Hiện nay học thể dục thể thao, ở Mỹ gọi là PE (viết tắt physical education), là một khía cạnh quan trọng của giáo dục học đường. Cứ gần hết mùa hè là bác sĩ nhi khoa chúng tôi cứ phải bận rộn làm “physical”, nghĩa là khám sức khỏe cho các cháu và chứng nhận các cháu đủ sức khỏe để tập thể thao, chơi một môn nào đó. Các cháu bên Mỹ chơi đủ thứ, từ môn giản dị như chạy đua (tract), tennis đến football, hockey, wrestling những thứ mà tôi lờ mờ chẳng biết chơi và luật lệ ra sao. Nhưng cứ khám các em là lại nhớ đến ngày xưa mình học thể thao ở trường.
Bản thân tôi chưa bao giờ giỏi môn thể thao nào cả. Ở tiểu học trường Thanh Long, thấy các trẻ khác chơi ù mọi, đá banh trong sân trường thì cũng thèm lắm nhưng không biết chơi, không dám nhập cuộc. Về những môn như đá banh, bóng bàn, tập tạ thì các anh của tôi rất giỏi nhưng các anh lớn lên hết rồi, không còn ai ở nhà dạy cho mình chơi những thứ ấy nên cái vòng lẫn quẫn, cù lần vẫn cứ cù lần. Đến lúc tôi vào trường Collège Francais de Tourane, tiếng Pháp thì còn sơ sài, lại còn lạ nước lạ cái, chắc tôi cũng có ráng sức ì ạch chạy theo các bạn khác phần đông nhỏ con nhưng lớn tuổi hơn mình trong sân trường rộng lớn. Thầy Brachet vẫn còn thấy ghi trong học bạ : “Assez bien pour son âge , ne doit pas forcer”. Nghĩa là cũng thấy tội nghiệp, nhưng không khuyến khích hoặc cố gắng giúp đỡ.
Đến năm sixième, chúng tôi được học với thầy Đoàn Khắc Trung là thầy éducation physique mới. Tôi không nhớ thầy từ đâu tới, tôi chỉ biết thầy người miền Trung, và trường giao gia đình thầy một căn nhà nhỏ biệt lập, hình như chung quanh có hàng rào cao, xế rạp hát Văn Cầm trên đường Độc Lập, mỗi chiều chuá nhật đi xem xi nê hay đi phố thì đi ngang qua nhà thầy. Thầy thuộc nhóm những giáo sư địa phương có lẽ không có quốc tịch Pháp như các giáo sư khác, hoặc không nói tiếng Pháp giọng chính quốc như Cô Viên dạy Sciences Naturelles. Hồi đó, học trò chúng tôi cũng không ít thì nhiều cảm nhận được rằng có thể có một sự thiệt thòi, phân biệt đối xử đối với những giáo sư Việt nam như thầy trong một môi trường người Pháp. Chúng tôi cũng lờ mờ biết lương các thầy thấp hơn lương các giáo sư từ metropole rất xa, tuy có thể cao các đồng nghiệp trường chương trình Việt, và có thể tiếng nói của thầy, lại là thầy thể thao, trong hội đồng khoa cũng yếu hơn.
Riêng tôi, một đứa học trò , tuy giỏi trong các môn khác, rất kém cỏi và bị bỏ quên trong những môn thể thao. Thầy Trung lại là một trong những vị thầy quan trọng nhất của đời đi học của tôi. Thầy Trung đã khuyến khích đứa học trò “lẹt đẹt” này trong những môn mà tôi có thể khá được. Thầy cổ võ lúc tôi cố gắng đu đưa bám vào sợi dây thừng lể leo cho đến bục trên cao và cho tôi một lời khen làm tôi hãnh diện lúc tôi hòan thành được mục tiêu (tuy hơi chậm). Trong môn nhảy cao và ném tạ, cũng nhờ sự khuyến khích của thầy mà tôi khá hẳn lên, một phần vì tôi cao to hơn một số bạn khác (tuy nặng nề hơn). Những chuyện nhỏ nhặt như vậy giúp cho tôi cảm thấy thích thú hơn khi ra sân giờ education physique và cũng nhờ đó giúp cho tôi có thái độ tự tin hơn trong cuộc sống nói chung. Mấy chục năm sau nhìn lại, tôi tự hỏi lòng ưu ái với một đứa học trò “underdog” như thế có phải chỉ xuất phát từ lòng tận tụy với nghề hay không, hay không ít thì nhiều thầy thông cảm được với kẻ yếu đuối nhờ chính thầy đã trải nghiệm những thiệt thòi trong cuộc sống.
Hồi đó, thi Brevet muốn khỏi bị điểm thể thao dìm thấp điểm các môn khác thì xin bác sĩ chứng cho là mình không đủ sức khoẻ. Tôi được bác sĩ Tôn Thất Hạng, thân phụ BS Tôn Nữ Cẩm Vân dễ dãi chứng là “inapte”. Thế là tôi “thoát”, nhưng tôi đoán Thầy Trung không vui khi biết tôi đào ngũ kiểu đó. Thôi thì “nhân vô thập toàn”. Sau này đi Sài gòn học y khoa, năm năm tôi vẫn viết thơ chúc Tết thầy và thầy luôn luôn lịch sự vui vẻtrả lời đứa học trò xưa còn nhớ đến mình. Đứa học trò này không học được nhiều về đá banh, leo dây, ném tạ, nhưng mấy mươi năm sau, điều mà tôi vẫn ghi nhớ với lòng biết ơn là bài học của sự tự tin, sự cố gắng và nhất là về tác dụng kỳ diệu của lòng tận tụy và những lời khuyến khích của một người thầy giáo trên suốt cả cuộc đời của một đứa học trò.
.
Great Falls, Virginia
Ngày 2 tháng 11 năm 2007
Hồ Văn Hiền
.