Catégories
Prose

Huy Cận trong Tôi

Tác giả Lửa Thiêng, Huy Cận vừa qua đời tại Hà Nội, lúc 21 giờ ngày 19 tháng 2-2005, thọ 86 tuổi.

Nhà thơ Bùi Giáng, 1926-1998, có kể lại cơ duyên đã đưa ông vào sự nghiệp văn chương : « vào năm 1943, trước đó một năm, hay chính vào năm đó, ở Việt Nam có thằng thiếu niên Việt gặp được một vần lục bát in rơi rớt trên một tờ báo bạn đường :

Tâm tình một nẻo quê chung
Người về Cố quận muôn trùng ta đi.

Hình như man mác trong không gian thường có những niềm tương ngộ. »

Bùi Giáng lúc đó không tiết lộ tác giả hai câu thơ. Nhưng nơi khác trong một bài dài ca ngợi thơ Huy Cận, ông đã dẫn chứng chính xác :
« Huy Cận là người đồng quận Nguyễn Du – Hà Tĩnh. Sông núi non nước kia đẹp dị thường ; và con người đất nước kia sống lận đận làm ăn cày cấy cũng cực nhọc dị thường. Giữa phong cảnh và con người từ đó liên miên có một cuộc đối thoại thiết tha không lời, về một nỗi đời bất khả tư nghì (…) Phong cảnh trong thơ Huy Cận là một loại phong cảnh đã khiến con người mở những cuộc « Lữ » huyền hoặc của Dịch Kinh…

Xa nhau mười mấy tỉnh dài,
Mơ màng suốt xứ đêm ngày nhớ nhung.
Tâm tình một nẻo quê chung ,
Người về cố quận, muôn trùng ta đi.

Nguyễn Du đã làm Liệp Hộ. Huy Cận đã đi muôn trùng. Mặc dù các ông có thể ngồi im lìm giữa một triều đình, các ông vẫn cứ thành tựu cuộc « Lữ » như thường, nơi một triều đình khác, riêng ở một góc trời miêu cương mạc ngoại.

Trông vời trời biển mêng mang
Thanh gươm yên ngựa lên đàng ruổi rong
Dừng cương nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon
Đi rồi khuất ngựa sau non
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu

Tiếng nhỏ thưa tràng đạc đó bàng bạc tịch liêu trong Lửa Thiêng cũng như suốt Đoạn Trường Tân Thanh, là khởi sự từ một duyên do uyên nguyên thăm thẳm, mà bấy lâu ta không ngờ tới, nên thường ngạc nhiên tự hỏi vì lẽ gì thơ Huy Cận lại đạt tới hai chóp đỉnh huyền diệu nhất ở hai cõi chênh vênh, thơ phong cảnh của ông không ai kịp, thơ tình yêu của ông khiến mọi thiên hạ đầu hàng ».

Bùi Giáng có khi viết theo cao hứng. Nhưng bài này ông viết có căn cơ và căn cứ, có tình có lý hẳn hoi. Ông thuộc thơ Nguyễn Du và Huy Cận ; và năm 1951 có ra sống ở Hà Tĩnh – là tỉnh phía Bắc Việt Nam xa nhất được ông đặt chân tới.

Ông thừa biết Huy Cận là nhân vật cao cấp của một chế độ mà ông không ưa thích. Ông cũng biết Huy Cận đang ngồi giữa « triều đình » và im lìm như một Nguyễn Du xưa. Một Nguyễn Du khi lìa đời 55 tuổi đã nói với con hai chữ « thôi được » ám ảnh Huy Cận :

« Thôi được ! lời chi quá xót xa » (1996).

Về Huy Cận, hay bất cứ một tác gia đương thời nào, trên đời này chỉ có Bùi Giáng mới dám viết lời phê phán nồng nhiệt như thế ; người khác dù nghĩ như thế cũng không ai dám hạ bút – kể cả Xuân Diệu, thiết thân với Huy Cận – « Những niềm tương ngộ » như lời Bùi Giáng, cõi đời này, nhất là trong xã hội Việt Nam ngày nay, không nhiều lắm đâu.

Về đoạn Tâm tình một nẻo quê chung, người đọc không tìm thấy văn bản trong các thi tập và tuyển tập Huy Cận. Có người ngờ là Bùi Giáng phịa – mà ông cũng thường phịa. Nhưng Thanh Tuệ, nhà xuất bản An Tiêm, cho biết đúng là thơ Huy Cận, có trong một bản chép tay in tại Paris năm 1983. Tôi dò lại thì đúng, và tìm hiểu thêm về vần lục bát in rơi rớt trên một tờ báo bạn đường. Đây là bài Cảm Thông, làm năm 1940 đăng trên tạp chí Bạn Đường ở Thanh Hóa, do nhóm Hướng Đạo của Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu chủ trương, đã đăng bài Nguồn Gốc Truyện Kiều của Đào duy Anh, thơ Trần Mai Ninh, do Lê Hữu Kiều (Nam Mộc) đứng tên, nghĩa là một cơ quan vận động chính trị, nhất định không in bài « rơi rớt ». Tôi bèn hỏi Huy Cận : « Người về cố quận muôn trùng ta đi », thời ấy anh đã bí mật tham gia mặt trận Việt Minh, vậy « muôn trùng ta đi » có phải là đi làm cách mạng ? Anh trả lời không phải. Lúc ấy, anh đi chung một chuyến tàu với một cô bạn gái thân thiết và đồng hương ; đến ga Vinh thì cô xuống xe về Hà Tĩnh, còn Huy Cận đi tiếp « Muôn trùng ta đi, là mình nói cho oai, chớ muôn trùng chi mô » lời Huy Cận.

Tôi rất phục ; cái ý đi làm cách mạng là do tôi đề xuất, anh chỉ cần giả vờ quên, trả lời ấm ớ là tôi sẽ hồ hởi dựng nên một kịch bản huyền sử cách mạng chung quanh bài Cảm Thông, ai biết đâu mà lần ? Những Độc Hành Ca của Trần huyền Trân, Tống Biệt Hành của Thâm Tâm đều tìm ra nguồn gốc cách mạng, thì « tâm tình một nẻo quê chung » thành tích quá đi chứ ! Nhưng Huy Cận không nhận thành tích đó. Tuy nhiên lúc tôi hỏi sao anh không cho công bố bài thơ hay này, thì anh không trả lời, chỉ nói qua loa : khi chọn in thơ, lấy bài nọ thì bỏ bài kia. Nghĩa là anh không muốn nói. Kỳ thật đây là bài anh tâm đắc, đã chép tay để phổ biến hạn hẹp tại Paris năm 1983.

Tôi có nêu lên một bài khác :

Đã chảy về đâu những suối xưa ?
Đâu cơn yêu mến đến không chờ ?
Tháng ngày vùn vụt phai màu áo
Của những nàng tiên mộng trẻ thơ

Bài Buồn này, không có trong các Tuyển Tập. Huy Cận cũng chỉ ậm ừ.

Khoảng 1978, tôi có mách anh trường hợp Bùi Giáng ngưỡng mộ thơ anh, bị bệnh tâm thần, đi lang bang và nói lảm nhảm tại Sài Gòn ; và yêu cầu anh lưu ý nhà chức trách địa phương đừng làm khó dễ. Anh hứa rằng sẽ quan tâm. Khi Bùi Giáng qua đời, Huy Cận có chính thức làm thơ phúng viếng. Việc nhỏ thôi, nhưng ở cái bát trận đồ văn học Việt Nam, nó có ý nghĩa. Cũng như bài anh viếng họa sĩ Nguyễn Gia Trí năm 1993 cũng là việc nhỏ, nhưng ý nghĩa.

Việc nhỏ khác : năm 1998, tình cờ Huy Cận và Phạm Duy cùng có mặt tại Paris. Nhạc sĩ muốn quan hệ, hỏi tôi số điện thọai, tôi tham khảo Huy Cận, và anh trả lời ngay : « Phạm Duy à ? Phạm Duy thì mình phải gọi anh ấy trước, chớ sao để anh ấy gọi mình ? » Sau đó vài giờ, Phạm Duy gọi lại tôi, giọng còn rơm rớm, kể đã nói chuyện với nhau cả tiếng. Huy Cận cảm ơn Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ Ngậm Ngùi làm cho nhiều người biết. Sau đó nhạc sĩ sưu tập 16 giọng hát bài Ngậm Ngùi nhờ tôi chuyển về nhà thơ. Tôi biết là Huy Cận chân thành, vì bài Ngậm Ngùi kể lại một mối tình có thật, anh « ngậm ngùi » vì cô gái đẹp đi lấy chồng. Anh có nói lên điều ấy và chính thức nhắc đến nhạc phẩm Phạm Duy năm 1993, thời mà không mấy ai trong nước nói đến tên Phạm Duy.

Năm 2000, một buổi chiều đi lang bang ở Paris với Huy Cận, tôi rủ anh gọi dây nói sang Mỹ thăm Phạm Duy chơi, từ phòng điện thoại công cộng. Tôi nhìn anh trong ca-bin : lúc đầu hùng hồn, khoa chân múa tay, về sau lấy khăn tay chậm lên mắt. Không biết hai ông nói chuyện gì, tôi không hỏi.

Những đề tài lớn về Huy Cận đã, và sẽ có nhiều người nói. Tôi kể lại vài kỷ niệm tuy nhỏ nhưng đã giúp tôi đánh giá anh dưới một góc độ riêng, và kết luận Huy Cận là con người tình nghĩa, chí tình và thật tình. Thậm chí có lúc thật thà như đếm.

Thơ Huy Cận đạt tới nghệ thuật cao, phục vụ hai đề tài chính : vũ trụ và tình người, bàng bạc từ Lửa Thiêng. Về sau, hai chủ đề này sẽ đậm nét và cụ thể hơn. Ngày nay, không còn ai phân biệt hình thức và nội dung. Nhưng về mặt giải mã ta vẫn có thể nói : ở Lửa Thiêng nội dung phục vụ hình thức, sau Lửa Thiêng, ngôn ngữ phục vụ ý tưởng. Nhưng dĩ nhiên, đây là cách nói, vì trong thơ hình thức và nội dung là một.

Các bạn thơ hiện nay, phân biệt thơ Việt Nam đang thịnh hành, làm hai dòng. Dòng thơ cũ gọi là « dòng nghĩa » quan tâm đến ý nghĩa, tình ý chứa đựng trong lời thơ. Và dòng mới gọi là « dòng chữ » đặt trọng tâm vào vỏ ngữ âm và từ dạng. Thơ Huy Cận thuộc vào « dòng nghĩa » nhưng vẫn mới mẻ, nhờ ý thức nghệ thuật cởi mở và sáng suốt, thường xuyên tiếp cận với thơ nước ngoài.

Đặc tính trong thơ Huy Cận là chất trí tuệ, giọng lừng khừng triết lý tạo ra cảm giác ưu tư. Trước kia là trí thức, dành cho một thiểu số độc giả chọn lọc ; bây giờ là trí tuệ, mở rộng cho đa số, gồm có các cháu thiếu nhi.
Chủ đề vũ trụ trước sau nhất quán ; trước kia là niềm rung cảm trước vô biên, sau này là tư duy về sự sống.
Chủ đề tình người trước sau như nhất, xưa kia là trữ tình, bây giờ thêm tính giáo dục trên nền tảng nhân đạo.

Do đó thi pháp Huy Cận có uyển chuyển theo từng giai đoạn, nhưng trước sau vẫn nhất khí.

*

Huy Cận là tên thật, họ Cù. Sinh năm 1919, không rõ ngày. Tư liệu hiện nay ghi là 31 tháng 5 là dựa theo giấy khai sinh thiết lập khi anh vào trường huyện, đã 8 tuổi.

Sinh quán và chánh quán là làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, nay thuộc về huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một làng trung du, tả ngạn sông Ngàn Sâu, dưới chân núi Mồng Gà cách đường xe lửa Nam Bắc khoảng 5 km. Tư liệu chính thức thường ghi : anh xuất thân từ một gia đình nhà nho, nghèo và yêu nước. Thật ra gia đình anh làm ruộng, khá giả và yêu nước ngang ngang với đa số gia đình Việt Nam khác. So với thế hệ, thì Huy Cận có học vị cao, sau học trình trung học tại trường Quốc Học Huế, anh tốt nghiệp Cao đẳng Nông Lâm tại Hà Nội, 1942. Thời học sinh đã nổi tiếng, có thơ đăng báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn (1938). Thời sinh viên, năm 1940, anh cho in tập thơ Lửa Thiêng, Đời Nay xuất bản, Xuân Diệu đề tựa, Tô Ngọc Vân trình bày. Đây là đỉnh cao trong sự nghiệp văn học của nhà thơ Huy Cận.

*

Từ 1942, còn là sinh viên, Huy Cận đã tham gia mặt trận Việt Minh và bí mật xây dựng Đảng Dân Chủ. Tháng 7 năm 1945, anh được triệu tập tham dự Quốc Dân Đại Hội, ở Tân Trào, Thái Nguyên và được bầu vào Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng Toàn Quốc, gồm có 15 người, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Đây là đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của chính khách Cù Huy Cận. Sau này anh sẽ đạt được nhiều danh vọng quang vinh khác, nhưng trong thâm tâm vẫn tự hào nhất về tập thơ Lửa Thiêng 1940, và hội nghị Tân Trào 1945, là nhà thơ, và chính khách trẻ tuổi nhất. Ủy ban Dân Tộc Giải Phóng sẽ mở rộng thành chính phủ Lâm Thời và Cù Huy Cận giữ chức Bộ Trưởng Canh Nông rồi cứ tiếp tục tham gia hội đồng chính phủ, thường thường với chức Thứ Trưởng rồi Bộ Trưởng Văn Hóa, từ 1984 đến 1987 – kiêm chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Liên Hiệp các hội Văn Học Nghệ Thuật. Có người nói : Huy Cận đạt thành tích, giữ nhiệm chức chính phủ dài lâu nhất thế giới !

Về mặt bang giao quốc tế, Huy Cận là một nhân vật chủ chốt của chính quyền Việt Nam trong việc trao đổi văn hóa với các nước Á Phi và Âu Châu, anh là ủy viên hội đồng chấp hành Unesco, Ủy viên hội đồng Cao Cấp Tiếng Pháp (Francophonie) ; trong những cương vị ấy, anh thường xuyên đi ra nước ngoài và tranh thủ được nhiều cảm tình và viện trợ văn hóa cho Việt Nam.

*

Gió thổi sân trường chiều chủ nhật ;
Ôi thời thơ bé tuổi mười lăm

Huế 1936. Trường Quốc Học Khải Định. Huy Cận học lớp Nhất Niên, bắt đầu viết cho các báo Tràng An, Sông Hương của nhóm Hoài Thanh, dưới bút hiệu Hán Quỳ. Năm ấy, Xuân Diệu từ Hà Nội chuyển trường vào học lớp Tam Niên (lớp cuối bậc Tú Tài). Hai nhà thơ quan hệ thân thiết đến độ có người ngờ là luyến ái đồng tính. Nhất là khi Xuân Diệu viết « Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine… » rồi bài thơ « Với bàn tay ấy ở trong tay… » đề tặng Huy Cận. Sau này Huy Cận kết hôn với em gái Xuân Diệu, về sau ly dị. Cùng học Khải Định thời đó, còn có giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, ca sĩ Minh Trang ; thầy của họ là Nguyễn huy Bảo, đã qua đời cách đây vài năm tại Paris. Ông Bảo kể lại rằng, 1938, Huy Cận đã được giải thưởng toàn Đông Dương (concours général) về Luận Pháp văn .

Huy Cận bắt đầu nổi tiếng từ Tết Mậu Dần 1938, khi báo Xuân Ngày Nay đăng bài Chiều Xưa (Buồn gieo theo gió veo hồ…) trong một khung báo cùng với bài Cảm Xúc (là thi sĩ nghĩa là ru với gió…) của Xuân Diệu. Việc có thơ đăng báo, dù là báo Xuân của Tự Lực Văn Đoàn, không lấy gì làm ghê gớm, nhưng Huy Cận rất đắc ý, và nhắc mãi. Bài Chiều Xưa làm năm 18 tuổi, là « đỉnh cao muôn trượng » trong nghệ thuật lục bát của Huy Cận, cùng với mấy bài cùng thời : Đẹp Xưa, Buồn Đêm Mưa, Ngậm Ngùi… Sau này thơ bảy chữ, tám thữ của anh vẫn còn nhiều bài hay. Riêng về nguồn lục bát trong thơ Huy Cận thì hoàn toàn nghèo đi. Đây là một chủ đề về thi pháp cần được nghiên cứu cặn kẽ, vì có tính cách lý thuyết.

Chiều Xưa gồm 5 cặp lục bát cách quãng :

Đồn xa quằn quại bóng cờ,
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về.

Ngàn năm sực tỉnh, lê thê
Trên thành son nhạt. – Chiều tê cúi đầu

Tôi nêu đôi điều ít người lưu tâm : « đồn xa » đây là đồn của Pháp đóng trên đèo Linh Cảm quê anh, nơi thực dân đã đốt xác Phan Đình Phùng, lấy tro nhồi vào thuốc súng và bắn ra biển. Phan Đình Phùng khởi nghĩa vùng quê Huy Cận, dân làng Ân Phú nhiều người là nghĩa quân. Vì vậy mới có hình ảnh «  quằn quại bóng cờ ». Và mới hiểu thấu đáo nỗi « buồn tự thời xưa thổi về » mà về sau Tố Hữu sẽ vay mượn để làm câu :
Đồn xa héo hắt cờ bay
Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng

(Tiếng hát đi Đày, 1942)

Nhưng hiểu là mang mang thiên cổ sầu, một cách chung chung cũng không sai.

Hai câu tiếp theo là câu vắt, enjambement, về cú pháp, câu trước tràn xuống câu sau, rồi dừng lại giữa câu bằng một cái chấm, tiếp theo là cái gạch, bắt đầu một mệnh đề khác. Dấu chấm là ký hiệu cú pháp (văn phạm) dấu gạch là ký hiệu bút pháp (hay thi pháp), hai yếu tố đó đồng quy và nghệ thuật thơ Huy Cận, tinh vi, uyên bác. Kỹ thuật này, các nhà thơ Pháp vẫn sử dụng. Có lần tôi trích dẫn câu này, nhưng nhà in bỏ quên chấm-gạch, nhà văn họa sĩ Võ Đình đã viết thư nhắc nhở. Tôi có đưa thư cho Huy Cận xem, anh rất tâm đắc. Nhưng trong các văn bản lưu hành hiện nay, chỉ có gạch mà không có chấm. Trong tuyển tập mới nhất, Huy Cận – Đời và Thơ, câu thơ không chấm gạch gì ráo.

1939, Huy Cận đỗ Tú Tài, ra Hà Nội học Nông Lâm. Dạo chơi trên đê sông Hồng, miệt Chèm, Vẽ, nhìn cảnh «  bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài » anh đã cảm hứng làm bài thơ Tràng Giang được truyền tụng qua nhiều chế độ và thế hệ. Anh cho biết « Bài thơ cũng không chỉ do sông Hồng gợi cảm mà còn mang cảm xúc chung về những dòng sông khác của quê hương ». Anh đã làm lại bài thơ nhiều lần, dưới nhiều thể : lục bát, đường luật «  để có một Tràng Giang hoàn chỉnh, tôi đã sửa đi sửa lại 13 bản thảo » . Nhiều người biết bài này, nhưng có khi nhớ không đúng hai câu :

Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, – bến cô liêu

Giữa câu sau, có cái phẩy, rồi tiếp theo một gạch ngang. Ấn bản Đời Nay, 1940, cũng thiếu gạch ngang. Tôi dựa theo bản chép tay của Huy Cận, in tại Paris, 1983. Bản Đời Nay, bài Tràng Giang mang lời đề tặng Trần Khánh Giư. Bản Đời và Thơ, Hà Nội, 1999, bài Tràng Giang được xếp đầu tiên, vẫn còn ghi lời tặng Khái Hưng, bút hiệu của nhà văn lừng danh tên thật là Trần Dư, hay Khánh Giư, bị Việt Minh thủ tiêu năm 1947.
Huy Cận là người chung thủy. Những khi « nắng mưa là bệnh của trời » cho phép, tâm hồn anh có lúc ngời lên những ánh thủy chung kỳ lạ.

Một năm sau Tràng GiangLửa Thiêng, in xong tháng 11 năm 1940. Xuân Diệu đã xuất bản Thơ Thơ trước đó hai năm rồi tái bản, thời điểm này là giai đoạn lý tưởng của phong trào Thơ Mới. Nó đạt tới sự đồng thuận giữa nghệ thuật người viết đã chín muồi và sức tiếp thu của người đọc cũng nồng hậu, cho nên Lửa Thiêng đã được tiếp đón nhiệt tình.

Khó nói được rằng Huy Cận tài ba hơn các nhà thơ khác, nhưng anh đã bước vào lịch sử thơ ca vào những ngày Tiên tháng Phật.
Khó nói được là Lửa Thiêng hay hơn các thi phẩm khác nhưng nó đã tổng hợp được nhiều đặc sắc của phong trào Thơ Mới và đồng thời loại trừ được các vụng về thô tháp trước đó. Là một giá trị tổng hợp, Lửa Thiêng còn nâng cấp nền Thơ Mới vì bản chất trí tuệ và ý thức nghệ thuật của Huy Cận, như anh tự nhận định : « giọng điệu triết lý về cuộc đời, về con người, về vũ trụ của tôi » .

Theo thư tịch, thi phẩm thứ hai của Huy Cận là Vũ Trụ Ca, các thư mục đều có ghi 1942. Và tác phẩm cũng lừng danh, dù… chưa bao giờ được xuất bản ! Nằm trong dự tính của tác giả, nó bao gồm một số bài đăng rải rác trên các báo Thanh Nghị, Điện Tín…, nổi tiếng là bài Xuân Hành, rồi đến Áo Xuân, làm 1942, hơi thơ, nhịp thơ trầm hùng, khỏe mạnh, có âm hưởng những hoạt động chính trị.

Sau 1945, suốt thời kỳ chống Pháp, Huy Cận ít làm thơ, chỉ có Giữa Lòng Thế Kỷ, làm tháng 8-1946 – trước ngày Toàn Quốc Kháng chiến – là đọc được. Mãi đến 1958 – 18 năm sau Lửa Thiêng – mới có tập Trời Mỗi Ngày Lại Sáng, sau đợt đi thực tế lao động tại Hồng Gai – sau phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Nổi tiếng là Đoàn Thuyền Đánh Cá. Sau đó thì Huy Cận sáng tác và xuất bản dồn dập, khoảng 25 tập thơ. Đề tài đa dạng, phần nhiều do thời sự đòi hỏi : thơ chiến đấu, lao động, sản xuất, mà chính bản thân anh về sau, cũng có khi không tâm đắc.

Khi Huy Cận đề cập đến thiên nhiên, trời biển, vũ trụ, làng xóm, quê hương, kỷ niệm ấu thời, khi anh lừng khừng triết lý trong một thi pháp già dặn thì vẫn chinh phục người đọc công bình – nghĩa là không có thành kiến với người làm thơ quyền chức và tùy thời. Hai tập Hạt Lại Gieo (1984), Chim Làm Ra Gió (1989) có nhiều bài đáng ghi nhớ.

Huy Cận là người sáng suốt : những bài thơ tầm thường thì anh biết là tầm thường và rất khổ tâm khi các nhà phê bình mang ra ca ngợi. Có lần anh nói với tôi : « thơ dở như thế mà họ khen, làm người đọc thắc mắc : những câu không được khen thì còn dở đến chừng nào ».
Huy Cận tổng luận về mình : « Dòng thơ tôi luôn luôn nhất quán, đó là thơ của cuộc đời, của con người, lúc buồn nhất cũng không lạc vào thơ Loạn, thơ Điên. Trong thơ tôi, cảm xúc vũ trụ rất đậm nét, nhưng hòa quyện với cảm xúc về cuộc đời (…)
Con người là thành viên của xã hội loài người, nhưng cũng là thành viên của vũ trụ, của thiên nhiên. Bởi vậy trong mỗi con người còn có, nên có, phải có những cảm xúc vũ trụ » .

Đây là chân lý đơn giản và hiển nhiên, nhưng không phải ai cũng nghĩ ra ; và khi đã nghĩ ra thì không phải ai cũng có khả năng phát biểu. Người có quyền, có khi lại không nghĩ ra điều gì, và khi chợt nghĩ ra thì không dám sử dụng cái quyền phát biểu của mình.

Huy Cận là một tài năng lớn, đã có những đóng góp quan trọng cho phong trào Thơ Mới. Sau này, phần đóng góp của anh, về mặt nghệ thuật, dù từ tốn hơn vẫn đáng quý, dù nó khó được nhận ra trong đống vàng thau lẫn lộn. Và khó nhận ra hơn nữa, vì những thành kiến. Con người sống trên thành kiến. Nước nào cũng vậy. Riêng Việt Nam, lịch sử đã lạm phát rồi củng cố thành kiến. Với nhau, nói chuyện gì cũng khó ; nói về người nào đó, càng khó.

*

Sinh thời, Huy Cận mong sống tròn thế kỷ :

Gắng theo hết thế kỷ hai mươi

Nay thế kỷ mới đã lên 5, có thể nói vui, theo điệu hài hước của anh lúc sinh thời, là anh đã « vượt biên ». Huy Cận đã hoàn tất những nhiệm vụ lớn, mà anh đã tự gánh lấy, hay đời đã trao cho, như anh đã từng cầu mong :

Rồi một ngày kia giã cõi này
Xin cho gieo hết hạt trong tay

Và giờ đây anh đang phiêu diêu về Miền Lặng Lẽ. Có bờ xanh, có bãi vàng, nữa chứ !

Bãi biển cuối hè dần vắng lặng
Vô tâm biển vẫn đẹp tưng bừng
Mai đây ta vắng, đời không vắng
Vũ trụ điềm nhiên đẹp dửng dưng

Một chiếc linh hồn nhỏ, một không gian hồn hậu rất thơm tho, điềm nhiên tan vào vũ trụ đẹp dửng dưng.

Đẹp. -Và dửng dưng.

Đặng Tiến
Orléans, 25/2/2005