Catégories
Prose

Trường Blaise Pascal cũ và Thành Điện Hải xưa

Hồ văn Hiền (BP65)

.
Nhân tìm hiểu về quá khứ địa điểm trường Blaise Pascal, tôi tìm gặp được một số tài liệu liên hệ tới Đà nẵng và khu đất tạI góc đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú) và Quang Trung, trước mặt cercle sportif cũ, mà bây giờ trên bản đồ thành phố cũng ghi là trung tâm thể dục thể thao.

Điểm thứ nhất làm tôi thắc mắc trước đây là cái tên Tourane, nghe có vẻ Tây, của Đà nẵng. Chúng ta biết thị trấn này đã là một đồn lũy lâu đời của Việt nam dưới Chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Cách đây mấy năm, trong một bài báo về Đà nẵng, học giả Thái Văn Kiểm có giải thích nguồn gốc tên này như sau : “Nguyên địa phương có tên là Thạch Giản, viết bằng chữ Hán hoặc nôm na ná giống chữ Tu Giản. Những người thông ngôn cho Pháp hồi đó, đọc lộn thành Tu Giản, và do đó người Pháp đọc trại là Tourane. Theo Đặng Tiến (BP 61), sách Lịch sử Thành Phố Đà Nẵng,( của nhiều tác giả , Nhà Xuất Bản Đà Nẵng, 2001, trang 30) cũng nói trường Blaise Pascal nằm trên địa diểm cũ của thành Điện Hải.

Thắc mắc thứ hai là kiểu thành lũy Vauban mà chúng ta thấy trong trường cũ của chúng ta. Từ cửa chính, hướng đông, đi vào, chúng ta qua chiếc cầu nhỏ bắt qua một cái hào lớn, bên phải có nhà Ông Menguy. Rẻ qua phải, có nhà thờ nhỏ cất trên một mặt bằng cao, nằm trên một góc thành. Nhà thờ nhỏ (chapelle) này là nhà nguyện đầu tiên cho quân đội Pháp (nhà thờ Con Gà chỉ được xây năm 1923, thuộc giáo phận Quy Nhơn – theo Đặng Tiên). Từ trên nhà nguyện nhìn xuống môt bức tường gạch thì thấy sân vận động của chúng ta hồi đó, có kiến trúc bằng sắt (xây sau 1957), như cái cầu khỉ để leo dây, đi thăng bằng, vv… và có cái phòng thay áo quần cho học sinh tập thể dục (vestiaire), không phân chia ra nam nữ vì hồi đó thể dục trai gái học riêng. Rẽ qua trái thì hồi đó có nhà château d’eau và ngôi nhà nhỏ các nữ sinh nội trú ở, ngay trên góc thành phía nam.

Như vậy, thành quách trong trường chúng ta mà nay ta trở lại gọi bằng tên lịch sữ là thành Điện Hải, xây theo kiểu Vauban, tương tự như Hoàng Thành ở Huế. Tại sao, ngay cả trước khi Trung tướng Rigault de Genouilly đến Đà Nẵng ngày 31 tháng 8 năm 1857, và sau đó tấn công cửa biển này của Việt nam chúng ta lại có những thành lũy như thành Đà Nẵng xây theo lối Tây phương ?

Một số dữ kiện và phân tích mới đây của Frederic Mantienne trong bài báo “The Transfer of Western Military Technology to Vietnam in the Late 18th and 19th Centuries : the Case of the Nguyens”, được đài BBC Việt ngữ trích dẫn trong một bài viết dài giới thiệu về kỹ thuật xây thành đắp lũy và tàu chiến của Việt nam thời Vua Chúa nhà Nguyễn.

Nhờ những người Pháp hậu thuẫn cho Nguyễn Ánh trong thời gian chống Tây Sơn cuối thế kỷ thứ 18, một số kỹ thuật về quân sự như xây đồn lũy, sữ dụng tàu chiến dùng hơi nước, súng đạn theo lối tây phương đã được truyền (transferred) lại cho giới lãnh đạo nhà Nguyễn và đóng vai trò đáng kể trong sự đánh bại Tây sơn. Sau này, trong thời kỳ xây dựng phòng thủ sau khi Gia Long lên ngôi (1802), các thành lũy Việt nam thường được xây theo lối Vauban , nổi tiếng nhất là thành Huế, và hàng loạt các thành khác từ nam chí bắc. Đáng chú ý hơn nữa là những thành xây từ đời Minh Mạng (sau 1822), lúc mà các chuyên gia người Pháp ở Việt nam không còn bao nhiêu, Việt nam có biến cải kiến trúc Vauban để phù hợp với sở thích địa phương và cũng theo các tiến bộ về võ khí chiến thuật tại Âu Châu. (Vauban : thống chế Pháp (1633-1707), tên là Sébastien le Prestre de Vauban, là Commissaire Général des Fortifications và là người phụ trách phòng thủ nhiều thành lũy biên giới Pháp và chỉ huy nhiều cuộc bao vây phong toả (sìeges) thành phố Lille, Namur… dướI thời Louis XIV. Theo Le Petit Larousse.) Thành Huế khởi đắp năm 1805, lúc đầu bằng đất, đến năm 1818 mới xây gạch cho đến năm 1824 mới hoàn tất. Chu vi gần 10 km, mỗi mặt dài chừng 2.5km. Thành cao 6m, rộng 20m, hào rộng 22.8m, sâu 4m (theo Thái Văn Kiểm, Cố Đô Huế, 1960).

Thành trì nằm trong khu vực trường Lycée Blaise Pascal cũ là thành Điện Hải được xây vào năm 1823 .Theo Đặng Tiến, Pháo đài hoặc Đồn Điện Hải nhỏ hơn và gần biển hơn, được xây năm 1913 dưới thới Gia Long, dưới quyền điều khiển của Tả Quân Nguyễn Văn Thành (1757-1817). Vậy có lẽ sau này (1823) đồn dược dời về một vị trí cao hơn ( tại vị trí Trường Blaise Pascal) và xây dựng qui mô hơn dưới sự điều khiển của ngườI khác, sau khi Nguyễn văn Thành đã mất .Chu vi Thành Điện Hải chừng 1/5 thành Huế, thành chỉ thấp hơn ở Huế một mét và hào cũng nông hơn một mét, công trình đáng ngạc nhiên vì Huế là kinh đô thời đó và Đà Nẵng ít quan trọng hơn nhiều. Theo Danang City News thì Bảo Tàng Viện Dà nẵng đã chi một tỹ đồng VN (tháng 9 năm 2004) để đào lên và sửa sang những bức thành phía Bắc và Nam của Thành Điện HảI và cũng ghi là thành xây vào năm thứ ba Triều Minh Mạng (1823).

Theo Việt sử Toàn Thư của Phạm văn Sơn thì ngày 01 tháng 9 năm 1857, Pháp gởi tối hậu thư cho Việt nam đòi phải nộp hết cả đồn ải. ”Quá thời hạn, Pháp nổ súng, Việt nam chống lại, nhưng nửa giờ sau ngừng bắn. Chỉ hai hôm, cửa Đông và cửa Tây thành Dà Nẵng bị phá hủy. Quân Pháp vào chiếm đóng.” ( Hiện nay tường Đông, tức là phía đường Độc lập củ, nay là đường Trần Phú, nhìn về bờ sông Hàn, và tường Tây còn nguyên vẹn, chắc sau trận này Việt nam đã xây lại). Sau đó vua ta gởi Nguyễn Tri Phương (1799-1873) lập đồn Liên Trì, đắp lũy dài từ Hải Châu đến Phước Ninh, Thạch Giản, chặn bước tiến người Pháp. Tướng Genouilly thấy đánh Đà nẵng không thuận lợi nên rút lui. Sau này (1860) Pháp đổi hướng, đốt đồn trại tại Trà Sơn và rút về Gia Định. Cũng năm 1860, Nguyễn Tri Phương được đổi vào Gia Định và đề cử Phan Thanh Giản và Nguyễn Bá Nghi thay mình trông nom việc quân thứ ở Quảng Nam. (Theo Trịnh văn Thanh, Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển)

Như vậy, địa điểm trường Blaise Pascal, một trường học của Pháp cho học sinh Việt nam, đã từng giữ một vai trò lịch sữ trong bang giao Pháp Việt và đã gắn liền với tên tuổi của những anh hùng như Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản. Để tóm tắt, xin trích đoạn sau từ website của Thành phố Đà nẵng.
“Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823 (Minh Mạng thứ 4) cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao. Đồn được xây bằng gạch. Năm 1835 (Minh Mạng thứ 15) đồn đổi tên là Thành Điện Hải. Năm 1840, Tham tri Bộ công Nguyễn Công Trứ vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó có đề nghị tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải. Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, thành cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía Nam (cửa chính), một cửa mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, có kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành xây bằng gạch theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông. Hiện nay, di tích thành Điện Hải tọa lạc tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Tường thành phía Tây, Đông và các góc tương đối còn nguyên vẹn. Cửa thành phía Nam đã mất và phía Bắc đã hư hại. Gần đây, di tích thành Điện Hải được trùng tu, gia cố, phục hồi lại nguyên trạng….

Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây, để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố. Thành Điện Hải đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia ngày 16.11.1988, được gắn bia di tích ngày 25.8.1998. (dananggov.vn)”

Hồ Văn Hiền (BP65)
Ngày 28 tháng 2, năm 2004
(cập nhật ngày 3 tháng 4 năm 2005)