Catégories
Prose

Như Chẳng Có Ai

Hồng Khắc Kim Mai (BP63)

You are to be what you are to be …
(hkkm)

.

1.

Chiếc xe van rỗng ruột nằm đó thật cô đơn. Mọi người ai đi qua cũng hờ hững lướt nhìn rồi bỏ đi. Họ không đoái hoài tới nó vì chiếc xe thiếu mất một cánh cửa lớn ngang bụng. Đã rỗng ruột mà lại toang hoang thế kia, ai thèm rước của nợ này về ?

Chỉ có mình tôi xem xét nó thật lâu. Chẳng qua tôi tò mò và có sở thích ngược đời : thích những cái gì ít ai thích, và khám phá cái đẹp nào đó nơi những gì người khác thoạt nhìn không thấy đẹp. Tôi thường lượm những gì ai chê ai bỏ, múa may biến những rác thành hoa, nên gian truân khởi điểm từ đấy.

Chiếc xe van rất dài với hình dáng hơi cổ lỗ sĩ. Bề gì thì năm tuổi của nó cũng đã dật dờ với gió sương, ai mà thèm dây dưa với cái xe bà già đời 1975 ? Đã thế, đó là xe loại tám máy, uống xăng ăn nhớt như hũ chìm. Có mà điên, lãnh nó về để trả “biu”(bill) chết bỏ !

Xe sơn mầu vàng đậm đặc, cái mầu rất đặc biệt dành cho xe cộ cửa công quyền nhà nước Mỹ. Nước sơn đã tróc vỏ ở một vài nơi, lòi ra mớ sắt đen sì, ứa những vệt rỉ dài xuống hai bên lườn xe ; không khác chi lớp mồ hôi cáu ghét của người dày dạn phong trần.

Vất vả lắm tôi mới mở được cánh cửa xe. Ghế ngồi đóng đầy bụi bạc phếch, và da ghế khô róm. Người ngồi lên nó có cảm tưởng như đang ngồi trên gai góc cuộc đời, hay mộng mơ huyền hoặc hơn, như ngồi trên ghế phi thuyền bị rớt ở một nơi lạ lẫm nào đó từ ngàn năm.

Chủ để sẵn chìa khóa lủng lẳng nơi ổ đề xe. Tôi rồ máy. Xe kêu eng éc, cà giựt cà giựt nổ rồi tắt, nổ rồi tắt. Tôi nhấn bàn đạp bơm xăng. A ! máy lẹc khẹc vài tiếng như tiếng ho cụ già. Một lát sau toàn thân xe rung lên, nổ ầm ĩ, nhả khói đen thui. Khói mù mịt tám hướng và có mùi đắng nghét. Chắc là xe đã nằm ụ từ lâu. Chắc là xe bị bỏ hoang phế vì một dự án dở dang nào đó.

Tôi kiên nhẫn ngồi chơi với xe, đạp ga đạp thắng, táy máy mở hết nút này nút nọ. Cũng may radio còn chơi được, máy nóng còn phát ra hơi ấm, máy lạnh còn phát ra hơi gió, và quạt nước còn gạt bên này quay bên kia. Đèn pha một ngọn bật cháy, ngọn kia tắt ngúm từ khuya…

Sau chục phút, máy bỗng trở mình chạy, êm như ru.

.

2.

Chiếc xe van được đưa vào sân bán đấu giá buổi chiều hôm ấy. Hội trường cả ngàn người, nhưng chẳng ai thèm lên tiếng khi đấu giá viên oang oang mời gọi. Giá xe bắt đầu bằng mười ngàn đô, tụt dài xuống còn năm trăm. Tiếng hô lớn, dội vào tai mọi người,
“Five hundred.” Chỉ chờ có thế, tôi bật người đứng dậy đưa bàn tay lên cao khỏi đầu, có nghĩa chịu giá. Ngay tức khắc, trên bục gỗ cao, miệng tên rao hàng leo lẻo nâng con số cao thêm năm chục. Giọng lưỡi của hắn thật nhịp nhàng, dẻo như kẹo, khi lên khi xuống, khi trầm khi bổng như hát,
“Five hundred fifty… Five hundred fifty… Five hundred fifty…”
Hắn không ngớt lập lui lập tới ba chữ “năm-trăm-rưởi,” đầu phắt qua phía này ngoẹo qua phía kia, đôi mắt láo liên nhìn mọi người trong hội trường. Phía dưới đất, đám cò mồi chạy lăng xăng cố mời nhiều khách nhập cuộc.
Da mặt săn lại, đôi mắt tôi cũng láo liên nhìn quanh.
Vài phút trôi qua. Kia rồi, có bàn tay ai khác đưa lên. Chộp ngay cơ hội, tên đấu giá viên đưa ngón tay chỉ ngay tôi, miệng lại múa liên hồi,
“Six hundred, six hundred, six hundred, six…”
Tôi lắc đầu. Hắn vẫn kiên trì không buông tha. Đám cò mồi lại vây quanh tôi, mời mọc. Có đứa dụ dỗ,
“Rẻ quá mà, cái xe chỉ có hơn hai chục ngàn miles. Rẻ quá mà ! Rẻ quá mà !…”
Bùi tai, tôi chần chừ giây lát rồi gật đầu. Thế là cả đám ong vò vẽ kia lập tức chạy qua phía đối thủ của tôi, chúng tấn công hắn tới tấp,
“Six fifty, six fifty, six fifty…”
Mọi con mắt đổ dồn vào hắn. Cứng cựa hơn tôi, hắn đứng yên không nhúc nhích. Tiếng rao giá càng lúc cày gay gắt thêm. Đám bung xung không ngừng chạy lui chạy tới khắp hội trường, mời mọc người này, níu kéo người kia. Vẫn không có ai ngã lòng tranh giành với tôi.
Cuối cùng, biết không lôi cuốn được ai thêm, đấu giá viên dịu giọng xuống, nhấn từng chữ,
“Six hundred fifty, one time…”
“Six hundred fifty, two times…”
Và,
“Final time : S…I…X… H…U…N…D…R…E…D… FIFTY.”

Đám khách mua không ai nhúc nhích. Lập tức có tiếng búa gỗ phạng xuống mặt bàn chát chúa. Ngón tay trỏ chỉ về hướng tôi, tên đấu giá viên đứng trên bục gỗ la lớn vào máy phóng thanh,
“SOLD ! Six hundred dollars.”
Tôi bàng hoàng, nửa mừng vui, nửa lo ngại.
Con trâu già này tôi mua về, không biết nó có thuần cho tôi cỡi, để tôi nghêu ngao bài ca trong tiếng tiêu chiều tà,
“Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ”
(Em bé quê/Phạm Duy)

Hay là nó sẽ vật tôi tới tận trời xanh ?

.

3.

Người thợ quen biết trong xóm ra nghĩa địa xe, nơi bãi chứa hằng ngàn chiếc ô tô phế thải, hư hao méo mó vì tai nạn hay vì hư hỏng gì đó, được kéo về đây. Anh ta hí hửng khoe rằng đã tìm thấy một cánh cửa, có kích thước lấp được lỗ hổng lớn của chiếc xe van tôi vừa mới tậu tuần trước.

Tôi theo chân người thợ vào nghĩa địa. Chỉ cần trả tiền lệ phí vào cửa năm mươi đô cho mỗi người, chúng tôi tha hồ săn lùng những phụ tùng hay bộ phận cần có.

Đi quanh co một hồi, người thợ đồng hành chỉ cho tôi thấy một cánh cửa mầu đỏ chói của một chiếc xe vận tải bị húc móp đầu đang nằm bẹp bên cạnh đống rác thật lớn. Gớm, cái mầu đỏ như máu trông thật khiếp ! Lấy thước đo tới đo lui, chiếc cửa này hơi nhỏ một chút, so với khoảng trống của chiếc van, nhưng người thợ bảo đảm sẽ xoay sở để lắp ráp nó vào, khả dĩ sử dụng được.

Từ sáng sớm đến chiều tối, chúng tôi bận rộn gỡ nơi này một cái tên hiệu ngộ nghĩnh, tháo đàng kia một dàn kẽm viền xe, lục lọi góc xó nọ bốn vỏ bánh xe còn khá tốt.

Chúng tôi gom góp mọi thứ thành một núi, không biết cơ man nào là phụ tùng. Khi sắp sửa rời nơi đây, tôi chợt thấy hai tảng sắt đồ sộ với dây nhợ lòng thòng nằm ụ bên hông cửa ra vào nghĩa địa. Người thợ giải thích đó là hệ thống cất hàng bằng hơi, hydrolift. Tôi quyết định lấy thêm món này về nhà.

.

Sau bao tháng ròng rã cắt xén hàn xì, chiếc xe đã có cái mã mới, cửa đỏ chói chang bật nổi trên thân nền vàng như nghệ. Tôi rùng mình. Vội vàng đem thổi xe lại thành mầu xanh rêu đậm. Khi sơn hãy còn ướt, những vệt đen trắng được chấm phá đây đó. Có những chỗ, ba mầu rêu, đen và trắng quyện vào nhau, tạo nên nét linh động của bốn vó chân một con vật đang phi ; và tận đuôi xe mơ hồ như có cái đuôi phất lên cao. Ngay trên hai nắp đèn pha, tôi lại cho hàn thêm hai ống sắt nhọn quặp ngược lên, như hai cái sừng. Quả chiếc xe, với chút mắm muối tưởng tượng, trông rất giống con trâu nước ở làng quê tôi ngày rất xa xưa. Nhìn nó, thiệt rất… lãng tử phiêu bồng !

Miếng sắt dày có hai phần xếp chồng lên nhau, được hàn ngay dưới chân cửa. Khi công-tắc điện bấm mở, lập tức tảng sắt đẩy một phần cơ thể nó ra phía trước rồi từ từ hạ xuống sát đất. Nó có khả năng nhấc một vật nặng nghìn cân lên hoặc xuống xe dễ dàng.

Chẳng dấu gì, tôi có chiếc dương cầm cũ kỹ, cũng mua đấu giá từ đời năm tèo năm tẹo, khi mới đến định cư ở Mỹ được một vài năm. Tuy nó xấu vỏ nhưng rất tốt lòng. Âm thanh của cây đàn thật ấm, gỗ chưa hề bị mọt ăn, hệ thống dây đồng và tất cả các phím đều hoàn hảo. Nó nặng quá chừng, nhưng nhờ có bốn bánh và với cái hệ thống nhấc bổng dã chiến này, việc đưa dương cầm vào xe trở nên dễ như trở bàn tay.

Trên nóc xe, người thợ gắn một cái máy truyền hình nhỏ được điều khiển bởi một thẻ điện tử. Bên cạnh đó là hệ thống truyền tin, có khả năng bắt đài liên lạc với cảnh sát hay dân địa phương trong vòng trăm dặm. Nếu chẳng may xe bị tai nạn mà người lái bất lực không điều động được mọi thứ, chỉ cần một va chạm mạnh với áp độ XX, hệ thống còi báo động tự phát ra tiếng hụ inh ỏi cho đến khi được tắt.

Hệ thống âm thanh quá tuyệt, có thể nghe được làn sóng ba chiều từ mọi phía. Hệ thống phòng cắp rất bén nhạy. Hễ ai léng phéng toan cướp xe, máy sẽ tự tắt nếu người lái không bấm mật mã trước khi xe lăn bánh trở lại.

Hệ thống cứu hỏa cũng nhất. Chỉ cần có chút hơi bốc khói đâu đó, dàn xịt thuốc lập tức phun chất hóa học dập tan được ngay.

Tôi hoan hỉ khánh thành chiếc xe vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời. Bọn con nít trong xóm ầm ĩ kéo tới đông như kiến. Chúng túa lại tíu tít trầm trồ, táy máy sờ cái này cái nọ, nghịch phá hai cái sừng. Thích quá, thích quá. Cụ già hàng xóm cứ thắc mắc tại sao chiếc xe lại biến thành con gì gì thế kia. Tôi cười xòa khai lai lịch mình, rồi lại lang bang kể chuyện tích cũ. À chẳng là ngày xưa ấy, khi tất cả chưa được máy móc hóa, ruộng đồng nhờ trâu cày dân tôi mới có gạo ăn. Tôi huyên thuyên tả cảnh ngày lúa chín nơi quê cha đất tổ, và hình ảnh chú mục đồng ngất ngưởng trên mình trâu đi bên hai bờ ruộng…

Bob, tên người Mỹ già, gật gù,
“You chắc là đang rất nhớ nhà ?”
Tiếng tôi tắt trong cổ họng “Vâng”
Và nghẹn lời.

.

4.

Những buổi ăn trưa tôi thường bỏ sở làm để sống với xe. Thương xe như người ta mê tình nhân. Vâng, chiếc xe van này là cơ ngơi của tôi, là nơi tôi dựa lưng, là nơi tôi gửi gắm nỗi lòng. Có nỗi lòng nào mà không sầu bi ?

Vì thế, cách sở làm không bao xa, giữa bãi parking rộng và vắng vẻ, trong lòng chiếc xe van, tôi tỉ tê làm bạn với chiếc dương cầm. Những âm thanh rưng rưng trong không gian nhỏ bé chỉ để riêng cho tôi nghe, mà ngoài khung cửa kia là thế giới khác, thế giới của tạp nhạp, bon chen, phiền toái.

Đó là lúc khoảng cách giữa đời và mộng rất gần, hai chục thước.
Như con thoi, tôi chạy lui chạy tới giữa cơm áo và mộng ảo.

.

Tháng Mười. Gió lộng phăng phăng qua ngàn thông xanh. Trời chùng xuống thấp và mưa, mưa mãi không thôi. Mưa ngoài đời nhiều đến nỗi mưa sũng cả ruột gan.

Khi nắp đàn mở lên, tôi cúi đầu xuống, hai bàn tay từ tốn đặt nhẹ lên dương cầm. Và tiếp theo tiếng sấm vừa nổ dòn đâu đó như một hiệu lịnh, tay tôi chạy trên phím, nhả những âm giai réo rắt của trường tấu khúc bất tận Symphonie Inachevée của Schubert.

Ô, nhạc reo như thần chú, nhạc át hết mưa gió trần ai, đưa hồn tôi bay bổng lên tận đâu ?

.

Không phải lúc nào cũng thế.
Không phải lúc nào ở bãi đậu thành phố, tôi cũng đắm đuối với Waltz of the Flowers của Tchaikowsky, lơ lửng với Sonate Au Clair De Lune của Bethoveen, hay não nùng sầu muộn với Tristesse của Chopin.

Có những lúc ngồi ngắm nhìn những giọt mưa rơi ngoài kia, nhạc tự đáy lòng bỗng vươn dậy. Nguồn sáng tác về tự lúc nào không hay. Tay phải của tôi sột soạt những đơn thể có âm vang rời rạc. Chúng từ từ quyện vào nhau thành chuỗi, thành mạch nhạc linh động. Trong tiết tấu nhịp nhàng, tay trái chơi hợp âm Đô Trưởng, âm điệu hòa thanh với ngón đàn tay phải, nghe rất ngọt.

Cùng chảy theo tiếng đàn, thơ tuôn trào, và tiếng hát mê sảng cất lên,
“Lá nào gội nước trời Thu… Nhạc nào réo rắt đường tơ… Ơi đây này câu hát rừng mơ…”
(lời và nhạc hkkm)

Vô hình chung, theo ngọn trào dâng của lòng, nhạc chuyển cung qua điệu thức La Thứ. Lời trở nên tha thiết,

“Ta về
Dãy núi ngàn xưa
Có quê hương
Sau lớp bụi mờ
Nghe lòng…
…Nhỏ giọt…
…Thương đau…
Nghe đời…
…Ngấm những…
…Vũng sầu”
(lời và nhạc hkkm) .

Tháng Mười Một. Gió heo may rít qua những hàng cây. Khắp nơi lá đều chín đỏ. Tôi ngồi trong lòng xe, lặng lẽ nhìn thời gian đi, từng giờ khắc được ghi dấu qua mầu lá biến chuyển. Từ sắc đỏ lá trở mình qua mầu cam. Như nấc thang, lá lại xuống cung vàng, …cho đến khi lá úa, lìa cành.

Dưới bầu trời nhạt nhòa nắng phai, lá bay theo cơn lốc gió bụi…
Âm điệu Rumba lại vang lên,
“Lá bay chiều nay… như lòng tôi say… đong đưa hư ảo… Ngõ nào trong tim… đưa tôi về đâu… trên con đường nhỏ
Ô ngôi trường cũ… Nhặt lá bàng rơi… chiều hanh hao nắng…
Nhớ thuở trăng thề… môi ai sóng sánh… lời ca tiểu thơ…”
(lời và nhạc hkkm)

Cứ thế, tiếng đàn nâng lời hát lên cao, để lời trở nên tráng lệ.

.

Khách bộ hành nào đi ngang qua bãi đậu xe cũng đều dừng chân lại. Họ tò mò ngắm nghía cái xe van có hình thù lạ kỳ kia, rồi nhíu mày khi nghe tiếng nhạc có nhiều mầu sắc vang vọng trong cái lồng sắt ngộ nghĩnh. Họ à lên một tiếng, tên nghệ sĩ ngông cuồng nào đây ?

Có rất nhiều người đứng im lặng nghe. Và khi đến giờ phải trở về với đời sống thực tế, tôi mở cánh cửa nhỏ bước ra trên sỏi đá cuộc đời. Họ tràn đến bắt tay thân thiện. Họ ngả mũ chào.

Tôi mỉm cười, cúi đầu lầm lũi đi, âm thanh của bài ca còn quyện theo vết chân,
“Trong chiều sương…
Ai đi
Nhạc vương sắc áo
Đời cắm cúi mê say”
(hkkm)

.

5.

_“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
(Ca dao)

Con trâu với kẻ mục đồng luôn sát cánh bên nhau. Gặp tên mục đồng lãng tử, trâu ắt mệt nhừ. Tôi xách trâu đi lang bang, vì ruộng của tôi là ruộng bốn bể, không ranh giới không bến bờ. Trâu ngọ ngoẹ đi theo, lao đao cùng chủ.

Kể từ ngày có chiếc xe van này, định mệnh đã đưa đẩy tôi thành người một người khác. Tôi không còn làm việc một chỗ nhất định như trước. Vốn đa nghệ, nơi nào có việc làm cần người, tôi tấp bến ít lâu để kiếm cơm. Khi rủng rỉnh có tí tiền độ nhật trong túi, tôi lên đường lang bạt kỳ hồ.

Cũng may chiếc xe van rất ngoan, chưa hề đình công nằm vạ dọc đường.

.

Có những ngày chiếc xe van không khác chi lò nướng thịt hầm hơi. Tôi chạy xe ra ven đô, tìm đến phi trường nằm sát bên dòng sông lớn. Mùa hè xứ Mỹ nắng như thiêu.

Trời cao, sông rộng và gió thổi lồng lộng. Thỉnh thoảng vẳng lại từ phi đạo tiếng quạt gió ầm ĩ của máy bay nào đó đang chuyển động để lấy đà cất cánh.

Trên trời cao bay lơ lửng nhiều trái cầu hơi to tướng bằng ni-lông xanh đỏ tím vàng. Chúng di động theo hướng gió, trông rất đẹp mắt. Dưới sông xuôi ngược những chiếc thuyền con với cánh buồm sặc sỡ. Gần hơn là đám nam nữ đua nhau trượt nước.

Chạy dọc theo bờ sông một lúc để tận hưởng những luồng gió mát rượi, tôi ngừng lại trước một đám đông đang tụ họp quanh một chiếc xe buýt. Hỏi ra, a ! họ đang chuẩn bị cho một cuộc chơi kỳ thú. Đa số đều là thanh niên thiếu nữ sung sức đầy nhiệt huyết. Trang bị với bộ đồ nhái xanh xanh đỏ đỏ, một chiếc mũ cao su ôm sát đầu, và đôi giày mỏng đế dán chặt vào chân, các cô cậu bận rộn làm những cử động hô hấp, chờ tới phiên được chở đến địa điểm Z…

Z – như ‘Zebra’, như ‘Zodiac’ .

Hai chiếc phi cơ trực thăng có sơn hai chữ Z1 và Z2 to tướng, bay vù vù trên cao thật cao. Mọi người đứng bên sông háo hức nhìn lên. Phi cơ đảo qua đảo lại ít vòng rồi bay song song nhau. Ít phút sau, hai chiếc thang dây được thả thòng xuống. Từ lòng trực thăng hai người nhái bước ra, bám vào nấc thang thấp nhất. Phi cơ như hai con chuồn chuồn lại bay vút lên cao, nhả những sợi khói trắng, quần lui quần tới để vệt khói viết thành vần Z trên nền trời xanh lơ, trông rất ngoạn mục. Bám theo thang dây là hai hình nhân lủng lẳng trên không trung, đong đưa trong trời mây.

Chờ cho hai phi cơ sắp bay sát vào nhau, họ buông tay tung mình lên cao. Tuyệt vời thay, trong nháy mắt, họ đã đổi chỗ. Nhân sự áo đỏ của Z1 bám được thang dây của Z2. Anh ta loay hoay trèo lên nấc cao và ngạo nghễ đưa tay vẫy chào mọi người dưới đất. Nhân sự áo xanh của Z2 bây giờ đang làm chủ thang dây Z1. Cô đưa hai ngón tay mở rộng dạng chữ V, dấu hiệu của chiến thắng, trước những hò hét cổ võ của chúng tôi.

Trực thăng bay cao hơn để hai hình nhân chuyển thế. Bây giờ họ bám thang ngược đầu. Toàn thân họ được dính cứng vào thang dây bằng hai móc chân. Tôi nín thở theo dõi khi con chuồn chuồn Zebra 1 vụt lên cao. Xem kia, áo xanh đã buông chân, và nhanh như chớp, áo đỏ lượn tới bắt hai tay người áo xanh. Hú hồn, họ đã chụp được nhau ! Bốn cánh tay như đan cứng không rời và hai thân thể lửng lơ bay tòn ten trong mây.

Z1 bay là là xuống kề bên Z2. Lập tức áo xanh tung mình về với trụ cũ. Không chần chờ giây phút nào, áo đỏ phóng mình qua bám chặt vào hai chân của cô nàng áo xanh. Thật không thể tưởng tượng được sự nhanh nhẹn của họ.

Cứ thế họ liên tục chơi trò nhào lộn trong không trung, cho đến khi một ai đó bị vuột tay rơi tòm xuống nước.

.

Cảnh sống động của ngày hè làm lòng tôi vui, vui không thể tưởng. Đậu xe thu mình trong bóng mát tàng cây, tôi hứng chí lục lọi tìm giá vẽ.

Trong chiếc xe van, tôi giam mình vào cõi riêng, miên man với thế giới của sơn và cọ. Tiêu đề của tranh hôm nay được dàn trải trên vải bố —
“Tôi bơi thuyền trên dòng sông trẩy nắng
Có dải mây hồng vắt qua ngang vai
Có gió xôn xao lùa vui tóc rối
Có lửa trong tim nung nấu hình hài”

Từ dạng phác họa cho đến khi khung bố biến thành tranh, thời gian cũng theo đó trôi mau.
Trời đã nửa khuya. Ngoài kia không một bóng người lai vãng. Chỉ còn nghe tiếng sóng nước vỗ tấp vào bờ, càng lúc càng lớn. Trên cao, trời tối đen như mực, thỉnh thoảng nhấp nhóa bóng đèn của một vài phi cơ làm tín hiệu chuẩn bị hạ cánh.

Trong xe, ngọn đèn nê-ông hai tấc chạy bằng pin tỏa ánh sáng dịu mềm. Tôi khóa cửa cẩn thận rồi ngồi ngã người trên ghế. Tôi vừa nhai cơm tối với mẩu bánh mì chấm cá hộp, vừa ngắm nhìn bức tranh mới vẽ xong. Có chút chưa vừa ý với người trong tranh. Hình như tóc nàng bay chưa lả lướt bằng gió bằng mây. Hình như nụ cười còn rất gượng gạo. Tôi đứng dậy điểm thêm vệt nắng trên mắt để cái nhìn của người đàn bà trong tranh thêm sống động. Thêm một chấm nắng nữa vào môi để nụ cười trở nên hấp dẫn, mời đón, gợi thương.

Khi tôi thực thụ buông cọ để nằm nhoài trên chiếc ghế bố, trời đã sáng lúc nào không hay…

.

6.

Ai đó có nói, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Điều đó quả thật rất đúng. Rày đây mai đó với chiếc xe van, tôi làm tên du tử tha hồ dong ruổi đường trường. Đương nhiên tôi đã thu nhận rất nhiều sàng khôn, trong đó quí báu nhất là rèn luyện được đức tính nhẫn nhục để vượt qua tất cả những thử thách khốn cùng. Trong nhẫn nhục có sức chịu đựng gan lì và khiêm cung. Thế nhẫn nhục là thiền tại tâm, là tim óc bất động trước những tàn ác của tha nhân và nghịch cảnh.

Nơi đồng bằng, nơi biển rộng, nơi trời cao, tôi cảm thấy tấm lòng như được mở trói.

.

Mùa Xuân về, khí trời ấm áp, dễ chịu. Có nhẽ tại đầu năm, như con sơn dương, như con gấu rừng mới ngóc đầu thức dậy sau mùa Đông tuyết giá, các chủ hãng còn vươn vai khệnh khạng sắp xếp công việc, nên người thất nghiệp hơi nhiều nơi thành phố tôi ở. Vì thế, khi may mắn được một công ty giao cho trách nhiệm về một thị trấn xa xôi hẻo lánh để giải quyết một vài công việc có tính cách khẩn và ngắn hạn, tôi không nề hà. Tôi quyết định lên đường ngay.

Sáng sớm, mây mù dày đặc sa xuống thấp, chiếc xe van chạy chậm như rùa bò vì người lái không thấy được con đường trước mặt. Xe đi trong sương khói, xe cứ chạy miết, chạy mãi…

Càng lúc, nhà cửa càng thưa vắng, và hai bên đường san sát những hàng thông xanh cao ngất.

Tôi lật bản đồ ra xem. Hình như tôi đi quá xa với lộ trình đã định…

Tôi loay hoay quay đầu xe, trở lại đường cũ. Đèn đồng hồ xăng báo cho biết là nguồn nhiên liệu sắp cạn. Cũng may, tôi luôn luôn thủ theo một bình xăng xơ-cua, nên xe có thể chạy thêm ít nhất thêm mười dặm nữa. Cẩn thận hơn, tôi vói tay nhấn nút vào máy liên lạc cấp báo, xin cho biết địa điểm trạm nhiên liệu hay xóm làng gần nhất.

Không ai trả lời. Như vậy có nghĩa tôi đã vượt quá tầm ra-đa của cảnh sát ?

Chẳng hiểu như thế nào, xe loanh quanh rồi lạc lối vào giữa lòng một cánh rừng bát ngát. Rừng được xẻ làm đôi bằng con đường mòn quanh co, gồ ghề và dài hun hút. Thỉnh thoảng đây đó có những ụ cây chất thành đống cao, thân cây thẳng tắp, nhẵn nhụi lá cành. Chắc là gỗ ai đó đã đốn rừng nằm chờ được tải về thành phố ? Tôi thấy hơi an tâm, hy vọng có bóng người lui tới nơi này.

Tôi có cảm tưởng đôi lúc xe như đang lên dốc vì con trâu bò rất nặng nhọc, thở phì phì những luồng khói đặc. Bánh xe bị kềm giữa gọng siết của bộ phận thắng, bốc ra mùi khét lẹt. Có lúc tôi như chúc đầu xuống núi vì trâu đâm đầu chạy phăng phăng như bay…

Cứ lên cứ xuống, xe chạy hơn mười dặm vẫn chưa đưa tôi đi về đâu. Đồi núi trùng trùng điệp điệp. Trước mặt vẫn là rừng thông ngút ngàn, vẫn là mầu xanh có mùi hăng hắc, ngai ngái tạt vào xe muốn ngộp thở, lại có hơi nước phủ đầy kiếng xe.

Thần trí lao đao, tôi tấp trâu vào bên lề nghỉ mệt và để xe nguội máy. Quay kiếng xuống, tai nghe rõ tiếng nước chảy ầm ĩ. Hóa ra nơi tôi đang đứng là điểm cao chót vót, có thác nước ồ ạt đổ ào xuống thế gian.

Như linh khí, mây bao quanh mỏm núi. Mặt trời rọi ánh sáng vào tia nước từ thác hắt lên, trông giống những đốm pháo bông ngày hội. Ở đây cao quá và chắc là xa lắm, tôi không nhìn được bóng dáng thành phố, không còn nhìn được thấy ai. Cuộc đời trần tục như lui vào dĩ vãng. Con trâu và tôi, hai thể chất khác nhau, có cùng chung một thể hồn nhẹ phây phây như hơi gió thoảng trên đỉnh thượng ngàn ?

Từ muôn hoa nở bên hóc đá, hương thơm — thơm quá là thơm — bay thoảng trong không gian tinh khiết. Hoa trắng có cánh mỏng dính lung linh những phấn mầu vàng anh, thật vô cùng diễm tuyệt. Tôi đưa tay hái một nhánh. Ngay tức khắc, cánh hoa rụng tơi tả bay mất hút trong gió. Tôi đặt tên hoa là hoa Hoa-Phong-Dao.

Tôi vốc những đám mây đang cuộn tròn dưới chân, quanh thân.
Khi tay chạm mây, mây tan. Tôi đặt tên mây là Mây-Biên-Ảo.

Hôm nay, lạc loài nơi chốn NHƯ-CHẲNG-CÓ-AI, tôi quì xuống khắc tên mình trên đỉnh núi.

Trên trời xanh, dương cầm cùng ta nhả những hoan ca…

***

Núi cao lên dễ, xuống khó.

Để đỡ hao xăng, tôi tắt máy xe, nhấc cần lái vào vị trí thả lỏng.
Sẵn đà dốc, trâu chúc đầu, bò từng bước rất chậm xuống sườn núi. Tên mục đồng kềm chặt thắng, nhả chân từng chốc chỉ đủ để trâu lê từng bước đi ngược đầu. Địa ngục thấp thoáng trước mặt. Chuyến tìm đường về này là một thử thách quá khiếp đảm mà mạng sống của chủ tớ như chỉ treo mành. Thỉnh thoảng tôi nói với trâu như nói với chính tôi “cứ thế mà tiến”. Vâng, cứ thế mà tiến, rất chậm, rất vững, rất tự tin. Quả là một chuyến phiêu lưu tối ư nguy hiểm.

Tôi thở phào khi vượt qua được khúc quanh hiểm nghèo nhất.

Nhưng không, Tử Thần đang chơi trò cút bắt một cách thần sầu. Khi xe đi thêm một đoạn, mặt trời bỗng chiếu thẳng vào cửa kiếng những tia nắng quái ác, mắt tôi chói lòa không còn thấy gì nữa. Tôi đưa tay mặt lên che ánh nắng, chân đạp mạnh bàn thắng. Xe dộng về phía trước, và nhanh như chớp xe xoay quanh một vòng ba trăm sáu mươi độ. Tôi hoảng hốt cố ghìm xe bằng thắng tay nhưng đã trễ, con trâu của tôi húc vào một thân cây rồi trợt giò bay xuống vực sâu…

Tất cả xảy ra quá nhanh. Chỉ còn biết tôi như một mũi tên được bắn ra, bay vèo trong không gian…

.

7.

… Mũi tên cắm ngay chóc vào một cành cây ; hay nói đúng hơn, một cành cây ở đâu đã vươn cánh tay dài ngoằng ra đâm xuyên qua vạt áo sau, móc tôi lơ lửng giữa tầng trời.

Tôi không biết mình đã nằm như thế này trong bao lâu. Tứ chi quơ quào tứ phía, tôi khác chi con nhện hỏng giò bị rơi bên ngoài máng lưới. Trời sinh miệng nhện nhả tơ để tự cứu, còn tôi làm thể nào để thoát ra khỏi cảnh này ? thôi, đành chờ cho cái đói cái khát giết mình dần mòn…

Thần trí tôi chập choạng giữa mê và tỉnh. Mơ hồ nghe tiếng vọng của trâu rống từ nơi nao. Có phải là tiếng kêu gào của con vật bị thương, hay chính cõi lòng tôi đang tuôn niềm thống khổ ?

Nước mắt ứa trào, không có sự chọn lựa, tôi chấp nhận chết nơi rừng thiêng xó núi, biệt tông tích. Tôi lắp bắp khấn lời xin Trời Đất cứu rỗi, cho tôi được đi về cõi kia không đớn đau, ước cầu cho linh hồn sẽ được yên nghỉ. Nói trong lòng những lời từ biệt với những ai thân thương. Tha tội cho những ai đã đem đến phiền não cho đời mình. Còn gì để nói nữa không. Còn gì nữa không. Còn gì nữa không ? Còn chứ. Thôi xin giã từ văn chương thơ phú cung đàn. Thôi vĩnh biệt tranh hoa phim ảnh. Tất cả đều phù phiếm, như chính bản thân tôi, không có gì phải xót thương nuối tiếc…

Ngay trong giờ tuyệt vọng nhất, có tiếng kêu lắc cắc của cành cây đang cưu mang tôi. Nhánh cây càng lúc càng trĩu xuống dưới sức nặng của người.

Tiếng động của cành lá muốn gẫy mỗi lúc mỗi gia tăng, như tiếng rung báo tử, như tiếng vỗ tay đắc thắng của Tử Thần.

Tôi vụt mở mắt nhìn quanh. Ô kia, không xa lắm, có vài nhánh cây khác chìa ra, chằng chịt những dây xanh nâu lòng thòng. Một tia hy vọng bật sáng. Đầu óc tôi bỗng linh hoạt lạ thường. Nhanh như điện, hình ảnh đôi nam nữ nhào lộn trên không trung hôm nào hiện rõ mồn một. Trong tâm não, khúc phim đó được chiếu đi chiếu lại từng cử động của họ. Cho đến khi, cho đến khi, cho đến khi nhánh cây đứt lìa, hất tôi ra ngoài.

Sức mạnh nào làm tôi quật người lên, vung chân phóng mình bám được sợi dây leo bên kia thế nhỉ ? Quả là một phép lạ, hay vì ý chí chiến đấu cho Sống Còn mà con người có thể vượt qua tất cả những hiểm nguy khi phải đối mặt ?…

****

Muốn trèo xuống cây không phải là một điều dễ làm, nhất là ngực tôi đã bị chấn thương từ lúc nào không hay. Có lẽ là lúc xe đâm vào thân cây trước khi lao xuống vực. Hình như miếng xương sụn nối liền hai buồng sườn đã bị gẫy.

An toàn là việc phải làm trước nhất. Tôi nghe thân thể đau nhừ mỗi khi với tay kéo những sợi dây luộc dài ngoằn dài ngoèo lên quấn chặt quanh bụng. Dù đau cách mấy cũng ráng buộc thêm vài sợi vào hai cổ chân. Lại thắt ít sợi vào hai cổ tay. Nếu chẳng may tôi có ngủ gật, sẽ chẳng rơi xuống hố. Ít nhất, tôi phải sống cho qua được đêm nay.

Phải đó, màn đêm đã bao trùm không gian. Gió hú qua ngàn cây nghe thật khủng khiếp. Như loài vượn hoang, tôi bây giờ đang ngồi cú rũ dưới tàng lá, cheo leo trên ngọn cây cao, không biết giờ phút sau số mạng đưa mình về đâu. Mỗi phút khắc trôi qua như một thế kỷ…

Quá mệt mỏi, tôi gục xuống, đầu kê lên chòm lá, hai tay vòng xuống ôm chặt cành, hai chân quắp vào nhau.

Làm thế nào tôi có thể chợp mắt được trong một hoàn cảnh bi đát như thế này ? Để trốn sự sợ hãi, để đầu óc luôn bận rộn, để biết mình vẫn còn sống, đầu óc tôi miên man đi về quá khứ…

Đã nhiều năm rồi, hình ảnh trong đêm giữa Rừng Lá vẫn chưa phai,

Cha tôi bị lột cởi trần, mặc quần xà lỏn. Hai tay chắp trên đầu, dưới ánh trăng xuyên qua kẽ lá, tóc cha — trông bạc hơn ngày hôm trước — rủ xuống trán, ông quì gối trước họng súng của hai tên bộ đội choàng khăn rằn. Tuổi chúng chỉ khoảng mười bảy mười tám. Chúng hung hăng lấy chân đạp vào ngực cha, đòi ông phải cung khai địa điểm dấu vàng, nơi đậu của tàu vượt biên, cùng với tên tuổi người tổ chức. Cha tôi im lìm không nói. Chúng đập báng súng lên đầu cha. Ông gục xuống, bất động… Tôi ngồi núp trong bụi rậm, nước mắt đầm đìa…

Tôi rờ rẫm soát lại coi các dây có còn cột chắc vào thân không rồi lại nhắm mắt, miệng lâm râm khấn cầu Cha mình.

Bóng tối dày đặc làm tôi sợ quá.

Sợ quá ? Lẽ tất nhiên ! Sợ có thua đêm nào :

Khi nghe những tiếng súng nổ chát chúa đây đó và tiếng chân chạy sầm sập rất gần, tôi phóng mình xuống cái đầm nước ẩn núp. Một con ễnh ương nhảy ngang qua mặt và đậu trên vai tôi, tôi hất nó qua một bên. Dưới ánh trăng thấp thoáng bóng một tên bộ đội ôm súng chạy qua chạy lại trên bờ mương. Hắn hét lớn, bắt lấy nó, bắt lấy nó, giọng đằng đằng sát khí, giọng the thé của một người nữ miền Bắc. Quá hoảng sợ, tôi thụp đầu lặn dưới những cánh bèo… Trên kia, tiếng súng nổ càng lúc càng nhiều, và người qua lại hình như đông hơn, vì tôi nghe họ nói năng rổn rảng, chửi tục om sòm. Giọng của một đám đàn ông. Chúng báo cáo đã bắn được hai người.

Thỉnh thoảng tôi vén bèo trồi lên mặt nước để thở rồi lại hụp sâu. Tôi nằm trong nước như thế suốt đêm.

Khi bọn bộ đội đã kéo nhau đi hết, tôi lú đầu lên, hú hồn mình đã thoát nạn.

Trong đêm vắng thỉnh thoảng nghe có tiếng chó tru ma, tiếng ếch nhái kêu ồm ộp. Lúc này tôi mới cảm thấy lạnh cóng. Lết lên bờ, tôi cuốn lá chuối khô vào mình rồi bò vào ổ rơm gần đó để trốn tiếp.

Trời hừng sáng, tôi vội vã ra đường cái đón xe Lam… Xe chạy về chợ Bà Rịa…

Ngồi bên gánh hàng quà ăn tô bún dằn bụng, tôi nghe nhiều tiếng xầm xì bên cạnh. Có tật giật mình, tôi bỏ đi ngay, chui vào lồng chợ mua cái nón lá, mua đôi dép nhựa và vào cầu tiêu công cộng thay bộ đồ bà ba mới, vì áo quần tôi mang trong người vẫn còn dính đầy vết đất bùn.

Tiếng phèn la đánh ỏm tỏi của bọn ba mươi mang băng đỏ, cùng với tiếng loa phóng thanh của đám công an khu chợ gióng lên rêu rao cho biết quân ta đã bắt được hai tên phản động ngụy đêm hôm qua. Tôi chen chúc trong đám đông để xem chúng bày xác hai người nằm dài trên cái bàn dơ bẩn giữa chợ. Đầu và mặt của hai người quá cố được đậy lại bằng một vuông khăn xám nhàu nát.

Ẩn mặt dưới cái nón lá rộng vành, tôi cúi đầu đứng mặc niệm, nước mắt chảy như suối, vì hai người chết chẳng ai khác hơn là các anh N. T. Linh, anh T. N. Thủy, những chiến sĩ đồng nhóm, đầy nhiệt huyết, gan dạ, đấu tranh cho lý tưởng quốc gia trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Chúng tôi về họp nhau ở một địa điểm bí mật để phân chia công tác chống lại chính quyền đương thời, thì bị phá tán, xảy ra cớ sự…

Dưới trời nóng chang chang, một tên đầu sỏ đứng đọc bản án kết tội hai kẻ phản động. Cuối cùng để dằn mặt dân chúng, hắn đưa súng dí vào màng tang của anh Linh. Mọi người nín thở bưng tai chờ đợi. Nhưng hắn chỉ dọa thế thôi rồi gọi thuộc cấp mang hai tử thi đi…

Trong lòng tôi vết thương này chẳng bao giờ lành. Xin anh em hãy tha thứ cho tôi chưa hoàn thành được nhiệm vụ ngày xưa, chưa làm được những điều muốn làm.

Cái đau xé thịt phát ra từ ngực lôi tôi về với hiện tại. Mồ hôi toát ra ướt đẫm áo. Hai hàm răng tôi đánh lập cập. Tay chân tôi run lẩy bẩy. Hơi thở phát ra từng luồng nóng hổi. Lạnh quá. Lạnh quá. Lạnh chết được !

Tôi biết mình đang bị cơn sốt hành. Có lẽ vết thương ở ngực đang làm độc, hay tôi đã nhiễm phong hàn ? Đôi lúc tôi muốn chồm dậy giật tung hết những dây nhợ ra, lao mình xuống hố kết liễu cuộc đời. Nhưng tay chân tôi quá bải hoải không thể nào nhấc lên nổi…

.

8.

Ngày lại về.

Tôi cựa mình thức dậy, hé mắt thấy nắng đang nhảy múa trên những ngọn lá. Chưa bao giờ tôi thấy ghét nắng thậm tệ như lúc này. Chính ánh mặt trời đã đưa tôi vào cảnh khốn cùng hôm nay.

Một giòng nước dãi chảy ra khoé miệng. Tôi quệt môi. Bàn tay xanh lè chất nước sền sệt. Nhớ lại đêm qua tôi sốt quá. Trong cơn điên cuồng tôi đã túm lá nhét đầy miệng, nhai ngồm ngoàm. Có lẽ vì đau, vì đói, vì khát quá độ. Cũng may, không phải là lá độc.

Tôi ôm ngực từ từ ngồi dậy, dáo dác nhìn tứ phía. Đám chim rừng vô tư líu lo chuyền cành nghe thật rộn tai. Và xa hơn chút nữa, có vài chú khỉ nhỏ ngồi chồm hổm nhe răng nhìn khách lạ. Chắc chúng đang kháo nhau, sao hôm nay rừng có con đười ươi bự chi bự ??? Với ý nghĩ này, tôi thấy lòng gợn lên chút vui. Tôi lấy tay làm dấu chỉ vào miệng mình, rồi ngửa tay như xin thức ăn. Bầy khỉ trơ mắt ngó tôi một lúc, rồi khọt khẹt chạy đi mất dạng.

Dưới xa, không thấy gì hết ngoài mầu lục mông mênh của cây lá. Giờ đây tôi cũng ghét cay ghét đắng cái mầu này. Nó ngăn tôi với thế giới đồng loại, nó cô lập tôi với mọi thứ.

Dẫu muốn, với tình trạng bị thương và đau ốm như hiện nay, tôi không thể tụt xuống cây. Mỗi cái nhúc nhích đều làm cho ngực tôi như có muôn ngàn kim đâm nhói. Cũng may khi trườn ra xa một chút, tôi bắt gặp hai tổ chim. Một tổ có năm cái trứng vỏ mầu xanh dương. Tổ kia có một bầy chim non mới ra ràng. Không chần chờ, tôi vớ ngay tất cả, dấu vào túi áo.

Tôi bỏ quả trứng vào mồm, nhai luôn vỏ. Chất béo của trứng làm mắt tôi sáng rỡ ra, tôi có cảm tưởng như mình mạnh hẳn lên.

Tôi bốc những chim con ra khỏi túi, ngắm nghía nhìn. Trong lòng bàn tay tôi, mình chúng đỏ hỏn, lơ thơ một đám lông tơ. Đôi mắt chúng nhắm lại nhưng mỏ thì cứ há chìa ra, quơ bên này quơ bên kia tìm ăn. Tội nghiệp quá, chúng đâu biết chúng đang là miếng mồi cứu tôi trong lúc thập tử nhất sinh này. Mới ít giờ trước đây thôi, khi bụng đói quay quắt, tôi đã có ý nghĩ cắn ngay thịt mình để ăn, rồi ra sao thì ra. Hóa ra khi bị dồn đến con đường cùng, bất cứ điều gì cũng có thể làm

Buổi trưa, có tiếng máy bay vù vù đâu đây. Quên cả đau, tôi đứng phắt dậy. Quả thật đàng xa kia thấp thoáng một chiếc phi cơ nhỏ đang bay về hướng tôi. Thật không có gì vui mừng hơn.

Nước mắt chan hòa, soát lại các dây chung quanh mình, tôi lần mò bò ra khỏi vòm lá, nhưng rồi lại thất vọng não nề. Mặc cho tôi hét lên cầu cứu khản cổ, phi cơ đảo qua đảo lại vài lần rồi mất biến sau dãy núi. Họ không thấy tôi. Họ không nghe được tôi.

.

Nắng đã tắt và bóng tối ngự trị vùng không gian rộng lớn. Tôi run rẩy trùm cái áo lủng lưng lên đầu. Cũng như đêm trước, tôi rúc trốn trong vòm lá rậm.

Càng lúc núi rừng càng thâm u bí hiểm. Khi trăng lên, tiếng sói tru và tiếng con gì gầm nghe rợn người, sởn tóc gáy. Tôi dán chặt mình vào thân cây, đầu óc cố nghĩ đến một kỷ niệm nào đó để lấp cơn sợ.

Tình hình ở Sàigòn lúc đó rất găng. Nhiều người thân thích và bạn bè đã dần dần bị bắt. Tay bồng tay bế các con, tôi tìm đường thoát thân và có lúc đã bị tóm cổ. Các con còn quá nhỏ không kham nổi đời sống thiếu thốn của cảnh tù tội, nên khóc la suốt ngày. Nhờ thế sau hai tháng bị bắt giam ở Vũng Tàu, tôi và các con được phóng thích. Sau ngày được thả, tôi phải đương đầu với chính quyền địa phương, bị đưa ra tòa án nhân dân với tội danh phản quốc.

Màn đấu tố thời 1954 lại được tái diễn. Hơn trăm người tề tựu ở một sân trường đường Kỳ Đồng. Tên công an phường đập bàn, hết lời thóa mạ, yêu cầu nhân dân lên án tôi để làm gương cho những kẻ khác,
-Chị kia, hãy xưng tội với nhân dân.
Tôi ấp úng,
-Thưa vâng, tôi tên là…, có chồng ngụy quân đang học tập cải tạo. Tôi và các con hiện cư ngụ tại 126 C đường Nguyễn Văn Trỗi… hộ khẩu thuộc phường năm quận ba thành phố Hồ Chí Minh… xin nhận tội với bà con cô bác và xin bà con cô bác tha thứ. Tội của tôi là tội ích kỷ, tham sống sợ chết, hèn nhát không ở lại cùng bà con cô bác để chia sẻ những đói ăn, khổ cực. Tội của tôi là tội của bọn trí thức tiểu tư sản ti tiện, chỉ biết lợi lộc cá nhân, chạy trốn đi tìm sung sướng cho riêng gia đình mình…
Tên công an ngắt lời,
-À chị này láo nhé, nói xóc nói mánh cái gì thế, tội chị đáng xử tử để làm gương cho kẻ khác…
Hắn tiếp lời,
-Theo báo cáo nhận được, chị trước kia đã cùng sinh viên Sàigòn xuống đường chống Thiệu Kỳ. Như vậy chị đã có công với Cách Mạng. Sao bây giờ lại quay đầu bỏ trốn ? Hừm, bác và đảng đã giải phóng cho dân miền Nam được thoát khỏi sự đè đầu thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, chị phải hãnh diện ngửng đầu lên. Hắn đưa tay lên hô to,
-Không gì quí hơn Độc Lập Tự Do. Hồ Chí Minh muôn năm ! Hồ Chí Minh muôn năm !
Dưới kia, nhiều cánh tay cũng đưa lên phụ họa. Nhưng tiếng “muôn năm” đáp lại nghe rất yếu.
Đương nhiên tôi ngửng đầu lên, tâm tình,
-Dạ trước kia tôi như Lục Vân Tiên, thấy chính phủ miền Nam tham ô nên bất bình. Khi Cách Mạng thành công, tôi chọn con đường ở lại để tiếp tay xây dựng đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh. Nhưng tôi thất vọng thấy Cách Mạng cũng tham ô quan lại hơn xưa, nên tôi buồn tôi đi…
Hội trường nín khe. Không ai có can đảm đứng lên sỉ vả tôi, vì qua tôi họ nhìn thấy hình ảnh rất gần của chính họ.

Cuộc đấu tố không thành công như cán bộ phường mong muốn, vì người dân thành phố Sàigòn cứng đầu hơn dân Bắc xưa kia. Vả lại sự giàu có của miền Nam đã làm cho những người mới tới thèm thuồng. Mầm mống chống đối cũng nẩy nở trong thâm tâm rất nhiều người dân cả hai miền, Nam và Bắc.

Nửa khuya, trăng thật tròn. Nhìn quanh đâu cũng thấy ánh sáng xanh lè. Bóng lá trên đầu tôi chập chờn tạo thành những hình ảnh kỳ lạ. Có lẽ tôi đang ở trong hoàn cảnh không bình thường nên đã trông gà hóa cuốc, tưởng tượng vớ vẩn chăng ? Chẳng lẽ có con ma rừng nào đang trêu ghẹo tôi, mà sao có tiếng con gì hí, con gì rít, dễ sợ thế kia ? Ôi chao con rắn, con rắn với đôi mắt như hai ngọn đèn nhỏ và cái lưỡi thè ra thụt vào mới khiếp. Nó đang trườn về hướng tôi. Tôi nằm sát nhành cây không nhúc nhích, người như đông đá. Nằm như thế, nín thở. Rất may, rắn bò đi chỗ khác…

Đêm ơi đêm, sao đêm dài vô tận thế kia ?

.

9.

Đã bốn ngày bốn đêm trôi qua.

Ngày nào tôi cũng nghĩ nát óc để tìm cách làm tín hiệu liên lạc với máy bay. Có lúc, tôi cởi phăng cái áo, cột nó vào một cọng cây thật dài rồi đưa cây đưa áo lên cao. Gió thổi làm áo bay như cờ. Được ít lâu áo tuột bị gió cuốn đi mất, trước khi máy bay đến. Thế mới cơ khổ !

Cả đêm nằm dầm mình trần trong sương, tôi bị nhiễm lạnh sưng phổi. Tôi ho sù sụ, ho thốc cả ruột gan. Tôi không phải là Tarzan, nên không thể chịu đựng được khí độc của núi rừng, xin thần rừng phải hiểu như thế. Xin đừng đày đọa tôi nữa.

Tôi khóc rấm rứt. Những ngày năm cũ lại về.

Cõng đứa con trai lên ba trên lưng, tay bế đứa một tuổi trước ngực, tôi gập mình lê từng bước nhỏ ra hướng mé biển, luôn né tránh ngọn hải đăng đang quẹt qua quẹt lại trên đầu. Hai đứa con gái tám và sáu tuổi đã bị thất lạc nơi nao. Chỉ còn con đường trước mặt phải tiến tới, cho nên dẫu chông gai có vướng vào chân cũng phải dẫm lên đi.

Đây là lần vượt biên thứ sáu, bằng mọi giá phải đi tới bến. Tôi nhủ thầm trong lòng như thế để vượt qua tất cả những hiểm nghèo đang rình rập.

Ra tới địa điểm ghe đậu là một kỳ công vì hai trẻ đeo trên mình quá nặng. Khi nghe được tiếng hai con gái kêu ơi ới, me ơi me ơi, tôi mừng quá mừng. Dưới trời lộng gió biển và sóng vỗ chập chùng, năm mẹ con ôm nhau, cùng sống chết.

Chiếc ghe con THR 8753, với máy ba mã lực, rời bờ Vũng Tàu trong đêm trời tối như mực, đưa bảy mươi lăm người chúng tôi ra đại dương, năm 1977.

Không buồm, không khoang, như chiếc lá mong manh, ghe vượt qua bao nhiêu sóng gió hãi hùng, có lúc tưởng như mọi người sẽ phơi thây trên biển cả hay làm mồi cho cá mập. Nhất là khi máy hỏng, nước biển tràn vào vì ghe bị lủng đáy…

Cách mấy giờ một lần, mỗi người được phát cho nắp ken nước uống. Riêng phần tôi chẳng có giọt nào vào bụng, vì đã nhường hết cho các con. Sau ba ngày chịu thiếu nước, tôi ngã gục. Giọt cam lồ nào đã tưới lên môi tôi thế kia để tôi được hồi sinh ?

Hỡi người lèo lái chiếc ghe năm xưa, xin tạ ơn người đã nhường ngụm cà phê hiếm quí để cứu tôi trên biển cả.

Cuộc vượt biên nào cũng trăm nghìn gian nan, và sự sống chết cách nhau trong gang tấc. Vậy mà tôi đã đứng dậy, đi trong phong ba bão táp của đại dương, cầm đuốc thắp sáng con đường tương lai cho các con. Vậy hà cớ gì hôm nay tôi phải chôn thây nơi rừng cao núi thẳm ?

.

Hôm nay là ngày thứ năm.

Năm ngày nhai lá đắng nghét, ăn chim sống, tôi như điên khùng. Sáng nào trưa nào máy bay cũng lượn lui lượn tới quanh đây rồi đi mất, tôi khóc muốn lòi con ngươi. Cha ơi mẹ ơi ! Thánh ơi thần ơi !

Quấn mình trong những dây leo và lá rừng, tôi đứng sật sừ trên ngọn cây, tóc tai bù loa. Tôi như con mụ đồng bóng rẻ tiền, đọc thần chú chưa thông, ê a câu kinh trật lất, nên lời cầu xin không linh. Tôi lảm nhảm, khi khóc khi cười. Chán quá, tôi bứt hết lá trên mình xuống.

Ai ngực trần đứng đó, khỉ không giống khỉ, người không giống người. A, bà chỉ còn có cái quần, cho nó đi luôn. Bèn cởi quần jin ra, cột thật chắc vào cành đưa lên trêu trời.

Hai ống quần đong đưa bay qua phất lại phong phanh như hình giả nhân đuổi chim ngoài ruộng.

Môi tôi sưng vù, tím ngắt. Hình như thịt chim độc làm thân thể tôi nổi ngứa khắp nơi. OK, OK, tôi chết cửa tứ rồi, tôi hết đường chạy rồi. Tôi đã đến gõ cửa thần phù.

Lão Thần Chết kia đâu, đưa lưỡi hái ra hóa kiếp cho ta…
………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………….
…………………………………………..

Ai vỗ vào má làm tôi tỉnh dậy. Có phải là tôi đã tỉnh dậy thật không, hay đây chỉ là một giấc mơ ?

Cây lá chung quanh tôi chuyển động mạnh vì quạt gió của máy bay trực thăng đang vù vù trên kia. Có người thòng qua người tôi một sợi dây nịt thật lớn. Thêm một nịt nữa còng qua cổ, một nịt khác cột vào hai chân. Ít phút sau, toàn thân tôi được nhấc bổng, rút lên cao…

.

10.

Tôi bao xe từ thành phố Portland đi về hướng Đông. Xe băng qua nhiều tỉnh lộ nhỏ rồi vào vùng trung nguyên tiểu bang Oregon. Xe trực chỉ về Bend, xứ của thông xanh ngút ngàn. Theo bản chỉ dẫn của cảnh sát, chúng tôi tìm đến một nghĩa địa xe hơi nằm sát bên vài hãng mua sắt vụn, cách Bend ba mươi dặm.

Chúng tôi đến nơi quá sớm, nghĩa địa chưa mở cửa. Đành ngồi chờ hơn hai mươi phút.

Người tài xế taxi mồi thuốc, ngập ngừng khơi chuyện. Anh hỏi tôi về tình trạng thương tích, vì trên người tôi vẫn còn mang băng bột quanh ngực.

“Bà bị tông xe à ?”

“Không. Xe tôi bị rơi xuống vực hai tuần trước.”

Anh ta quăng mẩu thuốc xuống đất, à lên,

“Ô, hóa ra người bị nạn là bà ? Tôi nhớ ra rồi. Báo chí và truyền thanh truyền hình liên tục tường thuật về sự mất tích của…”

“Vâng của tôi. Tôi có đọc lại các bài báo lúc còn nằm ở nhà thương. Tôi rất xúc động khi biết có vài trăm người đã tình nguyện đi vào rừng tìm cứu người bị nạn…”

“Chuyện sống sót của bà quả là một phép lạ.”

Tôi ứa nước mắt gật đầu.

Ngước mắt lên cao, bầu trời thật quang đãng, không gợn chút mây. Tôi thì thầm kể cho người ngồi bên cạnh nghe chuyện chiếc xe van của tôi. Ôi chiếc xe với bao nhiêu kỷ niệm thật đẹp thật buồn.

Có những ngày hết tiền chưa kiếm được việc làm, tôi đem tranh đi bán ở các chợ phiên vùng ngoại ô. Tôi treo tranh xung quanh thân xe rồi mở cửa đẩy cái đàn piano ra. Như người sơn đông mãi võ trong truyện Tầu, tôi ngồi đàn cho khách đi qua người đi lại nghe. Thiên hạ bu lại tò mò xem tranh nghe nhạc. Thế cũng kiếm được bộn xu. Buổi tối lái xe về.

Có lúc đường đi xa quá, lúc tấp lại quán khuya bên đường, mới khám phá xe đã kéo theo một cột đèn khi tạt vào đổ xăng. Hú hồn là trạm xăng không phát nổ và cũng chẳng có cảnh sát công lộ bám đuôi.

Tôi mỉm cười,

“Thế là hì hục tháo gỡ cái cột đèn ra, xong lên xe phóng chạy ngay, khỏi phải ăn uống gì cả.”

Tôi lại say mê kể những ngày lái xe lên núi tuyết Mt Hood, ngồi hằng giờ để săn ảnh. Chờ lúc mặt trời chênh chếch bên ngọn núi, ánh nắng chảy xuống lườn núi tuyết một vệt vàng cam tuyệt kỹ. Thu một cuộn phim đầy đủ góc cạnh về cái ánh sáng nhiệm mầu ấy. Về nhà rửa ảnh ra không vừa ý, lại trở lên núi tuyết nằm chờ. Chờ mãi, làm mãi, cho đến khi ảnh được như ý muốn, mới thôi.

.

Mặc dù được chỉ dẫn rất rành mạch, chúng tôi đi loanh quanh một lúc mới tìm được chiếc xe van ngày nào đang nằm trong một hóc xa không ai thèm ngó ngàng đến. Sở dĩ thế, vì nó hoàn toàn bị nát, không còn gì đáng giá để cho người dùng lại được. Nó hoàn toàn trở thành một khối sắt vô dụng.

Trước mắt tôi, nó nằm đó, nằm buồn hiu. Chiếc đầu tông quá mạnh vào gốc cây làm hai cái sừng không còn nữa. Đèn vỡ và kiếng trước cũng vỡ tan tành. Có lẽ tôi đã bị hất ra ngoài từ cái lỗ hổng đó.

Cửa bị bẻ quặp ngược ra phía sau, để tất cả đồ đạc vật dụng văng tung ra hết. Người ta đã tìm được xác cây đàn piano bên một bờ suối.

Chiếc xe van bây giờ trở lại với hình dạng nguyên thủy, rỗng ruột, toang hoang. Có nhiều nơi mầu xanh rêu bị lột lòi ra mầu vàng nghệ, và có một vài mảng đỏ lòi ra ở cửa xe.

Vàng và đỏ ! Tôi cúi đầu, nước mắt cay xè. Hai mầu sắc này, dù ở dưới thể chế nào, cũng vẫn là mầu sắc của lá cờ nước Việt Nam, nơi tôi đã được sinh ra và khôn lớn.

Tôi quì xuống ôm xe tấm tức khóc. Người tài xế taxi cũng ngồi xuống, có vẻ ngạc nhiên về tình cảm của người Á Đông.

Ông nói, “Chắc hãng bảo hiểm sẽ đền cho bà cái xe khác tốt hơn.”

Tôi lắc đầu,

“Không có gì đền được những gì quí thuộc. Nó là con trâu của tôi, nó là quá khứ của tôi, ông hiểu chưa ?”

Lẽ dĩ nhiên làm sao ông hiểu được ?

.

HKKM
Dec 18, 2006