Catégories
Prose

Tôi học trường Tây

Mấy chục năm sau khi rời mái trường trung học ở Collège Francais de Tourane, mới gần đây đọc báo điện tử ở Việt nam, tôi lại thấy nay phong trào cho con đi học “trường tây” lại bộc phát dữ dội. Qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bao nhiêu ý thức hệ đổi dời, giờ đây ở Việt nam , từ giới không mấy giàu cho đến giới làm ăn ra tiền, thiên hạ có vẻ đang chen nhau thắt lưng buột bụng để con mình được vào một trong những trường có chương trình không phải là chương trình căn bản của nhà nước, học trình dạy bằng tiếng ngoại quốc (Anh, Pháp, Nhật..), rất đắt tiền (dù so vớI giá cả ở Mỹ). Một số lý do cha mẹ nêu lên là : chương trình ít từ chương và nhồi sọ hơn, trẻ được học tánh tự lập, học nhiều môn cần thiết cho đời sống mới thực tế như biết tranh luận, biết dùng computer, biết tự mình khảo cứu một vấn đề, biết nói ngoại ngữ lưu loát , được học thể dục thể thao tốt hơn, về nhà cha mẹ khỏi mướn thêm để dạy kềm.. Thì ra, lúc tóc đã bạc đầu, tính đi tính lại, thấy bố mẹ mình hồi xưa xem ra cũng …có lý ; mặc dù hồi đó đôi lúc mình thấy có nhiều điều không ổn lắm.

Tôi vào trường College Francais de Tourane lúc tôi mới mười tuổi. Nhà tôi ở Huế, phải đi “taxi” (hồi đó những xe traction cũ, hiệu Citroen, chở cả 14-15 người đi từ Huế vào Đà nẵng gọi là xe taxi). Tôi vừa học xong tiểu học trường Việt, chỉ từng thấy những người Pháp quen với ba tôi lại nhà chơi ở trên lầu, vốn liếng tiếng Pháp của tôi chỉ gồm một số ngữ vựng (vocabulaire) nhờ ba tôi và các anh chị bắt học thuộc lòng từ hồi năm sáu tuổi gì đó. Về phần đàm thoại thì có lẽ… khỏi nói, thời đó chẳng ai dạy con nít đàm thoại, và thêm nữa đọc tiếng Pháp theo giọng Huế chắc cũng hơi tội nghiệp cho người Pháp.

Ở Mỹ hiện nay, về giáo dục con nít, người ta thường coi việc đưa một đứa nhỏ ra khỏi môi trường văn hóa gốc của nó (như con nít Mỹ đen mà đem cho Mỹ trắng làm con nuôi , hoặc bắt trẻ da đỏ đi học trường đạo tin lành của Mỹ trắng) là một điều cấm kỵ, nhiều khi sau này còn bị kiện như trường hợp những người Da Đỏ ở Canada bị các bà xơ tập trung về trường ép buộc biến thành người da trắng. Sau này, lúc lên đại học, nhân đọc một bài báo của Thế Uyên gọi dân trường Tây là “les déraciniens”, tôi nhớ mình cũng hơi áy náy vì “mặc cảm tội lỗi”. Nhưng, như đã nói ở trên, mình vẫn. ..không sao, vẫn trả nợ nước như mọi người trước khi buộc phải xa xứ. Bây giờ, hình như lại rất nhiều người ở Việt nam còn muốn con cái được như mình hồi xưa (đi học trường Tây), với một cái giá cắt cổ hơn nhiều, vậy xem ra dưới mặt trời cũng không có gì là lạ, và nghĩ lại, thật biết ơn cha mẹ mình đã hy sinh rất nhiều cho con cái.

Dù sao thì hồi đó tôi cũng có khi hãnh diện là mình học trường Tây. Đầu năm học, được đi lảnh sách Pháp chở đầy một xe xích lô, sách bìa cứng, in màu, đẹp, trong lúc sách giáo khoa tiếng Việt hồi đó còn ít ỏi. Trong lúc các trẻ khác nghỉ hè, nghỉ Tết theo cuộc sống ở Việt nam thì mình nghỉ Noel và Tết tây kéo dài. Phục sinh ai cũng đi học cả thì mình được nghỉ đến hai tuần, và nghỉ hè thì cũng theo những học trò ở bên Pháp, trong lúc các bạn ở Việt nam còn đi học. Ai có ngạc nhiên tại sao mình đi chơi trong lúc trẻ khác đi học thì nghiễm nhiên trả lời “tui học trường college”. Một phần vì ở nội trú, xa cách nếp sống điển hình của gia đình Việt nam, một phần vì chương trình học gần như hoàn toàn là của Pháp, dần dần mình trở thành dân trường tây “thứ thiệt” mà không hay !

Lúc đầu, mỗi lần nói một câu xin thầy Marcon (lóp septième spéciale) là cả một đắn đo, tính toán ghê gớm cho một đứa trẻ chưa bao giờ ra khỏi nhà cha mẹ và bắt buộc “lội” trong một thứ tiếng hoàn toàn mới lạ. Trong lúc đó thì những bạn cùng lớp như Vĩnh Từ, Thu Thu, Cẩm Vân và Thu Thủy theo học trường tây từ thời jardin d’enfants lại đứng lên đọc các théorème như gió, buồn cho phận mình không bao giờ mới nói tiếng Tây cho lưu lóat được. Ngược lạI, lúc cần diễn tả một đề tài nào đó bằng tiếng Việt thì lại phải chêm tiếng Pháp rất nhiều, như làm composition, học sciences… không khác gì trẻ con chúng tôi ở Mỹ hiện nay pha trộn tiếng Anh vào tiếng Việt rất nhiều.

Mà cũng khó thật, nhất là bây giờ chứng kiến cách các trẻ em Việt nam tại Mỹ hội nhập một cách nhanh chóng vào xã hội Mỹ. Chúng dùng tiếng Anh trong lớp đã đành, mọi sịnh hoạt khác đều là trong một xã hội Anh ngữ, từ đi chợ, vào tiệm ăn, đọc tờ báo, lại thêm các phương tiện truyền thông thính thị (audio,video) tạo thành một sự “đắm mình” (immersion) thật sự trong Anh ngữ cho nên chúng “bắt” được tiếng Anh thật nhanh. Chúng tôi hồi đó thì khác hẳn, trường tây thì chỉ tây ở lớp thôi, vì ở nộI trú nên chúng tôi mất hẳn sự hổ trợ của một nếp sống gia đình Việt nam bình thường, thiếu tác động về ngôn ngữ, tinh thần và tâm linh của một cuộc sống của một đứa trẻ trong một gia đình bình thường. Nói một cách khác, thật sự chúng tôi một phần nào trở thành những kẻ xa lạ trên chính quê hương mình, bị tha hóa về văn hóa. Như trường hợp Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore nhận xét về chính bản thân ông, xuất thân từ trường của người Anh và xa lạ với văn hóa người Tàu.

Thât sự thì vấn đề “tha hóa” cũng chỉ tạm thời thôi, vì sau đó, dù muốn dù không, giống như tất cả thanh niên thời đó chúng tôi sẽ phải dấn thân vào thời cuộc xã hội Việt nam đang đợi ngoài cổng trường Tây của mình. Đến lúc đó những hành trang mang theo từ trường Tây lại trở nên vô cùng quí giá trong cuộc sống .

Chương trình trường Tây là một cánh cửa mở rộng vào thế giới hồi đó. Ngay lúc còn ở Việt nam, dù xấu dù tốt, hay hay dở, chúng ta vẫn có một cách nhìn đời hơi “Tây”. Sách vở bằng tiếng Việt vào những năm 1960 vẫn còn ít ỏi, trong lãnh vực khoa học cũng như văn học. Một số bài về văn học mà tôi tìm đọc hồi đó cũng có vẻ như viết theo văn phạm, cú pháp (syntax) Pháp và còn giống văn dịch từ tiếng Pháp. Ngay những lúc mà các nhân vật lãnh đạo như Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ cố gắng ngoài mặt xoá bỏ những dấu vết của cái gọi là văn hóa thực dân, chính bản thân họ cũng hãnh diện ra mặt là mình nói tiếng Pháp và được đào tạo trong lòng văn hóa Pháp.

Lúc tôi tốt nghiệp trung học, trường đại học khoa học đã dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ , tuy nhiên kỳ thi vào y khoa vẫn cho phép viết bằng tiếng Pháp. Từ năm y khoa đầu tiên trở đi, các bài giảng đều bằng tiếng Pháp, cho đến mấy năm sau thì các cuộc tranh đấu của sinh viên mới đổi chuyển ngữ thành tiếng Việt ; tuy nhiên sách vở vẫn bằng tiếng Pháp, các hồ sơ bịnh lý trong nhà thương vẫn còn viết bằng tiếng Pháp cho đến lúc tôi ra trường. Nhớ lại ngày xưa, thật là một chế độ rất bất công cho những bạn học từ trường Việt nam, và thật là một sự ưu đãi lớn cho những người học trường Tây. Hơn thế nữa, sau khi phải bỏ xứ ra nước ngoài, trong thế giới càng ngày càng thu nhỏ lại, càng “toàn cầu hóa” trong những năm gần đây, cái nhìn theo “Tây” đó tỏ ra rất hữu ích cho cuộc sống hiện nay. Ngoài ra, sự hiểu biết sẳn có về tiếng Pháp giúp ích thật nhiều cho người di dân cần học tiếng Anh. Nhìn lại tôi càng thấy biết ơn những vị thầy của chúng ta đã từ xa nghìn dặm, đem đến cho thành phố Đà nẳng nhỏ bé của chúng ta những kiến thức khoa học mới mẻ, những nét đẹp của văn chương tây phương, những tư tưởng phóng khóang của khoảng giữa thế kỷ thứ hai mươi.

Bốn mươi năm sau, tình hình thay đổi hẳn. Tôi đang sống trong xã hộI Mỹ và tiếng Anh trở thành gần như một phản xạ (tuy lắm khi phản xạ chậm hoặc sai). Còn tiếng Pháp thì sao ? Mấy năm trước đây, tôi xúc động được đặt chân đến Paris lần đầu tiên trong đời. Con tôi vẫn biết tôi học “trường Tây” nên tôi phải cố gắng đánh bạo lòe chúng, nói vài câu tiếng Pháp với người lái taxi. Anh ta tưởng tôi là người Nhật và hỏi tôi học tiếng Pháp ở đâu. Tôi cũng mừng vì ngườI tài xế là “Tây thứ thiệt’ còn hiểu được mình nói gì. Nhưng tiếng Pháp của tôi chỉ còn chừng đó thôi, tôi cố gắng nói thêm vài lần nữa với vài người Pháp ở phi trường, nhưng họ cũng nhân đạo, trả lời tôi bằng tiếng Anh !

Nghĩ cho cùng, học trường Tây đâu phải chỉ để nói tiếng Tây, mà cũng không phải để trở thành Tây (nay tôi là “người Mỹ gốc Việt”, người Pháp tưởng tôi là Nhật. Học trường Tây là có dịp đi vào thế giới của suy nghĩ và tâm tình Pháp, của văn minh và nghệ thuật Pháp, và từ đó tìm hiểu và thưởng ngoạn những tiến bộ, những thành quả của văn minh thế giới. Đến tuổi này và nơi này, tôi vẫn là ngườI Việt nam, nhưng ngôi trường Tây (tuy trường hợp của tôi, chỉ vào trường Tây nửa mùa), tiếng Tây vẫn là những mối “ tình đầu” không bao giờ phai.

Hồ Văn Hiền (BP65)
Great Falls, ngày 27 tháng 2 năm 2005.

-  . Xin mờì các bạn lên mạng đọc các bài viết khác cùng những câu giải đáp về y khoa của anh Hồ văn Hiền – http://www.bshien.org

.