê thê, không biết làm gì tôi ngồi làm thơ. Nhiều người ghen ghét, bây giờ có dịp nói xấu, bôi bẩn tôi. Tôi vẫn ngang nhiên tự tại. Làm thơ giúp tôi khuây khỏa :

Bởi ông thi rớt, ông không đỗ,
Không đỗ, ông mới ngồi đây,
Ngồi đây, ông mới làm thơ ngổ.
Thơ ngổ, ông ngâm mặc chúng mày.

Và “Có Những Giờ Học

Có những giờ học,
Ông thầy nói những lời câm,
Những dòng phấn viết tím bầm.
Con chim độc tấu dương cầm.
Có những giờ học,
Vọng từ bên song,
Tiếng giai nhân khóc.
Vỡ cả chiều Ngang chiều Dọc. Có những giờ học,
Ông thầy nằm ngủ trên bàn.
Giấy mực đi về dã man.
Linh hồn gẫy thành cạnh góc. Có những giờ học,
Lớp học là công viên.
Ông thầy là tượng đồng, tượng đất.
Loài yêu thương đang rót mật.

Có những giờ học,
Bàn ghế trở về cây.
Bạn bè trơ thành đá.
Không gian mất một chiều dầy.
. . . . . .

Một hôm trong lớp đang ngồi thả hồn thơ qua cửa sổ. Giật mình thấy thầy Quyến đã đứng ngay bên cạnh. Không biết thầy có thấy mấy câu thơ tôi đang làm nháp hay không. Tôi co người thủ thế chờ cái nhéo “ác ôn” của thầy. Nhưng thầy chỉ đặt nhẹ tay lên vai tôi. Thầy nói thật nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe thôi “Cuối tuần này, em ghé lại nhà thầy”. Nói xong thầy trở lại bàn giáo sư, ngồi nhìn ra khung cửa sổ trở về với thế giới của thầy. Như không có chuyện gì cả.

Cuối tuần đó tôi đến nhà thầy ở đường Võ Tánh. Thầy đưa tôi lên cái gác xép, thế giới riêng tư của thầy. Sách vở chiếm gần hết cái gác xép. Sách báo chữ Việt, chữ nho và ngoại quốc ngổn ngang. Thầy pha trà và cho tôi ăn bánh ngọt trong khi đó thầy têm cho mình miếng trầu. Tôi ngồi chờ. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ở nhà, thầy mặc quần áo ta trông như một đạo sĩ, một tiên ông. Trên chiếc bàn thấp quyển sách về Dịch lý đang mở ngỏ. Chắc thầy đang đọc. Thầy nhai trầu bỏm bẻm. Tôi nghe rõ tiếng nhai chóp chép. Ăn xong miếng trầu. Nhổ bã vào chiếc ống nhổ đã gần đầy nước trầu. Thầy nhìn vào mắt tôi một lúc. Đôi mắt thầy lúc này tinh anh lạ thường. Đôi mắt không còn thấy lờ đờ, xa vắng như thấy hàng ngày trong lớp học.

-Thầy muốn nói với em chuyện này.
– ?.
-Thầy muốn em soạn học đi thi Tú Tài Pháp.

Tôi chưng hửng. Thầy nói tôi soạn học đi thi Tú Tài Pháp ? Một tên học sinh học ban Toán trường Việt mà lại nhẩy qua thi Tú Tài Pháp.
-Em cứ nghe theo lời thầy. Em có khả năng … Thầy biết.

Thầy quay vào đống sách. Rút ra mấy quyển sách Pháp dầy cộm trông như những quyển từ điển đưa cho tôi. Trong đó có những quyển nghị luận luân lý, văn chương, sử ký … Cầm đống sách thầy trao cho ra về.
-Em xin đa tạ thầy, nhưng em không biết có học nổi không…
-Hãy tin thầy. Thầy biết em hơn ai hết.

Tôi vẫn không tin là mình có khả năng đi thi nổi Tú Tài Pháp. Nhưng có một điều kỳ lạ, kể từ hôm đến nhà thầy về tôi như được cho uống một liều thuốc hồi sinh trở lại. Tôi hân hoan vì ít ra cũng có một người biết mình, hiểu mình mà người đó lại là thầy mình. Tâm thần không còn bị sa sút đến độ chán đời muốn buông xuôi tất cả nữa. Tôi từ từ tìm lại được niềm yêu đời. Tôi nhìn những bạn học, những bóng hồng ngoài hành lang, trong sân trường lại tìm thấy lại niềm vui sống tuổi học trò trở lại. Lúc đó bên lớp Nhị A có những người đẹp như Minh Châu (hiện giờ là dược sĩ ở Sydney, Úc châu), Tố Mai (Na Uy)… Người đẹp Minh Châu đi xe đạp như Phù Đổng thiên vương cưỡi ngựa sắt. Tôi có chiếc xe đạp “cuốc” của Pháp hiệu “Cigogne” (con Cò) vậy mà cũng không tài nào đạp xe bắt kịp được. Người đẹp lấy biệt hiệu là Tố Mai hát hay và làm thơ cũng có hạng. Tôi có làm một bài thơ nhan đề Tối Mai chọc ghẹo cái tên Tố Mai như sau :

Người đâu hứa hão, để chờ hoài.
Hết Tối Mai rồi lại Tối Mai !
Này tớ bảo cho nường biết nhé.
Phòng khuê, nhớ khóa kỹ then cài.

Tôi vẫn ngán và ngại soạn học để đi thi Tú Tài Pháp, vào lớp tôi vẫn ngồi lơ tơ mơ làm thơ. Thầy thường xuống chỗ tôi ngồi. Không nói một lời nhưng đọc trong ánh mắt thầy tôi biết thầy hỏi tôi đã soạn học thi Tú Tài Tây chưa. Cuối cùng tôi gật đầu đại cho thầy an tâm. Hôm đó tôi về dở mấy quyển sách Pháp ra đọc. Thấy cũng hiểu được. Tôi liên lạc vối anh tôi ở Đà Nẵng nhờ ông anh lấy hộ ngày giờ thi, chương trình học và mua sách giáo khoa Pháp ở trường Collège Français de Tourane. Chỉ còn có vài tháng nữa là có khóa thi Tú Tài Pháp. Tú Tài Pháp thi trước Tú Tài Việt vài tháng. Khi có chương trình rồi tôi bắt đầu học “gạo”, đúng ra phải nói là học “bánh mì baguette”. Từ đó giờ Việt văn của thầy tôi mang quyển Nghị Luận Luân Lý Dissertation Morale của thầy cho vào lớp ngồi nghiền ngẫm.

Nhìn thấy tôi học soạn thi Tú Tài Pháp, đôi mắt thầy long lanh tràn đầy hạnh phúc. Rồi tới ngày thi, tôi cũng liều vác bút đi thi. Tôi đậu ngay Tú Tài Pháp phần thi viết. Nhưng phần thi oral mới là phần tôi run và sợ. Các ông Tây bà Đầm nói tiếng Pháp như gió. Nhưng không ngờ tôi vào thi oral thật là xuông xẻ. Tin tôi đậu Tú Tài Pháp nổ ra như tin tôi thi rớt năm trước. Tôi đến tạ ơn thầy. Thầy nắm tay tôi chỉ nói “Bây giờ thì em tin mình rồi chứ ? Thầy có con mắt nhìn người”.

Ba tháng sau, tôi không học một chữ, lại vác bút đi thi Tú Tài Việt và tôi đậu không một chút khó khăn. Vì đậu Tú Tài I Pháp tôi theo học chương trình Pháp luôn. Tôi về ở nhà ông anh ở Đà Nẵng để học trường College Français de Tourane. Ở đây không có classe terminale ban Toán tôi đành học ban Vạn Vật. Năm sau tôi đậu Tú Tài II Pháp không mấy khó khăn. Vì học ban Vạn Vật trường Tây nên khi lên đại học tôi chỉ còn một vài chọn lựa. Một là ra Huế học trường Đại Học Sư Phạm ban Pháp Văn, hai là vào Saigon học Y Khoa hay Dược Khoa.

Biến cố bạn bè bị ngộ độc thực phẩm ở Đại Lãnh và nhất là cái chết oan uổng của chị tôi khiến tôi quyết định thi vào Đại học Y Khoa. Tôi thi vào Năm Dự Bị Y Khoa bằng chương trình Pháp tức dùng ngôn ngữ Pháp (Français, langue véhiculaire) và đậu ngay. Nếu tôi không rớt Tú Tài I ban Toán thì chắc sẽ học đệ nhất ban Toán rồi sẽ lên đại học đi theo ngành khoa học vào học trường Đại Học Khoa Học. Nếu tôi không thi vào Y Khoa bằng chương trình Pháp thì khó lòng tôi có thể lọt được vào cổng trường Đại Học Y Khoa Saigon vì chắc chắn tôi không thể nào cạnh tranh lại nổi với các học sinh ban A nổi tiếng là học rất gạo của trường Việt.

Sau khi vào đại học, tôi chỉ có một dịp về thăm lại Qui Nhơn và chỉ gặp lại thầy Quyến có một lần. Lần đó thầy gầy và già đi nhiều. Trông thầy lúc này như một đạo sĩ khổ hạnh. Chỉ còn ánh mắt tinh anh. Cái ánh mắt thầy nhìn tôi khác hơn những ánh mắt thầy nhìn người khác. Đôi mắt của một sư phụ nhìn đệ tử đầy trìu mến. Về sau, tôi thường hỏi thăm Nguyễn Hữu Ân, cháu của thầy, về thầy cho tới khi tôi và Ân đi vào cuộc sống thời chiến tranh không còn gặp nhau nữa.

Tôi vẫn ân hận là không biết những giờ phút cuối cùng đời thầy ra sao.

Thầy đã có một ý nghĩ và một con mắt nhìn tôi khác thường và đã giúp tôi làm một chuyện khác thường. Nếu không có thầy “có con mắt biết nhìn người”, thì đời tôi sẽ đi về đâu ? Thầy đã thay đổi hẳn vận mạng đời tôi.

Hôm nay viết mấy dòng này thành thật nghiêng mình tri ơn Thầy. Chắc chắn, con sẽ nhớ Thầy cho tới ngày con lìa đời. Những gì con thực hiện được ở đời này phần lớn là do công ơn Thầy.

.
BS.Nguyễn Xuân Quang
Nguồn bacsinguyenxuanquang

.