Catégories
Prose

Duyên Áo Vàng (2)

Trần Thiên Tứ (BP70)

.

.

Hắn bực mình, nhăn mặt vừa vặn to cái Radio trên đầu giường để át bớt tiếng cười hô hố, tiếng cãi nhau chí chóe như mổ bò của nhóm bạn đang vừa nhậu nhẹt, vừa đánh xì phé, ở cuối dãy phòng ngủ. Đứa thì quần Treilli, ở trần trùng trục, đứa thì quần cộc, áo thun ba lỗ, ăn nằm ngã nghiêng, vừa ăn, vừa nhậu, có đứa thì miệng thuốc lá phì phèo, tay cầm mấy con bài tây che che, nặn nặn, quyết ăn thua đủ… Ở giữa chiếu, một đĩa xíu quách lớn, những vỏ lon bia ngổn ngang khắp mọi nơi… một bãi chiến trường… Nếu chẳng may, có ai đó thấy được cảnh này thì còn đâu là danh tiếng Sinh viên quý tộc nữa, một tước vị mà vị Đ/tá Chỉ huy trưởng đã tặng cho những Sinh viên Quân Y thời bấy giờ. Mà không Quý tộc sao được ??? Khi mà tụi hắn là những Bác sĩ tương lai và sẽ nắm những chức vị chủ chốt trong Binh chủng Quân Y của Quân lực VNCH.
Hắn lắc đầu ngán ngẩm, chống tay tựa cửa sổ, nhìn ra ngoài, cố hít thở sâu để lấy sự mát lạnh của không khí do cơn mưa lớn ban chiều mang lại. Hắn mơ màng nghĩ đến 15 ngày nghỉ phép thường niên sắp tới và sẽ ra Đà Nẵng thăm nhà, mà đã hơn ba năm rồi chưa có dịp trở lại từ lúc vào Quân đội.

Tuần lễ vừa rồi đã mang lại cho hắn nhiều niềm vui. Hôm đầu tuần, có kết quả môn thi cuối cùng Vi trùng học của thầy Vũ Quý Đài, hắn không những đã đậu, mà điểm còn khá cao nữa. Thế là có quyền đi đặt Gallon mới, cầu vai màu bordeaux đỏ thẩm với alpha và hai gạch màu vàng chói. Trông oai vệ lạ !! Và ngày hôm qua, trong buổi thi lên đai Judo, hắn đã vào đòn Ogoshi thật ngọt lịm… Mà không ngọt lịm sao được, khi mà hắn đã tập cả hằng trăm lần đòn này rồi, chỉ tội cho thằng Trung, bạn tập với hắn, phải bị té ê ẩm cả người. Thế là hắn đã có đai cam rồi. Hắn tự mãn với chính mình và nói nhỏ :
Văn võ song toàn ! Khá !!!

Đang mơ màng về những thành quả mình đã đạt được trong tuần qua…
-Vào hàng !!! Phắc !!!
Hắn giật mình xoay người lại, chụm chân, chào một cái rụp khi thấy vị Đ/tá Chỉ huy trưởng, mặt hầm hầm, đang đứng trước mặt mình, ông chào lại rồi quay gót, rời khỏi phòng…
-Chuyện gì vậy ta ?
-Thấy mẹ rồi !!!
-Tao đã nói rồi mà tụi mày không nghe ! Đ/tá cấm ăn nhậu trong phòng ngủ và nhất là đánh bạc… một điều tối kỵ… Một đứa khác lên tiếng.
Hắn vẫn thản nhiên, tự tại, vì hắn có làm gì phạm pháp đâu mà phải sợ. Tụi bạn vẫn xôn xao, bàn tán như vỡ chợ…
-Đại đội 2 SVQY tập họp, trong vòng 5 phút, ở sân cờ vũ đình trường, với đầy đủ quân trang, quân dụng !!! Tiếng loa từ dưới nhà vẳng lên.
-Dính chấu rồi tụi bây ơi !!! Thằng Sơn nằm cạnh hắn thảng thốt kêu lên.
Hắn choàng vội bộ đồ treilli màu Olive treo trong tủ, vơ hết áo quần, nhét vào xách sac marin (túi vải của Quân đội để bỏ áo quần mỗi khi di chuyển), không quên đội thêm cái nón sắt nặng trịch mà từ lâu hắn không dùng đến, chạy đến giữa phòng, rút khẩu súng trường ở giá súng, tay súng, tay sac marin, phóng nhanh xuống cầu thang…
Không biết động tác này, tụi hắn đã thực hành bao nhiêu lần rồi, mà chỉ biết, không đầy năm phút sau cả đại đội đã ngay hàng thẳng lối, thấp trước, cao sau, súng ống đầy đủ, trước trụ cờ của sân vũ đình trường. Trước mặt hắn, toàn bộ Ban chỉ huy của trường Quân Y, Y sĩ Th/tá Thụy, Dược sĩ Đ/ Úy Anh…
-Chà !! Có chuyện lớn rồi đây, cũng vì tụi bạn cà chớn, trước ngày đi nghỉ phép mà còn gây thêm chuyện rắc rối, làm mất vui. Đồ cái bọn cà chua… Hắn rủa thầm.
-Những anh nào tham dự ăn uống và bài bạc tại phòng, hãy đứng sang một bên.
Một số lớn ủ rủ đứng sang một bên như gà mắc tóc, khác hẳn với hồi nãy thì hùng hùng hổ hổ… la lối om xòm…
-Theo lệnh của Đ/tá chỉ huy trưởng, những anh có tham gia ăn uống và bài bạc tại phòng sẽ bị cắt 15 ngày phép thường niên… và những anh còn lại… sẽ bị cắt phép 8 ngày !!!
Giọng của vị T/Tá rõ từng chữ một. Hắn không nghe lầm.
Hắn bước ra khỏi hàng, đến trước vị Th/tá, nghiêm chào và nói to :
-Th/tá Tiểu Đoàn Trưởng, SVQY TTT có ý kiến !
-Anh về hàng đi !! Vị Th/Tá nghiêm giọng, và tiếp :
-Anh chưa biết kỷ luật của Quân đội à ? Thi hành trước, khiếu nại sau !
Hắn uất ức trở về hàng, càng nghĩ càng thấy tức cho lũ bạn ngu xuẩn.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ, khám tất cả quân trang, quân dụng, tụi hắn thất thểu về trại. Không còn tiếng cười nói như mọi khi.
Hắn thở dài, cam chịu, không buồn thay áo quần, buông mình xuống chiếc giường, nằm nhắm mắt, mệt mỏi. Những ngày nằm phơi bụng trên bãi biển Mỹ Khê hoặc đi bắt “thụt lùi”, một loại nửa tôm, nửa cua ẩn mình trong cát, mà những tay “nhà nghề” như hắn mới bắt được, đem nướng, ăn rất ngon, hay qua bãi Tiên Sa bắt những con cua lột trong hốc đá như khi hồi còn nhỏ.
Và nhất là được rong chơi với tụi bạn thời trung học trong bộ đồ quân phục oai vệ. Bây giờ hắn không còn là “con nhà kiều dưỡng”, là “công tử bột” hay tệ hơn là “sữa… Babylac” nữa . Có đứa còn ác miệng chọc hắn : “Công tử Bạc Liêu, đứt giây thiều, rớt xuống…”. Hắn ức lắm, nhưng cũng chưa hề đánh nhau với ai, vì chuyện này bao giờ…
Biển Mỹ Khê, biển Tiên Sa, gặp bạn bè để khoe “bộ vó” mới của hắn, bổng chốc tan thành mây khói.
Thằng bạn nằm giường bên khều nhẹ :
-Nè Tứ !
-Gì thế ? Mày để tao yên. Hắn gắt gỏng, mắt vẫn nhắm nghiền.
-Mày chỉ còn 7 ngày phép, ra Đà Nẵng có đáng không ? Giọng hắn vẫn đều đều.
-Tao có đề nghị này, hay là mày theo tao lên Đà Lạt đi.
-Để làm gì ?
-Thì đi kiếm đào chớ chi nữa, thằng này học quá, mụ cả người … Sơn nói nhanh,
-Con đào tao có con bạn thân đẹp hết sẩy, đang muốn tìm kép, tao thấy mày đúng tiêu chuẩn để nó chọn. Nó giở giọng đàn anh.
-Nhanh chân lên đi chú em ạ, liệu hồn, coi chừng ế vợ đó, nghe không cưng ?
-Tao ? Ế ? Hắn ngồi dậy sừng sộ,
Thằng bạn cười hề hề, giả lã :
-Thì tao biết… mày có ế đâu, nhưng mà già néo, đứt dây đó, nghe không ? Hai mươi mấy tuổi đầu rồi mà chưa một mảnh tình vắt vai… chá..án !!!!!
Hắn không thèm nghe, và cũng không thèm trả lời thằng bạn đang lảm nhảm bên tai.
Hai chữ “ế vợ” làm hắn vui vui, khi nghĩ tới đã có lần đi “hỏi vợ” bất đắc dĩ.

Hắn có một con bạn từ thời để chỏm, hắn cũng không nhớ quen con bé tự lúc nào và trong hoàn cảnh nào, chỉ nhớ nó hay đến nhà hắn chơi.
Nhà rộng, mỗi khi tới chơi, con bé thích lắm, chạy hết phòng này tới phòng khác, tò mò và khám phá… Con bé thật là dạn dĩ… có hôm còn thủ thỉ với mẹ của hắn :
-Bữa nào, cô cho con ở phòng này.
-Ừ, bữa nào con cứ chọn bất cứ phòng nào mà con thích… Mẹ hắn cười hiền, vừa vuốt tóc con bé. Từ ngày hôm đó hình như mẹ hắn thương mến con bé đó hơn. Hắn bực mình, và cũng từ ngày đó, hắn không muốn ai gọi hắn bằng cái tên ở nhà là Ti nữa, kể cả mấy chị người làm và chú tài xế Khôi.
Hồi xưa hắn khó nuôi lắm, người thì bé như cây kẹo, ốm tong teo, nên ba, mợ và cô hắn mới lấy tên này đặt cho. Lý do hắn không muốn dùng tên Ti ở nhà nữa, rất đơn giản, con bé ngổ ngáo đó cũng có tên giống hắn là Ti.
Thế rồi, dòng đời vẫn lặng lẽ trôi. Hắn trải qua một tuổi thơ sung sướng, hạnh phúc trong một gia đình đầm ấm và lễ nghĩa, trên thuận dưới hòa.

Hai đứa lớn dần theo thời gian và rồi cùng vào Trung học. Thuở đó, trong lớp hắn, có phong trào “kẹp đôi”.
Có nhiều cặp lắm, nào là anh chàng Long với cô Bắc kỳ nho nhỏ Lan, mít tờ Trương với cô nàng Hảo, anh chàng Hữu cao nghều với cô bé tí xíu tên Diễm. Hắn cũng không thoát ngoại lệ và bị dính cặp với… oan gia từ kiếp trước.
Không phải tại anh, cũng không phải tại ả, hay tại cả đôi đường ? Hắn chả biết, chỉ biết là trong lớp còn có cặp Dê xanh và Tứ mập thường làm đề tài để bạn bè trêu chọc.
Hắn thì ngượng nghịu, khó chịu, còn cô nàng thì mặt cứ câng câng, tỉnh rụi. Kể cũng lạ, con gái gì mà da mặt dày đến thế nhỉ ?
-Tứ ! Mi coi chừng nghen, ta về mét cô là mi chết đó, liệu hồn !!! Dê Xanh ỷ có quen biết “lớn” với mẹ của hắn, nên làm tàng, chẳng coi ai ra gì…
Hắn làm thinh, nhịn nhục… láng cháng, cô nàng dám về tỉ tê, ton hót với mẹ thêm thiệt thân mình. Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Hắn tự an ủi, mình là con trai, chả thèm chấp bọn con gái, tuy vậy vẫn ấm ức trong lòng…
Nhưng nói phải tội, cô bé cũng chưa bao giờ về mách mẹ nó điều gì cả và hình như, cũng chỉ muốn hù dọa hắn cho vui thôi và muốn chứng tỏ mình có quen biết lớn với mẹ của hắn… Kể ra số hắn, cũng vẫn còn may….
Trước Tết, cô bé đến nhà hắn, mượn quyển sách Vạn Vật mà hắn nhờ người quen vừa mua được ở nhà sách Khai Trí tận Sài Gòn. Trước khi ra về, cô còn thòng một câu xanh dờn :
-Nè !!! Đầu năm đầu tháng mà đòi sách là ta uýnh chết đó hỉ !!!
Không một lời cảm ơn, Dê Xanh dông thẳng…
Thiệt là con gái… ngang ngược… Thế là mấy ngày Tết, hắn phải ôn toán và vật lý, thay vì Vạn vật như đã định trước.

Năm thi tú tài, hắn có học thêm môn Vật lý tại nhà thầy Minh. Cũng vẫn mấy khuôn mặt cũ, nào là Hoàng vừa đẹp vừa học giỏi, con bé Diễm hay phá phách, con bé Hồng dễ dãi và vui tính, Trân thì khi nào cũng đạo mạo như bà cụ non, và cuối cùng là Dê Xanh, khi nào cũng “dữ dằn” và “tàn bạo”, mà chỉ “dữ dằn” và “tàn bạo” với hắn thôi, chứ với người ngoài là hoàn toàn khác hẳn, vui vẻ, liếng thoắng và bặt thiệp. Cũng có lẽ vì thế, mà mẹ hắn “khoái” con bé !!

Kể cũng lạ, từ nhỏ đến lớn, hắn cũng chỉ chơi và học chung với ngần ấy bạn gái thôi, chứ với bọn con trai thì hắn ít có sự liên hệ, nói chi là học chung và chơi chung. Hiếm có đứa bạn trai nào đến nhà nó chơi hoặc mượn sách vở như tụi con gái, hình như tụi con trai “tẩy chay” hắn vì không cùng sở thích, hay là tụi nó không muốn chơi với “con nhà kiều dưỡng” hay “công tử bột” vì sợ bị quê ? Điều đó hắn chả biết, có điều, trong thâm tâm, hắn cũng thích chơi với bọn con gái vì bọn chúng tương đối hiền lành và chăm học.
Trong đám con gái, hắn là đại diện duy nhất cho phái mạnh, nên tha hồ bị bắt nạt. Đôi khi thấy hắn tội nghiệp, các cô bé thường dúi cho hắn, khi thì miếng xoài xanh chấm muối ớt, khi thì quả Ô Mai mằn mặn hay me Cam Thảo cay cay, chua chua… Cho ăn riết thành quen, ăn quen thành ghiền… cho đến tận bây giờ…

Thành phố vừa có lệnh Thiết quân luật, thầy cho các em nghỉ sớm để về nhà kẻo nguy hiểm !! Thầy Minh nói lớn cho cả bọn cùng nghe.
Thời gian đó, ở Đà Nẵng thường hay có những cuộc biểu tình của sinh viên học sinh xuống đường chống chính phủ. Đám học trò xôn xao, bọn con gái nhát gan, lo thu xếp sách vở để về nhà cho sớm.
Hôm nay hắn không đi xe máy. Hồi trưa, ông anh họ vừa mới có bằng lái xe, muốn làm le, lấy xe nhà để đưa hắn đi học, đến giờ ông ấy mới đến đón. Bây giờ phải về sớm, không biết tính sao đây ?
-Tứ ! Lấy xe ta mà về nhà, bữa nào mang xe trả cũng được.
-Vậy chứ… Dương về nhà bằng cách gì ?
-Đừng lo, ta… về với nhỏ Diễm, nó ở gần nhà. Thôi về lẹ đi, kẻo cô lo.
Hắn thoáng cảm động trước sự nhiệt tình giúp đỡ của bạn, lấy xe của cô bé để về nhà.

-Tứ, con thay đồ đưa cô xuống thăm bác Quảng.
Ủa ? Có chuyện chi vậy cô ? (nghe đâu hắn thuộc dạng khó nuôi nên ở nhà bán hắn vào Chùa, cho nên từ đấy, hắn gọi mẹ ruột là cô).
-À… thì… tuần sau cô con mình đi Sài Gòn, con ở lại trong nớ, rồi đi Thụy Sĩ du học luôn, đâu có ra lại Đà Nẵng nữa. Con phải xuống chào bác trước khi đi du học, cho phải phép. Tội nghiệp ! Bác ấy cứ hỏi thăm con hoài.
-Dạ… thì… đi thăm cũng được, nhưng mà lỡ bạn bè thấy là chết con… Trong lớp, tụi bạn đã kép đôi con với con Dương quá trời rồi, bây giờ mà tụi nó thấy con lò mò tới nhà con nhỏ nớ là chết thiệt đó.
-Chết chi mà chết !! Thằng ni nói lạ… Mau lên, cô chờ…
Biết không thể lay chuyển được mẹ, hắn tiu nghỉu đành chở mẹ tới “nhà con Dương”.

Đến nơi, hắn chạy một cái ào vào nhà, sợ con Diễm ở nhà đối diện trông thấy. Cũng may, trót lọt, không bị ai bắt gặp quả tang. Càng may hơn nữa, chỉ có bác Quảng gái, ngoài ra không còn ai ở nhà, kể cả “khắc tinh “của hắn.
Sau lời thăm hỏi xã giao thường lệ, mẹ hắn mới nói lý do của buổi thăm viếng.
-Em đưa cháu Tứ xuống thăm anh chị để cháu chào anh chị. Tuần sau cô con em sẽ vô Sài Gòn để lo cho cháu đi du học. Không biết khi nào mới trở lại Đà Nẵng. Vậy mà cháu cứ lừng khừng…
-Ủa ? Sao lại lừng khừng ?
-Dạ… thì tại cháu dị. Tụi bạn trong lớp hay cặp đôi cháu với cháu Dương nhà chị…
-Ui chao !!! Được như rứa thì quá tốt, có chi mà dị. Rồi bác nói tiếp,
-Con trai phải mạnh dạn lên, con gái khi mô cũng thích lời dịu ngọt hết, mình phải chủ động tiến tới. Bác thuyết tiếp :
-Cứ như chuyện anh Quế với chị Manh cũng rứa, ưa mà không dám nói cho nên không thành, anh ấy phải đi xa làm bác mất một người rể quý, đất nước thì lại mất một nhân tài. Thôi, bác nói cho con nghe, nếu con không biết nói, thì cứ viết thư đưa bác, rồi bác đưa lại cho hắn. Viết thư dầu sao cũng dễ hơn là nói trực tiếp…
Trời đất quỷ thần ơi !! Hắn không ngờ câu chuyện lại tiến triển theo chiều hướng bất lợi như thế. Hắn chỉ biết vâng dạ ừ à cho qua buổi nói chuyện.
Cả mấy ngày sau, hắn lo lắng, ăn ngủ không yên, sợ cô nàng đi chơi về nghe chuyện, đến nhà tìm nó uýnh chứ chẳng chơi… Ai chứ Dê Xanh là chuyện gì cũng có thể xảy ra cả.
Một thời gian sau, cũng vẫn yên lành vô sự… Hú hồn…

Trong khi chờ đợi Visa để đi Thụy Sĩ, hắn vẫn phải ra Huế đăng ký ở ĐH Khoa học Huế, để có thể thỉnh thoảng về thăm nhà cho gần, trước khi đi du học.
Trường chưa khai giảng nên hắn vẫn tà tà đi Mỹ Khê tắm biển mỗi ngày, suốt ngày ngụp lặn với sóng biển, người đỏ như con tôm luộc.
Trong khi hắn hưởng thụ cuộc sống trước khi đi qua Thụy Sĩ, thì ở nhà, người lớn lại lo âu và buồn bả vì “thằng Tứ sắp đi xa”.

-Tứ ! Con định sao với chuyện du học ?
-Dạ, thì cũng đang chờ Nha Du học trả lời, có lẽ cũng sắp có kết quả.
-Không, ý ba muốn nói là vụ viết thư…
-Thư gì ba ?
-Thì… thư viết cho con Dương, rồi đưa cho nó…
-Ý trời !! Con với nó có chi mô mà viết thư !!!
-Không có chi mô, mà răng trong lớp tụi bạn chọc như rứa ? Không có lửa, làm sao có khói ??? Mà bác Quảng trên nhà đã cho phép rồi…
-Không có lửa, mà cũng không có khói chi hết, tự nhiên trong lớp có đứa mô dựng đứng chuyện nớ.
-Ba không biết, nhưng hình như cả mợ và cô đều sợ, qua bên đó, con lấy vợ đầm thì nguy. Thôi, có chỗ tử tế làm quen, rồi nhà cho hai đứa đi du học, chưa yêu cũng được, cứ đi qua bên đó, làm bạn với nhau, sau đó yêu nhau mấy hồi. Có rứa, ở nhà mới yên tâm cho con đi du học .
-Con còn nhỏ, yêu đương sớm quá làm sao mà học cho vô.
-Thì có ai biểu yêu liền bây giờ đâu, cứ từ từ qua bên đó sẽ tính… Mà ở nhà ba, mợ và cô cũng đã suy nghỉ kỹ rồi, không có ai xứng đáng cho bằng con gái út của bác Quảng bên nhà cả .
-Trời đất !! Hắn chỉ biết kêu trời và thầm nghĩ, các cụ mà rước con Dê núi, à quên Dê xanh này, về làm dâu thì có ngày các cụ ắt sẽ đau lòng lắm, vì cậu con trai cưng sẽ bị hắn húc chạy dài dài…
-Con cứ suy nghĩ cho thật kỹ, rồi nói ra ý kiến của mình để mọi người cùng nghe. Tạm thời, ngưng tất cả các thủ tục về việc du học lại… Khi nào rõ ràng rồi, thì lại tính tiếp.
Chưa bao giờ hắn thấy ông cụ quyết liệt như vậy cả. Hắn biết tính ba hắn, mỗi khi ông đã quyết định việc gì thì cả nhà phải tuân theo răm rắp, không tranh cãi. Và nhất là mợ, người mẹ lớn, hậu thuẩn vững chắc từ trước tới nay của hắn cũng đã bỏ hắn mà theo phe của ông cụ mất rồi.
Cuối cùng, hắn đành phải khăn gói quả mướp ra Huế du học vì lúc đó đã trể cho việc ghi danh học ở Sài Gòn.

Bạn bè thời trung học của hắn, một số đi du học, đa số thì ra Huế, có người thì học Luật, nhưng phần đông lại chọn Sư phạm Pháp văn, riêng hắn thì học dự bị Khoa học để sau này thi vào trường Y khoa.
Ngày nhập học, hắn bất ngờ gặp lại cô bạn khắc tinh của hắn, cô cũng học Khoa học và cùng lớp với hắn, lớp dự bị Y khoa 5.
Bất ngờ là vì trước đây có lần cô bé có cho biết là sẽ đi du học theo ngành Y khoa, ở Ý hay Thụy Sĩ gì đó, bây giờ sao lại ra đây, mà lại còn học chung lớp với hắn nữa.
Khi gặp lại, hắn có cảm giác là lạ, cô bé không còn vui vẻ và niềm nở hay “hắc ám” như xưa nữa và giữ khoảng cách nhất định với người bạn cũ.
Cả năm trời dù học chung lớp, hai đứa tránh gặp mặt nhau và cũng không nói với nhau câu nào.
Hắn thắc mắc, không biết mình đã làm điều gì để cô bé giận. Hay là vì lần đến thăm nhà cô của mẹ con hắn và câu chuyện của người lớn đã đưa đến một tình huống, không định trước làm cô bé bực mình.
Hắn định bụng sẽ hỏi rõ cô bé về việc này, khi có cơ hội. Và cơ hội này cũng không bao giờ đến.
Sau này xa Huế, hắn ân hận mãi vì đã không tạo ra cơ hội, để có dịp xin lỗi cô bé, hay ít ra là để đưa ra một lời giải thích nào đó.

Một thời gian sau, hình như cô bé có bạn mới.
Riêng hắn thì vẫn vậy, ngày hai buổi đến trường. Hắn cũng có bạn bè trong lớp, cả trai lẫn gái, đơn thuần là bạn học, chứ thân thiết thì cũng chẳng có ai.
Các bạn ở Huế hình như chưa bao giờ sống thật với lòng mình, họ chỉ sống với dư luận của thiên hạ xung quanh, sợ búa rìu của dư luận, làm việc gì cũng nhìn trước ngó sau.
Hắn thì bất cần, muốn cái gì thì làm cái đó, miễn sao mình cảm thấy vui và hạnh phúc là được và việc đó không ra ngoài sự giáo huấn và đạo đức của gia đình.
Có lẽ vì thế mà hắn không có bạn tâm giao ở Huế chăng ?

Niên học 70-71 trôi qua, một năm học nhạt nhòa, buồn tẻ, không sinh khí. Không có gì đáng nhớ để kể lại, ngoại trừ 7 trận lụt lớn nhỏ và 43 ngày đêm mưa dầm không dứt hạt, mưa theo kiểu Huế, rả rích và “buồn thúi ruột”, với cái lạnh buốt xương, lạnh từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong, mặc dù cũng áo ấm và mền len đầy đủ.
Hắn cũng không quên cả những ngày hè, trời nắng đổ lửa, với những ngọn gió Lào khô khốc và nóng bỏng làm rát cả da mặt.
Có những ngày, để tránh cái nắng nóng trong thành phố, hắn đem sách vở về nhà ở dưới quê để học cho mát.
Nói là về quê thì thấy xa xôi, chứ quê hắn cũng không xa thành phố Huế là mấy, chỉ cần qua Vỹ Dạ, đến cầu chợ Mai quẹo vào là tới nơi. Làng của hắn là Nam Phổ, có hai đặc sản là cau để ăn trầu và cũng để đi hỏi vợ : “Con gái Nam Phổ ở lổ trèo cau”. Có lẽ chỉ có những người ở Huế mới biết và hiểu ý nghĩa của câu này.
Còn đặc sản thứ hai là bánh canh. Bây giờ xa Huế đã lâu rồi, khi nhớ lại tô bánh canh sền sệt và nóng hổi, hắn vẫn còn thòm thèm, sợi bánh canh trong suốt, những miếng chả tôm với gạch cua màu cam cam, chan thêm tí nước mắm ngon, thêm vài lát ớt xanh Chỉ Thiên thơm lừng, thật là “nhức răng”. Chỉ tổ làm giàu cho các Nha sĩ !!
Về nhà vườn, hắn thường treo võng giữa hai cây cau, dưới tán cây vú sữa bên hông nhà, vừa nằm đu đưa, vừa học bài. Ở nhà không có ai, o Thông đi ra chợ buôn bán tối mờ mịt mới về đến nhà. Căn nhà và sở vườn được ba hắn giao cho o trông coi đã mấy chục năm nay rồi. Chồng và con mất sớm, o ở vậy, thủ tiết thờ chồng và con.

Đó là một căn nhà vườn kiểu Huế, 3 gian 2 chái, nằm lọt thỏm trong một khu vườn cây ăn trái, nào là thanh trà, mít, nhản, ổi, khế ngọt… Nhưng hắn vẫn thích nhất là cây đào tiên ở cuối vườn, trái màu trắng như sữa, ngọt như đường phèn và thơm ngát như mùi nước hoa của các cô gái.
Từ nhỏ, hắn mê nhất cái hồ cá có hòn non bộ trước sân nhà, với những con cá mắt lồi, đen có, đỏ có, và những chú cá Hòa Lan đủ màu sắc tung tăng bơi lội, lấp ló dưới những cánh bèo. Có bữa hắn mê ngắm cá quên cả ăn.
Căn nhà đã có từ thời ông cố, đến đời hắn là cũng đã thế hệ thứ tư rồi. Căn nhà trên, nơi dùng để thờ phượng, có bộ tràng kỷ dài bằng gỗ mun đen bóng. Ba và các chú thường ngồi ở đó để bàn chuyện kỵ giỗ, chuyện chạp họ… Lẽ dĩ nhiên hắn cũng ngồi kế bên để hóng chuyện, vì hắn là đích tôn, vừa là trưởng họ, sau này sẽ thay mặt ba để làm những chuyện này. Chức vụ hắn cũng lớn lắm, chứ đâu phải chơi.
Còn nhà dưới dùng làm phòng ngủ, và cũng là nơi để mẹ hắn và các thím lo việc bánh trái, nấu nướng trong những dịp kỵ giỗ. Mỗi người lo mỗi món.
Nhà hắn ở Đà Nẵng và chỉ ra Huế vào những dịp kỵ giỗ hay chạp họ. Đó là dịp, hắn trốn ngủ trưa để cùng mấy đứa em con ông chú đi bắt mấy con ve sầu bằng mủ cây mít, hoặc đi đào trùn để câu cá lòng tong ở cái hói phủ đầy bèo (con kênh nhỏ) sau lưng nhà. Những thú vui đượm chất dân dã, mà ở Đà Nẵng, hắn không bao giờ hưởng được.

Năm học được kết thúc bằng một thất bại thảm hại. Thời đó, các nam sinh viên phải đi học quân sự mười mấy tuần trong thời gian hè, theo chương trình Quân sự học đường. Khi có chứng chỉ quân sự rồi, sau đó mới được ghi danh để tiếp tục chương trình đại học của mình.
Năm đó, toàn thể các phân khoa của viện đại học Huế, chỉ có 4 sinh viên trượt vỏ chuối khóa quân sự. Người ta không dán bảng của những người đậu, mà lại dán bảng “vàng” của những người “đậu cành mềm”.
2 người ở Luật, 1 ở Văn khoa, người thứ tư chính là hắn, đại diện duy nhất cho Khoa học.
Kể ra cũng oai, vì mấy khi mà cả viện đại học lại biết được tên mình !!!
Cũng may, anh Luân anh họ của hắn, có chức vụ khá cao trong quân đội, đã can thiệp, nên hắn khỏi bị đi học quân sự thêm lần thứ hai.

Con quyết định rồi, năm tới con sẽ nộp đơn thi Y khoa Sài Gòn.
Cả nhà sững sốt, ngưng ăn và hỏi lại :
-Hả ? Con nói gì ?
-Năm tới con thi vào Y khoa Sài Gòn. Trước đây vì tính đi du học nên con mới ra Huế học, chờ ngày đi Thụy Sĩ. Bây giờ, không đi du học nữa thì con muốn vào Sài Gòn học.
-Vậy chứ còn Y khoa Huế thì sao ? Ba hắn hỏi lại.
-Thì con sẽ cố gắng thi vào Y khoa, nhưng Y khoa Sài Gòn chứ không phải ở Huế.
Bây giờ mợ hắn mới chen vào :
-Con có biết là thi vào Y Sài Gòn là khó lắm không ? Mợ có bà bạn, có đứa con cũng muốn thi Y khoa ở trong nớ đã mấy keo rồi mà cũng chưa đậu.
-Con biết là khó, nhưng con muốn thử một lần cho biết, chứ thấy khó mà không thi, thì làm sao biết được sức mình đến đâu. Nếu trong vòng 2 năm mà không đậu vào trường Y Sài Gòn, thì con sẽ về Huế học, học ngành gì cũng được, tùy gia đình.

-Tứ !! Con vô phòng ba, ba muốn nói chuyện với con.
Con phải nói thiệt với ba, con bỏ Huế một cách gấp rút và vội vã như rứa, chắc chắn là có chuyện gì quan trọng lắm, phải không ?
-Không có gì hết ba ơi ! Tại con chán Huế nên không muốn học ở Huế.
Ông cụ vẫn không tin, dỗ dành :
-Con phải nói thiệt thì Ba mới giải quyết cho, có ai hăm dọa hay làm gì con ?
-Con nói thiệt mà, ai mà hăm dọa được con…
Có lẽ ông cụ tưởng tượng một câu chuyện, với nhiều tình tiết éo le nào đó, đã làm đứa con trai yêu quý của cụ, phải bỏ của chạy lấy người…
Ngay tối hôm đó, hắn lấy chuyến bay cuối cùng của hãng Hàng không Việt Nam để vào Sài Gòn. Không buồn trở lại Huế để thu dọn đồ đạc và sách vở, hắn giao nhiệm vụ này cho chú tài xế Khôi lo giùm.
Thế là hắn từ giả Huế, không một lời giả biệt.

Thủ đô Sài Gòn, đầy sức sống và năng động, khi nào cũng ồn ào và náo nhiệt. Người Sài Gòn thì vui vẻ, nhiệt tình, cởi mở, hào sảng và khoáng đạt. Hắn có cảm tưởng như cá gặp nước.
Hắn vào Sài Gòn, ở tại nhà anh chị Luân để đi học.

Đó là một căn nhà villa biệt lập, có vườn khá rộng, trong khu vực dành riêng cho các cấp chỉ huy trong Quân đội thời bấy giờ.
Ngôi nhà cũng khá rộng rãi, nhưng nhà đông con, bốn gái đầu và bốn trai út, nên cũng khá là chật chội. Mặc dầu vậy, hắn cũng có riêng một căn phòng nhìn ra phía cổng ra vào, nơi có hai cây sứ, một cây cho hoa màu hồng, cây kia có hoa màu trắng. Hương hoa sứ thơm đến nức cả mũi, nhất là vào những đêm học khuya, có trăng thanh gió mát.
Sau lưng nhà lớn, có cả một dãy nhà dùng làm nhà xe, nhà bếp và nơi để mấy chú lính nghỉ lưng sau phiên gác.
Trước nhà để xe, có cây xoài. Hắn không biết cây xoài này đã được trồng bao nhiêu năm rồi mà nó lớn như cây cổ thụ, tàng cây che kín cả một khu vườn. Đến mùa, trái trĩu cả cành, trái rất ngọt, ở nhà ăn không hết, chị Luân phải cho người hái đem biếu bớt cho bạn bè và bà con, mỗi người một ít. Riêng hắn và các cô cháu gái thì thường nhắm vào cây đào (người Nam gọi là cây mận) trái đỏ tía, có trái quanh năm, vừa ngọt, vừa chua, vừa chát, chấm thêm tí muối ớt nữa là ôi thôi ! Tuyệt cú mèo ! Các cô cháu không dám leo trèo, chỉ có cách nhờ hắn hái giùm. Bản thân hắn cũng không thích leo lên cây vì sợ độ cao, nhưng mỗi khi các cháu nhờ, thì hắn cũng cố gắng. Không phải hắn vì các cháu, mà vì hắn cũng thèm…
Khi nhắc đến cây đào, hắn cũng không quên cây chùm ruột sau lưng nhà, cây tí xíu nhưng trái thì nhiều vô số kể, đủ để năm chú cháu rỉ rả suốt cả năm trời. Chùm ruột chua mà chấm với tí ruốc Huế nữa, thì còn gì bằng.
Cũng may, hắn đã được “tập huấn” kỹ với mấy cô bạn thời tiểu học và trung học cho nên hắn không cảm thấy “lạc lỏng” với bốn cô cháu tới tuổi thèm chua này.

Hắn bắt đầu có bạn bè mới và cảm thấy hợp tính, như thằng An, thằng Diệp, cùng chơi cùng học. Chơi cũng lắm mà học cũng nhiều…
Mấy đứa bạn khác thường gọi tụi hắn là ba chàng Ngự Lâm pháo thủ của thời đại, đi đâu cũng có nhau. An sửa soạn để thi vào Nha còn Diệp và hắn thi Y. Sau những đêm thức trắng để ôn bài, những buổi học chung của ba đứa để bổ túc kiến thức cho nhau, ngày thi tuyển đã đến…
Và vận may đã mỉm cười với cả ba đứa hắn, An đậu vào Nha, Diệp và hắn đậu vào Y.
Thật không biết làm sao để tả sự sung sướng của hắn lúc bấy giờ, không những chỉ sung sướng mà còn là hảnh diện nữa. Gần 2000 thí sinh đấu đá nhau, để dành 150 chỗ ngồi trong đại giảng đường và 50 ghế còn lại dành cho các bạn bên Nha, trong đó có cả bạn An của hắn. Vậy mà cả ba đứa hắn cũng kiếm được một chỗ để ngồi. Kể ra cũng khá !! Không hổ danh ba chàng Ngự lâm pháo thủ của thời đại.

Tin hắn thi đậu vào Y khoa bay về Đà Nẵng làm cho cả nhà vui mừng vô hạn. Hắn vui một, cả nhà vui mười và rộn ràng hẳn lên, kể cả mấy chị người làm và chú tài Khôi.
Một tuần sau đó, ba, mợ và cô vào Sài Gòn thăm “quý tử”.
Mợ ôm hắn, vừa hôn má hắn, vừa nói :
Con trai cưng của mợ giỏi quá, đã thi đậu rồi, mợ hảnh diện vì con lắm đó nghe !!
Mợ hắn vẫn “tây” như vậy.
Hắn ngượng nghịu trước những cặp mắt vừa chế diễu và vừa tinh nghịch của các cô cháu gái trong độ tuổi mới lớn, con gái của ông anh và bà chị.
Rồi bà xoay qua ba hắn :
Anh tề !! Con hắn thi đậu rồi, anh có chi để mà thưởng cho con không ?
-Thôi, mình mua cho con chiếc xe đi, chứ thấy con đi xe gắn máy ở Sài Gòn, xe cộ lại đông đúc, em không yên tâm. Cô hắn nhanh nhẫu chen ngang.
Đến bây giờ, ông cụ mới thủng thỉnh hỏi hắn :
-Con muốn hiệu xe gì ? Ngày mai rảnh, mình đi một vòng đến mấy đại lý bán xe để chọn kiểu.
Hắn trợn mắt :
-Ba, mợ và cô muốn mua xe hơi cho con à ? Con mới đậu vào Y khoa, không biết có học nổi không mà đã mua xe hơi, lỡ sau này, không ra trường được, thì quê chết. Chuyện mua xe để từ từ rồi tính, hiện tại con chưa cần xe hơi đâu.
Hắn buồn cười vì tính đốt giai đoạn của ba, mợ và cô hắn. Đậu tú tài thì lo chuyện hỏi vợ, cưới vợ, rồi đưa vợ đi du học, đậu vào Y khoa, chưa đi học ngày nào, thì đã lo chuyện mua xe hơi.
Dầu sao hắn cũng rất cảm động vì tình thương vô cùng bao la của ba, mợ và cô đối với hắn. Để đền đáp lại, hắn nguyện với lòng mình sẽ cố gắng học thật giỏi để khỏi phụ lòng ở nhà.

Năm thứ nhất chỉ có thể tóm tắc bằng một chữ Học…Học…và Học.
Buổi sáng có 4 giờ lý thuyết, chiều có 4 giờ thực tập trong phòng thí nghiệm, buổi tối, sau bữa cơm chiều, ôm Cours học bài cho đến tận 1-2 giờ sáng.
Thời gian đó, hắn không thấy trời, không thấy đất, chỉ thấy chồng Cours càng ngày càng dày thêm mà không cách nào thanh toán kịp. Ngay cả lúc đi hớt tóc cũng gắng ôm cours theo, cố học thêm một vài trang để lương tâm đỡ cắn rứt vì đã bỏ phí một buổi chiều Chủ Nhật.
Hắn không quên những buổi học trong đại giảng đường, có máy lạnh mát rượi, những buổi mổ xác nồng nặc mùi Formol ở khu cơ thể học. Cái mùi đặc biệt và khó tả này, mùi thịt tươi cọng với mùi Formol quyện lẫn vào cả chân lông và kẻ tóc, đã giúp hắn ăn chay trường suốt mấy tháng liền.
Hắn khoái nhất những buổi thực tập về mô học, được Cha Lichtenberger cho nghe nhạc classique. Vừa xem cấu trúc của tế bào qua kính hiển vi, vừa nghe nhạc cổ điển, thật là thú vị và thư giản.
Trong lớp hắn cũng có mấy cặp nam nữ, đi đâu cũng có nhau như bóng với hình, đi ăn, đi học, dò bài với nhau khi thì ở hồ Estomac (hồ có dạng hình dạ dày) sau lưng Đại giảng đường, khi thì ở lầu 3 khu thực tập Sinh hóa vắng người qua lại…
Vừa ôm đào, vừa ôm cours, thật đúng là siêu nhân !!
Còn hắn chỉ dám ôm cours mà thôi, như người đang lái xe không được phép uống rượu vậy.
Kết quả kỳ thi cuối năm đã có, hắn được lên năm 2. Các “siêu nhân” thì ngậm ngùi tiển người yêu lên lớp, còn các chàng thì ở lại, hy sinh vì đại nghĩa.
Đến bây giờ, hắn vẫn thật sự không hiểu các cô làm cách nào, mặc dù có kép, cũng vẫn cứ tà tà lên lớp được như thường. Thật đáng bái phục !!

Hôm nay hắn hẹn với Diệp, một trong ba Ngự lâm pháo thủ của năm trước đến trường Khoa học để ghi danh thêm mấy cái chứng chỉ cuối cùng để hoàn tất bằng Cử nhân Khoa học.
-Ê ! Tứ !!!
Hắn giật mình quay lại. Cô bạn gái năm xưa đang tươi cười đi lại phía hắn.
-Dương khỏe không ? Lâu ngày quá hỉ ?
Cũng hơn hai năm rồi, hai đứa chưa gặp lại, nên có nhiều chuyện kể cho nhau nghe. Hình như cô bạn đã hết giận hắn.
Cô cũng đi theo con đường của hắn, bỏ Huế để vào Sài Gòn, và sẽ thi vào Nha trong khóa tới. Hắn chúc cô may mắn và tiếc thầm, phải chi cô thi vào Y khoa thì hắn có thể cho cô mượn Cours để cô học trước, và chỉ dẩn cho cô những kinh nghiệm trong vấn đề thi cử.
Sau khi hai người từ giã nhau, Diệp, thằng bạn người Nam, bây giờ mới lên tiếng :
-Bộ hai đứa mày nói tiếng chim hả ? Tao hổng hiểu gì hớt.
-Ừ, tụi tao nói tiếng chim, mày làm sao mà hiểu được… Hắn vui vẻ trả lời bạn.

Đầu năm thứ hai, hắn có một quyết định bí mật và táo bạo.
Bí mật là ý định thi vào Quân y và táo bạo là cả nhà không ai biết chuyện này, ngoại trừ Niệm, thằng cháu “chí cốt” kêu hắn vừa bằng cậu, vừa bằng chú, bà con hai phía. Cha mẹ nó thuộc diện cháu ông lấy cháu bà. Thế là hắn chuẩn bị thi vào Quân y.

Lý do vào Quân y thì nhiều, nhưng tựu trung thì có mấy lý do chính như sau :
-Hắn muốn sống tự lập, nhất là tự lập về tài chính. Vào Quân y có nghĩa là mặc đồ lính, học Y khoa và… lảnh lương Trung úy. Tự lập, không cần sự tài trợ kinh tế của gia đình trong thời gian đi học, cũng là một điều thú vị.
-Thời đó, các nam Bác sĩ lúc ra trường đều phải bị động viên, mang lon Trung úy trưng tập, nghĩa là Trung úy … muôn năm.
Còn trường hợp của hắn, nếu thi đậu vào Quân y, khi hắn ra trường sẽ là Trung úy hiện dịch và phải phục vụ cho Quân đội suốt đời, sẽ thăng chức theo công trạng và theo thâm niên quân vụ, biết đâu sau này sẽ lên chức Tá hay Tướng !!
Trước sau gì cũng bị đi lính cả, thôi thà vào hiện dịch để có cơ hội còn thăng chức, thay vì Trung úy muôn năm… chán !!!
-Hắn vốn dĩ mê biển từ nhỏ, thèm cái vị mằn mặn của gió, tiếng rì rào của sóng, thích ngắm những tia sáng đỏ rực đầu tiên buổi rạng đông, hoặc ánh tà dương của buổi hoàng hôn trên biển vắng. Cho nên hắn cố gắng làm thế nào, khi tốt nghiệp, điểm thật cao để có thể chọn binh chủng Hải quân, với bộ quân phục trắng toát, với cầu vai màu đỏ thẩm, và với chức vị dài ngoằn, Hải quân Y sĩ Trung úy…
-Lý do cuối cùng, nhà có hai anh em, bây giờ hắn đi lính, đương nhiên em hắn được miễn dịch vĩnh viển, theo luật Tổng động viên thời bấy giờ.

Và rồi hắn thi đậu vào Quân y.
Để giải thích thời gian vắng mặt cho 9 tuần huấn nhục sắp tới, hắn buộc lòng phải nói dối với anh chị Luân là phải đi tham gia công tác Y tế, về các tỉnh miền tây một thời gian khá dài.
Đồng lõa của hắn, thằng cháu Niệm, có nhiệm vụ mổi ngày đến trường Y khoa để “tiếp tế” cho cậu. Khi thì ổ bánh mì Ba Lẹ, khi thì vài cái bánh bao Cả Cần, hay mấy ổ bánh mì gà Bưu điện. Điểm hẹn là tầng lầu 3, khu thực tập sinh hóa, nơi ít người qua lại !!!
Thú thật, hắn vẫn chưa quen với khẩu vị phần ăn của lính !!
Ngày qua ngày, cậu cháu vẫn hẹn gặp nhau đều đặn, cậu nhận tiếp tế, cháu nhận “chỉ thị”… cho ngày hôm sau. Cũng may trường cháu Niệm lúc đó cũng chưa khai giảng, nên cháu có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cậu giao phó.
Đúng là “công tử” đi lính.

-Cậu đặt tôi vào thế khó xử. Hai bác và cô giao cậu cho tôi, bây giờ cậu tự ý vào Quân đội, tôi biết nói sao với ở nhà ? Anh Luân có ý giận khi biết được chuyện này .
-Thì em có làm điều gì xấu đâu, chuyện đi lính em cũng đã suy nghĩ kỷ rồi.
Anh em mình, bây giờ kiếm cách nói thế nào để ở nhà khỏi lo, chứ anh trách em thì có ích gì…
-Đáng lý cậu phải bàn với tôi trước… Cậu đặt tôi vào sự đã rồi.
-Bàn trước với anh để anh can thiệp với Đ/tá CHT, đánh rớt em trong cuộc thi tuyển vào Quân y à…
Anh Luân cười xòa, có vẻ bớt giận :
-Thôi, để tôi kiếm cách nói với hai bác và cô ngoài nhà. Cậu này thiệt là…

-SVQY TTT Đại đội 2, có người nhà cần gặp ở Hội quán. _ Tiếng loa của SV trực vang lên.
Hắn xếp lại sách vở, xin phép vị Đại úy giảng viên dạy tiếng Anh, để về Hội quán gặp người nhà và thắc mắc không biết ai tìm mình vào giờ này.
Thời gian đó, các SVSQ Quân y tụi hắn phải học thêm Anh văn do các giáo sư trường Sinh ngữ Quân đội đến dạy vào mỗi buổi tối.
Trong hội quán, hắn giật mình khi thấy ba và cô hắn, cùng với Th/tá Thụy, Tiểu đoàn trưởng và anh Luân…
Gặp hắn, cô mếu máo :
-Sao vậy con ? Sao con lại đi lính ? Nhà mình đâu có thiếu tiền, mà con phải làm rứa ? Đi lính làm chi cho cực !!!
-Thôi cô, có chi mà khóc lóc, từ từ con sẽ giải thích về chuyện này.
Hắn đùa :
-Cô không thấy, bây giờ con đẹp trai hơn hồi xưa hay sao ? Hết mập rồi, cũng nhờ Quân đội đó.
Bà bật cười, mắng yêu con :
-Cha mi !!!

Một lát sau, Đ/tá CHT đến và mời cả gia đình, kể cả hắn, vào văn phòng của Ông để nói chuyện.
Ba và cô hắn rất muốn con được giải ngũ để trở về đời sống dân sự như trước đây. Vị Đ/tá giải thích chuyện đó là không thể được, nhưng tương lai ông sẽ chú ý đến hắn để nâng đỡ, trong thời gian còn đi học và còn ở tại trường Quân Y.
Hắn ngượng nghịu và khó chịu vô cùng vì thấy tất cả mọi người vì hắn mà phải bận tâm.
Còn anh Luân hứa với cô và ba hắn sẽ can thiệp cho hắn được về phục vụ trong một Tổng y viện sau khi ra trường trong một thời gian ngắn, rồi sau đó sẽ can thiệp cho đi tu nghiệp một khóa chuyên môn nào đó kéo dài vài năm ở Mỹ.
Thế là giấc mơ hải hồ của hắn tan thành bọt biển ngay trong trứng nước .

Sáng hôm sau, hắn đến trình diện Đ/tá CHT, trước là để xin lỗi Đ/tá về chuyện xảy ra tối hôm qua, và xin Đ/tá đừng làm gì để nâng đỡ, như Đ/tá đã hứa với người nhà của hắn… Hắn vốn không thích những đặc quyền, đặc lợi do sự quen biết mà có.
-Cậu… Đúng là Công tử thứ thiệt, phải không ? Rồi ông cười lớn, thân mật :
Tôi bắt đầu khoái cậu rồi đó !!!

Chiếc DC3 của hãng Hàng không Việt Nam chao cánh lần cuối cùng trước khi đáp xuống nhẹ nhàng trên phi đạo của phi trường Liên Khương Đà Lạt.
Trong khi Sơn nôn nao gặp đào thì hắn cảm thấy bình thản .
Đây không phải là lần đầu tiên hắn đến Đà Lạt, nhưng những lần trước thì hắn còn nhỏ lắm.
Hồi đó, ba hắn làm việc tại Sài Gòn, thấy hắn ốm yếu, nên thường đưa cả gia đình đi đổi gió, khi thì Đà Lạt, khi thì Vũng Tàu, mà thời đó người ta còn gọi là Cap Saint Jacques. Thường là đi cả nhà, có cả chị Hoa lo việc nấu bếp và anh Huề, lớn hơn hắn mấy tuổi, người làng Nam Phổ, nhà nghèo, được nhà hắn đem về nuôi cho ăn học và để chơi với hắn cho có bạn.
Khách sạn gia đình hắn ở lớn lắm, ở tuốt trên cao, muốn lên đó phải leo không biết bao nhiêu bậc thang mới tới. Hắn mỏi chân, nên thường bắt anh Huề cõng lên.
Hắn khoái nhất là đứng ở Balcon của khách sạn, nhìn xuống phía dưới thấy mọi người đi lại, buôn bán tấp nập.
Hắn sợ khi gặp mấy người mặc áo quần không giống người bình thường, mang gùi sau lưng, và nhất là khi thấy họ không có răng và tai họ to một cách dị thường. Anh Huề còn dọa thêm, đứa nào mà phá và chướng, không chịu ăn cơm thì mấy người đó sẽ nhét nguyên… trái bưởi vào bụng của nó .
Hắn sợ khiếp, co rúm cả người, không dám nghịch nữa và ăn hết chén cơm một cách nhanh chóng.

Sơn và hắn về thành phố, đón xe Lam lên khu cư xá Nữ sinh viên của viện Đại học Đà Lạt.
Cái không khí trong lành và lành lạnh của buổi sớm mai còn hơi sương ở Đà Lạt làm cho hắn cảm thấy sảng khoái vô cùng, khác hẳn với sự nóng bức ngột ngạt và ô nhiễm đầy khói xe ở Sài Gòn.
-Thôi mày vào kiếm đào mày đi, tao đứng đây chờ.
Sơn đi vội vào phía trong…

-Sinh viên Quân Y đến kiếm đào kìa !
-Của đứa nào vậy ta ??
-Không có đứa nào nhận, thì để đó cho tao.
Tiếng bọn con gái đùa giỡn, léo nhéo ở trong phòng làm hắn đỏ cả mặt.

Một lát sau, Sơn và bạn gái cùng đi ra, Sơn mặt mày nhăn nhó :
-Xui quá mày ạ ! Nguyệt mới về Nha Trang thăm gia đình chiều hôm qua.
-Anh lên bất thình lình quá, em không biết trước, tiếc thật ! Nếu không, em đã bảo con bạn em dời ngày về Nha Trang rồi. Bây giờ làm thế nào ? Thôi, hay là … anh đi chơi với tụi em cho biết thành phố Đà Lạt. Cô bé, bạn gái của Sơn, sốt sắng đề nghị.
Hắn cười lớn, ra mặt đàn anh :
-Thôi hai bạn cứ đi chơi đi đừng lo cho tôi, tôi tự lo được. Tôi đi theo, hóa ra tôi là người phá đám và là người vô duyên à !!
Sơn tươi hẳn nét mặt, vừa nheo mắt thầm cám ơn bạn đã không đi theo để làm kỳ đà cản mũi.
-Tối gặp lại ở khách sạn nha !
Hắn thả bộ trở về thành phố, việc đầu tiên là mua lại vé máy bay về lại Sài Gòn càng sớm càng tốt, kiếm cái gì lót dạ, rồi sau đó vào một rạp xi nê nào đó cho qua hết ngày.
Đà Lạt đẹp thật, nhưng đi khám phá thành phố mà đi một mình thì cũng chán.

-Ô kìa !! Ai thế kia ?? Đúng rồi, đúng con bé đó rồi !! Sao lạ thế kia ? Thay đổi nhiều quá, hắn suýt nhận không ra.
Bên kia đường có ba cô gái, cả ba đều mặc áo dài vàng. Trong đó có một cô, hắn biết mặt, biết từ thuở nhỏ lận, đang lúi húi chọn lựa mua sắm gì đó trong một cửa hàng.
“Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường,”
Không biết vì hắn thích hai câu thơ trên mà hắn yêu áo vàng hay vì hắn thích áo vàng mà lại yêu hai câu thơ trên ? Chỉ biết từ nhỏ đã khoái ngắm mấy cô mặc áo dài vàng đi thướt tha trong gió.
Màu vàng của áo cũng giống như màu vàng của hoa mai, đài các và quý phái, biểu hiện sức sống của mùa xuân, của sự yêu thương và đoàn tụ.
Bây giờ gặp cả ba cô áo vàng khiến hắn ngất ngây…

Năm hắn học lớp 4eme hay 3eme gì đó (tương đương với đệ ngũ hay đệ tứ trường Việt) thường gặp cô bé học dưới lớp hắn chừng hai lớp. Nói là thường gặp, thật ra chỉ gặp mỗi tuần một lần, vào ngày thứ ba. Đó là ngày hắn có giờ thể dục, khi lớp hắn đến thì lớp cô bé giờ thể dục cũng vừa xong.
Hai lớp gặp nhau tại quán nước dưới gốc cây đa của bà Cai trường.
Cả đám con gái chen lấn, dành giật để cố mua cho bằng được một ly nước chanh để giải khát, sau giờ tập thể dục khát khô cả cổ. Và cô bé khi nào cũng là người cuối cùng nhận được ly nước chanh từ tay bà cai, vì không đủ sức tranh dành với các bạn cùng lớp.
Nói chung cô bé cũng không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là xấu tệ. Người thì đen nhẻm, tóc quăn tít, chân tay khẳng khiu, khi nào cũng với cái Jupe plissée màu xanh đậm, và cái chemise cụt tay màu trắng.
Trên đời này, thứ gì cũng vậy, cái gì dù có xấu đến mấy mà cứ gặp đều đặn thì cũng trở thành thói quen. Hôm nào không thấy cô bé như thường lệ, thì hắn lại cảm thấy thiêu thiếu và có ý đưa mắt đi tìm .
Gần cuối năm học, một ý nghĩ bất chợt và kỳ lạ thoáng qua trong đầu :
– Cô bé này xấu, nhưng có cái vẻ gì đó hay hay, vì sao hay hay, hắn không cắt nghĩa được, chỉ biết cô bé không tệ để có thể làm vợ của mình…
Thế rồi qua năm sau, hắn không còn gặp lại cô bé nữa. _ Có lẽ lớp cô bé đã đổi giờ tập thể dục. Và hắn cũng không cất công đi tìm .

Bây giờ gặp lại, cô bé đã hoàn toàn thay da đổi thịt…
Đà Lạt như là bà tiên có cây đũa thần đã biến một cô bé xấu xí, khô như con mắm thành một thiếu nữ trắng hồng và mơn mởn như thế kia.
Vẻ đẹp của cô làm tim hắn đập nhanh hơn… hồi hộp. Hắn bối rối…
Không biết mình có nên qua bên kia đường để làm quen và bắt chuyện với cô bé.
Phải chi cô đi một mình thì mình cố liều một phen, đằng này lại có thêm hai cô kia nữa… Khó thật !! Mà bọn con gái lại hay có tật ỷ đông, hiếp yếu lắm !! Hắn thì có tật nhát gái …Phải chi có thằng Sơn, nó sẽ chỉ cách cho hắn, dẫu sao nó cũng có nhiều kinh nghiệm vì đã trải qua không biết bao nhiêu là đời bồ rồi. Mấy vụ này nó rành sáu câu.
Mình qua làm quen như vậy có là đường đột, có sổ sàng lắm không ?
Biết bao nhiêu là câu hỏi, bao nhiêu cái phải chi trong đầu đã làm hắn bối rối và không biết xử trí như thế nào.
Ba cô gái đã mua sắm xong, rời cửa hàng và đi về hướng về Cư xá của nữ sinh viên, rồi mất dạng..
Hắn thầm tiếc, mình đã bỏ qua cơ hội làm quen với cô gái, mà hồi xa xưa, đã có lần mình có ý nghĩ sẽ lấy cô làm vợ.

-Dốt !!! Thật tao không ngờ có một thằng bạn ngu như mày !! Bỏ qua một cơ hội bằng vàng…
-Thì tao sợ mấy cô bé xem thường mình, là sổ sàng…
-Sổ sàng cái mốc xì, thằng bạn nổi cáu, rồi tiếp với giọng cao ngạo, bọn con gái sinh ra để tụi mình tán, biết không ? Mình không tán thì thằng khác tán. Nếu không có thằng nào theo là ê sắc ế ngay. Ở đó mà xem thường …
-Từ từ rồi tính, chứ bây giờ vướng vào mấy vụ nhớ nhớ, thương thương đó, cũng khó ra trường lắm, mà không chừng ra trường sớm cũng nên. Hắn chống chế một cách yếu ớt.
-Ai biểu mày kiếm mấy con nhỏ ở Sài Gòn làm chi, để nó quấy nhiễu mỗi ngày, làm không học được. Vì vậy, tao mới định giới thiệu em Nguyệt cho mày. Mỗi đứa mỗi nơi, lâu lâu nhớ, hẹn nhau gặp vài ngày thế là yên, chờ ngày ra trường. Sơn tiếp :
-Cứ nhát như mày thì ế dài vì luôn luôn chỉ là người đến sau, bọn con trai nhiều đứa nhanh tay lẹ chân, miệng lại dẽo quẹo… Bọn con gái thường hay khoái mấy đứa như vậy lắm.
Mày là bạn tao mà chẳng giống tao chút nào cả…
-Ừ !! Tao dại thiệt, đã bỏ qua cơ hội tốt. Hắn thẩn thờ, tiếc rẻ đã không đến làm quen và hỏi thăm nhà cửa của cô ở Đà Nẵng để sau này có dịp đến thăm.

Tết năm đó, hắn có 7 ngày phép đặc biệt để về thăm nhà. _ Hắn không báo trước, cố dành cho gia đình một sự bất ngờ thú vị trước ngày giáp Tết.
-Ngày hôm qua, cô đi chợ có gặp hai chị em con Dương. Gặp cô, con bé a lại nói chuyện, bỏ quên luôn cô chị. Nó hỏi cô, có chi gửi vô cho con không, để nó mang vô giùm. Nó thấy tội nghiệp cho con, Tết nhứt mà bị cấm trại, ở trong trại lính, không có chi vui, ăn uống cũng lôi thôi, làm sao mà bằng được như ở nhà.
Con nhỏ thiệt có tình và dễ thương chi lạ !!
Mẹ hắn vừa kể, vừa lột cái bánh chưng, hắn gắp lấy một góc bánh, bỏ vào miệng, nhai ngồm ngoàm, đánh trống lảng :
-Bánh ngon quá, ở nhà nấu hả cô ?
-Ừ, bánh nhà nấu, mới vớt bánh khuya hôm qua đó, bánh đang còn nóng… Con ăn đi…
Bà cụ đã quên mất câu chuyện vừa kể cho con trai.

Mấy ngày Tết, hắn chỉ quanh quẩn ở nhà, không buồn thăm viếng bạn bè, kể cả cô bạn đã có lòng tốt muốn đem quà Tết vào cho hắn .
7 ngày phép ngắn ngủi trôi qua mau chóng. Buồn bả, hắn trở lại Sài Gòn.
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hắn về thăm Đà Nẵng trong bộ quân phục của Sinh viên Quân y.

Mùa xuân năm 75, tình hình chiến sự ngày càng trở nên khốc liệt trên khắp cả 4 vùng chiến thuật. Tin tức bất lợi tràn về dồn dập…
Mặt trận Phước Long bị tràn ngập, tiếp đến Ban Mê Thuộc, Pleiku… Rồi cuộc triệt thoái bi thảm ra khỏi vùng Cao nguyên.
Quãng Trị, Huế, Đà Nẵng bị uy hiếp…
Những đoàn người mất thần và không phương hướng, đang cố tránh xa những vùng giao tranh ác liệt cố tìm đến nơi chốn an toàn.
rong thời điểm này, còn có chổ nào được xem là an toàn ?
Hàng trăm hàng ngàn người lênh đênh trên biển cả, biết bao người đã bỏ mình trên đường di tản…

Giữa tháng ba, có người quen từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, cho biết nhà hắn ở Đà Nẵng, hiện nay là nơi tập trung của tất cả bà con ở Huế di tản vào, lên đến cả trăm người.
Hắn thắc mắc tại sao gia đình hắn lại không kiếm cách vào Sài Gòn trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Điều hắn lo sợ đã xảy ra. Huế và Đà Nẵng thất thủ… mà gia đình hắn vẫn không thấy tăm hơi.
Buổi sáng, hắn vẫn phải làm việc tại bệnh viện. Tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt, những cuộc giao tranh ngày càng đến gần thành phố, thì số bệnh nhân thương vong càng tăng và tăng theo cấp số nhân. Trong khi nhân viên Y tế càng ngày càng ít đi, một số Bác sĩ, Y tá và cả Sinh viên Y khoa đã bỏ nhiệm sở để tìm cách vượt thoát để đến bến bờ tự do, tìm đến những nơi an bình không có chiến tranh… Những người còn lại phải làm việc bằng hai, bằng ba để bù vào sự thiếu hụt nhân lực ấy.
Như ngồi trên đống lửa, hắn thường thất thểu ra bến tàu, vào mỗi buổi chiều, như người mất hồn, với hy vọng gặp gia đình hắn trên những chiếc tàu Hải quân há mồm, hay ít ra, gặp được người quen ở Đà Nẵng mới di tản vào để hỏi thăm tin tức của gia đình.
Hắn cũng không còn gặp anh Luân nữa, anh đã vào ở hẳn trong doanh trại, nên cũng khó gặp anh để hỏi tin tức nhà.
Chị Luân và các cháu đã đi di tản qua đảo Guam.

-Anh Tứ !! Toàn, tên Sinh viên Quân Nha 2, gọi lớn.
-Có gì vậy Toàn ?
-Cô Dương đang tìm anh !
-Ủa ? Cô ấy tìm tôi có chuyện gì vậy ? Toàn có biết không ?
-Dạ không, hình như cô muốn hỏi thăm anh chuyện gì đó.
-Cám ơn Toàn nhé ! Ngày mai, tôi sẽ ghé trường Nha để gặp cô ấy .

Trưa hôm sau, hắn ghé trường Nha để tìm bạn nhưng không gặp. Định dắt xe ra về thì có tiếng gọi sau lưng :
-Tứ !
-Dương, hồi nãy ghé trường Nha mà không gặp…
Hai người hỏi han về gia đình của nhau. Gia đình của Dương vào được Sài Gòn gần hết, chỉ trừ có o Ấm.
Khi biết được toàn bộ gia đình hắn bị kẹt lại và cũng chưa có tin tức gì, Dương cảm thấy áy náy và bối rối không biết nói gì, để an ủi bạn.
Riêng hắn thì mừng cho cô và cảm thấy buồn và tủi cho mình.
Hai đứa lặng im hồi lâu, Dương hỏi nhỏ :
-Bây giờ Tứ định sao ? Có định đi không ?
-Gia đình bị kẹt hết, nên không tính toán gì được cả. _ Dương ơi ! Với lại mình sinh trên đất nước này, thì có lẽ cũng chết lại nơi đây thôi.
Không biết nói gì hơn, hai đứa buồn rầu và chia tay. Đó là lần cuối cùng gặp nhau, và cũng kể từ đó, hắn không còn dịp nói lại tiếng chim…

-Tiểu đoàn SVQY tập họp !!
Vị Dược sĩ Đ/úy Anh đứng trước đoàn quân, lần này chỉ còn lèo tèo vài chục mống cả Y, Nha và Dược thay vì hơn 200 như những lần trước.
-Các cấp chỉ huy của chúng ta đã quên những lời hứa hẹn, đã rời hàng ngũ và đã bỏ rơi anh em chúng ta. Tôi triệu tập anh em lần này, có lẻ là lần cuối cùng anh em mình còn gặp nhau.
Đến đây, mắt đầy lệ, cố ghìm cơn xúc động ông nói tiếp :
-Chúng ta thật sự thua trận rồi, anh em nào có gia đình thì nên về với gia đình để lo liệu và giúp đỡ người thân của mình. Tôi chúc cho các anh và gia đình gặp nhiều may mắn… Còn anh em nào muốn ở lại cùng tôi, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng thì hãy đến gặp tôi để nhận đạn và vũ khí.

Đa số các Sinh viên Quân y đã chọn giải pháp về với gia đình, hắn cùng khoảng 6-7 SV khác thì đến gặp Đ/Úy để nhận đạn, và sẳn sàng đón nhận cái chết.
Đứa nào mắt cũng đỏ hoe… cố kiềm chế để khỏi khóc thành tiếng.
Mỗi đứa được hai thùng đạn nặng trĩu và một quả lựu đạn.
Đạn thì để chiến đấu, còn lựu đạn để dành riêng cho chính mình, quyết không để bị bắt làm tù binh.
Khi nhận đạn, hắn và Đ/Úy ôm nhau, nghẹn ngào không nói nên lời ngoài hai chữ vĩnh biệt để chào nhau lần cuối.

Hắn muốn nhìn lại một lần cuối, nơi mình đã sống, ăn học với biết bao kỷ niệm vui buồn, những ngày gian khổ của những tuần huấn nhục.
Dãy phòng ngủ vắng lặng, chỉ còn lại mình hắn với bao nổi niềm…

Không biết giờ này gia đình hắn đã ra sao rồi, có được bình yên, hay đang lưu lạc ở phương nào ?
Hơn ai hết, hắn may mắn có đến những hai người mẹ, ngoài mẹ ruột của hắn là cô, còn có mợ, người mẹ vĩ đại, mà có lần, hắn vô tình đọc được nhật ký của bà, trong đó có câu : “Hôm nay là ngày 20/05/5., ngày con tôi ra đời bằng một cửa khác”.
Ba và cô có công sinh dưỡng, còn mợ đã giáo dục và dạy dỗ hắn nên người.
Cả ba người đã dành cho hắn một tình thương bao la trời biển, đã cho hắn cả một quãng đời niên thiếu êm đềm và hạnh phúc. Hắn nguyện cố gắng học thật giỏi, và sống một cách xứng đáng, cố mang lại niềm vui và hãnh diện cho gia đình, hầu đền đáp lại phần nào công ơn của cha mẹ. Bây giờ thì hết rồi, hết thật rồi, cho con xin lỗi…
Còn em hắn nữa, đang ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, liệu có đủ nghị lực và trí khôn để bương chải với đời không ?
Đến đây, hắn không thể nào kìm hảm hai giòng lệ tuôn trào.
Hắn khóc… khóc không phải vì sợ chết, khóc vì đã đến giờ phải chia tay vĩnh viễn với gia đình, những người thân yêu nhất của đời hắn.
Xin tha lỗi và vĩnh biệt…

Hắn lau vội nước mắt và lôi quả lựu đạn từ trong túi quần, gắn vội vào thắt lưng, đeo khẩu súng M16 vào vai, xuống cầu thang, tiến nhanh đến đầu sân Vũ đình trường, nơi có nhiều công sự phòng thủ, để vào vị trí chiến đấu cùng với một số ít ỏi SVQY còn sót lại.

-Tứ !! Mày còn làm gì ở đây ?? Tiếng Hiền thảng thốt kêu lên.
Hiền là thằng bạn Quân y hơn hắn hai lớp, thường đi chơi chung với hắn và Hội, bạn cùng lớp với hắn. Bộ ba Tướng Sĩ Tượng, thường hay rủ nhau ra miệt Phú Lâm, ăn lẩu đầu cá lóc hấp, vừa được ăn ngon, vừa hưởng cảnh đồng quê gió nội sau giờ tập diễn hành cho ngày Quân lực. Đó là thú vui để thư giãn tinh thần của cả ba đứa vào những ngày thứ bảy đầu tháng, khi vừa mới lãnh lương xong.
Bắt đầu năm thứ hai, hắn ít khi gặp Diệp, thằng bạn thân năm một, vì không đi thực tập cùng bệnh viện, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau ở trường Y, mỗi khi có giờ lý thuyết vào buổi chiều. An thì hoàn toàn không còn cơ hội gặp lại.
-Như mày thấy đó, tao… tử thủ !!
-Tử thủ ?? Thằng này điên thật rồi !! Mày theo tao, vào BV Bình Dân ngay, ở đó người ta đang rất cần người. Giáo sư Hy và GS Bảo có lên đài Phát thanh kêu gọi tụi mình vào đó gấp.
-Ở Bình Dân đang cần người, sao mày còn lang bang ở đây ?
-Tao về trại để lấy một ít đồ dùng, rồi sẽ trở lại đó ngay !! Mày hãy đi theo tao …
Hắn ngần ngừ chưa biết tính sao, Hiền hối thúc :
-Lẹ lên, tụi mình trước sau gì cũng chết, bây giờ giúp được ai, thì cứ giúp. Bệnh nhân đang cần tụi mình. Chúng ta không có quyền bỏ rơi họ trong hoàn cảnh này.
Nghe có lý, hắn leo ra khỏi hố phòng thủ, chạy nhanh về phía doanh trại, nơi hắn ở, để lấy một số đồ nghề khám bệnh và mấy quyển sách Y khoa…
Hai đứa hắn không quên nghiêm mình để chào lá Quốc kỳ màu vàng 3 sọc đỏ ở Vũ đình trường lần cuối cùng, trước khi rời xa vĩnh viễn trường Quân Y.
Cả hai, mắt đẳm lệ, và không ai nói với ai câu gì…

Một cảnh tượng hải hùng diễn ra trước mắt. Bệnh nhân nằm la liệt khắp mọi nơi, trong phòng, ngoài hành lang, và ngay cả ở thang lầu. Tiếng rên rỉ của bệnh nhân, tiếng la khóc, kêu gào kể lể của những người vừa mới mất người thân, tiếng kêu ơi ới của các nhân viên Y tế, tạo thành một mớ âm thanh hổn độn và não lòng.
Tiếng còi xe cứu thương hú lên từng hồi, tiếp tục đưa bệnh nhân từ các nơi về Bệnh viện, nặng có nhẹ có… Nhân viên Y tế thì chỉ có một nhúm ít người, mệt lả, cố gắng làm thế nào để cứu càng nhiều người càng tốt, bằng cách chỉ săn sóc và trị liệu cho các bệnh nhân có mức độ thương tích nhẹ, đòi hỏi thời gian trị liệu ngắn. Còn các bệnh nhân thương tích nặng hơn thì phải đành…
Chiếc áo blouse trắng tinh của hắn bây giờ đã trở thành nâu, một màu nâu của máu đã khô cứng. Mùi tanh của máu, mùi cháy khét của da thịt của bệnh nhân làm hắn lợm giọng.
Cũng may có chị Y tá làm cùng, thỉnh thoảng chị “tặng” cho “ông Thầy” viên kẹo Bạc Hà. Viên kẹo tuy nhỏ xíu mà cũng làm cho hắn sáng cả mắt và thấy tỉnh táo hẳn ra, cứ như là thuốc tiên.
Có lẽ là vì đã hơn 24 giờ làm việc cật lực, không ngưng nghỉ và nhất là cũng chưa có gì để bỏ vào bụng nên chỉ cần một viên kẹo nhỏ, cũng đủ tỉnh cả người.

-Ông Thầy !! Người nhà một bệnh nhân có mang vào một nồi cháo gà cho nhân viên mình…
-Của bệnh nhân nào vậy ?
Của bà cụ bị đạn ở đùi trái, mà ông thầy làm hồi sáng đó !! Chị Y tá nhắc cho hắn nhớ, chứ bệnh nhân nhiều quá làm sao mà nhớ nỗi.
Đó là tô cháo gà ngon nhất mà trong đời hắn được thưởng thức. Trước đây hắn vốn ghét cháo từ lúc còn nhỏ. Ngay cả khi bị đau, cũng không chịu ăn cháo, mặc cho mẹ nó hết lời năn nỉ và dỗ dành…
Bây giờ ăn một lúc hai tô cháo lớn, khỏe cả người và sáng cả mắt và tỉnh táo hẳn ra…

-Ông thầy là Quân y, phải không ? Bà Y công hỏi hắn.
Rồi bà tiếp :
-Ông cởi áo quần lính để tui cho đi đốt, tụi nó vào đến nơi rồi, ông còn mặc áo quần lính thì rắc rối lắm.
Hắn ta ngập ngừng :
-Cởi ra… rồi tôi mặc bằng cái gì ?
-Ông thầy mặc tạm bộ đồ này.
Bà đưa hắn bộ đồ bằng vải xanh dành cho Bác sĩ và Sinh viên khi vào phòng mổ. Bà nhắc tiếp :
-Ông mang dép vào đi, đưa tui đôi giày lính với cái thẻ bài nữa (dùng để ghi số quân và nhóm máu).
Thế là cuộc đời binh nghiệp của hắn chấm dứt từ đây, một cách đơn giản, không kèn và cũng không trống.

Tiếng chân chạy huỳnh huỵch xen lẫn với tiếng la hét, tiếng lên cò súng lách cách ngoài hành lang làm mọi người dừng tay, lo lắng nhìn nhau, không biết chuyện gì đã xảy ra.
Cửa phòng bật mở, xuất hiện 4, 5 anh bộ đội, nón cối, dép râu, súng ống đầy đủ, đằng đằng sát khí, sẵn sàng nhả đạn nếu có ai ra mặt chống cự, đi kèm còn có chị Y công làm ở phòng hồi sức trước đây. Hắn biết mặt chị này, thường ngày công việc của chị là chùi dọn phòng bệnh, lo các vấn đề vệ sinh cho bệnh nhân. Bây giờ sao trông chị oai vệ lạ, với cái khẩu súng lục đeo xề xệ bên hông và cái khăn rằn quấn trên cổ.
-Các anh Ngụy quân phải ra phòng ngoại chẩn để trình diện Ban Quân quản gấp. Chị ra lệnh dõng dạt, rồi từ từ đão mắt qua hắn và hất hàm :
-Còn anh kia, Quân y phải không ? Ra ngay liền ngoài đó đi !!
Bây giờ giọng chị sắc lạnh và đầy uy quyền khác hẳn với giọng lễ phép và nhỏ nhẹ như mọi khi.
Hắn yên lặng, không nói lời nào, cởi găng tay, ra khỏi phòng mổ và thoáng thấy ánh mắt đầy xót xa và thương cảm của chị Y tá đang nhìn theo.
Ra đến nơi, hắn thấy đám Quân y đang ngồi dồn đống trong một góc của phòng Ngoại chẩn. Sau khi, khai tên tuổi, chức vụ xong hắn được nhập chung vào bọn “Ngụy”, có nghĩa là “được” trói hai tay, hai chân, rồi được xếp ngồi bó gối trong một góc phòng, chờ đến giờ hành quyết…
Hắn tận dụng cơ hội để chợp mắt một lát để lấy lại sức, vì dầu sao cũng đã hơn hai ngày rồi chưa chợp mắt .
Ngoài hành lang, một số bệnh nhân và người nhà lấm lét nhìn tụi hắn, thắc mắc không biết vì lý do gì mà các Bác sĩ bị bắt và bị trói như thế kia.
Người ta giải thích, đối với bọn Ngụy có nợ máu với nhân dân này, cần phải cảnh giác cao độ, tránh trường hợp chúng nó điên cuồng chống phá, bằng cách đầu độc bệnh nhân, gây ảnh hưởng đến uy tín của Cách Mạng.
Đến bây giờ hắn mới cảm thấy hối hận đã nghe lời rủ rê của bạn cho nên mới lâm vào tình trạng nhục nhả như thế này. Thôi kệ, mặc cho số phận đưa đẩy…
Kẻ chiến bại phải biết chấp nhận mọi nỗi đắng cay và tủi nhục…
Ở ngoài hành lang, hắn thoáng thấy cô gái, người đã mang vào nồi cháo gà để “tiếp sức” cho nhân viên y tế tối hôm qua. Hình như cô muốn vào thăm đám “tù binh”, nhưng tên bộ đội canh gác không cho phép.

-Thủ trưởng của đồng chí là ai vậy ? Tôi muốn gặp !!
Bà cụ bệnh nhân của hắn, được cô con gái dìu ra tận phòng ngoại chẩn đang ra lệnh cho tên bộ đội đang đứng gác.
Một lát sau, “thủ trưởng” đến.
-Đồng chí làm việc, phải biết linh động để giải quyết vấn đề chứ !! Tại sao đồng chí lại trói các Bác sĩ như thế này ?
Tên cán bộ biết gặp sếp lớn, nhỏ nhẹ như cừu non, khác hẳn với thái độ hống hách hồi nãy :
Báo cáo đồng chí, bọn chúng là Ngụy quân, cần phải đề phòng chúng phá hoại Cách mạng !!
-Phá hoại ?? Thế thì ai sẽ điều trị các bệnh nhân bây giờ đây ? Đồng chí có làm được việc này không ?
Tên cán bộ ấp úng, không trả lời…
-Tôi lệnh cho đồng chí, thả tất cả các Bác sĩ ở đây và đề nghị đồng chí tạo điều kiện cho các Bác sĩ làm việc để phục vụ tốt cho bệnh nhân.
Nhờ có bà cụ mà cả nhóm thoát cảnh tù tội, riêng hắn thầm cám ơn tên cán bộ đã vô tình giúp cho hắn ngủ được một giấc khá dài, sau gần hai ngày không chợp mắt.
Mấy ngày sau hắn rủ thằng bạn hiền tên Hiền qua bệnh viện Chợ Quán làm việc, tránh tên cán bộ quân quản “hắc ám” ở Bv Bình Dân, sau khi bà bệnh nhân cách mạng xuất viện. Hắn sợ tên Cán bộ trả thù.

Mấy ngày nay, bầu trời Sài Gòn vần vũ và u ám, trần mây thấp, mưa phùn giăng khắp lối, hình như khí trời cũng nảo lòng đang sụt sùi và buồn thảm cho vận nước đang đến hồi suy vong.
Sài Gòn đổi chủ và một thời gian ngắn sau đó cũng đã thay tên và đổi họ.
Riêng hắn vẫn dùng tên Sài Gòn khi nói đến thành phố thân yêu đã cho hắn biết bao kỷ niệm vui buồn của thời sinh viên.
Hắn vốn nổi tiếng là chung thủy với tất cả mọi vấn đề…

Hắn được lệnh phải về trường, trình diện đi học tập cải tạo, dành riêng cho các Sv Quân y.
Về đến trường, hắn thấy lạ lẫm và bở ngỡ mặc dầu những công trình kiến trúc của trường vẫn vậy và không có gì thay đổi.
Lạ lẫm với cái lá cờ màu máu to tướng treo ở cổng trường, với những chủ nhân mới, huyênh hoang đi đi lại lại, với nón cối, dép râu, và túi xách đeo vai. Hình như các người chủ mới rất bận rộn, vì đang đi “lo việc nước”.
Một số cán bộ khác tập họp sinh viên để kể cho họ nghe tính “ưu việt” của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đại loại như :
-Ôi !! Ngoài ta thiếu gì !! Thứ gì cũng có…
hay là :
-Ta đã gây giống thành công giống trâu sữa của nước anh em Cu Ba, trâu này cho sữa với năng xuất gấp 3, còn sữa thì bổ dưỡng gấp 10 so với sữa bò. Khoa học đã chứng minh như vậy. Ít năm nữa ta sẽ cho sản xuất “đại trà” (sản xuất hàng loạt) loại sữa trâu này và nhân dân ta sẽ được thừa hưởng thành tựu khoa học của nhân loại.
Tiếng ồ à, mắt mở to đầy thán phục của đám sinh viên làm tên cán bộ càng thêm tự đắc và khoái chí.
Riêng hắn thì cầu mong dân Việt Nam, sau này đừng vì uống quá nhiều sữa trâu mà trở thành trâu, để người ta cỡi đầu và cỡi cổ suốt cả cuộc đời.
Kể ra cũng lạ, sinh viên Y khoa là những người được xem là trí thức hay ít ra là những người có học của miền Nam mà lại tin vào những lời ba hoa về những truyện cổ tích có tính cách thần thoại và hoang đường như thế.

Trở về trường, hắn lơ láo như bần thần và ngơ ngác trước những sự thay đổi.
Bạn bè đứa còn đứa mất, đứa theo tiếng gọi của con tim và trí óc đã vượt thoát đến bến bờ tự do.
Có đứa hoàn toàn thay da đổi thịt.
Cô thì, áo bà ba, nón tai bèo, cổ quấn khăn rằn, trông giống nữ chiến sĩ giải phóng quân ở chiến khu D mới về thành phố.
Cậu thì diện nón cối và dép râu cho giống chú bộ đội cụ Hồ.
Các vị ấy mở miệng là rang rảng những bài chính trị sặc mùi sắt máu, có lẽ vừa mới học thuộc lòng ngay tối hôm qua. Nếu ai không biết, thì cứ tưởng đó là những cán bộ giảng viên dạy trường chính trị của đảng.
Hào khí cách mạng cao ngất trời !!

Thế là những buổi học chính trị cứ nối tiếp nhau, sáng thì học lý thuyết, học về lịch sử và lịch sử được bóp méo một cách thô bạo làm đôi khi, hắn tưởng đó là những chuyện cổ tích thần thoại.
Chiều họp tổ chính trị, người ta chia sinh viên ra từng nhóm nhỏ để dễ bề kiểm soát tư tưởng. Đó là những buổi họp phê và tự phê. Thoạt mới nghe thì thấy vô thưởng vô phạt, nhưng thực chất đó là những cuộc tố khổ, chụp mũ, ném đá dấu tay giữa những người mà trước đây từng là bạn học của nhau.

Hắn chán ngán, dật dờ như một cái bóng và cảm thấy mình hoàn toàn không thích hợp với thế giới này, thế giới của những mưu mô và thủ đoạn thô bỉ và hèn hạ. Hắn lặng im và câm nín và càng lặng im câm nín chừng nào, thì lại càng bị anh chàng tổ trưởng để ý bấy nhiêu.
Có lần anh chàng lợi dụng hắn đi trực đêm ở bệnh viện, làm bộ đến nhà thăm và gặp mẹ hắn. Bà cụ niềm nở mời bạn học của con trai mình vào nhà. Bà cứ nghĩ, đã là bạn học của con trai mình thì phải là người có học, tử tế và đàng hoàng. Và anh chàng đã khai thác bà để biết một số chi tiết thêm về hắn và gia đình để dễ dàng tố khổ bạn trong những buổi họp phê và tự phê sau này.
Hôm sau đi trực về, nghe mẹ kể, hắn thở dài ngao ngán, nghỉ thầm thế là con trai mẹ sẽ khổ rồi.

Trong tổ, hắn cũng không thân thiết với ai, ngoại trừ ba cô bạn bắc kỳ nho nhỏ, mỗi người mỗi tính nết và phong cách, Trân thì nghiêm trang và đài các, Thúy thì vui vẻ, thật thà theo phong cách của người miền Nam, còn người thứ ba là Nga dịu dàng, nhẹ nhàng và kín đáo.

Cô nào cũng thân với hắn. Chỉ có điều cả bốn người ít khi có dịp đi chung với nhau .
Có những buổi làm việc căng thẳng trong phòng mổ, những đêm trực thức trắng ở bệnh viện, khi thì với cô này, khi với cô khác.
Rồi cũng lại có một vài viên ô mai mằn mặn giữa khuya để cắt cơn buồn ngủ, hay cùng nhau qua gánh chè đối diện bệnh viện Bình Dân, ăn vội vài chén chè đậu xanh sau mấy tiếng đồng hồ làm việc căng thẳng trong phòng mổ.
Trong ba cô, người hắn chú ý nhất là Nga. Hắn vốn thích tính nhẹ nhàng, dịu dàng của Nga và nhất là khi cô đã giúp hắn trong việc chép cours.
Chữ hắn xấu như mèo cào còn chữ của Nga đẹp và rỏ ràng, lại còn gạch xanh xanh đỏ đỏ những đoạn quan trọng cần nhớ, cho nên mỗi khi học cours Nga chép, hình như hắn học bài mau thuộc hơn. Hắn áy náy nhưng Nga bảo đó là một phương pháp học bài mau thuộc và khó quên của Nga và từ đấy Nga tự nguyện chép cours giúp cho hắn.
Nhà Nga đầu đường, nhà hắn cuối đường Trương Minh Giảng, hai đứa thường đạp xe về nhà. Khi thì hai đứa đi uống nước mía ở đầu cầu Trương Minh Giảng, khi thì hắn ghé nhà Nga, chơi vài ván bóng bàn với hai chị em Nga, trước khi về nhà của mình.
Nhà Nga có ba chị em gái, cô chị đầu học Dược đã ra trường, Nga học Y, rồi đến cô em út hiện đang học năm thứ ba Nha khoa.
Thế rồi tình cảm lớn dần theo thời gian, hai đứa đi đâu cũng có nhau. Một cặp đang được hình thành, mặc dù hắn chưa một lần tỏ tình hoặc nắm tay nàng.
Thời gian hắn và nàng cùng thực tập ở khoa Mắt Bệnh viện Chợ Rẩy, lúc nhìn đáy mắt của nhau, xem vi ti huyết quản ở đáy mắt, mắt kề mắt, má kề má. Hậu quả tim hắn bị loạn nhịp… và không thấy huyết quản đáy mắt của nàng, chỉ thấy một màu hồng nhạt …
Cuối buổi hắn hỏi nàng :
-Nga này, hồi nãy Nga xem mạch máu đáy mắt… của tui thấy có bình thường không ?
-Nga không thấy gì rỏ cả !! Còn Tứ thì sao ? Có nhìn thấy gì không ?
-Cũng không thấy gì cả, chỉ thấy một màu hồng… và cảm thấy tim mình bị loạn nhịp… Còn Nga thì sao ?
-Vâng, Nga cũng như vậy… Nàng thẹn thùng đáp nhỏ.
-Bữa nào rảnh, tụi mình đi đâu đó chơi đi, tui… có chuyện này hay hay muốn nói với Nga.
Mắt cô sáng lên, cô thúc hắn :
-Sao không nói luôn bây giờ đi, Nga nghe, đâu cần phải chờ, hôm nay mình rảnh mà…
-Chưa đến lúc Nga ơi, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi…
Cô bạn tỏ vẻ thất vọng.

Hắn quan niệm một tình yêu chân chính phải hướng đến hôn nhân, mà muốn tiến đến hôn nhân thì phải có sự đồng thuận của gia đình.
Một tháng rưỡi nữa là đến Tết hắn sẽ ra thăm nhà và cố gắng thuyết phục ở nhà về chuyện của Nga. Hắn đang lo âu…
Mợ hắn vẫn thường dặn :
-Trâu đồng nào, ăn cỏ đồng ấy, nghe con !!
Mà khổ nổi trong lớp hắn có bao nhiêu cô gốc Huế đâu. Chỉ có một cô, đã là hoa có chủ, mà người chủ chẳng ai xa lạ là tên Thắng bạn của hắn.
Hắn hy vọng tài thuyết phục, năn nỉ ỉ ôi của hắn thì gia đình cũng chấp nhận, với lại gia đình Nga cũng có con cái ăn học đàng hoàng… chứng tỏ một gia đình có nề nếp và giáo dục.

Trước Tết, tổ hắn đổi sang khu Ung thư bệnh viện Bình Dân. Khoa Ung thư lúc đó không có trưởng khoa, vị Giáo sư đã bỏ ra nước ngoài trước ngày mất nước. Một Bác sĩ đàn anh, mới ra trường đảm nhiệm quyền trưởng khoa, có chuyên môn tốt đã truyền đạt cho các sinh viên nhiều kinh nghiệm về bộ môn Ung thư.
Hắn nể phục tài năng của vị Bác sĩ trẻ tuổi kia.
Nhưng có một điều, hắn không phục tay Bác sĩ này, tuy đã có gia đình vợ con, tay bồng tay bế rồi, mà vẫn chạy theo các cô sinh viên đàn em, trong đó có cả Nga. Hôm nay anh chàng chạy theo cô này, mai theo cô khác.
Hắn lấy làm tiếc cho vị Bác sĩ đàn anh, tuy có chuyên môn cao nhưng lại không có phẩm hạnh, một đức tính cần thiết để trở thành một người thầy thuốc chân chính.

Ngày mai hắn sẽ ra thăm nhà trong dịp Tết. Chuyến đi này có tính cách quyết định cho việc tương lai. Hắn sẽ thưa chuyện của Nga và hắn với gia đình .
Mấy tuần nay hắn hoang mang vô cùng tận và không biết tính sao. Nga vẫn thường cặp kè với anh chàng Bác sĩ đàn anh kia tại bệnh viện, ngay cả trước mặt hắn.
Hắn nhất định đến nhà tìm Nga để hỏi cho ra lẽ.
Gần đến nhà Nga, hắn thoáng thấy bên kia đường, Nga và Bác sĩ Hùng đang đi nói chuyện vui vẻ…
Trước đây, hắn chỉ tưởng Nga chỉ vì muốn học hỏi thêm kinh nghiệm về chuyên môn nên mới theo sát đàn anh ở bệnh viện, bây giờ gặp cả hai người ở ngoài phố lại là chuyện khác nữa rồi.
Nếu Bác sĩ Hùng chưa có vợ con, đó cũng là lẽ thường tình, hắn sẽ không bỏ cuộc, quyết tranh đấu tới cùng, đằng này… Sao Nga lại làm vậy ?
Hắn đâm ra nghi ngờ sự thành thật của Nga và tự hỏi cô có còn muốn… lâu dài với hắn hay không. Tự hỏi mà không có câu trả lời…
Đối với hắn, việc gì cũng cần phải có sự minh bạch và rõ ràng, nhất là vấn đề tình cảm.
Tết năm đó, hắn ra thăm nhà và không hề đả động gì đến chuyện vợ con.
Thế là xong một cuộc tình.

Sau Tết, vào lại Sài Gòn hắn tránh mặt Nga, bằng cách đổi ca trực với thằng bạn, tuy thỉnh thoảng cũng còn gặp lại cô vào buổi chiều mỗi khi họp tổ kiểm điểm.
Hắn cố giữ mối giao hảo bình thường, tuy không còn thân tình như trước đây nữa.

Mẹ hắn thỉnh thoảng vào Sài Gòn xem cậu con trai cưng ăn học như thế nào. Mỗi lần vào, bà đều đi thăm các bạn bè cũ.
-Tứ ơi, cô có hình con Dương, bác Quảng gái mới vừa tặng cho cô hồi chiều.
Mắt bà nhuốm buồn khi đưa ảnh cho con xem.
Đó là ảnh đám cưới cô bạn hồi xưa. Hắn không nói gì, xem ảnh, thầm chúc bạn hạnh phúc… và có chút gì đó… thoáng bâng khuâng…

Thời gian này, hắn ở hẳn trong bệnh viện, thỉnh thoảng mới về nhà. Hắn tìm lãng quên trong công việc, tránh trở vềtrường Ykhoa, ngoại trừ có chuyện cần thiết chẳng đặng đừng.

Hắn vừa ra khỏi Bưu điện Tân Định, tay cầm tờ giấy có nội dung :
“Cô vào gấp – Nhà bị trộm”. Hắn vừa đánh điện về nhà.
Sáng hôm nay vừa từ bệnh viện về, hắn hoảng hốt khi thấy nhà mình bị kẻ trộm dọn sạch, không chừa lại một thứ gì, kể cả mấy quyển sách Y khoa mà hắn quý hơn vàng.
Những quyển sách mà những ngày sau 30/04/75 hắn phải dấu trên trần nhà, sợ các “nhà văn hóa” lớn của phường, những Tần Thủy Hoàng của thế kỷ 20, tịch thu và đem đốt trước cổng của ủy ban phường trong chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy.
Bây giờ có tiền cũng không thể mua lại những quyển sách như thế, tìm đâu ra. Hắn đau lòng khi nghỉ đến những trang sách bây giờ đang được người ta đem gói xôi ở một góc phố nào đó.

Ba hôm sau mẹ hắn vào. Câu đầu tiên của bà khi gặp con :
-Con phải lấy vợ, chứ không ở như ri được nữa rồi.
-Lấy ai ? Hắn buồn cười hỏi lại mẹ.
-Bữa hôm trước ở nhà có gặp ông Phương, ông bà muốn cho nhà mình con Nhung, ông nói con ni đẹp nhất nhà, nên ông đễ dành cho con đó. Ngày mai cô với con xuống nhà ông bà để xem mắt con nhỏ. Bây giờ là tính nhanh thôi, không có lôi thôi, nói tới nói lui chi nữa hết. Ba và mợ ngoài nhà đã đồng ý rồi. Con sống một mình là không yên rồi, phải cưới vợ gấp. Ngày nào con chưa có vợ là ngày đó cả ba thân già này chưa yên thân. Rồi bà mũi lòng và khóc sụt sùi…
Hắn làm thinh, không trả lời mẹ.
Nhung thì hắn biết, cô bé khá xinh lại có ngón đàn Piano điêu luyện.

Cô chú Phương là người quen biết lâu năm của gia đình. Cô chú tương đối còn trẻ so với ba, mợ và cô của hắn, thường đến nhà thăm viếng. Chú Phương người rất vui tính, ít ra là với người ngoài, chứ đối với con cái trong nhà chú lại là người rất nghiêm khắc. Con cái sợ chú như sợ cọp.
Nhà cô chú đông con, Nga cô chị đầu, tiếp đến là Cường, con trai duy nhất (cùng tuổi với hắn), sau đó thêm năm cô vịt trời nữa, mà hai cô út là song sinh giống nhau như hai giọt nước.
Không hiểu tại sao chú lại khoái hắn, khoái từ hồi nhỏ lận.
Lúc đó, hắn chưa thi tú tài, chú đã đề nghị thẳng với ba, mợ và cô hắn :
-Hai bác và cô nhắm con Nga cho thằng Tứ đi, con đó nó giỏi lắm, việc nhà hết xẩy, nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một, hai tuổi đó hợp nhau lắm.
Hắn nghỉ bụng, rước cô Nga về để làm chị Hai à !!
Thấy hắn không nói gì, Nga bỏ đi lấy chồng.

Cô chị đi lấy chồng, Chú Phương nghỉ đến cô em là Liên :
-Nhà hai bác và cô neo người, có con Liên về làm dâu thì tuyệt, hắn còn lanh hơn con chị nữa.
Dạo ấy hắn đang học ở Huế, chú Phương muốn Cường, con trai của Chú, ở chung với hắn nên cả hai nhà thuê hẳn một cái villa ở đường Nguyễn Công Trứ, gần Chợ Cống, cho hai công tử ở để đi học.
Vài ba tuần, Liên lái xe đưa mẹ ra thăm anh Cường ở Huế.
Cường chở mẹ đi công chuyện, còn hắn có bổn phận và nhiệm vụ đưa Liên đi đây đó thăm những danh lam thắng cảnh của xứ Huế mộng mơ hay những di tích lịch sử của triều nhà Nguyễn trong thành nội.
Vào mùa nhãn, hắn lại đưa Liên về nhà vườn ở Nam Phổ để thưởng thức những quả nhãn lồng ngọt lịm .
Mặc dầu thường xuyên có dịp đi chơi đây đó như vậy, hắn vẫn xem Liên như là một cô em gái, không hơn không kém.
Sau gần một năm, thấy hắn đối xử với mình như một người anh đối với em, Liên chán nản… Sau đó cũng lên xe hoa về nhà chồng.

Bây giờ đến lượt Nhung. Hắn nghỉ bụng, chuyến này mà không thành nữa thì không chừng lần sau, sẽ đến phiên hai cô út song sinh, và biết đâu chú sẽ cho hắn luôn cả hai cô cũng nên… Với ai, chứ với chú Phương thì chuyện gì cũng có thể xảy ra cả.
Hắn bật cười vì ý nghĩ trên…
Năm 89, hắn trở về thăm quê hương lần đầu tiên, gặp lại chú. Chú vẫn vui tính và thương hắn như xưa, vừa mới đi tù về. Chuyện vào tù ra khám của những người giàu có dưới chế độ này xảy ra như chuyện cơm bữa, giàu có cũng là một cái tội.
Vợ con chú đã định cư ở nước ngoài, chú kẹt lại với một căn bệnh ngặt nghèo, vừa mới được giải phẫu, cắt 1/3 dạ dày.
Ngày hắn trở về Đức, chú đã lặn lội đạp xe vào tận Chợ Lớn cố tìm mua cho bằng được mấy cái bánh bao nướng, nổi tiếng là ngon, để kịp đãi hắn trước giờ lên máy bay về nước.
Nay chú không còn nữa, hắn viết mấy dòng này để tưởng nhớ đến chú, người đã thương hắn hơn con ruột của mình…

Chiều chủ nhật, hắn chở mẹ xuống nhà cô chú Phương “xem mắt” Nhung.
Cả nhà đông đủ, chỉ trừ chú Phương đang ở Đà Nẵng để lo một số giấy tờ về nhà đất gì đó.
Mẹ hắn và cô Phương đang nói chuyện sau nhà, có lẽ đang nói chuyện về Nhung và hắn, cô bé Nhung mắc cỡ trốn biệt trên lầu.
Hắn đang nói chuyện với Cường, góp ý cho anh chàng đang học Y khoa Huế và muốn tìm cách chuyển vào Y khoa Sài Gòn.
Liên đứng cạnh, vừa ẳm con, vừa góp chuyện…
-Ơ kìa !! Hắn ngạc nhiên và sững sốt,
Con nhỏ này… tui quen…
Cô bé đã từng làm hắn “ngất ngư con tàu đi” dạo nào ở Đà Lạt, bây giờ sao lại ở đây. Cô nàng đang đi qua trước mặt hắn, ở phía bên kia đường.
Liên mau mắn :
-Thôi mình lại đó chơi đi, nhà mấy cô này ở đầu đường, toàn dân Đà Nẵng không à, mấy cô này Liên quen…
Lần này nàng không mặc áo dài vàng mà lại mặc quần tây với chiếc áo thun màu xanh. Thôi kệ, lần trước về yêu hoa cúc, hôm nay lại đến phiên mến lá sân trường, cũng chẳng sao…
Thế là Liên sốt sắng đưa hai mẹ con qua nhà cô gái mặc áo vàng mà quên hẳn hai mẹ con hắn hôm nay đến nhà, là để xem mắt Nhung, em gái của mình.
Chỉ có mẹ hắn, Liên và cô gái áo vàng nói chuyện với nhau, hắn chỉ im lặng vì không biết nói gì và cũng khó mà chen vào câu chuyện của ba người.
Cô gái vui vẻ tiếp khách và không một lần liếc mắt nhìn hắn cho dù chỉ là thoáng qua một vài giây.
Cuộc nói chuyện tuy ngắn ngủi, nhưng qua đó hắn cũng biết một số thông tin về nàng.
Cô nàng tên Thu, chưa có gia đình và cũng chưa có người yêu, tuổi Rồng. Hắn vốn ngán các cô tuổi Rồng, hy vọng cô này… hiền.
Cô ở tận ngoài Đà Nẵng, vào thăm các em đang ăn học ở Sài Gòn và sáng sớm mai sẽ trở ra lại Đà Nẵng.

Hai tháng sau hắn có 10 ngày phép ra thăm nhà và luôn tiện đích thân đến làm quen cô gái mặc áo vàng.
Qua sự tìm hiểu của mẹ hắn, gia đình của cô gái cũng không xa lạ gì.
Ông bà ngoại của nàng cũng là người thân quen lâu năm với gia đình và đã có lần bà ngoại nói với mẹ hắn như sau :
-Mụ về thổi thằng Tứ cho mau lớn, ta có đủ cháu ngoại, cháu nội, sau ni muốn đứa mô ta cho đứa nấy.
Ông dượng và bà cô của nàng cũng biết rõ gia đình hắn từ hồi xửa hồi xưa. Lúc hai ông bà đám cưới đã mượn chiếc xe Citroen mui trần của ba mợ hắn để đi rước dâu.
Còn cô ruột và mẹ của nàng lại là học trò cũ của mợ hắn.

Thiên thời địa lợi đều có đủ, chỉ còn thiếu nhân hòa có nghĩa là hắn chỉ cần chiếm trái tim của nàng là có thể hân hoan rước nàng về dinh. Điều này hắn tự tin sẽ làm được một cách dễ dàng, vì theo kinh nghiệm trước đây với các bạn học phái nữ, từ đó đến nay, vẫn chưa có cô nào tỏ ý ghét hắn cả.
Thế là hắn ngang nhiên đến nhà nàng một cách tự tin để bắt chuyện và làm quen.
Mà cũng không có ai đi tán gái như hắn bao giờ, đúng giờ và đúng giấc. Sáng 8 giờ có mặt tại nhà nàng, 10 giờ từ giả ra về, đúng giờ không sớm hơn và cũng không trễ một giây phút nào cả, một ngày đến, một ngày nghỉ, mặc dầu trong thâm tâm, hắn muốn đến mỗi ngày, thậm chí cả sáng lẫn chiều.
Hắn sợ nàng chê là “mặt dày”.
Hắn chọn thời điểm này là thích hợp nhất vì lúc đó cửa hàng đang vắng khách, nàng ngồi một mình trông coi, mẹ nàng lại chưa có mặt nên dễ dàng nói chuyện một cách tự nhiên.
Sau khi từ giã nàng, hắn ghé tạt qua thăm cô Ba của nàng ở cách đó mấy căn. Nói là qua thăm chứ thật sự qua để lấy thêm thông tin về nàng. Hắn vẫn chủ trương biết địch biết ta trăm trận trăm thắng.
-Con chào cô, cô khỏe không ?
-À !! Tứ, con vô đây, con mới ở bên kia qua đó phải không ?
-Dạ !!
-Tình hình hai đứa tới đâu rồi ?? Cô nóng nảy hỏi tiếp.
-Dạ, thì cũng vậy cô ơi, không có gì thay đổi cả.
-Tối hôm qua, cô có nói chuyện với Thu…
-Thu… nói sao cô ?
-Thu nói… ừ thì cũng được… Có điều Thu chê con…
-Chê con chuyện chi vậy cô ?
-Thu chê con… hơi mập.
-Trời đất !! Con chỉ có hơi đầy đặn hơn người bình thường… chút xíu thôi mà, làm gì mà phải chê mập… Người đâu mà khó chịu quá chừng !!!
Cô Ba cười lớn :
-Ừ, tối hôm qua cô cũng nói như rứa, có da có thịt mới thấy đẹp trai, chứ da bọc xương như mấy thằng xì ke thấy xấu òm !!

Trở vào Sài Gòn, ngoài những công việc bình thường, sáng ở bệnh viện, chiều có một vài giờ lý thuyết, hoặc họp tổ để tố khổ giữa những người đã từng là bạn học của nhau, hắn còn có thêm một nhiệm vụ cao cả khác là viết thư cho nàng.
Mỗi tuần một lá thư, tuần nào có hứng thì hai, đủ thứ chuyện, trên trời và cả dưới đất. Hắn tự thấy phục mình vì không biết trong thời gian ấy, lấy ý tưởng đâu ra mà viết ngần ấy lá thư, mà thư nào thư nấy dài dằn dặt đầy những ý tưởng “cao siêu”, khi thì dịu ngọt đậm chất cải lương và sến rện, mà nếu không nhờ những lá thư thì không cách nào hắn diễn tả bằng lời nói được, vì hắn ngượng, có khi thì giở trò rủ rê và dụ dỗ… Nàng vẫn không nhượng bộ. Cuối cùng hắn giở chiêu cuối cùng là hăm dọa, đại loại như :
-Em hãy nhìn quanh em, xem thử có ai đẹp trai bằng anh không ? Những tên đẹp trai hơn anh, hoặc đã theo chân Mỹ Ngụy ra nước ngoài, hoặc rủ nhau vào rừng, học tập cải tạo và chưa biết ngày nào được ra.
-Bộ em muốn ở giá ? Hắn bồi tiếp :
-Hay là em muốn lấy… cán bộ ?
Đến đây nàng hãi quá, dong cờ trắng và đầu hàng vô điều kiện.
Cuộc tình của hai đứa đến với nhau như thế đấy, bằng hai biến cố xảy ra trong cuộc đời của hắn, một lần vì bị Đ/tá CHT cúp phép và lần thứ hai bị kẻ trộm viếng nhà.
Sau đó một đám cưới vội vàng và gọn nhẹ khi cha của nàng vừa ra khỏi tù sau chiến dịch cải tạo tư sản thương nghiệp ở Đà Nẵng.
Lúc đó cả nhà hắn cũng dọn về Huế sau khi đã hiến sở nhà đất ở Đà Nẵng cho cách mạng.
Kể ra cũng sướng, khi đi làm cách mạng trở về được nhân dân, kẻ có vàng hiến vàng, người có nhà đất thì hiến nhà, hiến đất. Tất cả đều “hồ hởi phấn khởi”.
Cũng đáng công sau bao nhiêu năm cực khổ theo cách mạng…

Hai vợ chồng hắn sắp có con đầu lòng…
Thế là gia đình nhỏ bé của hắn sắp phải xa quê hương xứ sở này rồi.
Hắn không muốn con cái, từ khi mới lọt lòng, đã bị xếp vào loại con của Ngụy quân và có gốc tư sản. Với hai cái mũ chụp này, con cái của hắn sẽ không làm được gì hết, kể cả việc đi học…
Muốn làm gì và xin gì người ta cũng đòi hỏi lý lịch ba đời…
Hắn cũng không muốn con cái phải sống trong một xã hội mà người ta lấy chủ nghĩa duy vật làm kim chỉ nam cho cuộc sống, nơi mà tư cách và nhân phẩm con người không có giá trị bằng vài ba cân khoai mì hay một vài lạng thịt mỡ.
Vì nhu cầu sinh tồn mà con người phải sống giả dối, lọc lừa, với những mưu mô và thủ đoạn.
Yêu không dám nói yêu, ghét không dám nói ghét, sống thường trực trong nỗi lo âu và sợ hãi.

Sau 33 năm xa quê, gia đình hắn sống hạnh phúc với hai con, một trai một gái. Các con đã trưởng thành, công ăn việc làm ổn định, có một cuộc sống ngay thẳng và lương thiện.
Các con đi làm ăn xa, đã ở riêng, bây giờ ở nhà chỉ còn hai người già.
Hai vợ chồng hắn vẫn thương yêu nhau như ngày đầu, mặc dầu cô vợ áo vàng năm xưa cũng thường hay ca cẩm về cái tính ương bướng của hắn :
-Ông càng già càng chướng, tui chịu hết nỗi rồi. Hồi xưa nghe nói ông có nhiều bạn gái, phải chi hồi đó có cô nào chịu rước ông giùm tui, cho đời tui bây giờ bớt khổ .
Hắn cười hề hề trêu vợ :
-Cũng tại bà chứ, ngày tui đi coi mắt vợ, bà xẹt ngang… dớt tui, đem về làm chồng, bây giờ bà còn than van cái nỗi chi ? Đúng là cái số của tui như “trái thị rớt bị bà già”.
Rồi cũng có lúc cô nàng kéo hắn về với thực tại :
-Thôi ông đừng có ngồi đó mà mơ mộng viễn vông nữa, số trời đã định, ông làm sao thoát được lưới trời !!
Hắn không dám cãi lại, chỉ lầm bầm trong miệng :
-Lưới trời, tui thoát được, lưới áo vàng thì không…
Sau ba mươi mấy năm chung sống, hắn nhìn lên, thấy mình không bằng ai, và nhìn xuống thấy còn hơn nhiều người khác.
Hắn cảm thấy bằng lòng và hạnh phúc với những gì mình đang có…

Thời gian mới gần đây, hắn liên lạc được với cô bạn thuở xa xưa tên Dương. Cô đã có 3 con, 2 gái một trai và đã lên chức bà ngoại. Cậu trai út của cô cũng có tên Vũ và đã ra trường Kỹ sư. Một sự trùng hợp khá là đặc biệt… vì con trai của vợ chồng hắn cũng là Kỹ sư và tên…Vũ.
Cô sắp về hưu nên có thì giờ rảnh, thường hay viết và… lách, cô sáng tác cả một tập truyện ngắn, trong đó có truyện “Duyên con gái” viết về hắn. Và cô lấy bút hiệu Áo Vàng…
Hình như đến tận bây giờ hắn vẫn còn có Duyên với Áo Vàng, mặc dù bây giờ, hắn đã qua cái tuổi về yêu hoa cúc và mến lá sân trường từ lâu rồi.
Dương và hắn có những điểm giống nhau và khác nhau, nhưng dù giống nhau hay khác nhau, hai người vẫn là bạn. _ Tình bạn của hai người tựa như cái đường sắt xe lửa, cứ mãi chạy song song đến tận cuối chân trời…

Hắn nhìn sang bên cạnh, vợ hắn thở đều, đang chìm vào giấc ngủ sâu.
Hắn kéo mền đắp lại cho nàng, vừa chép miệng :
-Tội nghiệp !! Ngày mai phải dậy đi làm, còn những ba ngày nữa mới đến cuối tuần.
Ngoài trời mưa đã dứt hạt, ánh trăng bắt đầu le lói và e ấp sau màn mây mỏng, hy vọng ngày mai sẽ có nắng đẹp…

T3

Viết để tặng vợ, cô gái mặc áo vàng năm xưa ở Đà Lạt và cô bạn Nha sĩ kiêm nhà văn có bút hiệu Áo Vàng.
14/02/2012

.