Chuyện Tình bằng Thơ


CÁC ÔNG, CÁC BÀ Ở SÀIGÒN XƯA



Chuyện rằng từ thuở xa xưa

Ông bà ta đã dây dưa ái tình

Bởi thế nên truyện kể rằng:


Ngày xưa...,

ở xứ có tên Sè-Gòn:



Ông Lãnh, Ông Tạ, Ông Đồn


Ba người bạn thiết sớm hôm một nhà


Ông Lãnh bản chất thiệt thà

Thầm yêu nét đẹp mặn mà Bà Đen


Núi Bà Đen


Nhưng nào ông dám bon chen


Sáng đêm chong đèn nhung nhớ thiết tha


Ông Đồn bản tánh nguyệt hoa


Chờ Ông Lãnh kẹt, cà rà Bà Đen


Mấy lần tối lửa tắt đèn...


Sinh ra bé gái đặt tên Thị Nghè 

Thị Nghè



Ông Lãnh nghe nói, thuê ghe


Đi thăm cho biết Thị Nghè ra sao


Ngó gần nó cũng bảnh bao


Nhìn xa nó cũng hao hao Ông Đồn


Bà Đen từ dạo sinh con


Vốn đã đen sẵn nay còn hơn xưa


Ông Đồn nhìn vợ hết ưa


Bỏ lên 
Long Khánh say sưa miệt mài


Bà Đen ngẫm nghĩ chán thay


Cũng đi lên núi đêm ngày thở than


Thương cho đứa cháu lầm than


Ông Lãnh hào hiệp cưu mang đem về


Buồn cho cuộc sống ê chề


Một già một trẻ bốn bề cô đơn


Ông bèn thẳng xuống Hốc Môn


Cưới luôn Bà Điểm để chôn cuộc đời


Chợ Bà Điểm




Qua bao vật đổi sao dời


Bà Đen ở vậy cho vơi nỗi lòng


Chỉ còn Ông Tạ lông bông


Bạn bè lấy vợ nên chồng đã lâu


Cô Giang sắp sửa ăn trầu


Cô Bắc cũng đã từ lâu theo chồng


Ông bèn đi xuống Cầu Bông


Hỏi thăm Bà Chiểu có chồng hay chưa


Bà Chiểu nghe nói bèn thưa:


Chỉ còn Bà Quẹo là chưa có chồng


Bà Điểm tay bế tay bồng


Ngờ đâu Ông Tạ phải lòng Bà Hom


Ông bèn bao cuốc xe ôm


Về xin Cha Cả lo hôn lễ liền



Lăng Cha Cả


 Phụ rể có cậu Bảy Hiền


Nữ trang Chú Hỏa bạc tiền thiếu đâu


Bà Hạt thì làm phụ dâu


Chú Ía bưng quả, buồng cau, khay trầu


Bà Hom tròn mối duyên đầu


Thương cho Bà Quẹo âu sầu đắng cay


Ế chồng mấy chục năm nay


Chỉ vì cái tội thích hay làm tàng


Buồn cho nghiệp chướng bẽ bàng

Bà đành an phận chẳng màng hơn thua


Mặc cho thế sự ganh đua


Bà liền xuống tóc vô chùa Bà Đanh


Bỏ ngoài tai việc chúng sanh


Cam đành vui thú tu hành điền viên


Buồn nhất là ở Phú Yên


"Ông Chừ" hổng có tình duyên mặn mà


Tự trách số phận “con gà” (mắc dây thun)


Ông qua Ấn Độ theo “Bà La Môn”!!




Vô Danh